Tố tụng hình sự nước Mỹ khác hẳn pháp luật Việt Nam
Trà dư tửu hậu dịp ‘nghỉ lễ’, luật sư Lê Hùng kể chuyện hồi được ‘làm án’ ở xứ Cờ Hoa vào năm 1994, trong một khóa sang Mỹ để học và tìm hiểu về Luật pháp nước Mỹ. Khi đó, luật sư Hùng là ‘người của Sở Tư pháp TP.HCM”.
Mỹ không có Bộ Công an, chỉ có Cục trưởng FBI và Tư lệnh các bang trực thuộc Bộ Tư pháp, hoạt động độc lập với Chính phủ và Toà án.
Một tối, tôi nhận được điện thoại và 5 phút sau một xe cảnh sát đến đón, có hai cảnh sát một già, một trẻ đưa tôi về trụ sở FBI địa phương. Có một vụ cướp có vũ trang tại một siêu thị, cảnh sát đã bao vây. Các nhân viên FBI đang lấy vũ khí và áo giáp chống đạn. Hai cảnh sát chở tôi ngoài khẩu Glok (do Áo sản xuất) còn đút túi một khẩu như browning.
Bốn xe lao nhanh đến hiện trường (xe Ford 15 chỗ) qua giải ngăn hiện trường “Polise Stop” vào trong. Phía ngoài là cảnh sát địa phương và vô số xe đài TV địa phương ăng ten dựng tua tủa. FBI cho quân xông thẳng vào siêu thị, tôi cũng định xuống thì anh cảnh sát ngồi bên ngăn lại nói “no way!”. Không thấy có tiếng súng nhưng chừng 10 phút sau thì bốn nhân viên FBI dắt đối tượng ra, và quây bằng bốn khiên chống đạn để tránh các ống kính TV đang chĩa vào từ xa.
Tất cả các xe chạy về còn xe chở phạm và xe tôi chạy về Trại giam tiểu bang. Qua cổng chính các xe đỗ ngoài sân và tất cả phải bỏ lại vũ khí vào cốp xe, đi qua cửa an ninh dò kim loại, sau đó đứng dang tay dang chân để máy dò soát lại lần nữa. Lúc này mới vào trong trại giam khu hành chính.
Nghi phạm bị còng tay đưa vào hành lang có cửa sắt để vào buồng giam. Hai nhân viên FBI thì ra cửa ngăn có kính chống đạn để tường thuật lại vụ bắt giữ cho một nữ cảnh sát ngồi trong ghi bằng máy tính. Bản in được in ra và đưa cho anh cảnh sát khai báo một bản để ký tên, tôi được cầm xem.
Bản đó ghi rằng: mấy giờ? mấy phút ở đâu? Bắt nghi phạm trong siêu thị sau khi nhận được điện cho 911 rằng có tiếng súng trong siêu thị. Khi bắt nghi phạm không có súng, nghi phạm bị chảy máu đầu do ngã vào cạnh tủ. Chỉ vậy thôi!
Chúng tôi lại ngồi chờ! Ở một góc có cà phê nóng (loãng toẹt) bánh mì kẹp và bỏng ngô ai muốn ăn thì ra lấy.
Khi loa gọi, chúng tôi vòng ra cửa khác đi vào phòng rộng hơn. Có bục Toà án nơi một thẩm phán đang ngồi phía dưới là một cô thư ký ghi tốc ký. Lúc này đã gần 1 giờ sáng. Cảnh sát đứng ra tuyên thệ và kể lại như bản ghi. Nghi phạm được quyền im lặng hoặc nói. Ông thẩm phán hỏi: có đúng vậy không? Nghi phạm nói đúng như vậy chỉ sai là không phải ngã mà do cảnh sát đánh báng súng vào đầu.
Ông thẩm phán tuyên: vì nghi phạm đã có 1 tiền án về tội cướp giật, cảnh sát cũng đang khám nghiệm hiện trường nên nghi phạm bị tạm giam 30 ngày không được bảo lãnh, ngày xét xử sơ thẩm sẽ được ấn định trong 30 ngày kể từ hôm nay. Nói xong ông gõ búa kết thúc. Tôi cùng các cảnh sát ra về coi như xong nhiệm vụ.
Vì không có thời gian theo vụ án này nên phía Mỹ bố trí cho tôi gặp trước một Chánh án có hai vụ xử trong tuần: một vụ bình thường và một vụ trọng án. Ông Chánh án tiếp tôi rất vui vẻ và tự giới thiệu đã từng là cựu binh tại Việt Nam.
Dẫn tôi đi xem phòng xử , tôi ngạc nhiên là trong phòng xử trên bục thẩm phán chỉ có quốc kỳ Mỹ và 1 ghế cho Chánh án, hai bên tường treo đầy các quốc kỳ các nước. Ông bảo: Phòng xử của tôi nên ngoài bục xử tôi có quyền trang trí theo ý tôi. Quốc kỳ các nước trên tường là đánh dấu các nước ông đã đến? Vậy tại sao không có Quốc kỳ Việt Nam? Tôi vặn ông. Ông bảo: ông muốn quên thời gian đó đi vì đó là chiến tranh.
Vụ án thường. Khác với phim ảnh, các luật sư bên công tố và luật sư bên bào chữa không được phép đi lại hoa chân múa tay, chỉ được phép dời vị trí khi Chánh án cho phép để đưa tài liệu hoặc vật chứng đến gần bị cáo hoặc Thẩm phán nếu nhìn xa không thấy rõ. Trong phòng xử cũng không được phép quay phim, chụp ảnh hoặc ghi âm.
Khi tất cả đã ngồi vào vị trí, cảnh sát tư pháp vũ trang (biên chế của Toà) đứng trước bục dõng dạc: Nhân dân Mỹ tổ chức xét xử các bị can X, Y,Z . Phiên toà bắt đầu.
Ông Chánh án tiến ra ngồi vào vị trí rồi nói: sáng nay tôi sẽ xử hai vụ. Ngồi trên ghế bồi thẩm kia (ông chỉ về tôi) là một viên chức Việt Nam sang để tìm hiểu Luật tố tụng Hình sự nước Mỹ.
Vụ hôm đó xét xử một lái xe khi bị chặn xe đã bỏ chạy ra khỏi xe, cảnh sát nổ súng khiến anh ta bị thương vào bụng nhưng đã chữa lành vết thương.
Tôi để ý thấy tất cả các nhân chứng đều phải đặt tay lên Bộ luật Hình sự đã để sẵn và thề sẽ nói sự thật . Các nhân chứng buộc phải trả lời các câu hỏi. Còn bị cáo, họ có quyền im lặng nếu câu hỏi bất lợi cho họ.
Nhân chứng cảnh sát lên bục và khai lại sự việc và nói rằng anh ta nhằm bắn vào chân nhưng đạn ăn lên phần bụng, và chủ ý của anh ta không phải là tiêu diệt đối tượng.
Hai luật sư của công tố tranh luận và hỏi các nhân chứng và bị cáo, Toà án chỉ ngồi nghe và có chức năng điều khiển phiên toà và là trọng tài pháp luật. Tôi còn nhớ bà luật sư của bị cáo còn yêu cầu cảnh sát cung cấp giáo trình cũng như điểm số huấn luyện của anh cảnh sát nổ súng, vì cho rằng bắn trượt (yêu cầu này bị ông Chánh án bác bỏ).
Kết thúc phiên toà ông Chánh án tuyên bị cáo 2 năm tù và tuyên trả 50 ngàn US tiền bảo lãnh tại ngoại cho bị cáo, cảnh sát tư pháp tiến tới tháo thắt lưng, cà vạt và giầy của bị cáo (mặc thường phục tới toà) rồi dẫn ra bàn giao cho cảnh sát trại giam phía ngoài…
Vụ trọng án. Bị cáo mặc quần áo màu cam bị còng tay phía trước và xích chân, có hai cảnh sát tư pháp đứng phía sau. Cảnh sát giải thích với tôi quần áo màu đó đề phòng trốn chạy vẫn sẽ dễ bị phát hiện.
Mười hai bồi thẩm viên ngồi trên ghế bồi thẩm chỉ được nghe không được nói và hỏi. Nhiệm vụ của họ là đưa ra quyết định: bị cáo có tội hay không có tội. Còn mức án phụ thuộc vào Thẩm phán. Chánh án có thể nói mức án dự định sẽ tuyên với Bồi thẩm đoàn và cũng có thể không cần nói.
Sau khi nghe các bên, Bồi thẩm đoàn phải đưa ra quyết định bằng giấy cho Chánh án. Quyết định này phải là 100% nhất trí (nếu là án tử hình). Tôi hỏi nếu không phải là 100% thì sao? – Tôi sẽ nhốt họ lại đến khi có kết quả thì thôi – Ông Chánh án nói đùa như vậy.
Trước khi Toà xử trọng án, các công dân của tiểu bang sẽ được triệu tập khoảng 40 – 50 người và bốc thăm ngẫu nhiên để chọn ra 12 bồi thẩm viên và 3 dự bị. FBI sẽ xác minh công khai về các đương sự được lựa chọn. Do đó các bồi thẩm viên sẽ có thể là người bán hàng tạp hoá cùng một ông kỹ sư của NASA, bà bán thịt, ông bác sĩ… không phân biệt tôn giáo, quan điểm chính trị…
Thu nhập hàng ngày, hàng tuần thậm chí hàng tháng trời của các công dân sẽ được ngân sách tiểu bang trả và các công dân sẽ không bị mất việc tại nơi đang làm.
Các bồi thẩm viên sẽ được cách ly lập tức tại khách sạn hoặc nhà công vụ, được gặp người nhà dưới sự giám sát của cảnh sát, được đọc báo (tất nhiên bị cắt các bài liên quan đến vụ án) đó là luật.
Các luật sư bên công tố và bên bào chữa biết rõ luật này nên rất hãn hữu xin thay đổi Bồi thẩm đoàn . Gần đây tôi mới thấy có thay đổi được chấp nhận khi xử những vụ án có người da màu. Toà án Mỹ cũng rút kinh nghiệm ngay khi chọn Bồi thẩm để lựa tỉ lệ 50/50. Có nghĩa là Đoàn bồi thẩm sẽ có 50% da trắng và 50% da màu.
Vụ trọng án tôi tham dự kéo dài ba ngày với kết quả bị cáo bị tuyên: Tù chung thân không được hưởng ân xá.
Kết luận: Tố tụng hình sự nước Mỹ khác hẳn pháp luật Việt Nam: Quá trình điều tra, truy tố, xét xử diễn ra cùng một lúc và công khai tại Toà án. Cảnh sát chỉ là một nhân chứng không có quyền hỏi tại Toà việc điều tra, và hỏi cung của cảnh sát chỉ nhằm để điều tra và bắt tội phạm, không có giá trị như một bản cung, cảnh sát chỉ thu thập chứng cứ và làm chứng trước Toà.
Công tố chỉ được dựa vào chứng cứ để kết tội không tham gia vào điều tra. Toà án là nơi quyết định bắt giữ, khám nhà… và chỉ duy nhất là nơi phán quyết bản án dựa theo án lệ, dựa theo nguyên tắc chung của Luật Hình sự. Toà án cũng không xét hỏi các bị cáo, nhưng có quyền bác bỏ hoặc chấp nhận các đề nghị của các bên.
Nói dối sau khi tuyên thệ được coi là trọng tội có thể bị phạt tù ngay lập tức và chỉ cần một điều nói dối tất cả các điều khác sẽ bị bác bỏ. Điều này áp dụng với tất cả các thành phần tham gia phiên toà…
https://vietnamthoibao.org/vntb-luat-su-viet-lam-an-o-my/
Không có nhận xét nào