Tuần báo Đuốc Tuệ, Tuần báo Hải triều âm, tuần báo Thiện mỹ, nhật báo Chánh Đạo, nhật báo Đất Tổ, nguyệt san Vạn Hạnh, nguyệt san An Lạc, nhà xuất bản Lá Bối… là những sinh hoạt dân sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất dưới thời Việt Nam Cộng Hòa.
Vào ngày 14-5-2021, Văn phòng Viện Tăng thống có email gửi đến nhiều tổ chức tôn giáo, tổ chức xã hội dân sự về Thông bạch số 10VTT/VP do Tỳ kheo Thích Tuệ Sỹ ký ngày 10-5-2021, Phật lịch 2564, năm Tân Sửu.
Gửi kèm còn có biên bản hội thảo “Hội nghị toàn thể Hội đồng phiên dịch Tam Tạng”, tổ chức vào các ngày 20, 21, 22 tháng 10-1973 tại Đại học Vạn Hạnh.
Thông bạch số 10VTT/VP cho biết, “Với sứ mạng hoằng dương Chánh pháp, Chư tôn Trưởng lão lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại các châu lục, ngày 20/4/2021, cùng hội họp qua mạng trực tuyến viễn liên, với sự tán trợ của Viện Tăng Thống theo di chúc của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống, đồng thanh quyết định thiết lập Hội đồng Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất”.
Thông bạch có đoạn ghi: “Thành lập a. Ban Truyền bá giáo lý (Giảng sư và Giáo thọ), b. Ban Báo chí & Xuất bản, c. Ban Bảo trợ. Các ban này, cùng với sự đóng góp của các Cư sĩ, có phận sự nghiên cứu tập quán và xu hướng tư duy của các thành phần xã hội thay đổi do ảnh hưởng bởi các biện pháp chống dịch, đồng thời đề xuất các phương tiện truyền thông, các kỹ thuật hiện đại thích hợp để quảng diễn, phổ biến sâu rộng tinh hoa giáo nghĩa trong các cộng đồng dân tộc đa dạng về truyền thống văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo, bản sắc dân tộc; dễ tiếp thu, và dễ hành trì, vì lợi ích và an lạc của mỗi cá nhân, vì thăng tiến của các cộng đồng xã hội”.
Tỳ kheo Thích Tuệ Sỹ đã giải thích như sau về các yêu cầu trên, xin được trích giới thiệu đến quý bạn đọc trang Việt Nam Thời Báo:
“Chúng ta đang đứng trước một khúc quanh gấp của lịch sử nhân loại.
Đại dịch Covid-19 đã khép kín mỗi cá nhân trong một không gian chật hẹp, cách ly xã hội, cô lập cá nhân, cách ly cả những người thân yêu. Nó đã tạo ra những khủng hoảng tâm lý trầm trọng trong nhiều thành phần xã hội.
Một số đông bị quẫn bức, không thể tự kềm chế, bỗng chốc trở thành con người bạo lực, gieo kinh hoàng cho xã hội. Một số khác, có lẽ là số ít, mà phần lớn trong đó là thanh thiếu niên, khởi đầu cũng chất đầy oán hận trong lòng, nhưng rồi trước ngưỡng sinh tử sự đại, tự mình phấn đấu tự kềm chế, cuối cùng đã khám phá chính mình, trong trình độ nào đó, với những giá trị nhân sinh chỉ có thể tìm thấy trong những cơn tư duy thầm lặng.
Giá trị nhân sinh không thể tìm thấy bằng những cao trào kích động của tuổi trẻ.
Thế hệ ấy sẽ làm thay đổi hướng đi của lịch sử Đông Tây qua hai nghìn năm kỷ nguyên văn minh Cơ-đốc, khi mà tín đồ có thể liên hệ trực tiếp với đấng Chí Tôn của mình qua mạng truyền thông, không cần qua trung gian các giáo sĩ, trong các Thánh lễ phụng tự.
Khi mà trẻ nhỏ, lên năm lên bảy, có thể biết rõ trên sao Hỏa có gì, lên tám lên mười, có thể biết rõ tuổi nào được tính là thế hệ X, thế hệ Y, thế hệ Z, và cá tính của các thế hệ này là gì, và tuổi nào sẽ là thế hệ thế Alpha. Các nhà kinh tế học, các chủ doanh nghiệp sản xuất, đang nghiên cứu sản phẩm nào thích hợp cho thế hệ này, thế hệ kia, hiện tại và tương lai.
Trong một bối cảnh xã hội có thể diễn ra, tám muôn bốn nghìn pháp uẩn mà Đức Thế Tôn đã truyền dạy cần được diễn giải như thế nào, bằng các phương tiện và kỹ thuật hiện đại như thế nào, để các thế hệ tương lai có thể tiếp thu và hành trì một cách có hiệu quả, vì lợi ích và an lạc của các cộng đồng dân tộc, trong một thế giới hòa bình, bao dung và nhân ái.
(…)
Phật sự trọng đại này không thể đảm trách chỉ bởi một cá nhân, hay một hội đoàn riêng lẻ, mà phải là sự nghiệp chung của bốn chúng đệ tử.
Vì lợi ích an lạc và cứu cánh giải thoát của mỗi cá nhân, tự mình học hỏi, thông hiểu giáo lý, tự mình tu luyện bản thân, và đồng thời trao truyền những ích lợi thiết thực mà bản thân đã thể nghiệm qua quá trình tu học, vì lợi ích và an lạc của nhiều người, của các cộng đồng dân tộc và xã hội.
Do vậy,
Từ Văn phòng Viện Tăng Thống, tuy chỉ tồn tại trên danh nghĩa, trong phận sự bảo trì ấn tín của Viện Tăng Thống, kế thừa tâm nguyện của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống qua phú chúc di ngôn của Ngài trước ngày thị tịch;
Chúng tôi trên nương tựa uy đức Tăng già và đạo lực gia trì của Chư tôn Trưởng lão, kính gởi đến Chư tôn Hòa Thượng, Chư Thượng tọa, Đại đức Tăng-già nhị bộ, cùng tất cả bốn chúng đệ tử, tâm nguyện Bồ-đề được thể hiện qua các kỳ họp đã nêu, ước mong tất cả bằng Bồ-đề nguyện và Bồ-đề hành, bằng đức lực, trí lực, và tài lực, với hằng tâm và hằng sản, đồng tâm nhất trí góp phần công đức vào sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh mà Chư Thánh Đệ tử, Lịch đại Tổ sư, bằng hùng lực và trí tuệ, bằng từ bi và nhẫn nhục, khoan dung, trải qua vô vàn gian nan chướng duyên trở ngại, đã mang ngọn đèn chánh pháp đến những nơi tăm tối, cho những ai có mắt để thấy, dựng dậy những gì đã sụp đổ, dựng đứng những gì đang nghiêng ngả”.
***
Điểm qua một vài ấn phẩm báo chí của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
Tuần báo Đuốc Tuệ.
Xuất hiện sớm nhất sau khi kết thúc vụ Pháp nạn năm 1963 là tuần báo Đuốc Tuệ, tiếng nói của Phật giáo miền Vĩnh Nghiêm trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất.
Tuần báo Đuốc Tuệ ra ngày thứ bảy hàng tuần, số đầu tiên phát hành ngày Rằm tháng Giêng năm Giáp Thìn (27-2-1964) do Thượng tọa Thích Chính Mệnh làm chủ nhiệm, Thượng tọa Thích Đức Nghiệp làm Chủ bút, Thượng tọa Thích Huyền Minh làm quản lý.
Ban đầu tòa soạn báo đặt tại chùa Giác Minh là trụ sở của Hội Tăng già Bắc Việt tại miền Nam. Về sau, khi chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng xong trên đường Công Lý (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa) thì báo quán Đuốc Tuệ được dời về đó.
Thành phần quản lý tờ báo cũng thay dổi theo từng thời kỳ và có lúc Thượng tọa Thích Thanh Kiểm được giao nhiệm vụ Chủ nhiệm kiêm Chủ bút. Nội dung của Đuốc Tuệ cũng bao gồm những vấn đề về Phật pháp, về giáo lý phổ thông, đăng tải từ điển về Phật học… bên cạnh việc giới thiệu văn hóa và nghệ thuật Phật giáo trên thế giới, đặc biệt là văn hóa Phật giáo Nhật bản.
Về sau, Đuốc Tuệ có giới thiệu các bộ Luận Phật giáo, kể về cuộc đời của các vị Thánh tăng Ấn Độ thời đức Phật còn tại thế…Về văn học nghệ thuật, Đuốc Tuệ cũng có truyện ngắn, thơ, văn, tùy bút và đặc biệt là các trang về Thiếu nhi và Gia đình Phật tử. Đuốc Tuệ phát hành được 80 số liên tục trong ba năm, đình bản vào ngày 15-4-1967.
Tuần báo Hải Triều Âm.
Đây là cơ quan Văn nghệ – Thông tin – Nghị luận do Viện Hóa đạo chủ trương, ra mắt số đầu tiên vào ngày 21-4-1964. Tuần báo này được giao cho Tỳ kheo Thích Hộ Giác thuộc Phật giáo Nam tông làm Chủ nhiệm, Thượng tọa Thích Nhất Hạnh thuộc Thiền tông Lâm Tế làm Chủ bút, và cư sĩ Võ Đình Cường là Thư ký Tòa soạn.
Hải Triều Âm quy tụ được những cây bút viết nghị luận và nghiên cứu có tiếng thời bấy giờ như Nguyễn Đăng Thục, Lê Văn Siêu, Thạch Trung Giả, Thích Mãn Giác…
Trong một thời gian dài, những bài viết có tính cách nhìn lại phong trào tranh đấu giành quyền bình đẳng tôn giáo đã được đăng tải, bên cạnh đó nhiều tài liệu liên quan đến tình trạng đàn áp tôn giáo dưới thời Ngô Đình Diệm cũng được đưa ra để minh chứng cho phản ứng của Phật giáo đồ miền Nam là thích đáng.
Báo cũng đưa các tin tức liên quan đến những hoạt động của Giáo hội và các tổ chức quần chúng Phật giáo trên cả nước. Ngoài ra, phần văn nghệ cũng rất sống động với sự góp mặt của những cây bút mới.
Quan điểm và thái độ của Phật tử trước những biến động liên tiếp trong việc thay đổi thành phần lãnh đạo miền Nam lúc bấy giờ cũng được trình bày bằng những bài viết mạnh mẽ tố cáo chính sách kỳ thị tôn giáo của những nhà cầm quyền quân nhân và dân sự nối tiếp nhau.
Tuần báo Thiện Mỹ.
Vào tháng 10 năm 1964, tuần báo Thiện Mỹ cũng do Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chủ trương, nhưng được nêu rõ là hoạt động với mục tiêu hiện đại hóa Phật giáo và vận động xây dựng văn hóa dân tộc.
Tuần báo này do cư sĩ Lê Văn Hiến làm Chủ nhiệm, nhưng cũng do Thiền sư Nhất Hạnh làm Chủ bút và Cư sĩ Võ Đình Cường làm Tổng Thư ký.
Có thể nói Thiện Mỹ bám sát hai mục tiêu hoạt động của báo. Về mặt hiện đại hóa Phật giáo, Thiện Mỹ đăng tải loạt bài “Đạo Phật đi vào cuộc đời” của Nhất Hạnh, và đưa ra những bài nghị luận về mọi vấn đề của tôn giáo liên quan tới thời cuộc, thể hiện ước muốn xây dựng một xã hội Phật giáo tiến bộ đồng thời nêu rõ khát vọng hòa bình của dân tộc.
Về mặt xây dựng văn hóa dân tộc, những bài khảo luận và nghiên cứu của các tác giả như Tam Ích, Thiếu Sơn, Nguyễn Khắc Kham, Võ Đình Cường… nêu lên những nét hay nét đẹp trong nền văn hóa cũ nhưng cũng nhẹ nhàng phê, bác những điều bị coi là mê tín dị đoán, là hủ tục cần phải thay thế, cho thấy những người viết muốn đưa ra một sự so sánh để chỉ rút tỉa và gìn giữ làm tỏa sáng những gì là tinh hoa của văn hóa Việt Nam.
Ngoài việc truyền bá giáo pháp trong ý hướng làm mới tinh thần học Phật, Thiện Mỹ luôn trình bày suy tư của người Phật tử Việt Nam trong buổi đương thời qua hình thức truyện ngắn, thi ca, tùy bút, hồi ký, ký sự… khiến nội dung Thiện Mỹ được đánh giá là hấp dẫn và phong phú.
Có thể nói Thiện Mỹ đã góp một phần không nhỏ trong việc tạo nên một không khí lãng mạn trong việc nghiên cứu Phật học cũng như trong việc làm mới ngôn ngữ báo chí và văn học Việt Nam.
Nhật báo Chánh Đạo.
Chánh Đạo, một tờ báo hàng ngày phát hành vào sáng sớm đăng tải cập nhật mọi tin tức thời sự trong và ngoài nước, kể cả tin tức chiến sự ở những vùng đang có tranh chấp, có khuôn khổ lớn như mọi tờ nhật báo thời bấy giờ.
Chánh Đạo được giao cho Tỳ kheo Thích Hộ Giác làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút, đã xây dựng được một lực lượng làm báo chuyên nghiệp, mua tin của các hãng thông tấn ngoại quốc và Việt tấn xã hoặc đón nhận tin tức được truyền qua các đài phát thanh BBC, VOA hàng ngày.
Ngoài phần tin tức, Chánh Đạo cũng có các bài xã luận, các phóng sự điều tra, những chuyên mục văn nghệ và chuyên mục về Phật học. Chánh Đạo nêu mục tiêu hoạt động của báo là cơ quan tranh đấu cho lẽ phải và công lý.
Nhật báo Đất Tổ.
Song song với Chánh Đạo, lúc bấy giờ Tổng Vụ Thanh Niên là một trong 11 vụ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất do Thượng tọa Thích Thiện Minh làm Tổng Vụ trưởng, có đỡ đầu cho ra đời một tờ nhật báo của giới sinh viên Phật tử là tờ Đất Tổ, ban đầu do Lê Văn Hòa làm chủ nhiệm và Huỳnh Bá Huệ Dương làm quản lý.
Đất Tổ là một nhật báo khổ lớn hoạt động theo tiêu chí là tiếng nói của tình thương và đoàn kết, phát hành số đầu tiên ngày 12-5-1965, cũng đăng tải tin tức thời sự trong và ngoài nước và tin chiến sự, nhưng chỉ được một tháng sau phải đình bản vào ngày 12-6-1965.
Đến ngày 20-8-1965 nhân kỷ niệm 2 năm ngày chùa Xá Lợi bị tấn công, Đất Tổ lại tục bản, lần này do Huỳnh Bá Huệ Dương làm Chủ nhiệm và Nguyễn Phúc Bửu Hồ làm Chủ bút.
Ngoài tin thời sự, Đất Tổ đăng tải nhiều bài nghị luận về việc xây dựng các đoàn thể thanh niên Phật tử, hồi ức về sự hy sinh của sinh viên và học sinh Phật tử trong thời kỳ Pháp nạn 1963, kêu gọi sự đoàn kết thanh niên.
https://vietnamthoibao.org/vntb-ho-so-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-thong-nhat-tai-lap-ban-bao-chi-va-xuat-ban/
Không có nhận xét nào