Khả năng miễn dịch của vắc-xin COVID-19 do hãng Sinopharm (Trung Quốc)
sản xuất đã vấp phải nghi ngờ sau khi các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống
nhất (UAE) và Bahrain thông báo sẽ tiêm liều thứ 3 cho những ai đã tiêm 2
liều vắc-xin nói trên sau 6 tháng. Còn nhớ vào ngày 10/4/2021, tại Hội
nghị Quốc gia về vắc-xin và Sức khỏe, Gao Fu (Cao Phúc), Giám đốc Trung
tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc cũng đã thừa nhận
rằng vắc-xin Trung Quốc không có hiệu quả cao và phải được cải thiện
bằng cách pha trộn các loại vắc-xin sử dụng những công nghệ khác nhau.
Khả năng miễn dịch của vắc-xin Sinopharm bị nghi ngờ sau khi UAE, Bahrain nói sẽ tiêm liều thứ 3 |
Trên thế giới, các nước đang nghiên cứu xem có nên tiêm thêm liều vắc-xin để tăng khả năng miễn dịch hay không. Anh đã chính thức bắt đầu một cuộc thử nghiệm vào hôm 19/5 vừa qua để xem liệu những người đã hoàn thành chế độ tiêm chủng có cần tiêm thêm hay không, và sẽ tiêm loại vắc-xin nào cho họ.
Các giám đốc điều hành của Pfizer-BioNTech và Moderna cũng cho hay vào tháng trước rằng những người đã tiêm cả 2 liều vắc-xin của họ có thể sẽ cần tiêm thêm trong vòng 12 tháng, thậm chí có thể là hàng năm.
Vắc-xin của Trung Quốc đạt hiệu quả 79%, đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép sử dụng khẩn cấp, trong đó yêu cầu vắc-xin COVID-19 đạt hiệu quả ít nhất 50% và mang lại khả năng miễn dịch trong ít nhất 6 tháng. Trong một tuyên bố hồi đầu tháng, Sinopharm cho biết có hơn 200 triệu liều của họ đã được sử dụng trên toàn cầu.
Nikolai Petrovsky, nhà phát triển vắc-xin đồng thời là giáo sư tại Đại học Flinders ở Úc, cho biết: “Điều đáng lo ngại là những loại vắc-xin bất hoạt này có khả năng tạo miễn dịch rất yếu nên chúng cần dùng đến liều thứ 3 chỉ 6 tháng sau khi tiêm liều thứ 2. Vấn đề có thể xuất phát từ một lượng nhỏ protein đột biến có trong vắc-xin bất hoạt hoặc một loại tá dược yếu hơn được sử dụng để tăng hiệu suất của vắc-xin. Chúng ta có thể đạt được khả năng miễn dịch tốt hơn bằng cách trộn các loại vắc-xin sử dụng các công nghệ khác nhau, thay vì tiêm liều thứ 3. Theo kinh nghiệm của tôi, với các vắc-xin khác như viêm gan B, có rất ít lợi ích từ việc tiêm liều tiếp theo, vì vậy điều cần thiết là một cách tiếp cận mới”.
UAE đã tổ chức các cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối có quy mô lớn nhất đối với vắc-xin Sinopharm vào tháng 7/2020. Hiện loại vắc-xin này đang được sản xuất tại Abu Dhabi thông qua một liên doanh của Tập đoàn Quốc gia Trung Quốc Biotec (công ty con về vắc-xin của Sinopharm) và đối tác thử nghiệm G42 Healthcare.
UAE là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất trên thế giới, với gần 74% những người đủ điều kiện đã tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, nước này vẫn tiếp tục báo cáo hơn 1.000 ca nhiễm mới mỗi ngày.
Tính đến hôm 18/5, Trung Quốc đã sử dụng hơn 435 triệu liều vắc-xin COVID-19, hầu hết là loại vắc-xin bất hoạt. Ủy ban Y tế Quốc gia đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu cung cấp thông tin về khả năng tiêm liều vắc-xin bổ sung.
Không có nhận xét nào