Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ tư 12 tháng 5 năm 2021

    Israel cảnh báo chính quyền Biden dừng can thiệp để hạ nhiệt xung đột ở Jerusalem
    Điểm tin thế giới ngày Thứ tư 12 tháng 5 năm 2021

    Gần 500 quả rocket đã được bắn từ Gaza vào Israel, còn lực lượng vũ trang Israel đáp trả bằng các cuộc không kích vào 140 mục tiêu. Đã có một khu dân cư 13 tầng ở Gaza bị sập. Xung đột bắt đầu từ thứ Hai sau nhiều ngày đụng độ giữa người Palestine và cảnh sát ở Jerusalem. Truyền thông Palestine nói có 28 người chết; và ba người ở Israel cũng thiệt mạng.

    Giới chức Israel đang cảnh báo chính quyền ông Biden về sự can thiệp của Mỹ vào cuộc xung đột đang diễn ra tại nơi thánh địa của Jerusalem, theo Daily Wire đưa tin ngày 10/5.

    Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đã được người đồng cấp Israel Meir Ben-Shabbat nói rằng “sự can thiệp quốc tế là phần thưởng cho những kẻ bạo loạn Palestine và những người ủng hộ họ, những người đang tìm kiếm sức ép quốc tế đối với Israel”, Axios đưa tin hôm thứ Hai ngày 10/5.

    Ngày 9/5, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan đã nói chuyện qua điện thoại với Cố vấn An ninh Quốc gia Israel Meir Ben-Shabbat để bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng của Hoa Kỳ về tình hình ở Jerusalem, bao gồm các cuộc đối đầu bạo lực tại Nhà thờ Hồi giáo Haram al-Sharif và Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa trong những ngày cuối cùng của tháng Ramadan.

    Ông Sullivan cũng bày tỏ lo ngại về phản ứng của Israel đối với cuộc biểu tình vốn đã leo thang thành một cuộc bạo động tại các nơi thánh đường này.

    Người Palestine hô vang "đánh bom Tel Aviv" từ nơi giáo đường linh thiêng nhất của Do Thái giáo và từ nhà thờ Hồi giáo Al Aqsa.

    Đây không phải là về #SheikhJarrah mà là sự từ chối đối với sự tồn tại của nhà nước Israel. pic.twitter.com/gVT04S37cK

    - Emily Schrader - אמילי שריידר (@emilykschrader) ngày 8/5/2021

    Ông Sullivan, theo bản ghi nhớ cuộc gọi, “khuyến khích chính phủ Israel theo đuổi các biện pháp thích hợp để đảm bảo lễ kỷ niệm Ngày Jerusalem” được diễn ra trong hòa bình.

    Ông Ben-Shabbat đã phản ứng và nói rằng, Israel đang xử lý cuộc xung đột “từ vị trí chủ quyền và trách nhiệm, bất chấp hành động khiêu khích của người Palestine”.

    Cuộc xung đột lên đến đỉnh điểm của cuộc chiến pháp lý kéo dài hàng thập kỷ xung quanh quyền sở hữu hợp pháp các căn hộ ở khu Đông Jerusalem. Các tòa án phán quyết rằng các căn hộ của Sheikh Jarrah thuộc về chủ sở hữu người Do Thái, những người đã bị người Jordan cưỡng chế trong Chiến tranh giành độc lập năm 1948. Theo luật của Israel năm 1970, người Do Thái được phép đòi lại vùng đất Đông Jerusalem mà họ đã sở hữu trước năm 1948.

    Đây là cuộc khủng hoảng lớn đầu tiên giữa Israel và Palestine mà chính quyền Biden phải đối phó. Mặc dù phản đối trước động thái can thiệp của Hoa Kỳ vào cuộc khủng hoảng, người Israel đã thực hiện yêu cầu của Hoa Kỳ để giảm leo thang xung đột.

    Sau bốn năm gần như không bị chỉ trích bởi chính quyền Trump vì các hành động của họ ở Bờ Tây và Jerusalem, chính phủ Israel hiện phải đối mặt với một chính phủ Hoa Kỳ "khó tính" hơn nhiều.

    Ít nhất 215 người Palestine bị thương trong cuộc đụng độ giữa cảnh sát Israel và người Palestine ngày 10/5 tại Thánh địa Hồi giáo Al-Aqsa, trong đó có 153 người phải nhập viện, theo AP.

    LHQ lo ngại xung đột Israel và Hamas thành « chiến tranh quy mô lớn »


    Hôm nay, 12/05/2021, theo một số nguồn tin ngoại giao, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc sẽ họp khẩn, lần thứ hai trong vòng ba ngày, để bàn về xung đột gia tăng giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine. Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Cận Đông kêu gọi các bên chấm dứt « ngay lập tức » các hành động bạo lực.

    Trong một thông điệp trên Twitter tối hôm qua, 11/05, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc Tor Wennesland cảnh báo : « Leo thang xung đột này đang chuyển thành một cuộc chiến tranh quy mô lớn… Một cuộc chiến tại dải Gaza sẽ mang tính hủy diệt, và người dân thường sẽ phải trả giá ». Dải Gaza, rộng khoảng 360 km², là nơi cư trú của khoảng 2 triệu người Palestine, đa số sống trong nghèo khổ, tỉ lệ thất nghiệp lên đến 50%. Cuộc họp đầu tiên về xung đột Israel và Palestine của Hội Đồng Bảo An hôm thứ Hai đã không ra được tuyên bố chung, do sự lưỡng lự của Hoa Kỳ.

    Hôm nay, quốc vụ khanh đặc trách các vấn đề châu Âu của chính phủ Pháp, ông Clément Beaune, khẳng định đích thân tổng thống Mỹ cần can thiệp để chấm dứt xu thế bạo lực leo thang hiện nay giữa Israel và Palestine. Ông Beaune nhấn mạnh là Liên Âu và Hoa Kỳ cần phải cố gắng cùng với Israel và chính quyền Palestine « tìm ra một giải pháp trong những ngày tới ». Nhiều nguồn tin ngoại giao cho AFP hay, kể từ thứ Hai vừa qua, Liên Hiệp Quốc với trung gian của Qatar và Ai Cập đang vận động « các bên liên quan » gặp gỡ đàm phán xuống thang xung đột.

    Về triển vọng can thiệp của Mỹ, trả lời AFP, ông Aaron David Miller, vốn là một nhà đàm phán Mỹ về Cận Đông, cho rằng chính quyền Biden sẽ rất thận trong khi đưa ra quyết định, bởi « không hề có triển vọng nào » cho hồ sơ Israel – Palestine nhạy cảm này. Điều tốt nhất mà tổng thống Biden có thể làm được chỉ là góp phần làm « giảm bớt mức độ bạo lực ». Theo AFP, cánh tả trong đảng Dân Chủ cầm quyền muốn tổng thống Joe Biden có chính sách giữ khoảng cách rõ ràng với Israel, sau thời kỳ bốn năm cầm quyền của Donald Trump, vốn thiên hẳn về phía Israel.

    Ít nhất 40 người chết

    Theo Hamas, việc các lực lượng vũ trang của phong trào này pháo kích Israel kể từ tối thứ Hai là nhằm thể hiện « tình đoàn kết » đối với hơn 700 người Palestine bị thương trong các đụng độ cuối tuần qua, với cảnh sát Israel tại thánh đường Hồi giáo Al-Aqsa ở đông Jerusalem (Israel sát nhập từ năm 1967), cơ sở được coi là thánh địa thứ ba của đạo Hồi.

    Về tình hình tại chỗ, sáng hôm nay, quân đội Israel tiến hành không kích nhắm vào nhiều mục tiêu tại dải Gaza, khiến 35 người chết, trong đó có 12 em nhỏ. Tối hôm qua, không quân Israel đã phá hủy một tòa nhà 12 tầng, một trụ sở chính của phong trào Hamas, và một tòa nhà 9 tầng khác, với văn phòng của một đài truyền hình địa phương, nhiều căn hộ và cửa hàng. Bộ trưởng Quốc Phòng Israel, Benny Gantz, cảnh báo : đây mới chỉ là đợt tấn công đầu tiên, « còn nhiều mục tiêu khác trong tầm ngắm ». Ông Benny Gantz từng là chỉ huy quân đội Israel vào thời điểm chiến tranh Gaza năm 2014.

    Đêm hôm qua, lực lượng Hamas tiếp tục bắn vào nhiều thành phố, thị trấn trên lãnh thổ Israel, bao gồm cả Tel-Aviv, khiến ít nhất 5 người chết và khoảng 100 người bị thương. Tổng cộng hơn 1.000 đạn pháo bắn vào Israel, kể từ tối thứ Hai. Theo AFP, mức độ trả đũa lẫn nhau giữa hai bên có thể so với cuộc chiến tranh tại Gaza năm 2014.

    Mỹ gặp khó khăn về nguồn cung nhiên liệu sau vụ tấn công đường ống


    Các trạm xăng từ tiểu bang Florida đến Virginia, Mỹ bắt đầu cạn kiệt và giá tăng vọt vào ngày 11 tháng 5, sau khi tin tặc tấn công hệ thống đường ống dẫn nhiên liệu lớn nhất của Mỹ, do Công ty Colonial Pipeline điều hành, theo Reuters.

    Công ty theo dõi GasBuddy cho biết khoảng 7,5% trạm xăng ở Virginia và 5% ở Bắc Carolina không có nhiên liệu vào thứ Ba (11/5) khi nhu cầu tăng 20%, Giá đã tăng lên mức cao nhất trong hơn sáu năm và Georgia đã đình chỉ thuế bán hàng đối với khí đốt cho đến thứ Bảy để giảm bớt căng thẳng cho người tiêu dùng. Bắc Carolina đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

    Vào thứ sáu tuần trước, Colonial Pipeline (công ty cung cấp một nửa lượng xăng dầu cho bờ Đông nước Mỹ) đã đóng cửa đường ống sau khi tin tặc khóa máy tính của hãng và yêu cầu tiền chuộc. Hiện công ty đã bắt đầu giai đoạn khôi phục và hi vọng có thể nối lại các hoạt động từ cuối tuần này.

    Thượng nghị sĩ Rob Portman của Ohio, trong phiên điều trần tại Thượng viện về các mối đe dọa an ninh mạng hôm 11 tháng 5 cho biết: “Cuộc tấn công vào Colonial “ khả năng là cuộc tấn công gây thiệt hại nhất từ ​​trước đến nay đối với cơ sở hạ tầng quan trọng của Hoa Kỳ”.

    FBI đã cáo buộc một băng nhóm tội phạm bóng tối có tên là DarkSide thực hiện cuộc tấn công bằng ransomware. DarkSide được cho là có trụ sở tại Nga hoặc Đông Âu.

    Ransomware là một loại phần mềm độc hại được thiết kế để khóa máy tính bằng cách mã hóa dữ liệu và yêu cầu thanh toán để lấy lại quyền truy cập.

    Đại sứ quán Nga tại Mỹ bác bỏ đồn đoán rằng Moscow đứng sau vụ tấn công. Tổng thống Joe Biden trước đó một ngày cho biết cho đến nay không có bằng chứng nào cho thấy Nga có liên quan.

    Đức ngày càng tham vọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

    Hôm nay, nội các Đức sẽ thông qua một bản sửa đổi triệt để luật chống biến đổi khí hậu của nước này. Các bộ trưởng sẽ thông qua một mục tiêu giảm phát thải carbon đầy tham vọng cho năm 2030 (giảm 65% so với mức năm 1990, tăng từ mục tiêu 55%), đặt mục tiêu cho năm 2040 (88%) và kéo đề xuất năm trung hòa carbon ròng lên 2045 (so với mốc 2050 trước kia). Những quyết định này, vốn đưa Đức vào vị trí tiên phong về chống biến đổi khí hậu toàn cầu, bị tòa án hiến pháp áp lên chính phủ. Cụ thể, hồi tháng trước tòa phán quyết rằng những mục tiêu mơ hồ của luật chống biến đổi khí hậu của Đức, được thông qua cách đây 18 tháng, khiến nó trở nên phần nào vi hiến.

    Đặt ra các mục tiêu mới thì dễ. Nhưng để biến lời hứa thành kết quả, liên minh cầm quyền có thể phải mở lại cuộc tranh luận vốn từng khiến việc thông qua luật trở nên khó khăn ngay từ đầu, đặc biệt là việc loại bỏ dần các nhà máy nhiệt điện than cũng như mức giá carbon cho hệ thống sưởi và giao thông. Chưa kể chúng còn đến đúng ngay thời điểm vận động tranh cử cho cuộc tổng tuyển cử tháng 9 này của Đức.

    Afghanistan ngừng bắn dịp kết thúc tháng Ramadan


    Sự kiện kết thúc tháng Ramadan vào đêm nay sẽ giúp người Afghanistan có một cuộc ngừng bắn dù ngắn nhưng rất được mong chờ. Taliban đã ra lệnh cho các chiến binh ngừng bắn 3 ngày để “mang lại bầu không khí hòa bình và an toàn cho đồng bào của chúng ta”. Năm nào cũng vậy, cứ đến lễ Eid al-Fitr – đánh dấu kết thúc tháng Ramadan – là sẽ có ngừng bắn.

    Nó đến ngay sau một tuần tồi tệ. Có tới 85 người, chủ yếu là thanh thiếu niên, đã chết vào ngày 8 tháng 5 khi ba quả bom phát nổ bên ngoài một trường học ở Kabul. Tới nay vẫn chưa có ai đứng ra nhận trách nhiệm, trong khi Taliban đổ lỗi cho chi nhánh địa phương của Nhà nước Hồi giáo.

    Khi Taliban lần đầu tiên tổ chức ngừng bắn dịp Eid vào năm 2018, các chiến binh đã kết thân với các binh sĩ chính phủ và chụp ảnh tự sướng vui vẻ. Song kể từ đó các chỉ huy đã tìm cách ngăn những cảnh như vậy. “Mujahideen [các chiến binh thánh chiến] không được đến thăm các khu vực của kẻ thù,” lệnh ngừng bắn năm nay ghi rõ. Bạo lực là lợi thế lớn nhất của Taliban, do vậy hết lễ súng sẽ lại nổ.

    SoftBank Group sắp báo lãi quý ở mức kỷ lục

    Chỉ một năm trước, SoftBank Group báo lỗ khủng tính theo năm. Hôm nay nhà sáng lập kiêm CEO Son Masayoshi có thể sẽ công bố mức lợi nhuận quý lớn nhất bởi một công ty niêm yết của Nhật Bản trong ba thập kỷ qua. Trong đó Quỹ Tầm nhìn trị giá 98,6 tỷ đô la của công ty được dự kiến báo lợi nhuận lên tới 30 tỷ đô la cho quý đầu năm nay.

    Coupang, một siêu sao thương mại điện tử có trụ sở ở Seoul, là động lực chính cho con số đó. Chỉ riêng đợt IPO của công ty này ở New York hồi tháng 3 đã giúp mang về từ 25 cho đến 30 tỷ USD lợi nhuận. Tuy vậy quỹ cũng có những công ty con gặp vấn đề. Softbank dự kiến sẽ phải ghi giảm tài sản ở Greensill Capital, một công ty tài chính chuỗi cung ứng, và Oyo Hotels, một chuỗi khách sạn Ấn Độ đang gặp khó khăn.

    Các nhà đầu tư muốn biết giá cổ phiếu công nghệ giảm gần đây đã ảnh hưởng như thế nào đến danh mục cổ phiếu niêm yết của Softbank, và đơn vị quản lý tài sản Northstar liều lĩnh của họ đã hoạt động ra sao. Song so với những tin tức tồi tệ ông Son đã phải đưa ra trong những năm gần đây, kết quả ngày mai sẽ là một thay đổi đáng mừng.

    Du khách từ châu Mỹ Latin đổ về Mỹ để được tiêm vaccine COVID



    “Muốn vaccine COVID-19? Có visa Mỹ? Hãy liên hệ với chúng tôi,” đó là nội dung quảng cáo của một công ty du lịch mở các tour đưa công dân Mexico bay sang Mỹ để được tiêm chủng.

    Từ Mexico cho đến tận xứ sở Argentina xa xôi, hàng ngàn người châu Mỹ Latin đặt mua vé máy bay đến Mỹ để hưởng lợi từ một trong những chiến dịch tiêm chủng thành công nhất thế giới trong lúc việc tiêm chủng tại nước của họ không được suôn sẻ.

    Châu Mỹ Latin là một trong những khu vực bị đại dịch virus corona tác động tệ hại nhất, với số người chết dự kiến vượt mức một triệu trong tháng này, và nhiều người không muốn chờ lâu hơn để đến phiên được tiêm chủng.

    Một số người sang Mỹ tự túc, một số người khác nhờ vào các công ty du lịch. Các công ty này mở ra những gói du lịch sắp xếp chuyến bay, lịch hẹn tiêm chủng, ăn ở khách sạn và thậm chí còn tặng thêm du khách các tour tham quan thành phố và mua sắm.

    Trong lúc nhu cầu tăng mạnh, giá vé máy bay từ Mexico đến Mỹ tăng trung bình từ 30% đến 40% kể từ giữa tháng Ba, ông Rey Sanchez điều hành công ty du lịch RSC Travel World cho biết.

    “Có hàng ngàn người Mexico và hàng ngàn người châu Mỹ Latin sang Mỹ để được tiêm chủng,” ông nói và cho biết thêm các đích đến hàng đầu là Houston, Dallas, Miami và Las Vegas.

    Reuters không tìm được dữ liệu chính thức có bao nhiêu người châu Mỹ Latin tới Mỹ để tiêm chủng COVID và du khách thường cũng không tiết lộ là họ tới Mỹ chủ yếu để được tiêm chủng.

    Tuy nhiên, các thành phố Mỹ đang nằm trong khuynh hướng này với các doanh nghiệp hướng vào lĩnh vực khách sạn, nhà hàng và những hoạt động dịch vụ khác.

    “Chào mừng các bạn đến NewYork, vaccine đang chờ các bạn! Chúng tôi sẽ tiêm vaccine Johnson & Johnson tại những địa điểm biểu tượng trên khắp thành phố của chúng tôi,” chính quyền thành phố New York loan báo trên Twitter ngày 6/5.

    Trên Twitter, tòa đại sứ Mỹ tại Peru vừa khuyến khích rằng du khách có thể sang thăm Mỹ để chữa trị y tế, kể cả tiêm chủng.

    Những công dân châu Mỹ Latin đến Mỹ theo visa du lịch mà Reuters có dịp trao đổi cho biết là họ có thể dùng chứng minh thư của nước họ để được tiêm chủng COVID tại Mỹ.

    Tại Argentina, các công ty du lịch đang chào hàng các tour du lịch-tiêm chủng.

    Một quảng cáo tại Buenos Aires nêu chi tiết chi phí ước tính để được tới Miami (Mỹ) tiêm chủng gồm vé máy bay 2.000 đô la, một tuần ở khách sạn 550 đô la, ăn uống 350 đô la, thuê xe 500 đô la, tiêm chủng miễn phí, tổng cộng là 3.400 đô la.

    Mỹ tiêm chủng gần 262 triệu liều vaccine, cao gấp 2,3 lần con số tiêm chủng trên toàn châu Mỹ Latin, nơi có dân số gần gấp hai lần nước Mỹ, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ và dữ liệu từ Our World in Data.

    Một yếu tố khác khiến dân ở châu Mỹ Lattin tìm đường sang Mỹ để tiêm ngừa COVID là họ không tin tưởng các chiến dịch chủng ngừa ở quê nhà trước những tin tức về các lô vaccine giả bị tịch thu hoặc không đủ vaccine khi tới lượt tiêm mũi thứ nhì.

    Ba nhà báo Miến Điện chạy sang Thái Lan bị đưa ra trình diện tòa


    Theo AFP, hôm qua, 11/05/2021, ba nhà báo Miến Điện đã bị đưa ra trình diện trước Tòa án Thái Lan sau khi chạy sang nước láng giềng lánh nạn và bị bắt trước đó hai hôm.

    Ba nhà báo cùng 2 nhà đấu tranh của Miến Điện bị bắt tại Chiang Mai, phía bắc Thái Lan, hôm Chủ Nhật vừa qua (09/05). Họ bị cáo buộc tội xâm nhập trái phép lãnh thổ Thái Lan. Phát ngôn viên của cảnh sát Thái Lan cho biết những công dân Miến Điện này bị tạm giam cho đến khi có phán quyết của tòa có trả họ về Miến Điện hay không.

    Trong khi đó Democratic Voice of Burma (DVB), tổ chức truyền thông của người Miến Điện ở nước ngoài, trụ sở tại Oslo Na Uy và đã có mặt tại Miến Điện từ năm 2012, đồng thời là chủ lao động của các nhà báo trên, đã « khẩn khoản đề nghị Thái Lan không trục xuất họ về Miến Điện, vì nếu trở về cuộc sống của họ sẽ bị đe dọa nghiêm trọng ».

    Tổ chức này cũng cho biết đã liên lạc đề nghị Phủ Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn can thiệp nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho những người bị bắt nói trên.

    Qua lời phát ngôn viên Ngoại Giao, Thái Lan đã thông báo vụ bắt giữ nói trên đồng thời cho biết Bangkok sẽ xử lý vấn đề trên tinh thần nhân đạo.

    Theo CNN, về vụ chính quyền Thái Lan bắt giữ ba nhà báo và hai nhà tranh đấu Miến Điện, Câu lạc bộ các Phóng viên Nước ngoài ở Thái Lan (FCCT) đã ra một thông cáo cho biết « lo ngại sâu sắc ». FCCT cảnh báo là « quốc tế đang theo dõi sát » chính quyền Thái Lan hành xử ra sao trong vụ này. FCCT khẳng định vụ việc này « có ý nghĩa quan trọng đối với tự do báo chí ở Miến Điện và khu vực », « đối với việc bảo vệ những người chạy trốn các đàn áp tàn bạo của quân đội đối với truyền thông độc lập và xã hội dân sự ».

    Từ sau cuộc đảo chính quân sự ngày 01/02 và đặc biệt khi tập đoàn quân sự tiến hành các cuộc đàn áp phong trào chống đảo chính một cách khốc liệt, nhiều nhà hoạt động trong phong trào đã chạy sang Thái Lan để lánh nạn và cũng để lập cứ địa, tổ chức lại lực lượng kháng chiến chống lại tập đoàn quân sự.

    Hôm qua đánh dấu 100 ngày tập đoàn quân sự làm đảo chính tại Miến Điện. Bất chấp bạo lực trấn áp, nhiều cuộc biểu tình chống đảo chính tiếp tục diễn ra ở các thành phố lớn của nước này.

    Bộ Ngoại giao Đài Loan: Trung Quốc nói dối một cách vô liêm sỉ


    Trước sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, nhưng cuối cùng Đài Loan vẫn không được tham gia vào Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA), theo Thời báo Tự do Đài Loan.

    Tại cuộc họp thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc chiều 10/5, Hoa Xuân Oánh – phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đáp trả lời kêu gọi ủng hộ Đài Loan của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Blinken bằng giọng điệu “ngoại giao chiến lang”, tiếp tục lặp lại giai điệu cũ “Một Trung Quốc” rằng, chính quyền Trung Quốc đã có những sắp xếp thích hợp để Đài Loan tham gia vào các vấn đề y tế toàn cầu.

    Bà Oánh nhấn mạnh: “Thực tế, không ai quan tâm đến sức khỏe và hạnh phúc của đồng bào Đài Loan hơn chúng tôi”. Bà cũng nhắc lại rằng, trên thế giới chỉ có “một Trung Quốc”. Đồng thời, trích dẫn sai nghị quyết của Đại hội đồng LHQ khi nói rằng “Việc Đài Loan tham gia các tổ chức quốc tế phải được xử lý theo nguyên tắc một Trung Quốc. Đây là nguyên tắc cơ bản được khẳng định bởi Nghị quyết 2758 của Đại hội đồng LHQ và các nghị quyết liên quan của WHO” .

    Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan – Ngô Chiêu Nhiếp đáp lại trên twitter rằng, những tuyên bố của Trung Quốc là “lời nói dối vô liêm sỉ”, và nó càng cho thấy rõ rằng, ĐCSTQ “không thể nói sự thật”!

    Phản pháo lại điều này, bà Oánh nói rằng, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Đài Loan là hoàn toàn trái ngược với thực tế và nhận thức quốc tế.

    Âu Giang An – phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Đài Loan thẳng thắn tuyên bố rằng, sự ngăn chặn ác ý của Trung Quốc là trở ngại chính khiến WHO không đưa Đài Loan vào các cuộc thảo luận quốc tế. Điều này chứng tỏ hành động bá quyền của Trung Quốc khi đặt chính trị lên trên sức khỏe và nhân quyền, điều mà Bộ Ngoại giao Đài Loan lên án mạnh mẽ.

    Bà Âu nhấn mạnh rằng, chỉ chính phủ được bầu cử dân chủ của Đài Loan mới có thể đại diện cho 23,5 triệu dân Đài Loan trong WHO và các tổ chức quốc tế khác. Sức khỏe và nhân quyền của người dân Đài Loan được bảo vệ bởi chính phủ Đài Loan, và Trung Quốc không có quyền, cũng như khả năng để làm điều đó.

    Bộ Ngoại giao Đài Loan kêu gọi chính phủ Trung Quốc có thái độ và trách nhiệm đối với sức khỏe và sự an toàn của cả nhân loại, không sử dụng những suy xét chính trị hẹp hòi và ích kỷ, phớt lờ tiếng nói mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế trong việc hỗ trợ Đài Loan tham gia vào hợp tác phòng ngừa dịch bệnh toàn cầu.

    20 thống đốc Cộng hòa đề nghị Biden ‘hành động’ với khủng hoảng biên giới


    20 thống đốc của Đảng Cộng hòa hôm 11/5 đã kêu gọi Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris “hành động” để đối phó với cuộc khủng hoảng dọc biên giới Mỹ-Mexico, khi làn sóng người từ Mexico và các quốc gia Trung Mỹ tiếp tục cố gắng vượt biên trái phép vào Hoa Kỳ, theo Epoch Times.

    Các thống đốc viết trong một lá thư gửi nội các của Tổng thống Biden: “Trái ngược với tuyên bố từ chính quyền của quý vị, biên giới mở cũng không an toàn”. Bức thư cho biết thêm rằng người di cư “hiện đang tràn qua các bang biên giới vào tất cả các bang của chúng tôi”.

    Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ vào tháng 4 cho biết đã có 172.000 cuộc chạm trán giữa các nhân viên Tuần tra Biên giới và những người nhập cư bất hợp pháp vào tháng 3, trong đó có gần 19.000 trẻ em không có người đi kèm.

    20 thống đốc nói rằng chính quyền tiểu bang và liên bang bị “choáng” bởi những gì họ mô tả là “cuộc khủng hoảng tự tạo ra nhằm triệt hạ các gia đình [Mỹ], phá hoại an toàn công cộng và đe dọa an ninh quốc gia của chúng tôi”.

    Ở phần cuối, bức thư của các thống đốc viết rằng: “Chúng tôi kêu gọi quý vị hành động để chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo và bảo đảm [an toàn cho] biên giới phía nam của chúng tôi ngay lập tức”.

    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào