Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ năm 13 tháng 5 năm 2021

    Manila lại tố cáo gần 300 tàu Trung Quốc hiện diện trong vùng đặc quyền Philippines
    Điểm tin thế giới ngày Thứ năm 13 tháng 5 năm 2021

    Chính quyền Philippines vào hôm qua, 12/05/2021 một lần nữa lên tiếng tố cáo các hành vi “xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của nước này” của 287 tàu dân quân biển Trung Quốc. Đây là một con số cao hơn nhiều so với số lượng gần 200 chiếc ghi nhận hồi tháng Ba ở khu vực Đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.

    Theo hãng tin Anh Reuters, trong một bản thông cáo, Lực Lượng Đặc Nhiêm Biển Đông của Philippines cho biết: “Vụ việc này cùng với các hành vi tiếp tục xâm nhập trái phép của các tàu nước ngoài gần các đảo do Philippines quản lý đã được trình lên các cơ quan có liên quan để tiến hành các hành động ngoại giao cần thiết”.

    Trả lời hãng tin Mỹ Bloomberg, ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin xác nhận khả năng gởi một công hàm phản đối khác đến Bắc Kinh.

    Trong những tuần lễ gần dây, bộ Ngoại Giao Philippines đã liên tục phản đối Trung Quốc về sự "hiện diện ồ ạt và mang tính chất đe dọa" của các tàu Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và yêu cầu Bắc Kinh cho triệt thoái các tàu đó.

    Trên hiện trường, Philippines đã tăng cường "các cuộc tuần tra bảo vệ chủ quyền" tại Biển Đông, trong một động thái thách thức Trung Quốc mà các nhà phân tích cho rằng đã thiếu vắng dưới thời tổng thống Rodrigo Duterte bị một phần dư luận trong nước chỉ trích vì từ chối đối đầu với Bắc Kinh.

    Vào tuần trước, ông Duterte lại khuấy động dư luận Philippines khi cho rằng phán quyết mang tính bước ngoặt năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, có lợi cho Philippines trong tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông, chỉ là một "mảnh giấy lộn" mà ông có thể ném vào sọt rác. Theo phán quyết này, các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên gần như toàn bộ Biển Đông không có cơ sở pháp lý.

    Đối với nhà phân tích quốc phòng và an ninh Jose Antonio Custodio, bình luận của ông Duterte đã “xóa nhòa” giá trị giọng điệu cứng rắn hơn đang được giới lãnh đạo ngoại giao và quốc phòng Philippines thể hiện với Trung Quốc. Theo chuyên gia này, hiện tượng trống đánh xuôi kèn thổi ngược này chỉ có tác dụng “khuyến khích các hành động của Trung Quốc”.

    Theo các chuyên gia, đội tàu đánh cá và tuần duyên là thành tố trọng tâm trong việc thực hiện tham vọng chiến lược của Trung Quốc tại Biển Đông. Sự hiện diện thường xuyên của các đội tàu này cho pháp Bắc Kinh quấy nhiễu và cản trở các hoạt động đánh bắt cá và khai thác dầu khí ngoài khơi xa của các quốc gia ven biển khác.

    Cho đến nay, các quan chức Trung Quốc luôn phủ nhận là đội tàu cá của họ là tàu dân quân biển.

    Đài Bắc phản pháo lời đe dọa của Bắc Kinh đối với Ngoại trưởng Đài Loan


    Sau khi Đại hội đồng Y tế Thế giới bác bỏ nỗ lực của Đài Loan nhằm giành lại vị thế quan sát viên của mình ở WHO, chính phủ Trung Quốc tuyên bố rằng họ đã sắp xếp cho Đài Loan tham gia vào các vấn đề y tế toàn cầu. Đáp lại, ông Ngô viết trên Twitter rằng Bắc Kinh đang nói dối và không có tư cách đại diện cho Đài Loan trên trường quốc tế.

    Hôm 12/5, phát ngôn viên của Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc, Châu Phượng Liên đã mô tả ông Ngô là một “nhân tố [đòi] độc lập cứng rắn của Đài Loan” và đe dọa sẽ “làm mọi thứ có thể để trừng phạt nghiêm khắc và buộc ông ta phải chịu trách nhiệm trong suốt cuộc đời theo pháp luật [Trung Quốc]”.

    Sau đó Bộ Ngoại giao Đài Loan nói rằng Đài Loan không chỉ là một quốc gia độc lập mà còn là một quốc gia dân chủ tiên tiến và Trung Quốc không có thẩm quyền với người dân Đài Loan.

    Phía Đài Loan nói rằng chính phủ Trung Quốc thiếu hiểu biết về các giá trị phổ quát và sử dụng quyền lực cũng như chủ nghĩa bành trướng để cưỡng buộc các nguyên tắc của mình lên các nước khác, gây ra căng thẳng và xung đột trong khu vực.

    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã gọi phát biểu hôm 10/5 của Tổng thống Đài Loan tại Hội nghị Thượng đỉnh Dân chủ Copenhagen là “trò hề chính trị”.

    Về việc này, trong ngày 12/5, Bộ Ngoại giao Đài Loan lưu ý rằng chính phủ Trung Quốc thiếu khả năng tự kiểm soát, nói rằng chính sách ngoại giao “chiến lang” của Bắc Kinh sẽ không giành được sự ủng hộ và tôn trọng mà chỉ gây ra sự phẫn nộ từ người Đài Loan và các dân tộc yêu mến tự do khác.

    Cơ quan này nói thêm rằng, bài phát biểu của bà Thái không chỉ thể hiện sự tôn trọng của Đài Loan đối với những đóng góp của diễn đàn này cho nền dân chủ trên toàn thế giới, mà còn thể hiện quyết tâm của Đài Loan không khuất phục trước sức ép và sự bắt nạt của Bắc Kinh.

    Căn cứ nổi khổng lồ của Hoa Kỳ sẽ đến Tây Thái Bình Dương chống lại đe dọa của Bắc Kinh


    Mới đây, hải quân Hoa Kỳ thông báo rằng Căn cứ di động viễn chinh USS Miguel Keith (ESB 5) sẽ được gửi đến Tây Thái Bình Dương vào mùa hè này; các tướng lĩnh Hải quân nói rằng chiếc tàu khổng lồ này tàu sẽ đi đầu trong các cuộc xung đột toàn cầu, chống lại bất kỳ mối đe dọa nào đối với Hoa Kỳ, đặc biệt là ĐCSTQ, Epoch Times cho hay.

    Trang web Millitary.com ngày 10/5 đưa tin, vào thứ Bảy tuần trước (8/5), lễ ra khơi của tàu căn cứ di động viễn chinh Miguel Keith đã được tổ chức tại Căn cứ Hải quân Đảo Bắc ở Coronado, California. Con tàu mới trị giá 525 triệu đô la Mỹ, dài 239 mét, rộng 50 mét và mớn nước khoảng 12 mét.

    Miguel Keith sẽ được triển khai vĩnh viễn bên ngoài Hoa Kỳ. Căn cứ hoạt động đầu tiên của nó sẽ ở Saipan ở Quần đảo Bắc Mariana. Chỉ huy tàu Miguel Keith là Đại úy Troy A. Fendrick sát cánh cùng khoảng 100 sĩ quan và thủy thủ, cũng như 44 lính thủy đánh bộ thuộc Dịch vụ Quân sự Sealift.

    Kích thước khổng lồ của con tàu này cho phép nó có boong đủ rộng để trực thăng MH-53 lớn nhất và nặng nhất của Mỹ cất cánh, cũng như máy bay chiến đấu phản lực F-35B của Thủy quân lục chiến.

    Tư lệnh Bộ chỉ huy miền Nam Hoa Kỳ và Đô đốc Craig Faller cho biết tại một buổi lễ được tổ chức tại Trạm hàng không Hải quân North Island rằng Miguel Keith có thể đi khắp thế giới trong đời của nó, ví dụ như Biển Ca-ri-bê, Biển Đông hoặc Eo biển Hormuz.

    Ông nói rằng thủy thủ đoàn của con tàu sẽ đi đầu trong việc đối đầu với các cuộc xung đột toàn cầu đang đe dọa Hoa Kỳ, bao gồm cả đối đầu với ĐCSTQ.

    Ông Faller nói: “Chính quyền Trung Quốc tìm kiếm sự thống trị toàn cầu bằng quyền lực xảo quyệt và tham nhũng của mình và áp đặt trật tự quốc tế (phiên bản Trung Quốc) của mình”.

    “Để tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh toàn cầu này, chúng tôi phải đứng đầu cuộc chơi. Chúng tôi cần tiếp tục phát triển công nghệ tốt nhất và các tàu chiến tốt nhất, như đã thấy ở đây ngày hôm nay”, ông nói.

    Tàu Miguel Keith được chế tạo bởi General Dynamics NASSCO ở San Diego và có thể di chuyển hơn 9.500 hải lý với tốc độ 15 hải lý / giờ. Hệ thống động lực của nó bao gồm một động cơ diesel trục vít đôi, một động cơ chính diesel tốc độ trung bình và một nhà máy điện diesel 24 MW.

    Miguel Keith là tàu căn cứ viễn chinh hàng hải (ESB) thứ ba của Hoa Kỳ. Các tàu dòng ESB trước đây được gọi là căn cứ tiếp liệu nổi. Những nền tảng tàu có tính linh hoạt cao này có thể hỗ trợ hậu cần cho một loạt các hoạt động quân sự từ biển đến bờ.

    Các tàu lớp ESB được thiết kế xoay quanh bốn chức năng cốt lõi: cơ sở hàng không, cầu cảng, khu vực lắp ráp thiết bị và chỉ huy, điều khiển. Tàu Miguel Keith sẽ là một phần trong quá trình triển khai phía trước của Hải quân từ căn cứ của Hoa Kỳ ở Saipan.

    Các tàu viễn chinh trên biển như Miguel Keith có thể được sử dụng cho các hoạt động quân sự khác nhau, chẳng hạn như chiến tranh, chống cướp biển và hỗ trợ nhân đạo.

    Ban đầu, Hải quân dự định sử dụng các tàu này cho mục đích dân sự, nhưng đến năm 2020, Hải quân tuyên bố rằng tất cả các tàu viễn chinh trên biển sẽ được phục vụ như tàu chiến, để các tàu trên biển này có thể đóng vai trò tích cực hơn trong các hoạt động quân sự. Các cuộc thám hiểm khác của hải quân đối với các hoạt động trên biển đã được thực hiện dọc theo bờ biển châu Phi và Trung Đông.

    Myanmar xây tượng Phật lớn nhất thế giới lấy lòng dân giữa ‘bão’ chính biến



    Nikkei đưa tin, dù nền kinh tế Myanmar đang gặp khó khăn nghiêm trọng vì khủng hoảng kép – Covid-19 và chính biến căng thẳng, quân đội nước này vẫn tiến hành xây một bức tượng Phật khổng lồ ở thủ đô Naypyitaw.

    Giới quan sát cho rằng, đây dường như là nỗ lực của chính phủ quân sự nhằm lấy lòng người dân tại quốc gia có phần lớn dân số theo Phật giáo. Khoảng 90% người dân Myanmar theo đạo Phật.

    Bức tượng Phật sẽ cao 19 mét khi hoàn thành vào năm tới, và nó sẽ trở thành bức tượng Phật bằng đá cẩm thạch lớn nhất thế giới.

    Kế hoạch xây bức tượng đã có từ lâu trước đó. Năm 2013, một doanh nhân đã tuyên bố đóng góp đá cẩm thạch để xây tượng. Tướng Min Aung Hlaing ủng hộ dự án này từ năm 2017 và quá trình chuẩn bị xây tượng được kích hoạt.

    Theo chuyên gia về Myanmar Yoshihiro Nakanishi từ Đại học Kyoto, Nhật Bản, trong nhiều năm qua, các lãnh đạo quân đội Myanmar từng đẩy mạnh hoạt động xây dựng đền chùa và tặng cho các nhà sư có uy tín.

    Việc Myanmar vẫn tiếp tục xây tượng dù kinh tế gặp khó khăn cho thấy chính quyền quân sự dường như muốn tạo thiện cảm với người dân sau vụ đảo chính hôm 1/2.

    Hơn 3 tháng qua, Myanmar đã chìm trong căng thẳng sau vụ quân đội lật đổ chính phủ dân cử và lên nắm quyền điều hành đất nước. Hàng trăm nghìn người dân đã xuống đường phản đối cuộc đảo chính và các vụ đụng độ với lực lượng an ninh đã xảy ra khiến hơn 760 người biểu tình thiệt mạng.

    Việt Nam kêu gọi miễn trừ bản quyền vaccine COVID-19


    Hôm 13/5, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết Việt Nam mong muốn các quốc gia miễn trừ bản quyền vaccine COVID-19 để các nước trên thế giới có thể tiếp cận được với vaccine rộng rãi hơn.

    Trong buổi họp báo chiều 13/5, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng lên tiếng về việc Việt Nam mong muốn được chia sẻ thông tin và bản quyền về vaccine.

    “Để mở ra cơ hội khống chế đại dịch, Việt Nam cũng mong muốn các quốc gia miễn trừ bản quyền vaccine để các nước trên thế giới có thể tiếp cận được với vaccine rộng rãi hơn”, trang VNExpress dẫn lời bà Hằng nói.

    “Cho đến nay, Việt Nam đã tiếp cận được với một số nguồn vaccine trong đó có AstraZeneca thông qua chương trình COVAX do UNICEF đứng đầu. Việt Nam cũng bắt đầu tiêm chủng trong nước cho các đối tượng ưu tiên. Đồng thời, Việt Nam thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước”, bà Hằng cho biết thêm.

    Truyền thông trong nước cho biết vaccine do Việt Nam sản xuất dự kiến có thể đưa vào sử dụng vào tháng 9/2021.

    Hôm 5/5, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố ủng hộ miễn trừ bản quyền vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu. Hiện Hoa Kỳ là quốc gia đang sở hữu bản quyền nhiều loại vaccine ngừa COVID-19 được WHO cấp phép như Pfizer/Biontech, Johnson & Johnson, Moderna.

    Bà Katherine Tai, Đại diện Thương mại Mỹ, nói trong cuộc họp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thảo luận về việc tạm thời từ bỏ các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để cho phép nhiều nhà sản xuất tham gia sản xuất vaccine ngừa COVID-19:

    “Chính quyền Mỹ rất tin tưởng vào các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhưng để chấm dứt đại dịch này, chúng tôi ủng hộ việc miễn trừ bản quyền đối với vaccine COVID-19”.

    Hoa Kỳ: Donald Trump khẳng định thêm ảnh hưởng to lớn trong đảng Cộng Hòa


    Là một chức sắc hiếm hoi trong đảng Cộng Hòa Mỹ công khai phản đối lập luận của cựu tổng thống Donald Trump về một cuộc bầu cử “gian lận” đã giúp cho Joe Biden đắc cử, nữ dân biểu Liz Cheney đã bị nhóm nghị sĩ đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện bãi nhiệm khỏi vị trí “nhân vật số 3” của đảng trong định chế lập pháp này, vào hôm qua 12/05/2021. Quyết định của các dân biểu Cộng Hòa đã cho thấy rõ ảnh hưởng lớn mạnh của ông Trump đối với giới lãnh đạo của đảng.

    Cuộc họp của 212 dân biểu Cộng Hòa mở ra vào buổi sáng đã diễn ra một cách ngắn ngọn, cho thấy là đối với các nghị sĩ đảng này, số phận của bà Cheney không cần phải tranh cãi. Thậm chí việc biểu quyết bãi nhiệm cũng chỉ bằng cách vỗ tay, không cần dùng đến phiếu kín.

    Là người trong nhiều tháng qua không ngừng chỉ trích lập luận của ông Donald Trump về một cuộc bầu cử bị ông cho là “gian lận”, cũng như cách hành xử theo đuôi cựu tổng thống của giới lãnh đạo đảng Cộng Hòa, bà Liz Cheney, con gái của cựu phó tổng thống Dick Cheney, một lãnh đạo có uy tín trong phe Cộng Hòa, vẫn không chịu khuất phục.

    Phát biểu sau phán quyết của các đồng nghiệp trong đảng, bà tiếp tục khẳng định: “Tôi sẽ làm mọi việc trong khả năng của mình để bảo đảm rằng cựu tổng thống - tức là ông Trump - không bao giờ trở lại được Phòng Bầu Dục”.

    Trong một bài phát biểu hôm trước tại Hạ Viện, trong một hội trường gần như trống rỗng, bà Cheney không ngần ngại tuyên bố: “Tôi là một người thuộc đảng Cộng Hòa bảo thủ, và điều bảo thủ nhất trong các nguyên tắc bảo thủ là tôn trọng pháp quyền. Giữ im lặng và phớt lờ những lời nói dối là khuyến khích kẻ nói dối” và “phá hoại nền dân chủ của chúng ta”.

    Từ khi bỏ phiếu ủng hộ bản luận tội tổng thống Trump vì "kích động nổi dậy", sau cuộc tấn công vào Điện Capitol ngày 06/01/2021, bà Liz Cheney đã bị các dân biểu cùng đảng cho là không đủ tư cách đại diện cho họ tại Hạ Viện.

    Lãnh đạo phe thiểu số của đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện, ông Kevin McCarthy, người ban đầu cũng quy trách nhiệm cho cựu tổng thống về vụ tấn công vào trụ sở Quốc Hội, đã nhanh chóng chạy theo ông Trump và dần dần xa lánh bà Liz Cheney.

    Còn đối với nhiều dân biểu đảng Cộng Hòa khác, uy tín còn rất lớn của ông Trump trong số hàng chục triệu người đã bỏ phiếu cho ông đã được đưa lên bàn cân, vì vào tháng 11 năm tới 2022 là cuộc bầu cử giữa kỳ, với việc toàn bộ các ghế dân biểu sẽ được bầu lại.

    Nhìn chung, với tham vọng lật đổ phe Dân Chủ hiện kiểm soát cả Hạ Viện và Thượng Viện trong cuộc bầu cử sắp tới, đảng Cộng Hòa rất cần đến số phiếu của các cử tri trung thành với cựu tổng thống, do đó không thể làm trái ý ông Trump. Việc bãi nhiệm bà Cheney, một người bị cựu tổng thống muốn loại bỏ nằm trong chiều hướng đó.

    Tóm lại, quyết định đối với nữ dân biểu Liz Cheney của các nghi sĩ Cộng Hòa tại Hạ Viện vào hôm qua là một bằng chứng rõ rệt cho thấy ảnh hưởng to lớn của ông Donald Trump với đảng Cộng Hòa, đang dần dần biến đảng này thành công cụ phục vụ cho tham vọng chính trị của bản thân ông.

    Trong tình hình đó, theo phân tích của nhật báo Pháp Les Echos, một số người đang lo lắng trước nguy cơ đảng bảo thủ bị biến chất, và bị những đảng viên Cộng Hòa ôn hòa hơn hoặc thậm chí truyền thống hơn tẩy chay. Trong một ý kiến đăng trên tờ The Washington Post, bà Liz Cheney từng bảo vệ quan điểm trung thành với chủ nghĩa bảo thủ tự do của Ronald Reagan, một biểu tượng của đảng Cộng Hòa.

    Đối với Les Echos, nữ dân biểu bảo thủ này có thể thu hút được những tiếng nói khác trong giới, không tán đồng sự chuyển biến hiện nay của đảng Cộng Hòa. Một phong trào bao gồm các cựu đại biểu dân cử thuộc đảng Cộng Hòa có kế hoạch tung ra vào hôm nay một "Lời Kêu Gọi Đổi Mới Nước Mỹ”.

    An ninh mạng : Anh chỉ trích Nga - Trung và kêu gọi thành lập liên minh quốc tế


    Tại Anh Quốc, nhân cuộc thảo luận quốc gia về an ninh mạng, ngoại trưởng Dominic Raab, hôm qua 12/05/2021, chỉ đích danh Nga và Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về việc ngày càng có nhiều vụ xâm nhập vào hệ thống máy tính toàn cầu. Đối với ngoại trưởng Anh, mọi chuyện rất rõ ràng : một bên là các nước tiến bộ bảo vệ các nguyên tắc dân chủ và các xã hội cởi mở. Còn bên kia là nhóm các nước tấn công mạng, đứng đầu là Trung Quốc và Nga.

    Phát biểu trực tuyến nhân cuộc họp của Trung tâm quốc gia về an ninh mạng, ngoại trưởng Dominic Raab nói : “Có những chế độ độc tài như Bắc Triều Tiên, Iran, Nga hoặc Trung Quốc sử dụng công nghệ kỹ thuật số để ngầm phá hoại, đánh cắp, kiểm soát hoặc kiểm duyệt. Và khi các Nhà nước như Nga chứa chấp tội phạm hoặc các băng nhóm hoạt động từ lãnh thổ của họ, họ không thể chỉ nhún vai và nói rằng chuyện đó không liên quan gì đến họ. Mặc dù những hành vi đó không liên quan trực tiếp đến các Nhà nước này, nhưng họ có trách nhiệm truy tố chứ không phải cho những băng nhóm đó ẩn náu."

    Ngoại trưởng Anh kết luận, đã đến lúc phải đẩy mạnh việc tổ chức các cuộc tấn công mạng chống lại kẻ thù, thành lập một liên minh quốc tế để thành lập một không gian mạng « tự do, cởi mở và có lợi cho tất cả các quốc gia và người dân các nước », chống các Nhà nước và băng nhóm tội phạm gây hại cho các nền dân chủ. Ngoại trưởng Dominic Raab cũng thông báo chương trình đầu tư 25 triệu euro hỗ châu Phi và châu Á tăng cường khả năng an ninh mạng.

    AFP nhắc lại hồi tháng 03/2021, trong một báo cáo quốc phòng, Luân Đôn đã đề nghị các khoản đầu tư bổ sung để tăng cường khả năng chiến tranh mạng của Anh Quốc. Luân Đôn cũng đã cấm tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi triển khai mạng di động 5G sau khi Hoa Kỳ bày tỏ lo ngại về an ninh. Năm 2020, Trung tâm quốc gia về an ninh mạng của Anh đã xử lý 723 sự cố nghiêm trọng, con số cao kỷ lục tính từ khi được thành lập cách nay 5 năm, và ngăn được 700.000 vụ lừa đảo trên mạng.


    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào