Hoa hậu Myanmar đến Mỹ với thông điệp gửi tới thế giới
Điểm tin thế giới ngày Thứ bảy 15 tháng 5 năm 2021 |
Theo New York Times, Hoa hậu hoàn vũ Myanmar Ma Thuzar Went Lewin đã đến tiểu bang Florida, Hoa Kỳ, trong tuần này để tham gia cuộc thi Hoa Hậu Thế giới. Tại cuộc thi này cô đã truyền đi thông điệp lên án cuộc đảo chính quân sự tại Myanmar và kêu gọi thế giới giúp đỡ người dân nước cô.
Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông trước khi rời Myanmar để tham gia cuộc thi rằng, Lewin nói: “Họ đang giết người của chúng tôi như những con vật. “Nhân loại ở đâu? Làm ơn giúp chúng tôi. Chúng tôi bất lực ở đây ”.
Trong một khoảnh khắc ấn tượng vào thứ Năm (13/5) trong phần trình diễn thời trang, cô Lewin bước đến phía trước sân khấu cùng với một biểu ngữ có nội dung “Cầu nguyện cho Myanmar”. Phần thi chung kết sẽ diễn ra vào Chủ nhật.
Trong những tuần đầu tiên của phong trào biểu tình phản đối đảo chính, cô Lewin, 22 tuổi, đã tham gia các cuộc tuần hành cùng người dân, giương cao các biểu ngữ có khẩu hiệu như “Chúng tôi không muốn một chính phủ quân sự” và kêu gọi trả tự do cho các lãnh đạo dân sự của đất nước.
Lewin đã tặng những chai nước cho những người biểu tình ở Yangon, và quyên góp tiền tiết kiệm của mình cho những gia đình có người thân thiệt mạng trong các cuộc biểu tình. Cô cũng bày tỏ sự phản đối của mình với hội đồng quân sự trên Facebook, và đăng lên nền tảng mạng xã hội này những bức ảnh đen trắng thể hiện rằng cô đang bị bịt mắt, bịt miệng và bị trói tay.
Lewin cho biết các cuộc tấn công của chính quyền quân sự đã khiến người dân Myanmar sống trong sợ hãi.
Cô cho biết: “Những người lính tuần tra thành phố mỗi ngày và đôi khi lập rào chắn để chặn những người đến. Trong một số trường hợp, họ bắn mà không do dự. Chúng tôi sợ những người lính của chúng tôi. Bất cứ khi nào chúng tôi nhìn thấy một người trong họ, tất cả những gì chúng tôi cảm thấy là tức giận và sợ hãi”.
Ấn Độ sống trong địa ngục Covid-19, láng giềng bị Trung Quốc “ve vãn”
Một bên là lửa từ một tên lửa Trung Quốc cất cánh, một bên là lửa từ những giàn hỏa thiêu thi thể chết vì Covid-19 tại Ấn Độ. Bức ảnh ghép, được một trang web trực thuộc đảng Cộng Sản Trung Quốc đăng trên mạng xã hội Weibo để kích động tinh thần dân tộc và so sánh thế ưu việt với nước láng giềng đang sống trong địa ngục Covid-19, lại gây phản cảm.
Dù đã được rút xuống nhưng sự cố trên cho thấy mong muốn của Bắc Kinh lợi dụng để vượt mặt đối thủ, theo nhận định của nhà báo Cyrille Pluyette, trong bài viết “Bắc Kinh tăng tốc ngoại giao vac-xin quanh Ấn Độ” trên tuần báo L’Express (12-19/05/2021). New Delhi đang chứng kiến Bắc Kinh “củng cố mối quan hệ với các nước láng giềng, trong đó có Afghanistan, Bangladesh, Nepal, Pakistan và Sri Lanka với lời hứa hỗ trợ khẩn cấp để chống dịch”, theo nhận định của nhà nghiên cứu Karthik Nachiappan, thuộc Đại học Quốc gia Singapore.
Nếu như New Delhi xây dựng ảnh hưởng dựa trên mối quan hệ văn hóa và chính trị với những nước này, thì Trung Quốc có những nguồn tài chính lớn mạnh hơn nhiều. Sự cạnh tranh thêm gia tăng trong bối cảnh đại dịch. Trước khi rơi xuống địa ngục vì làn sóng dịch thứ hai, đích thân thủ tướng Modi mang vac-xin do Ấn Độ sản xuất để tặng cho nhiều nước, như 1,2 triệu liều AstraZeneca cho Bangladesh, giúp Bhutan tiêm chủng cho phần lớn dân cư…
Thế nhưng Ấn Độ, nước cạnh tranh lớn nhất trong chiến lược ngoại giao vac-xin với Trung Quốc, buộc phải bớt hào phóng để ưu tiên tiêm chủng trong nước. “Ngược lại, Bắc Kinh vẫn có thể tiếp tục xuất khẩu vac-xin phục vụ chính sách đối ngoại”, theo đánh giá của Steve Tsang, giám đốc Viện Trung Quốc của Trường Nghiên cứu phương Đông và châu Phi ở Luân Đôn. Trung Quốc tặng 800.000 liều vac-xin cho Nepal, hứa giao hàng cho Bangladesh, Sri Lanka, Afghanistan, Pakistan và thậm chí đề xuất trợ giúp Ấn Độ hôm 30/04.
Ngoài cạnh tranh ảnh hưởng với New Dehli, theo nhà nghiên cứu Singapore Karthik Nachiappan, chiến lược ngoại giao vac-xin của Bắc Kinh còn nhằm một mục tiêu rõ ràng khác : “dập dịch trong vùng để không tràn qua biên giới Trung Quốc, qua ngả các nước láng giềng như Nepal”.
Khi tỏ ra hào hiệp với các nước láng giềng Ấn Độ, Bắc Kinh còn muốn chế giễu sự ích kỉ của Washington vì từng hạn chế xuất khẩu sang khu vực các thành phần để sản xuất vac-xin.
Trong địa ngục Ấn Độ
Làm thế nào Ấn Độ, từng vượt qua làn sóng dịch thứ nhất không mấy khó khăn và tự hào là nhà sản xuất vac-xin hàng đầu thế giới, lại sống trong cảnh kinh hoàng như vậy ? Ba thông tín viên tại Ấn Độ của tuần báo L’Obs tường thuật “Trong địa ngục Ấn Độ” của những người chạy đôn chạy đáo khắp nơi để cứu người thân.
Những lời cầu khẩn “mẹ tôi sắp chết” hay thất vọng và kiệt sức “đây là bệnh viên thứ ba chúng tôi đến”, “điều mà tôi cần là một giường điều trị cho vợ tôi”… miêu tả rất rõ tình trạng hỗn loạn tại bệnh viện Guru Teg Bahadur ở đông bắc New Delhi. Giống như ở nhiều nơi khác, ở đây không còn bình dưỡng khí, hết giường… Từ giữa tháng Tư, hệ thống y tế công sụp đổ hoàn toàn dưới làn sóng dịch thứ hai. Ngày 09/05, Ấn Độ có thêm 400.000 ca nhiễm mới, chiếm một nửa tổng số ca nhiễm trong ngày trên khắp thế giới.
Lỗi tại ai ? Phải chăng do cả người dân lẫn chính quyền đều không lường trước làn sóng dịch thứ hai nên không chuẩn bị ? Người dân tưởng đã miễn dịch được với loại virus lây lan cách đây hai tháng nên coi thường các biện pháp phòng dịch. Chính phủ tự hào “dịch đã hết ở Ấn Độ” nên yên tâm tổ chức hai sự kiện lớn.
Sự kiện thứ nhất là cuộc bầu cử cấp vùng ở 5 bang nơi có 250 triệu người sinh sống với các cuộc mit-tinh rầm rộ diễn ra trong tháng Tư, đặc biệt là trong những buổi mit-tinh của thủ tướng Modi với đỉnh điểm số người tham dự được ví như “cơn thủy triều người” vào ngày 17/04. Cũng trong ngày này, số ca nhiễm mới tăng đột biến, với 147.000 ca, cao hơn 50% mức đỉnh dịch lần thứ nhất.
Điều khủng khiếp thực sự đến từ cuộc hành hương khổng lồ Kumbh Mela (giữa tháng Ba đến giữa tháng Tư) của hàng triệu người theo Ấn Độ Giáo đến tắm ở sông Hằng chảy qua thành phố Haridwar (miền bắc Ấn Độ) với hy vọng dòng sông linh thiêng giúp họ tránh được virus. Thủ tướng Modi, theo Ấn Độ Giáo, vẫn giảm thiểu nguy cơ : “Tại sao lại phải gây ồn ào quanh cuộc hành hương Kumbh Mela khi chỉ có 970 ca nhiễm trên 100.000 ca cả nước ?”
Thực ra, chính phủ hoàn toàn biết được các nguy cơ. Biến thể Anh xuất hiện ở Ấn Độ từ ngày 05/10/2020. Vào tháng 03/2021, một nhóm gồm 10 phòng thí nghiệm, được chính phủ thành lập để nghiên cứu bộ gien của virus, đã cảnh báo sự xuất hiện của biến thể Ấn Độ mới (B1.617), rất lo ngại, “có đột biến kép khiến virus có thể lây lan nhanh hơn và dễ dàng thoát khỏi cơ chế miễn dịch”. Từ một tháng nay, hai đột biến mới từ biến thể B1.617, được đặt tên là B1.617.1 và B1.617.2, đã được phát hiện trong 69% mẫu phân tích.
Thiếu chuẩn bị, hệ thống y tế Ấn Độ bị sập, người bệnh không được chăm sóc, ô-xy không được sản xuất kịp cho số người bệnh quá lớn khiến nhiều người bị chết ngạt. Chính phủ không chủ trương phong tỏa toàn quốc vì sợ người nghèo càng bần cùng hơn. Hy vọng duy nhất hiện nay là tiêm chủng, chiến dịch được tăng tốc từ ngày 01/05 và dành cho tất cả người trưởng thành. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có khoảng 2,5% dân số được tiêm chủng. Hai loại vac-xin đang được sử dụng, gồm AstraZeneca, Covaxin của Ấn Độ. Sputnik V sẽ trở thành vac-xin nước ngoài đầu tiên được New Delhi cấp phép.
Ngày 12/05, Ấn Độ vượt ngưỡng 250.000 người chết. Nhưng mọi thống kê đều thấp hơn so với thực tế. Theo bác sĩ Hemant Shewade, được L’Obs trích dẫn : “Chính quyền lẽ ra phải công bố những con số thật để đưa ra biện pháp chính xác về thảm họa và thức tỉnh mọi người. Tuy nhiên, chính phủ mờ ám này chỉ muốn một điều : Giữ thể diện”.
Cựu kỹ sư Huawei bị đe dọa tính mạng sau khi tiết lộ ‘tin mật’
Một cựu kỹ sư phần mềm Huawei mới đây tiết lộ anh liên tục bị đe doạ tính mạng vì đã tiết lộ bí mật về hoạt động giám sát bất hợp pháp của công ty này cho báo chí, theo NTDTV.
Kỹ sư này là Jin Chun, từng làm việc tại Viện nghiên cứu Huawei ở Nam Kinh, anh đã tham gia vào một số dự án phát triển phần mềm của Huawei. Sau khi rời Huawei vào tháng 4 năm 2019, kỹ sư này đã đến Hoa Kỳ. Trong cuộc phỏng vấn với Epoch Times và Đài NTDTV sau đó, kỹ sư này tiết lộ Huawei tham gia vào các dự án của Iran, tham gia vào hoạt động giám sát, vi phạm nhân quyền và các chủ đề khác. Sau cuộc phỏng vấn, kỹ sư này cho biết anh bắt đầu nhận được những cuộc gọi đe dọa từ Trung Quốc.
Anh Jin Chun nói với NTD: “Khoảng ba tháng sau khi xuất bản bài báo vạch trần đầu tiên của tôi về Huawei, tôi liên tục bị đe dọa bởi nhiều cuộc từ người lạ, tất cả bằng tiếng Trung, họ đe dọa tôi là đã thông báo cho cơ quan công an và yêu cầu tôi quay lại Trung Quốc đầu hàng, chấm dứt hành động chia cắt đất mẹ”. Kỹ sư này cũng cho biết anh bị hoang mang và lo lắng.
Dưới sự xáo trộn không thể chịu nổi, anh Jin Chun nghĩ, Huawei đang lo lắng về điều gì?
Anh nói: “Tôi từng là kỹ sư dữ liệu lớn tại Huawei. Tôi biết Huawei vi phạm quyền riêng tư của mọi người như thế nào. Phân tích xu hướng chính trị của mọi người và cách sử dụng phương pháp này để hướng dẫn dư luận và tiến hành các hoạt động của mặt trận thống nhất. Tôi biết cách họ làm về mặt kỹ thuật, và tôi cũng biết họ đã vi phạm luật nào ở Châu Âu và Hoa Kỳ”.
Do đã thực sự tham gia vào việc lập trình dữ liệu lớn, Jin Chun biết cách Huawei thu thập sở thích, đặc điểm tính cách và khuynh hướng chính trị của mọi người để giúp ĐCSTQ củng cố quyền cai trị, khơi mào cuộc chiến dư luận trong và ngoài nước và công khai chúng.
Ví dụ, việc thu thập số sê-ri điện thoại di động (IMEI) của công dân nước ngoài để nắm bắt thông tin công dân, nơi cư trú, quan hệ xã hội, nghề nghiệp, … rõ ràng là vi phạm luật pháp của Hoa Kỳ và Nhật Bản để bảo vệ quyền riêng tư của công dân.
Đây cũng là lý do chính khiến Huawei liên tục đe dọa anh với cơ quan công an.
Jin Chunhui chọn rời Huawei và đến với thế giới tự do để nói lên tiếng nói của mình, điều đó bắt nguồn từ hơn mười năm khi anh ấy học ở Ireland.
Jin Chun nói: “Tôi đã học ở Ireland cách đây 10 năm. Trong quá trình học ở Ireland, tôi đã xem các phương tiện truyền thông miễn phí, đặc biệt là Youtube, và tôi biết được điều gì đã xảy ra vào ngày 4/6/1989 và sự thật về Pháp Luân Công. Ngoài ra, tôi cũng đã gặp rất nhiều sinh viên nước ngoài vào thời điểm đó, đặc biệt là một bạn học người Litva. Anh ấy đã kể cho tôi nghe cách Litva thoát khỏi Liên bang Xô viết và tiến tới tự do”.
Kinh nghiệm du học và niềm tin của những người theo đạo Thiên chúa đã cho anh một góc nhìn khác. Sau khi trở về Trung Quốc, Jin Chun lần đầu tiên làm việc trong một công ty phần mềm tư nhân, nhưng không thể tránh khỏi sự cám dỗ của mức lương cao, và đã đến làm việc tại Viện nghiên cứu Nam Kinh của Huawei vào năm 2016.
Sau ba năm làm việc, anh nhận thấy rằng Huawei ngày càng, không giống một công ty thương mại có lợi nhuận, và giống một cơ quan tình báo thích ăn cắp thông tin ở khắp mọi nơi.
Jin Chun nói: “Các kỹ sư khác thấy Huawei lương cao rồi lấy tiền về nuôi gia đình, nhưng tôi thấy rằng lương cao của Huawei là không bền vững, lương cao như thế này thì không thể bù đắp được những gì họ đã làm, đối với lương tâm của tôi thì tôi không thể chịu đựng được. Vì vậy, tôi đã đưa ra một lựa chọn khác với những người khác”.
Cựu kỹ sư Huawei nhắn nhủ rằng: “Tôi muốn khuyên một số kỹ sư vẫn đang phục vụ ĐCSTQ. Có thể tất cả các bạn đều là những con ốc vít trong kho vũ khí. Bạn không biết những thành phần mà bạn sản xuất có thể gây ra thiệt hại gì cho mọi người. Hãy suy nghĩ về điều đó, lương của bạn cao liệu có bền vững không? Những gì bạn làm có thể thực sự mang lại cho bạn cuộc sống hạnh phúc không?”.
Anh cũng hy vọng rằng nhiều kỹ sư vẫn đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghệ cao của ĐCSTQ có thể lắng nghe lương tâm của chính mình và không làm điều ác cho ĐCSTQ, và có thể đưa ra một lựa chọn khác.
Truyền thông Ấn Độ: Giá máy tạo oxy do Trung Quốc cung cấp tăng vọt trong khi chất lượng giảm mạnh
Trang NTDTV cho hay, trong khi virus cúm Vũ Hán tiếp tục tàn phá Ấn Độ, dịch bệnh vẫn đang trong tình trạng tồi tệ. mới đây truyền thông Ấn Độ báo cáo các máy tạo oxy họ nhập từ Trung Quốc giá cả đã tăng phi mã và chất lượng giảm xuống nghiêm trọng.
Cụ thể, ngày 14/5, tạp chí tiếng Anh của Ấn Độ “India Today” (Ấn Độ Ngày nay) đã đăng một bài báo cho biết khi tình hình dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng, trước nhu cầu ngày càng tăng, các công ty Trung Quốc không chỉ tăng giá mà còn giao thiết bị tạo oxy kém chất lượng cho Ấn Độ.
Theo báo cáo, bằng cách tham khảo các tài liệu và bằng chứng bằng hình ảnh, phía Trung Quốc không chỉ tăng giá mà còn sửa đổi hướng dẫn và các thành phần của máy tạo oxy bán cho Ấn Độ, điều này sẽ làm hỏng chất lượng và vòng đời của máy và có thể mang lại thảm họa cho Ấn Độ.
Ví dụ, báo cáo trích dẫn rằng giá của hầu hết các sản phẩm đã tăng trong vài tuần qua. Chẳng hạn, máy tạo oxy do Công ty TNHH thiết bị y tế Yuyue Jiangsu sản xuất có giá 340 USD / chiếc vào ngày 30/4 (khoảng 7,8 triệu VND), nhưng tính đến ngày 12/5, giá của mỗi chiếc đã tăng lên 460 đô la (khoảng 10,6 triệu VND).
Ngoài ra, máy tạo oxy do phía Trung Quốc cung cấp cũng gặp vấn đề lớn về chất lượng.
Báo cáo dẫn lời người mua hàng Ấn Độ cho biết sau khi họ phát hiện ra, các bộ phận mà các công ty Trung Quốc sử dụng bị thay thế bằng loại rẻ tiền, họ đã từ chối nhiều lô hàng, vì nó có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng đến tính mạng của người dân.
Người mua nói: “Giá sản phẩm chúng tôi mua hiện nay đắt hơn rất nhiều nhưng chất lượng chỉ bằng một nửa so với ban đầu, tuổi thọ chỉ vài trăm giờ, thay vì hàng nghìn giờ như ban đầu”.
Mukesh Aghi, Chủ tịch Diễn đàn Đối tác Chiến lược Mỹ-Ấn, cho rằng cuộc khủng hoảng y tế hiện nay đã phơi bày “những lỗ hổng của chuỗi cung ứng toàn cầu” và cũng giải thích lý do tại sao các nước không thể dựa vào một nước để sản xuất thiết bị y tế cứu người.
Tính đến sáng ngày 15 tháng 5, theo dữ liệu của worldometer – Ấn Độ đã ghi nhận 24,3 triệu ca nhiễm, 266.229 trường hợp đã tử vong. Trong 24 giờ qua Ấn Độ ghi nhận thêm 326.123 ca nhiễm, và 3,879 ca tử vong. Số trường hợp hồi phục tại quốc gia này đã lên 20,4 triệu người.
Biển Đông: TT Philippines tuyên bố không rút tàu theo đòi hỏi của Trung Quốc
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vào hôm qua, 14/05/2021 đã bác bỏ yêu cầu của Trung Quốc đòi Manila phải cho rút tàu thuyền của mình ra khỏi các khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Tổng thống Duterte khẳng định sẽ không cúi đầu trước áp lực, ngay cả khi điều đó phương hại đến tình hữu nghị với Bắc Kinh.
Theo hãng tin Anh Reuters, tuyên bố cứng rắn của ông Duterte trong một chương trình truyền hình được phát sóng hôm qua, đã được đưa ra vào lúc áp lực trên ông càng lúc càng tăng, đòi ông phải từ bỏ việc theo đuổi mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc để phản đối điều mà lãnh đạo quốc phòng Philippines gọi là những hành động khiêu khích trắng trợn của Bắc Kinh.
Từ nhiều tuần lễ nay, lực lượng Philippines đã tăng cường sự hiện diện tại các khu vực tranh chấp trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này, trong đó có đảo Thị Tứ ở vùng Trường Sa, bất chấp sự hiện diện kéo dài hàng tháng của hàng trăm tàu thuyền Trung Quốc mà Manila cho là thuộc lực lượng dân quân biển của Bắc Kinh.
Tháng Tư vừa qua, sau một cuộc tập trận hiếm hoi của Philippines trong khu vực, Trung Quốc đã lên tiếng cảnh cáo, đòi Manila “chấm dứt các hành động làm phức tạp tình hình và leo thang tranh chấp”.
Vào hôm qua, tổng thống Duterte như đã đáp trả rằng: “Chúng tôi có lập trường và tôi muốn tuyên bố một lần nữa rằng tàu thuyền của chúng tôi sẽ tiếp tục ở đó… Chúng tôi sẽ không lùi bước dù chỉ là một tấc (nguyên văn là một inch - 2,54cm). Tổng thống Philippines xác định rằng nước ông không muốn gây chiến, nhưng nhắc lại rằng: “Tôi sẽ không rút lui. Ngay cả khi các người giết tôi. Tình bạn của chúng ta sẽ kết thúc ở đây.”
Ông Duterte thường xuyên bị chỉ trích vì từ chối thúc ép Trung Quốc tuân thủ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye về Biển Đông có lợi cho Philippines. Thậm chí vào tuần trước, ông còn làm dấy lên tranh cãi khi nói rằng phán quyết đó chỉ là một “mảnh giấy lộn” có thể bỏ vào sọt rác.
Vào hôm qua, tổng thống Philippines đã nói lại rằng ông “tin tưởng hoàn toàn vào phán quyết đó”.
Chuyên gia nêu ý kiến trái chiều về chỉ dẫn khẩu trang mới của CDC
Một ngày sau khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ đưa ra chỉ dẫn mới về việc đeo khẩu trang ngăn ngừa sự lây lan của COVID-19, một số chuyên gia y tế đang nêu ra những ý kiến trái chiều về một quyết định được xem là một bước tiến lớn trong nỗ lực chống dịch ở Mỹ.
CDC ngày thứ Năm nới lỏng chỉ dẫn về việc đeo khẩu trang cho những người đã đưa tiêm ngừa đầy đủ, cho phép họ cởi khẩu trang ra khi họ trong những đám đông ở ngoài trời và trong hầu hết không gian kín trong nhà.
“Hôm nay là một ngày tuyệt vời cho nước Mỹ,” Tổng thống Joe Biden nói trong một phát biểu tại Vườn Hồng ca ngợi chỉ dẫn mới, một sự kiện mà ông và các nhân viên của ông hiện diện mà không đeo khẩu trang.
“Nếu bạn đã được tiêm ngừa đầy đủ, bạn không cần phải đeo khẩu trang nữa,” ông nói, tóm tắt chỉ dẫn mới. “Hãy tiêm ngừa — hoặc đeo khẩu trang cho đến khi bạn được tiêm ngừa.”
Chỉ dẫn vẫn kêu gọi đeo khẩu trang ở những nơi đông đúc trong không gian kín như xe buýt, máy bay, bệnh viện, nhà tù và nơi tạm trú cho người vô gia cư, nhưng nó sẽ giúp mở đường để người dân quay trở lại nơi làm việc, trường học và các địa điểm khác — thậm chí không cần phải giãn cách xã hội đối với những người tiêm ngừa đầy đủ.
“Tất cả chúng ta đã mong mỏi khoảnh khắc này từ lâu — khi mà chúng ta có thể trở lại đời sống bình thường trong một chừng mực nhất định,” Rochelle Walensky, giám đốc CDC, nói tại một cuộc họp báo cáo tình hình trước đó tại Nhà Trắng.
Bác sĩ Đỗ Văn Hội, hiện đang hành nghề tại thành phố Orlando ở bang Florida, nói quyết định của cơ quan y tế hàng đầu của Mỹ thay đổi chỉ dẫn về việc đeo khẩu trang là “hết sức quan trọng” và phản ánh quá trình nghiên cứu kĩ lưỡng dựa trên các thông tin khoa học được cập nhập liên tục khi ngày càng nhiều được tiêm ngừa.
[Quyết định] nói lên nhiều ý nghĩa lắm. Có thể là CDC đã xác định được hiệu quả khi chích ngừa đầy đủ thì nó cũng tạo nên được miễn nhiễm cho những người được chích ngừa,” ông nhận định. “Lúc trước mình còn nghĩ rằng chích ngừa rồi vẫn có thể truyền bệnh cho người khác thì lúc này nhận thấy rằng có rất ít khả năng truyền bệnh cho người khác.”
CDC và chính quyền Biden đã phải đối mặt với áp lực nới lỏng các hạn chế đối với những người đã được tiêm chủng đầy đủ — những người đã qua hai tuần kể từ khi họ nhận được liều vaccine COVID-19 bắt buộc cuối cùng của mình — một phần để làm nổi bật những lợi ích của việc tiêm ngừa.
Chiến dịch tiêm chủng ráo riết của Mỹ đã thành công: Các ca nhiễm virus ở Mỹ đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 9, số ca tử vong ở mức thấp nhất kể từ tháng 4 năm ngoái và tỉ lệ xét nghiệm dương tính ở mức thấp nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu, AP cho biết.
Bác sĩ Trần Đại Sơn, hiện đang công tác trong hệ thống bệnh viện Jefferson Health và Trinity Health Mid-Atlantic ở thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania, nói ông tin tưởng chỉ dẫn của CDC vì nó dựa trên những căn cứ khoa học, nhưng lưu ý thêm rằng cần hết sức cẩn trọng về việc cởi bỏ khẩu trang sau hơn một năm đại dịch hoành hành.
“Con virus này không dễ đoán định, nó rất là mới và hành vi của nó không giống những con khác bởi vì nó mang đặc tính DNA của hai dòng, hai gene, hai thế hệ cách nhau rất xa trong lịch sử tiến hóa, chưa bao giờ có,” bác sĩ Sơn, người đã và đang chữa trị cho nhiều bệnh nhân COVID-19, giải thích.
“Khi anh đã chích vaccine rồi mà bị nhiễm virus thì thay vì chết hay bệnh nặng thì anh chỉ bị nhẹ thôi. Nhưng mà đối với những người có nguy cơ cao, họ đứng chung quanh anh họ vẫn có thể gặp rắc rối. Đó là những người lớn tuổi, béo phì, suyễn, hút thuốc, có vấn đề về thận, hệ miễn dịch bị suy yếu, hay đang làm hóa trị,” ông nói thêm.
“Những người như vậy phải cẩn thận thôi, họ không thể nào nói là bây giờ CDC nói như vậy thì họ tỉnh bơ. Không được.”
Bác sĩ Nguyễn Đông Châu, một chuyên gia về nội thương và tim mạch ở bệnh viện Methodist thuộc Trung tâm Y khoa Texas, nói ông không đồng ý với chỉ dẫn mới của CDC và lưu ý rằng việc tiêm ngừa giúp cho tỉ lệ lây nhiễm giảm xuống chứ không bảo vệ 100% khỏi virus.
Ông nói thêm rằng việc cởi bỏ khẩu trang chỉ thực sự an toàn khi khoảng 80% dân số được chủng ngừa, khi có thuốc tốt hơn và hiệu nghiệm hơn để chữa trị COVID-19, và khi tỉ lệ tử vong xuống thấp dưới 1%.
Ông cổ súy tiếp tục đeo khẩu trang và tránh những nơi đông người.
“Tốt nhất là vẫn tiếp tục đề phòng tránh bị nhiễm bệnh,” ông đưa ra lời khuyên. “Một khi đã bị nhiễm bệnh thì dù được sống sót qua khỏi nhưng cơ thể ít nhiều sẽ bị suy nhược, nhất là phổi, tim, và não bộ.”
Đến nay, hơn 154 triệu người Mỹ, gần 47% dân số, đã được tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19, và gần 119 triệu người được tiêm chủng đầy đủ. Tỉ lệ tiêm chủng mới đã chậm lại trong những tuần gần đây, nhưng với việc vaccine của Pfizer ngày thứ Tư được cho phép chích cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi, một đợt tiêm chủng mới dự kiến sẽ diễn ra trong những ngày tới.
Võ Thái Hà tóm lược
Không có nhận xét nào