Điểm tin thế giới ngày Chủ nhật 09 tháng 5 năm 2021 |
Nhân Ngày Chiến Thắng, hôm nay 09/05/2021, như thông lệ, chính quyền Nga tổ chức một lễ diễu binh rầm rộ trên Quảng Trường Đỏ ở thủ đô Matxcơva. Trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và phương Tây đang rất căng thẳng, đây là dịp để tổng thống Vladimir Putin phô trương sức mạnh quân sự của Nga.
Theo kế hoạch dự kiến, buổi diễu binh tại Matxcơva kỷ niệm 76 năm ngày Liên Xô đánh bại Đức Quốc Xã trong Thế Chiến Thứ II được chính tổng thống Nga chủ trì, huy động 12.000 sĩ quan và binh sĩ, gần 200 loại khí tài quân sự, trong đó có các bệ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, cũng như các loại phi cơ và trực thăng.
Theo hãng tin Anh Reuters, buổi lễ duyệt binh năm nay - diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Nga-phương Tây leo thang trên một loạt hồ sơ từ Ukraina cho đến Navalny - sẽ cho phép tổng thống Putin phô trương sức mạnh quân sự của Matxcơva, kích động tinh thần dân tộc và lòng yêu nước, một điều có lợi chủ nhân điện Kremlin trong bối cảnh nước Nga chuẩn bị bầu lại Quốc Hội vào tháng 9/2021.
Về mặt đối ngoại, hành động phô trương uy lực quân sự hôm nay còn là một tín hiệu mạnh gởi đến các nước phương Tây, ít lâu sau một chiến dịch triển khai hơn 100.000 quân gần khu vực giáp giới với Ukraina, cũng như ở vùng Crimée mà Nga đã chiếm của Ukraina vào năm 2014.Việc Matxcơva triển khai lực lượng quân sự kể trên đã khiến phương Tây lo ngại, và sau đó Nga đã cho triệt thoái phần lớn lực lượng, chỉ để lại một số thiết bị quân sự và tiếp tục tập trận trên Biển Đen.
Ngoài lễ diễu binh rầm rộ ở Matxcơva, nhiều cuộc diều binh nhỏ hơn cũng diễn ra tại một số thành phố trên nước Nga, ở vùng Crimée và tại căn cứ Không Quân Nga Hmeymim ở Syria. Ngay từ hôm qua, 08/05, ông Putin đã gửi lời chúc mừng tới các thành viên Cộng Đồng Các Quốc Gia Độc Lập về vai trò của họ trong chiến thắng của Đồng Minh trước Đức Quốc Xã thời Thế Chiến Thứ II và kêu gọi phát huy “tình hữu nghị anh em và sự giúp đỡ lẫn nhau”.
Hỏa tiễn Trung Quốc rơi tự do, Washington chỉ trích Bắc Kinh « bất cẩn »
Ngày 09/05/2021, cơ quan không gian Trung Quốc thông báo, sau nhiều ngày rơi tự do, một phần của chiếc hỏa tiễn nặng đến vài tấn, đã tan vỡ trên không trung Ấn Độ Dương. Nếu như, sự việc đặt dấu chấm hết cho những đồn đoán lo âu từ nhiều ngày qua, chính quyền Washington chỉ trích Bắc Kinh đã hành sự « bất cẩn » trong lĩnh vực này.
Cục Kỹ thuật Không gian Trung Quốc, trong một thông cáo cho biết tầng thứ nhất của tên lửa đẩy Hành Trình 5B đã đi vào bầu khí quyển lúc 10 giờ 24 phút ngày 09/05/2021 và đã vỡ tan trên không trung Ấn Độ Dương, gần quần đảo Maldives.
Điểm rơi của tên lửa này hầu như trùng khớp với các dự đoán của nhiều chuyên gia, cho rằng có nhiều cơ may bộ phận này của tên lửa rơi trên biển do 70% diện tích hành tinh bao phủ đầy nước. Nhưng việc tên lửa này rơi tự do xuống trái đất từ nhiều ngày qua đã làm dấy lên nhiều lo lắng, các cơ quan không gian Mỹ và châu Âu theo dõi sát sao, tìm cách xác định thời điểm và địa điểm rơi của vật thể này.
Trong tuần qua, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin từng khẳng định rằng Hoa Kỳ không có ý định phá hủy tên lửa. Ông cũng ngầm chỉ trích rằng Trung Quốc đã không lập kế hoạch đầy đủ cho việc phóng tên lửa đẩy này.
Dù xác suất gây ra những thiệt hại vật chất và con người được cho là rất thấp, việc tiếp xúc với bầu khí quyển làm tỏa ra một nhiệt lượng và gây ra sức ma sát rất lớn, những bộ phận rời này của tên lửa có thể bốc cháy và tan vỡ. Tuy nhiên, những vật thể lớn như tên lửa Hành Trình 5B có thể không bị phá hủy hoàn toàn. Các mảnh vỡ có thể rơi xuống bề mặt trái đất và gây ra nhiều thiệt hại vật chất cũng như là thương vong.
AFP nhắc lại, năm 2020, những mảnh vỡ của một tên lửa đẩy hành trình khác đã rơi xuống những ngôi làng ở Côte d’Ivoire, gây ra nhiều thiệt hại nhưng may mắn không có thương vong nào.
Những rủi ro từ việc để rơi tự do không thể kiểm soát như vậy đã làm dấy lên nhiều lời cáo buộc cho rằng Bắc Kinh dường như đã hành động một cách vô trách nhiệm.
Theo AFP, nhiều chuyên gia đã lên tiếng khuyến nghị Trung Quốc nên có một phiên bản thiết kế mới về tên lửa Hành Trình 5B, hiện không có khả năng kiểm soát khi rời quỹ đạo, nhằm tránh xảy ra những kiểu kịch bản như vậy tái diễn.
Biden lại bị chỉ trích vì báo cáo việc làm ‘nghèo nàn’
Theo Daily Wire, Tổng thống Joe Biden hiện đang bị các thành viên Đảng Cộng hoà chỉ trích nặng nề vì báo cáo việc làm hôm 7/5. Báo cáo cho thấy nền kinh tế Mỹ dưới thời Biden trong tháng 4 đã tạo ra số việc làm thấp hơn 700.000 so với kế hoạch.
Ông Biden trước đó đã tuyên bố rằng: “Hiện đã có nhiều bằng chứng hơn cho thấy nền kinh tế của chúng ta đang đi đúng hướng”, và rằng “Số lượng việc làm của tháng này cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng”.
Tuy nhiên, Nhà phân tích tài chính Charles Payne viết trên Twitter hôm 7/5 rằng: “Xin chúc mừng Tổng thống Biden – ngài đã đạt được sự tiến bộ không tưởng. Có tới ít nhất 7,4 triệu cơ hội việc làm, nhưng chỉ có 266.000 người có việc làm vào tháng trước”.
Cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo tweet rằng: “Báo cáo việc làm tháng Tư minh họa cho những gì chúng ta đã biết – chính quyền Nước Mỹ Trên Hết của chúng tôi đã mang việc làm trở lại và xây dựng nền kinh tế mạnh nhất mà chúng ta đã có trong nhiều thập kỷ qua. Còn nền kinh tế dưới bộ máy cồng kềnh của ông Biden lại đang phá hủy công ăn việc làm”.
Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn nói rằng: “Các con số việc làm thật đáng thất vọng. Nền kinh tế dưới thời Biden đã không đạt được mục tiêu 1 triệu [việc làm] của họ và chỉ ở mức 266 nghìn. Tăng thuế và tăng thêm các quy định sẽ không bao giờ tạo ra công ăn việc làm!”
Dân biểu Jim Jordan thì nói: “Tăng thuế. Chi tiêu nhiều hơn. Các quy định thì ngày càng rườm rà. Đó không phải là công thức để phục hồi nền kinh tế. Nhưng đó lại là kế hoạch của Tổng thống Biden”.
Thượng nghị sĩ Ted Cruz đánh giá: “Báo cáo việc làm tháng 4 của Biden là báo cáo tồi tệ nhất trong 23 năm qua… Ngay cả dưới thời Obama, nó cũng không tệ đến mức như vậy”.
Hiện tỷ lệ thất nghiệp của nhóm người da đen và phụ nữ ở Mỹ đang gia tăng. 18.000 việc làm trong lĩnh vực sản xuất bị mất; không có việc làm nào trong lĩnh vực xây dựng được bổ sung; tỷ lệ thất nghiệp ở những người Mỹ không có trình độ đại học tăng.
Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ cho biết, dưới thời Tổng thống Joe Biden, 9,8 triệu người Mỹ vẫn đang sống trong cảnh thất nghiệp.
Mỹ: Thống đốc Oklahoma ký luật cấm giảng dạy lý ‘thuyết chủng tộc phê phán’
The BL hôm 8/5 đưa tin, vào thứ Sáu, ngày 7 tháng 5, Thống đốc bang Oklahoma Kevin Stitt đã ký ban hành dự luật HB 1775 cấm giảng dạy “lý thuyết chủng tộc phê phán” trong các trường học và đại học. Đạo luật này có hiệu lực ngay lập tức.
Theo New York Post, hầu hết người Mỹ chưa bao giờ nghe nói về lý thuyết chủng tộc phê phán, một lý thuyết mà tờ báo này cho rằng được xây dựng dựa trên chủ nghĩa Mác.
Theo tờ báo này, nhiều quốc gia đã trải qua các cuộc cách mạng theo kiểu Mác xít trong suốt thế kỷ XX, và tất cả đều kết thúc trong bi kịch.
Các trí thức mác xít ở phương Tây bắt đầu thừa nhận những sai lầm của chủ nghĩa Mác vào giữa những năm 1960.
Tuy nhiên, thay vì từ bỏ Mác xít, họ đã điều chỉnh chủ nghĩa này thành một biến thể mới thông qua việc thay thế thuật ngữ “giai cấp” bởi “chủng tộc”, nhằm chia rẽ người dân theo sắc tộc, màu da. Và theo đó, “lý thuyết chủng tộc phê phán” xuất sinh.
Trong một tuyên bố video được đăng trên Twitter hôm 8/5, Stitt giải thích lý do tại sao ông ký HB 1775, trong đó cấm giảng dạy lý thuyết học thuật rằng phân biệt chủng tộc bắt nguồn từ văn hóa của Hoa Kỳ và vẫn còn ảnh hưởng đến luật pháp hiện hành.
Ông Stitt nói: “Hơn bao giờ hết, chúng ta cần các chính sách mang chúng ta đến gần nhau hơn – không chia cắt chúng ta. Với tư cách là thống đốc, tôi tin chắc rằng không nên sử dụng một xu tiền thuế của người dân để định nghĩa và phân chia những người Oklahoman trẻ tuổi theo chủng tộc hoặc giới tính của họ”.
Đạo luật HB 1775 ngăn chặn các trường học nói với học sinh rằng “một chủng tộc hoặc giới tính này vốn đã vượt trội hơn một chủng tộc khác” và rằng “một cá nhân, do chủng tộc hoặc giới tính của mình, vốn mang bản chất phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính hoặc áp bức [người khác]”.
Stitt kết thúc bài phát biểu của mình bằng cách dẫn lời của Martin Luther King nói rằng mọi người nên được đánh giá dựa trên phẩm cách hơn là màu da của họ.
Nepal nguy cơ trở thành Ấn Độ thứ hai khi tình hình dịch Covid diễn biến rất xấu
Nepal đang đứng trước nguy cơ trở thành Ấn Độ thứ hai khi có 9,023 ca nhiễm mới virus Vũ Hán (Covid-19) và 50 người tử vong trong ngày 7/8, nối tiếp mức tăng cao về số người nhiễm mới và chết vì đại dịch trong những ngày trước đó.
Theo Straits Times, sự gia tăng đột biến số ca nhiễm ở Nepal bắt đầu vào ngày 18/4 khi 1.015 trường hợp được ghi nhận và bắt đầu đạt mức cao mới kể từ đó, làm hệ thống chăm sóc y tế của quốc gia có gần 30 triệu dân trở nên quá tải.
Các chuyên gia y tế Nepal cho biết các trường hợp được báo cáo không phản ánh hết mức độ tồi tệ của đại dịch, khi chỉ những người có biểu hiện nhiễm bệnh mới được làm xét nghiệm, tức là con số người nhiễm bệnh thực tế có thể cao hơn nhiều so với con số thống kê chính thức.
Các bác sĩ cho biết cuộc khủng hoảng ở Nepal có thể sớm trở nên khó kiểm soát nếu các nhà chức trách không thực hiện các biện pháp hữu hiệu để dập dịch, vì nhiều nhân viên y tế đã bị nhiễm bệnh.
Võ Thái Hà tóm lược
Không có nhận xét nào