Header Ads

  • Breaking News

    Gs. Võ Tòng Xuân: Bill Gates mà ở Việt Nam cũng khó giàu vì bản quyền tác giả còn lỏng lẻo

    Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, với vấn đề đăng ký bản quyền thương hiệu hiện nay, doanh nghiệp đang tự bơi là chính. GS Võ Tòng Xuân cho rằng, cần sớm tiến hảnh thủ tục bảo hộ thương hiệu gạo ST25. Ảnh: Huỳnh Xây.

    Xung quanh việc gạo ST25 có nguy cơ bị đăng ký bản quyền thương hiệu ở Mỹ, Úc, GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng, ngành chức năng cần vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ bản quyền. Vị giáo sư cho rằng, nếu không nhìn nhận nghiêm túc vấn đề bản quyền thì Bill Gates sang Việt Nam cũng khó giàu.

    Sao không công nhận ST25 là giống lúa quốc gia?

    Thời gian gần đây, thông tin 4 doanh nghiệp của Mỹ đang tiến hành các thủ tục đăng ký bản quyền thương hiệu cho gạo ST25 tại thị trường Mỹ, sau đó một doanh nghiệp của Úc cũng chuẩn bị đăng ký thương hiệu loại gạo này khiến không ít người lo lắng. Quan điểm của giáo sư về việc này như thế nào?

    - Đương nhiên là có rất nhiều điều lo lắng xung quanh thông tin này, bởi trong trường hợp đăng ký của các doanh nghiệp ở Mỹ, Úc được chấp nhận, có nghĩa là họ đã có bản quyền, doanh nghiệp của chúng ta muốn xuất khẩu sang thị trường đó thì không được sử dụng cái tên gạo ST25 nữa.

    ×

    Hiện tại, tôi được biết, ông Hồ Quang Cua và doanh nghiệp gia đình của ông ấy đã ủy quyền cho một tập đoàn lớn bảo hộ nhãn hiệu gạo ST24, ST25 tại những thị trường xuất khẩu gạo trọng điểm.

    Ông Hồ Quang Trí, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, đơn vị đang sở hữu bản quyền giống lúa ST25 cho biết, bản thân doanh nghiệp cũng không thể "lo nổi chuyện bên Mỹ", có nghĩa tự bản thân doanh nghiệp khó có thể bảo vệ được sản phẩm của doanh nghiệp mình ở thị trường nước ngoài. Theo giáo sư, trong trường hợp này, ngành chức năng cần có sự hỗ trợ như thế nào đối với doanh nghiệp?

    - Theo tôi, Bộ NNPTNT có thể công nhận ST25 là giống lúa quốc gia, giống lúa của Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu đi các nước phải được chứng nhận, giống như cách người Thái Lan đã làm với gạo Hom Mali.

    Ngoài ra, doanh nghiệp của ông Hồ Quang Cua phải nhờ các cơ quan có liên quan về vấn đề bản quyền tác giả, mà cụ thể là Cục Sở hữu trí tuệ hỗ trợ đăng ký bản quyền ở thị trường quốc tế.

    Nói thật, tôi có cảm giác, với vấn đề đăng ký bản quyền thương hiệu hiện nay, doanh nghiệp đang tự bơi là chính. 

    Không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ ở thị trường trong nước, tôi nghĩ Cục Sở hữu trí tuệ cũng cần có động thái hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký ở thị trường nước ngoài, nhất là những thị trường xuất khẩu trọng điểm.

    Giống của Việt Nam mà cứ như giống của quốc tế

     Thái Lan đã có thương hiệu gạo quốc gia, tại sao một đất nước xuất khẩu gạo hàng đầu như Việt Nam đến nay vẫn chưa có được một sản phẩm gạo xứng tầm, thưa giáo sư?

    - Tôi nghĩ đây vẫn là điều đáng trăn trở của ngành chế biến, xuất khẩu gạo của Việt Nam, như bản thân doanh nghiệp Hồ Quang Trí đã thừa nhận, sức của họ khó có thể bảo vệ được thương hiệu ở thị trường nước ngoài.

    Nhưng nếu chúng ta có chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia bài bản cho gạo Việt thì chắc chắn giá trị của hạt gạo Việt sẽ còn nâng cao hơn nữa.

    Đây có phải là một trong những lý do mà cho đến nay gạo Việt khi xuất khẩu ra nước ngoài vẫn phải dưới tên của một doanh nghiệp khác, giống như thực tế Thương vụ Việt Nam tại Anh vừa nêu tại thị trường Anh khi gạo Việt xuất sang Anh dưới một cái tên nước ngoài?

    - Đó là một thực tế buồn, phải truy ra từ người sản xuất trong nước, có thể bán gạo dưới nhãn hiệu của nhà phân phối nhưng họ có đất đâu mà trồng, phải truy ra từ gốc, quyền tác giả của giống lúa thì phải được tôn trọng.

    Ví dụ, doanh nghiệp của Úc có thể đăng ký bản quyền, nếu có tên ST25, ông Hồ Quang Cua hoàn toàn có thể kiện được, bởi doanh nghiệp kia có gì để chứng minh hạt gạo đó được làm từ giống cha là gì, giống mẹ là gì, trồng ở đâu?

    Theo tôi, để bảo vệ tên gọi ST25 ở nước ngoài nếu biết cách làm cũng không khó, quan trọng là phải làm nhanh. 

    Từ thực tế câu chuyện đăng ký bản quyền của gạo ST25, có thể thấy vấn đề bản quyền nông sản, đặc biệt ở thị trường nước ngoài vẫn còn bỏ ngỏ, cũng đã có nhiều trường hợp nông sản nổi tiếng của Việt Nam bị mất tên vào tay doanh nghiệp nước ngoài và phải tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc mới đòi lại được. Quan điểm của giáo sư về vấn đề này như thế nào?

    - Có một sự thật là, nhiều giống cây ăn quả của nước ta rơi vào tay nước ngoài do vấn đề đăng ký bản quyền chưa được chú trọng.

    Có thể lấy ví dụ, giống thanh long hiện nay của Việt Nam mà cứ như của quốc tế, Trung Quốc, Thái Lan cũng đã trồng rất nhiều mà không gặp khó khăn gì về vấn đề bản quyền.

    Mỗi giống cây trồng là kết quả lai tạo, nghiên cứu của mỗi cá nhân, tổ chức, vì vậy cần phải đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. 

    Nếu chúng ta không coi trọng vấn đề bản quyền, làm như từ trước đến nay thì ngoài gạo ST25 có thể sẽ còn nhiều nông sản gặp phải trường hợp tương tự. 

    Ở nhiều nước, vấn đề bản quyền rất được coi trọng, chúng ta cũng phải học cách làm đó, giống như khi ta mua một cái máy tính mới nếu cài chương trình có bản quyền sẽ khác, xài "chùa" sẽ khác.

    Nếu áp dụng bảo vệ bản quyền như cách chúng ta vẫn làm, có lẽ Bill Gates sang Việt Nam cũng khó có thể giàu có như bên Mỹ. Nói vui như vậy để thấy nếu bảo vệ được quyền tác giả, bản quyền sản phẩm thì lợi ích mang lại đằng sau là vô giá.

    Xin cảm ơn giáo sư!

    https://danviet.vn/gs-vo-tong-xuan-bill-gate-ma-o-viet-nam-cung-kho-giau-vi-ban-quyen-tac-gia-con-long-leo-20210505161544015.htm

    Không có nhận xét nào