Header Ads

  • Breaking News

    Gs. Nguyễn Văn Tuấn - Bé Pavlik và Bé Tám

    Ở Liên Xô cũ có nhân vật với biệt danh là bé Pavlik, rất nổi tiếng như là một tấm gương thiếu niên anh hùng dám tố cáo cha đẻ mình. Ở Việt Nam chúng ta chưa có ai dám làm việc đó, nhưng cũng có một thiếu niên anh hùng tên là Lê Văn Tám.

    Pavel Trofimovich Morozov, còn có biệt danh là Bé Pavlik, sanh ngày 14/11/1918 trong một gia đình nghèo ở Gerasimovka (thuộc Sverdlovsk). Bé Pavlik được bộ máy tuyên truyền Soviet ca ngợi như là một anh hùng, một liệt sĩ thời Soviet. Thành tích lớn nhứt của bé Pavlik là em dám tố cáo cha đẻ cho công an. Nhưng trớ trêu thay, bé Pavlik cũng bị giết sau đó.

    Phiên bản tuyên truyền

    Câu chuyện của bé Pavlik có 2 phiên bản: tuyên truyền và sự thật. Chúng ta thử đọc qua phiên bản tuyên truyền trước. Theo đó, bé Pavlik là một người cộng sản tí hon, lãnh đạo một nhóm thiếu niên tiền phong ở trường học. Bé Pavlik là người ủng hộ nhiệt tình chủ trương hợp tác xã do Stalin đề xướng.

    Năm 1932, ở tuổi 13, bé Pavlik tố cáo rằng cha đẻ mình tên là Trofim (lúc đó là chủ tịch xã) làm giấy giả để bán cho các băng đảng kẻ thù của nhà nước Soviet. Trofim bị phạt tù giam 10 năm, nhưng sau đó bản án nâng lên tử hình và ông đã bị xử bắn.

    Vẫn theo phiên bản tuyên truyền, gia đình bé Pavlik rất giận về sự việc. Chú (hay bác?), ông nội, bà nội, và một người anh họ quyết định thủ tiêu bé Pavlik. Tuy nhiên, người chú sau này bị bắt và lãnh bản án tử hình.

    Nhà nước Soviet vinh danh bé Pavlik là một liệt sĩ vinh quang, người đã dám tố cáo cha mình và hi sinh. Còn những người được cho là giết bé Pavlik thì bị lên án như là những kẻ phản động. Nhà nước Soviet cho dựng tượng bé Pavlik. Nhiều trường học và các nhóm thiếu niên được lấy tên Pavel Trofimovich Morozov như là một vinh dự. Nhà nước Soviet còn cho xây dựng một cái đền để trẻ em khắp nước có thể thăm viếng và tỏ lòng ngưỡng mộ người anh hùng tí hon.

    Phiên bản thật

    Nhưng câu chuyện của bé Pavlik không như nhà nước Soviet muốn công chúng hiểu. Sau khi chế độ Soviet sụp đổ, người ta mới có dịp tìm hiểu kĩ hơn về bé Pavlik và sự việc chung quanh em ấy tố cáo cha mình. Chuyện kể rằng khi nhà thơ lừng danh Maxim Gorky nói chuyện với một tổ chức thiếu niên vào năm 1933, ông đề cập đến Pavlik Morozov nhận và hiểu rằng ngay cả người thân máu mủ trong gia đình vẫn có thể là một kẻ thù tinh thần và không thể tha thứ cho kẻ đó. Gorky là một kẻ nịnh Stalin và muốn Stalin biết về suy nghĩ của mình như thế như là một lập trường. Nhưng chuyện kể rằng khi Stalin nghe qua câu chuyện, ông chửi "Đồ heo con dám tố cáo cha mình".

    Vào giữa thập niên 1980s, Yuri Druzhnikov, một người bất đồng chánh kiến có dịp về tận làng quê Gerasimovka để tìm hiểu về bé Pavlik và làm một cuốn phim thời sự có tên là "Informer 001: The Myth of Pavlik Morozov" (Kẻ chỉ điểm 001: huyền thoại về Pavlik Morozov). Druzhnikov cho biết tất cả những gì bộ máy tuyên truyền viết về bé Pavlik đều là tiểu thuyết hoá, không có thật.

    Chẳng hạn như Pavlik không hề tố cáo cha mình, mà chỉ vì giận gia đình nên đi bụi. Bé Pavlik không phải là một học sinh giỏi, mà hay quậy phá trong lớp học. Trong đời thường bé Pavlik rất ốm o, gầy gò, do thiếu dinh dưỡng, chớ không phải như bức hình tuyên truyền.

    Bé Pavlik cũng không phải là một thiếu niên tiền phong khi bị giết chết. Theo tuyên truyền, em ấy bị ông nội giết chết, nhưng sự thật là ông nội của Pavlik rất đau đớn trước cái chết và đã tổ chức một nhóm người đi tìm thi thể của đứa cháu. Ông cũng kêu oan liên tục trong phiên toà. Dù Druzhnikov không nói thẳng ra, nhưng cách trình bày cho thấy kẻ giết Pavlik là công an. Còn theo một nguồn tin khác thì bé Pavlik bị giết chết qua một vụ cãi vã vô duyên.

    Câu chuyện bé Pavlik được dàn dựng như là một phương tiện tẩy não cả một thế hệ thiếu niên Soviet. Nhưng bé Pavlik chỉ là một nhân vật anh hùng hư cấu. Ngày nay thì nhiều người nhìn lại và thấy bé Pavlik không phải là một anh hùng gì cả, mà chỉ là một đứa trẻ bình thường, có phần ngỗ nghịch. Tuy nhiên, vì thời đó chế độ Soviet cần anh hùng nên họ hư cấu hoá bé Pavlik như thế.

    Ở Việt Nam chúng ta không có một bé Pavlik, nhưng có một anh hùng khác tên là Lê Văn Tám. Nhưng cũng như số phận của bé Pavlik, bé Lê Văn Tám cũng là một nhân vật được hư cấu hoá theo chủ nghĩa anh hùng.

    https://www.facebook.com/100013119784675/posts/1248425372271444/

    Không có nhận xét nào