Dấu hiệu giảm nhiệt căng thẳng quân sự Mỹ - Trung
Có nhiều dấu hiệu cho thấy cho thấy Mỹ và Trung Quốc bắt đầu xuống thang đối đầu, ít nhất là trên thực địa, sau những màn lên gân trong 1, 2 tháng đầu của chính quyền Joe Biden.
I. Biển Đông
Không có nhiều diễn biến trên thực địa ở Biển Đông trong vài ngày qua.
Tàu Sơn Đông đã quay trở về cảng Tam Á trong ngày 9.5, sau gần hai tuần huấn luyện ở khu vực phía đông đảo Hải Nam.
Tàu này rời Tam Á ngày 28.4, sau khi tàu Liêu Ninh đã trở ra Biển Philippines vòng trở về Thanh Đảo.
Cuối tuần qua, một số tàu hải cảnh Trung Quốc hướng đến khu vực Hoàng Sa. Trong đó, đáng chú ý nhất là tàu hải cảnh lớn nhất của Trung Quốc 5901, với độ choán nước hơn 10.000 tấn. Tuy nhiên, nó đã tắt tín hiệu khi đến khu vực Hoàng Sa tối ngày 8.5.
Ngoại trừ các chiến dịch hộ tống ở Biển Đông, tàu 5901 thường lượn lờ ở khu vực ven Hải Nam và Quảng Đông. Việc nó tiến xuống phía nam lần này có thể liên quan đến hoạt động thực thi cái gọi là lệnh cấm đánh bắt ở Biển Đông.
Ngày 8.5, một nhóm tàu hải quân Trung Quốc được nhìn thấy di chuyển theo hàng ở khu vực eo biển Đài Loan. Các tàu này được cho là những tàu độ bộ Type 072 và Type 073.
II. Mỹ - Trung
Vài tuần qua, có một số dấu hiệu cho thấy Mỹ và Trung Quốc bắt đầu xuống thang đối đầu, ít nhất là trên thực địa, sau những màn lên gân trong 1, 2 tháng đầu của chính quyền Joe Biden.
Điều này được học giả Thời Ân Hoằng của Trung Quốc chỉ ra khi trả lời phỏng vấn tờ The South China Morning Post ngày 8.5.
Tuy nhiên, Thời Ân Hoằng, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân Dân, cho biết có những dấu hiệu cho thấy hai nước đang cố gắng hãm lại tình hình.
“Có dấu hiệu Bắc Kinh và Washington đang cố gắng giảm bớt căng thẳng quân sự, mặc dù (Điều phối viên Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Kurt) Campbell cảnh báo rằng cơ chế kiểm soát khủng hoảng không hiệu quả”.
Thời, người cũng là cố vấn cho Bắc Kinh về chính sách đối với Mỹ, nói rằng kể từ khi biên chế 3 tàu chiến Trung Quốc vào ngày 23 tháng 4, cả hai bên đã giảm quy mô hoạt động quân sự ở Hoa Đông và Biển Đông.
“Cuộc đấu khẩu giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn tiếp diễn, nhưng PLA đã không điều tàu chiến nào đi qua đường trung tuyến của eo biển Đài Loan hoặc triển khai máy bay để tiến hành các cuộc bao vây đảo”, ông nói và cho biết thêm rằng Mỹ cũng đã đình chỉ "các hoạt động khiêu khích" ở khu vực trong hai tuần qua.
"Các hoạt động quân sự của cả hai bên có thể được xem là sự phản ánh các chuyển động chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ, ngụ ý rằng cả hai bên đang cố gắng giảm bớt căng thẳng chính trị giữa họ".
Tuy ông Thời không nói cụ thể lắm, nhưng một số quan sát của tôi thời gian qua cũng cho thấy như thế.
Một dấu hiệu có thể coi là thể hiện “sự kiềm chế” của Trung Quốc là nước này đã không triển khai hai tàu Sơn Đông và Liêu Ninh cùng lúc ở Biển Đông, mặc dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chủ trì lễ biên chế 3 tàu chiến ngày 23.4.
Tàu Sơn Đông trú ở Hải Nam vài tháng qua và tàu Liêu Ninh đã hoạt động ở Biển Đông từ ngày 10 đến 26.4.
Thế nhưng, Trung Quốc đã bỏ qua cơ hội để hai tàu này cùng ra khơi ở Biển Đông. Tuy chưa thể tham gia huấn luyện chung, chí ít Trung Quốc có thể tận dụng dịp này chỉ để hai tàu cùng tham gia vào một cuộc diễn tập dàn đội hình với mục đích chụp hình (PHOTOEX) để tuyên truyền và biểu dương lực lượng.
Tuy vậy, tàu Sơn Đông lại chỉ ra khơi ngày 28.4, sau khi tàu Liêu Ninh đã rời Biển Đông ngày 26.4. Sự nhịp nhàng này cho thấy có thể có sự cố ý của Trung Quốc trong việc sắp xếp thời điểm ra khơi của tàu Sơn Đông. Điều này có thể là một tín hiệu “thiện chí” gửi đến Mỹ rằng Bắc Kinh không muốn phô trương quá mức.
Một tín hiệu khác là dù một phái đoàn ngoại giao không chính thức của Mỹ thăm Đài Loan vào trung tuần tháng 4, Trung Quốc không tiến hành động thái quân sự nào đáng kể để bày tỏ bất mãn, chẳng hạn tổ chức các đợt xâm nhập quy mô lớn vào Vùng nhận diện phòng không Đài Loan như trước đây.
Các đợt xâm nhập lớn của máy bay Trung Quốc cũng đã giảm đi về quy mô từ chuyến thăm Thượng Hải trùng thời điểm đó của Đặc phái viên về biến đổi khí hậu John Kerry.
Về phía Mỹ, sau cuộc tập trận giữa hai nhóm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và nhóm tàu đổ bộ tấn công USS Makin Island ở Biển Đông ở Biển Đông ngày 9.4, Mỹ cũng không tiến hành thêm động thái biểu dương nào.
Một sự kiện thu hút được sự chú ý của truyền thông quốc tế là việc tàu khu trục USS Mustin bám theo nhóm tàu Liêu Ninh trong thời gian ở Biển Đông, với bức ảnh nổi tiếng chụp hạm trưởng và hạm phó của tàu USS Mustin quan sát tàu Liêu Ninh.
Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý là bất chấp những căng thẳng liên quan đến tình hình bãi Ba Đầu ở quần đảo Trường Sa thời gian qua, Mỹ đã không tiến hành cuộc tuần tra tự do hàng hải (FONOP) nào ở Biển Đông trong gần 3 tháng qua.
Lần cuối cùng Mỹ tiến hành FONOP ở Biển Đông là với tàu USS Russell ở Trường Sa vào ngày 17.2. Ngày 6.2, tàu USS John McCain cũng tiến hành FONOP ở Hoàng Sa.
Trong vòng 1 tháng sau khi ông Biden nhậm chức, Mỹ tiến hành hai FONOP ở Biển Đông, kèm theo đó là cuộc tập trận giữa hai tàu sân bay USS Nimitz và USS Theodore Roosevelt trong tháng 2. Thế nhưng đã gần 3 tháng qua, Mỹ không tiến hành thêm FONOP nào ở khu vực. Đây là một quãng thời gian khá dài, xét đến tần suất các chuyến FONOP của Mỹ ở Biển Đông trong vài năm qua.
Sự gián đoạn của các chuyến FONOP ở Biển Đông có thể có hai nguyên nhân. Một là Mỹ chủ động giảm nhiệt sau những màn thị uy rầm rộ trong những ngày đầu của chính quyền Biden.
Hai là Mỹ vẫn tiến hành FONOP ở Biển Đông nhưng đã thay đổi chính sách và không công bố đầy đủ mọi chuyến FONOP ở khu vực như trước nữa. Trường hợp này, nếu quả thật đã diễn ra, thì cũng gợi ý việc chính quyền Biden chủ động muốn hạ nhiệt.
Một dấu hiệu khác là Điều phối viên Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Kurt Campbell mới đây đánh tín hiệu rằng Washington không thấy lợi ích trong việc làm rõ “sự mơ hồ chiến lược” đối với Đài Loan. Có thể xem phát biểu này là một kiểu trấn an Trung Quốc.
Ông Campbell cũng than phiền về việc đường dây nóng quân sự giữa hai nước không hoạt động hiệu quả, do Trung Quốc nhiều lần không bắt máy. Đây cũng có thể là lời mời gọi Bắc Kinh nhằm nối lại các đường dây xử lý khủng hoảng.
Những dấu hiệu này xuất hiện giữa lúc Nhóm đặc trách về Trung Quốc của Bộ Quốc phòng Mỹ bước vào những tuần lễ cuối cùng của thời hạn 4 tháng để đánh giá lại chiến lược quân sự với Trung Quốc.
Thời điểm mà nhóm đặc trách về Trung Quốc của Lầu Năm Góc kết thúc việc đánh giá có thể trùng dịp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Llyod Austin tham dự Đối thoại Shangri-La vào ngày 4-5.6. Vì thế, nếu kịp, không loại trừ khả năng ông Austin sẽ công bố chiến lược mới liên quan đến Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La năm nay.
Truyền thông Việt Nam vào tuần trước dẫn thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ cho biết ông Austin bày tỏ mong muốn thăm Việt Nam trong thời gian tới. Vì thế, không loại trừ khả năng có sự chuẩn bị cho một chuyến thăm Việt Nam của ông Austin nhân chuyến tham dự Đối thoại Shangri-La ở Singapore. Tuy nhiên, theo những gì tôi biết, vẫn chưa có quyết định cuối cùng được đưa ra. Một yếu tố có thể làm phức tạp việc chuẩn bị chuyến thăm là làn sóng dịch mới ở Việt Nam.
Không có nhận xét nào