Header Ads

  • Breaking News

    Căng thẳng Biển Đông và bầu cử Philippines

    Ảnh: CNN Philippines

    Màn đấu khẩu đang lên đến cao trào ở Philippines gợi ý những chuyển động của Manila thời gian gần đây chịu nhiều ảnh hưởng của chính trị trong nước.

    Bài phát biểu trước toàn dân của Tổng thống Philippines Duterte tối ngày 5.5 gây xôn xao dư luận với hai nội dung đáng chú ý.




    Một là ông Duterte tuyên bố phán quyết của tòa án trọng tài trong vụ kiện Biển Đông năm 2016 chỉ là “tờ giấy lộn” đáng vứt sọt rác. Phát biểu này gây sửng sốt bởi nó giống với cách tuyên truyền của Trung Quốc bấy lâu nay.

    Phát biểu này lập tức gây ra làn sóng phẫn nộ và phát ngôn viên phủ tổng thống Harry Roque sau đó lên tiếng biện bạch rằng cần phải đặt phát biểu của ông Duterte vào ngữ cảnh như là ông này đang mô tả thái độ của Trung Quốc.

    Dĩ nhiên, các đối thủ của ông Duterte không bỏ qua cơ hội lên án vị tổng thống ăn nói bạt mạng này.

    Nội dung thứ hai là ông Duterte thách cựu thẩm phán Tòa án tối cao Antonio Carpio tranh luận trực tiếp về vấn đề Biển Đông. Ông Duterte đưa ra tuyên bố khi công kích cựu Ngoại trưởng Alberto del Rosario và ông Carpio, hai nhân vật có liên quan chặt chẽ với vụ kiện được khởi xướng năm 2013. Ông Carpio đã nhanh chóng nhận lời thách đấu.

    Không gì có thể bào chữa cho cách phát biểu của tổng thống Philippines. Tuy nhiên, cần xét đến những yếu tố chính trị đằng sau trong cuộc đấu khẩu đang lên đến cao trào hiện nay.

    Cuộc đấu khẩu

    Hai ông Del Rosario và ông Carpio có thể xem là những nhân vật đại diện cho chính sách Biển Đông dưới thời chính quyền trước đây của ông Aquino. Hiện nay, hai ông lại là hai nhân vật chủ xướng của liên minh 1Sambayan (Một quốc gia) mới được thành lập với mục tiêu đoàn kết phe đối lập để chọn lựa ứng cử viên đối đầu với ứng cử viên được ông Duterte hậu thuẫn hoặc đi theo đường lối dân túy của ông này trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2022. (Theo quy định, ông Duterte chỉ có thể làm một nhiệm kỳ 6 năm).

    Soi chiếu với những động thái của chính quyền Duterte vài tuần qua có thể giúp nhận thấy ý đồ đằng sau. Cụ thể:

    Ông Duterte đang muốn xới lại lập trường của chính quyền Aquino về vấn đề Biển Đông để tấn công vào phe đối lập của ông del Rosario và Carpio. Một mũi nhọn là ông Duterte nhắm vào là quyết định rút tàu Philippines khỏi bãi cạn Scarborough trong cuộc đối đầu với Trung Quốc năm 2012.

    Điều này thể hiện qua ba câu hỏi mà ông Duterte đặt ra cho ông Carpio:

    Ai ra lệnh cho hải quân Philippines rút khỏi bãi cạn?

    Chính quyền Aquino đã làm gì sau chiến thắng ở tòa trọng tài? (Trên thực tế, khi tòa án ra phán quyết ngày 12.7.2016 thì ông Duterte đã nhậm chức, có thể câu hỏi mà ông ta muốn đưa ra là chính quyền Aquino dự định sẽ làm gì một khi chiến thắng, với mục đích so sánh với cách làm của ông trong hiện tại).

    Liệu chúng ta có thể thi hành phán quyết hay không?

    Ở câu đầu tiên, ông Duterte đã quy trách nhiệm trực tiếp cho hai ông del Rosario và Carpio (ông Carpio đã bác bỏ sự liên quan của mình đối với quyết định rút khỏi bãi cạn trong khi ông del Rosario giải thích đó là vì Trung Quốc không giữ lời).

    Trên thực địa

    Trên thực địa, những động thái nhịp nhàng được chuyển tải nhanh chóng và sinh động (hình ảnh, clip, các công hàm dồn dập) đến công chúng của phía Philippines cũng không đi ra ngoài ý đồ này, bao gồm ba điểm nóng:

    Thể hiện sự kiên quyết hiếm thấy đối với vấn đề Ba Đầu.

    Triển khai tàu công vụ trở lại bãi cạn Scarborough tập trận.

    Triển khai và quảng bá việc tàu công vụ đẩy lùi tàu dân binh Trung Quốc khỏi bãi cạn Sa bin.

    Tất cả đều thể hiện một hình ảnh đối lập với việc Philippines rút khỏi bãi cạn Scarborough của chính quyền trước trong mắt người dân.

    Cũng với mục đích tấn công vào uy tín của hai ông del Rosario và Carpio đối với dân chúng, ông Duterte có vẻ như muốn giảm nhẹ tầm quan trọng của phán quyết trọng tài mà hai đối thủ của ông được cho là có công lớn. Tuy nhiên, với phong cách ăn nói bạt mạng, ông Duterte đã phát biểu một câu sơ hở chí tử liên quan đến phán quyết.

    Cuộc đấu khẩu hiện nay vẫn tiếp diễn và những diễn biến trên Biển Đông vẫn đang là câu chuyện thời sự. Tuy nhiên, từ những nhận định trên có thể đưa ra một số dự báo như sau:

    Vấn đề Biển Đông sẽ là câu chuyện chủ đạo trong cuộc bầu cử tổng thống Philippines sắp tới, khi mà đại dịch Covid-19 khiến cho chính quyền Duterte không có mấy thành tích đối nội để quảng bá.

    Manila sẽ tiếp tục thể hiện thái độ kiên quyết về Biển Đông trong thời gian tới.

    Một câu hỏi không thể không đặt ra là liệu chính quyền Trung Quốc có nhận ra hay được chuyển thông điệp nào đó về thái độ của Manila hay không? Hay thậm chí có cú bắt tay ngầm nào đó để chính quyền Manila thỏa sức trình diễn?

    Cho đến nay, ngoài những phát biểu, Trung Quốc vẫn khá kiềm chế trước đợt tiến công dồn dập của Philippines. Nếu quả thật Bắc Kinh nhận thấy được ý đồ của ông Duterte, cuộc đối đầu giữa Philippines và Trung Quốc hiện nay tuy căng thẳng bề ngoài nhưng sẽ không vượt quá kiểm soát và có điểm dừng.

    P/S: Đây có thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng cũng đáng để lưu ý là liên minh 1Sambayan được công bố ngày 18.3 và hai ngày sau, ngày 20.3, nhóm đặc trách về Biển Đông của chính quyền Duterte bắt đầu đưa ra thông báo đầu tiên về sự hiện diện của tàu dân binh Trung Quốc ở bãi Ba Đầu, từ đó vấn đề Biển Đông một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý.

    TH.

    Không có nhận xét nào