Bà Mary Tarnowka - Giám đốc điều hành AmCham tại hội thảo “Tương lai của mối quan hệ đối tác Việt Nam – Mỹ” do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) tổ chức vào cuối tháng 4 vừa qua cho biết Việt Nam đang là điểm đến thu hút sự quan tâm rất lớn của doanh nghiệp Mỹ vì môi trường đầu tư của Việt Nam có rất nhiều điểm cộng như: có vị trí địa lý chiến lược, chính trị ổn định, có thị trường tiêu dùng đang phát triển mạnh cũng như có một mạng lưới tích hợp các hiệp định thương mại tự do.
Bao giờ có FTA song phương Việt Mỹ? |
“Doanh
nghiệp Mỹ rất lạc quan về các cơ hội kinh doanh ở Việt nam” – bà
Tarnowka nói và cho biết Amcham đã không ngừng lớn mạnh cùng với sự gia
tăng quan tâm của DN Mỹ ở Việt Nam. Vừa năm ngoái, AmCham đã mở thêm chi
nhánh ở Đà Nẵng, ngoài trụ sở chính ở TP.HCM và chi nhánh ở Hà Nội.
“Số
lượng thành viên của chúng tôi tiếp tục gia tăng. Việt Nam được xem là
đặc biệt hấp dẫn cho chuỗi cung ứng chế tạo do các doanh nghiệp Mỹ đang
tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng để tăng tính kết nối và sự bền bỉ”.
Bà cho biết xu hướng này đã bắt đầu tư một số năm trước đây, được tăng
cường khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang và càng
được đẩy mạnh khi bệnh dịch COVID-19 xảy ra.
“Chúng tôi nghĩ rằng việc Mỹ và Việt Nam có một Hiệp định Thương mại Tự do là vô cùng quan trọng. Các công ty Mỹ đang mất dần sự cạnh tranh tại thị trường Việt Nam và ngày càng lép vế khi Việt Nam tham gia vào ngày càng nhiều các hiệp định thương mại tự do như CPTPP hay Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Vì vậy, đây là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi” - bà Tarnowka nói.
Bà Tarnowka cho biết Mỹ có nhiều mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh và mang tính bổ sung đối với nền kinh tế Việt Nam như trang thiết bị hạ tầng hàng không, năng lượng hay nông sản. Với những cam kết xóa bỏ và cắt giảm thuế quan nhập khẩu, hiệp định này sẽ giúp tăng khả năng tiếp cận của hàng hóa Mỹ tại thị trường Việt Nam. Bà đơn cử Việt Nam hiện là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ sáu của Mỹ trên thế giới, nếu có FTA, mặt hàng này của Mỹ sẽ trở nên “cạnh tranh hơn rất nhiều” ở Việt Nam và bà cho rằng FTA là một giải pháp quan trọng cho bài toán giảm chênh lệch cán cân thương mại giữa Việt Nam và Mỹ - một vấn đề đang được chính phủ hai nước quan tâm giải quyết, đặc biệt kể từ khi Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách điều tra thao túng tiền tệ trong năm 2020.
Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) được ký kết vào tháng 7/2000 và Hiệp định khung Thương mại và Đầu tư (TIFA) ký kết 6/2007 là những cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư giữa hai nước. Kim ngạch buôn bán hai chiều giữa hai nước đã tăng gần 90 lần từ mức 1,08 tỷ USD trong năm 2000 lên đạt 90,8 tỷ USD vào năm 2020.
Ông Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ trong một cuộc trao đổi với RFA ngày 4/5/2021, cũng cho rằng mong muốn có hiệp định FTA song phương của các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam “là một nguyên vọng hoàn toàn hợp lý”.
“Hiện quan hệ kinh tế thương mại của hai nước đã phát triển ở mức độ cao hơn rất nhiều so với trước đây. Vì vậy, nếu chỉ duy trì áp dụng BTA và các khung khổ thương mại, đầu tư hiện hành thì doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở thị trường Việt Nam có thể bị thua thiệt so với các doanh nghiệp các nước đã có FTA với Việt Nam” – ông Lương nhận định, đồng thời cho biết với sự khuyến khích của Hoa Kỳ, Việt Nam đã tham gia đàm phán hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), tiền thân của hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhưng rất tiếc dưới thời của Tổng thống Trump, Hoa Kỳ đã rút lui khỏi TPP. Ông cho rằng mặc dù Việt Nam và 10 quốc gia còn lại tham gia đàm phán TPP đã ký kết hiệp định CPTPP nhưng nếu Mỹ quay trở lại và tham gia CPTPP thì “tổ chức này sẽ có sức mạnh hơn và vững vàng hơn” đồng thời đây cũng là một hướng đi giúp Việt Nam và Mỹ có thể dành các cam kết mở cửa thị trường trong khuôn khổ CPTPP cho nhau.
Nhìn nhận của Chính phủ Việt Nam
Cách đây hơn 2 năm, tại một cuộc gặp gỡ với Liên minh Doanh nghiệp Hoa Kỳ bên lề Hội nghị cấp cao APEC 2018, khi được hỏi về nhìn nhận của Chính phủ Việt Nam về việc tiến tới một hiệp định thương mại tự do giữa hai nước, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam khi đó đã trả lời rằng Việt Nam vẫn “để ngỏ khả năng thảo luận với Mỹ về một hiệp định FTA giữa hai nước trong thời gian đến” và ông cũng khẳng định rằng “Chúng tôi rất coi trọng các hoạt động đầu tư thương mại của Mỹ vào Việt Nam”.
Tại hội thảo do CSIS tổ chức, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thanh, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam khẳng định rằng Việt Nam hiện rất quan tâm tới việc Mỹ quay trở lại tham gia CPTPP hoặc có một hiệp định FTA song phương với Mỹ vì Mỹ là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam và Mỹ cũng là đối tác thương mại chủ chốt “duy nhất” mà Việt Nam chưa có thỏa thuận thương mại tự do.
Tuy nhiên ông cho rằng cũng còn những khó khăn trong cả hai sự lựa chọn này. Về khả năng Mỹ quay trở lại CPTPP, Tổng thống Biden và các quan chức cố vấn kinh tế của ông đã tuyên bố rằng sẽ cân nhắc việc này với điều kiện các bên phải tái đàm phán và điều này nhiều khả năng sẽ không được các quốc gia thành viên CPTPP ủng hộ vì tái đàm phán sẽ mất rất nhiều thời gian, đặc biệt nếu phải thảo luận các vấn đề lớn như quyền sở hữu trí tuệ, các vấn đề về môi trường và lao động. Về khả năng đàm phán để có một hiệp định FTA song phương, ông cho rằng điều này khá thách thức với Việt Nam.
“Cũng sẽ rất thách thức để có được một hiệp định tự do giữa Việt Nam và Mỹ nếu chính quyền của Tổng thốn Biden đưa ra các yêu cầu cao hơn về tiêu chuẩn lao động và các thỏa thuận phi thương mại khác” – ông Thanh nhận định và cho rằng việc Mỹ trở lại tham gia CPTPP có lẽ là lựa chọn được Chính phủ Hà Nội thích hơn.
Một hiệp định nhỏ & khả thi hơn
Trước thực tế việc Mỹ quay trở lại với CPTPP hay việc có được một hiệp định FTA song phương khó có thể trở thành hiện thực trong một tương lai gần, các chuyên gia tại hội thảo nói trên của Trung tâm CSIS đã gợi ý Mỹ và Việt Nam nên tiến tới ký kết một thỏa thuận nhỏ hơn và khả thi hơn như một thỏa thuận hay hiệp định thương mại số tự do (digital FTA).
Ông Ted Osius, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam và hiện là Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề chính sách công và quan hệ với chính phủ của hãng Google tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho rằng ký kết một thỏa thuận về thương mại số tự do là một điều nằm trong tầm với của cả hai nước. Trên thực tế, đã có những mô hình khá hiệu quả của một số nước đi trước như các thỏa thuận thương mại số tự do song phương giữa Singapore với Australia, New Zealand và Chile hay Mỹ cũng đã có thỏa thuận về thương mại số với Nhật Bản và bản thân hiệp định CPTPP mà Việt Nam tham gia thực hiện từ năm 2019 cũng đã có những thỏa thuận rất tốt về thương mại số.
“Có rất nhiều mô hình tốt và Việt Nam có nhiều tham vọng trong việc phát triển ngành công nghệ thông tin” – ông Osius nói.
Ông Nguyễn Xuân Thanh cũng cho rằng một thỏa thuận thương mại số tự do là một mục tiêu khả thi vì quá trình chuyển đổi số đang diễn ra rất mạnh mẽ ở Việt Nam, thể hiện trên nhiều lĩnh vực như thương mại điện tử, công nghệ tài chính số, ngân hàng số, phát triển thành phố thông minh, xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số. Ông cũng cho rằng bộ máy lãnh đạo mới của Việt Nam cũng sẽ ủng hộ điều này.
“Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cũng đã từng phát biểu rằng ông muốn thúc đẩy quá trình chuyển đổi số này. Vì vậy, tôi nghĩ mục tiêu này là rất khả thi”- ông Thanh khẳng định đồng thời nhấn mạnh rằng trái bóng FTA giờ đang nằm ở phía Mỹ.
“Mỹ và Việt Nam sẽ đàm phán và lựa chọn những bước đi phù hợp nhất cho hai bên. Tôi rất ủng hộ những bước đi nhỏ mang lại những tiến bộ thực tế. Một tiến bộ thực tế dẫu nhỏ còn hơn không. Tôi nghĩ tương lai kinh tế số đang mở ra những triển vọng rất lớn cho quan hệ hợp tác giữa hai bên.” – Tiến sĩ Lê Đăng Doanh.
https://www.rfa.org/
Không có nhận xét nào