(Hậu duệ VNQDĐ trong nước)
Giữa cuộc sống xô bồ, với nền kinh tế thị trường tăng tốc, thật không ngờ chúng ta lại có thể bắt gặp những đôi tâm hồn lắng xuống dòng đời, vượt trên những thói lề, những xiềng xích của xã hội, đôi bạn trẻ hôn nhau nồng ấm trên đường phố Hà nội (ảnh của National Graphics 2-2011). Đôi bạn trẻ mạnh dạn tin tưởng vào tình yêu, lẽ sống, vào tương lai đất nước và cả thế giới chung quanh mình. Một cõi riêng tư giữa lòng Hà nội.
Thế-Hệ-Trẻ-Việt-Nam-Hôm-Nay lớn lên họ không phải chỉ biết tiếp nhận một cách thụ động lười biếng những tư tưởng, quan điểm, kiến thức từ các tầng lớp cha ông. Họ có suy tư độc lập, năng động, được thiết lập từ những quan hệ xã hội với chính mình, từ những quan sát, nhận thức chính xác từ cuộc sống thực tế. Những công dân có suy tư độc lập khó có thể trở thành kẻ nô lệ về ý thức hệ của một chế độ hay đảng phái chính trị nào. Thế-Hệ-Trẻ Việt-Nam-Hôm-Nay có cách nhìn đổi mới về lịch sử.
Ngày 30-4-75, đối với họ, không hơn không kém một vết nhơ lịch sử cho cả dân tộc vì những tác hại không ngờ của nó: Sau ngày 30-4-75 người CSVN miền Bắc nhìn người miền Nam, nhân dân, quân đội, công, cán, chính, của Việt Nam Cộng Hòa như là những kẻ thù cần phải diệt tận rễ, nhổ tận gốc. Người cộng sản Việt Nam đã phản bội lại những người miền Nam đã từng cộng tác, giúp đỡ họ. Họ phản bội lại chính những gì họ hứa trước ngày Thống Nhất đất nước. Họ áp dụng khắt khe mù quáng Chuyên Chính Vô Sản cai trị cả 3 miền đất nước: Bắc, Trung, Nam. Người CSVN sau ngày 30-4-75 đã có những bước đi phản bội lịch sử, dân tộc, giống nòi. Ngày 30-4-1975 là hệ quả của sự lệ thuộc vào ngoại bang của cả 2 miền đất nước, sự nô lệ của ý thức hệ chuyên chính vô sản sai lầm.
Thế-Hệ-Trẻ-Việt-Nam-Hôm-Nay không muốn nhìn thấy vết nhơ ấy nữa. Họ quyết tâm đẩy nó vào bóng tối của lịch sử vĩnh viễn. Thế-Hệ-Trẻ-Việt-Nam-Hôm-Nay tiếp nhận, hấp thụ hàng ngày, hằng giờ, họ có những nhận định chân chính về những biến động không ngừng diễn ra chung quanh họ hay bất cứ nơi nào trên thế giới.
Với họ, thế giới đã đổi thay. Nhân loại không còn bị phân chia ra hai chiến tuyến, đối đầu như trong thế giới lưỡng cực trước năm 1975: Tư bản và Cộng sản. Từ một cơ chế lưỡng phân, đối đầu, chia đôi, quyết liệt đấu tranh một mất một còn. Thế giới hôm nay là một thế giới không có bạn bè trường cửu cũng như không có kẻ thù trường cửu, chỉ có quyền lợi quốc gia là trường cửu.
Đó là Thế Giới Toàn Cầu Hóa của thời hiện tại, thời mà chúng ta đang sống. Thế giới Toàn Cầu Hóa là một Thế giới mở, hòa nhập, cộng sinh, một Thế giới không có kẻ thù, không có hận thù phi lý, phi dân tộc, phi nhân loại. Hơn 140 quốc gia trong Thế Giới Toàn Cầu Hóa hiện tại, là những những đối tượng làm ăn, tin tưởng lẫn nhau, tự do cạnh tranh trong tinh thần bình đẳng, phát triển kinh tế cùng nhau hưởng thụ sự phồn vinh của quốc gia do chính mình làm ra.
Thế-Hệ-Trẻ-ViệtNam-Hôm-Nay có cái nhìn đổi mới về cá nhân. Họ hoàn toàn chối bỏ quan điểm cá nhân hay con người chủ yếu chỉ là những phương tiện để xây dựng một quốc gia hùng mạnh và phồn vinh. Bên cạnh những ràng buộc với xã hội, với tổ quốc, Thế -Hệ-Trẻ-ViệtNam-Hôm-Nay còn có cõi riêng tư của họ. Cõi riêng tư này mới thật là cõi của con người, cõi của tri giác và những tình cảm đích thực, có hạnh phúc, có khổ đau đan xen với hy vọng, đợi chờ nuối tiếc… Cõi của trái tim và bộ óc. Hoàn toàn có tính cách cá nhân, không có chế độ nào có thể xâm phạm vào cõi riêng tư này của mỗi cá nhân, của mỗi con người.
Thế-Hệ-Trẻ-Việt-Nam-Hôm-Nay là kẻ đến sau, Họ phải nhìn xa hơn các bậc đến trước. Ngoài việc bảo tồn di sản của cha ông, của tiền nhân, họ còn có bổn phận đổi mới. Di sản của tiền nhân là những kinh nghiệm quí báu vô cùng, song không phải không có những lỗi lầm: những dị đoan, mê tín, những tín điều, những giáo điều, những ý thức hệ sai lầm, cuồng tín phi dân tộc… Họ thay đổi tầm nhìn về ngày 30-4-1975. Họ coi đó như di sản từ những lỗi lầm, từ những ngộ nhận, hệ quả của một thời lệ thuộc ngoại bang. Họ mạnh dạn rũ bỏ vết nhơ ấy của lịch sử để cùng nhân loại tiến về phía trước.
Thế-Hệ-Trẻ-Việt-Nam-Hôm-Nay nhận chân giá trị đích thực của lịch sử. Lịch sử của con người không phải chỉ có sanh ra, lớn lên, già, khổ đau, rồi chết. Lịch sử của con người là từ sự sống này đến sự sống khác, triền miên nối tiếp nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác, qua mọi thời đại của dân tộc và nhân loại. Lịch sử của dân tộc, của nhân loại là lịch sử của sự sống, của cuộc sống, lịch sử của những đổi thay không ngừng, khi trầm khi bổng, nhưng luôn luôn trong một hướng đi về phía trước.
Trong ý nghĩa lớn của lịch sử, tất cả nhân loại phải được nhận chân như một con người. Dân tộc Việt Nam với những cá thể là một con người. Sống mãi và tiến mãi…
Đào Như
(Hậu duệ VNQDĐ trong nước)
https://vietquoc.org/tuoi-tre-viet-nam-hom-nay-va-ngay-30-4-75/
Không có nhận xét nào