Header Ads

  • Breaking News

    100 ngày của Biden: Cách tiếp cận diều hâu với Trung Quốc gây xung đột với Bắc Kinh

    Biden’s 100 days: hawkish approach to China stokes Beijing frictions

    US Vietnam Review

    Nguyên gốc: Biden’s 100 days: hawkish approach to China stokes Beijing frictions (Financial Times)

    Tác giả: Demetri Sevastopulo, April 30 2021

    Người dịch: Vũ Văn Lê

    Kể từ lúc gọi điện thoại nói chuyện lần đầu tiên với Tập Cận Bình đến cuộc đấu khẩu bất thường giữa các nhà ngoại giao Hoa Kỳ và Trung Quốc ở Alaska, lập trường diều hâu của Joe Biden về Trung Quốc rất gần với lập trường của người tiền nhiệm Donald Trump hơn là dự đoán của các chuyên gia.

    Trong 100 ngày đầu cầm quyền, Biden đã chỉ trích, lên án Trung Quốc dấy xướng chiến tranh khi đàn áp phong trào ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông, áp bức người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, và hoạt động quân sự gần Đài Loan.

    Vào tháng trước, tại Alaska, ngoại trưởng và cố vấn an ninh quốc gia của Biden đã công khai nêu ra những vấn đề này trong bài phát biểu mở đầu, khiến đại diện TQ phản ứng mãnh liệt trong phát biểu dài 16 phút, nhấn mạnh tới mối quan hệ Trung-Mỹ đang tiến tới chiều hướng khó khăn như thế nào.

    Theo giải thích của Zack Cooper, chuyên gia châu Á tại American Enterprise Institute, thì “Biden và phe phái đang cố gắng tìm cách bình thường hóa mối quan hệ, nhưng muốn giới lãnh đạo Bắc Kinh phải hiểu rõ rằng, nếu Trung Quốc tiếp tục tạo áp lực đối với Hoa kỳ, hay với đồng minh và đối tác, thì sẽ có xung đột, và nước Mỹ sẽ không lùi bước.”

    Biden tỏ vẻ không mấy quan tâm đến chuyện hợp tác với TQ để giải quyết nhiều vấn đề then chốt trong lúc ông ta đang nỗ lực củng cố nội bộ của Hoa kỳ để chứng tỏ khả năng phục hồi của nền dân chủ, cũng như xây dựng tăng cường quan hệ với đồng minh. Mục đích là tạo ra một thế mạnh bổ sung để cuối cùng buộc Trung Quốc phải thay đổi hành vi của mình.

    Nhưng theo nhận định của một quan chức cao cấp Mỹ, thì “Trung Quốc lại nảy ra ý tưởng là phải đặt lại mọi thứ, hoặc vặn ngược lại kim đồng hồ theo một kiểu cách nào đó,… và đổ lỗi cho chính quyền Trump về đủ thứ tệ nạn. Do đó, điều quan trọng là cần minh định thật sớm để Trung Quốc hiểu rõ, rằng: đó không phải là cách mà mọi việc sẽ diễn ra.”

    Phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen hôm thứ Sáu, Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ, cho biết chính quyền Biden sẽ giữ vững quan điểm kể trên trong mọi tiếp cận với Bắc Kinh

    “Mục tiêu không phải là kiềm chế Trung Quốc. Cũng không phải để bắt đầu một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.” Sullivan xác định. “Đó là cạnh tranh mạnh mẽ và ngăn chặn, đẩy lùi, để phục vụ thang giá trị của chúng tôi, và những gì chúng tôi tin là giá trị phổ quát.”

    Ngoài lập trường cứng rắn về nhân quyền, Biden duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ ở Biển Đông, tái khẳng định sự ủng hộ “vững chắc” đối với Đài Loan và cam kết bảo vệ Nhật Bản, một đồng minh trong hiệp ước quốc phòng của Mỹ.

    Trong lĩnh vực thương mại, không có dấu hiệu chứng tỏ Biden sẽ gỡ bỏ thuế quan mà Trump đánh trên hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Chính quyền Biden đang xem xét các biện pháp đã được áp dụng từ thời Trump về công nghệ. Song, hầu hết các biện pháp đó không hề bị đảo ngược. Chính quyền dân chủ còn đưa các công ty Trung Quốc vào danh sách “nguồn xuất khẩu đen,” một công cụ thường được Trump sử dụng.

    Ling Chen, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Johns Hopkins, cho biết: “Tôi không hề ngạc nhiên khi Biden nhấn mạnh tới các giá trị dân chủ khi chỉ trích Trung Quốc về chính sách Hồng Kông hoặc Duy Ngô Nhĩ, bởi lẽ Đảng Dân chủ có xu hướng nhấn mạnh tới các giá trị đó. Nhưng tôi kinh ngạc khi thấy về chính sách kinh tế và công nghệ, đa phần Biden đã áp dụng đường lối cố hữu của Trump.”

    Alex Wong, một cựu quan chức chính quyền Trump, hiện làm việc tại Viện nghiên cứu Hudson, cho biết rất hài lòng khi thấy Biden “thể hiện sự tiếp nối mạnh mẽ” với người tiền nhiệm của mình. Ông nói: “Trung Quốc và các đối tác của chúng tôi trong khu vực cần hiểu rõ, đây không phải chỉ là một hiện tượng riêng của chính quyền Trump”.

    Song, cũng có nhiều khác biệt đáng kể. Chẳng hạn Biden đang mẫn cán sửa chữa các liên minh đã bị suy yếu trong nhiệm kỳ tổng thống của Trump. Nhấn mạnh tới tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Nhà Trắng là thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ trở thành người thứ hai vào tháng tới.

    Biden đã cấp kỳ triệu tập hội nghị thượng đỉnh cấp lãnh đạo đầu tiên của Bộ tứ, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, và Úc, ngay cả khi chiến lược ngoại giao vắc xin, vừa tung ra và thường được xưng tụng rộng rãi, đã bị ảnh hưởng nặng bởi hiện trạng khủng hoảng coronavirus trầm trọng của Ấn Độ.

    “Một khi Hoa kỳ xuất hiện là chúng tôi xắn tay áo làm việc với các đồng minh. Chúng ta vẫn có thể khuyến khích các quốc gia có cùng chí hướng dân chủ”, một quan chức Mỹ đã giải thích vậy.

    Sau hội nghị thượng đỉnh nói trên, Biden và Suga đã đưa ra một tuyên bố chung bao gồm, (1) hỗ trợ cho Đài Loan, lần đầu tiên hai quốc gia làm như vậy kể từ năm 1969. (2) Mỹ cũng phối hợp với Anh, EU, và Canada để áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc, và đối với nước Trung Quốc nói chung, về tội đàn áp của người Duy Ngô Nhĩ.

    “Phe Biden đã thực hiện một việc tốt đẹp khi bắt đầu quá trình củng cố liên minh,” Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc tại Quỹ Marshall của Mỹ, cho biết như vậy. Theo bà, từ lâu Bắc Kinh vẫn lo ngại về việc hình thành các liên minh chống Trung Quốc. “Người Trung Quốc đang lo lắng,” Glaser xác nhận.

    Song, dù đã giành được nhiều lời khen ngợi, nhưng Biden vẫn chưa đưa ra được một tầm nhìn rõ ràng về những gì mà ông ta mong muốn trong giai đoạn tái hội nhập. Theo một quan chức Mỹ, hiện nay hợp tác chỉ giới hạn trong vấn đề biến đổi khí hậu, và các thách thức an ninh hạt nhân do Iran và Triều Tiên đặt ra.

    “Phần lớn là những việc cấp kỳ. Nhưng chắc chắn chính quyền Biden sẽ nỗ lực điều nghiên mọi vấn đề lợi ích quốc gia một cách có phương pháp, để xác định mong muốn của chúng ta là gì, và chúng ta có thể thỏa thuận ở chỗ nào,” Glaser nói thêm.

    Ngoài những thắc mắc về đường lối xử lý thách thức an ninh quốc gia liên quan đến công nghệ, các chuyên gia đang chờ đợi xem Biden sẽ hành động thế nào đối với vấn đề Tân Cương sau khi lên án việc đàn áp người Uyghurs là “phạm tội diệt chủng”.

    Jessica Chen Weiss, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Cornell, thắc mắc không rõ liệu các phối hợp liên minh hay lệnh trừng phạt của Biden, có hiệu nghiệm buộc Bắc kinh phải thay đổi hành vi, đặc biệt là trong lãnh vực nhân quyền, hay sẽ chỉ tạo ra những phản ứng tương thích?

    Trong khi đa số đồng minh hoan nghênh việc tham gia  trở lại một cách tổng thể của Hoa Kỳ, thì cũng có một số lo ngại về chiến lược của Biden ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, thấy đường lối của Mỹ tập trung nhiều vào an ninh và không chú trọng đúng mức về kinh tế. Biden khó có thể tham gia bất kỳ hiệp định thương mại lớn nào do áp lực chính trị trong nước và chủ trương của chính quyền Dân chủ là ưu tiên xây dựng tầng lớp trung lưu Mỹ.

    “Không rõ chính sách đối ngoại với chiến lược nhắm vào tầng lớp trung lưu sẽ tương thích thế nào với cách tiếp cận thương mại và đầu tư mà hầu hết các đồng minh và đối tác của Mỹ ở châu Á mong muốn.” Học giả Cooper của American Enterprise Institute đặt vấn đề.

    Còn theo nhận định của Craig Allen, chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – Trung Quốc, các động lực chính trị ở cả hai nước cho thấy có thể phải mất một thời gian lâu trước khi Washington và Bắc Kinh có thể trở lại tình trạng hòa hoãn. “Vào tháng 11 năm 2022, Biden sẽ phải đương đầu với tuyển cử giữa nhiệm kỳ vô cùng khó khăn. Trong khi đó, vào tháng 10 hoặc tháng 11 năm 2022, Tập Cận Bình phải khó nhọc điều hành một Đại hội Đảng toàn quốc, rất có thể sẽ bầu lại ông ta thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa. Cho đến khi hai sự kiện chính trị này diễn ra, có thể không có nhiều cơ hội cho hai bên thỏa hiệp”.

    https://usvietnam.uoregon.edu/100-ngay-cua-biden-cach-tiep-can-dieu-hau-voi-trung-quoc-gay-xung-dot-voi-bac-kinh/

    Không có nhận xét nào