Header Ads

  • Breaking News

    Việt Nam: Tỷ lệ trẻ em béo phì tăng nhanh một cách đáng ngại

    Ảnh minh họa: Các món ăn của McDonald chụp tại New York, Hoa Kỳ, ngày 30/03/2021. Ăn nhiều thức ăn nhanh ( fast-food ) là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì ở Việt Nam tăng nhanh. REUTERS - HILARY RUSS

    Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, 9 trên 10 ca tử vong do Covid-19 là xảy ra ở những quốc gia có tỷ lệ béo phì cao. Một nghiên cứu của Liên đoàn Béo phì Thế giới WOF cho thấy tại những nước có ít nhất 50% dân số thừa cân, béo phì, tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao hơn gấp 10 lần. Nói cách khác, đại dịch Covid-19 càng làm nổi bật nguy cơ của nạn béo phì đối với nhiều nước trên thế giới, kể cả đối với Việt Nam.

    Theo các thông tin được đưa ra tại Hội nghị công bố kết quả Tổng Điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019- 2020 do Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) tổ chức ngày 15/04, tỷ lệ người thừa cân, béo phì tại Việt Nam đã tăng thêm hơn 10% trong vòng 10 năm, cụ thể là từ 8,5% năm 2010 lên thành 19,0% năm 2020. Trong khu vực thành thị thì tỷ lệ thừa cân, béo phì lên tới 26,8%, ở nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.

    Tỷ lệ thừa cân, béo phì nơi trẻ em Việt Nam cũng đang tăng nhanh một cách đáng ngại, đặc biệt là ở các vùng đô thị, nhất là hai thành phố lớn nhất Hà Nội và Sài Gòn.

    Những nguyên nhân nào khiến tỷ lệ béo phì của trẻ em Việt Nam lại tăng nhanh như vậy và nên có những giải pháp nào để giải quyết tình trạng này. Trong phần tạp chí hôm nay, mời quý vị theo dõi phần phỏng vấn tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Nam Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo dinh dưỡng và thực phẩm (Viện Dinh dưỡng Quốc gia – Bộ Y tế).

    Phỏng vấn TS Huỳnh Nam Phương

    RFI: Xin chào tiến sĩ Huỳnh Nam Phương, trước hết xin chị cho biết là hiện nay tỷ lệ béo phì của trẻ em Việt Nam là bao nhiêu và đặc biệt là tại các vùng đô thị?

    TS Huỳnh Nam Phương: Hiện nay Việt Nam đang chịu một gánh nặng "ba lần" về dinh dưỡng trẻ em. "Ba lần" là vì vẫn còn tồn tại nạn thiếu dinh dưỡng, thiếu những chất dinh dưỡng, nhưng thừa cân, béo phì và nhất là thừa cân, béo phì trẻ em lại đang gia tăng với tốc độ chóng mặt mà chúng ta chưa có giải pháp gì để giải quyết.

    Điều tra quốc gia 2019-2020 cho thấy trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi có tỷ lệ thừa cân, béo phì tính bình quân trên toàn quốc là 7,4%, riêng ở các thành phố thì lên đến 9,8% và ở trẻ em nông thôn thì là 5,7%. Ở một số thành phố lớn, tỷ lệ này còn cao hơn, ví dụ như Hà Nội là 11,5% và TP Hồ Chí Minh là 14,4%.

    Những con số đó đã vượt qua con số mà chúng ta mong muốn duy trì là dưới 10% ở thành phố và dưới 5% ở nông thôn. Một số tỉnh có kinh tế khá hơn như Lâm Đồng, Bình Dương, thì tỷ lệ này cũng xấp xỉ 10%. Tỷ lệ này còn cao hơn nữa ở trẻ em lứa tuổi học sinh, như phổ thông trung học cấp 2 và cấp 3. Ở cấp tiểu học, tỷ lệ này ở thành phố là 29% và ở nông thôn cũng khá là cao. Còn trẻ em ở trung học cơ sở thì lên đến 30% ở thành phố và ở nông thôn là 11,2%.

    Những con số gần đây cho thấy tỷ lệ thừa cân, béo phì của trẻ em lứa tuổi học đường là 41% ở Hà Nội và đến 50% TP Hồ Chí Minh. Đó là những con số thật đáng lo ngại.

    RFI: Thế thì những nguyên nhân nào khiến cho tỷ lệ béo phì ở trẻ em tăng nhanh như vậy, đặc biệt là tại các vùng đô thị?

    TS Huỳnh Nam Phương: Theo nghiên cứu thì những nguyên nhân của nạn thừa cân, béo phì đó là chế độ ăn, hoạt động thể lực, cũng như là vấn đề chi tiêu cho ăn uống, nhận thức của người dân về dinh dưỡng như thế nào cho hợp lý.

    Những thói quen của trẻ con như ăn nhanh, ăn các bữa phụ trước khi đi ngủ, ăn nhiều thức ăn chế biến,  xào, ráng, chiên, ăn nhiều mỡ, nhiều đường, nhiều trứng, uống sửa, uống nước ngọt hàng ngày. Đó là những yếu tố nguy cơ về ăn uống dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì tăng nhanh ở trẻ em Việt Nam cũng như trẻ em ở rất nhiều quốc gia khác.

    Trẻ em ở các gia đình khá giả, hay những gia đình bố mẹ lo buôn bán, vắng nhà nhiều, thì thường các em không có chế độ ăn lành mạnh, hợp lý như những trẻ em khác, ăn nhiều thức ăn đường phố hay fast-food nhiều, uống nước ngọt có gaz, ăn nhiều chất ngọt, khiến cho những trẻ em đó có tỷ lệ thừa cân, béo phì cao hơn những trẻ em khác.

    Có một nghiên cứu cho thấy nếu trẻ nhỏ không được nuôi bằng sữa mẹ mà được nuôi bằng sữa bột thì tỷ lệ thừa cân, béo phì của những trẻ em này cũng cao hơn.

    Bên cạnh đó còn có hoạt động thể lực. Những đứa trẻ ít hoạt động thể lực thì cũng thừa cân, béo phì nhiều hơn, đặc biệt là trẻ em ở thành phố. Nhà ở thành phố thì thường là chật chội, không có điều kiện để cho các em ra ngoài chơi. Và các em cũng không có thời gian vì bận học. Bố mẹ ép đi học nhiều quá, hết học ở trường lại còn học thêm, rồi học âm nhạc và các thứ khác, mà ít chơi thể thao. Điều kiện cơ sở vật chất cũng không có để các em tăng các hoạt động thể chất. Ngồi xem tivi nhiều, mà lại kèm theo các đồ ăn nhanh, ấy là chưa kể các em bị ảnh hưởng bởi những quảng cáo trên tivi.

    RFI : Vâng, thưa chị, tình trạng trẻ em béo phì như vậy gây ra những vấn đề gì về mặt y tế công cộng, vì nó gây ra những chứng bệnh và nhất là nó ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em, trẻ em béo phì sau này có thể sẽ là những người lớn béo phì ?

    TS Huỳnh Nam Phương : Đó là cái vòng lẫn quẫn : những đứa trẻ lúc bé mà thừa cân béo phì thì lớn lên  có rất nhiều nguy cơ trở thành những vị thành niên béo phì, rồi thành người lớn béo phì. Đặc biệt là những phụ nữ thừa cân, béo phì thì có nguy cơ là đứa trẻ từ trong bụng mẹ đã có nguy cơ thừa cân, béo phì và nó cứ lẫn quẫn từ thế hệ này sang thế hệ khác.

    Thừa cân, béo phì có nguy cơ gây ra các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, ung thư, bệnh hô hấp, bệnh tiểu đường…Hiện nay Việt Nam đang chịu một gánh nặng về các bệnh không lây nhiễm với 77% số ca tử vong hiện nay là liên quan đến các bệnh không lây nhiễm. Việt Nam có đến 12,5 triệu người cao huyết áp, 3,5 triệu người bị đái tháo đường và hàng năm có đến 75 ngàn ca ung thư bị tử vong. Hiện nay các bệnh không lây nhiễm này ngày càng trẻ hóa.

    Đó là vấn nạn cho cả kinh tế và cả ngành y tế. Bên cạnh đó là nó ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ, bởi vì những đứa trẻ thừa cân, béo phì khi đi học sẽ thiếu tự tin, mặc cảm. Khả năng tiếp nhận của các em ở trường học cũng bị hạn chế, do đó nó cũng ảnh hưởng đến của các em sau này khi lớn lên.

    RFI : Như vậy thì trước vấn nạn đó, xã hội, những người đặc trách về y tế và đặc biệt là bậc phụ huynh nên có những biện pháp nào để giúp cho trẻ có một chế độ ăn uống lành mạnh hơn, tránh tình trạng béo phì ?

    TS Huỳnh Nam Phương : Trong thời gian này, chúng tôi, được sự chỉ đạo của nhà nước, cũng đã xây dựng rất nhiều chương trình, đề án về chiến lược dinh dưỡng quốc gia, phối hợp với ngành giáo dục đào tạo, cũng như với các ngành có liên quan để làm sao đưa ra những chính sách và chương trình phù hợp, để làm sao cải thiện nhận thức của người dân. Nhưng bên cạnh đó phải tạo ra những hành lang pháp lý về mặt chính sách để tạo ra những điều kiện sống, cũng như các chương trình ở nhà trường để làm sao có chế độ dinh dưỡng hợp lý, hướng tới việc sử dụng những thực phẩm đa dạng, sẳn có tại địa phương cho bữa ăn, tăng cường tiêu thụ rau củ, hạn chế các thức ăn chế biến sẳn, có nhiều đường, nhiều muối, nhiều chất béo.

    Ngoài việc nâng cao chất lượng bữa ăn học đường, còn phải khuyến khích các hoạt động thể lực và duy trì lối sống lành mạnh. Cả bên phía sản xuất cũng phải làm sao tạo ra nhiều thực phẩm lành mạnh, xây dựng quy định dán nhãn dinh dưỡng cho thực phẩm, để hạn chế những thực phẩm có hại cho sức khỏe.

    Như vậy thì ngành giáo dục trước hết phải cải thiện giáo dục thể chất, bởi vì giáo dục thể chất ở rất nhiều trường chỉ mang tính chất hình thức và chưa có những điều kiện cơ sở vật chất phù hợp để có thể khuyến khích giáo dục thể chất tại nhà trường.

    Về vấn đề cải thiện bữa ăn học đường cũng là lĩnh vực quan trọng, bởi vì bây giờ các em lứa tuổi mầm non cũng như lứa tuổi tiểu học ở nhiều nơi đã học bán trú ở nhà trường, nhưng chất lượng bữa ăn chưa được nhà trường cũng như gia đình và xã hội nói chung quan tâm. Ngành y tế đang tham mưu với ngành giáo dục để ra những chính sách phù hợp, phối hợp với gia đình để giáo dục con.

    https://www.rfi.fr/vi

    Không có nhận xét nào