Header Ads

  • Breaking News

    Việt Nam : Nhà thơ người Cham Đồng Chuông Tử 'mất tích'?

    Câu chuyện Cham-16. ĐỒNG CHUÔNG TỬ BỊ CÂU LƯU, KHẢ NĂNG MỞ NÚT THẮT TỪ ĐÂU?

    Ông Đồng Chuông Tử là một nhà thơ và nhà nghiên cứu văn hóa Chăm ở Bình Thuận

    Một nhà thơ, nhà hoạt động xã hội dân sự và văn hóa người Chăm, ông Đồng Chuông Tử bị mất tích từ hôm thứ Tư, 07/4/2021, trong lúc gia đình bày tỏ nghi ngại với BBC là ông đã bị an ninh chính quyền 'bắt giữ'.

    Hôm thứ Sáu, trên đường từ tỉnh Bình Phước về nhà ở tỉnh Bình Thuận, bà Phú Thị Hà Nin, vợ của nhà thơ nói với BBC:

    "Chồng tôi đã không về nhà kể từ hôm thứ Tư, tôi thì đang đi làm công ở tỉnh khác, hôm trước chồng tôi có nói với tôi là anh ấy có nhận được giấy mời lên làm việc của công an, và anh ấy sẽ đi.

    "Bình thường anh ấy vẫn gọi điện hay trao đổi với tôi, nhưng từ hôm thứ Tư đến giờ, tôi không hề nhận được cú điện thoại hay nhắn tin nào của chồng tôi.

    "Ngày hôm qua, thứ Năm, tôi bất ngờ nhận được một cú điện thoại của một người, người đó nói là chồng tôi đang ở một nơi với ba người và ngày hôm sau chồng tôi sẽ được về nhà.

    "Tôi có đề nghị người đó cho tôi nói chuyện với chồng tôi, thì người đó nói là anh Đồng Chuông Tử đang 'bị say quá' nên không nói chuyện được, say từ sáng đến chiều.

    "Tôi năn nỉ là kể cả chồng tôi có say, thì cứ cho tôi nghe, tôi nghe tiếng hay hơi thở của chồng tôi, thì tôi biết ngay, nhưng người đó nhất quyết không cho tôi nói chuyện và sau đó tắt máy và tôi cố liên lạc lại thì đều không được và chồng tôi biệt vô âm tín từ hai ngày qua và anh ấy cũng chưa được về nhà."

    'Có giấy triệu tập của công an'?

    Ông Đồng Chuông Tử phát biểu tại một sự kiện văn hóa ở địa phương năm 2018

    Khi được hỏi bà có nghĩ là ông chỉ tự vắng mặt và mất liên lạc do một lý do bình thường nào đó hay không, bà Phú Thị Hà Nin nói:

    "Tôi không thể biết lý do nào mà nhà tôi bị bắt, anh ấy làm gì, có hoạt động gì hay không, thì tôi không bao giờ được biết, nhưng chồng tôi có cho tôi biết là anh ấy có giấy mời của công an lên làm việc từ hôm thứ Tư và từ đó thì anh ấy biệt vô âm tín.

    "Tôi dự định là sẽ về đến nhà cuối tuần này để lên Công an hỏi về việc của chồng tôi, nếu không kịp thì tôi cố gắng ngay đầu tuần sau sẽ ra cơ quan công an.

    "Tôi cũng rất khó khăn, chồng tôi cũng phải đi làm ăn xa, thỉnh thoảng anh ấy mới về nhà, thì lần này lại như vậy, tôi vừa mới tới tỉnh ngoài định làm công vài ngày kiếm chút tiền để về nhà, hiện tại tôi cũng không có tiền nữa, nhưng cố gắng để xoay đâu đó để về nhà xem anh ấy ra sao," vợ nhà hoạt động nói với BBC.

    Hôm thứ Năm, một nhà thơ khác người Chăm, ông Lưu Tặng, bạn của ông Đồng Chuông Tử, viết trên Facebook cá nhân từ Bình Thuận 'cập nhật thông tin' về vụ việc:

    "Thông tin theo cá nhân nhận được, anh Đồng Chuông Tử đã (được) chuyển từ cơ quan công an thị xã Ma Lâm xuống công an tỉnh Bình Thuận vào ngay ngày hôm qua 07/4. Vụ việc còn đang theo dõi xác minh lý do bị bắt và tạm giữ. Có thể đến chiều ngày mai 09/4 sẽ cập nhật chi tiết hơn."

    'Bị theo dõi và quan ngại bắt giữ'?

    Dân tộc Chăm đóng góp bản sắc văn hóa độc đáo của mình vào văn hóa đại gia đình các tộc người tại Việt Nam, theo giới nghiên cứu

    Hôm thứ Sáu, cũng từ Bình Thuận, một người bạn khác của gia đình nhà thơ Đồng Chuông Tử (không muốn tiết lộ danh tính) nói với BBC:

    "Gần đây, anh ấy có cho tôi và một số bạn bè biết là anh ấy có ý định đứng ra tự ứng cử Đại biểu Quốc hội của tỉnh nhà tức là tỉnh Bình Thuận, để đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri người Chăm và đồng bào nói chung ở quê hương.

    "Nhưng anh ấy cũng lại viết công khai trên Facebook của anh ấy rằng Bình Thuận chỉ có 7 suất, hết 3 suất là của Trung ương, chỉ còn 4 suất địa phương của cả tỉnh 'cũng đâu đến mình', tức là khó có cơ hội cho anh ấy được trúng cử. Anh ấy đã bình luận công khai như thế.

    "Thế rồi, mấy hôm trước anh nói là anh cảm giác bị theo dõi nhiều lên và anh cho biết là có giấy triệu tập lên làm việc của công an thị trấn Ma Lâm, thuộc huyện Hàm Thuận Bắc ở đây.

    "Từ trước đến nay, anh Đồng Chuông Tử luôn là một người con hiền hòa của dân tộc Chăm, một người chỉ biết yêu quê hương, đất nước, con người của người dân mình, và sống hòa nhã với bà con khắp nơi.

    "Anh ấy làm thơ, sáng tác, viết báo ca ngợi quê hương đất nước Chăm, phong tục, truyền thống Chăm, nhưng có thể do anh ấy cũng có những bài viết gần đây bày tỏ lo lắng về tình hình đời sống, quyền con người của người dân Chăm và bà con ở quê hương, mà anh ấy bị chú ý và bị người ta theo dõi.

    "Gần đây anh có nhắc lại với tôi và một số bạn bè là anh ấy quan ngại rằng mình sẽ bị bắt. Hôm nay, tôi có hỏi và được một người có quen biết trong chính quyền ở tỉnh nhà nói rằng anh ấy sẽ được chính quyền thả về vào thứ Ba tuần sau, nhưng tôi không dám chắc là có chuyện thả ấy không, vì đợt này nhiều người bị bắt đi, là bắt đi luôn và có thể bị đưa đi xét xử.

    "Anh ấy gia cảnh còn rất khó khăn, các con còn bé, anh ấy có hai con, cháu trai đầu đang học lớp năm, còn con gái mới hơn 3 tuổi, mẹ các cháu vẫn phải đi làm xa nhà, làm thuê làm mướn, công nhật để kiếm ăn, sự việc lại diễn ra ngay trước Tết của người Chăm là vào ngày Chủ nhật này.

    "Tôi và các bạn bè, cũng như gia đình anh ấy đang rất lo lắng cho anh ấy và chúng tôi thực sự quan ngại rằng có thể anh ấy đã bị an ninh, hay công an chính quyền bắt giữ."

    Liên quan đến ứng cử Đại biểu Quốc hội?

    Hôm 09/4, từ Hà Nội, một nhà quan sát xã hội dân sự quan tâm đến sự kiện này bình luận với BBC:

    "Tôi chưa biết thông tin cuối cùng về sự việc, nhưng tôi chỉ thấy rằng trong một thời gian vừa qua, nhất là trong lúc chuẩn bị để nộp hồ sơ ứng cử của Đại biểu Quốc hội ở Việt Nam, đã có rất nhiều người, hoặc có ý định ra ứng cử, hoặc nộp hồ sơ rồi, thì đã bị công an đến đe dọa, hoặc thậm chí một số người còn bị bắt hẳn hoi," Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A nói với BBC.

    "Và tôi cũng có nghe rằng nhiều người mà 5 năm trước ứng cử, hoặc có giúp những người khác trong hoạt động ứng cử độc lập cũng đều bị công an bắt lên, hỏi, rồi truy lùng.

    "Tôi cho rằng những hiện tượng như thế khó chấp nhận được trong một chế độ mà người ta tự nhận là của dân, do dân và vì dân, dân thụ hưởng và đó là một sự vi phạm trắng trợn quyền của công dân đã được ghi vào chính Hiến pháp của họ.

    "Với trường hợp của ông Đồng Chuông Tử, với tư cách một nhà thơ người dân tộc ít người, dân tộc Chăm, nếu đúng là ông bị chính quyền bắt và họ làm không khéo, thì có thể có vấn đề sẽ trở thành rất lớn đối với chính quyền."

    Đang có một chiến dịch trấn áp?

    Ông Nguyễn Quang A nhân dịp này cho hay ông cũng rất quan ngại về điều được cho là có thể có một chiến dịch trấn áp với giới hoạt động xã hội dân sự, vận động cho tự do, dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam:

    Các ông Phạm Chí Dũng (trái), Nguyễn Tường Thụy (trên, phải) và Lê Hữu Minh Tuấn (dưới, phải) đều bị truy tố về tội tuyên truyền chống nhà nước CNXHCN Việt Nam

    "Việc kiện toàn nhân sự của nhà nước và đảng Cộng sản Việt Nam thì chỉ diễn ra gần đây thôi, nhưng đã có những chiến dịch đàn áp bắt bớ kéo dài, nối tiếp nhau, mà đợt gần nhất kéo dài thực sự là suốt 6 tháng nay rồi.

    "Thậm chí từ trước cả đó nữa, từ các vụ bắt bớ, trấn áp với anh Phạm Chí Dũng, anh Nguyễn Tường Thụy, nhiều người khác, rồi đến Phạm Thị Đoan Trang và mới đây là Nguyễn Thúy Hạnh, chưa kể các trường hợp khác như anh Lê Trọng Hùng, người đã nộp đơn vào ứng cử Quốc hội

    "Tôi nghĩ đây là một chiến dịch đàn áp rất khốc liệt, có hệ thống và họ làm như thế không khôn ngoan gì cả, nếu một chính quyền mạnh, thì sợ gì các nhà hoạt động và họ làm như vậy chỉ càng chứng tỏ họ đang rất lo sợ người dân đòi hỏi, thực thi quyền dân chủ và như thế không nên.

    "Tôi cho rằng, những hành động này của chính quyền chắc chắn gây ra ảnh hưởng bất lợi cho Việt Nam. Việt Nam đang ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc, mà lại đi làm như thế, thì tôi không biết là giữa bên Công an và bên Ngoại giao, các bộ, ngành này có kết hợp, phối hợp, trao đổi với nhau hay không.

    "Nhưng nếu mà không có sự phối hợp, thì các hành động mà tôi cho là đàn áp, trấn áp này chính là tự đánh vào các hoạt động ngoại giao, uy tín của Việt Nam ở quốc tế và khu vực. Tình hình hiện nay đã khác, thời của Tổng thống Donald Trump ở Mỹ vừa qua đã khép lại, hiện nay chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã đặt lại sự nhấn mạnh vào nhân quyền và ủng hộ dân chủ, tự do.

    "Tôi không nghĩ Việt Nam muốn bắt chước Trung Quốc, vì Việt Nam có vị thế khác Trung Quốc, để mà đi nắn gân chính quyền Biden vào thời điểm này, nhưng tôi nghĩ rằng nếu là một chính quyền mạnh, tự tin và vững, không cần gì phải làm những việc như trên.

    "Mà thậm chí, trái lại, nên và phải khuyến khích những ý kiến khác nhau được nói lên, phải tôn trọng quyền của công dân một cách thực sự," ông Nguyễn Quang A nói với BBC.

    Gần đây, truyền thông Việt Nam công bố nhiều vụ bắt giữ, khởi tố bị can, khởi tố vụ án với nhiều người mà chính quyền gọi là các đối tượng lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, chống phá đảng và nhà nước.

    Chính quyền cho rằng đã có nhiều 'đối tượng' ở trong và ngoài nước là các thế lực thù địch, đã và đang tuyên truyền, hoạt động chống phá nhà nước xã hội chủ nghĩa.

    Truyền thông chính thống của nhà nước Việt Nam khẳng định đảng và nhà nước quan tâm, khuyến khích xã hội dân sự, dân chủ hóa và đề cao nhân quyền, ở Việt Nam không có tù nhân lương tâm mà chỉ có những người bị pháp luật xử lý vì vi phạm luật pháp, kể cả luật hình sự mà thôi.

    https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-56694418

    Phú Trạm, bút danh: Inrasara. Tiếng nói của nhà thơ người Cham

    Câu chuyện Cham-16. ĐỒNG CHUÔNG TỬ BỊ CÂU LƯU, KHẢ NĂNG MỞ NÚT THẮT TỪ ĐÂU?


    Posted on 10.04.2021 by Sara

    Tôi biết tin ĐCT bị bắt tạm giam vào chiều 7-4-2021, khi cá nhân tôi cũng đang gặp vài chuyện cộm cần giải quyết. Tôi nhận tin nhắn từ nhiều nguồn, có cả yêu cầu cei Sara lên tiếng nữa.

    ĐCT là con chim quý, hiếm trong cộng đồng Cham. Với người hoạt động chữ nghĩa càng hiếm nữa. Nó biết thế, nên hứng quá đôi khi nó hót lạc điệu. Thậm chí rất lạc điệu. Cá nhân tôi, hai lần gỡ rối cho Tử.

    Tại sao Tử bị bắt? Chẳng rõ. Sự việc liên quan đến đất đai chỉ là tin hành lang. Chưa biết đúng sai thế nào nên không thể nói trước. Kéo nhau đi “đòi người” như vụ Đàng Ngọc Thủy 2016, thì không xong rồi. Thời điểm ấy, họ thả Thủy cho rảnh nợ để đối phó với bạt ngàn chuyện lớn hơn. Làm gì?

    – Tìm ĐỐI THOẠI, không cách nào khác.

    Ta biết ta ít, ta yếu thế – tôi hay nói đùa: “mạng cùi Cham”, ta cần tìm mọi cách, nhiều hướng để đối thoại. Đối thoại ở THẾ YẾU, chứ không ở THẾ QUỲ. Tôi đã làm thế, và rất… được việc.

    Tạm phân đối tượng có khả năng đối thoại/ hỗ trợ làm 4 loài: Bên họ: chính quyền và “nhân dân tiến bộ Việt”; bên ta: cộng đồng Cham và một ít Chàm “không theo cách Inrasara”.

    Câu chuyện.

    Chuyện đã kể, xin tóm tắt nhanh 5 vụ với điểm nhấn, để làm bài học.

    [1] Vụ đất đai 73 hộ ở Văn Lâm 2008. Tranh thủ chính quyền trung ương để nói chuyện với phải trái với chính quyền địa phương.

    Bà con kéo ra đường chặn xe Thủ tướng, Champaka đưa tin như đổ thêm dầu vào lửa, tôi kêu gọi đối thoại. 4 bên: Chính quyền Trung ương, chính quyền địa phương, đại diện bà con Cham và tôi – nếu được, ngồi lại nói chuyện.

    Không lâu sau tôi nhận cú phon từ “trên”: đồng ý với cách của anh Sara. Họ làm việc [không có tôi], và sự vụ đâu vào đấy: bà con được bổi thường xứng đáng.

    [2] Vụ Tagalau 2002. Đấu tranh với chính phe ta.

    Tôi đăng “Mỹ Sơn đường về” của Trà Vigia trên Tagalau-2, và gặp sự cố lớn. Đặc san bị ách ở mọi cửa xuất bản. Bị trên nhắc, tôi đổ cho nhà thơ Nông Quốc Chấn là người “chịu trách nhiệm” bản thảo. Ông phon cho tôi, lúc đó có Trà vào chơi ngủ nhà tôi Sài Gòn. Trà nổi xung, thảo ngay 3 trang thư gửi NQC đính kèm… trung ương.

    Tôi kêu cháu mang thư gửi tốc hành. Sáng sớm Trà về, tôi phon ngay cho NQC: Bác đọc tham khảo thôi, gửi lên là rách việc. Rách việc, đó là điều chắc chắn. Tôi trì trì tìm đối thoại, lừ đừ một mình chiến suốt một năm rưỡi. Và Tagalau sống!

    [Dĩ nhiên Trà không biết bí mật này, cứ để cho chàng nổ].

    [3] Vụ Yeah-1 2020. Tranh thủ chính quyền để đấu với “họ”, cả đấu với chính ta.

    Sự vụ xảy ra. Tôi và cánh trẻ nhập cuộc. Họ biết sai: Gỡ ngay video clip, xin lỗi, viết kiểm điểm và bị xử phạt. Không chịu, nhiều Cham đòi kiện. Tôi hỏi: Ai kiện?

    – Thì cei Sara thảo đơn, bà con kí.

    Tôi hỏi tiếp: Kiện thì được gì?

    – Một lần để “họ” chừa, không tái phạm nữa.

    Tôi nói, trâu mọc hàm dưới! Tòa cũng xử đến thế thôi, nhưng làm gì có phiên tòa cho vụ này, ta thêm thù chuốc oán không cần thiết. Cần biết dừng lại đúng lúc, để còn tranh thủ cảm tình của nhân dân tiếp bộ Việt.

    [4] Sự cố Văn hóa NTT 2009. “Dừng lại đúng lúc” có liên quan đến thầy Nguyễn Văn Tỷ.

    NTT khi không nổi hứng viết bài nghiên cứu miệt thị trí thức Cham các loài đăng lên mạng của mình. Dư luận Cham nổi sóng trên web Inrasara.com, ông không xin lỗi mà chỉ âm thầm sửa bài.

    Thầy Tỷ đòi mời ông ra sân trung lập “đấu lí”, tôi ngược lại: Sau bài mở dài phân tích để chỉ cho biết ông sai bậy chỗ nào, và sau mấy điều tiết các phản ứng của Cham, tôi viết bài… “Cảm ơn NTT” để kết thúc đẹp! Từ đó ổng chừa.

    [5] Dự án Nhà máy Điện hạt nhân 2012 mới ghê.

    Để “chống chính quyền” [biết đâu có cả “mafia quốc tế”], tôi cần:

    – Nghiên cứu thật kĩ ý kiến chuyên gia và trí thức khắp nơi; sau đó…

    – Giải thích cho chính quyền hiểu sự thật vấn đề;

    – Cham thì miễn rồi, tôi còn tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ Việt trong và ngoài nước, tranh thủ cả dư luận quốc tế nữa.

    – Cuối cùng là miệt mài: Viết bài, trả lời phỏng vấn, làm thơ, viết tiểu thuyết, điều tiết ý kiến trên Inrasara.com, dẫn đoàn đến tham quan khu vực; diễn thuyết, vân vân. 2 năm liên tục.

    Đó chỉ là 5 trong những.

    Trở lại vụ nhà thơ Đồng Chuông Tử, đâu là hướng đối thoại?! Để Tử được về sớm, cho con chim này CHỈNH lại cách nghĩ, cách hót của mình để còn tiếp tục… đấu.

    P.S.

    Gửi tút này cho một trí thức Cham đọc trước, anh kêu: Sara để hở sườn cho Yuôn biết hết trọi rồi còn gì. Tôi nói: Làm như ông khôn hơn Việt ấy. Ông nhớ, sinh linh Cham khôn cỡ nào cũng chỉ đứng tới bụng người Việt trung bình. Tôi cũng thế. Làm như Sara bí mật lắm, qua được con mắt chính quyền Việt. Lại là Việt Cộng sản – tục gọi là Việt cộng, nữa!

    Nhà thơ Inrasara tên thật là Phú Trạm (sinh ngày 20 tháng 9 năm 1957 tại làng Chakleng - Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước tỉnh Ninh Thuận, Việt Nam), ông là một nhà thơ Người Việt gốc Chăm nổi tiếng của Việt Nam hiện nay.

    http://inrasara.

    Không có nhận xét nào