Rất nhiều tàu Trung Quốc, được cho là do dân quân biển Trung Quốc điều khiển, neo đậu ở khu vực Đá Ba Đầu ngày 27/3/2021.
Ảnh: Cảnh sát Biển Philippines/Reuteurs
Trung Quốc đã và đang sử dụng chiến thuật “vùng xám”, đặc biệt là “Chiến tranh nhân dân trên biển” trong việc thực hiện tham vọng bành trướng của nước này ở Biển Đông. TS. Vũ Hồng Lâm, một chuyên gia hàng đầu về vấn đề biển Đông và an ninh châu Á, thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương Hoa Kỳ (APCSS) cho rằng, để đối phó hiệu quả với những chiến thuật này của Trung Quốc, các quốc gia nhỏ có tuyên bố chủ quyền trong khu vực như Philippines và Việt Nam cần sớm đưa các vi phạm của Trung Quốc ra công luận quốc tế đồng thời kiên trì đấu tranh với Trung Quốc ngay tại khu vực xảy ra xung đột.
RFA: Một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang thực hiện Chiến tranh nhân dân trên biển (people’s war at sea) trong vụ việc Đá Ba Đầu– một chiến thuật mà cựu Bộ trưởng Quốc phòng Thường Vạn Toàn của nước này đã đề cập tới trong một vài năm gần đây. Ông nghĩ gì về nhận định này và theo ông, Trung Quốc đã sử dụng chiến thuật này như thế nào để thực hiện tham vọng của họ ở biển Đông?
TS Vũ Hồng Lâm: Chiến tranh nhân dân trên biển (CTNDTB) đúng là một chiến thuật rất quan trọng của Trung quốc ở biển Đông và họ đã thực hiện chiến thuật này từ lâu. Ban đầu họ sử dụng một số quân nhân trá hình giả làm ngư dân. Dần dần họ phát triển lực lượng dân quân biển và bây giờ lực lượng này đã phát triển khá hùng hậu với hàng trăm, hàng ngàn tàu cùng với số lượng người rất lớn. Một số trong lực lượng này là quân nhân phục viên chuyển ngành (ví dụ trước đây từng là lính hải quân) và rất nhiều người vốn là ngư dân nhưng được tuyển dụng làm dân binh.
Trung Quốc đã huy động lính giả dạng làm ngư dân để chiếm các đảo ở Trường Sa từ những năm 1980. Chẳng hạn vào năm 1988, khi xuống Đá Chữ Thập với lý do xây dựng trạm khí tượng, Trung Quốc đã dùng lính hải quân đóng giả ngư dân, dùng tàu cá để đi trinh sát. Sau đó, cũng với chiến thuật này, họ chiếm Đá Vành Khăn vào năm 1995 và gần đây là chiếm Bãi cạn Scarborough vào năm 2012.
Trung Quốc chiếm được bãi cạn này bằng chiến thuật cải bắp với vòng đầu là ngư dân, vòng hai là cảnh sát biển và vòng ngoài là hải quân, hiện diện ở rất xa, ngoài đường chân trời. Tại khu vực vòng đầu, ngư dân Trung Quốc tập hợp thành đám đông vào đánh bắt và xua đuổi ngư dân của Philippines đi, rồi dần dần họ bao vây, không cho thuyền của các nước như Philippines hay Việt Nam ra vào. Sau một thời gian, họ đã chiếm đóng và kiểm soát bãi cạn Scarborough trên thực tế. Đấy là chiến thuật sử dụng dân binh phối hợp với tàu cảnh sát biển đã giúp nước này chiếm các đảo đá ở Trường Sa.
Vừa qua, Trung Quốc tiếp tục sử dụng chiến thuật CTNDTB ở Đá Ba Đầu. Những gì Trung Quốc làm ở Đá Ba Đầu trong tháng 3 cũng là điều họ đã làm ở đây hàng năm vào mùa này vì đây là thời gian biển không động, thời tiết tương đối tốt. Năm nay là lần Trung Quốc sử dụng một số lượng rất lớn, với hơn 200 tàu cá để bao vây khu vực Đá Ba Đầu với mưu đồ thiết lập quyền kiểm soát trên thực tế và xua đuổi ngư dân của các nước khác như Việt Nam và Philippines ra khỏi đây. Đáng lưu ý, Trung Quốc đã sử dụng chiến thuật này trong hơn 2 năm gần đây tại khu vực gần đảo Thị Tứ do Philippines kiểm soát. Họ cũng sử dụng cả trăm tàu dân binh để bao vây khu vực này, không đánh bắt nhưng cứ neo đậu ở đó để “tạo quyền kiểm soát trên thực tế” đồng thời xua đuổi tàu thuyền nước khác, đặc biệt là tàu thuyền của các nước có tuyên bố chủ quyền trong khu vực.
Như vậy, có thể nói rằng chiến thuật này là sự lặp lại của những gì Trung Quốc đã làm trong lịch sử và đã làm ở khu vực đảo Thị Tứ trong mấy năm gần đây.
RFA: Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của chiến thuật này?
TS Vũ Hồng Lâm: Chiến thuật này đặc biệt hiệu quả đối với trường hợp bãi cạn Scarborough và trên thực tế Trung Quốc đã chiếm đoạt được thực thể này. Mặc dù đã có phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế nhưng Trung Quốc vẫn không tuân thủ, họ vẫn xua đuổi ngư dân của Philippines và Việt Nam đến đánh cá và bản thân tàu chấp pháp của Philippines cũng không còn ra vào khu vực này nữa.
Hiện Trung Quốc và Philippines vẫn tranh chấp ở khu vực đảo Thị Tứ, tuy tình hình đã bớt nóng nhưng vẫn còn giằng co. Chiến thuật này thường phát huy hiệu quả khi đối phương không đủ thuyền bè để đối phó, nghĩa là không tạo được sức ép trên thực địa đồng thời giữ im lặng hoặc không tạo được sức ép dư luận quốc tế và do đó dẫn tới mất quyền kiểm soát.
RFA: Theo ông, những nước nhỏ như Việt Nam và Philliplines có thể làm gì để đáp trả chiến thuật CTNDTB cũng như đội ngũ dân binh và cảnh sát biển hùng hậu của Trung Quốc?
TS Vũ Hồng Lâm: Để đối phó, chủ yếu mình phải làm được ở hai mặt trận. Một là phải đưa vấn đề này ra công luận quốc tế để tạo lập dư luận và tận dụng sức ép của công luận, đặc biệt từ chính phủ các nước cũng như truyền thông của quốc tế. Hai là, trên thực địa, mình cũng cần có lực lượng để giằng co. Tuy lực lượng của mình mỏng hơn, ít hơn nhưng phải kiên quyết để duy trì sự hiện diện của mình ở đó.
Trong năm 2014, khi Trung Quốc đưa dàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Việt Nam đã làm đúng hai điều này và đã thành công. Tuy trên biển, lực lượng dân quân và hải cảnh của Việt Nam yếu hơn Trung Quốc rất nhiều nhưng Việt Nam vẫn cương quyết bám trụ. Mặc khác, Việt Nam đã đưa vấn đề này ra quốc tế, thậm chí còn gửi kiến nghị lên Liên Hợp Quốc và mời nhà báo nước ngoài đến tận hiện trường để chứng kiến. Nhờ tất cả những việc làm này, Việt Nam đã khiến Trung Quốc đã phải rút giàn khoan trước hạn.
RFA: Nguy cơ thương vong đối với các nước nhỏ sẽ như thế nào nếu thực hiện theo phương án này thưa ông?
TS Vũ Hồng Lâm: Khả năng xảy ra thương vong là có nhưng rất ít vì tính chất của câu chuyện này là tất cả các bên đều cố gắng giữ để xung đột không leo thang thành xung đột vũ trang.
Vì tính chất này nên Trung Quốc thường dùng CTNDTB và chiến thuật vùng xám để lấn dần, chứ không nhắm đến các trận giao tranh lớn bằng vũ trang.
RFA: Chiến tranh nhân dân trên biển và chiến thuật “vùng xám” mà giới chuyên môn gần đây hay đề cập là một hay là hai chiến thuật khác nhau thưa ông?
TS Vũ Hồng Lâm: Đây là 2 phạm trù khác nhau. Chiến tranh nhân dân (CTND) là dựa vào nhân dân để tiến hành chiến tranh và CTND thường có dạng không chính quy như “chiến tranh du kích”, “chiến tranh phi quy ước” . CTND trên biển của Trung Quốc có khía cạnh chính là sử dụng dân binh và ngư dân tham gia vào cuộc chiến chủ quyền của nước này.
Vùng xám là nơi không có hòa bình nhưng cũng không có chiến tranh. Chiến thuật vùng xám cũng sử dụng một số dạng chiến tranh không quy ước. CTND là một hình thái mà chiến thuật vùng xám sử dụng. Chiến thuật vùng xám còn có nhiều hình thái khác như: “Cắt lát xúc xích (salami slice)” [mỗi hôm lấn chiếm một chút, không để tạo xung đột lớn], “Tạo sự đã rồi” [ví dụ chiếm đóng trong một đêm] hay chiến thuật cải bắp như trong trường hợp Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough như đã phân tích ở trên.
RFA: Ông nói rằng các nước nạn nhân như Philippine cần sớm lên tiếng lên án vi phạm của Trung Quốc. Vậy theo ông, việc Philippines lên tiếng về vụ việc Đá Ba Đầu vừa rồi có bị muộn quá không trong khi nước này đã phát hiện ra tàu cá Trung Quốc neo đậu từ 2 tuần trước đó?
TS Vũ Hồng Lâm: Tôi cho rằng Philippines lên tiếng như vậy không hẳn là muộn vì không phải lúc nào nước này cũng biết những gì đang xảy ra cho đến khi họ đi tuần tra. Thêm vào đó, khi lượng tàu của Trung Quốc mới chỉ là một con số nhỏ, 5,7,10 hay 20 tàu thì nếu lên tiếng cũng chưa thích hợp lắm vì chưa rõ ràng, chưa đáng nói.
RFA: Theo ông, chiến thuật này đã và đang gây ra những khó khăn, bất lợi gì cho các nước có tranh chấp liên quan cũng như cho sự can thiệp của các cường quốc, trong đó có Mỹ?
TS Vũ Hồng Lâm: Theo tôi, các nước có tranh chấp và các cường quốc có liên quan có bất lợi là họ chưa chuẩn bị kỹ cho chiến thuật vùng xám và CTND trong khi đó đây lại là những thế mạnh và truyền thống của Trung Quốc. Ví dụ, trừ Việt Nam, tất cả các nước hiện không có lực lượng dân quân biển vì họ bị ràng buộc bởi luật pháp và học thuyết quân sự của họ, do đó không có khả năng răn đe Trung Quốc ở vùng xám. Việt Nam tuy có dân quân biển nhưng lực lượng này còn nhỏ vì mới chỉ được thành lập từ khoảng chục năm trở lại đây.
Như vậy, có thể thấy về mặt lực lượng quân sự chính quy thì phần nào, Mỹ có thể răn đe được nhờ có tàu sân bay, tàu ngầm, tên lửa nhưng nước này không răn đe được Trung Quốc ở khu vực Vùng xám. Tính chất của vùng xám là “lách luật” nên cứ đàng hoàng dùng “luật” để chơi thì khó hiệu quả.
RFA: Mỹ đã có bài học ở Scarborough và biết rất rõ tính chất của chiến tranh vùng xám. Theo ông, nếu Mỹ thực sự muốn cải thiện tình hình ở Biển Đông thì nước này nên làm điều gì?
TS Vũ Hồng Lâm: Thực ra dưới thời chính quyền của Tổng thống Trump, có tướng lĩnh Mỹ đã từng tuyên bố sẽ đối xử với tàu dân binh và hải cảnh Trung Quốc giống như đối với tàu thuyền quân sự. Nhưng đó chỉ là tuyên bố nhất thời và cũng không khả thi để biến thành chính sách vì điều này vướng rất nhiều rào cản luật pháp. Có thể nói Mỹ chưa có những bước đi lớn để đối phó với chiến thuật vùng xám cũng như khả năng tham gia chiến thuật vùng xám của Mỹ vẫn còn yếu.
Mặc dầu vậy, tôi nghĩ Mỹ vẫn có thể làm một số việc để cải thiện tình hình khu vực.
Thứ nhất Mỹ có thể đẩy manh hợp tác cảnh sát biển với các nước ven bờ như Việt Nam và Philippines để giúp những nước này nâng cao năng lực bảo vệ vùng biển hợp pháp của họ.
Thứ hai, là giúp đỡ các nước này sử dụng các công cụ kỹ thuật cao (ví dụ máy bay không người lái hoặc những vật thể không phải là vũ khí gây sát thương) để phục vụ việc trinh sát và xua đuổi.
Thư ba là ủng hộ Việt Nam và Philippines phát triển lực lượng dân binh biển của họ. Điều này có thể khiến Mỹ vấp phải những khó khăn về mặt luật pháp, học thuyết quân sự (học thuyết quân sự của Mỹ không có khái niệm dân binh biển) nhưng nếu muốn đối phó hiệu quả với Trung Quốc thì Mỹ phải thay đổi học thuyết quân sự của mình.
RFA: Xin cảm ơn ông!
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/from-whitsun-reefs-incident-looks-backs-at-chinas-gray-zone-and-peoples-war-at-sea-tactics-04082021181642.html
Không có nhận xét nào