Giữa tháng 3/75, đại bộ phận Liên Đoàn 81/BCND do Trung Tá Chỉ Huy Phó Nguyễn Văn Lân chỉ huy được điều động lên Tây Ninh để cùng với Sư Đoàn 25 phòng thủ vùng Tây Bắc Sài Gòn (Tư Lệnh Sư Đoàn 25 lúc đó là Cựu Thiếu Sinh Quân Chuẩn Tướng Lý Tòng Bá).
Khi Liên Đoàn 81/BCND đến Tây Ninh, Căn Cứ Hành Quân đóng tại Xóm Chàm và Biệt Đội 813/BCND là thành phần trừ bị, có nhiệm vụ phòng thủ vòng ngoài Căn Cứ Hành Quân. Khoảng một tuần sau, Biệt Đội 813 được điều động lên Trảng Sụp, tiền đồn cực Tây của Tỉnh Tây Ninh để thay thế cho Biệt Đội 816/BCND của Đại Uý Lễ.
Cuối tháng tư, tình hình Tỉnh Tây Ninh rất căng thẳng, Tr/Tướng Toàn ra lệnh cho Liên Đoàn 81/BCND phải duy trì một Biệt Đội ở đó để giữ vững tinh thần quân sĩ tại tỉnh Tây Ninh khi đại bộ phận của LĐ81/BCND về Biên Hoà để nhận lệnh hành quân mới. Biệt Đội 813/BCND do Tr/Úy Lai Đình Hợi chỉ huy nhận lãnh trách nhiệm này. Trước khi rời Tây Ninh Tr/Tá Lân giao cho Tr/Úy Hợi một bao thư niêm mật và nói chỉ được mở khi hữu sự.
Lực lượng tại Tây Ninh lúc đó, ngoài các đơn vị cơ hữu của Tỉnh, chỉ còn có Trung Đoàn 49 của Sư Đoàn 25, do Trung Tá Khoa làm Trung Đoàn Trưởng và Biệt Đội 813/BCND.
Vài ngày sau, Đại Tá Tài, Tỉnh Trưởng Tỉnh Tây Ninh, ra lệnh đưa Biệt Đội 813 về phòng thủ dinh Tỉnh Tây Ninh. Vào thời điểm này, nhiều sự kiện xẩy ra như: Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức, Tổng Thống Hương giao quyền cho Đại Tướng Minh.
Sáng ngày 29/4/75, Tr/Tá Khoa báo cho Tr/Úy Hợi biết: Đã mấy ngày qua, ông mất liên lạc với Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 25. Biệt Đội 813 cũng mất liên lạc truyền tin với Trung Tâm Hành Quân Liên Đoàn 81/BCND đang đóng ở Suối Máu và cả với hậu cứ tại Ngã Tư Anh Sương. Tr/Tá Khoa cho Tr/Úy Hợi biết thêm là ông đã họp bàn với Đại Tá Tài và một số các đơn vị trưởng của Tỉnh là ông có ý định ngày mai (30/4/75) ông sẽ rút về Sài Gòn, nếu Sài Gòn cũng mất, ông sẽ về Vùng 4 để tiếp tục chiến đấu vì ông có một số bạn bè ở đó. Tr/Tá Khoa hỏi Tr/Úy Hợi xin giúp ông một điều. Ông nói:
“Chiều nay, khi Trung Uý đi họp, (chiều nào Đại Tá Tài cũng chủ tọa buổi họp gồm các đơn vị trưởng của Tỉnh, và các đơn vị biệt phái) giữa buổi họp, Trung Uý cho một toán Biệt Cách Dù ập vào phòng họp dùng súng uy hiếp và ra lệnh cho tôi rút về Sài Gòn.”
Trung úy Hợi nói: “Tôi không làm được việc này vì nếu chưa có lệnh của Đại Tá Huấn thì tôi sẽ không rút, cho dù Tây Ninh chỉ còn mỗi Biệt Đội 813/BCND của tôi.”. Tr/Tá Khoa cố gắng thuyết phục Tr/Úy Hợi cùng rút và giải thích là mình rút để có thể tiếp tục chiến đấu chứ không phải để chạy. Tr/Úy Hợi hẹn sẽ trả lời ông vào buổi chiều.
Trưa ngày 29/4/75, Tr/Úy Hợi họp tất cả các Sĩ Quan, Hạ Sĩ Quan trong Biệt Đội. Sau khi thuật lại cuộc nói chuyện với Tr/Tá Khoa, Tr/Úy Hợi cho các anh em biết, trong lần tiếp tế gần nhất bằng trực thăng, Tr/Úy Hợi có nhận được lá thư tay của Đại Tá Huấn trong đó, ngoài những lời chỉ bảo, còn có câu nhắn nhủ ngắn gọn: “Hợi, tình hình rất nặng, nếu có gì, cùng Tử Thủ với Liên Đoàn”. Sau khi bàn luận, tất cả đồng ý rút.
Chiều ngày 29/4/75, Tr/Úy Hợi trả lời Tr/Tá Khoa là sẽ cùng rút với ông, nếu Tr/Tá Khoa cùng đồng ý rút chứ Tr/Úy Hợi không cho lính của Biệt Đội uy hiếp ông (Tr/Tá Khoa đồng ý và do đó đã không có buổi họp chiều hôm đó). Sau đó Tr/Úy Hợi ra lệnh cho Biệt Đội 813/BCND chuẩn bị để ngày mai di chuyển về hậu cứ, đồng thời bảo Trung Uý Phan Anh Tuấn Biệt Đội Phó vào Quân Y Viện Tỉnh để thông báo với các thương bệnh binh của BCND.
Sáng ngày 30/4/75, Tr/Tá Khoa cho biết lực lượng rút khỏi Tây Ninh chỉ có Trung Đoàn của ông và Biệt Đội 813/BCND (Đại Tá Tài ở lại không đi). Lệnh hành quân như sau: Di chuyển bằng xe về Sài Gòn, nếu bị phục kích, xuống xe đánh bật rồi đi tiếp (lúc đó quốc lộ nhiều đoạn bị cắt). Biệt Đội 813/BCND được phân chia đi cùng với Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 49. Khoảng 7 giờ sáng, tất cả đã lên xe chuẩn bị di chuyển. Đi theo Biệt Đội 813/BCND, ngoài các thương bệnh binh của BCND, còn có một người nữa là Trung Tá Trưởng Ty Cảnh Sát Tỉnh Tây Ninh (không nhớ tên vị Tr/Tá này). Đoàn xe đi được một đoạn, khoảng 8 giờ sáng, thì bị chặn lại. Tr/Úy Hợi cho quân nhân Biệt Đội xuống xe, tạt sâu vào bên phải quốc lộ, bố trí đợi lệnh. Kiểm điểm lại quân số, Biệt Đội 813 không thiếu một ai, kể cả các thương binh của BCND, ngoài ra còn có Tr/Tá Khoa và Tr/Tá Cảnh Sát. Lúc đó, Tr/Úy Hợi mở bao thư mật của Tr/Tá Lân khi ông rời Tây Ninh, trong bao thư có một bản đồ chỉ dẫn các điểm tập trung để đợi triệt xuất khi gặp nạn. Tr/Tá Khoa cho biết Việt Cộng đã chiếm Tỉnh Tây Ninh ngay sau khi đoàn xe rời Tây Ninh. Tr/Tá Khoa và Tr/Úy HợI quyết định di chuyển bộ về Sài Gòn. Để tránh gặp địch, Biệt Đội 813 đi men theo bờ ruộng, xa Quốc Lộ. Tr/Tá Khoa cho biết là ông đã mất liên lạc với Trung Đoàn của ông.
Trưa ngày 30/4/75, trong lúc đang di chuyển, một binh sĩ BCND mở radio đang phát ra: lời kêu gọi đầu hàng của Tổng Thống Dương văn Minh. Sau khi dừng quân bố trí, Tr/Tá Khoa nghĩ Vùng 4 bây giờ vẫn còn và ông muốn cùng anh em Biệt Đội 813 về đó. Sau đó đoàn quân 813/BCND lại vững tay súng tiến bước lên đường mặc bỏ sau lưng lời kêu gọi đầu hàng của Tổng Thống Minh.
4 giờ chiều ngày 30/4/75, Tr/Úy Hợi họp tất cả các Sĩ Quan, Hạ Sĩ Quan để hỏi ý kiến. Tất cả đều đồng ý để súng tại bờ ruộng ấp Bầu Nâu và đi ra quốc lộ.
Ngày 1/5/75, các anh em trong Biệt Đội 813/BCND vẫn giữ kỷ luật nghiêm minh theo lệnh Tiểu Đội Trưởng, Trung Đội Trưởng, Biệt Đội Phó Tuấn và Biệt Đội Trưởng Lai Đình Hợi.
Khoảng 9 giờ tối ngày 1/5/75, Biệt Đội 813 và các anh em thuộc Sư Đoàn 25 được lệnh tập họp để nghe “Chính Sách Khoan Hồng Của Cách Mạng”. Trước khi chấm dứt, một Cán Binh nói: “Tất cả các Sĩ Quan ở lại, Hạ Sĩ Quan và Binh Sĩ được ra về”. Tr/Úy Hợi nói nhỏ: “Tất cả đi hết, không ai ở lại.”. Khoảng 10 giờ đêm ngày 1/5/75, tất cả Biệt Đội 813/BCND kéo nhau ra quốc lộ, đi bộ suốt đêm về Gò Dầu để đón xe đò về Sài Gòn. Đoàn xe đò chở Biệt Đội 813/BCND về đến Ngã Tư An Sương vào khoảng trưa ngày 2/5/75 và anh em Biệt Đội 813/LĐ81BCND chia tay nhau tại đó.
Số phận của 6 toán thám sát của LĐ81/BCND trong chiến khu D
Riêng về 6 toán thám sát được trực thăng thả sâu trong mật khu VC đã hoàn toàn mất liên lạc. Hệ thống vô tuyến liên lạc của toán bằng máy PRC25, UHF-1 phải qua các trạm chuyển tiếp (Radio Relay Station) bằng phi cơ L-19 hoặc các đài tiếp vận truyền tin ở các núi cao. Nhưng sau ngày 29 /4/75 các toán này không liên lạc bằng truyền tin với bộ chỉ huy LĐ81/BCND được nữa, vì những đài yểm trợ tiếp vận truyền tin đã không còn. Các toán thám sát chưa biết lệnh buông súng của T/t Dương văn Minh ngày 30/4/75. Mười tám anh em của 3 toán liên lạc truyền tin được với nhau, lương khô 5 ngày đã cạn, họ đã phải nhịn đói, mưu sinh thoát hiểm, lặn lội từ rừng sâu, khi về đến một làng ở quận Tân Uyên cạnh sông Đồng Nai gần thác Trị An (đồn Đại An ngày xưa). Họ đã quá đói nên men vào làng để xin ăn và thăm hỏi sự tình. Ba toán thám sát này đã bị Việt Cộng bao vây, nên anh em đành buông súng vào ngày 5/5/1975. Mười tám anh em bị Việt Cộng giam, bỏ đói, sau đó bắn hết rồi thả trôi sông. Những xác của anh em thám sát thả trôi sông, sau bị sình thối nên Việt Cộng bắt dân vớt lên chôn dọc theo bờ sông Đồng Nai, còn 8 xác anh em khác đã chôn tập thể trong một cái giếng bỏ hoang. Theo dân làng cho biết thì có một anh chưa chết, được hai vợ chồng già trong làng đem dấu và cứu sống. Anh này tên là Đức. Hàng năm mỗi khi Tết đến anh Đức đều trở lại để đền đáp và tạ ơn cứu tử của ân nhân. Nhưng từ năm 1995 hai ông bà cụ đó đã qua đời nên anh Đức không còn đến nữa. Một toán viên khác tên Nguyễn văn Một, khi dân làng chôn cất thì có giữ được một cuốn nhật ký nhưng nay cuốn nhật ký đó cũng đã thất lạc. Mặc dầu Liên Đoàn 81/BCND đã cố gắng tìm kiếm để mua lại nhưng không được. Còn phần mộ anh Tuấn là sĩ quan toán trưởng đã được gia đình đến bốc cốt từ năm 93.
Còn toán của chuẩn úy Lê Xuân Hiền trở về ngày 7/5/75 và toán của thiếu úy Nguyễn Minh trở về ngày 15/5/75 cũng tại vùng Đại An nhưng không bị Việt Cộng xử bắn nữa. Anh Lê xuân Hiền và Nguyễn Minh nay đã được định cư ở Hoa Kỳ.
Theo dư luận địa phương cho biết sở dĩ hai toán này không bị VC giết chết vì dân chúng bàn tán sôi nổi về sự dã man của Việt Cộng đã ngược đãi và tàn sát 3 toán trước.
Toán trưởng Lê Xuân Hiền cho biết sau khi bị VC tước bỏ vũ khí ngày 7/5/75, anh bị đưa vào trại tù binh trong rừng Bình Sơn. Tại đây, toán trưởng Hiền gặp thêm 12 anh em thám sát ở các toán khác. Trong đó toán trưởng Hiền còn nhớ tên các anh c/u Huỳnh sơn Phương, t/s Võ văn Hiệp, Lý Khách, Lê văn Điệp c/u Nguyễn văn Bé, Nguyễn văn Sơn v.v. Trong thời gian bị giam giữ ở đó, các anh đã bị đánh đập tra tấn trả thù nên anh Nguyễn văn Sơn và t/s Võ văn Hiệp đã chết.
Năm 1995 Gia Đình 81/BCND ở hải ngoại đã cho người về làng Đại An để lập mộ cho những anh em đã đền nợ nước nhưng dân chúng địa phương đã không dám hợp tác. Dân chúng sợ Việt Cộng trả thù vì việc lập mộ bia cho anh em là trưng bày cái dã tâm vô nhân đạo của Việt-Cộng. Những quân nhân thuộc LĐ81/BCND đã bỏ mình tại làng Đại An vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến chỉ còn trong tâm tưởng của những người dân ở đó và chiến hữu còn sống sót mà thôi.
Phần Kết
Những anh hùng của LĐ81/BCND đã sa cơ trong thảm cảnh tháng Tư ở Đại An, họ đã nhận lãnh những viên đạn oan nghiệt của kẻ thù vào sau cái ngày mà những người còn "mê ngủ" đã rêu rao gọi là ngày "hoà bình đã đến trên quê hương Việt-Nam!"
GĐ81/BCND
(*) Ghi nhận theo những tâm tình, thư từ, bài viết, điện thoại, email và lời kể lại của những chiến hữu đã trực tiếp có những liên hệ ít nhiều trong những ngày giờ lịch sử đau thương của đất nước.
Xin chân thành cảm ơn đại tá Phan văn Huấn, thiếu tá Phạm châu Tài, đại úy Nguyễn Hiền, đại úy La Cao, đại úy Trương việt Lâm, trung úy Lai đình Hợi, thiếu úy Nguyễn công Danh, các sĩ quan toán trưởng Lê xuân Hiền, Nguyễn Minh...và nhiều quân nhân các cấp đã giúp cho bài "Liên Đoàn 81/BCND và những ngày tháng Tư năm 1975" được thành hình, dù rằng thâm tâm quí vị đă không muốn nhắc lại "chuyện đau lòng".
https://www.facebook.com/sonh.cao.5/posts/535134004539382
Không có nhận xét nào