Chính sách hoa mỹ và thực trạng tối tăm
Người dân tộc thiểu số Tây Nguyên lánh nạn sang Campuchia chờ được đăng ký bởi cơ quan quản lý nhập cư tại một trại ở tỉnh Ban Lung, Campuchia hôm 21/7/2004.
Trong phần một loạt bài về thân phận nhiều người sắc tộc tại Tây Nguyên, chúng tôi đề cập đến vấn đề ‘bóng ma FULRO’ và niềm tin tôn giáo mà Nhà Nước Việt Nam sử dụng làm cớ để bắt bớ, kết án tù nhiều người sắc tộc Tây Nguyên; phần tiếp đây trình bày về thực trạng cuộc sống của họ.
Ủy Ban Dân tộc, cơ quan ngang Bộ của Chính phủ Việt Nam có chức năng quản lý về công tác dân tộc vào hôm 15 tháng 4 vừa qua đã tổ chức Hội thảo triển khai công tác Nhân quyền và thực hiện các công ước quốc tế trong năm 2021. Trang Dân Tộc và Phát triển đưa tin Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ông Y Thông đã nhấn mạnh trong Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào Dân Tộc Thiểu Số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030, các cơ quan làm công tác dân tộc cần nỗ lực nhiều hơn nữa để đảm bảo quyền lợi của đồng bào DTTS.
Thế nhưng những người dân thiểu số ở Tây Nguyên mà Đài Á Châu Tự Do tiếp xúc cho biết, thực tế hoàn toàn khác với tuyên bố của quan chức phụ trách DTTS. Theo họ những trẻ nhỏ người sắc tộc khi bước vào trường học cấp một đã bị phân biệt.
“Thằng cu đòi đi học. Đi không được. Cô chẳng biết làm sao em à.”
Đó là lời than của bà H Men Buôn Yă, một phụ nữ sắc tộc Ê Đê ở tỉnh Đắk Lắk. Bà nói đời sống của bà vô cũng khó khăn, nhưng thiệt thòi nhất là bé cháu ngoại của bà. Cha mẹ bé đi làm xa, không còn liên lạc được nữa. Bà nuôi bé từ khi bé mới đầy tháng. Bé Y Phi năm nay 7 tuổi hàng ngày lang thang ngoài đường – vì trường không nhận cho cháu đi học.
“Cô dẫn đi học được cỡ nửa tháng, cô giáo bắt phải nộp hộ khẩu, giấy khai sinh. Nhưng mà giấy khai sinh không đúng họ. Cô đến chỗ tư pháp để sửa, họ không chấp nhận làm. Bây giờ đi kiếm giấy kết hôn không tìm được, bố mẹ cũng không liên lạc được. Bây giờ con đã lớn rồi, đòi đi học. Năn nỉ tư pháp, tư pháp không chịu làm. Nên cô mới nói, nếu không đủ điều kiện làm cho cô, bây giờ cô xin viết một đơn. Họ nói viết đơn làm gì.
Bây giờ cô muốn để họ chỉnh lại thành họ Buôn Yă để cô làm hộ khẩu cho nó đi học. Nhưng mà họ vẫn không chịu sửa. Tại sao họ không sửa lại cho cô?”
Bà H Men năm nay 61 tuổi, mắt nhìn không rõ, không thể làm ăn gì được nữa, ở nhà bà nuôi một người con trai bị bệnh tâm thần và cháu Y Phi. Nếu như có quan chức nào chịu sửa lại giấy khai sinh cho cháu thì bà nói, bà cũng không có tiền để đi làm hộ khẩu:
“Thật sự cô bị tê hết cả người. Cô làm ăn không được. Một con trai thì đi làm xa, làm mướn làm thuê, có khi nó lâu lâu mang ít rau, gạo về.
Một thằng con thì bị tâm thần, đi lang thang, cô thì bị vậy... lấy gì mà nuôi thằng cu này,. Sau này có được đi ăn học thì không có tiền nộp, không có quần áo, giầy dép. Bây giờ dép mang không có, ráng đi lễ, đi dép rách. Cho nên là cô không biết đường để lo cho thằng cu. Nếu cô có tiền, thì sửa lại giấy khai sinh, nhưng cô không có”.
Trường hợp của bà H Men không phải là riêng biệt. Bà nói, nhiều người trong buôn làng cũng không có hộ khẩu.
Một phụ huynh Ê Đê khác chia sẻ, ông có hai đưa cháu cũng bị từ chối không cho học ở trường của người Kinh. Ông xin giấu tên vì sợ bị chính quyền quấy rối hơn nữa. Ông thuật lại sự việc xảy ra cách đây một năm, khi hai cháu gái của ông đến tuổi đi học.
“Trước tiên thì hai cháu học trường trong buôn. Tới lớp 1 thì hai đứa cháu đi xin học với người Kinh. Nhưng mà họ bảo là không được. Nếu là công chức Nhà nước thì họ mới cho học, còn không phải là nhân viên Nhà nước thì họ không cho vào.”
Người cha ẩn danh này nói, ông muốn cho hai cháu đi học trường người Kinh để cuộc sống sau này của hai cháu tốt hơn. Ông tâm sự dù sao thì trường người Kinh dạy chu đáo hơn trường Ê Đê, con em được học tiếng phổ thông, mai sau khi cháu lớn, có thể đi làm xa và dễ dàng hòa nhập vào xã hội người Kinh. Ông không ngờ lại bị phân biệt như vậy. Ông nói:
“Nhà nước bảo là dân tộc được ưu tiên số một, nên mẹ hai đứa bé làm đơn đi nộp với nhà trường. Lúc đó thì anh mới biết được nhà cầm quyền Việt Nam họ chia rẽ dân tộc Ê Đê với người Kinh. Nhà nước bảo là ưu tiên, nhưng mà lúc đi xin thì họ không ưu tiên. Rất là buồn - buồn không thể tả nổi”.
Vấn đề hộ khẩu thì ông nói ông đã nghĩ đến. Khi lấy vợ, ông đi làm hộ khẩu nhưng bị từ chối với lý do ông không có nhà riêng, chưa được cha mẹ chia đất.
Đài Á Châu Tự Do gọi đến Ủy ban Dân tộc Trung ương nhưng không ai bắt máy. Tại Ban dân tộc tỉnh Đắk Lắk, một người trả lời điện thoại nói ông là Chánh Văn phòng nhưng từ chối không cho biết tên. Khi hỏi về việc hành vi phân biệt đối với người thiểu số ở đây trong vấn đề học vấn, ông này trả lời:
“Làm gì có, không hề có. Không hề có trường hợp vậy xảy ra, không phân biệt bất kể người sắc tộc hay người Kinh. Vẫn được đi học, tất cả trẻ em đểu được đi học hết”.
Viên chức này khẳng định gia đình không có hộ khẩu vẫn cho con em đi học được, ngoài ra công dân phải đạt đủ yêu cầu tiêu chí thì mới có được hộ khẩu. Nhưng ông nhấn mạnh: “Chuyện gây khó dễ, sách nhiễu là không có”.
Tình trạng không cấp hộ khẩu cho người dân tộc thiểu số đã được nhiều nhà quan sát tình hình nhân quyền ở Việt Nam lên án. Ủy hội Tôn giáo Hoa Kỳ trong một thông cáo báo chí nhân ngày Quốc Khánh Việt Nam năm 2020 ghi nhận rằng: “Trong nhiều thập niên, chính quyền địa phương ở miền Bắc và Tây Nguyên đã sách nhiễu người H’Mong và người Thượng theo đạo Thiên Chúa. Theo những nhà đấu tranh cho nhân quyền, chính quyền địa phương đã trả đũa những nhóm này bằng cách từ chối cấp chứng minh nhân dân và hộ khẩu, buộc hàng nghìn người phải chạy sang các vùng khác của Việt Nam”.
Ông Y Quynh Bdap, một người đấu tranh cho công lý của người Thượng từ Bangkok khẳng định chính quyền Trung ương và địa phương từ chối làm hộ khẩu để trả đũa những ai đã lên tiếng đòi tự do tín ngưỡng, nhân quyền hay phản đối cưỡng chế đất đai.
“Những người mà có gia đình từng bị đi tù hay là từng bị đàn áp, những người từng tham gia biểu tình, thì rất là khó trong việc đi làm các giấy tờ, hộ khẩu. Thậm chí là trước khi đi làm thì họ bị bắt cam kết, từ bỏ hết các hội Thánh của mình”.
Bà H Men cho biết bà là tín đồ Thiên Chúa Giáo. Vào năm 2003, bà bị đi tù 3 năm, cùng lúc con trai đi tù 2 năm, con rể đi tù 9 năm. Bà nói gia đình bà bị đi tù “vì theo đạo, vì chính trị”. Chồng bà được biết trong thời chiến tranh đã làm việc cho quân đội Mỹ.
Nhà đấu tranh nhân quyền Trương Minh Tam là thành viên nhóm trợ giúp pháp lý thuộc chương trình hỗ trợ pháp lý của BPSOS, tổ chức Cứu người Vượt biển. Từ Hoa Kỳ ông nói:
“Thế thì nó cũng tương tự như là các dân tộc thiểu số khác. Như dân tộc H'Mông cũng nằm trong một cái chính sách lâu dài, chính sách đánh đổi. Đó là hoặc là anh có giấy tờ tùy thân thì anh không được theo đạo Tin Lành, hoặc là anh theo đạo Tin Lành thì chúng tôi sẽ tịch thu toàn bộ giấy tờ tùy thân và đuổi anh ra khỏi bản làng.
Thế nhưng mà chúng tôi đã từng rất là thành công trong các dự án của người H'mông. Đó là chúng tôi yêu cầu, dù có hay không có một niềm tin, dù tôi có thể đi tù hay không đi tù thì tôi vẫn là một công dân, và anh phải có nghĩa vụ cấp giấy tờ tùy thân cho tôi và đó là quyền căn bản của người dân chúng tôi.
Nếu như anh không cấp thì cũng được, không sao cả. Xin anh hãy ghi dùm tôi mấy chữ. Bởi vì lâu nay chúng ta đều có một thói quen, từ chính quyền cho đến người dân, là đều nói chuyện với nhau không có văn bản.
Bằng các biện pháp pháp lý và chúng tôi yêu cầu phải trả lời bằng văn bản, thì họ đã phải xuống thang cấp giấy tờ tùy thân, thậm chí là cấp đất đai rồi thành lập các dự án”.
Tổ chức Cứu người Vượt biển (BPSOS) trong nhiều năm đã thu thập những báo cáo về hàng chục trường hợp vi phạm nhân quyền, như bắt giam tùy tiện, ép bỏ hệ phái của dân tộc để tham gia hệ phái quốc doanh, tra tấn và cưỡng chế đất đại trong nhiều năm qua. Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc BPSOS nói việc từ chối hộ khẩu là một một phần trong nhiều thủ đoạn của cả một chính sách phân biệt đối với người dân tộc thiểu số:
“Rất nhiều người Tây Nguyên đến nay, cả nhà đều không có hộ tịch hộ khẩu, không có giấy tờ tùy thân. Thành ra con cái cũng không được đi học. Người lớn thì cũng không thể nào mà xin việc làm ở những cái chỗ mà hợp pháp được và ngay cả họ mở một cái quán cóc và xin giấy phép để mà buôn bán cũng không được. Họ không được hưởng bất kỳ một lợi ích nào ở trong xã hội hết. Mà con cái, nhiều em cũng không có giấy khai sinh bởi bố mẹ không có hôn thú, không có chứng minh nhân dân thì làm sao mà con cái có giấy khai sinh. Vì vậy mà các em cũng bị thất học khá nhiều.
Đấy là tình trạng tôi gọi là vô tổ quốc. Tuy rằng là sinh ra lớn lên ở đất nước Việt Nam nhưng mà không có giấy tờ gì cả và do đó bị xem như là một người không có quốc gia, không được sự bảo vệ của quốc gia của mình”.
Song song với việc ép buộc bỏ đạo, đóng cửa các nhà thờ Thiên Chúa Giáo của người H'Mông, người Ê Đê, Gia Rai, v.v, chính quyền Việt Nam tiến hành chế độ kiểm soát chặt chẽ, cưỡng chế đất, khống chế kinh tế khiến người Thượng bị rơi vào tình trạng nghèo khó khắc nghiệt.
Tỉnh Phú Yên báo cáo tại Hội thảo triển khai công tác nhân quyền hôm 15/4, tính đến cuối năm 2020 tổng số hộ nghèo toàn tỉnh là 7.756 hộ, trong đó hộ đồng bào DTTS là 2.746, tức 35%. Tuy nhiên, trên cả nước, báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cập nhật ngày 7/4/2021 cho thấy, 86%, tức đại đa số hộ nghèo của Việt Nam là những đồng bào thiểu số.
Một trong những hộ nghèo đó là gia đình của anh Y Mika – không phải tên thật. Anh Y Mika, học sinh cấp 3, là một trong 7 anh em gia đình người Ê Đê sống ở Đắk Lắk.
“Năm 2018 nhà em có làm lều bán nước ngọt, nước mía trên đường. Năm đó là năm đầu tiên nhà em làm, vay ngân hàng đầu tư. Xong rồi công an chính quyền đến tháo gỡ.
Trong thời gian mà họ phá nhà, thì họ có đánh mẹ em, rồi chị em, rồi họ lấy súng họ trỏ vào đầu em gái, họ dọa.
Đó là lần đầu tiên. Và vẫn vậy, thì năm 2019, nhà em vẫn cố gắng làm tiếp, thì họ lại đến họ cưa, họ lấy hết tài sản lần nữa”.
Anh Y Mika cho rằng chính quyền địa phương dần dần đẩy gia đình vào tình trạng không thể vươn lên nổi.
“Họ thu hết bàn ghế, họ nói là giống như kiểu họ phân biệt, họ nói người Ê Đê không có quyền bán quán, chỉ có người Kinh có quyền thôi”.
Anh Y Mika nói rõ, nhiều gia đình thiểu số khác ở nhiều huyện khác cũng bị thu hồi đất, không cho làm ăn, trong khi của người Kinh thì không bị làm khó dễ.
“Năm 2018 nhà em có làm lều bán nước ngọt, nước mía trên đường. Năm đó là năm đầu tiên nhà em làm, vay ngân hàng đầu tư. Xong rồi công an chính quyền đến tháo gỡ. Trong thời gian mà họ phá nhà, thì họ có đánh mẹ em, rồi chị em, rồi họ lấy súng họ trỏ vào đầu em gái, họ dọa. Đó là lần đầu tiên. Và vẫn vậy, thì năm 2019, nhà em vẫn cố gắng làm tiếp, thì họ lại đến họ cưa, họ lấy hết tài sản lần nữa”. -Anh Y MikaMika
Gia đình anh trước đây có miếng đất 2 héc-ta do bà ngoại anh khai hoang.
“Nhà em làm gần sát đường. Đất đó thì họ thu hồi rồi. Gia đình em không có muốn lấy tiền bồi thường. Nhưng mà họ ép buộc, họ đến nhà họ nói là sẽ cưỡng chế nếu không lấy tiền bồi thường. Họ nói đất đó là quy hoạch. Nhưng mà gia đình em không đồng ý, họ cứ đến nhà nhiều lần quá, cứ nói nói, thì bố em đồng ý. Họ bồi thường 2 ha là 16-17 triệu. Rất ít”.
Nợ nần của lần đầu tiên lập quán cóc, 300 triệu đồng, vẫn chưa trả hết. Anh Y Mika cho biết:
“Trong buôn làng anh em dân tộc Ê Đê đều như vậy, toàn nợ nần hết. Lãi suất rất cao”.
Anh nói, riêng gia đình anh cũng muốn làm lại quán, nhưng không có vốn nữa và cứ sợ chính quyền lại đến phá. Các chương trình mà Nhà nước quảng cáo dành cho hộ nghèo, gia đình anh không nhận được đồng nào. Không nắm được rõ luật pháp nên cũng không dám khiếu kiện và chỉ chấp nhận thực trạng mà thôi.
Hỏi vậy anh mong muốn điều gì, anh tâm sự:
“Điều em muốn, là chính quyền họ đối xử công bằng và quan tâm đến người dân bản địa, người Ê Đê, sống bình đẳng giống như anh em. Không phân biệt người Ê Đê hay là Kinh đều là công dân Việt Nam”.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/fate-of-the-montagnards-feel-good-policy-somber-reality-04192021210322.html
Không có nhận xét nào