Header Ads

  • Breaking News

    Phạm Phú Khải - Tâm tình cùng nhạc sĩ Phan Văn Hưng

    Lời giới thiệu: Nhạc sĩ Phan Văn Hưng được nhiều người biết đến qua các ca khúc, hay thương khúc, như là “Ai về xứ Việt”, “Thằng bé tát dầu”, “Trái tim tôi là bến”, “Hai mươi năm”, “Chúng đi buôn”, “Bài ca tuổi trẻ” v.v… Cho đến nay, anh đã sáng tác hơn 120 bài nhạc mà đã được phát hành qua 7 CDs nhạc.
    Phạm Phú Khải - Tâm tình cùng nhạc sĩ Phan Văn Hưng

    Hơn một thập niên qua, nhạc sĩ Phan Văn Hưng đã không còn sáng tác hay trình diễn. Cây đàn gắn liền giòng nhạc của anh đã được trao tặng cho Viện Bảo Tàng & Trung Tâm Sinh Hoạt Người Việt (Vietnamese Museum Australia) vào cuối năm 2019. Nhiều cơ quan truyền thông muốn phỏng vấn anh, và nhiều tổ chức muốn mời anh đi trình diễn, nhưng anh đều từ chối. Được biết anh đã chọn đời sống nội tâm trong suốt thời gian qua.

    Hôm nay, 18 tháng Tư năm 2021, tôi đã nhận được tin nhạc sĩ Phan Văn Hưng đã đồng ý trình diễn tại Buổi Hòa Nhạc vinh danh Cựu Chiến Binh Úc đã tham chiến trong chiến trường ở Việt Nam (The Vietnam Requiem) vào đầu tháng Sáu tới đây, tại thủ đô Canberra. Đây là một ngạc nhiên đầy thú vị, và vì thế tôi đã liên lạc để xin anh một phỏng vấn nhỏ. Rất may anh đã nhận lời.

    Phạm Phú Khải: Dạ xin kính chào nhạc sĩ Phan Văn Hưng. Nguyên do nào anh quyết định nhận lời tham dự buổi hòa nhạc The Vietnam Requiem do Chris Latham thực hiện?

    Phan Văn Hưng: Thú thực, tôi cũng không biết chắc là tại sao nữa, vì tôi đã bỏ đàn, bỏ hát từ nhiều năm qua. Cây đàn tốt của mình thì tôi đã đem tặng rồi, lâu ngày không chơi nên ngón tay mềm nhũn, không còn chai như xưa nữa. Tôi còn giữ cây đàn cũ rích thời còn là sinh viên, vứt lăn lóc trong kho, có lần đem ra chơi thử thì chịu thua, không làm sao bấm nổi vì quá đau tay. Còn giọng hát cũng coi như mất, vì cái gì cũng vậy, nếu mình không dùng thì nó rỉ sét.

    Nhưng khi tôi nhận được thư của ông Chris Latham mời tôi tham gia chương trình, tôi đã nhận lời ngay, có lẽ vì mình cảm thấu được tấm lòng của ông ở đằng sau. Lúc đó tôi vẫn chưa biết rõ chương trình chi tiết ra sao, phần của tôi là gì, và tôi chỉ hiểu loáng thoáng là Chris là artist-in-residence với Australian War Memorial với ý định trình tấu một nhạc phẩm có tên là Vietnam Requiem để tưởng nhớ các chiến sĩ Úc đã tử trận ở Việt Nam. Tại sao Chris lại muốn tôi trong đó, vì tôi chưa từng viết nhạc về các chiến binh Úc bao giờ?

    Lúc đó tôi trực nhận Chris cốt ý muốn hát về người Việt mình, và tôi phần nào mường tượng được hành trình nội tâm mà ông phải đi qua để nhận ra điều đó. Chỉ đến sau này khi gặp Chris thì tôi mới biết quả thật ông đã trải qua một sự thức tỉnh, rằng người dân Việt Nam mới là nạn nhân lớn nhất của cuộc chiến lẫn của nền hòa bình áp đặt, và một nhạc phẩm tưởng niệm cuộc chiến không thể nào đầy đủ nếu không nói tới nỗi khổ của dân Việt.

    Phạm Phú Khải: Giữa anh và Chris Latham chắc phải có một sự đồng cảm nào đó. Và nếu có thì đó là những điểm nào, thưa anh?

    Phan Văn Hưng: Vâng, những điểm này tôi đã cảm được ngay, nhưng phải nói, tôi chỉ biết rõ hơn sau khi gặp Chris. Ông kể rằng hồi nhỏ, ông trải qua một kinh nghiệm “sống đi chết lại” mà qua đó ông trực diện với cõi tâm linh, nên khi lớn lên ông luôn cảm thấy mình có nhiệm vụ hàn gắn nỗi khổ của tha nhân. Vietnam Requiem không phải là chương trình đầu tiên mà Chris thực hiện cho AWM, trước đó ông có điều khiển những buổi hòa nhạc về hai cuộc thế chiến, khi đó ông phải đối mặt với sự thật hãi hùng của người đạo Do Thái dưới bàn tay Quốc xã, một ý thức hệ ghê tởm nhưng vẫn chưa thấm gì với Cộng sản.

    Cuộc hành trình của tôi thì khác hẳn, tuy có cùng điểm đến. Tôi khởi sự sáng tác không phải vì cảm thấy đó là bổn phận, mà đơn giản vì nỗi thống khổ của dân mình quá lớn, không thể nén xuống được nên phải bung ra thành nhạc. Nhạc tự nó có tác dụng hàn gắn, vì một khi nỗi khổ được tuôn ra thì có sự cảm thông, và phần nào cũng có sự giải tỏa, nhất là trong tình cảnh người dân miền Nam, không những đã khổ mà lại còn bị thế giới đối xử oan ức. Chris với tôi gặp nhau ở điểm hàn gắn này đây.

    Chris lớn lên trong một gia đình Công giáo, nhưng khi trưởng thành ông bắt đầu thiền quán theo đạo Phật, khiến tâm ông cởi mở trong sự tìm kiếm tâm linh. Tôi thì ngược lại, xuất thân từ một gia đình đạo Phật, khi lớn lên tìm đạo đủ mọi hướng, đến khi lớn tuổi mới nhận ra rằng tất cả cũng chỉ là một. Và một lần nữa tôi lại gặp Chris. Trong tác phẩm của ông, tôi có thể nhận thấy nhiều giá trị vượt tôn giáo.

    Một điều nữa là về âm nhạc. Chris theo học âm nhạc cổ điển đến nơi đến chốn, nhưng bất cứ thể loại nào ông cũng đụng vào. Ông hát rất hay, trình diễn đàn vĩ cầm, soạn nhạc, đạo diễn, làm nhạc trưởng, cái gì ông cũng nhúng tay vào một cách xuất sắc. Còn tôi thì khác hẳn, chẳng bao giờ được đi học nhạc, chỉ vì vận nước mà bỗng dưng đi hát, rồi sáng tác, hòa âm, điều khiển hợp xướng, làm báo, cái gì cần làm là tôi làm. Cuối cùng thì cũng tới cùng một cái đích với Chris, nghĩa là thương yêu đủ mọi loại nhạc, trân quý đủ mọi cách diễn tả và mọi tâm hồn nghệ sĩ. Đấy, hai hành trình thật trái ngược nhưng vẫn có thể đồng cảm với nhau.



    Nhạc phẩm Trở về Galang, của Phan Văn Hưng - Nam Dao.

    Phạm Phú Khải: Được biết anh sẽ trình diễn hai bài "Em Bé và Viên Sỏi" và "Trở về Galang" trong buổi hòa nhạc này. Chris Latham đã chọn hai bài này và đề nghị anh hát, hay đây là sự lựa chọn của anh?

    Phan Văn Hưng: Lúc đầu, Chris đề nghị tôi hát bài “Hai mươi năm” nhưng với lời ca mới, đại khái sẽ là một bài… “năm mươi năm”! Tôi thú thật tôi không làm sao viết được lời mới như vậy. Một ca khúc không chỉ là nhạc và lời, mà nó còn chất chứa những tình cảm chân thật nhất của người viết vào đúng cái giây phút mà mình viết. Tôi không thể viết lại 30 năm sau.

    Chris muốn tôi hát một bài chưa bao giờ trình diễn, chưa bao giờ thâu âm. Lật mấy bản xưa ra, tôi nhận thấy một bài tôi rất ưa thích mà chưa từng hát trước công chúng bao giờ, là “Trở về Galang”. Bài này rất phù hợp với chủ đề, vì đây là câu chuyện một cựu chiến binh VNCH đem cả gia đình vượt biển đến Galang sau nhiều năm ở trại “cải tạo” và “vùng kinh tế mới”. Nơi đây, vợ của anh qua đời, chôn ngay trên đảo. Các thuyền nhân Việt Nam ở Galang có dựng lên một tấm bia sơ sài để tưởng nhớ người thân đã bỏ mạng trên đường tìm tự do, thì một ngày kia, tấm bia bị “ai đó” đục bể, để lại một lỗ hổng to tướng, nhức nhối giữa bia.

    Tôi thấy bài hát này nói lên sâu sắc tâm trạng người mình – đã khổ, đã chết, đã mất hết đến tột cùng mà chúng vẫn không tha. Đây là nỗi oan trái mà tôi muốn nói đến hồi nãy.

    Tôi liền hát bài này cho Chris nghe. Nước mắt rưng rưng, Chris chịu liền. Ông nói, “Hát bài này đi”.

    Phạm Phú Khải: Chris Latham có nghe và hiểu được tiếng Việt không anh, có hiểu lời bài “Trở về Galang” không anh, hay phải thông dịch?

    Phan Văn Hưng: Chris không hiểu tiếng Việt, nhưng ông có một trái tim nhạy cảm, chỉ nghe rung động giọng hát là cảm thấu được rồi. Hát xong rồi tôi mới dịch nghĩa cho Chris, thì ông bảo đã cảm được tất cả.

    Về phiên dịch thì có một chuyện buồn cười. Ông kể ông đã bỏ ra nhiều thì giờ nghe nhạc của tôi trên internet, tìm hiểu nội dung các bài hát, kiếm lời Việt rồi sử dụng Google translate sang tiếng Anh. Tôi phá lên cười, “Chết rồi, ông Google translate bài ‘Hai mươi năm’ vậy mà ông vẫn ưa được cơ à?”

    Phạm Phú Khải: Thế còn bài “Em Bé và Viên Sỏi”?

    Phan Văn Hưng: Sau khi Chris gặp gỡ nhiều vị trong cộng đồng mình, ông bảo tôi là chương trình của ông có một thiếu sót lớn, đó là thảm cảnh của phụ nữ Việt Nam trong những chuyến vượt biển, không hiểu tôi có bài hát nào về vấn đề này không?

    Thảm cảnh này, Nam Dao và tôi cũng đã có viết. Nhưng tôi nghĩ, bài “Em bé và viên sỏi” qua thơ của Trần Trung Đạo có lẽ thích hợp nhất với khung cảnh buổi trình diễn cũng như giàn nhạc hôm đó. Tuy bài hát không chỉ riêng nói về số phận người phụ nữ, nhưng nó vẽ lên toàn cảnh của một gia đình vượt biển với số phận của từng người, tuy khác hẳn nhau nhưng lại hẩm hiu, đáng thương chẳng khác gì nhau.

    Phạm Phú Khải: Anh có thể cho độc giả biết thêm chi tiết về chương trình hòa nhạc dưới sự bảo trợ của Đài Tưởng niệm Chiến tranh Úc (the Australian War Memorial) không anh?

    Phan Văn Hưng: Chương trình này nằm trong cái khung dài hạn của AWM tưởng niệm các cuộc chiến trong lịch sử cận đại nước Úc. Chương trình mang tên The Flowers of War, và AWM là cơ quan điều hành Tượng đài Chiến sĩ Úc châu. Với tư cách artist-in-residence, Chris Latham có cơ hội trầm mình vào hoạt động của AWM cùng các cộng đồng cựu chiến binh hầu từ đó có cảm hứng sáng tạo, và vì ông là một nhạc sĩ nên ông sáng tạo dưới hình thức nhạc phẩm.

    Theo chỗ tôi hiểu và tuy tôi chưa được gặp mặt các nhạc sĩ khác, buổi trình diễn này sẽ có sự tham dự của một ban nhạc giao hưởng cùng ban hợp xướng đông đảo dưới sự điều khiển của Chris. Tôi sẽ hát cả hai bài của tôi trong phần đầu, cùng với nhiều sáng tác khác như của Paul Simon, Stanley Myers, John Schumann,… Phần sau được dành hoàn toàn cho nhạc phẩm Vietnam Requiem với sự phụ hoạ của những hình ảnh cuộc chiến được chiếu lên màn ảnh.

    Trong đoạn Vietnamese Memorial, sẽ có ca khúc “Cõi Phúc” mà Chris đã nhờ tôi soạn lời Việt ngữ dựa theo kinh Thiên Chúa giáo, nhưng để thể hiện tinh thần hài hòa, ông cũng muốn bài hát phải có kinh cầu của Phật giáo, từ đó mới nẩy ý lồng lời niệm Nam Mô vào phần hát của toàn ban hợp xướng. Ngoài ra, tôi lại còn được biết Chris đang dự định có cả một chiếc trống đồng Đông Sơn cổ hàng ngàn năm trong giàn nhạc. Vấn đề lớn nhất đang gặp phải hình như là làm thế nào điều chỉnh nốt của trống đồng cho hợp với bản nhạc.

    Sẽ có hai buổi trình diễn là Thứ Bảy 5/6 và Chủ Nhật 6/6 từ 1 giờ trưa đến 4 giờ chiều tại rạp Lleweelyn Hall, Acton, Canberra. Đây là một rạp rất đẹp với sân khấu rộng lớn dành cho các buổi hoà nhạc và trình diễn quy mô.

    Phạm Phú Khải: Hơn một thập niên qua, anh không còn sáng tác hay trình diễn. Nghĩa là không còn đàn, hát gì nữa. Cây đàn của anh cũng được tặng đi rồi. Từ đây đến ngày trình diễn chỉ còn 6 tuần. Anh sẽ làm gì để chuẩn bị cho buổi hòa nhạc này thưa anh?

    Phan Văn Hưng: À tôi có ra tiệm đàn quen thuộc thuở trước nơi tôi thường hay mua đủ thứ dụng cụ âm nhạc, thì rất may họ có một cây đàn từa tựa như cây Takamine tôi từng mua ở đó. Và họ rất dễ thương vì họ sẽ cho tôi mượn cây này đem đi Canberra. Đàn rất quan trọng, vì khi mình vừa hát vừa đàn thì cây đàn phải trở thành như một bộ phận cơ thể mình, có thế thì mình mới chú tâm hoàn toàn vào tiếng hát được. Nếu đàn bị lọc cọc thì nhất định tiếng hát cũng sẽ lọc cọc.

    Mấy hôm nay, tôi bắt đầu tập lại thì thấy cũng cam go lắm. Có lẽ vì lớn tuổi nên giọng mình đã thay đổi, nên tôi bảo Chris phải đổi “tông” cho tôi. Chris khó tính về chuyện tông bài hát lắm, vì đối với ông, mỗi tông có rung động tâm linh riêng đánh vào những luân xa khác nhau trên cơ thể, và do đó sẽ tác động vi tế trên người nghe. Nhưng Chris sẽ phải chấp nhận thôi, ai bảo đi mời một ông già tới hát làm gì cho khổ!

    Phạm Phú Khải: Anh trở lại sân khấu lần này, sẽ là một điều ngạc nhiên cho nhiều người. Sẽ có rất nhiều câu hỏi, thắc mắc, mong đợi, kể cả việc mời anh phỏng vấn, trình diễn, cũng như sáng tác tiếp. Đây có nằm trong dự trù của anh không khi anh quyết định xuất hiện trở lại như thế này?

    Phan Văn Hưng: Thưa không, hiện tôi không có dự trù gì ngoài chuyện tham gia Vietnam Requiem sắp tới. Mỗi ngày là một ngày mới đem lại cho tôi thật nhiều niềm vui, dù có âm nhạc hay không. Tôi cũng rất ngạc nhiên là mình có vẻ như quay 180 độ như thế này, nhưng Thượng đế có những cách thật là bí ẩn.

    Phạm Phú Khải: Dạ xin cảm ơn anh đã dành cho cuộc tâm tình thật ý nghĩa này. Mong chúc anh và chị Nam Dao luôn an lành và vui khỏe trong cuộc sống.

    Phan Văn Hưng: Vâng, xin cảm ơn.

    https://www.voatiengviet

    Không có nhận xét nào