Gồm 4 phần
Có hai cuộc phỏng vấn quan trọng: Đại tá Lê Khắc Lý và Tướng Lý Tòng Bá.
NƯỚC MẮT TRƯỚC CƠN MƯA, nguyên tác Anh Ngữ “Tears Before The Rain” là một tập sử liệu về sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam, do Larry Engelmann, Giáo Sư Đại Học San Jose State thực hiện bằng phương pháp phỏng vấn nhiều thành phần: người Mỹ, người Việt, kẻ thắng người bại …Những cuộc phỏng vấn này khởi sự từ 1985, sách xuất bản năm 1990. Bản dịch Việt Ngữ do nhà văn Nguyễn Bá Trạc thực hiện năm 1993, xuất bản năm 1995 tại California.
PART 3
Chương 11: Hoa Thịnh Đốn
ROBERT HARTMANN
(Cố vấn của Tổng thống Ford)
“Đối với nước Mỹ, cuộc chiến đã xong”
Tổng thống Ford đọc bài diễn văn ở Đại học Tulane ngày 23 tháng 4, 1975 xảy ra lúc Nam Việt Nam đang tan rã, lúc chúng ta đang cố đưa người rời Sàigòn. Vào thời điểm này, quan hệ duy nhất là tìm cách bảo vệ các đồng minh hãy còn đứng ở phía chúng ta, và đưa người của chúng ta ra khỏi xứ ấy được an toàn bao nhiêu, tốt bấy nhiêu. Việc di tản đã được quyết định trước khi xảy ra vụ đọc bài diễn văn này. Tuy nhiên cái thời điểm tuyên đọc bài diễn văn là một vấn đề: Nó tạo ra sự kiện đột nhiên chúng ta tuyên bố di tản, và chúng ta có rất nhiều lý do để tin rằng người miền Nam Việt Nam có thể quay ngược lại, ngăn cản không cho chúng ta rút khỏi xứ. Lúc ấy, họ vẫn đang còn kiểm soát phi trường và các đường lộ chung quanh Sàigòn.
Bấy giờ chúng ta ở vào một vị thế đình trệ. Trước đó, Tổng thống (Ford) đã ra Quốc hội xin thêm ngân khoản, mà căn bản chính là để chống đỡ cho chính phủ Nam Việt Nam ngõ hầu chúng ta có thể rút ra một cách trật tự. Nhưng Quốc hội đã không thấy cái quan điểm ấy, quốc hội đã từ chối cấp thêm tiền. Việc này xảy ra sau khi tướng Fred Weyand sang Việt Nam, ông trở về với một bản lượng giá khá u ám. Ông cho rằng: Nếu muốn giữ được bất cứ phần nào của Nam Việt Nam, ngay cả Sàigòn đi nữa, chúng ta cũng phải tăng cường thêm nhiều trợ giúp. Những trợ giúp ấy không phải bằng bộ binh, mà bằng không lực từ các hạm đội. Đây sẽ là một ràng buộc khá lớn lao mà Quốc hội và nước Mỹ sẽ không ủng hộ. Và, điều ấy cũng chỉ làm chậm lại phần nào những gì trước sau cũng xảy ra, trước sau cũng không tránh khỏi. Phần chúng ta thì không còn muốn phải bắt đầu tất cả mọi việc trở lại nữa, cho nên vào thời điểm ấy, vấn đề được đặt ra một cách giản dị: Chúng ta sẽ rút ra như thế nào, chứ không phải là chúng ta sẽ rút đi hay không.
Trước khi xảy ra vụ đọc bài diễn văn này, chúng tôi đã có một cuộc thảo luận. Trong buổi ấy, Tổng thống (Ford) bảo tôi rằng ông muốn đặt trọng tâm vào tương lai, chớ không còn muốn xoáy vào dĩ vãng. Cứ giả dụ bọn trẻ, bọn sinh viên ở Đại học Tulane mặc dầu không có tinh thần phản chiến quá khích như tại nhiều Đại học khác, nhưng lúc ấy tinh thần chống chiến tranh Việt Nam đã lan truyền khắp các Đại học. Cho nên thay vì tiếp tục gặm nhấm dĩ vãng để cố biện minh cuộc chiến, ông muốn nói với thế hệ này về những gì có thể làm cho tương lai. Ông muốn đặt cuộc chiến ra đàng sau. Ông bảo tôi trong buổi thảo luận rằng “Tôi không hiểu tại sao chúng ta cứ phải mất thì giờ lo lắng về một cuộc chiến mà cho đến nay, trong sự quan tâm của chúng ta, cuộc chiến đã xong.” Tôi bèn nói: “Vâng, vậy tại sao tổng thống lại không phát biểu như thế?” Bấy giờ chúng tôi đang tìm kiếm một luận đề căn bản cho bài diễn văn.
Ford bảo: “Tôi e Henry (Kissinger) không thích như thế.” Tôi nói: “Tại sao ông lại phải lo chuyện Henry thích hay không thích? Ông là Tổng thống, nếu ông cảm thấy thế, ông cứ phát biểu như thế. Đôi khi, đến một thời điểm phải nói, thì chính ông phải nói ra, vậy tại sao lại không nói ra lúc này?” Ông bảo: “Tôi sẽ suy nghĩ chuyện ấy. Nhưng ông cứ xúc tiến xem thử ông có thể viết gì trên giấy. Bây giờ thì đừng nói gì với ai về chuyện này cả.”
Hiển nhiên, ông có vẻ thích cái ý tưởng mà ông đã đưa ra. Nhưng ông vẫn còn muốn xem thử Henry (Kissinger) và một số nhân vật quân đội khác sẽ phản ứng như thế nào.
Người phụ trách soạn thảo bài diễn văn là Milton Friedman. Tôi là người duyệt lại. Đầu tiên, chúng tôi bỏ ra ngoài cái đoạn văn nói về “cuộc chiến đã xong.” Tất cả bài diễn văn chỉ nói về những cơ hội vô giới hạn sẽ dành cho bọn trẻ trong đại học để làm những chuyện tích cực hơn là xuống đường phản đối. Chúng tôi viết: Không còn chuyện gì nữa để mà phải phản đối, phải lo học tập để mà xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Thế thôi.
Trong toà Bạch ốc, chúng tôi có lệ luân chuyển bản thảo các bài diễn văn cho những người quan tâm, họ cần biết trước những gì Tổng thống sẽ đọc để khỏi bỡ ngỡ, hoặc để chuẩn bị phản ứng nếu có ai hỏi đến. Những người mà chúng tôi lưu chuyển bản thảo có thể sửa đổi tùy theo tính chất và đề mục các bài diễn văn. Tuy nhiên luôn luôn phải có một nhóm người duyệt đọc, họ phải ghi chú trên các bản sao. Nếu có gì họ muốn thay đổi, chúng tôi sẽ chuyển ý kiến đến cho Tổng thống quyết định. Trong toà Bạch ốc có một nhóm nhân viên tối cao, thường gồm những người liên hệ đến chính sách ngoại giao và quân sự, như là Bộ trưởng Ngoại giao và các thành viên Hội đồng an ninh quốc gia. Bấy giờ Bộ trưởng Ngoại giao là Kissinger, Cố vấn An ninh Quốc gia là Brent Scowcroft-. Cả hai đã làm việc chung với nhau từ lâu, sự suy nghĩ của họ rất tương đồng cho nên Scowcroft biết rất rõ những gì ông ta không cần đưa cho Kissinger xem, và những gì ông phải cho Kissinger biết.
Bản diễn văn này đã được lưu chuyển mà không có ai thắc mắc gì nhiều. Sau khi mọi người cho ý kiến, Milton sửa chữa, chúng tôi lên máy bay đi New Orleans. Chúng tôi đã đưa bản diễn văn cho nhân viên báo chí, nhưng trên máy bay, Tổng thống lại đem ra duyệt và sửa chữa lại. Luôn luôn ông thường tự tay sửa chữa các bài diễn văn đôi chút. Trong lúc ấy, Milton và tôi thảo luận để hoàn tất đoạn tuyên bố về Việt Nam. Đoạn ấy ghi là “đối với sự quan tâm của người Mỹ, cuộc chiến đã xong.” Tổng thống chấp thuận rất mau chóng. Chúng tôi sẽ cho đoạn này vào bài diễn văn. Chúng tôi đã làm như thế. Vậy đó, phần tuyên bố này vốn không có trong bản văn trước đấy chúng tôi lưu chuyển, nhưng đã có trong bài viết mà chúng tôi phát ra trước khi Tổng thống đọc. Đoạn ấy được bỏ vào giữa bài viết một cách vô tội. Nếu đọc nó trong toàn bài thì không có vẻ gì gây xúc động mạnh cả, và vào thời điểm này, còn ai chẳng biết chúng ta đang rút khỏi Việt Nam?
Đám cử tọa hôm ấy là một đám cử tọa rất nồng nhiệt. Họ nồng nhiệt chào đón Tổng thống. Và khi ông nói, thỉnh thoảng họ vỗ tay cổ võ. Đầu tiên, Tổng thống diễu cợt đôi chút về banh bầu dục hoặc một chuyện khôi hài gì đại khái như thế. Rồi đến đoạn về Việt Nam, ông nói: “Ngày nay nước Mỹ có thể lấy lại được niềm kiêu hãnh đã có từ trước khi xảy ra chiến tranh Việt Nam. Nhưng niềm kiêu hãnh đó không thể đạt được bằng cách tái tham dự một cuộc chiến mà đối với sự quan tâm của nước Mỹ, cuộc chiến đã xong…” Thế là cả thính đường bỗng bừng bừng lên tiếng hoan hô, làm cho Tổng thống không còn kịp nói dứt câu. Bọn trẻ nhảy dựng lên. Chúng la ó hò reo ầm ĩ làm cho các nhân viên báo chí cũng ngạc nhiên. Rồi tất cả các câu khác mà Tổng thống nói đều bị biến mất. Câu chuyện xảy ra là như thế. Tổng thống cố làm cho họ dịu bớt xuống, nhưng rồi đám cử toạ lại nhảy dựng lên, la ó hoan hô nhiều lần nữa, chẳng khác gì không khí của các buổi đại hội tranh cử quốc gia. Tôi thực lấy làm ngạc nhiên. Tôi ngạc nhiên về cái cường độ mãnh liệt như vậy. Quả nhiên, đó chính là điều mà tất cả mọi người đều đang mong đợi được nghe.
Tổng thống lộ vẻ hân hoan. Về việc này, ông lấy làm hết sức phấn khởi về thành quả của chuyến đi. Các Tổng thống đều thích được nghe hoan hô, ông cũng vậy. Thế rồi Ron Nessen chuyển lời lên phòng Tổng thống là báo chí muốn được phỏng vấn ông trên chuyến bay về Hoa Thịnh Đốn. Tôi cản việc ấy, nhưng Tổng thống gạt đi. Ông bảo ông sẵn sàng đấu với báo chí, và họ không phải là đối thủ của ông! Phần lớn các Tổng thống đều nghĩ như vậy, và trong hầu hết các trường hợp thì đúng như vậy. Thế là ông quay ra khu báo chí trên chiếc máy bay, tôi đeo theo ông. Các phóng viên bắt đầu đặt một số câu hỏi. Một trong những câu hỏi là: “Tổng thống có chắc chắn những gì ông tuyên bố không, và Tổng thống có biết trước đây không ai từng tuyên bố việc này không?” Ông trả lời: “Vâng, đến một lúc việc này tất phải chấm dứt, và mặc dầu kết quả không như ý tôi hy vọng, tuy nhiên, đây vẫn là chung cuộc.” Thế rồi có ngưòi hỏi “Kissinger có chấp thuận bản diễn từ không?” Ông trả lời: “Không!” Các Tổng thống đều không thích chuyện có người bảo phải nói cái này, nói cái kia, cái gì được nói, cái gì không được nói, mà đặc biệt vói Kissinger là người thường có khuynh hướng như thế.
Đấy là lúc chúng tôi quả đang bị phiền nhiễu. Tôi bèn cắt lời ông mà nói: “Thưa Tổng thống, chúng tôi đã luân chuyển để duyệt bản thảo bài diễn văn này theo thông lệ. Tôi nghĩ là tướng Scowcroft đã ký trên bản thảo. Chúng tôi cho rằng bài diễn văn cần phải được quý vị phụ trách về ngoại giao chấp thuận.”
Tôi nghĩ Kissinger không có mặt ở Hoa Thịnh Đốn khi chúng tôi luân chuyển bản thảo bài diễn văn. Nhưng việc đó chỉ là tình cờ, chứ thực ra, phần tuyên bố ấy đã không có trong bản thảo đầu tiên.
Tổng thống bèn phản ứng lại lời tôi với cái cách gần như là: “Câm mồm lại khi tôi họp báo! Tôi không cần ai phải dìu dắt cả!”
Sáng hôm sau điện thoại văn phòng tôi reo, Tổng thống gọi. Ông bảo: “Bob, Ngoại trưởng Kissinger đang có mặt ở đây…” Giọng nói của ông như chứa đựng một cái cười thầm giữa ông và tôi về một chuyện chúng tôi đều biết “…Xin ông đến đây và đưa Milton Friedman đến với ông.” Milton Friedman hôm ấy đang còn ngủ muộn, văn phòng tôi lại đặt ngay ở hành lang phía Tây, tôi bèn bảo: “Thưa Tổng thống, tôi đến ngay bây giờ.” Rồi tôi kéo theo Paul Theiss, Chủ nhiệm phòng Soạn thảo Diễn văn, mặc dù anh ta không liên hệ gì đến cái trò xiếc này, nhưng tôi cần có người đi theo mà làm chứng.
Kissinger không hăm he gì tôi. Tuy nhiên sau nữa, trong vụ này tôi biết rõ ai chịu trách nhiệm, nhưng tôi không thể nói ra. Cho nên nếu Kissinger cần nổi nóng với một người nào thì tất nhiên phải là nổi nóng với Friedman hoặc với tôi, nhưng tôi không thể phản bội lại Tổng thống được.
Thế là Theiss và tôi cùng bước vào phòng Bầu Dục. Kissinger đang đi lên đi xuống trên tấm thảm trước bàn làm việc của Tổng thống. Tổng thống Ford bảo tôi: “Bob, ông Ngoại trưởng đang quan tâm về một vài điểm gì đó trong bản diễn văn của chúng ta hôm qua mà ông ấy bảo là không được hay trước.” Tôi bèn nói: “Dạ, chúng tôi đã có chuyển cho Tướng Scowcroft. Chúng tôi không rõ ổng có đọc hay không, nhưng có chữ ký của ổng trên bản văn, chữ ký ấy chắc là có giá trị như bất cứ chữ ký của ai ở trong căn phòng này thôi.” Cả Tổng thống và tôi đều biết rõ câu tuyên bố ấy lúc đó không có trong bản văn, nhưng Kissinger không biết chuyện này. Và tôi nói: “Tất nhiên Tổng thống cũng có thay đổi chút đỉnh lúc ở trên máy bay, Tổng thống vẫn thường làm như vậy.” Thế là Henry Kissinger gầm lên: “Những chuyện thế này cần phải chấm dứt! Tôi không thể ngẩng mặt lên nhìn Đại sứ các nước về một lời tuyên bố quan hệ như thế mà tôi lại không được hay biết gì! Tôi thực mất mặt!” Đợi cho Henry Kissinger nói hả, Tổng thống nhìn tôi mà bảo: “Vâng, thực là một sự hiểu lầm đáng tiếc, có sơ suất đây. Bob, từ nay đừng để những chuyện thế này xảy ra nữa nhé!”
Tôi đáp: “Thưa Tổng thống, vâng!” Paul cũng nói: “Thưa Tổng thống, vâng!” Chúng tôi bèn ra vẻ ăn năn sợ hãi rất đúng cách, rồi rút lui.
Kissinger đang lúc khá cáu giận. Ông có ý quy trách Friedman là người biên soạn bản thảo gốc về việc đã lén đưa đoạn văn ấy vào phút cuối. Nếu tôi nhớ không nhầm ông ta đã đập bàn Tổng thống mà hăm he Friedman. Trong dịp này ông không hăm he tôi, nhưng trước đây ông ta đã từng làm tôi vài trận.
Tổng thống Ford đã trực tiếp điều động kế hoạch di tản cuối cùng vào lúc một giờ đêm, giờ Hoa Thịnh Đốn, nhằm ngày 28 tháng Tư. Đó là giây phút chót khi họ bảo Đại sứ Martin phải đi, lúc ấy ông ta còn chần chờ về chuyện cuốn cờ mà rút. Tôi có mặt tại toà Bạch ốc trong thời gian di tản này. Những ngày cuối ấy thực căng thẳng. Người Mỹ đến đông nghẹt ở toà Đại sứ, và đám đông dân chúng cứ bám quanh bên ngoài mà nện lên cửa. Lúc ấy tại đó chẳng có bao nhiêu lính Thủy quân Lục chiến để đương đầu cho đủ nếu đám đông trở nên mất kiểm soát.
Đám đông này không giận dữ bạo động, nhưng họ đều muốn được rời đi khỏi xứ.
Ford không hài lòng về tình trạng chiến cuộc. Kể từ thời Johnson làm Tổng thống, ông đã từng luôn luôn tỏ ra có thiện cảm với giải pháp tấn công toàn diện và chấm dứt chiến cuộc một cách nhanh chóng trong thời hạn một tháng. Tuy nhiên Mỹ đã thua trận chiến này từ trước khi Ford trở thành Tổng thống, cho nên mối quan tâm chính của ông về vấn đề Việt Nam chỉ là làm sao rút chúng ta ra với một phương cách hợp lý và chấp nhận được thôi.
Vào những giây phút cuối cùng, chúng ta đã đạt được một vài thỏa mãn trong việc triệt thoái mọi người ra mà chỉ thiệt mạng có hai người lính Thủy quân Lục chiến. Sau tất cả mọi sự việc này, một đề mục đáng quan tâm đã được đặt ra là chúng ta trở thành một đồng minh không đáng tin cậy. Tuy nhiên chính các đồng minh của chúng ta ở Âu Châu đã hò reo mà yêu cầu chúng ta rút khỏi Việt Nam. Chính chúng ta đã lưu ý đến các yêu cầu của họ đấy chứ?
Diễn trình rút khỏi Việt Nam cũng gắn liền với một cuộc vận động trên tầm mức rộng lớn hơn, đó là công cuộc bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Người Tàu muốn chúng ta rời Việt Nam để người Nga khỏi có lý do lộn xộn trong khu vực. Chúng ta đã chiến đấu một nửa cuộc chiến ở đấy với cái ấn tượng sai lầm rằng cả người Nga lẫn người Tàu đều nhiệt thành hỗ trợ Việt Nam.
Nhưng sự kiện hiển nhiên đã chứng tỏ: Chỉ người Nga mới thực sự hỗ trợ Bắc Việt, còn người Tàu chỉ biểu dương một bộ điệu hỗ trợ ngoài mặt mà thôi. Người Tàu không muốn người Nga có mặt trong vùng. Nhưng bây giờ người Nga vẫn hiện diện và người Tàu lại vẫn đang lo lắng chuyện này!
THOMAS MOORER
(Tham mưu Trưởng Liên quân Hoa Kỳ)
“Xin hãy vì Chúa mà ngưng lại! Ngưng lại! Ngưng lại!”
Khi Quốc hội thông qua bản Tu chính án Cooper-Church vào năm 1971 nhằm ngăn cấm các phi vụ ở Đông Nam Á; lúc ấy tôi đã phát biểu rằng: Ngay khi chúng ta rời đi, hoặc chỉ sau một thời gian ngắn thôi là Sàigòn sẽ sụp đổ.
Trở lại chương trình Việt Nam hoá: Chương trình này được thiết lập dựa trên ý tưởng là để cho Việt Nam phụ trách việc chiến đấu, còn quân đội Mỹ rút đi. Chương trình này trước đã thoát thai từ chủ thuyết Nixon, do Nixon thông báo với Thiệu tại đảo Midway, theo đó chúng ta sẽ yểm trợ không quân, cung cấp tiếp vận, còn việc chiến đấu bằng bộ binh sẽ do các lực lượng Việt Nam đảm nhiệm. Trong tinh thần này có nghĩa là các hoạt động không quân, đặc biệt các phi vụ tấn công sẽ cần được tăng cường để giữ chân quân đội Bắc Việt khi lực lượng Mỹ rút đi.
Trong tinh thần đó, vấn đề luôn luôn được đặt ra là chúng ta cần tăng cường khả năng không quân của Nam Việt Nam để chống trả lại quân đội Bắc Việt nếu họ kéo tới. Nhưng rồi Quốc hội đã cắt tất cả, cắt toàn bộ. Như thế tức là chung cuộc. Là kết thúc, vì quân đội Bắc Việt không cồn một cản trở nào nữa.
Lúc ấy Quốc hội như đã hóa điên, dẫn đầu bởi dân biểu Frank Church tấn công vào tất cả mọi vấn đề. Bất cứ ai có đôi chút hiểu biết về quân sự đều hiểu rõ là nếu để quân Bấc Việt có chỗ ẩn náu an toàn trên đất họ, rồi lại để mặc họ tấn công vào miền Nam Việt Nam mà không có một đối lực nào của Mỹ, không có hoạt động tinh vi của không quân, thì việc chung cuộc chỉ còn là vấn đề thời gian. Cách nôn nóng của Quốc hội Mỹ muốn chấm dứt cuộc chiến đã phản ảnh tính bất kiên nhẫn của người Mỹ. Một điều mà người Mỹ không thể chịu đựng nổi là những cuộc chiến lâu dài. Bất cứ cái gì tổn phí nhân mạng và tiền bạc là bỏ. Chúng ta giải quyết mọi vấn đề đều như vậy. Không cứu chữa được thì quên đi. Chúng ta không có tính kiên nhẫn của người Á Đông.
Thật điên khùng. Phần lớn các vấn đề của chúng ta đều là những vấn đề chúng ta tự đặt cho mình. Đôi khi tôi nghĩ chúng ta là một bọn ngốc. Và chúng ta cứ tiếp tục mắc phải những chứng tật ấy mãi.
Để thí dụ, tôi xin kể một số việc xảy ra ngay từ đầu mà có lẽ tôi là người liên hệ đến những việc ấy hơn bất cứ một ai khác trên mức độ chỉ huy cao cấp. Khi Bắc Việt bắt đầu đưa vào hỏa tiễn SAM, tôi đã yêu cầu Hoa Thịnh Đốn cho tôi được phép tấn công ngay, bởi vì như thế tôi mới có thể đề phòng, ngăn chặn được việc Hà Nội thiết lập các dàn phóng hỏa tiễn – nếu tôi được phép tấn công từ đầu. Tất nhiên, quý vị đều biết là họ lắp ráp hỏa tiễn và các dàn phóng tại ngay trong thành phố Hà Nội, tại đây luôn luôn có một khu vực khoanh vòng 10 dặm Anh mà chúng tôi không được phép tiến vào. Và ông bạn McNaughton, người phụ trách những chuyện này cho bộ trưởng quốc phòng McNamara đã trả lời rằng: “Họ đâu có bắn ông, họ chỉ cố ngăn chận ông thôi. Chừng nào họ bắn ông, chúng tôi sẽ cho phép ông tấn công họ.” Tất nhiên sau đó việc đầu tiên mà họ hành động là bắn hạ máy bay và sát hại các phi công chúng ta. Việc ấy đáng lẽ chúng ta có thể phòng ngừa từ trước.
Lại xin kể thêm việc đặt mìn tại cảng Hải Phòng. Tôi là một chuyên gia có tầm cỡ thế giới loại công tác này, bởi tôi đã từng tham gia mật thiết về lãnh vực này trong đệ nhị thế chiến. Tôi đã phụ trách các chiến dịch đặt mìn khi quân đội Anh bắt đầu hoạt động tại Bắc Hải.
Tôi đã viết những bản chỉ dẫn đầu tiên về việc sử dụng thứ mìn gọi là “địa lôi”. Người ta thường nghĩ đến mìn là một cái gì hình tròn ló ra những cái ngòi, có gắn xuống mỏ neo. Nhưng ngày nay mìn tân tiến được đặt dưới đất, trông giống như quả bom vậy.
Bấy giờ hạm đội Thái Bình Dương đặt dưới quyền chỉ huy của tôi, tôi bèn lấy máy bay về Hoa Thịnh Đốn – Lúc ấy là năm 1965 – để xin phép được dùng mìn phong tỏa Hải Phòng. Thế rồi vẫn những câu trả lời rác rưởi cũ kỹ: “Ồ! Đừng làm như thế. Làm thế thì bọn Nga lại đến tháo đi hết thôi.” Tôi bảo: “Người Nga không biết cách tháo gỡ những loại mìn này. Người Nga không có những quyền lợi sống chết để đến đấy đâu.” Sau này tôi vạch ra rằng mỗi năm người Nga chỉ chi tiêu có một tỷ Mỹ kim tại Việt Nam, trong khi chúng ta phải tiêu tốn 26 tỷ, như thế thực là một cuộc đầu tư quá tốn kém, nhưng họ vẫn cứ tiếp tục như thế mãi. Họ không giúp chúng tôi chấm dứt chuyện ấy. Vài kế hoạch gia tại Hoa Thịnh Đốn nghĩ rằng người Nga sẽ giúp chúng ta thương thảo với Bắc Việt, cho nên họ bảo: “Ồ! Không, chúng tôi không thể để cho ông làm chuyện ấy. Như thế ông sẽ đánh chìm tàu của các bạn chúng ta mất vân vân…” Tám năm sau, Nixon hỏi tôi: “Ông cần bao nhiêu thời gian để lập một kế hoạch dùng mìn phong tỏa Hải Phòng?” Tôi đáp: “Ba giây đồng hồ! Tôi lập sẵn kế hoạch rồi, bây giờ chỉ còn lấy ra thôi.” Ông ta nói: “Có lẽ chúng ta sẽ thực hiện việc này. Ông có thể bảo đảm sẽ không bị tiết lộ? Đúng khi nào mìn ném xuống nước, tôi lên đài truyền hình ngay.” Tôi nói: “Tôi bảo đảm sẽ không bị tiết lộ, bởi tôi biết sẽ dùng loại hàng không mẫu hạm nào. Chỉ Hải quân mới có thể bảo đảm được bí mật này. Nếu tình cờ có phóng viên báo chí nào ở trên tàu, thì họ cũng không thể ra khỏi tàu được. Việc này sẽ không bị lộ. Chúng tôi sẽ không cho họ dùng vô tuyến truyền thông.”
Bấy giờ Nixon đang ở tình trạng tuyệt vọng vì quân đội Bắc Việt đã tràn qua vùng phi quân sự trong dịp lễ Phục Sinh năm 1972. Cho nên chúng ta mới thi hành việc này. Bấy giờ ở Đông Nam Á, mỗi ngày chúng tôi có hàng ngàn phi vụ. Việc thả mìn chỉ cần xử dụng có 26 máy bay. Bay đi chỉ trong có một giờ rưỡi. Không một người nào bị thương tổn. Sau đó không còn một con tàu nào có thể vào hay ra hải cảng này cho đến khi nào chúng tôi tới tháo gỡ mìn đi. Sau bảy hay tám năm tôi cố gắng thuyết phục, bấy giờ họ mới làm!
Địch quân phần lớn nhận tiếp vận bằng tàu biển. Nhưng Không quân chúng ta cũng đã bị chỉ trích dữ dội vì không thể cản được việc tiếp vận bằng đường xe lửa. Lý do xảy ra như vậy là vì đường xe lửa từ Hà Nội lên đến biên giới Trung Hoa chỉ dài có 70 dặm Anh, mà đến biên giới Trung Hoa lại có một vùng đệm dài 30 dặm: Người ta sợ chúng tôi thả bom vào người Tàu. Thế rồi lại có một vòng 10 dặm bao quanh Hà Nội. Như vậy 10 với 30 là 40. Với cái đường xe lửa dài 70 dặm Anh, người ta chỉ còn cho phép chúng tôi được đánh bom có 30 dặm! Và thật ra địch quân cũng chẳng cần đến đường xe lửa, vì lẽ họ đã nhận được tất cả mọi thứ bằng tàu biển rồi.
Nếu bạn cần phải tấn công đường chuyển vận, bạn phải tấn công mọi hình thức chuyển vận. Bạn không thể để yên một loại nào đó, hoặc tùy theo những tàu nào. Những tàu Đông Đức, Liên Sô, Nam Yemen, và ngay cả tàu của Anh quốc cứ chạy khơi khơi qua hạm đội chúng ta, chúng ta đều biết quá rõ tàu họ chở đầy đạn dược, súng máy, tất cả mọi thứ mà chỉ một tháng sau sẽ đem ra sát hại các thanh niên chúng ta. Trận chiến tranh này là một trận chiến tranh điên khùng nhất mà tôi chưa hề biết. Tôi đã từng dự ba cuộc chiến, nhưng đến cuộc chiến này mới là kỳ cục.
Điều làm tôi lo âu hơn cả là khi tôi chứng kiến rằng chúng ta đã không có gan chiến thắng trận này, như đáng lẽ chúng ta phải làm mạnh ngay từ đầu. Rồi chúng ta bắt đầu rút quân. Việc rút quân làm chúng ta trở thành một quốc gia duy nhất trong lịch sử đã rút quân nửa chừng cuộc chiến. Khi chúng ta bắt đầu rút quân, tôi cứ nhắc đi nhắc lại mãi: “Chẳng bao lâu nữa, những người Mỹ duy nhất ở lại Việt Nam sẽ chỉ còn là các tù binh chiến tranh. Và khi xảy ra như thế, chúng ta sẽ không bao giờ mang họ ra được nữa.” Khi Tổng thống hỏi như vậy phải hành động thế nào, tôi trả lời: Đối phương chỉ là những chú cách mạng tí hon, họ chỉ hiểu được mỗi một thứ chuyện, đó là sức mạnh bạo tàn. Sau khi Kissinger đọc bài diễn văn “Hoà bình trong tầm tay” vào năm 1972, Bắc Việt chẳng hề quan tâm gì đến ý muốn của chúng ta. Cũng như Liên Sô, họ tiếp tục vi phạm những gì Kissinger đã đồng ý. Do đó, nói cho ngay, chúng ta cần phải có những hành động buộc họ chú ý.
Rồi cuộc dội bom Giáng Sinh 1972 xảy ra. Chính Tổng thống là người cần được ghi công bởi vì tôi nghĩ không một người nào khác bên hành pháp hỗ trợ cuộc đánh bom. Tôi đã liên hệ chặt chẽ từng chi tiết trong vụ ấy. Tôi đã viết toàn bộ kế hoạch với chỉ thị Tổng thống. Ông không đi vào chi tiết, nhưng ông duyệt xét và chuẩn nhận từng thứ để cho làm hay không cho làm. Người ta đã lo lắng là chúng ta có thể sát hại một số người Nga hoặc người Tàu khi đánh bom Hà Nội. Vâng, nếu quý vị hỏi thì tôi xin trả lời: Chúng ta đã giết bọn chúng chưa đủ số (đáng lẽ còn phải giết cho nhiều nữa).
Cuộc đánh bom vào lễ Giáng Sinh không tốn kém lắm. Khi Tổng thống hỏi tôi chúng ta có thể thiệt hại bao nhiêu phi vụ, tôi đáp: hai phần trăm. Chúng ta đã cho bay hơn bảy trăm bốn mươi phi vụ. Hai phần trăm con số đó là mười lăm phi vụ, đó chính là con số chúng ta đã thiệt hại.
Điều đó xảy ra đúng như lời tôi nói.
Con số tổn thất ấy thật rất nhỏ để chống lại một cuộc tập trung hỏa lực cao độ nhất thế giới. Và trong mười lăm máy bay tổn thất, chỉ có năm chiếc bị rớt xuống Bắc Việt. Lúc ấy không hề có việc trải thảm bom Hà Nội. Vài người nói có trải thảm bom, điều ấy hoàn toàn vô nghĩa. Trong thực tế, nếu chúng ta có trải thảm bom thì sau đó chẳng ai còn có thể tìm thấy Hà Nội đâu, và ngày nay Hà Nội chỉ còn là một đống gạch cho các nhà khảo cổ đến đào bới thôi. Cho đến ngay ông bạn già Cronkite đi Hà Nội trở về cũng bảo ông ta ngạc nhiên về chỗ Hà Nội không bị động chạm gì. Không có việc trải thảm bom. Sau nữa, các đại sứ ngoại quốc đều ở đó, đều còn sống cả.
Trong hai ngày chót của trận đánh bom, đối phương đã hết hỏa tiễn chống máy bay. Và rồi chính lúc ấy chúng ta ngưng đánh bom do yêu cầu Quốc hội. Chỉ có mỗi một dân biểu đã ủng hộ chúng tôi mà thôi. Tôi phải ra điều trần, vì lúc ấy mọi người đều vắng mặt. Kissinger thì đi
Acapulco. Laird đi Hawaii. Nixon xuống vùng Key Biscayne và tất nhiên đàng nào ông cũng không ra điều trần. Cuộc đánh bom phải ngưng vì lẽ báo chí nói chúng tôi đã trải thảm bom, tiêu hủy tất cả các bịnh viện. Tôi nhận được một cú điện thoại hỏi tôi về lời tuyên bố của Hà Nội rằng chúng ta đã sát hại cả tù binh của chúng ta: Chúng tôi không hề chạm đến một người nào, vì chúng tôi biết rất rõ họ ở đâu. Tờ Washington Post cũng gọi tôi về việc ấy. “Xin làm ơn đừng viết trên báo.” Tôi nói “Bởi vì điều này không đúng sự thực.” Rồi tôi hỏi “Bạn có phải là người Mỹ không?” Họ đáp “Phải chớ, chúng tôi là người Mỹ.” Tôi bèn nói “Là người Mỹ mà tại sao quý bạn lại muốn biến lễ Giáng Sinh buồn bã này trở thành một lễ Giáng Sinh đau thương bất hạnh cho các bà vợ, những người cha người mẹ của các tù binh chiến tranh? Tại sao quý bạn lại muốn làm như vậy? Đó là một chuyện dối trá thực khốn kiếp.”
Bà Nixon bấy giờ ở Key Biscayne đang khóc lóc vì lẽ chúng ta dội bom các nhà thương. Nhân viên Hành pháp, nhân viên các Bộ đều bực bội vì họ nghĩ chúng tôi đang triệt hạ cuộc bầu cử kỳ tới của họ. Họ đều la hoảng: “Xin hãy vì Chúa mà ngưng lại! Ngưng lại! Ngưng lại!” Chuyện ấy thực vô nghĩa lý! Đúng ra đừng bao giờ chúng ta ngưng cho đến khi đối phương phải thực hiện bất cứ điều gì chúng ta muốn, kể cả việc phải phóng thích các tù binh chiến tranh và rút đầu ra khỏi Nam Việt Nam. Chúng ta đã có thể giết hết chúng nếu chúng ta muốn. Và vào hai ngày cuối cùng, chúng ta không mất một chiếc máy bay nào.
Tuy nhiên Bắc Việt đã có khả năng làm xảo thuật với báo chí Mỹ, vì đa số báo chí là những người tự do. Họ không muốn chính phủ hoạt động. Họ đã tìm đủ mọi cách trích dẫn câu này câu nọ để cung ứng sự thực, nhưng họ chưa hề rời gót chân ra khỏi mấy cái quán rượu ở Sàigòn! Tôi đích thân lên gặp ban chấp hành của tờ New York Times, nhưng mấy người này thiệt quá tệ. Họ chỉ nói rằng: “Xin ông đừng mất thì giờ. Đừng lên đây làm chi. Chúng tôi chống chiến tranh, nếu chúng tôi có thể viết bất cứ điều gì xấu xa về cuộc chiến, chúng tôi sẽ viết ngay.”
Họ không buồn lắng nghe bất cứ điều gì tôi nói. Tôi chẳng hiểu tại sao. Giới truyền thông không hề bỏ lỡ một cơ hội nào hầu đẩy Hoa Kỳ vào chỗ đen tối trong từng chi tiết. Thế rồi Quốc hội nắm lấy những chuyện ấy. Quốc hội thì biết gì, toàn một lũ ngu dốt. Tất cả sự hiểu biết của họ nằm trong việc đọc mấy tờ Washington Post và tờ New York Times. Mỗi sáng họ chụp lấy mấy tờ báo ấy – Dù họ đến từ những vùng như Omaha hay Seattle hay những vùng quê mùa khác, họ cũng phải chứng tỏ với cử tri là họ chẳng kém sâu sắc gì so với dân miền Đông. Và tin tức họ lấy từ đâu? Chính là từ tờ New York Times. 99 phần trăm tờ báo này là những điều dối trá! Tướng Võ Nguyên Giáp, tư lệnh quân đội Bắc Việt từng công khai tuyên bố: Lực lượng du kích hữu hiệu nhất của ông ta, chính là báo chí Hoa Kỳ.
Tôi có thể liệt kê cho quý vị thấy rất nhiều sai lầm. Nhưng tôi không thể giải thích được tại sao chính dân Mỹ lại có tinh thần chống Mỹ đến thế, tại sao giới báo chí đã xử sự như thế. Tôi ước chi tôi có thể hiểu được!
Tôi có thể kể thêm cho quý vị đôi điều nữa về những năm ấy, là một khoảng thời gian tệ hại của đời tôi. Tôi đã nắm quyền chỉ huy Đệ thất hạm đội. Tôi đã là tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương khi biến cố Vịnh Bắc Việt xảy ra. Rồi tôi đã phục vụ với tư cách thành viên của Bộ Tham mưu Liên quân Hoa Kỳ trong bảy năm, và bốn năm làm Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ. Những gì chúng tôi đã trải qua phải nói thực là tuyệt đối điên rồ. Chúng ta đã có quá nhiều sức mạnh, nhưng chúng ta không bao giờ sử dụng. Không bao giờ sử dụng đến sức mạnh ấy! Năm mươi năm sau nữa, một việc khó hiểu cho các sử gia là một quốc gia với sức mạnh to lớn đã đưa đến vùng ấy: năm chiếc hàng không mẫu hạm, vào khoảng đâu mười ba phi đoàn oanh tạc, chưa kể các pháo đài bay B-52, để chống với một nước nhỏ bé, ít người hơn cả các quận thuộc vùng Los Angeles và quận Orange County, khoảng một phần năm mươi của các tiểu bang, và thế mà chúng ta đã để cho xảy ra như vậy?
Johnson đã đọc một bài diễn văn, tôi nghĩ là ở Houston, ông bảo: “Chúng tôi không nhắm đến một cuộc chiến tranh lan rộng.”
Đây chính là một lời công bố có tính chỉ hướng về vấn đề Việt Nam. Nói cho ngay, ông muốn bảo người Tàu và người Nga hãy tránh ra. Nhưng tàu của Trung Cộng vẫn liên tục chở tiếp vận đến cho Việt Cộng như điên. Họ cứ chạy khơi khơi qua mặt hạm đội chúng ta.
Một điều nữa, chúng ta nói: Chúng ta sẽ không lật đổ Hồ Chí Minh. Thế đấy, lý do của chiến tranh chính là để lật đổ một chính phủ đã làm một điều gì mà người ta không thích. Chiến tranh là sự đổ vỡ của ngoại giao, hoặc, một hình thức ngoại giao bằng vũ lực, muốn nói thế cũng được. Người ta đã cố sức đòi đối phương làm một chuyện gì mà vì họ không chịu làm, cho nên mới phải mở cuộc chiến. Nhưng Johnson lại bảo chúng ta ra trận, mà không có một mục tiêu. Và chúng ta không bao giờ có mục tiêu nào hết.
Rồi sau đó, ông lại bảo chúng ta sẽ không xâm lấn Bắc Việt. Như thế Bắc Việt trở thành một quốc gia duy nhất đã có thể điều động, dàn trận được tất cả các sư đoàn bên ngoài quốc gia họ, bởi họ biết rằng chúng ta sẽ không xâm phạm đến họ.
Tôi rất buồn rầu khi Sàigòn thất thủ. Việc này đem đến những kết quả rất tiêu cực cho uy tín Hoa Kỳ. Nó bảo với cả thế giới rằng hãy cẩn thận khi đánh bạn với Hoa Kỳ. Tôi cũng cảm thấy thế về trường hợp nhân dân Đài Loan. Một khi tôi có bạn, tôi là một người bạn. Tôi không phản bội bạn mình và không ném bạn cho lũ chó sói.
Tôi cũng nhận ra rằng – tôi nghĩ chỉ một số ít người nhận ra được là có một ảnh hưởng rộng lớn về sự thất thủ Sàigòn. Việc đầu tiên đó là sự bỏ rơi bạn hữu, đồng minh. Rồi việc ấy cũng đem lại vài lý do tạo nên nhiều cuộc công kích lớn trong giới nhân viên tình báo mà chính yếu là Trung ương Tình báo CIA. Chuyện ấy vẫn còn tiếp diễn cho đến ngày nay.
Vịnh Cam Ranh làm tôi lo lắng, vì có lẽ đó là một hải cảng tốt nhất thế giói. Chúng ta đã chi tiêu hàng tỉ đô la, chúng ta đã nạo vét, đã lập ở đấy các kho dầu, các phi trường – Nó có đủ nhà thương, căn cứ quân đội, phi đạo, cầu tàu, thứ gì cũng có. Thế mà giờ đây người Nga có mặt ở đấy. Quý vị có biết người Nga đã tiêu tốn bao nhiêu để nắm được hải cảng này chăng? Không một xu nhỏ!
Bây giờ người Nga đã có một đội tiềm thủy đỉnh nguyên tử nơi ấy. Hai đội tầm thám phi cơ giúp họ thám thính khắp nơi. Họ đã dễ dàng làm cho thuyền bè của chúng ta từ Tokyo đến biển Ấn Độ phải đi vòng hàng ngàn dặm dài hơn trước. Họ có thể chặn tất cả các tàu chở dầu từ Trung Đông, là nơi đa số dầu của Nhật Bản được chở đến.
Người Nga đã nắm được tất cả những chuyện ấy mà không phải trả một tổn phí nào. Đến nay, chúng ta hãy còn nghe người ta bảo “chỗ ấy không có một vị trí quan trọng toàn cầu.” Không, chỗ ấy có một vị trí tối quan trọng, quan trọng khủng khiếp. Và lạy Chúa, người Nga sẽ không bao giờ buông tay khỏi chỗ này nữa đâu.
Và bây giờ, người Tàu đang đối diện một vấn đề trước đó họ chưa từng gặp, đó chính là vấn đề người Nga. Người Nga đã chuyển động và thiết lập được một vị thế mạnh mẽ trên toàn cầu, cũng như những gì họ đã thực hiện ở Cuba. Tôi không thuyết phục cho lọt được vào đầu mọi người về những gì xảy ra. Người Nga đã thiết lập được vị thế tại những nơi mà tôi gọi là những hải quan then chốt của thế giới. Họ đã ngồi nhìn xuống ngay cổ họng con kinh đào Panama. Và đã tiến gần đến Nicaragua. Tôi từng mãnh liệt phản đối cái thoả ước kinh đào Panama. Tôi đã ra điều trần sáu lần, bẩy lượt việc này. Tôi đã bảo với Frank Church là “Đừng ngạc nhiên chỉ trong vòng không đầy một năm, những binh đoàn sẽ tràn ra từ Panama mà lật đổ các quốc gia Trung Mỹ.”
Quả nhiên chín tháng sau, binh đội đã bay từ Cuba sang Panama trên các phi cơ của Panama, tiến vào Nicaragua lật đổ chính quyền Somoza. Đừng quan tâm đến việc Somoza là một gã chẳng ra gì. Hãy nhìn xem kết quả như thế nào. Nhưng không một ai chú ý đến điều ấy.
Trong buổi điều trần, tôi đã nói với Dân biểu Church: “Tất cả mọi thứ ông nói chỉ thuộc về cảm xúc. Ông bảo nếu chúng ta nhượng bộ thì mọi người sẽ yêu mến chúng ta. Còn nếu chúng ta không nhượng bộ, họ sẽ xé nát chúng ta và sẽ thù ghét chúng ta. Cả thế giới sẽ ghét chúng ta.” Ông này không bao giờ có thể hiểu một chút nào về tình trạng con kinh Panama cả. Tại con kinh này mỗi năm có mười hai ngàn tàu qua lại, tám ngàn trong số đó đi đến các hải cảng Hoa Kỳ hoặc rời đi từ các hải cảng của Hoa Kỳ. Người ta không thể nói cho lọt vào đầu những ông ở Quốc Hội để cho họ hiểu được mấy chuyện như thế.
Tôi đã đến thăm viếng đài kỷ niệm chiến sĩ trận vong chiến cuộc Việt Nam, tôi đã có những cảm xúc lẫn lộn về đài kỷ niệm này. Tôi không thích việc đài này không do một người Mỹ vẽ kiểu, không được xây bằng vật liệu của Mỹ, lại làm sâu dưới đất. Tuy nhiên tối thiểu tôi cũng có đôi chút thỏa mãn là họ cũng đã xây đài kỷ niệm chiến sĩ trận vong, chấm hết. Đài này có vẻ làm dịu bớt cái bực bội đau đớn của những người tham chiến, vì lẽ nhiều thanh niên đã cảm thấy xấu hổ khi về nước trong bộ quân phục. Chính vì giới báo chí mà công luận đã không ủng hộ họ.
Đã không có những người anh hùng trong trận chiến Việt Nam theo cái ý nghĩa công bố kiểu cổ điển. Báo chí đã tạo nên việc này. Tuy vậy lại có một hình thức anh hùng hơn. Ta có thể viết thành sách về những người phi công trực thăng kéo người lên từ rừng rậm trong bóng đêm mù mịt mà không nhìn thấy họ. Các phi công này đã thả giây cáp xuống kéo người lên bất kể hỏa lực, bất kể mọi hiểm nguy khác. Chúng ta đã có rất nhiều anh hùng. Tôi tin các thanh niên ấy đã làm những gì mà họ nghĩ họ nên làm, các bậc cha mẹ của họ nghĩ họ nên làm, và xứ sở của họ nghĩ họ nên làm. Họ đều là những bậc anh hùng.
Đã từng có những người nhà báo bảo tôi: Những gì xảy ra cho các tù binh chiến tranh là đúng thôi, họ phải chịu, vì lẽ đa số họ là các phi công tình nguyện. Những nhà báo ấy bảo rằng việc gì mà họ lại phải tình nguyện, thế đó! Tôi không hiểu nổi tại sao giới báo chí lại đối kháng với chính phủ của họ như vậy.
Toàn bộ câu chuyện này – toàn bộ câu chuyện khốn kiếp này – là một kinh nghiệm đáng buồn cho lịch sử chúng ta. Đáng lẽ nó không nên xảy ra với cái cách nó đã xảy ra!
Chương 12: Giới Truyền Thông Hoa Kỳ
KEN KASHIWAHARA,
(Hãng tin ABC)
“Chiếc xe buýt chạy nghiến lên đứa trẻ sơ sinh.”
Tôi có mặt ở Việt Nam để làm công tác cho hãng tin ABC trong sáu tuần lễ cuối cùng của cuộc chiến. Tôi đã ở đó từ giữa tháng ba cho đến cuối tháng tư năm 1975.
Khi đến đó, tất nhiên tôi đã chứng kiến cảnh hỗn loạn, nhưng tôi không có cảm giác xứ sở này sẽ sụp đổ. Tôi không hiểu tại sao, có lẽ tôi đã nhiễm tinh thần lạc quan, nó kéo dài đến tận ngày cuối cùng. Rất nhiều người trong giới phóng viên chiến tranh cũng đã lạc quan như thế. Họ đều tin tưởng sẽ có những vụ dàn xếp vào phút chót, có lẽ sẽ có những vụ chia đất.
Một trong những công tác mà tôi phụ trách vào cuối tháng Tư bấy giờ là lấy tin từ phía Quốc hội Việt Nam. Họ đang tranh cãi việc Tướng Minh nắm quyền. Nhiều người lúc ấy rất lạc quan về việc Tướng Minh làm Tổng thống, họ tin ông ta sẽ được Bắc Việt chấp nhận, Bắc Việt sẽ ngừng các cuộc tấn công và thương thảo.
Khi mới đến Việt Nam, tôi đi ngay ra Qui Nhơn. Máy bay vừa hạ tôi đã thấy dân chúng rời thị xã, lếch thếch hàng trăm người, hướng về phía Nam. Ngủ đêm tại nhà một người Mỹ, sáng hôm sau chúng tôi đi thu hình dân chúng di tản, rồi quay trở lại phi trường. Một chiếc máy bay thuê bao đáng lẽ phải có mặt để đón chúng tôi, nhưng chiếc máy bay này không bao giờ đến. Sau này chúng tôi được biết các nhân viên trong đài kiểm soát không lưu đã bỏ chạy, phi công từ chối hạ cánh vì không rõ Bắc Việt hay Nam Việt đang trấn giữ nơi này. Vì thế, chúng tôi cứ ngồi lì mà chờ ở phi trường.
Ngồi như thế suốt mấy giờ đồng hồ, cuối cùng tôi tự bảo “Thế này thực lố bịch.” Nhìn một máy bay đang bốc người trên phi đạo, tôi nghĩ “Phải đi chuyến này thôi.” Tôi bèn chạỵ lại phía phi công, bảo anh ta: “Này bạn, chúng tôi làm cho hãng thông tấn ABC. Chúng tôi đang cần về Sàigòn. Cho đi được không?” Anh ta nói: “Được. Nhưng các ông phải ngồi trên sàn.” Chúng tôi nhảy vào máy bay, ngồi bệt trên sàn phi cơ, cứ thế về Sàigòn.
Hôm sau, Qui Nhơn rơi vào tay Cộng sản.
Bấy giờ tại Việt Nam, hãng ABC có chừng bốn hoặc năm thông tín viên phụ trách những loại tin khác nhau. Loại tin tôi phụ trách chủ yếu thuộc vùng ngoại vi Sàigòn, thu tin về các cuộc hỗn loạn tại vùng quê. Bấy giờ dân chúng đang chạy khỏi các tỉnh lỵ, hướng về ven biển hoặc về phía Nam, chỗ nào cũng đầy hỗn loạn.
Sau khi Qui Nhơn mất, tôi ngược ra Nha Trang. Khi chúng tôi đến, mọi việc vẫn có vẻ khá bình thường. Trên đường phố, không có cảnh đám đông dắt díu tay xách nách mang. Chúng tôi ngủ một đêm trong thành phố, hôm sau lái xe vào Vịnh Cam Ranh vì nghe nói có một số Thủy quân Lục chiến từ Đà Nẵng đổ vào. Chúng tôi muốn gặp họ. Tại Đà Nẵng, một số lính Việt Nam đã nổi điên. Họ bắn giết thường dân. Hãm hiếp phụ nữ. Họ hoàn toàn điên loạn. Chính phủ Nam Việt Nam bốc nhiều Thủy quân Lục chiến lên tàu, đưa họ vào Cam Ranh. Nhưng họ đổ xuống một khu vực cấm, chúng tôi không được phép đến gần. Sau đó chính phủ (Nam Việt nam) lại lùa họ xuống một chiếc tàu khác, đưa vào Vũng Tàu.
Trưa hôm ấy khi chúng tôi trở lại Nha Trang, tình trạng đã thay đổi ghê gớm. Toàn tỉnh lâm vào cơn hoảng hốt. Dân chúng bồng bế, mang vác mọi vật dụng, ùa khỏi tỉnh, chạy về hướng Nam. Toà lãnh sự Mỹ bị đám đông vây kín. Chính phủ Mỹ đã thuê máy bay để chở một số người đi, hàng ngàn người Việt Nam muốn tràn vào mấy chiếc máy bay này.
Chúng tôi vào toà lãnh sự sắp đặt chuyến bay. Khi ra phi trường, tại đấy đã có hàng ngàn người. Phần lớn các máy bay thương mại ra Nha Trang bị hủy, người mắc kẹt cả ở phi trường. Chúng tôi thu xếp lên được một chuyến do chính phủ Mỹ thuê bao. Chúng tôi đi kịp thời. Hôm sau, Nha Trang mất.
Khi quân Bắc Việt tiến đến càng gần Sàigòn thì sự di chuyển của chúng tôi càng bị nhiều cấm đoán. Chúng tôi tìm cách ra được Vũng Tàu vài lần để thu tin về các biến cố xảy ra ở đấy. Có một số tàu từ phía bắc đổ tới, chúng tôi thu được hình những người Việt đổ xuống, bị quân đội chính phủ tịch thu khí giới.
Vào những ngày ấy, nỗi bực bội đối với giới thông tín viên gia tăng, chúng tôi e bất cứ lúc nào quân đội cũng có thể quay súng lại chúng tôi. Vì đó chúng tôi dè dặt, không quá xông xáo để lấy tin. Thí dụ thấy lính đưa một số Thủy quân Lục chiến lên xe buýt, chuyến xe hướng về phía Sàigòn. Chúng tôi chỉ chạy theo. Đến một trạm gác trên đường, tất cả Thủy quân Lục chiến đều phải ra khỏi xe để khám xét, rồi lên xe trở lại.
Chính phủ (Nam Việt Nam) không muốn chúng tôi thu hình những cảnh ấy. Nhưng tôi có một nhóm thông tín viên người Việt, và phần tôi cũng thường bị người ta lầm tưởng là người Việt, người phụ trách thâu hình của tôi bèn tìm cách nói với mấy người lính ở Vũng Tàu rằng chúng tôi là đoàn quay phim của chính phủ. Vì vậy họ mới để cho chúng tôi thu hình đám Thủy quân Lục chiến.
Tôi vẫn nhớ vụ dội bom dinh Tổng thống ngày 8 tháng tư. Hôm ấy tôi đang ở trên phòng làm việc tại khách sạn Caravelle, đứng ngay cửa sổ nhìn ra thành phố Sàigòn. Tôi chứng kiến một chiếc máy bay bay rất thấp trên thành phố. Việc này làm tôi kinh ngạc chú ý, vì thường thành phố không có máy bay bay qua, nhất là máy bay chiến đấu. Chiếc máy bay có vẻ sà xuống, tôi thấy những vật từ máy bay rơi ra. Tôi nghe tiếng nổ. Những cột khói lớn bốc lên. Tôi tự nghĩ “Trời ơi, gì đây” chúng tôi ra xe, đua nhau chạy đến dinh Tổng thống. Bấy giờ đủ loại súng đang nhả đạn lên trời, lính chặn hết các ngả đường dẫn đến dinh. Tôi băn khoăn không hiểu chuyện gì. Sau đó, mới khám phá là một phi công Nam Việt Nam đào ngũ lái một máy bay của Không quân Nam Việt Nam dội bom lên dinh Tổng thống. Việc này trở thành đáng sợ vì ở Nam Việt Nam người ta không hề lo máy bay dội bom. Người ta chỉ lo các loại súng cá nhân, rốc-kết hay súng cối. Nhưng bây giờ chúng tôi phải nghĩ đến chuyện máy bay thả bom, tôi sợ nếu đã có một chiếc máy bay dội bom dinh Tổng thống thì chắc chắn sẽ có những chiếc khác nối theo. Nên tôi không còn muốn quanh quẩn ở dinh Tổng thống nữa. Không thể biết chuyện gì có thể xảy ra kế tiếp.
Thế rồi hãng tin ABC bắt đầu rút nhân viên. Họ đưa nhân viên người Việt đi trước. Giữa toà Đại sứ Mỹ và giới truyền thông đã có thoả thuận, nên các hãng thông tấn đã rút nhân viên Việt Nam ra đi rất an toàn. Họ dư dã thì giờ và việc di tản được thực hiện tốt đẹp. Hãng ABC quyết định rút tất cả nhân viên, ngoại trừ hai thông tín viên và hai nhóm làm tin. Tôi là một trong những người được chọn ở lại.
Trách nhiệm mới của tôi là làm tin di tản. Tôi phải bám sát tất cả những gì xảy ra từ phía chính phủ (Nam Việt Nam). Vào ngày 28, chúng tôi đi làm tin vụ tấn phong tướng Minh, diễn ra lúc buổi trưa. Bấy giờ người ta đều có cảm tưởng ông sẽ là nguồn hy vọng duy nhất của Nam Việt Nam, chỉ mình ông mới có thể cứu vãn được xứ này. Chúng tôi chạy đến tư gia ông vào ngày 27 để thu hình, rồi khám phá là ông đã quyết định không làm lễ tấn phong, vì ngày xấu, “không đúng mấy ngội sao”. Thế đấy, vào lúc Bắc quân tới sát cửa ngõ Sàigòn, vào lúc lễ tuyên thệ của Tân Tổng thống là hy vọng duy nhất của xứ sở thì ông Minh hoãn tất cả lại chỉ vì không gặp được ngôi sao tốt. Thực không tin nổi!
Sau lễ tấn phong, chúng tôi quay lại văn phòng. Về đấy khoảng thời gian ngắn thì đột nhiên tình trạng khiếp đảm bung ra. Hầu như tất cả các họng súng ở Sàigòn đều khạc đạn. Không một ai trong chúng tôi rõ tại sao. Sau chúng tôi mói biết Bắc quân đã bỏ bom và pháo kích Tân Sơn Nhứt, nên lính tráng đều vác súng cá nhân cứ thế nã đạn lên trời với hy vọng hạ mấy chiếc máy bay kia xuống. Từ văn phòng, chúng tôi nghe như có một trận đánh khốc liệt sát dưới đường phố với những họng súng đang nhả đạn. Vì vậy chúng tôi ra ngoài xem, tôi mang theo người nhân viên quay phim. Chúng tôi xuống dưới đường thì gặp một đám lính đang nã súng bắn lên trời. Thấy chúng tôi tiến lại, họ quay súng về phía chúng tôi. Thấy thế tôi bảo: “Phải ra khỏi đây ngay không thì tiêu mạng”. Chúng tôi vội vượt qua nửa khu đường, tránh xa đám lính. Tôi vẫy tay về phía lính, la lớn “Chúng tôi đi đây.” Họ nhìn chằm chằm đến khi chúng tôi qua phía khác.
Trở lại văn phòng, các đường dây điện thoại đều đã bị cắt. Chúng tôi gửi một bản báo cáo bằng máy vô tuyến rồi leo lên giường ngủ.
Sáng sau, tiếng súng trên đường phố làm tôi choàng dậy. Quân Bắc Việt lại một lần nữa pháo kích phi trường. Lính một lần nữa khạc đạn trên đường phố. Tôi đưa nhóm làm tin vào xe chạy quanh thành phố xem chuyện gì. Vào phút này, Sàigòn hỗn loạn rồi. Trực thăng quần trên thành phố, sành sạch bay tới bay lui. Người ta đang được di tản từ toà Đại sứ (Mỹ) và từ vài căn cao ốc khác. Chúng tôi chứng kiến cảnh một chiếc trực thăng bốc người từ sân thượng một căn cao ốc và đã chụp được tấm hình nổi tiếng ghi lại cảnh những người đứng ở cầu thang dẫn lên sân thượng chờ vào trực thăng.
Chúng tôi lái xe chạy đến cửa hàng hợp tác xã Mỹ. Khi chúng tôi đến, dân chúng đã ùa vào hôi của. Bất cứ cái gì mang đi được họ đều lấy, từ vật dụng nhỏ cho đến bếp điện, tủ lạnh. Ngay cửa ra vào vẫn còn một người lính miền Nam đứng gác, hắn đã để cho mọi người vào hôi của, nhưng vì lý do nào, hắn ta vẫn đứng đấy gác cửa ra vào. Bấy giờ tinh thần chống Mỹ lên rất cao, tôi có thể cảm thấy rất rõ. Khi chúng tôi bước vào, tên lính gác chặn chúng tôi lại hỏi “Người Mỹ phải không?” Người quay phim của tôi đáp anh ta là người Nhật. Tên lính quay lại tôi hỏi: “Người Phi Luật Tân à?” Tôi đáp “Phải,” hắn cho chúng tôi vào.
Chúng tôi thu hình toàn bộ vụ hôi của trong hợp tác xã, rồi quay lại trụ sở. Khi về đến nơi, cuộc di tản đã diễn ra. Mọi người đều được dặn phải đến một địa điểm ấn định để đón xe buýt, chiếc xe này sẽ có nhiệm vụ đưa chúng tôi ra phi trường lên máy bay rời xứ. Nhưng mấy chiếc xe buýt biến đâu mất. Chúng tôi vẫn tin mọi thứ đã được dự trù và được tổ chức, nên không có gì cần lo ngại cả.
Cho nên chúng tôi dồn hành lý tại khách sạn, xuống cầu thang. Trong lúc ra, tôi thấy một người Mỹ đứng ở quầy quản lý trả tiền phòng. Hắn ta đang thanh toán hoá đơn, to tiếng cãi vã với người thư ký khách sạn. Tôi tự bảo “Thiệt lố bịch hết sức. Cả xứ đang sụp đổ, thế mà hai cha này vẫn đứng đây cãi cọ mấy đồng bạc!” Tất cả cảnh tượng diễn ra chẳng khác nào có một hòn đảo điên cuồng đang nằm trong toàn bộ của một thế giới điên cuồng khác. Không nghĩa lý gì nữa. Thêm vào sự điên cuồng toàn bộ ấy, là tín hiệu mật báo lệnh di tản. Đó là bài hát của ca sĩ Bing Crosby: “Tôi đang mơ một lễ Giáng Sinh màu trắng.” Bài hát này phát ra trên đài phát thanh quân đội. Bấy giờ là ngày 29 tháng Tư, họ cho chơi bài: “Lễ Giáng Sinh màu trắng!”
Chúng tôi đến điểm chờ xe buýt. Lúc ấy, tất cả đã vỡ ra, toàn thành phố chìm vào cơn hỗn loạn, hoảng hốt. Người Việt Nam đã cảm thấy được việc người Mỹ di tản, vì người Mỹ đều tụ tập đến những điểm hẹn, do đó họ ùa đến những nơi này, họ tin rằng họ có thể leo lên xe buýt mà đi với Mỹ. Cứ mỗi lần xe buýt đến là xô lấn dằng co, người Việt cố nhảy vào. Vì hỗn loạn, tôi tránh ra nên chiếc xe buýt chở tôi chạy đi mất. Tôi lọt lại. Tôi nghĩ “lố bịch quá. Tôi sẽ không đánh nhau để nhảy vào xe buýt đâu.” Thế là tôi đứng đợi. Tôi lạc mất người quay phim và người trưởng phòng. Cả hai lấn được vào xe, còn tôi thì không. Nhưng tôi vào được chiếc xe kế. Chúng tôi chạy đến Tân Sơn Nhứt. Nhưng lúc ấy lính gác Nam Việt Nam ở cổng phi trường quyết định không cho xe buýt vào nữa. Tôi nghĩ họ hết sức bực tức chuyện người Mỹ ra đi. Họ cảm thấy người Mỹ bỏ rơi họ, họ muốn làm một điều gì để chặn chúng tôi lại. Tài xế xe chúng tôi là nhân viên toà Đại sứ. Anh ta bước khỏi xe, đến nói với mấy người lính yêu cầu cho chúng tôi vào. Cãi vã xảy ra. Mấy người lính chứng tỏ quan điểm bằng cách chĩa súng bắn xuống chân người tài xế và la lớn “không được vào.” Anh tài xế lại lên xe buýt, rồi cứ thế lái chúng tôi đi vòng quanh.
Tất cả diễn trình di tản của chúng tôi thế là gãy, tài xế không còn biết làm gì. Hắn ta lại không biết lái xe cho ra hồn. Hắn chưa từng bao giờ lái xe buýt, điều ấy thực hiển nhiên khi hắn ta lái chúng tôi đi quanh. Hắn ta cứ cho xe lòng vòng trong thành phố cố nghĩ xem có chỗ nào cho chúng tôi xuống, xem có ai giúp đỡ gì không. Trong lúc lái quanh như thế, hắn ta đụng hết xe này đến xe khác trên đường, đụng cả mấy sạp trái cây ở những góc đường. Khi thấy chúng tôi chạy ngang, dân chúng trên đường la thét những khẩu hiệu chống Mỹ, như “Bọn Mẽo cút đi”, họ ném đủ thứ vào xe buýt.
Cuối cùng, tài xế chở chúng tôi xuống dưới Cảng để đưa chúng tôi lên tàu. Tới cảng, chúng tôi ra khỏi xe, nhưng vẫn thấy cùng cảnh tượng chúng tôi đã chứng kiến ở những khu vực khác trong thành phố. Hàng ngàn ngàn người đang chờ tàu và xà lan để chạy ra khỏi xứ. Họ đều hoảng hốt. Nhìn cảnh hỗn loạn vô trật tự ấy chúng tôi quyết định không nên ở lại. Chúng tôi bắt đầu quay lui để lên xe buýt. Đúng lúc ấy, người Việt trông thấy, họ ùa đến, tìm cách leo vào xe. Náo động xảy đến, xui xẻo thay, tôi lại là người lọt phía ngoài xe buýt.
Tài xế bắt đầu cho xe chạy trong lúc tôi vẫn còn ở bên ngoài và đang cố tìm cách vào lại trong xe. Đám đông thấy tài xế rồ máy chạy thì nổi giận, họ nắm lấy tôi. Họ cố lôi tôi lại phía đám đông, không rõ tại sao vậy. Trên lưng, tôi có đeo mấy cái túi xách, người ta níu lấy mấy cái túi, kéo tôi lại. Cố vùng vẫy không thoát, tôi quay nhìn mấy người đang níu lấy tôi. Tôi nhớ, lúc quay lại đối diện những bộ mặt giận dữ ấy, tôi thấy hận thù đầy trên mặt họ. Tôi cố lết về chiếc xe buýt lần nữa, chiếc xe chạy vọt đi. Cuối cùng, tôi cởi tuột mấy túi xách, vứt ra, đuổi theo chiếc xe buýt. Tài xế mở cửa. Tôi nhảy vào. Tôi mất tất cả mọi thứ cần mang khỏi Sàigòn. Mất hết.
Rồi chiếc xe rồ máy chạy, tôi nhớ rất rõ một chuyện xảy ra, chuyện này suốt đời không khi nào tôi có thể quên: Một người đàn ông Việt Nam cố chạy theo chiếc xe. Ông ta bế một đứa bé sơ sinh. Ông ta chạy theo xe, chìa đứa bé ra cầu khẩn: “Van ông, van ông, giữ lấy con tôi! Van ông, giữ lấy con tôi.” Chiếc xe buýt tiếp tục chạy. Người đàn ông ngã nhào xuống. Hiển nhiên đứa bé cũng rơi xuống. Người đàn ông buông đứa con. Mấy bánh sau của chiếc xe nghiến lên. Chiếc xe buýt cán qua đứa bé sơ sinh.
Trên xe, tất cả chúng tôi đều chết sững. Người ta rú lên. Vài người cực kỳ kích động. Người ngồi sau thét lên, họ la chiếc xe vừa cán một đứa trẻ. Nhưng tài xế vẫn tiếp tục chạy.
Tôi sẽ không bao giờ quên. Lúc ấy tôi ở trong tình trạng điếng người. Tôi đã ngồi trên chiếc xe buýt chạy quanh mấy tiếng đồng hồ. Bây giờ mới bắt đầu cảm thấy sợ hãi – Lần đầu tiên trong suốt thời gian ở Việt Nam tôi mới cảm thấy thực sự sợ hãi. Đột nhiên, tôi nhận ra có thể tôi không còn thoát khỏi xứ này được. Tất cả mọi người trên xe có thể sẽ không ai rời khỏi chỗ này được nữa. Bấy giờ đã có nhiều dư luận về các cuộc tắm máu xảy ra khi Bắc quân tiến vào Nam. Không ai có thể rõ chuyện gì xảy ra khi Bắc quân tiến vào Sàigòn. Người ta đã đồn về việc sẽ có hành quyết tập thể. Sau này không có cuộc tắm máu nào xảy ra, tuy nhiên lúc ấy, những cảm giác kỳ lạ và vô danh ập đến thực mau chóng. Chúng tôi đều tự hỏi số phận chúng tôi ra sao nếu không đi được khỏi xứ này. Cho nên chúng tôi cứ cho xe chạy lòng vòng mãi không biết đi đâu. Bất cứ chỗ nào chúng tôi chạy qua cũng nghe người ta la ó chửi Mỹ. Tôi tự bảo “Lố bịch quá. Mình phải nói tài xế dừng lại mà ra khỏi xe thôi. Cứ về văn phòng, ngồi đó chờ Cộng sản tới. Không thể tiếp tục chịu đựng thế này nữa.”
Nhưng trước khi tôi kịp nói, trong lúc chiếc xe vẫn tiếp tục rời khỏi cảng, tôi nhớ tôi nhìn lên trời, đột nhiên tôi thấy những chiếc trực thăng khổng lồ Jolly Green bay vào, với những chiến đấu cơ F4 và Cobra bay hộ tống. Thực là một cảnh tượng đẹp đẽ. Nó làm tôi nhẹ người, cất đi tất cả gánh nặng, vì tôi nghĩ: “Đây, chính đây sẽ là phương tiện đưa tôi ra khỏi xứ.” Những chiếc trực thăng Hoa Kỳ đáp xuống ngay trong thành phố. Cùng lúc, mấy người trong xe la lên: “Đi tới toà Đại sứ!” Tài xế bèn chở chúng tôi đến toà Đại sứ. Nhưng khi đến nơi, cũng lại gặp cảnh đám đông nghẹt người. Toà Đại sứ bị bao vây bởi một đám đông khổng lồ đầy những người Việt điên cuồng đang tìm cách trèo qua tường. Vì thế, chúng tôi ra khỏi xe, chạy vào mấy sân quần vợt phía bên kia đường đối diện toà Đại sứ. Trong sân quần, có máy điện thoại. Chúng tôi quyết định thử gọi toà Đại sứ xem chúng tôi nên làm cách nào vào. Thực không tin nổi. Cú điện thoại trót lọt, chúng tôi liên lạc được với toà Đại
sứ.
Một người trong toà Đại sứ trả lời, bảo chúng tôi không thể nào đi vào bằng các cửa nhỏ hoặc cửa chính được. Nếu họ mở cửa, đám đông người Việt sẽ ùa vào. Họ bảo chúng tôi vòng phía sau toà Đại sứ, cố chen qua đám đông rồi leo lên tường. Thủy quân Lục chiến sẽ để chúng tôi vào.
Thử tưởng tượng quang cảnh xảy ra lúc này. Tất cả đều cực kỳ hỗn độn, hoảng loạn tuyệt đối. Có vài người lính miền Nam Việt Nam đứng canh đâu đó phía ngoài, bên những chỗ đại khái như mấy trạm gác, nhưng hoàn toàn vô hiệu. Họ bắn chỉ thiên, cố làm đám đông dịu xuống, lại chỉ làm cho rối loạn hơn. Chúng tôi đi xuyên mấy trạm gác, vòng qua phía sau toà Đại sứ, nhưng nơi đây, cũng lại một trùng vây đông nghịt đang cố leo tường ùa vào.
Trên đầu tường, Thủy quân Lục chiến Mỹ đang đá người ta xuống. Chúng tôi vượt qua được đám đông, tới điểm ấy thì bắt đầu lo. Bởi vì, suốt thời gian ở Việt Nam, người ta thường lầm tôi là người Việt, tôi đã có lợi thế cho đến lúc ấy. Tuy nhiên, lúc này, mọi việc đảo ngược. Khi leo được đến đầu tường, Thủy quân Lục chiến Mỹ tưởng tôi là người Việt, chắc chắn tôi sẽ được dộng mấy chiếc giầy bốt vĩ đại vào giữa mặt.
Tôi loay hoay suy nghĩ, tìm cách sẽ nói thế nào với lính Mỹ hầu chứng tỏ cho họ biết tôi là ngưòi Mỹ. Vào lúc xung động rối bời đó, mỗi một việc có thể nghĩ ra được, là tôi sẽ la lớn : “Đội khúc côn cầu Dodger đã thắng!” Ngày nay nghĩ lại, thực lố bịch. Nhưng bấy giờ, tôi dự định la lên như thế nếu Thủy quân Lục chiến đạp tôi khỏi tường. Nhưng tôi đã không phải sử dụng đến biện pháp ấy, vì có mấy ký giả Mỹ khác và lính Thủy quân Lục chiến nhận ra chúng tôi. Khi leo lên được đến đầu tường, thay vì đạp chúng tôi xuống, một người đã nắm lấy kéo tôi qua.
Lọt vào, mới hiểu tại sao họ cố chặn người Việt lại. Sân toà Đại sứ đông nghẹt người chen chúc giữa mấy bức tường. Trong toà Đại sứ có hàng mấy trăm người Việt cùng những người đệ tam quốc tịch, nhân viên chính phủ Mỹ và rất nhiều cơ quan khác. Họ đứng ngồi đông đặc quanh hồ tắm đợi trực thăng bay vào bốc họ đi.
Khi đã được an toàn trong toà Đại sứ, tôi mới cố tìm những phim ảnh mà chúng tôi thu hình trong buổi sáng hôm ấy. Một người trên xe buýt đã giữ những phim ảnh này, chúng tôi tìm ra anh để hỏi phim ảnh đâu.
Anh ta nói anh mang cái xách tay đựng phim, đã ném vào toà Đại sứ qua bờ tường, nhưng nay không thấy đâu nữa. Đó là suốt một ngày công trình làm việc của chúng tôi, những cuốn phim đặc sắc không tin nổi. Chúng tôi chạy hỏi quanh, khám phá ra là có người đã giao cái xách tay ấy cho một nhân viên hãng tin CBS, người này đã lên trực thăng bay đi rồi. Chúng tôi không rõ có thực thế không. Không biết rồi có thể tìm lại được không.
Chúng tôi vào văn phòng toà Đại sứ, cố kiếm máy điện thoại để gọi báo cáo tin tức xảy ra trong ngày. Nhưng tại đây chỉ có một máy điện thoại duy nhất hoạt động được, và đã có một ký giả đang sử dụng để báo cáo bản tin, chắc chắn anh ta sẽ không rời chiếc máy. Vì thế, tôi tràn đầy bực bội về tất cả những gì xảy ra trong ngày: phim ảnh biến mất, điện thoại không sử dụng được.
Chúng tôi đứng thành hàng chờ trực thăng. Đến chập choạng tối, một chiếc bay tới. Tưởng thế là xong. Nhưng vẫn chưa hết. Chiếc trực thăng hạ xuống bãi đậu xe. Cửa sau hạ xuống, người ta vội ùa vào – chiếc trực thăng bốc đi. Mãi đến khi chiếc của chúng tôi hạ, thì tất cả chen nhau chạy vào, cánh cửa đóng xuống. Chiếc trực thăng cố bay lên. Nhưng được khoảng 20 đến 30 bộ Anh thì ngưng, chiếc trực thăng rơi xuống đàng sau. Đông người quá. Họ mở cửa, xô bớt một số người, thử cất lên lần nữa. Chiếc trực thăng bốc lên được cao hơn một chút, rồi lại rơi xuống lần nữa. Vẫn đông người quá. Ba lần xảy ra như vậy. Tôi tự bảo “Chúa ơi, đã thoát đến đây, vậy mà phải chịu trận ngay tại toà Đại sứ này sao.” Cuối cùng, họ lại bỏ thêm một số người nữa, chiếc máy bay mới đủ nhẹ để cất cánh lên.
Bấy giờ mặt trời đang lặn. Tôi nhìn ra cửa sổ khi máy bay bốc lên. Suốt một vùng quê hình như đang chìm trong biển lửa. Tôi không diễn tả quá đáng. Cả một kho đạn ở Long Bình nằm phía ngoài Sàigòn bốc cháy, mặt trời hạ xuống, và tại một vài khu vực trong thành phố, những ngọn lửa đang dâng cao đến tận trời. Không tin nổi. Khi chiếc trực thăng bay ra hướng biển Nam Hải, tôi có thể nhìn thấy những đám cháy khác nữa chung quanh vùng Sàigòn và Vũng Tàu. Cảnh tượng hệt như toàn thể nước Việt Nam đang bốc cháy.
Bấy giờ tôi rất sợ chiếc trực thăng có thể bị bắn hạ, hoặc do người miền Nam, hoặc do người miền Bắc. Người miền Nam tức giận cực độ vì chúng ta đã ra đi bỏ rơi họ. Nên suốt đường bay, tôi cứ trông chừng rốc-kết, tự hỏi chẳng biết lúc nào phóng tới. Tôi chắc mẩm người miền Nam sẽ bắn chúng tôi bất cứ giây phút nào. Suốt lúc ấy.
Cho đến khi ra đến biển, tôi mới thực cảm thấy thoát nạn. Và đến khi hạ xuống chiếc tàu U.S.S. Hancock tôi tự bảo: “Bây giờ mới là xong.”
Nhưng cho đến lúc ấy, vẫn chưa có thời giờ nghĩ ngợi gì. Tất cả chúng tôi hãy còn căng thẳng cao độ suốt một ngày dài đáng sợ. Vừa khi ra khỏi trực thăng, tức khắc tôi nghĩ: “Thử viết tất cả câu chuyện này xem.” Tôi làm ngay. Ngoài ra, trên tàu Hancock, cuối cùng chúng tôi tìm được mấy cuốn phim. Một người bên hãng CBS quả đã mang ra được cho chúng tôi.
Sáng hôm sau, dù vẫn chưa đủ thì giờ nghỉ ngơi suy nghĩ, thì tôi lại nghe có chuyện xảy ra, tất cả Thủy quân Lục chiến trên tàu đều được báo động chạy lên boong. Các thông tín viên cũng vội lên trên ấy. Nhìn trời, chúng tôi thấy đầy trực thăng. Giống hệt một đàn ong đang tiến lại. Quyết định được đưa ra trên tàu là để cho họ hạ cánh xuống từng chiếc một. Những người trên trực thăng đều là người tỵ nạn Nam Việt Nam. Khi họ hạ cánh, Thủy quân Lục chiến Mỹ đến tước lấy khí giới, rồi xô chiếc trực thăng xuống. Cảnh tượng này cũng không tin nổi. Chúng tôi đều lên boong làm việc, xô những chiếc trực thăng xuống biển, hết chiếc này đến chiếc khác. Trên tàu chúng tôi, cũng như trên tất cả những chiếc tàu khác có mặt, mọi sàn tàu đều chật ních.
Khi công tác di tản hoàn tất, tàu chúng tôi hướng về Vịnh Subic Phi Luật Tân. Trước khi cập bến Subic, nhiều thông tín viên đã bay đi trước để đánh tin. Ed Bradley bên hãng CBS bay đi trước nhất, anh mang theo những cuốn phim của chúng tôi. Phần tôi đi trực thăng từ tàu Hancock sang Blue Ridge. Tất cả những người thuộc nhóm làm tin của tôi đều ở cả bên tàu Blue Ridge. Vừa khi hạ xuống chiếc Blue Ridge, viên trưởng phòng của chúng tôi bảo: “Bạn phải lấy một chiếc trực thăng khác đi khỏi đây ngay. Bạn ở đây không ích gì cho chúng tôi, bạn không thể kể được các câu chuyện đã chứng kiến. Chúng tôi không chắc có kiếm được máy bay cho bạn không, nhưng chúng tôi sẽ cố.” Vì thế tôi được tống vào một trực thăng khác, mang theo mấy cái túi vĩ đại đựng đầy phim ảnh của hãng tin. Tôi bay sang chiếc U.S.S. Coral Sea. Từ tàu này, tôi xoay sở tìm cách vào được một chiếc máy bay, và đây lại là một kinh nghiệm khác nữa. Tôi ngồi trên máy bay, hướng mặt về đàng đuôi, và khi chiếc máy bay được bắn ra khỏi tàu, ngồi ngược như thế tôi cảm thấy như toàn thể mặt mày tôi bị kéo tuột ra ngoài. Cuối cùng, tôi đặt chân xuống phi trường Clark ở Phi Luật Tân. Tôi mang phim ảnh đến một đài truyền hình, tại đấy họ chuyển tất cả hình ảnh về Mỹ qua vệ tinh.
Những ngày cuối ở Việt Nam là những kinh nghiệm mãnh liệt, khó quên nhất đời thông tín viên của tôi. Trong suốt thời gian ấy tôi có khuynh hướng không nghĩ ngợi gì về các biến cố xảy ra. Tôi bị tràn ngập với việc chuyển tin, không thì giờ suy nghĩ gì. Nhưng giờ đây, nhìn lại, tôi có thể thấy những ngày cuối cùng trong tháng Tư năm ấy quan hệ xiết bao. Chính đấy là lịch sử. Chính lịch sử đã được làm nên ngay chỗ ấy. Chúng tôi không những chỉ báo cáo tin tức, mà chính chúng tôi cũng đã dự phần.
Mười lăm năm thấp thoáng trôi qua, nay tưởng chừng tất cả những gì xảy ra như vẫn mới vừa đây. Thường ký ức của tôi không khá, vậy mà hai ngày cuối cùng ấy ở Sàigòn vẫn hoàn toàn in đậm trong trí tôi. Làm sao tôi có thể quên? Làm sao bất cứ ai có thể quên? Cho đến hôm nay, nhắm mắt lại, tôi vẫn thấy tất cả mọi thứ xảy ra trở lại: Những xung động hỗn loạn điên cuồng, những tràng đạn bắn ra, những con người cố gắng trèo qua bức tường toà Đại sứ. Và người đàn ông với đứa con bé bỏng sơ sinh…
JOHN DEGLER,
(Nhiếp ảnh viên tàu U.S.S. Midway)
“Kệ các ông nói gì thì nói, chúng tôi cứ đến”
Khi chiến dịch di tản “Frequent Wind” bắt đầu ngày 29 tháng Tư, chúng tôi đều ở trong một trạng thái kích xúc tinh thần. Mặc dầu cảm giác kích xúc ấy được kiểm soát, chúng tôi vẫn thấy căng thẳng, vì chắc chắn chiến dịch này là một chiến dịch hết sức đặc biệt, nó ở ngoài mức độ bình thường. Chúng tôi đều là thành viên của một lực lượng đặc nhiệm khổng lồ. Suốt đời, tôi chưa hề có dịp chứng kiến cảnh tượng có nhiều chiến hạm đến như thế và đều tập trung vào cùng một chỗ như trong những ngày cuối tháng Tư năm ấy tại biển Nam Hải.
Nhiệm vụ của tôi bấy giờ là thu hình chiến dịch để lưu trữ trong hồ sơ của tàu. Sau ngày đầu tiên, mệt nhoài, nhưng tôi nghĩ tôi đã làm một công việc tốt đẹp.
Vào sáng sớm ngày 30 tháng Tư, tôi đứng trên từng năm để thu hình tàu (từng năm là boong thứ năm kể từ boong chính). Người sĩ quan phụ tá đứng cạnh trong lúc tôi quay phim. Tôi đưa máy lướt qua chân trời bỗng thấy một cái gì như bụi lốm đốm trên ống kính. Tôi quay máy lại, lau bụi bám trên mặt kính rồi hướng máy về lại chân trời. Đầu tiên, tôi thấy một cái gì như đàn ong khổng lồ đang vượt qua mặt nước, hướng về phía chúng tôi. Nhưng khi đến gần, hoá ra là chi chít những chiếc trực thăng Hueys. Tôi bước lui, đụng phải người sĩ quan phụ tá. Anh cũng đang chăm chăm nhìn những chiếc Hueys mà nói: “Cái quỷ quái gì thế?” Rồi anh ta bảo: “Ôi, Chúa ơi” và rời khỏi từng thứ năm.
Cảnh tượng thực phi thường, bởi lẽ đột nhiên cùng một lúc tất cả những chiếc trực thăng kia bay tụ về hạm đội. Họ không liên lạc vô tuyến, không hề báo trước. Trong khoảnh khắc chúng tôi lo ngại không rõ đây là bạn hay địch. Thế rồi những chiếc Hueys rà rà bay đến, mọi người trên boong la ó, vẫy tay ra hiệu đuổi họ đi. Nhưng rồi mọi người chạy tứ tán: trực thăng bắt đầu hạ xuống. Bất cứ chỗ nào trống, họ hạ cánh. Sự rối loạn tập thể diễn ra. Mọi việc xảy ra gần như người ta muốn bảo: “Kệ các ông nói gì thì nói, chúng tôi cứ đến.”
Tất cả đều đã được theo đúng kế hoạch – cho đến giây phút ấy. Tôi bắt đầu cho chạy máy quay phim để thu hình những chiếc Hueys đang tiến đến gần. Rồi đột nhiên, tôi cảm thấy một luồng gió nóng ngay sau lưng, và tiếng “hụp, hụp” của cánh quạt trực thăng Hueys. Tôi quay lại, thì ngay sau lưng, những lưỡi cánh quạt đang quay tít, chỉ cách tôi từ sáu đến mười bộ Anh. Tôi có thể thấy rõ cả mắt viên phi công. Anh chàng này đang cố hạ xuống giữa một chiếc cần trục khổng lồ và mé thành tàu. Bấy giờ vì chiếc tàu lắc lư và những cơn gió mạnh cuốn đến, chiếc trực thăng chao đảo trong không trung hệt như một chú ong ngớ ngẩn. Tôi gần va phải sàn tàu, tôi biết không cách gì người phi công này có thể hạ xuống một khoảng hẹp như thế trong cơn gió. Thế mà anh ta vẫn cố hạ xuống.
Sau cùng, anh ta cho trực thăng lui ra. Bên dưới, người ta hoảng hốt vẫy tay làm hiệu cho anh tránh đi, vì nếu chiếc máy bay rớt xuống thì tất cả công tác di tản sẽ rối rắm, chiếc máy bay sẽ sát hại không ít nhân mạng trên tàu. Anh ta vừa lùi sang hướng khác, lập tức người ta dùng một chiếc trực thăng trên tàu để trấn ngay khoảng trống ấy hầu cho những chiếc khác đừng cố hạ xuống chỗ này.
Cảnh những chiếc Hueys hạ cánh thực không tin nổi. Những chiếc trực thăng nhồi nhét chật ních đàn bà, trẻ con. Có một chiếc, tôi sẽ không bao giờ quên, đã chất đến 53 người, chưa kể viên phi công chính và phi công phụ.
Tôi thu hình một trong những chiếc Hueys đầu tiên hạ xuống tàu. Cảnh tượng này có chút khôi hài: Viên phi công nhảy ra, đến nói chuyện với thủy thủ đoàn. Tất cả đều chăm chú nhìn vào một chiếc bản đồ. Chỉ có trời biết họ nhìn bản đồ làm gì. Trông cảnh này, có vẻ như các thủy thủ đang cố giải thích cho viên phi công hiểu là anh ta đã đi lạc, cần phải quay trở lại. Thật tức cười!
Sau khi những chiếc Hueys đáp xuống, lập tức Thủy quân Lục chiến tiến đến khoá trục quay cánh quạt, tước khí giới hành khách. Chúng tôi lúc ấy rất sợ xảy ra chuyện có kẻ phá hoại chiến dịch di tản, và nếu xảy ra thì chả cách nào chặn lại. Với quá nhiều trực thăng Hueys đổ xuống như vậy, giả thử chỉ một chiếc chở chất nổ bay đến, sức phá hoại sẽ gây thiệt hại khôn lường.
Để săn sóc cho những người tỵ nạn, chúng tôi vội vã tổ chức mọi thứ. Chúng tôi cố sắp đặt trật tự trên sàn trực thăng hạ cánh. Nhất thời, chúng tôi gặp nhiều trở ngại không lường. Các cánh quạt trực thăng quá mạnh, những người Việt lại nhỏ con, một vài người đầu tiên bị thổi trượt ngã, bay sang phía bên kia boong tàu. Do đó để giữ an toàn, chúng tôi sử dụng giây thừng để hướng dẫn, lúc họ rời trực thăng thì nắm lấy băng qua boong tàu, xuống dưới cầu thang đến trung tâm làm thủ tục. Phương pháp này giúp họ an toàn qua boong, giữ cho họ khỏi bị những chiếc trực thăng khác đụng, đồng thời ngăn ngừa việc đám đông tụ lại ở một điểm trên boong. Khi người ta dắt họ đi băng qua boong bằng sợi giây thừng, họ giống như một đàn sâu tiến ra khỏi những chiếc Hueys mà đến phía thành tàu.
Suốt hai ngày trong chiến dịch “Frequent Wind” tôi hoàn toàn đắm vùi vào công tác di tản. Tôi biết đây chính là lịch sử. Tôi biết giá trị cao độ của công tác thu hình tôi đang phụ trách, nó chẳng khác công cuộc quay cuốn phim vĩ đại “Chiến thắng ngoài biển cả.” Tôi hy vọng một ngày kia những tài liệu tôi thu được có thể đem sử dụng cho một cuốn phim tương tự. Vì vậy tôi làm công tác một cách hăng say, thâu tất cả mọi thứ vào phim. Nhưng tất cả mọi thứ chỉ đều được tôi nhìn qua ống kính, qua các góc độ và ánh sáng. Cho đến khi có một chi tiết đặc biệt xảy ra. Ấy là lúc tôi quyết định theo một nhóm người để thu hình, từ lúc trực thăng hạ cánh xuống, lúc người ta ra khỏi boong tàu, lúc làm thủ tục, khám xét, ăn uống, rồi theo một trực thăng khác để đưa sang một chiếc tàu khác nữa trong hạm đội.
Lúc ấy tôi chọn một chiếc trực thăng vừa bay tới. Chỉ một giây sau khi chiếc này hạ cánh, tôi tiến ngay đến thu hình những người vừa xuống tàu. Tôi thu hình họ bước ra, trao vũ khí mang theo, rồi được hướng dẫn băng ngang sàn bay. Tôi tiến theo họ đi dọc con tàu, lùi lại đầu kia sàn bay, nơi có một chiếc trực thăng đưa họ sang tàu khác. Tôi hạ mình thấp xuống để bắt hình ảnh họ bước lên trực thăng, cái cầu kéo lên, chiếc trực thăng cất cánh. Khi chiếc trực thăng cất lên, tôi vẫn nằm dài trên sàn bay tiếp tục thu hình, tôi cảm thấy bị sức quạt đẩy tuột về cuối sàn bay. Tôi bị đẩy suốt sàn tàu, mắc lại phía cuối, một chân thòng qua mé tàu. Tôi vẫn tiếp tục quay. Cho đến khi chiếc trực thăng đi khỏi, hạ máy xuống, mới bắt đầu nghĩ: “Chết chửa làm gì thế.” Tôi hoàn toàn quên bẵng mối an nguy của tôi, tôi đã thu hình với tất cả cảm giác về những người tỵ nạn kia. Đúng lúc ấy tôi mới chợt nhận thức tất cả ý nghĩa việc ấy, cái ý nghĩa thực sự của nó. Ngay lúc ấy, tôi đã ở trong trạng thái bàng hoàng về những hoạt động liên tục, những kích thích, vội vã, tiếng rú động cơ, sức đẩy của cánh quạt, tiếng quay của cánh trực thăng bay vào, bay ra. Nhưng đột nhiên tất cả chợt đập mạnh vào nhận thức tôi, tôi hiểu ý nghĩa của nó là gì. Chúng tôi đương cứu người. Tất cả những con người này đang tơi tả vì đất nước họ. Tất cả những nỗi thống khổ đang hiện rõ trên mặt họ. Rất nhiều người trong bọn họ đã rời quê cha đất tổ chỉ giây phút trước khi cái chết chụp lấy. Khi tất cả các công tác này xong xuôi, chúng tôi sẽ có một mái nhà để trở về, nhưng họ thì không. Vào lúc ấy, tôi hiểu tôi đang thâu hình những giây phút đầu tiên của một cuộc đời hoàn toàn xa lạ sẽ dành cho những con người khốn khổ này đây.
Tôi rất hãnh diện về công việc mà tôi đã phụ trách. Tất cả những người làm việc trên tàu Midway đều tràn ngập niềm hãnh diện sau khi công tác hoàn tất. Chúng tôi nhận ra chúng tôi đã cứu được một số không ít những người đang lâm tình trạng hiểm nghèo. Chúng tôi đã làm được một điều chưa từng làm trước đây. Mỗi nhân viên trên tàu, từ sàn bay đến hầm máy, chúng tôi đều hãnh diện đã làm việc chung trong cùng một tập thể, chúng tôi đã thành công. Sự nhận thức đó giúp chúng tôi gắn bó nhau. Có lẽ người ta khó cảm thấu được điều ấy trừ khi người ta thực sự trải qua.
Chỉ trong vài giờ đồng hồ, con tàu đã trở nên một thành phố chứa hàng ngàn người tỵ nạn. Chúng tôi săn sóc giúp đỡ họ, cung cấp cho họ đồ ăn thức uống, thuốc men và tiện ích vệ sinh. Các thủy thủ đã nhường chính giường mình cho người tỵ nạn nằm nghỉ khi họ có mặt trên tàu chúng tôi. Chúng tôi dành cho họ những sự đối xử vương giả. Tôi tìm cách nói chuyện với vài người, hỏi họ từ đâu đến. Họ hết sức khiêm tốn, biết ơn và sợ sệt. Họ luôn luôn nhắc đi nhắc lại nhiều lần những lời “Cảm ơn. Cảm ơn.” Mỗi khi chúng tôi biếu một thứ gì, hoặc đối xử lịch thiệp, họ lại tràn ngập chúng tôi với những lời cảm ơn.
Tôi cũng chứng kiến rất nhiều nước mắt ràn rụa trên mặt người tỵ nạn. Nhiều người ôm ghì lấy nhau khi tìm ra bạn hữu đến được tàu Midway. Ngày hôm đó, biết bao xúc động biểu lộ trên con tàu.
Vào giờ phút cuối của chiến dịch di tản, chúng tôi gói ghém mọi thứ, sẵn sàng rời khu vực. Tất cả đều đã được sắp xếp ngăn nắp. Trực thăng đều đã đặt vào hàng lối trên tàu. Thế rồi, đúng giây phút cuối cùng ấy, một chiếc máy bay nhỏ bé đơn độc hiện ra trên bầu trời.
Khi chúng tôi đang ngồi trên con tàu ở vùng biển Nam Hải, anh chàng này bất ngờ chẳng rõ từ đâu bay tới. Anh ta cho chiếc máy bay lượn vài vòng chung quanh con tàu. Chúng tôi không rõ anh là ai, muốn gì, vì lẽ không có máy vô tuyến để liên lạc với anh ta. Cứ mỗi lần lượn qua, anh ta lại ném một vật xuống. Ba lần hụt sàn. Đến lần thứ tư, anh ta ném một cái mỏ lết vặn đinh ốc, cái mỏ lết rơi trên sàn tàu. Buộc quanh mỏ lết là một tấm giấy viết ghi chú. Tấm giấy nói rằng anh ta là Thiếu tá Bường, anh ta có vợ năm con trong chiếc máy bay nhỏ này, anh ta muốn hạ cánh xuống sàn bay chúng tôi. Cái máy bay của anh giống như một chiếc Cessna nhỏ, loại O-1.
Ngay khi được tin, Thuyền trưởng lập tức huy động chúng tôi bắt tay vào việc. Trong vòng ba mươi phút, chúng tôi dồn tất cả trực thăng và máy bay lên mũi tàu để trống sàn bay cho Thiếu tá Bường hạ cánh. Tất cả mọi người trên tàu đều hiểu việc hạ cánh này nguy hiểm thế nào. Đó là một chiếc máy bay quá nhỏ, chở quá nặng, con tàu lại đang chòng chành giữa đại dương. Tất cả mọi người hăng hái dọn dẹp để giúp anh hạ cánh dễ dàng hơn, nhưng cuối cùng, chính anh mới là người phải tự đương đầu việc hạ cánh máy bay.
Tôi mở máy chuẩn bị thâu hình lúc anh ta bay xuống, chắc chắn chờ đợi một vụ rớt máy bay xảy ra. Nhưng rồi anh ta trôi lượn đến như một cánh chim. Máy bay nẩy lên hai lần, lăn chậm và dừng lại. Lúc ấy tất cả mọi người trên tàu ùa lên hò reo hoan hô. Chúng tôi vỗ tay, nhảy cỡn, chúng tôi quá vui mừng cho anh. Cả một đám người ào đến vây lấy chiếc máy bay, vừa vỗ tay vừa cười vang. Đám người kéo đến mỗi lúc một đông. Tôi vác máy quay phim chạy đến thu hình anh bước ra khỏi chiếc máy bay. Trong lúc anh ta đang giúp vợ và mấy đứa con bước ra, một người la lên: “Ê! Cậu học lái máy bay ở đâu vậy?” Anh chàng quay mình lại, đáp: “Texas!” Thế là cả đám đông ồ lên la ó. Chúng tôi mừng vui điên lên về anh chàng ấy.
Đấy là kết thúc chiến dịch di tản – cuộc hạ cánh của Thiếu tá Bường. Đấy là một kết thúc vui vẻ. Chúng tôi không thể nào trù liệu được cách gì tốt hơn nữa. Đấy là một chiến thắng nho nhỏ khá tốt đẹp vào giây phút cuối cùng.
Ngày ấy, tôi mới hai mươi bốn tuổi đầu. Kinh nghiệm này làm tôi thay đổi sâu đậm hơn. Trước kia tôi đã từng trải qua nhiều việc, nhưng chỉ những ngày ở ngoài khơi nước Việt mới thực sự mở mắt cho tôi. Tôi đã chứng kiến cuộc đời của những con người khác, nó đánh thức tôi dậy, nó làm tôi hiểu trên thế giới này có nhiều nơi có nhiều việc đáng khiếp sợ xảy ra. Là một người Mỹ, tôi chưa từng bao giờ có thể tưởng được những việc như thế xảy cho con người.
Sau chuyến đi, tôi có một sức mạnh mới. Tôi nghĩ tất cả những người làm việc trên tàu Midway chúng tôi đều có một sức mạnh mới. Chúng tôi khám phá rằng chúng tôi có đủ khả năng hoàn tất công việc nếu chúng tôi được giao phó. Sau những ngày ấy, chúng tôi đều trở nên trưởng thành. Tốt đẹp hơn hết thảy, là khi công tác hoàn tất, chúng tôi biết chúng tôi là những người thiện hảo, chúng tôi đến để cứu nguy. Chúng tôi đã làm những gì đúng đắn.
Khi trở về, chẳng ai nghênh đón. Nhưng bây giờ nghĩ lại, tôi ước chi người ta đã ra nghênh đón chúng tôi. Bởi vì, ước chi có được nhiều người hơn có thể biết đến những gì chúng tôi đã làm ở ngoài khơi nước Việt vào những ngày cuối cùng của tháng Tư năm ấy.
MIKE MARRIOTT
(Hãng tin CBS)
“Bọn Mỹ phản bội”
Khi Ban Mê Thuột thất thủ, cuộc triệt thoái cao nguyên bắt đầu, tôi đi với thông tín viên Peter Collins để thu hình “Đoàn xe nước mắt” từ Pleiku đổ xuống theo con lộ 7B. Cả một đoàn quân tương đương với ba sư đoàn rút khỏi cao nguyên mà không nổ một phát súng. Lúc ấy, một người bạn bên sở Tình báo điện thoại cho tôi, anh ta nói: “Này Mike, cậu biết cao nguyên mất rồi chứ?”. Tôi bảo “Hả, Đ.M. không!” Anh ta bảo: “Nghe đây, tôi có một chuyến bay” – đó là chiếc Air America hai động cơ – “Tôi sẽ cho bay lên trên ấy đón người của tôi trước khi họ bị bắt. Nếu cậu đi với bọn tôi, sẽ bảo đảm cho cậu một ghế trở về. Sẽ có một trực thăng của Trung ương Tình báo đưa cậu đến khu vực quay phim. Đang có hàng ngàn, hàng ngàn người tháo chạy. Tôi sẽ cho cậu một máy vô tuyến, bỏ cậu xuống khoảng trước đoàn xe. Cậu có thể đợi đoàn xe đến mà thu hình, sau đó tránh khỏi đoàn xe, ra phía ngoài đồng, dùng vô tuyến gọi trực thăng đến. Chúng tôi sẽ tới bốc cậu.”
Thế là chúng tôi đổ đến khoảng giữa vùng cao nguyên. Ở đúng vào một chỗ chẳng đâu ra đâu, đột nhiên vào một tầm xa mà mắt có thể trông thấy, bỗng xuất hiện hàng trăm ngàn con người khốn khổ, lính tráng, xe tăng, thiết vận xa, hướng lại phía chúng tôi. Tôi thu hình tất cả, rồi chúng tôi rời đi.
Suốt thời gian ấy tôi không hề lo ngại gì đến việc rời khỏi Sàigòn, cho đến khi có một viên Đại úy Cảnh sát định bắn tôi. Lúc ấy có biến cố xảy ra tại dinh Tổng thống. Một chiếc máy bay liệng đến oanh kích, tạo nhiều lộn xộn trên các đường phố nên chúng tôi ra ngoài thu hình. Tôi thấy một viên Đại úy Cảnh sát đang bắn một chiếc xe taxi với khẩu súng 45. Chiếc taxi không chịu chạy, vì nó không thể chạy được, máy đã hỏng. Viên Đại úy nhắm bắn vào người trong xe. Người này sợ hãi thất thần. Tôi thu hình. Viên Đại úy thấy thế, quay họng súng chĩa vào tôi rồi thét lên: “Bọn Mỹ phản bội! Bọn Mỹ phản bội! Bọn Mỹ phản bội!” Tôi phản ứng lại: “Ê! Khoan chút chớ! Tôi là người Úc mà.” Tôi cố nghĩ ra một chuyện gì đánh lạc hướng làm cho hắn đừng bắn tôi. Nhưng hắn đã chạy đến, kê mũi súng chỉ cách đầu tôi một gang tay. Hắn lẫy cò. Không chuyện gì xảy ra. Hắn mở khoá nòng. Tôi có thể thấy nòng khoá khẩu 45 bị kẹt. Hắn bỏ ngón tay vào, kéo ra, nhưng hắn hoảng hốt, run rẩy, không kéo được. Hắn lẫy cò ba lần, nhắm đầu tôi. Cái máy quay phim của tôi lúc ấy không chạy. Đến nay tôi vẫn không rõ tại sao. Tôi không dám hướng cái máy quay phim vào hắn. Tôi không dám động đậy hay làm bất cứ cái gì bất thường để hắn nhận ra được là nếu hắn xoay cái vòng khoá, hắn có thể giết được tôi. Vì thế tôi nhìn trừng trừng vào mắt hắn, cứ giữ cái nhìn như thế. Sau lần thứ ba lẫy cò vẫn không có gì xảy ra, hắn quay ngược khẩu súng, cầm1ấy nòng, dộng báng súng lên đầu tôi.
Từ đó tôi quyết định sẽ không ở lại thành phố để thâu hình quân đội Bắc Việt và Việt Cộng khi chúng tiến vào. Trong lúc chạy thoát khỏi viên Đại úy Cảnh sát, tôi quyết định: “Không, không, không thể được. Thây kệ lũ Cộng sản. Mấy cha này là đồng minh mà còn định bắn mình, thì thôi đừng lởn vởn đây là hơn.”
Tôi rời Sàigòn đêm 29 tháng Tư tại Văn phòng Tùy viên Quân sự ở Tân Sơn Nhứt. Tôi bay ra tàu Blue Ridge bằng chiếc trực thăng Jolly Green Giant (CH-53). Lúc ấy tôi cảm thấy buồn bã vô bờ. Tôi không hề sung sướng được thoát khỏi nơi này. Một mặt, tôi lại cảm thấy kiêu hãnh vì từ hai tháng trước, ngay cả trước khi mất Đà Nẵng, tôi đã tiên đoán xứ này sẽ sụp đổ. Bấy giờ, các bạn tôi cười cợt chế giễu. Họ bảo: “Làm sao thế được. Quân đội sẽ đánh chứ.” Tôi nói: “Này, các ông 1ầm.” Và bây giờ, tôi đang có cái cảm giác là: “Cục cứt, tôi đoán đúng! Thiệt đáng buồn.”
Khi rời Tân Sơn Nhứt, chiếc trực thăng bay khá thấp. Chúng tôi bay dọc sông Sàigòn một đoạn ngắn. Qua khỏi dòng sông, chúng tôi gặp vài chiến đấu cơ F-4 hộ tống cho mọi người bay ra. Tôi nhớ lúc ấy tôi nhìn xuống dòng sông. Chợt tôi nhận ra căn chung cư nơi tôi ở, căn phòng hãy còn đầy đủ mọi thứ sở hữu của tôi. Tôi nghĩ: “Chúa ơi, Đ.M. mấy thằng Đại tá Bắc Việt chắc sẽ chiếm hết các thứ ấy. Sáng mai bọn hắn sẽ diện rất kẻng với mấy bộ vét của tôi đây.” Đó là những ý nghĩ thực kỳ cục, vâng tôi biết thế.
Khi chiếc trực thăng bốc lên cao, tôi ở đàng sau với cái máy quay phim đang chạy. Một xạ thủ ở phía sau với tôi. Anh ta nhìn tôi, thấy nước mắt đang chảy xuống mặt tôi. Anh ta lại gần, quàng tay lên vai tôi mà vỗ vào lưng. Rồi anh ta quay đi, bắt đầu đốt hỏa châu ném ra phía sau trực thăng. Nếu có hỏa tiễn SAM bắn lên thì những hỏa châu với chất bạch hoàng, những hỏa châu có buộc dù sẽ hứng lấy các hoả tiễn ấy, vì các hoả tiễn tầm nhiệt sẽ đuổi theo hỏa châu, nó nóng hơn và sáng hơn động cơ trực thăng. Sau khi hết phim trong máy, tôi bỏ máy quay phim xuống, giúp người xạ thủ châm hỏa châu. Lúc ấy trực thăng đang bay qua vùng quê, hướng đến biển Nam Hải và đến hạm đội Hoa Kỳ.
Sáng hôm sau, trên tàu Blue Ridge tôi thấy vô số trực thăng Việt Nam bay tới, quần trên biển. Quá nhiều trực thăng, họ không thể hạ hết lên sàn tàu, nên cứ bay lởn vởn quanh chiếc tàu chẳng khác đàn ong. Khi hạ xuống họ nhảy ra, chiếc trực thăng được lật nhào xuống biển.
Tất cả các viên chức toà Đại sứ, cũng như các nhân viên Trung ương Tình báo và nhân viên Văn phòng Tùy viên Quân sự đều ở trên chiếc Blue Ridge. Họ lúng túng sỉ vả rằng chính là giới báo chí đã gây ra thất trận. Ngay lúc ấy, họ đã nói nước Mỹ thua trận vì chúng tôi. Viên trưởng nhiệm sở Trung ương Tình báo Thomas Polgar là kẻ nói ra mồm nhiều nhất. Ông ta không ưa bọn tôi. Tướng Kỳ cũng có mặt trên tàu Blue Ridge. Ông ta vẫn vênh váo. Vẻ tự mãn của ông ta làm bọn tôi phát bịnh. Ông ta là triệu triệu phú, một trong những người nhũng lạm nhất hạng. Cố nhiên, ông đã ra khỏi xứ với những người thân tín của ông ta.
Cách đây chẳng bao lâu tôi đã đến viếng thăm đài Chiến Sĩ Trận Vong cuộc chiến Việt Nam với 57,000 cái tên. Tôi rất buồn, bởi vì tôi nhận ra rằng chúng ta đã hy sinh biết bao nhân mạng một cách vô ích. Tôi kinh tởm chiến tranh. Tôi rất thù ghét chiến tranh.
Tôi nghĩ vào giai đoạn cuối ấy, những người làm tin truyền hình chúng tôi đã nói lên tất cả sự thực về Việt Nam. Những gì mà giới quân sự phản đối – tuy tôi không nói tất cả mọi người trong giới này – đó là chúng tôi đã trình bày cho khán giả chương trình CBS Tin Tức Buổi Chiều những nỗi kinh sợ có thực của chiến cuộc, trình bày sự vô ích của vấn đề Việt Nam. Người ta buộc tội rằng có vài thông tín viên đã dàn cảnh một số hình ảnh. Tôi không biết chuyện ấy. Nhưng tôi biết rõ một chuyện. Đó là bất kể quan điểm người ta thế nào, nhưng người ta vẫn thấy thực tế là có các nạn nhân bị bom xăng đặc na-pan, có những thanh niên Mỹ đã chết trên tay đồng đội. Và những chuyện ấy có thực, chẳng ai dàn cảnh. Đó là thực tế cuộc chiến. Tôi nghĩ chúng tôi quả đã thay đổi nhãn quan người Mỹ về cuộc chiến. Nhưng chúng tôi không làm công việc ấy một cách khinh suất và thâm hiểm. Chúng tôi làm công việc ấy, chỉ vì đấy chính là sự thực đã diễn ra.
ED BRADLEY,
(Hãng tin CBS)
“Vậy mọi sự đều dẫn đến bước này.”
Ngày cuối cùng của tôi ở Sàigòn, giản dị là một ngày điên cuồng. Vào buổi sáng 29 tháng Tư, đài phát thanh quân đội Hoa Kỳ đang chơi những bản nhạc thông thường. Đột nhiên ngưng nhạc, họ loan báo: “Sàigòn nóng một trăm lẻ năm độ, nhiệt độ đang gia tăng.” Tiếp theo là bài “Giáng Sinh Trắng” do ca sĩ Bing Crosby hát. Bạn phải nhớ lúc ấy đang cuối tháng Tư. Việc này cho thấy trình độ tinh thần của những người trong quân đội Mỹ. Thực tế, muốn biết cuộc di tản bắt đầu lúc nào, chỉ cần nhìn qua cửa sổ. Bạn sẽ thấy những anh Mỹ mắt thao láo, tay xách va li bước trên đường phố. Và khi người Việt thấy thế, họ cũng thừa hiểu người Mỹ đang ra đi, họ bắt đầu chạy theo. Họ cũng muốn được rời khỏi xứ.
Chúng tôi ra khỏi khách sạn, đến các địa điểm di tản được ấn định, nhưng chẳng có ma nào. Chúng tôi đợi một lát, quyết định đến địa điểm thứ hai. Cũng chẳng có ai. Rồi địa điểm thứ ba. Nơi này là một trường học, toà nhà đã khoá. Khi chúng tôi sắp rời nơi này để tới địa điểm thứ tư, tôi bảo: “Thấy chưa. Hiển nhiên mọi việc không được tổ chức chu đáo. Nhưng cứ đợi đây, có lẽ sẽ có xe buýt tới đón.” Tôi nói đúng. Có những ba chiếc xe buýt chạy đến. Nhưng tới lúc này, đã có đến gần 150 người tụ lại chờ xe. Tôi giúp người ta bước lên xe buýt một cách trật tự. Rồi họ lái đến phi trường. Tới cổng phi trường, bọn lính gác bắn chúng tôi. Chúng tôi vòng xe lại, chạy về thành phố. Lúc ấy mấy chiếc xe buýt đã lạc nhau chạy riêng rẽ cả.
Sau khi quay khỏi phi trường, tài xế chẳng biết phải làm gì. Anh ta mất bảy tiếng đồng hồ lòng vòng trên đường phố Sàigòn để tính xem có thể đi đâu, làm gì. Tài xế là một gã vô tích sự. Thoạt đầu, hắn không tìm ra chìa khoá. Hắn phải câu dây bình để nổ máy xe, máy chạy thì hắn lại để chết máy. Mỗi lần máy tắt, chúng tôi phải xuống câu dây, vậy mà, chắc bạn không tin nổi, hắn tự gọi mình là “Tổ sư lái xe.” Sau nữa, hắn cóc lái được xe buýt. Từ nhiều năm trước, chính phủ đã cho chặt hết cây trên một số đường ở Sàigòn để các xe nhà binh đi lọt. Bạn nghĩ là cha tài xế sẽ tìm mấy con đường rộng rãi mà chạy chăng? Cố nhiên không! Hắn tìm mấy con đường nhỏ, chật chội khít khịt nhất mà đi. Bạn hãy nhớ ở các ngã tư đường Sàigòn đều có đầy những quán ăn bé tí. Đó là những quán mì, gánh phở, với mấy cái nồi kê trên lửa, bên trên che bạt mà họ gọi đó là những tiệm ăn. Vâng, cứ mỗi lần cha tài xế quẹo qua một góc đường, hắn lại xô sập chừng ba cái tiệm ăn. Cứ thế suốt bảy tiếng đồng hồ!
Sau cùng, hắn quyết định đưa chúng tôi xuống dưới Cảng chờ trực thăng đến đón. Thế là hắn lái xe chạy tuột xuống dưới cảng, nơi đây đã có khoảng mười ngàn người đang cuồng loạn tranh nhau nhảy lên tàu. Có người hụt, lộn đầu xuống sông. Thấy cảnh tượng ấy, tôi bảo tài xế: “Bộ anh thả chúng tôi xuống đây mà đi sao? Anh bảo chúng tôi là trực thăng sẽ hạ xuống ngay đám đông người Việt này mà đón chúng tôi à? Và lại không có lính gác? Bộ anh nghĩ những Việt này sẽ ngồi yên nhìn chúng ta bỏ họ mà đi sao? Anh khùng quá rồi!”
Nhưng lúc ấy có nhiều người bước khỏi xe buýt. Tôi cảnh cáo đừng nên. Một cha Việt Nam bước ra với gia đình, anh ta không có căn cước hay bất cứ giấy tờ gì. Thế rồi chúng tôi cho xe chạy, anh ta không quay lại kịp. Tôi nhớ tôi đã nhìn qua cửa sổ lúc xe trở bánh chạy, anh ta đang vùng vẫy chen vào đám đông. Một tay xách va li, một tay dắt vợ, vợ anh lại kéo lê hai đứa nhỏ. Những người ở đấy dằng cái va li, chụp lấy cái đồng hồ của anh ta. Chúng tôi bỏ gia đình này lại. Cho tới bây giờ tôi vẫn còn nhìn thấy vẻ kinh sợ trên mặt anh khi chiếc xe bỏ anh ta lại.
Cuối cùng, chúng tôi tới toà Đại sứ, leo tường vào. Đêm hôm ấy tôi đi bằng trực thăng từ nóc Toà Đại sứ. Trên đường bay ra, tôi có thể nhìn thấy lửa cháy chung quanh thành phố, tôi biết Bắc Việt đang trên đường tiến quân vào. Tôi không thấy một dấu hiệu nào về bọn chúng, nhưng toàn thể cảnh tượng này trông như không thực. Nhìn xuống thành phố, chúng tôi biết chúng tôi sẽ ra đi mãi mãi, tất cả những gì tôi nghĩ bấy giờ là: “Vậy mọi sự cũng đều dẫn đến bước này!”
Những ngày chót ở Sàigòn quả là những ngày đáng kể. Chẳng khác trận chiến Waterloo. Những ngày này là những ngày lịch sử quan trọng. Cho đến nay hiển nhiên người Mỹ vẫn chưa bình phục được sau vụ Việt Nam. Người Việt Nam vẫn chưa bình phục lại được tại Việt Nam. Người Cam Bốt, người Lào đều chưa bình phục khỏi cơn bịnh Việt Nam. Không có gì khác trong đời tôi có thể quan trọng hơn Việt Nam. Đó thực là một thảm kịch. Chúng ta đã gửi đến biết bao thanh niên lương hảo. Biết bao con người lương hảo. Để làm gì?
Bạn biết, khi tôi thoạt đi Việt Nam lần đầu vào mùa thu 1972, những người chỉ huy quân đội Mỹ bảo tôi: Có ánh sáng ở cuối đường hầm. Năm 1975 tôi lại nghĩ đến câu này. Quả thực có ánh sáng ở cuối đường hầm. Chính đó là lúc chúng ta bay ra khỏi xứ lần cuối cùng.
FOX BUTTERFIELD
(Báo New York Times)
“Tắt ánh sáng ở cuối đường hầm”
Tôi đến Việt Nam lần đầu vào năm 1962 với tư cách sinh viên cao học đi du lịch,tôi đã dừng lại đấy vài tuần để thăm viếng loanh quanh. Bấy giờ tôi đang ở Đài Loan với học bổng Fulbright, tôi ghé Việt Nam, ở tại nhà vài người Tàu. Chiến tranh đang tiếp diễn. Mấy người bạn Tàu đưa tôi đi thăm một vùng quê. Nơi này rất quyến rũ, nhưng tôi hơi e sợ vì không rõ chuyện gì có thể xảy ra. Lúc ấy sự hiện diện của người Mỹ đã rõ rệt. Lính và cố vấn Mỹ đã ngồi quanh các quán rượu và mấy tiệm ăn. Tôi bị mê hoặc vì đất nước này, tôi rất thích ở lại, nhưng mấy ông thầy ở Đại học Harvard bấy giờ không ngừng thúc dục tôi mau trở về, do đó tôi phải về lại trường. Lãnh vực học vấn của tôi là môn Lịch sử Trung Hoa, và tôi cũng đọc khá nhiều về Việt Nam, do đó tôi trở nên quan tâm đến đất nước này. Tôi từng cầm đầu nhiều cuộc biểu tình phản chiến tại Đại học Harvard.
Bấy giờ về phương diện chính trị, tôi có quan điểm tả khuynh. Tôi đã tiếp tay thiết lập một nhóm hoạt động tên là TOCSIN, vài năm sau, trở thành SDS -(1) Chúng tôi là nhóm hoạt động chống chiến tranh nguyên tử. Vào khoảng năm 1960-1961, chúng tôi nỗ lực kêu gọi ngưng thử nghiệm nguyên tử trong bầu khí quyển. Hoạt động của chúng tôi có kết quả, Kennedy đã ký với Khruschev một thoả hiệp cấm thử nghiệm nguyên tử trong bầu khí quyển.
Kinh nghiệm trực tiếp của tôi sau đó về Việt Nam là vào năm 1969. Ông của tôi là Cyrus Eaton, một thứ Armand Hammer (2) của thời bấy giờ nhận được giấy của một số bạn hữu người Nga mời đến thăm Hà Nội. Lúc ấy, tôi đang làm luận án cao học tại Đài Loan, đồng thời cũng làm việc phụ cho báo New York Times. Ông tôi gọi điện thoại hỏi cháu có muốn đi Hà Nội không. Tôi trả lời muốn lắm, tuy nhiên tôi không xem việc này nghiêm chỉnh. Thế rồi, một tuần lể sau, ông tôi điện thoại đến, bảo: “Mọi việc sắp đặt xong xuôi, đến Nam Vang gặp ông.”
Chuyến đi này đã ảnh hưởng tôi theo một chiều hướng ngược lại với những người khác. Sau khi đã đọc nhiều bài báo của ký giả Harrison Salisbury, tôi đinh ninh sẽ chứng kiến nhiều cảnh tàn phá vì các cuộc dội bom ở Hà Nội. Thực tế, tôi không tìm thấy gì. Tôi trở nên hoài nghi. Tôi không ngừng yêu cầu người ta đưa tôi đi xem những chỗ bom tàn phá, nhưng chẳng ai có thể làm được chuyện đó. Tôi thấy thiệt hại do bom gây ra không đụng chạm gì đến thành phố. Nó dừng lại ở ngoại ô. Như thế những tuyên bố của Hoa Kỳ về việc đánh bom trên căn bản là đúng. Một số thiệt hại nhỏ người ta chỉ cho tôi mà nói do bom gây ra, thực tế chỉ do rốc-kết của chính họ bắn lên, rồi rơi xuống thành phố mà thôi. Tôi nghĩ Salisbury và nhiều ký giả khác đã đánh lừa độc giả với những tin tức sai lạc. Các thông tín viên sau này sang bên ấy vào những ngày cuối của cuộc chiến cũng nói như thế. Thực tế, những tàn phá do bom gây ra không đúng như những gì Bắc Việt tuyên bố. Hoa Kỳ đã rất thận trọng trong việc đánh bom Hà Nội. Họ quả đã đánh nát khắp nơi, nhưng trừ Hà Nội.
Kết luận do tôi thu lượm được trong cuộc thăm viếng Hà Nội là tôi đã tiếp xúc với một chế độ cực kỳ độc đoán. Tôi cũng thấy là họ nghèo khó đến độ không tin nổi. Về một mặt, tôi có thể thấy đây là do hậu quả chiến tranh. Về mặt khác, một trong những việc đập vào trí tôi, là họ đã quyết tâm theo đuổi chiến tranh, bất kể đến việc phát triển xứ sở. Các thủ lãnh Bắc Việt không quan tâm gì đến phát triển kinh tế, không quan tâm đến sự no đủ của dân chúng. Họ chỉ quan tâm đến một mục tiêu quốc gia duy nhất, đó là phải nắm được toàn bộ quyền hành.
Trong chuyến đi này, chúng tôi trở thành những người đầu tiên, ngoài Kissinger ra – đã nói chuyện với Lê Đức Thọ, người bấy giờ đang bí mật thương thảo với Kissinger. Chúng tôi đã gặp Phạm Văn Đồng và chừng nửa tá các thủ lãnh khác của miền Bắc. Tôi thấy họ là những người vừa cứng rắn, vừa thông minh. Họ không quá quan tâm đến con người. Tôi có một ấn tượng mạnh mẽ về quyết tâm đạt đến mục đích của họ, đó là chiến thắng miền Nam, thống nhất xứ sở. Họ kiên định chấp nhận trả bất cứ giá nào để đạt mục tiêu ấy.
Tôi xin kể một việc làm tôi phát sốt. Đó là việc tù binh chiến tranh, bấy giờ đã trở thành đề tài lớn. Bắc Việt không hề cung cấp thống kê, tên tuổi, hay bất cứ gì liên hệ đến tù binh Mỹ, nên không một ai hay biết gì nhiều về chuyện này. Bên Mỹ, dân chúng xúc động về chuyện tìm hiểu tin tức tù binh, nên tôi lợi dụng cơ hội có mặt tại đấy để đặt vài câu hỏi. Tôi không đòi đi gặp tù binh, nhưng tôi có đặt vấn đề là người Mỹ thành thực quan tâm đến việc muốn tiếp nhận một danh sách tù binh. Vì lẽ Hà Nội xem đây là một đề tài không khoan nhượng, nên tôi nói, nếu họ có thể cung cấp một danh sách như vậy, có lẽ họ sẽ đạt được nhiều hỗ trợ ở Mỹ.
Phản ứng lời tôi là những cái nhìn nhạt nhẽo. Họ hỏi: Tại sao người Mỹ phải quan tâm về chuyện này? Sau đó tôi có đề cập với một vài nhà ngoại giao Đông Âu, người Đông Đức và người Hung Gia Lợi, và chúng tôi có vài buổi họp với viên Đại sứ Nga về đề mục này. Tôi nhớ một người Hung Gia Lợi bảo chúng tôi rằng: “Anh biết, người Bắc Việt giản dị không hiểu tại sao người Mỹ lại quan tâm đến các tù binh của mình. Hãy nhìn chung quanh mà xem. Anh có thấy một thương phế binh nào ở đây chăng?” Câu nói làm tôi bàng hoàng. Tại Hà Nội, không hề thấy một thương binh nào. Không hề thấy một người què cụt nào. Tôi hỏi: “Tại sao vậy?” Ông ta bảo “Nếu suy nghĩ thì anh sẽ thấy câu trả lời hết sức giản dị. Đường mòn Hồ Chí Minh là con đường một chiều. Tất cả những người được gửi đi sẽ chiến đấu đến chết, hoặc là sẽ bị bỏ lại đấy.
“Không hề có một ai trở về.” Tại miền Bắc, lệnh nhập ngũ là một bản án tử hình. Họ cũng cho tôi biết có rất nhiều người đã cưỡng lại việc nhập ngũ ở miền Bắc, vì người ta đều hiểu một khi vào bộ đội là sẽ chẳng bao giờ trở về. Cũng đừng quên, gần như không có dịch vụ thư tín ở miền Bắc. Gia đình ở Bắc không bao giờ nhận được thư của người con hoặc người cha vô Nam. Khi vô Nam, kể như người ta chết rồi.
Tại miền Bắc đã xảy ra nhiều việc cưỡng chống lệnh nhập ngũ. Rất nhiều. Nhưng chuyện ấy không bao giờ được nói trên báo chí. Những việc như vậy làm tôi rúng động, về một mặt, tôi nghĩ, người ta đã thi hành những hy sinh cao quí. Nhưng mặt khác, thực đáng sợ! Tôi có cảm tưởng về một mặt các thủ lãnh người Việt miền Bắc thực sự tin tưởng vào nhiệm vụ của họ, là thống nhất đất nước. Nhưng mặt khác, những người dân bình thường ở miền Bắc không hề bao giờ có nhiệt tình đặc biệt gì với cuộc chiến tranh này.
Hà Nội nghèo khó khủng khiếp. Thật khủng khiếp. Nơi này mang nặng một nỗi buồn. Chiến cuộc kéo dài quá, những hy sinh to lớn quá, làm cho con người bình thường trở nên quá sức bơ phờ. Họ kiệt quệ, thiếu thốn từng miếng ăn. Tôi đã từng du lịch qua rất nhiều quốc gia nghèo khó, nhưng chưa hề bao giờ chứng kiến một nơi nào nghèo khó như vậy trên khắp thế giới này.
Các thủ lãnh miền Bắc đã vận dụng nhiều khí cụ văn hoá để theo đuổi cuộc chiến: Lòng trung với đất nước, lòng trung với đảng Cộng sản được vận dụng khéo léo, và đã có kết quả với những người dân ấy. Sau này khi phỏng vấn tù nhân Bắc Việt tại miền Nam, tôi khám phá được họ là những thiếu niên bất hạnh. Trong hàng ngũ họ, nhiều người bỏ trốn, nhiều người đào ngũ. Ngày nay, người ta lại có thể chứng kiến một lần nữa sự bất hạnh nơi những thuyền nhân, nơi kinh tế Việt Nam bây giờ xáo trộn tới đâu.
Các ký giả đến Bắc Việt là một nhóm người được lựa chọn cẩn thận. Họ trở về với những hào quang rực rỡ, giống như những người đã đến Trung quốc vào thời Cách mạng văn hoá. Nhưng những người Đông Âu biết rõ các thủ lãnh Bắc Việt đều hỏi: “Bọn khùng nào thế?” Họ đã chứng kiến những gì xảy ra.
Khi tôi nói chuyện với Lê Đức Thọ và Phạm Văn Đồng về các tù binh chiến tranh, họ chăm chăm nhìn tôi với cặp mắt lạnh lẽo mà hỏi: “Anh nói cái gì? Hai, ba trăm con người à? Kể gì chuyện ấy. Chúng tôi tổn thất cả 200,000 người ở miền Nam, và sẽ không bao giờ gặp họ nữa, vậy có ai quan tâm không?” Thái độ ấy rất nhẫn tâm, và cùng một lúc, cũng làm người ta nghẹt thở. Nó bật sáng những ngọn đèn trong đầu óc người ta. Sau này tôi bảo: “Tất nhiên, làm thế nào họ có thể hiểu tại sao chúng ta quan tâm đến vài trăm tù binh, trong khi họ không có cách gì biết được số phận hàng triệu người của họ?” Đời sống của họ là như thế. Tôi tự bảo: “Chúa ơi, kinh khủng quá.” Thế nên ý tưởng của tôi về “cái lý do thần thánh” đã sứt mẻ nghiêm trọng vì chuyến đi Hà Nội. Tôi là một kẻ đáng tức cười. Khi đi, tôi là người chống chiến tranh. Lúc về, tôi thành người chống Bắc Việt. Tôi nghĩ những người như Jane Fonda đến Bắc Việt đã không chịu quan sát. Những người ấy hoặc chưa được huấn luyện đầy đủ, hoặc căn bản là không nhìn ngó. Họ bị thôi miên vì tiệc tùng, vì những cuộc nghênh đón hoan hô, mấy chuyện như vậy thôi.
Tôi trở nên một phóng viên báo chí trong thời gian này. Tôi viết một loạt bài về chuyến viếng thăm Hà Nội cho báo Times. Sau khi bài đầu tiên xuất hiện, viên Tổng giám đốc phát hành cho gọi chủ bút lại hỏi “Butterfield là ai vậy? Hắn làm gì ở Hà Nội? Tiểu sử thế nào? Hắn là ai?” Một thời gian ngắn sau đó, tôi làm cho tờ New York Times ở New York. Tôi bỏ chương trình lấy Tiến sĩ vì một số lý do. Trước nhất, đề tài luận án mà tôi soạn là thứ đề tài chẳng đi đến đâu. Thứ hai, tôi đã theo ban cao học quá lâu. Thứ ba, bấy giờ là thời của những tay tranh đấu. Tại các Đại học Mỹ bấy giờ người ta chỉ muốn tham dự vào hành động. Cho nên việc lấy bằng không hấp dẫn tôi nữa. Và khi bắt đầu viết cho báo Times, ngày hôm sau nhìn thấy bài của mình in trên báo, thì Chúa ơi! Còn gì thích cho bằng.
Mùa Xuân năm 1971 tôi được gọi đến phụ giúp việc thực hiện “Tập tài liệu Ngũ giác đài.” Sau khi tập tài liệu này phát hành, báo Times gửi tôi đi Newark chừng một tháng, rồi gửi tôi sang Sàigòn. Được nhận công tác này quả là một phần thưởng cho việc biên soạn tập tài liệu Ngũ giác đài ấy.
Về các cá nhân đã đi Hà Nội với tư cách thông tín viên, không một ai sau đó đến Sàigòn, ngoài tôi. Những người đã đi Hà Nội cho rằng “Chúng tôi đã biết tất cả những gì cần biết về Việt Nam rồi.” Harrison Salisbury là một ví dụ về việc này. Ông ta quá tệ trong vấn đề Việt Nam. Hãy đọc các cuốn sách của ông. Hãy đọc các bản tin của ông mà xem. Ông ta đã sai lầm trong tất cả những đề tài trọng yếu về Việt Nam.
Sàigòn là một thành phố sung túc, dân chúng tương đối tự do, vậy mà người ta đã mô tả một cách xấu xa với đầy rẫy cô nhi trên đường phố. “Vâng, đúng như vậy”, tôi có thể bảo họ, “nhưng thử ra Hà Nội mà xem tình trạng xấu đến đâu.”
Tại miền Nam, quả có những người tù chính trị, nhưng ở miền Bắc lại có nguyên những nhà tù to lớn để giam biết bao tù nhân chính trị. Tôi đã nói chuyện với một số ký giả Đông Âu ở miền Bắc, họ đều nghe nói việc ấy.
Lúc tôi đến Việt Nam lần này, lính Mỹ đã trở nên bê bối, lường biếng và bất cần. Đó là năm 1971. Tôi nỗ lực gặp gỡ và gần gũi càng nhiều người Việt càng tốt, thay vì gặp gỡ người Mỹ.
Lần này, tôi đến với một viễn tượng cụ thể. Trước kia, những người đến Việt Nam đều tin tưởng vào chính nghĩa Hoa Kỳ. Sau này, các thông tín viên đến Việt Nam để hoạt động chống chiến tranh. Rất ít người như trường hợp tôi: Khởi đầu bằng các phong trào chống chiến tranh, rồi đã có những thay đổi trong suy tưởng, trong các kết luận. “Việc ấy không phải đơn giản như thế.”
Vì chương trình học vấn của tôi, tôi muốn tìm đến một ngôi làng Việt Nam có nhiều tiếng vang, tôi muốn kiếm một ngôi làng Cộng sản. Tôi xuống Long An. Trước đấy, tôi đã có đọc một cuốn sách của Jeffrey Race nhan đề là “Long An trong chiến cuộc,” một cuốn sách hay nhưng sai lầm từ đầu đến cuối. Thật ra cuốn sách đúng 100 phần trăm, nhưng tới khi tác giả viết xong thì quyển sách đã mất nội dung thực tế. Quyển sách được viết cho đến thời điểm Mậu Thân 1968, và sau cái Tết này, mọi việc đã hoàn toàn thay đổi. Tất cả du kích trong vùng vào Sàigòn chiến đấu đều tử trận. Rồi sau đó Sư đoàn 9 Hoa Kỳ càn đến vùng này, đã quét sạch tất cả cán binh Cộng sản còn sót lại. Cho nên tôi đã bình thản đến làng này mà đi quanh. Quả đó là một ngôi làng từng có cơ sở ủng hộ Cộng sản, nhưng lần này khi đến, tôi có thể tản bộ và ngủ đêm tại đây. Tôi mang theo một thông dịch viên, Nguyễn Ngọc Lương, và tôi đi lại nơi ấy đến mấy lần.
Kết luận của tôi về ngôi làng này là các lý do chính trị của cuộc chiến đã mất rồi. “Suốt những năm chiến tranh khủng khiếp, những hy sinh, bắn giết đã ảnh hưởng nặng nề trên dân chúng, làm cho họ thực sự không còn quan tâm gì nữa. Họ chỉ muốn sinh tồn. Họ khinh bỉ chính phủ Sàigòn về tình trạng nhũng lạm và sự bất tài của chính phủ này, nhưng họ lại sợ hãi Cộng sản về đường lối nặng nề tàn bạo chỉ kêu gọi mộng tưởng mà không kể gì đến bản tính con người. Đối với dân chúng, cái đúng cái sai của một chuỗi mâu thuẫn dài dặc, đã hoàn toàn bị vất bỏ, mà vấn đề thiết yếu chỉ giản dị là làm sao để sống còn thôi.”
Cuộc chiến này không tốt hơn mà cũng không xấu hơn tất cả những cuộc chiến tranh khác. Tướng Weyand có nói rằng bài học chúng ta nhận được tại Việt Nam đó là: Chiến tranh thực bỉ ổi, nhưng đã lâm chiến thì phải dấn mình vào tất cả mọi khía cạnh cuộc chiến. Chiến tranh là giết hại, chết chóc, kinh tởm. Chiến tranh là những gì tuyệt đối xấu xa, nhưng người ta không thể nghĩ khác hơn. Còn nếu không chấp nhận được chuyện ấy, hãy tránh ra.
Nhiều người cho chúng ta có những ác tâm hiểm độc ở Việt Nam, chúng ta xấu xa, người Cộng sản Việt Nam là những người lương hảo. Điều đó là tin tức sai lầm về những chuyện khủng khiếp của cuộc chiến này. Chiến tranh Việt Nam cũng chẳng kém gì những cuộc chiến khác mà chúng ta đã tham dự, tuy nhiên nó đã quá dài so với cuộc đệ nhất hay đệ nhị thế chiến, chúng ta nên nhớ như vậy thôi.
Việc miêu tả về những vụ đánh bom là một ví dụ. Tôi nhớ khi chính tôi tuyên đọc những bài diễn văn phản chiến về các vụ dội bom tại Việt Nam, tôi đã nói về hàng tấn bom mà chúng ta dội xuống. Thế rồi, khi đến Việt nam, đầu tiên tới Hà Nội, tôi cố tìm những chỗ bom tàn phá mà chẳng thấy đâu, thành thực mà nói. Và rồi khi đến miền Nam, tôi sửng sốt về hàng tấn bom chúng ta đã dội nhưng cũng lại chẳng thấy những chỗ tàn phá ở đâu. Chúng ta quả đã dội hàng triệu tấn bom, nhưng chúng ta dội ở trong rừng. Có lẽ, chúng ta đã giết hại một ít người, nhưng chúng ta không hề tiêu hủy các thành phố. Những mô tả về các vụ đánh bom là không chính đáng. Người ta dội bom ở trong rừng, chứ không dội ở đâu khác.
Đến thời điểm 1972, tôi không lấy làm lạc quan nữa. Sau khi hiệp định Ba Lê ký kết, người miền Nam cần phải được Mỹ tiếp tục viện trợ mới giữ cho miền Nam sống sót về phương diện kinh tế, và phải được Mỹ tiếp tục hỗ trợ không lực, thì mới sống sót về phương diện quân sự.
Vào tháng Chín năm 1973, tôi rời khỏi xứ. Tôi nói với người đến thay tôi rằng: “Bạn hãy nhớ, cuộc chiến này sẽ có một kết thúc quân sự. Chớ quên điều ấy. Bạn sẽ phải ra đi và phải nắm lấy những tin tức ấy.”
Tôi sang Tokyo năm 1973, cho đến tháng Ba năm 1975, người ta yêu cầu tôi trở lại Việt Nam.
Tôi lên Pleiku tháng ba năm ấy, nơi đây tôi đến tìm gặp người sĩ quan báo chí tại Bộ Tư lệnh quân đoàn II. Người sĩ quan này luôn luôn giữ một cuốn sổ báo chí nho nhỏ, mỗi lần có các thông tín viên đến, anh ta yêu cầu mỗi người ký tên vào quyển sổ. Lần này khi anh mang cuốn sổ cho tôi ký, tôi thấy người thông tín viên cuối cùng đã ký vào đấy lại chính là tôi đã ký năm 1972. Từ đó đến nay không hề có ai. Không một thông tín viên nào đến cao nguyên, họ đã quên bẵng cuộc chiến vùng này.
Sau năm 1973, các phóng viên tin ở hiệp định Ba Lê, họ đều bị mê hoặc và chú ý vào việc Sàigòn và Bắc Việt đã có các nhân viên tề tựu trong cái căn cứ nhỏ ở Tân Sơn Nhứt. Không ai buồn ra ngoài chứng kiến cuộc chiến thực sự thế nào nữa.
Ở Pleiku, tôi đến thăm một số người Việt. Tôi biết nhiều người ở đó. Tôi gặp một người Việt làm liên lạc cho Trung ương Tinh báo Mỹ, một tay khá lanh lợi, và thăm một số người làm cho tình báo của văn phòng Tùy viên Quân sự Mỹ. Những người Việt và người Mỹ tại đây vạch rõ cho tôi thấy một cách chính xác những gì đang diễn ra. Những người tại đây trên căn bản đều biết rõ quân đội Bác Việt đóng tại đâu, số hiệu các đơn vị, vị trí và mục tiêu của họ. Tôi lên vùng ấy chính là để được nghe những trình thuyết này.
Tôi bèn viết một bài nói về kế hoạch Bắc Việt đang sửa soạn tổng tấn công. Tôi vạch ra mối hiểm nguy của cuộc tấn công này đang treo lơ lửng trên đầu chúng ta, tôi nói cao nguyên sẽ sụp đổ và không một ai có thể lường trước được những hậu quả tàn khốc đến đâu.
Tôi cũng tìm ra một sự kiện nữa trên vùng cao nguyên là giá bán bạch phiến hạ xuống rất thấp sau khi lính Mỹ rút đi. Những tay buôn người Tàu đang kẹt một khối lượng bạch phiến khổng lồ mang từ Thái Lan vào. Những binh sĩ vùng cao nguyên không có việc làm nhiều thường mắc phải bạch phiến. Loại bạch phiến này gần như hoàn toàn nguyên chất, rất mạnh, không pha chế.
Binh sĩ rất xuống tinh thần, lúc bị căng thẳng họ trở nên hoàn toàn vô hiệu quả. Tại một sân bắn nọ, không ai làm gì, suốt ngày chỉ ngồi một chỗ say lơ mơ. Sau khi nói chuyện với họ, tôi tìm ra được là có một tỷ số rất cao trong hàng ngũ binh sĩ chiến đấu tại vùng cao nguyên đã trở nên nghiện ngập. Riêng tại Pleiku, việc này đặc biệt chính xác vì đầu nậu bạch phiến chính lại là con trai viên tỉnh trưởng. Người này làm tại trung tâm hành quân, giá bạch phiến của anh ta rất thấp, rất dễ mua. Vùng này ở trong điều kiện tệ hại, lính tráng lại đầy nhược điểm như thế nên rất dễ tấn công.
Tôi đi thăm khắp cao nguyên, viết thêm một số chuyện nữa, sau đó xuống đồng bằng để viết một số chuyện khác, tôi luôn luôn tìm hiểu các lực lượng quân đội căn bản ra sao.
Dân chúng Hoa Kỳ đã quay lại chống đối chiến tranh. Bất cứ việc gì xảy ra trong cuộc chiến đều bị coi là hoàn toàn không thích đáng. Thế rồi chúng ta rút đi. Việc rút quân của Mỹ chẳng những gây các hậu quả chiến thuật mà còn gây nhiều tác hại tâm lý. Nay binh sĩ Nam Việt Nam mỗi lần đi tuần tiễu đều đinh ninh trong đầu rằng: “Chúng tôi không còn không quân yểm trợ, cũng chẳng có pháo binh yểm trợ, và các tư lệnh địa phương chỉ còn bắn hai loạt mỗi ngày.”
Đúng như vậy. Những phương tiện chủ yếu đều mất. Chẳng hạn việc đi cao nguyên, người ta chỉ có thể đến đó và trở ra mau chóng bằng đường hàng không. Nay khi các yểm trợ không quân của Mỹ không còn, người ta chỉ trông nhờ vài chuyến trực thăng mỗi ngày. Như thế làm sao có thể chống đỡ cho hai sư đoàn? Làm sao nổi, trong khi tại miền này Bắc Việt có đến bốn, năm, sáu Sư đoàn?
Tôi đã chứng kiến những hậu quả vụ tấn công tháng chạp tại vùng đồng bằng. Kể từ sau Mậu Thân, trận tấn công lớn đầu tiên của Cộng sản tại đồng bằng xảy ra tháng chạp 1974. Sự thành công ở trên mức mong đợi của họ. Nam Việt Nam mất một khoảng đồng bằng mà họ đã từng không bị mất kể từ Tết Mậu Thân. Thực rõ rệt, người miền Nam không còn ý chí ngăn chận Bắc quân nữa.
Tôi ở Việt Nam trong ba tuần lễ vào tháng Ba 1975, đã chứng kiến nhiều điều đáng kinh ngạc. Bắc quân mở cuộc tiến quân quy mô và Nam quân đã xuống tinh thần một cách cực kỳ bi thảm. Ở cao nguyên họ là một mục tiêu dễ dãi – họ ngồi như vịt, không hành động gì, không kế hoạch gì. Tôi viết một bài về chuyện này, nhưng không ai chú ý. Không người nào chú ý đến việc ấy cả.
Tôi trở về Tokyo. Sau đó, sang Áo trượt tuyết, kỳ nghỉ này đã được định trước. Khi đang đi trượt tuyết được ba ngày thì Ban Mê Thuột bị tấn công. Tôi đọc tin này trong tờ International Herald Tribune.
Tôi điện thoại cho viên chủ bút phụ trách phần hải ngoại của tôi mà nói: “Chuyện này có vẻ như cái khởi đầu của chung cuộc đã xảy ra đây. Nếu ông cần người, tôi sẽ về bên đó.” Tôi muốn biết chuyện gì sẽ xảy ra, tôi nghĩ tôi vẫn có thể làm công việc một cách tốt đẹp. Một vài ngày sau, cuộc triệt thoái cao nguyên bắt đầu.
Tôi điện thoại lần nữa. Lần này viên chủ bút bảo “Được rồi. Đi đi.” Tôi nhảy lên tàu lửa sang Zurich, bắt một chuyến bay sang Sàigòn mang theo cả đôi giầy trượt tuyết.
Khi tôi đến, Pleiku đã mất, cuộc tấn công bắt đầu thành tựu. Tôi khám phá ra viên trưởng phòng của tờ báo Times là Jim Markham đã lánh sang Bangkok và không bao giờ thò mặt quay lại Việt Nam nữa. Tuy nhiên viên trưởng phòng cuối cùng này đã làm được một việc lỗi lạc. Ông ta tìm được một chiếc máy bay thuê bao. Chiếc máy bay này thuộc hãng dịch vụ hàng không Continental,ở đó hãng này có vài chiếc máy bay. Đây là loại máy bay gián điệp, do một tay nguyên ở Lực lượng Đặc biệt lái, một tay lớn con lúc nào cũng đeo kè kè khẩu súng lục. Trong sáu tuần lễ cuối cùng của cuộc chiến, chúng tôi đã được anh ta lái quanh với chiếc máy bay ấy.
Chuyến đầu tiên tôi đi với anh ta là chuyến ra Đà Nẵng, chính xác đó là ngày cuối cùng Đà Nẵng còn ở trong tay người miền Nam Việt Nam. Rồi tôi bay đến Nha Trang, cũng là ngày cuối mà người miền Nam còn kiểm soát được. Rồi tôi lại đi Phan Rang. Chúng tôi đi rất nhiều nơi, luôn luôn là người cuối cùng rời khỏi những nơi ấy vì lẽ chúng tôi có máy bay riêng.
Tôi trở nên liên hệ mọi chuyện xảy ra với đầy xúc cảm. Cái ngộ nghĩnh là trong vài tuần lễ đầu tiên của cuộc tiến công, người Sàigòn vẫn không thể tin là những tệ hại nhất sẽ xảy ra. Nhưng người Mỹ ra vùng ngoài, đã chứng kiến những gì xảy ra ở Huế, Đà Nẵng, đã chứng kiến những vụ hỗn loạn, đều biết chung cuộc đến rồi. Và những vụ hỗn loạn bắt đầu lan rộng, nhưng cũng phải mất một thời gian ba, bốn tuần mới đến Sàigòn. Chẳng bao lâu, tất cả những người Việt quen biết đều tới yêu cầu chúng tôi giúp đỡ. Tại văn phòng, chúng tôi đã trả lời họ rằng chúng tôi sẽ chỉ làm được những gì trong khả năng chúng tôi thôi.
Bấy giờ giới thông tín viên rõ rệt chia ra làm hai nhóm. Một nhóm theo quan điểm của toà Đại sứ cho rằng sẽ có thương thảo. Một nhóm khác không tin là sẽ có sắp đặt thương thảo gì. Phần tôi nghĩ đời nào người miền Bắc chịu nhận nửa ổ bánh mì trong khi họ có thể lấy trọn ổ. Đồng thời tôi cũng không tin chiến thắng của Bắc Việt sẽ cải thiện Việt Nam hoặc cải thiện gì thế giới.
Nhưng người Mỹ không có sự lựa chọn. Không cách gì chúng ta có thể làm cho Bắc Việt trả giá và ngưng lại nữa. Một khi chúng ta đã quyết định, làm sao có thể thay đổi. Cái bi đát là chỉ người Việt Nam đã thua thiệt xiết bao.
Cuộc di tản cuối cùng trở nên lộn xộn đến độ khôi hài. Tôi có một căn phòng trên tầng thượng khách sạn Caravelle. Tôi là người khách duy nhất trên tầng thượng, nơi đây có một quán rượu. Chỗ này làm tôi bồn chồn vì nếu Bắc quân pháo thành phố, nếu có quả rốc-kết nào rơi xuống phía đường trước khách sạn, cái tầng thượng này sẽ bị thổi tung.
Đêm cuối cùng tại đó, tôi ngủ một giấc không yên, thỉnh thoảng giật mình. Mặt trời vừa lên là tôi đi ngay đến văn phòng, chỉ cách đấy một khu đường. Tôi viết đi viết lại những câu chuyện từ đêm trước, thêm các chi tiết cập nhật, ghi việc hai người lính Thủy quân Lục chiến Mỹ tử thương tại Tân Sơn Nhứt, và việc lính Bắc Việt bây giờ đã có mặt trong thành phố này rồi.
Những bài viết đó chiếm một khoảng thời gian. Thế rồi, tôi nghe bảo lính Bắc Việt đã tiến đến khu vực gần ngay Sở thú Sàigòn. Tôi và thông dịch viên Lương định đến đấy xem sao. Tôi chạy xuống thang, cái xe của văn phòng đã đi mất, nhưng Jim Markham còn bỏ lại một chiếc Volkswagen. Tôi nhảy vào xe, xe không nổ. Tôi mất chừng mười lăm phút cố mở máy, xe vẫn không chạy. Cuối cùng Bal Browne ra đường, rồi vào nói: “Rút dây rồi. Chúng ta sẽ phải di tản. Đi thôi.” Bấy giờ tôi đang ở phía ngoài văn phòng. Bấy giờ giới nghiêm 24 giờ, không ai được ra đường. Tôi quay vào văn phòng, mở ngăn kéo, bốc mớ hồ sơ giấy tờ của tôi. Tôi nghĩ nếu cần phải bảo vệ cái gì quý báu, thì chính là những giấy tờ này. Rồi tôi quay lại khách sạn Caravelle, lấy một cái túi hàng không cỡ nhỏ của tôi. Tôi bỏ hết giấy tờ vào túi, xuống thang. Chúng tôi đi bộ đến điểm hẹn, nơi chúng tôi đã được dặn trước, ở phía dưới đường Tự Do. Chúng tôi đến chờ xe buýt, nhưng không một chiếc xe buýt nào đến. Chúng tôi đợi đấy không lâu, nhưng hiển nhiên, không có gì xảy ra ở đấy. Chúng tôi cuốc bộ tới một khu bịnh xá, lại chờ buýt, xe buýt lại không đến. Chúng tôi đợi chừng một, hai giờ đồng hồ nữa thì lúc ấy người Việt đã kéo đến đông hơn người Mỹ. Gần đấy có một khu chung cư, chúng tôi nẩy ý nghĩ là có thể trực thăng sẽ đến đậu trên nóc mà đón chúng tôi. Tuy nhiên cửa khoá, chẳng có lối nào vào chung cư này. Vì thế chúng tôi cứ đợi, rồi (các ký giả) Keyes Beech và Bob Shaplen đều đến nhập bọn với chúng tôi.
Tôi bắt đầu lo. Cái lo lắng nhất của chúng tôi là làm sao đương đầu với các thường dân Việt Nam trên đường phố lỡ có chuyện gì xảy ra. Lẽ tự nhiên trong một tình trạng như thế, họ rất dễ mất bình tĩnh. Trong thực tế, không kể xiết số người Việt đang cố len vào xe buýt, và quả có một số cũng đã vào được.
Khi đến Tân Sơn Nhứt, trong lúc cố vào bên trong thì nghe tiếng súng nổi lên. Cổng vào được cản lại, bên trong có lính. Họ đang tức tối giận dữ. Họ chận chúng tôi một lúc, cuối cùng cho phép chúng tôi vào. Chúng tôi đi xe vào, vừa đến ngang căn cứ Mỹ bên phía trái chúng tôi, thì một quả rốc-kết bay ngang, chúng tôi có thể nghe tiếng rít rồi xé nổ tung căn cứ Mỹ, chỉ cách xe buýt chưa đầy 50 thước. Miểng đạn và các thứ văng qua xe. Rất gần. Chúng tôi có thể nhìn rõ những chiếc trực thăng bên trong bốc lửa.
Giây phút ấy khá kinh hãi. Cuối cùng, chúng tôi rút vào căn cứ văn phòng Tùy viên Quân sự. Chúng tôi đứng thành hàng dài, chia từng nhóm, mỗi nhóm 50 mươi người mà lính Thủy quân Lục chiến Mỹ gọi là mỗi “cột.” Họ có súng máy, súng cối, họ đang bắn. Tôi bước đến hỏi họ bắn cái gì. Họ trả lời họ đang bắn “bọn bất hảo.” Nhưng tôi không thấy có ai ở đấy cả. Trong lúc đứng xếp thành hàng dài và chuyển dần lên, có nhiều người pha trò. Họ bảo: “Này, mấy bạn đứng phía cuối. Khi đi, xin vui lòng tắt cái ánh sáng ở cuối đường hầm nhé!”
Khi chúng tôi tiến lên được đầu hàng, một viên Đại úy Thủy quân Lục chiến nói “Vứt hết mọi thứ xuống, chạy cho kịp!” Vài người vội vã vứt tất cả xuống đất, có người lễ mễ ôm cái máy đánh chữ, vân vân. Tôi chỉ có cái túi xách quần áo lót, mấy đồ vặt, ném hết, chỉ giữ những tấm giấy ghi chú. Và khi họ hét: chạy, là chúng tôi chạy. Tôi đợi cho tất cả mọi người trong hàng “cột” vào cả trực thăng, thì tôi nhảy vào.
Tôi vẫn cầm bằng là mình không đi thoát trong lúc bay ra. Tôi tự hỏi không biết đối phương sẽ nã rốc-kết lúc nào. Trên đường vào Tân Sơn Nhứt, chúng tôi đã chứng kiến một máy bay của không quân Nam Việt Nam, một chiếc C-119 vừa cất lên được từ 600 đến 1000 bộ Anh thì đụng ngay một trái rốc-kết, vỡ tan tành. Chiếc máy bay chở đầy người. Tôi lo nghĩ: nếu họ có thể hạ chiếc ấy thì họ cũng có thể hạ chúng tôi. Tôi tiếp tục có cảm giác bất an như thế cho đến khi bay tới biển Nam Hải.
Trên đường bay ra khỏi Việt Nam, tôi cảm thấy buồn bã cho những người đang mất nước. Khi theo học về Trung Hoa, tôi biết những gì đã xảy ra ở đấy sau năm 1949. Bây giờ, những gì tương tự chắc chắn sẽ xảy ra ở miền Nam Việt Nam. Tôi biết tất cả cung cách của đời sống cũ sẽ chấm dứt, và những người trước đây từng liên hệ đến chúng ta, nay thế là tuyệt đối kết thúc.
(1) Students for a Democratic Society – Sinh viên tranh đấu cho Xã hội Dân chủ.
(2) Arm and Hammer là một tỉ phú Mỹ nổi tiếng. Ghi chú của dịch giả.
KEYES BEECH
(Nhật báo Chicago Daily News)
“Lạy Chúa toàn năng, tại sao họ có thể làm như thế?”
Trước khi nói về Á Châu và Việt Nam, tôi cần mở lời mào đầu rằng tất cả chúng ta đều là sản phẩm của thời đại và môi trường chúng ta. Tôi thuộc thế hệ Đệ nhị thế chiến. Tôi vẫn thích chiến thắng hơn chiến bại. Kể cả chiến tranh Việt Nam cũng vậy. Cho nên, có lẽ dù tôi là một kẻ thua cuộc tệ hại, nhưng tôi vẫn không thích cái lối mà mọi sự đã diễn ra ở đấy.
Tôi không thích cái lối mà mọi sự đã xoay chuyển ở đấy, và tôi cho rằng không cần phải để xảy ra cách thức ấy. Nhưng đây là một câu chuyện thật dài, tôi không muốn phải… đánh một trận chiến Việt Nam từ đầu trở lại một lần nữa.
Tôi là một loại già nua lỗi thời và đã biết quá nhiều về cuộc chiến ấy, ngay cả từ trước khi đến Việt Nam. Đối với đa số thông tín viên có mặt ở đấy, họ đều là những người trẻ dễ thương, chịu khó, đôi khi rất gan dạ, xông xáo tìm tin, đủ mọi thứ, tuy nhiên đây vẫn là cuộc chiến đầu tiên họ tham dự. Phần tôi, tôi chẳng lấy gì hứng thú lắm về cuộc chiến này. Tôi cũng gần như chẳng bị xáo trộn gì về ý niệm đạo đức, như phần lớn các thông tín viên khác đã bị. Đối với tôi, mọi cuộc chiến đều vô-đạo- đức, và một vài cuộc chiến này có thể ít vô-đạo-đức hơn một vài cuộc chiến khác, có lẽ. Tôi đã là Thủy quân Lục chiến tại Thái Bình Dương thời Đệ nhị thế chiến. Là thông tín viên chiến trường của Thủy quân Lục chiến trong trận Triều Tiên. Rồi từng làm tin ở rất nhiều nơi khác, từ các cuộc cách mạng nho nhỏ đến các cuộc chiến be bé khắp Á Châu, phần lớn tại Đông Á, tại các cuộc chiến Ấn Hồi. Và chót hết, là trận chiến Pháp tại Đông Dương. Cho nên tôi không phải là kẻ lạ mặt trong bối cảnh này.
Tôi cư ngụ tại Sàigòn từ năm 1965. Bấy giờ tôi đang viết cho tờ Chicago Daily News và cho Dịch vụ hải ngoại của Chicago Daily News. Cùng thời ấy, cũng có các tay ký giả khác đến Việt Nam với tôi như David Halberstam, Mai Browne và Neil Sheehan. Trước đó tôi vẫn phải di chuyển giữa Tokyo, nơi tôi cư ngụ, và Sàigòn, cho mãi đến năm 1965. Bấy giờ vì chúng ta đã gởi quân chiến đấu sang và phải viết thường trực, nên tôi đến ở luôn đấy. Tôi ở đây mãi cho đến 1971, trừ một thời gian ngắn rời khỏi xứ. Rồi tôi đi Hồng Kông. Nhưng không bao giờ tôi thực sự rời xứ này. Người ta không bao giờ thực sự rời Việt Nam, và tôi vẫn cứ đi đi, lại lại như thế.
Khi bản hiệp định Ba Lê được công bố, ngay đám phóng viên phản chiến – Đám phóng viên trẻ – cũng phải thốt lên rằng: “Đây quả là chuyện bán đứng.” Tất nhiên, đó là việc bán đứng. Cho đến thời điểm này, chúng ta chỉ quan tâm có một việc duy nhất thôi: Làm sao lấy được tù binh về. Chúng ta cóc cần chuyện gì khác. Đúng vậy. Và để đổi lại việc lấy tù binh về, chúng ta hợp thức hoá cho sự hiện diện của quân Bắc Việt tại miền Nam, dàn xếp cho Bắc Việt có thể tùy thích đánh thắng người miền Nam. Đó chính thực là khởi đầu của một sự kết liễu. Tôi không hề thấy Hoa Kỳ đặt cho miền Bắc một mối đe dọa nào sau đó. Tôi cho rằng chẳng một ai bị bịp gì về việc này. Thực quá rõ rệt chúng ta đã rút ra, cuộc chiến đã kéo dài hơn chúng ta mong muốn. Tôi nghĩ làm ăn như thế là không tử tế. Tôi cảm thấy việc chúng ta đối xử với chính phủ Nam Việt Nam, một chính phủ hoàn toàn tùy thuộc vào chúng ta, như thế là đê tiện. Thiệu không đích thực là người thuộc cỡ chính trị gia uy tín, nhưng trong quan điểm của tôi, ông không tệ hại như cách chúng ta tạo ra. Tôi nghĩ ông đã cố gắng hành động tốt nhất với tất cả khả năng của ông, trong điều kiện và hoàn cảnh ấy. Tôi nghĩ chính chúng ta mới là bọn đê tiện trong sự đối xử với ông Thiệu.
Xin quý vị nhìn xem cách chúng ta áp đặt các tiêu chuẩn luân lý của chúng ta, những thứ quy tắc dân chủ của chúng ta lên một quốc gia chưa hẳn là một quốc gia, Lạy Chúa tôi! Đây chỉ là một nửa miền Nam của cái bán đảo chưa được thống nhất và đã có hai ngàn năm lịch sử. Vậy mà chúng ta đã đòi hỏi, đã yêu cầu họ phải sắp xếp, phải bầu cử, phải làm đủ mọi trò tử tế với cái lối chúng ta vẫn muốn những chú đồng minh bé nhỏ của chúng ta phải làm, phải tôn trọng nhân quyền, Lạy Chúa, chúng ta giờ đây vẫn đang tiếp diễn những trò ấy dưới miền Nam Mỹ.
Tôi sẽ không đi quá xa để nói rằng chính là giới báo chí đã làm chúng ta thất trận, nhưng quả họ đã phụ giúp sự thất trận. Họ không cố ý như thế, nhưng những bài viết, những bản tin tiêu cực một cách tàn nhẫn, không xót thương, không đếm xỉa đến viễn tượng, thì trong quan điểm của tôi, đã là những gì xói mòn sự yểm trợ cuộc chiến. Tất nhiên, cũng còn nhiều dữ kiện quan hệ hơn thế. Ví dụ như việc Lyndon Johnson không bao giờ cố gắng giải thích cho dân chúng Hoa Kỳ hiểu ý nghĩa cuộc chiến này là gì. Ông e sợ dân chúng nổi nóng và sẽ thiệt hại phần nào đến chương trình “Đại Xã Hội” của ông ta.
Tôi cũng cho rằng các ký giả truyền thanh truyền hình đã tạo nhiều tác động mãnh liệt hơn giới ký giả làm báo. Một thông tín viên làm báo không có danh dự gì lắm trong xứ anh ta đến làm tin bởi lẽ ít khi người ta nhìn thấy được đồng nghiệp của họ làm gì. Còn đối với tôi, mặt khác trong ngành truyền hình, dẫu các thông tín viên có giỏi đến đâu, bản chất truyền hình vẫn là việc làm ăn kiểu sân khấu điện ảnh. Tôi xin cho quý vị một ví dụ. Tôi quen một phóng viên làm việc cho hãng thông tấn AP (Associated Press). Một tay sáng sủa, nhiều khả năng mà tôi sẽ không nêu tên. Anh ta đã chán hãng tin AP.
Thông tấn truyền hình ABC đề nghị việc làm. Anh ta nhận làm cho họ. Tôi bảo “Thế là cậu vào kỹ nghệ sân khấu điện ảnh rồi phải không?” Anh trả lời: “Không. Tôi sẽ làm việc cách khác. Tôi sẽ làm một cách thẳng thắn. Tôi chắc chắn sẽ thực hiện được. Tôi tin như thế.”
Thế rồi có một vụ biểu tình của một vài nhà sư Phật giáo. Một tên nào đó ném chai bom xăng làm bắt lửa, cảnh sát chạy đến, đuổi theo hắn. Họ chẳng đánh đập ai, chính tôi đi ngang qua, đã đứng lại chứng kiến mọi việc, ở Sàigòn, chuyện này chẳng đáng gì. Việc xảy ra chỉ có mặt chừng hơn chục người tham dự. Tuy nhiên, trong mọi biến cố, người của chúng ta đều có mặt. Anh cựu phóng viên AP đang thu hình, quay phim. Anh ta thâu cảnh ấy, cẩn thận đưa máy lướt qua khắp đường phố để chứng tỏ khách quan rằng mọi người vẫn đi lại bình thường, vẫn làm ăn buôn bán trong đời sống hàng ngày, như thường lệ, trên đường phố Sàigòn.
Tất nhiên phim của anh ta đã làm thành đoạn tin buổi tối. Bản tin truyền hình có lửa khói bốc lên! (Lửa của chai bom xăng trở thành lửa nhà sư tự thiêu!) – Đấy, mọi việc bây giờ trở thành như vậy. Điều ấy cũng hoàn toàn dễ hiểu thôi. Ai mà muốn xem hình ảnh một đống xe cộ chạy qua, chạy lại trên đường? Người ta chỉ muốn xem bóp cò bắn súng “pàng, pàng,” thế thôi.
Anh bạn quả có kèm lời dẫn giải, quả có nói mọi việc làm ăn buôn bán ở Sàigòn vẫn bình thường. Nhưng trong những vụ xáo trộn ở Sàigòn trở lại từ thời 1960, người ta vẫn cứ tưởng cả Sàigòn chìm trong biển lửa. Còn vụ biểu tình này chỉ có mặt vài người. Nhưng người ta đã chiếu ra thế, với đầy đủ màu sắc sống động, lại đặt ngay vào bản tin quan hệ của chương trình truyền hình buổi tối.
Tôi biết, Morley Safer là một phóng viên truyền hình, một người rất đáng tự hào về các công việc của ông ta tại Việt Nam. Dĩ nhiên ông có quyền đưa ra các quan niệm riêng của ông. Bản tin mà Morley làm ở Cảm Nê năm 1965 (thu hình lính Thủy quân Lục chiến Mỹ dùng hộp quẹt Zippo châm lửa đốt nhà dân làng), bây giờ đã trở thành cổ điển, nhưng tôi vẫn nghĩ loại ấy chỉ là loại giật gân gây xúc động. Khi nói thế, người ta có thể bảo tôi sai lệch, vì chính tôi từng là cựu Thủy quân Lục chiến. Tôi có thể bị người ta cáo buộc có thành kiến, nhưng tôi không nghĩ rằng tôi là người có thành kiến. Sự thật xảy ra thế này: Đây là một ngôi làng rất ương ngạnh. Lính Thủy quân Lục chiến đã nhiều lần cảnh cáo. Họ lập đi lập lại nhiều lần rằng nếu có ai tiếp tục bị bắn mỗi khi qua làng, họ sẽ đốt làng. Và tôi nhớ viên Tiểu đoàn Trưởng Thủy quân Lục chiến – người mà tôi quen biết từ nhiều năm tại cuộc chiến Triều Tiên, lúc ấy hãy còn đeo lon thiếu úy – sau khi xem câu chuyện Safer chiếu trên truyền hình, anh ta buột miệng nói: “Vâng, một xạ thủ Thủy quân Lục chiến dưới lằn lửa đạn tất nhiên không thể hành xử như một viên Đại sứ thiện chí được.” Nhưng câu chuyện của Morley Safer trên truyền hình đã không nói gì về những điều như thế.
Một thời gian ngắn sau đó, Safer ra Đà Nẵng bị Thủy quân Lục chiến chơi một vố. Ông ta tìm tôi yêu cầu giúp đỡ. Tôi hỏi: “Ông muốn tôi làm cái gì?” Tôi không phải là loại người hay giúp đỡ đâu. Chưa kể, Morley là một người Gia Nã Đại. Tất nhiên chẳng phải vì ông ta là người Gia Nã Đại mà tôi chống báng, nhưng có lẽ tôi không khoái chuyện người Gia Nã Đại nhảy xổ vào dạy dỗ chúng ta phải vận hành cuộc chiến khốn kiếp ấy thế nào. Tôi nghĩ trong thời gian ấy mọi chuyện đều có vẻ như vậy.
Tôi không tin người ta có thể thực sự đưa ra được sự thật trên vô tuyến truyền hình. Không bao giờ có sự thông hiểu toàn diện giữa một phóng viên tại chỗ và các nhân viên mãi tận New York, nơi người ta phát hình. Tôi cho có lẽ như vậy. Tôi đoán việc ấy dĩ nhiên cũng có thể thực hiện được, nhưng tôi biết đã không xảy ra trong thực tế như thế.
Về mặt khác, tôi nghĩ: Thực cũng rất khó biện hộ cho một số viên chức Việt Nam (miền Nam). Việc người ta cố ý làm cho hình ảnh của họ trở thành xấu xa tệ hại, việc này không khó, vì chính họ cũng đã tự làm cho hình ảnh của họ xấu xa tệ hại rồi.
Nhưng tôi cũng nghĩ sự thiếu hiểu biết của các thông tín viên đã rất lớn lao. Nhiều điều người ta thường mãnh liệt kết án người Việt Nam (miền Nam), nhưng trong quan điểm chính họ, những điều ấy không nhất thiết xấu xa. Lấy thí dụ: Chức vụ Tỉnh Trưởng, một chức vụ được rất nhiều người mong muốn. Đối với Mỹ, tất cả các Tỉnh Trưởng Nam Việt Nam tự trong định nghĩa, đều là những kẻ tham nhũng. Theo tiêu chuẩn chúng ta, họ tham nhũng, vì lẽ họ đã nhận tiền, họ thâu góp mua bán chức vụ: Chủ tịch Xã trả bao nhiêu, Trưởng ấp trả bao nhiêu, người ta đều phải trả tiền cho ông ta. Tuy nhiên trong cặp mắt người Việt, những việc ấy không chướng tai gai mắt đến độ khủng khiếp, vì viên Tỉnh Trưởng cũng sẽ bị xem là xao lãng bổn phận đối với gia đình, nếu ông ta không lo săn sóc cho gia đình, cho bà con ông ta trước. Chúng ta gọi việc này là chế độ gia tộc (nepotism), thói bao che dung túng người nhà, nhưng người ta vẫn thường dễ dãi chấp nhận trong truyền thống. Việc ấy, bấy giờ đã xảy ra như thế này: Thoạt đầu, có lẽ người Việt cũng chẳng nhũng lạm gì hơn mọi xã hội cổ truyền khác. Nhưng rồi chúng ta đã đến với đầy rẫy tiền bạc, mọi thứ đều cùng đến với sự hiện diện của người Mỹ, và người ta trở nên nhũng lạm hơn bao giờ hết, vì đã có quá nhiều thứ để mà nhũng lạm. Với một đề tài như thế, làm sao người ta có thể giản dị diễn tả ra trong một bản tin chỉ có ba phút vào phần tin tức truyền hình buổi tối?
Nội việc nhắc đến những đề tài ấy trong hình thức bản tin cũng đã là một hành vi lăng nhục thái quá. Làm sao có thể diễn tả đầu đuôi, có thể nói hết trong truyền hình, trừ khi làm hẳn một phim tài liệu để diễn tả hoàn cảnh, phong tục, tập quán, tinh thần của người miền Nam Việt Nam. Nhưng không ai chú trọng việc này. Lúc ấy tôi có viết chuyện ấy, thỉnh thoảng nhiều bài được đăng lên báo, nhưng tôi không rõ có ai để ý đến không.
Tham nhũng trở thành một vấn đề khủng khiếp tại Việt Nam khi nó lan tràn xuống các cấp dưới. Nguyên thủy, đời xưa vấn đề tham nhũng trong xã hội Việt Nam chỉ xảy ra ở giới cao cấp thôi. Một phú thương muốn hưởng vài đặc ân, anh ta có thể đến xin yết kiến quan thượng, ông quan này có thể phán: Nhà ngươi đang làm xáo trộn cái dòng yên tĩnh ở đây! Câu đó có thể được hiểu: anh ta cần phải đền bù lại việc đã làm gợn sóng trên mặt nước yên tĩnh của dòng lịch sử đang chảy trôi. Và việc này không ảnh hưởng gì đến nhiều người khác.
Tôi nhớ người đầu bếp của tôi, tên Nguyễn Văn Minh, có lần đến tìm tôi. Anh ta rất xúc động, giận dữ. Anh ta nói Cảnh sát gọi anh, họ chẳng kể gì đến việc anh đã có tám đứa con và đã trên bốn mươi tuổi, nay họ tống giấy bắt anh nhập ngũ. Anh ta không có khai sinh của mấy đứa con để chứng minh. Tuy nhiên Cảnh sát cho biết có thể tìm ra những giấy khai sinh này nếu anh chịu mười lăm ngàn đồng bạc. Vâng, anh Minh nổi giận không phải về việc Cảnh sát đòi ăn hối lộ. Anh Minh nổi giận vì Cảnh sát đòi nhiều quá. Anh Minh cho rằng tổng số mười lăm ngàn là quá nhiều, anh phải thương lượng để hạ bớt, nhưng họ vẫn không chịu – Vâng, chính tôi là người đã trả cho anh ta số tiền hối lộ đó. Anh đã được tha, không phải nhập ngũ nữa.
Tôi ở vị thế khó biện hộ cho người miền Nam Việt Nam, vì chính tôi cũng đã từng chỉ trích họ. Tuy vậy, tôi vẫn không cho rằng họ quá xấu như người ta sơn phết ra. Mặt khác, hãy thử nhìn xem họ có đặc điểm nào đáng đề cao để bù đắp lại hay không? Vâng, nhiều người đã tận tình chiến đấu. Trong hầu hết các cuốn sách viết về những ngày cuối cùng của cuộc chiến Việt Nam, đều thấy bằng cớ nói về các đơn vị đã chiến đấu cực giỏi. Một số sĩ quan, thay vì đầu hàng, đã tự sát.
Cũng đừng nên quên khi Quốc hội cắt viện trợ, sự kiện này có một ảnh hưởng tiêu cực cao độ giáng lên tinh thần binh sĩ miền Nam. Bấy giờ chúng ta đang có mặt trong một xứ sở mà trên nguyên tắc đáng lẽ phải có đầy đủ phương tiện để chiến đấu, và khi rút đi, tối thiểu chúng ta cũng phải cung cấp phương tiện cho họ. Nhưng rồi kết cuộc, chúng ta cắt cổ họng họ bằng việc cắt viện trợ. Tôi không cho hành vi này là một hành vi tử tế.
Khi Ban Mê Thuột mất vào tháng ba, 1975, tôi cảm thấy đây chính là màn khởi đầu của sự kết liễu. Bấy giờ tôi đang ở Tokyo, trên đường về Hoa Kỳ nghỉ phép. Tôi vừa rời Hồng Kông, nhưng vẫn theo dõi mọi sự, tôi bèn vài lần đề nghị văn phòng cho tôi trở lại Việt Nam, vì e một người làm việc không đủ. (Lúc ấy chúng tôi đã có một người tại Việt Nam). Thế là tôi quay lại và đã chứng kiến tình trạng hiển nhiên đang xảy ra. Quả thực Ban Mê Thuộc chính là điểm khởi đầu của kết cuộc.
Trong những ngày cuối cùng ấy, biết bao phái đoàn đã lui tới Việt Nam. Tôi không buồn để ý đến việc lấy tin viết về họ vì lẽ tôi nghĩ các phái đoàn ấy toàn là những tên độc ác ghê tởm. Thực sự mà nói: Không phải tất cả đều xấu. Ngay cả Bella Abzug cũng trở nên mủi lòng khi bà ta chứng kiến những chuyện ở Cam Bốt. Họ không phải là người xấu, nhưng tôi không tin những bọn du khách lượn lờ đến thăm viếng chiến tranh. Về một mặt, chính họ là những kẻ khai thác chiến tranh. Tôi còn nhớ khi Nghị sĩ Ted Kennedy, người mà tôi xem thường – thực vậy, tôi vẫn xem thường ông ta – một lần có đến Việt Nam, rồi đi ra thăm Bình Định, một tỉnh tình hình khá dữ dội. Bấy giờ ông ta đang nói chuyện với một số nhân viên AID (cơ quan phát triển quốc tế) và một vài thường dân Mỹ ở đó. Ông ta bảo: “Thưa quý ông, có điều gì quý ông cần tôi giúp đỡ chăng?” Một anh tên là Krieger bèn bảo “Vâng, có chớ. Ông có thể nằm nhà để yên cho chúng tôi làm việc ở đây.” Kiểu nói chuyện này có lẽ không nên dùng để đối xử với một quan khách thăm viếng, nhưng đấy chính là điều mà anh ta thực sự cảm thấy như thế vậy.
Tôi không bao giờ tiên đoán được cái chung cuộc xảy ra thê thảm như cách chúng ta phải tuôn chạy từ trên nóc nhà toà Đại sứ. Tôi thực sự không muốn nghĩ đến chuyện chúng ta thất trận. Có lẽ, với lý trí, tôi biết chúng ta sẽ thua, nhưng trong tình cảm, tôi khó chấp nhận việc này vì lẽ chúng ta đã đầu tư vào đấy quá nhiều, và theo quan niệm của tôi, chúng ta không cần phải thua cuộc. Tuy thế, lúc ấy, hiển nhiên chúng ta đã bại trận rồi. Trong mắt tôi, chúng ta đã thua cuộc chiến ngay tại Hoa Kỳ, chớ không phải ở Việt Nam. Tôi biết, đó là một bản đúc rập khuôn, chúng ta không bao giờ thua ở các trận đánh, nhưng chúng ta đã thua một cuộc chiến tranh. Và tôi không thể mường tượng giờ chót đã xảy ra như thế. Tôi chẳng bao giờ nghĩ chính tôi cũng phải leo tường chui vào toà Đại sứ tuôn chạy khỏi Sàigòn ngày 29 tháng Tư năm 1975 ấy.
Giữa tháng tư, tôi có ra Xuân Lộc. Tôi không bao giờ nghĩ họ có thể giữ được nơi này. Tôi nghĩ họ sẽ cố đánh một trận ngoạn mục, nhưng tôi không nghĩ nơi này có thể tồn tại lâu được.
Ngày 14 tháng Tư, tôi viết một bài dựa trên các dữ kiện của Trung ương Tình báo mà chúng tôi có, trong bài này tôi nói Hà Nội sẽ tiến chiếm, họ sẽ không buồn chú trọng gì đến các giải pháp tô điểm để giữ thể diện cho miền Nam Việt Nam. Sẽ không có một giải pháp chính trị nào. Họ sẽ vào thẳng mà chiếm đất thôi. Tất nhiên, đấy quả là những gì họ đã làm.
Có một số thông tín viên ở lại, tổng cộng khoảng đâu chừng tám mươi người. Tôi không ở lại, vì hai lý do. Lý do thứ nhất: Tôi biết câu chuyện lớn sẽ là sự sụp đổ Sàigòn. Tôi muốn mang câu chuyện này ra. Tôi không dám chắc tôi có thể gửi bài viết về câu chuyện này ra nếu tôi ở lại. Đó là vấn đề có tính thực dụng. Thứ hai, và cũng quan trọng như lý do thứ nhất, tôi không muốn ở lại. Không, cảm ơn quý vị. Về phương diện tình cảm, tôi không thích chứng kiến bọn Cộng sản kéo vào. Điều ấy không có nghĩa là tôi sợ khi bọn chúng vào, chúng sẽ bắn giết người Mỹ hay đại loại những gì như thế. Và đây là sự thật, sau khi rời Sàigòn, đang ở trên một chiến hạm ngoài biển Nam Hải, người ta loan báo trên máy phát thanh rằng tất cả các thông tín viên ở lại Sàigòn đã bị Cộng sản hành quyết. Tất cả thông tín viên trên tàu cười ồ, bảo “Cứt khô!” Không ai tin chuyện ấy. Không đúng như thế. Tôi không rõ mẩu tin này từ đâu ra, có lẽ chỉ là cái sản phẩm từ lòng mong muốn của bọn quân đội thôi.
Tôi mong được đi Sàigòn sau khi chiến tranh đã chấm dứt. Nhưng người ta trả lời tôi: “Ô, thưa ông Beech, nếu ông trở về Sàigòn, e chừng ông sẽ đụng phải một vài phần tử xấu trong đám bạn bè cũ của ông ở nơi đây.” Tôi bèn bảo: “Tôi không biết vì sao, nhưng tất cả các phần tử xấu mà tôi quen biết tại Sàigòn, bây giờ đều ở Mỹ cả rồi. Tôi nghĩ họ đều đã ra đi cả. Họ được an toàn, chứ không như bọn khốn khổ đáng thương các anh lúc nào cũng phải tự hỏi bữa cơm sắp tới đây, lấy cái gì bỏ vào mồm!”
Đứng về phương diện nghề nghiệp mà nói, tôi rất thích trở lại Sàigòn.
Nhưng tôi sẽ không van nài họ để xin phép trở lại. Tôi là một thông tín viên hải ngoại chuyên nghiệp. Tôi có một tiểu sử ba mươi ba năm làm việc ở Á Châu. Tôi không thuộc loại những cậu phóng viên đặt bản doanh ở Hoa Thịnh Đốn hay ở Los Angeles hoặc nơi nào khác.
Tôi quen (Tướng) John Murray, Tùy viên Quân sự đầu tiên, từ lúc ông hãy còn là một Đại úy ở mặt trận Triều Tiên. Ông là một người rất tử tế. Trước khi rời Việt Nam, ông thường nhiều lần giãi bầy tâm sự với tôi bởi chúng tôi đã có nhiều năm quen biết. Một hôm, ông đầy xúc động. Ông ngồi, nước mắt chảy dài trên hai má. Và ông bảo “Lạy Chúa toàn năng, tại sao họ có thể làm như thế?” Ông biết rằng nhiều đơn vị quân đội miền Nam không còn đủ đạn dược nữa.
Người ta có thể bảo: Ừ, trước sau người miền Nam cũng vẫn bị đánh bại, có cho thêm quân dụng thì chỉ giản dị là kéo dài nỗi thống khổ của cơn hấp hối trước cái chết vậy thôi.
Nhưng nếu người ta có mặt ở Việt Nam lúc ấy, người ta sẽ không có cái nhìn như thế.
BRIAN ELLIS
(Hãng tin CBS)
“Chúng chỉ là những thằng bé đó thôi”
Mùa Xuân 1975 tôi đang điều khiển văn phòng hãng tin CBS tại Saigon, nên đã phải dính líu vào việc di tản nhân viên hãng tin cùng với gia đình quyến thuộc họ. Khi những nhóm đầu tiên bắt đầu ra đi là tin tức lọt ngay ra ngoài. Những tin tức về người ra đi được loan truyền rất nhanh trong cộng đồng người Việt. Chính vì thế, tôi bắt đầu phải tiếp đón những người khách lạ với những cuộc thăm viếng lạ lùng, đến nỗi cuối cùng tôi phải thuê bốn căn phòng trong bốn khách sạn khác nhau. Ban đêm tôi đổi khách sạn, vì người ta săn đuổi, bám theo tôi suốt đêm ngày, mà tôi vẫn phải lo công việc điều khiển hãng tin.
Một đêm kia, Đại úy Anh – người thông dịch của phòng báo chí chính quyền Việt Nam – đến thăm tôi tại khách sạn Continental. Ông ta bảo có nghe nói về kế hoạch này, ông ta biết một số nhân viên người Việt đã ra đi, một số khác nữa cũng sẽ đi. Tôi bảo “Tôi không hiểu ông đang nói chuyện gì”.
Ông ta nói: “Tôi muốn ông thu xếp đưa Trung tá Hiền và tôi ra đi”. Tôi bảo: “Tôi không nghĩ có thể làm như thế. Ông là quân nhân. Tôi không liên hệ chuyện này. Thực ra, nếu tôi biết có ai lo liệu được, họ cũng chỉ đưa các dân sự ra đi thôi”.
Lời nói ấy không hiệu quả. Đêm sau, ông ta trở lại. Lần này ông ta đeo một khẩu súng lục. Ông ta vào phòng tôi, ngồi xuống. Rút khẩu súng để lên lòng. Tay vỗ nhẹ khẩu súng, ông ta bảo việc ông và viên Trung tá của ông ra đi là việc rất khẩn thiết.
Thông điệp đưa ra thực rõ ràng. Nếu khôn hồn phải rán lo cho họ đi.
Bây giờ tôi suy nghĩ: Quả là một vụ phiền phức lớn: Vì nếu giúp họ đi thì làm sao biết họ sẽ mang theo những ai? Tôi sẽ phải di tản toàn bộ quân đội miền Nam Việt Nam hay sao? Tôi bèn tìm đến Đại sứ Martin, yêu cầu một cuộc hội kiến khẩn cấp. Tôi nói: “Tôi đang gặp một vấn đề nghiêm trọng với Đại úy Anh và Trung tá Hiền. Tôi không biết giải quyết ra sao. Bây giờ xin đặt trách nhiệm vào ông Đại sứ. Mấy người này làm cho chính phủ. Tôi nghĩ, nếu họ biến đi, thì đó sẽ là một sự cáo giác sinh tử. Hãy nhớ rằng chưa ai chứng kiến việc di tản. Chưa ai tuyên bố gì về sự cáo chung của miền Nam. Chưa ai nói năng gì về việc ra đi cả”. Bấy giờ chúng tôi đang thực hiện việc di tản một cách bí mật vì lẽ Đại sứ Martin đã khẩn khoản yêu cầu chúng tôi đừng gây ồn ào náo loạn.
Đại sứ Martin nói: “Để tôi lo chuyện ấy”. Tôi không rõ ông đã làm gì, nhưng sau đó, tôi không bị Đại úy Anh và Trung tá Hiền phiền nhiễu nữa. Ngày cuối ở sân tòa Đại sứ, tôi có thấy họ. Tôi biết Graham Martin đã lo liệu cho họ rồi.
Có một số chính khách và quân nhân cũng chạy lòng vòng, đề nghị với tôi đủ thứ, từ vàng cho đến con gái họ. Tôi ở địa vị hết sức khó chịu vì phải quyết định, phải chọn lựa, phải tự hỏi việc mình làm có đúng hay không. Người ta có thể bảo “Chà, thực là một địa vị đáng thèm”, vì lẽ tôi có thể kiếm khối tiền, có thể chơi bời thoả thích, nhưng tôi không dính vào những chuyện này. Tôi nhớ có lần một người mang đến cho tôi một bộ quân cờ bằng ngà tuyệt đẹp. Trời mới biết bộ cờ này trị giá bao nhiêu. Họ đề nghị tặng bộ cờ nếu tôi đưa họ đi. Trước đó, họ đã đề nghị đưa tiền và tôi có nói “Tôi không cần tiền, tôi không ham thứ ấy”, thì họ cho rằng tôi thích thứ gì khác, đồ cổ chẳng hạn, bởi lẽ nhiều người thích sưu tập đồ cổ. Hôm sau, người này đợi tôi ở cửa khách sạn từ sáu giờ rưỡi sáng. Anh ta cặp dưới cánh tay cái hộp bọc giấy. Anh ta đến gần, theo tôi vào phòng đợi khách sạn Caravelle, nói: “Xin cho tôi trình ông cái này”. Anh ta mở hộp. Trời đất, món đồ ngà hết sức đẹp. Tôi không thể đoán trị giá bao nhiêu. Hẳn đây phải là một món đồ cổ của gia đình họ vì họ là một gia đình khá giàu có.
Thế rồi lại những ông nhà báo Mỹ nhờ vả cho các cô bạn gái ra đi. Tôi nhớ một gã điện thoại cho tôi, hắn có cô bồ, muốn nhờ tôi đưa đi. Tôi bảo “Rắc rối quá”, nhưng rồi tôi cũng đã giúp cô ta. Tôi không biết cô ta là ai. Tôi đã mở một cánh cửa mới: nếu tôi bắt đầu đưa các cô bạn gái ra đi là tin tức lộ ra ngoài ngay. Vâng, đôi lúc tôi cũng làm một vài ngoại lệ. Tôi đã bẻ gãy một số quy luật của chính tôi. Tình trạng thực phức tạp. Tất cả đều khó khăn. Trong vài trường hợp, người ta cứ giản dị đến doạ dẫm tôi. Một lần, có một tay – giờ đây đang ở Hoa Kỳ – dọa giết tôi. Anh ta muốn mang đi nào là cha, mẹ, mẹ vợ, đủ thứ thân thuộc khác, một nhân số quá đáng: mười một con người không phải là trực hệ của anh ta (1). Tôi bảo: “Chúng tôi không thể làm thế được. Nhưng cứ cho tôi tên mấy người ấy”. Anh ta là nhân viên của một cơ quan khác. Tôi nói: “Nếu anh quyết định như vậy, tùy ý, nhưng tôi không thể phá lệ. Nếu tôi làm cho anh thì tôi cũng phải làm cho những người khác. Nếu anh mang các thân nhân đi thì tất cả những người khác cũng phải được mang đi. Tôi không làm thế được”. Chuyện xảy ra khá gay go.
Đến đêm, anh ta trở lại. Anh ta bảo nếu anh ta không đưa gia đình đi được thì sẽ không ai đi nổi. Kể cả tôi… Anh ta bảo anh ta sẽ chặn tất cả lại bằng cách chặn tôi. Tôi bảo: “Anh muốn nói cái gì?” Anh ta nói: “Tôi sẽ giết ông”.
Lúc ấy, tôi không xem chuyện ấy quan trọng. Anh chàng này chỉ quá lo lắng cáu giận. Nhưng bây giờ nghĩ lại, tôi e biết đâu lúc ấy hắn dám làm ẩu. Làm sao biết. Tôi không muốn nghĩ đến chuyện ấy nữa.
Cho đến ngày cuối cùng, ông Ba, một trong bốn tài xế của hãng CBS chúng tôi, biết rằng tất cả mọi người đã đi hết, tất cả những nhân viên người Việt đều đã đi cả. Ông Ba bảo: “Ông phải đưa tôi đi”. Ông này có một gia đình mười ba mạng người, mười một đứa con, chẳng rõ còn những ai nữa. Tôi bảo: “Ông Ba ạ, tôi rất muốn giúp ông, nhưng tôi không có quyền. Mang mười ba người trong gia đình ông lên máy bay là một chuyện không thể làm nổi”. Nhưng tôi vẫn cố gắng. Cho đến tận buổi sáng hôm chúng tôi ra đi, tôi hãy còn cố đưa người di tản. Sáng hôm ấy tôi hoàn thành một chuyến nữa là hết sức. Nhưng ông Ba vẫn nhất định đòi tôi phải đưa đi cho được. Tôi không biết ông ấy sẽ phản ứng thế nào.
Tôi làm việc ở văn phòng. Chúng tôi vẫn làm tin. Đêm hôm ấy đối phương pháo vào Tân Sơn Nhất. Khi về phòng ngủ, tôi không vào được. Cửa khoá. Tôi nhớ tôi không hề khóa cửa. Tôi lấy chìa khóa ra, vẫn không mở được. Tôi gọi xuống lầu dưới yêu cầu nhân viên lên mở, họ cũng không mở được. Họ bảo: “Có người trong phòng”. Tôi hỏi: “Ai vậy”? Họ đáp: “Ông Ba và toàn thể gia đình”. Tất cả mọi người đều ngồi trong ấy, họ từ chối mở cửa không cho tôi vào lấy đồ, trừ phi tôi hứa đưa họ đi.
Ông Ba đã nhờ một người bồi đưa vào. Tôi không bao giờ khóa cửa. Không rõ có đủ mười ba người trong ấy không, nhưng chắc chắn ông ta đang có mặt trong phòng với các thân nhân của ông. Sau khi tôi đã ra đi, ông vẫn cứ ở trong căn phòng ấy.
Ông ta tin rằng tôi phải đưa ông đi nếu tôi muốn vào phòng. Vì thế, tôi bỏ quách đồ đạc. Khi tôi rời khỏi Saigon rồi, ông ta vẫn còn ở trong ấy.
Sau này, năm 1985 tôi có trở lại Việt Nam. Tôi cố kiếm ông mà không gặp. Một người đáng thương, tôi cảm thấy tội nghiệp cho ông.
Khoảng 28 tháng Tư, tôi chắc chắn kết cuộc đã đến, vấn đề là chỉ trong vòng vài ngày. Bấy giờ tôi có dịp vào căn cứ David trong phi trường Tân Sơn Nhất, có gặp mấy tay đại diện Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Hôm ấy, nhằm phiên họp hàng tuần, trước khi Thiệu từ chức, tôi nghĩ thế. Khi cuộc họp ngắn đã xong, vài người chúng tôi đang đứng nói chuyện thì một tay đại diện chính phủ Cách mạng Lâm Thời đến hỏi tôi rằng tôi đã định chương trình đi nghỉ phép năm nay chưa. Cuộc đàm thoại với anh ta đủ cho tôi hiểu nếu tôi muốn đi, bây giờ đã đến lúc rồi. Chúng tôi cớt nhả chút đỉnh, tôi hỏi: “Chừng nào quân đội miền Bắc kéo tới?” Anh ta nói: “Thưa ông Ellis, ông biết mà. Làm gì có quân đội Bắc Việt tại miền Nam”. Vẫn cái lưỡi không xương lắt léo. Tuy nhiên với những điều anh ta nói, tôi đi đến kết luận là nếu có gì không chắc chắn cần phải kiểm chứng, tôi chỉ việc vào căn cứ David là xong.
Bây giờ tôi quan tâm đến một điều: tôi muốn ở lại đến tận ngày cuối cùng. Tôi nghĩ sẽ còn nhiều chuyện hay, tôi không sợ sệt gì cho tính mạng tôi cả.
Nhưng sau khi nghe chuyện Ed Bradley và Mike Marriott bị cảnh sát xua đuổi, tôi bắt đầu lo lắng. Vài lần ra phi trường tôi đều bị cảnh sát làm khó dễ. Rõ rệt, họ đang phẫn nộ. Mọi người đang ra đi, họ nghĩ họ bị bỏ rơi. Tinh thế bắt đầu bất tiện. Tôi lởn vởn ý định ở lại, nhưng là một người có gia đình, tất nhiên tôi có bổn phận với gia đình tôi. Vì thế tôi gửi một điện văn sang Nữu Ước, lúc ấy điện thoại không sử dụng được nữa, người ta chỉ còn có thể đánh điện. Và Dick Salant, Chủ tịch CBS ra lệnh cho tất cả ra đi: “Tôi không muốn ai làm anh hùng”. Ông đánh thêm một điện văn nữa: “Không cần anh hùng. Đây là quyết định của tất cả các hệ thống thông tấn”.
Rõ rệt đã có một cuộc họp ở Nữu Ước. Họ quyết định không cho ai ở lại, tất cả phải ra đi. Nếu có người nào ở lại thì mọi bài vở của người này sẽ được đem ra “tổ hợp”, và đó là chuyện tôi không khoái chút nào. Nói cách khác, tức là mọi bài vở tin tức của người này sẽ được đem chia cho cả ba hệ thống thông tấn cùng sử dụng. Việc đó đối với tôi là bất công và bất khả thi.
Thế rồi đến lúc di tản. Đại sứ Martin cho biết khi nào nghe bản nhạc “Giáng Sinh Trắng” trên Đài phát thanh là phải hiểu giờ ra đi đã đến. Nhưng làm sao tôi quay về để bảo mọi người: Khi nghe thấy bản “Giáng Sinh Trắng” thì phải biết ấy là lúc đi đến các địa điểm di tản được ấn định?
Bây giờ là tháng Tư, họ lại chơi bản “Giáng Sinh Trắng”. Họ nghĩ họ lừa được ai? Trước tiên, bọn Bắc Việt tất chẳng biết gì chuyện này. Thứ đến, việc chọn nhạc xem chừng quái gở, ít ra cũng phải nói như thế. Bấy giờ ở Saigon, còn cái gì bí mật nữa. Đến giây phút này có ai trong thành phố mà không hay biết. Người ta huýt gió bản “Giáng Sinh Trắng”. Chúng tôi đều cười cợt chuyện ấy. Thế rồi, tôi nhớ lúc ngồi trong văn phòng thì chợt người ta phát thanh bản nhạc này. Một người đột ngột nói: “Tốt lắm. Đến lúc phải đi”. Người ta đứng dậy, xuống thang. Tôi nhớ Ed, Mike, Keyes Beech, Bob Shaplen, và một số người nữa cố len vào chiếc xe buýt. Họ chạy ra Tân Sơn Nhất, gặp trở ngại, rồi chạy ra Cảng. Đã có một danh sách liệt kê những địa điểm di tản được ấn định trước. Danh sách này chỉ dành cho người Mỹ.
Tới thời điểm ấy, tôi chẳng rõ sẽ đi đâu. Mặc dầu giữ chức vụ Trưởng phòng, nhưng tôi không phải là công dân Mỹ. Tôi là “Công dân đệ tam quốc gia”, nên không được quyền lên xe buýt. Tôi cũng chẳng có thể ra Tòa Đại sứ Hoa Kỳ. Người Mỹ không có trách nhiệm gì về tôi cả. Thế là tôi cứ ngồi thườn ra nghĩ ngợi: “Ai xui tôi đến chốn này? Hữu thân hữu khổ kêu ai bây giờ! ” Tôi biết người Anh đều đã ra đi từ lâu, và chắc chắn tôi sẽ không đến cầu cạnh nhờ vả bọn Pháp, mặc dầu phải nói là bọn họ cũng khá tử tế với mấy ông ở Nam Vang.
Tôi xuống Tòa Đại sứ Mỹ. Tôi để một ông bạn người Anh ở lại văn phòng CBS, anh ta tên là Eric Cavalero, cảm ơn tấm lòng tốt của anh bạn. Anh đã từng ở Việt Nam rất nhiều năm, là một thứ linh hồn lập dị Ăng Lê, luôn có những câu châm biếm hết sức quái gở. Anh là người trực đêm, thường trông coi văn phòng. Chúng tôi chia tay nhau theo kiểu rất Ăng Lê, tôi chúc anh mọi điều tốt đẹp nhất. Tôi bảo anh là tôi xuống Tòa Đại sứ Mỹ, tôi sẽ cố, nhưng không rõ có vào được hay không. Anh ta nói: “Tốt. Tôi sẽ đợi đây khi anh về lại”. Chả khác như anh muốn bảo: “Cái ấm đun nước vẫn hâm sẳn. Chúng ta sẽ nhấm với nhau một chung trà”. Thế là tôi đến Tòa Đại sứ. Hàng ngàn người vây quanh. Quân cảnh đòi xem thông hành, tôi đưa tấm thông hành Anh quốc. Họ bảo thông hành này không ích gì, họ khuyên tôi nên về tòa Đại sứ Anh Quốc. Đúng lúc ấy, tôi thấy có người vào, không nhớ rõ ai, hình như John Hogan. Tôi gọi anh ta qua cổng, bảo: “Tôi cần nói chuyện với anh”. Anh ta nói: “Được, được, ô kê, ô kê”.
Vì thế họ hé cửa ra. Tôi bảo: “Này, tôi đã quyết định khôn hồn thì tôi phải đi khỏi xứ”. Anh ta nói: “Họ bảo anh không vào đây được, không có chỗ cho anh đâu”. Anh ta giải thích tràng giang đại hải về chuyện không có chỗ dành cho giới báo chí. Thế rồi tôi trông thấy Bob Simon cùng với David Green và toán quay phim đang thu hình những người cuối cùng ra đi, có một người nào khác nữa, đang ở cả trong sân. Vào lúc này trực thăng đã bắt đầu.
Mấy chiếc trực thăng hạ xuống sân tòa Đại sứ, họ đang thu hình người ra đi, trong lúc tôi vẫn còn bị nghe giải thích và khuyên nên sang tòa Đại sứ Anh. Tôi bèn đi quanh, cố ý tìm Đại sứ Graham Martin. Cuối cùng tôi lọt được vào trong tòa Đại sứ bằng cách leo qua tường. Lúc vào được bên trong thì có một túi xách tay đựng đầy phim ảnh do người nào đó ném qua tường. Do linh tính, tôi cố với tay nhặt lấy, đeo lên vai. Cái túi này có lẽ cần phải được đưa đến một nơi nào đó, chỉ phiền là phải vất vả đeo kè kè trên vai. Bên trong, Tòa Đại sứ trở nên náo động khi trực thăng bay đến, người ta chạy, cố trèo qua tường.
Phần tôi cuối cùng lên được tầng sáu để gặp Graham Martin. Tất nhiên ở đây cũng đang náo động, người chạy ra, chạy vào tấp nập.
Tôi gặp Đại sứ Martin. Chúng tôi đưa đẩy vài câu ngắn ngủi, rồi tôi nói: “Ông xem, tôi nghĩ tôi không có phương tiện nào để đi khỏi xứ”. Ông ta bảo: “Cứ ở đây, chúng tôi sẽ đưa ông đi”. Thế là tôi loanh quanh ở đây, rồi đi xuống dưới sân ngắm trực thăng. Bấy giờ bắt đầu sẩm tối. Số người còn lại chẳng bao nhiêu, những chuyến trực thăng bay vào sẽ là những chuyến cuối. Vài tay Thủy quân Lục chiến nói: “Những ai muốn đi, tốt hơn hết nên chạy lên từng thượng trong vòng 15 phút, hoặc kể như hết đi”.
Thế là tôi lại tất tả chạy vào Tòa Đại sứ, leo cầu thang lên mái nhà. Tôi ngồi bệt ở đấy chờ, nhưng không thấy gì. Chỉ vài người im lìm lặng lẽ. Rồi chiếc trực thăng đến. Một chiếc Huey của hãng Air America. Viên phi công vẫy ngón tay làm hiệu. Chúng tôi không rõ anh ta muốn nói gì vì không có vô tuyến truyền thông, chiếc này không thuộc quân đội. Không có một tần số nào để anh ta nói chuyện được với Thủy quân Lục chiến. Chiếc trực thăng đậu xuống nóc thượng tòa Đại sứ. Thủy quân Lục chiến kéo cánh cửa xuống. Bấy giờ tôi là người duy nhất đứng đấy. Những người khác đã kéo nhau xuống đợi dưới sân rồi.
Lính Thủy quân Lục chiến nắm lấy tôi, nói: “Nếu muốn đi thì nhấc đít lên mà vào”, họ ném tôi vào chiếc trực thăng. Vừa lọt, tôi thấy ít nhất đã có ba người Việt ngồi phía sau. Viên phi công cho cất cánh. Ba gã Việt Nam đã cướp chiếc máy bay!
Đây là một chiếc trực thăng của Air America đang sắp rời Tân Sơn Nhất thì ba người lính Việt Nam Cộng Hòa nhảy vào với mấy khẩu súng lục. Tôi nói: “Tôi mày mò mãi mới vào được đây, thế mà bây giờ lại chui phải chiếc trực thăng đang bị không tặc uy hiếp!”
Chúng tôi bay ra. Tôi ngồi giữa viên phi công và mấy cha lính. Viên phi công quay lại bảo: “Chào mừng quý khách đã vào chiếc phản lực 707 đi Havana (Cuba). Tôi không dám cả quyết sẽ đi đâu, nhưng mấy chú này đang đòi ra mấy chiếc tàu của chúng tôi”. Viên phi công la lên. Tôi nghe câu được câu mất, khó khăn lắm mới hiểu mọi chuyện đang xảy ra. Rối cả đầu.
Chúng tôi nhìn thấy những chiếc trực thăng khác đang bay ra, vì chúng tôi phải ngồi ném hỏa châu để tránh hỏa tiễn tầm nhiệt. Chúng tôi qua sông, bắt đầu hạ cao độ. Chúng tôi bay qua một bãi biển nhỏ, dưới ấy có trực thăng đậu, chúng tôi xuống rất thấp, gã Việt Nam đang nói gì đó với viên phi công. Chúng tôi vòng lại bãi biển nơi có mấy chiếc trực thăng đậu, rồi tiếp theo tôi nhìn thấy mấy chiếc trực thăng ấy bốc lên khỏi bãi biển. Mấy cha này đang tìm cách bay theo một người nào đó. Họ không biết tàu Mỹ đậu ở đâu. Tôi đoán họ không phối hợp gì với ai. Sau này mới suy ra được, nhưng lúc ấy tôi không biết điều này.
Ánh sáng bấy giờ còn lờ mờ, vẫn có thể nhìn thấy được. Tôi thấy đằng sau là cả một đoàn lũ trực thăng bay theo. Chúng tôi định điểm một Hàng không Mẫu hạm, đó là chiếc U.S.S. Hancock. Chúng tôi bắt đầu hướng đến, viên phi công liên lạc được với chiếc tàu.
Khi trực thăng hạ xuống vừa chạm sàn tàu thì lính Thủy quân Lục chiến đã đứng ôm súng chờ lăm lăm. Viên phi công đã báo với họ “Chúng tôi có người với vũ khí trên trực thăng”. Nên khi vừa bước ra thì đám lính Mỹ thổ tả ào tới bắt tôi nằm úp xuống đất, hai tay dang thẳng như chim bay cò bay để lục lọi khám xét. Một tên lục cả vào đít tôi, tưởng có giấu giếm gì trong đó. Đây là chuyện lố bịch nhất chưa từng xảy cho tôi. Mọi sự làm tôi vừa giận vừa ngượng. Tôi luôn miệng nói: “Tôi không liên can gì đến chuyện này sất cả”. Vì thế họ mới kéo tôi sang một bên rồi vặn hỏi mấy cha kia. Đến lúc này tất nhiên các trực thăng khác bay đầy tới, không còn chỗ trên sàn nữa, người ta phải xô sang một bên, đẩy xuống biển. Tình trạng hỗn độn như cái sở thú. Một chiếc đậu xuống mũi chiến hạm. Chiếc này quạt bay hết mọi thứ ở mũi tàu, nó đậu nhào xuống một chiếc trực thăng khác.
Một chiếc chở theo xe gắn máy. Nhiều chiếc mang theo cả những đồ lộn xộn đại loại như vậy mà móc trên lưới. Không phải chỉ trên chiến hạm chúng tôi mà cả trên những chiếc khác người ta cũng phải xô trực thăng xuống biển vì không còn chỗ. Sau cùng, chúng tôi xuống từng dưới, nơi đây chật ních người. Tôi vào một phòng riêng, nơi đây có một số thông tín viên. Ken Kashiwahara đang ngồi đấy. Tôi bước vào: Cái túi đựng phim chính là của anh ta.
Tôi chưa hề bao giờ tranh cãi về việc báo chí đã dự phần vào việc làm cho nước Mỹ thất trận. Các cuộc biểu tình đã diễn ra từ lâu, cả trước khi tôi đến Việt Nam. Có rất nhiều cuộc biểu tình phản đối chiến tranh xảy ra và cứ tiếp tục lan rộng. Tôi không rõ chúng tôi có thể hành động gì ngõ hầu làm cho người ta có thể chấp nhận được cuộc chiến ấy. Song le, chiến tranh quả là một chuyện xấu xa bỉ ổi. Và người ta có thể hỏi tại sao chúng tôi không viết về những chuyện chiến thắng? Vâng, chúng tôi không phải luôn luôn chỉ viết về những tin chiến bại, có thời chúng tôi đã làm những bản tin rất tốt về người Mỹ và người Việt, những loại bản tin được gọi là tin tích cực.
Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ mọi chuyện ở đây thì người ta không thể nào tích cực nổi. Chúng tôi đã chứng kiến quá nhiều lầm lẫn. Chúng tôi phải làm gì bây giờ, phải nhìn các sự kiện ở một chiều hướng nào khác mà bảo các sự kiện ấy không bao giờ xảy ra hay sao?
Tôi không nói nhiều về chuyện Việt Nam. Đã có quá nhiều quyển sách được viết, trong đó họ nhắc đến tôi, trích dẫn việc tôi đã nói câu này, câu kia. Tôi cảm thấy phiền về những điều ấy, chắc chắn thế. Có nhiều lần tôi đã từng ao ước phải chi tôi có thể làm khác hơn, cả về phương diện cá nhân lẫn phương diện chuyên nghiệp. Đã có thời tôi từng nhìn lại dĩ vãng mà nghĩ tất cả đều chỉ là một sự uổng phí thôi.
Tôi không đến đấy với hành trang dư thừa như những người khác. Tôi không mang súng ống bắn chác ai. Tôi không phải giáp mặt chuyện ấy. Nhưng tôi cũng đã trải qua ba năm ở đất nước này. Tôi đã mất nhiều bạn tốt người Việt, trong đó có một nhân viên quay phim mà tôi rất yêu mến, anh ta đã bị giết. Thực chẳng vui sướng gì khi phải khiêng xác nạn nhân về để thông báo với gia đình anh. Những người ấy bị sát hại vì họ đã làm tin cho truyền hình Mỹ. Họ chết trong các cuộc tấn công. Trong khi ấy gia đình họ nào có ý niệm truyền hình Mỹ là gì, nào biết chồng họ làm gì.
Tôi đã tới viếng Đài Kỷ Niệm Chiến Sĩ Trận Vong Việt Nam lần đầu tiên với một Cựu chiến binh. Mọi người thường tưởng người tù binh chiến tranh bị giam lâu nhất là Edward Alvarez, nhưng thật ra có một người khác bị giam lâu hơn nhiều. Anh này ở dưới vùng Key West. Anh mới bị chứng trúng phong cách đây không lâu. Năm 1985 khi đang làm một chương trình truyền hình, tôi vẫn cố tìm những cựu chiến binh Mỹ trở lại thăm Việt Nam, đến lúc ấy tôi vẫn chưa hề viếng Đài Kỷ Niệm Chiến Sĩ Trận Vong. Anh chàng này tới Hoa Thịnh Đốn, tôi gặp anh trong một tiệm ăn. Hiển nhiên tôi không thể nào phỏng vấn anh: Anh đã bị trở ngại trong việc phát âm. Tôi nói: “Ngày mai có muốn đi thăm Đài Chiến Sĩ Trận Vong không?… Anh đã đến thăm chưa? Anh có muốn đi không?” Anh ta bảo: “Ừa”.
Hôm ấy anh ta thắng bộ quân phục. Tôi không rõ đã bao nhiêu năm anh không mặc quân phục, nhưng hôm đó anh đã cảm thấy phải mặc quân phục để tới thăm Đài Kỷ Niệm. Chúng tôi đi bộ đến. Nó giống như một bức tường với đầy những cái tên. Tôi không lấy gì xúc động lắm với bức tường này. Chúng tôi bước lần qua, anh ta không ngừng nhìn bức tường. Anh không ngừng lắc đầu nói: “Những cái tên này…. Tất cả những cái tên này!” Rồi chúng tôi bước đến chỗ bức tượng, anh ta đứng đấy nhìn. Và anh bắt đầu khóc. Anh nói “Chúng nó toàn là mấy thằng bé, những thằng bé tử tế tốt lành đó thôi…” Đột nhiên điều ấy đập mạnh vào tâm khảm tôi, những gì anh nói, chúng chỉ là những thằng bé. Người ta thường phân biệt một đàng là những người lính, những người được trả lương, được huấn luyện để đi giết chóc, một đàng là những đứa trẻ con. Nhưng những người lính này, họ cũng đều là những đứa trẻ. Vào giây khắc ấy, tôi chợt nhận ra rằng chi chít trên bức tường kia chỉ là một lũ trẻ con. Điều ấy làm tôi choáng váng. Và đây, người lính đứng đây, người đã từng kéo lê gần mười bốn năm trời trong tù ngục, anh đang tiếc thương cho họ. Anh đứng lặng lẽ, nước mắt chảy dài xuống má. Và lúc ấy, tôi cũng đứng nhìn thời gian trở ngược lại bao năm tháng đã trôi qua.
Về nhiều mặt, may mắn cho tôi vì đã không có một cái tên nào trên bức tường ấy là người mà tôi quen biết riêng tư. Nhưng dẫu thế nào, bức tường vẫn có một sự gắn bó với tôi. Vì về một mặt khác, chính nó đã là một mảnh đời của tất cả chúng tôi.
(1) Quan niệm gia đình trực hệ của người Tây phương chỉ là vợ chồng con cái.
CHUCK NEIL
(Đài phát thanh quân đội Hoa Kỳ)
“Tôi mơ một lễ Giáng Sinh màu trắng”
Tôi ở Việt Nam từ 1967, làm việc cho nhiều công ty khác nhau. Đến năm 1973 lúc đang làm cho FEC-TTT (Công Ty Điện Lực) thì một tên bạn bảo: “Này bọn quân đội sắp đi. Họ đang kiếm nhân viên dân sự vào thay thế trong đài phát thanh. Sao không đưa đơn? Tôi xem hồ sơ, thấy bạn có nhiều kinh nghiệm về phát thanh và truyền hình lắm”.
Tôi đáp: “Được, nhưng tôi chỉ đứng chạy máy thu hình TV thôi. Còn phát thanh thì cũng có làm xướng ngôn, nhưng lâu quá rồi”.
Tên bạn nói: “Cần quái gì, thử đi. Điện thoại cho Đại tá Hutchinson ở đài phát thanh xem”. Ông là quản đốc đài phát thanh quân đội.
Tôi gọi điện thoại Đại tá Hutchinson. Ông ta cho một cái hẹn. Đúng ngày giờ, vác mặt đến phỏng vấn. Ở đấy có một Trung sĩ nhất, một trong những Giám đốc chương trình. Một cha dễ thương hết sức. Hắn ngồi vào bàn máy. Tôi ngồi vào bàn xướng ngôn đối diện. Hắn đưa cho tôi một tập tài liệu đọc thử, trong đó có một trang đầy tên người, địa danh, có cả tên Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, tên mấy nơi như thủ đô Cairo ở Ai Cập và tỉnh Cairo ở Tiểu bang Illinois. Hắn muốn xem tôi có biết cách phát âm khác nhau không. Rồi hắn đưa tôi đọc một bản văn, loại thông báo. Hắn yêu cầu đọc thử vài đoạn tin. Bây giờ có ba nguồn tin viễn ký: của hãng AP, hãng UPI, và của AFRTS (Truyền hình và phát thanh quân đội tại Hoa Thịnh Đốn).
Tôi quên bẵng vụ phỏng vấn này, cho đến suốt mười ngày sau. Điện thoại reng. Họ bảo “Anh được nhận vào làm”. Thế là tôi đến Đài phát thanh. Ở đấy, tôi gặp E.M. Turvett, từng làm việc ở FEC. Tôi nhận ra anh vì có quen với anh ta. Rồi lại có một tay trẻ, trước là Thiếu úy quân đội, tên là Mike Monderer. Anh ta cũng được nhận với tư cách xướng ngôn viên như tôi. Tay này khá sắc bén, xuất thân Đại học Colorado, từng làm việc bán thời gian cho đài phát thanh bên ấy. Truyền thông là môn học chính của anh ta.
Rồi có một kỹ sư trưởng. Như thế tất cả là bốn nhân viên dân sự Mỹ. Kỹ sư dự khuyết thì có Ed Powers. Trường hợp kỹ sư chính vắng mặt trong giờ phát tuyến, Ed là người thay thế để lo liệu những trục trặc xảy ra.
Tất nhiên khi chúng tôi mới đến, các nhân viên quân đội hãy còn. Họ làm cặp để hướng dẫn chúng tôi trong thời gian vài tuần. Khi các nhân viên này đi vào tháng Ba, họ giữ lại một binh nhì Mỹ, người này làm cho đài đã mấy năm rồi. Họ giữ anh lại giúp việc trong thời gian chuyển tiếp. Anh được xem là nhân viên vô hình, vì trên nguyên tắc lính Mỹ đều đã phải ra đi cả. Nhưng anh ta, cùng một vài nguời nữa, đã được giữ lại một hay vài tháng gì đó sau ngày ra đi chính thức. Họ trở thành những bộ mặt trong bóng tối. Vài người vẫn mặc quân phục, bởi lẽ có thể nại cớ họ thuộc Văn phòng Tùy viên Quân sự, mà trong thực tế thì không.
Thế là bốn dân sự Mỹ chúng tôi vào chiếm lấy Đài phát thanh Quân đội. Đúng ra chúng tôi đã đổi danh xưng đài này. Ian và tôi bàn nhau xem nên gọi tên đài này là gì? Chúng tôi không thể để tên là Đài Phát thanh Quân đội Hoa Kỳ, hoặc Đài phát thanh Quân đội. Sau cùng, chúng tôi giản dị đặt tên là: Đài Phát Thanh Hoa Kỳ tại Việt Nam
Chúng tôi lập một chương trình thường lệ gồm tin tức, âm nhạc, thể thao, phát thanh 24 giờ mỗi ngày trên băng tần FM, vói công suất một trăm ngàn watts.
Chức vụ của tôi là: “Xướng ngôn viên tin tức”. Nhưng khi mới đến thì thượng vàng hạ cám, cái gì cần là làm. Trong mấy tuần đầu chúng tôi cho phát khá nhiều chương trình trực tiếp truyền thanh. Tin tức, chương trình sống: phát ngôn thẳng vân vân. Những nhân viên người Việt thông thạo Anh ngữ đã làm cho đài Quân đội, chúng tôi đều cho lưu dụng. Về chương trình, có nhiều mục đã được thu sẵn vào băng gửi đến. Chúng tôi gọi là những băng “Thời sự”, những băng thu âm các lời tuyên bố của dân biểu nghị sĩ vân vân.
Nhưng ưu tiên là nguồn tin chuyển qua hệ thống vệ tinh đến Phi Luật Tân, từ đó chuyển vào Việt Nam mỗi ngày 24 giờ. Đài chúng tôi có làn sóng ngắn, cũng có một trữ iượng băng phát thanh do Hoa Thịnh Đốn cung cấp, chỉ việc lấy ra sử dụng.
Địa chỉ Đài Phát Thanh là số 9 đường Hồng thập Tự. Ngay trung tâm thành phố, cách Tòa Đại sứ có sáu khu nhà, nằm trong một khu vực riêng biệt, rộng chừng một phần tư hoặc nửa mẫu Anh.
Rồi khoảng năm 1974, chúng tôi bắt đầu cảm thấy Quốc Hội muốn buông tay khỏi Việt Nam. Sau đó họ làm thật. Tôi không rõ chuyện này có tác dụng nghiêm trọng mãi cho đến vài tháng trước khi miền Nam sụp đổ. Lúc ấy chúng tôi lúc ấy không ngừng hy vọng Quốc Hội sẽ tháo khoán một số tiền để giúp miền Nam tồn tại. Nhưng họ từ chối. Đó chính là lý do đã gây nên sụp đổ miền Nam Việt Nam.
Vài tháng cuối, chúng tôi đều biết tình hình khốn nạn đến nơi, nhưng không rõ miền Nam có thể sụp đổ nhanh như thế. Chúng tôi cũng nghĩ Vùng I sẽ mất trước, sau đó có lẽ sẽ là Vùng cuối phiá Nam châu thổ, còn phạm vi vài trăm dặm bao quanh Saigon chắc sẽ giữ lại được một thời gian. Nhưng mọi việc không xảy ra như vậy.
Qua Văn phòng Tùy viên Quân sự, chúng tôi biết một nguồn tin riêng là người ta sẽ bỏ cao nguyên. Chúng tôi sửng sốt lặng người. Chúng tôi nghĩ thôi thế là xong. Hồi kết cuộc bắt đầu đây. Tôi bảo: “Không chừng họ sẽ tái hợp ở phía Nam mà lập hàng rào phòng thủ”. Nhưng đó chỉ là mong ước. Chuyện ấy không xảy ra. Nên sau đó chúng tôi biết mọi chuyện chỉ còn là vấn đề thời gian.
Tôi không phải là người có sáng kiến đưa các tín hiệu thông báo di tản qua Đài phát thanh. Đó là ý kiến của Ann Bottorf, nhân viên ngoại vụ thuộc văn phòng Tùy viên Quân sự. Ann Bottorf đã là người quá cố. Cô ta đi chuyến máy bay C-5 A chở cô nhi, khi cánh cửa bật mở, cô đã bị sức hút kéo tung ra ngoài.
Tôi không nhớ chính xác các tín hiệu báo động lúc đầu được đặt ra thế nào, nhưng rõ rệt cần phải thông báo cho các người Mỹ ở Việt Nam. Tại đó, lúc ấy có rất nhiều kiều dân Mỹ liên hệ đến chính phủ Hoa Kỳ. Họ làm việc cho các hãng tư, các nhà thầu do chính phủ Hoa Kỳ đưa sang. Họ không có phương tiện để biết lúc nào ra đi. Bấy giờ gần như một trăm phần trăm người Mỹ đều nghe đài phát thanh Mỹ, bởi đó là đài duy nhất. Cũng có một vài đài Việt Nam nhưng phần lớn đều chơi nhạc Việt hay Tàu. Thực tế, rất đông thính giả Việt cũng nghe đài Mỹ, vì chương trình nhạc rất hay. Mỗi khi tản bộ trên đường qua các biệt thự hay các chung cư Việt Nam, tôi vẫn thường nghe người ta mở đài chúng tôi và nghe tiếng nói của chính tôi xướng ngôn.
Lúc ấy Ann và một số nhân viên an ninh họp lại, bàn rằng chúng tôi cần phải có tín hiệu báo động. Vì vậy Turvett và tôi điện thoại đến phòng an ninh tòa Đại sứ để xem chúng tôi có thể làm gì qua làn sóng phát thanh, ngõ hầu báo động cho mọi người đến các địa diểm di tản? Tôi bảo: “Tại sao mình không chơi một bản nhạc mà mọi người Mỹ đều có thể tức khắc nhận ra?” Thêm vào đó, phải kiếm một bản nhạc nào không thích hợp, nó trái khoáy giữa mùa hè nóng nực để báo cho người ta biết là phải ra đi. Vậy tại sao không chơi bản “Tôi đang mơ một lễ Giáng Sinh màu trắng?”. Tất nhiên khi đề nghị như thế, tôi nghĩ ngay tới cái điã hát nổi tiếng của ca sĩ Bing Crosby. Nhưng đến lúc sục sạo cái kho chứa cả ngàn dĩa hát và băng nhạc của đài, thì không tìm đâu ra được cái đĩa của Bing Crosby. Tôi đành tạm lấy cái dĩa của Tennessee Ernie Ford, cũng hát bài này. Chả hệ trọng gì, vì sau đó đọc sách của Frank Snepp và những người khác, ai nấy đều nói là đĩa hát của Bing Crosby cả.
Thế rồi sau khi chơi đĩa hát, tôi loan báo: “Nhiệt độ Saigon hiện giờ 105 độ, đang tiếp tục lên cao”. Đó, tín hiệu di tản bắt đầu – chúng tôi thâu âm vào một cuốn băng để sẵn.
Kế hoạch như thế, nhưng rồi người Việt nào cũng biết. Thiếu gì các cậu trẻ Việt Nam nói được tiếng Anh, và những người làm cho Mỹ đều thông thạo tiếng Anh. Tuy nhiên, tín hiệu loan báo này không dành cho người Việt, mà dành cho Mỹ.
Thật khó tả mấy ngày cuối cùng. Chả khác một buổi hội hóa trang, không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra. Người ta di tản mỗi ngày, xe buýt chở đầy Mỹ chạy ra phi trường Tân Sơn Nhất. Người ta chứng kiến mấy cha Mỹ đã Đông phương hóa, lấy vợ Việt, đẻ ba bốn đứa con, đèo bồng cả gia đình Việt Nam ra đi trên những xe buýt Mỹ với tay nải hành lý ngổn ngang.
Đêm 28 tháng Tư, ngay hôm 27 cũng vậy, chỉ toàn tin xấu xảy ra. Những vụ nổ đã gây chấn động. Chừng ngày 28, một số nhân viên Đài phát thanh, đa số là nữ nhân viên cùng với gia đình đã được di tản. Họ phải chầu chực ở Tân Sơn Nhất từ ba, bốn ngày trước. Chỉ còn một số người tận tụy được chọn ở lại giúp chúng tôi trong những ngày cuối. Khoảng ba hoặc bốn người Việt. Vào hai ngày chót những người ấy đều đưa toàn thể gia đình vào trong Đài Phát thanh bởi vì ai cũng biết có lệnh ra đi, nhưng không biết chắc lúc nào. Họ lo bị bỏ, nên cứ chắc ăn là đưa cả gia đình vào ngủ trong đài.
Nhưng một gia đình Việt Nam không phải là nhỏ. Họ mang theo cha mẹ, bà nội, bà ngoại, cô dì chú bác, chỉ bốn, năm người ấy đã lôi kéo theo hàng trăm thân nhân, chưa kể bạn bè thân hữu và những người khác chả biết cách nào cũng lọt qua cổng mà vào.
Thế là khoảng hai trăm người đã kéo vào đài phát thanh. Các tiện nghi vệ sinh của đài chỉ được xây cho vài chục người. Họ kéo nước tràn lan bừa bãi. Cả khu vực nồng nực, khủng khiếp, nhưng chúng tôi làm gì được?
Sáng 29 tháng Tư, khoảng 11 giờ 40, một Đại tá gọi đến từ văn phòng Tùy viên Quân sự. Tôi trả lời điện thoại: “Tôi là Chuck, nghe đây”. Ông ta bảo: “Chuck, ở đấy có bao nhiêu người Mỹ?” Tôi đáp: “Bốn”. Ông ta bảo: “Tốt, bạn được lệnh di tản tức khắc. Hãy xuống Tòa Đại sứ bay đi ngay”. Tôi nói: “Lạy Chúa!” Tôi biết quân đội Bắc Việt đã tới Tân Cảng rồi, nghiã là chỉ còn cách vài dặm đường. Ô kê, xong, như thế đấy.
Tôi bỏ điện thoại, đến nói vói Turvett: “Này lan. Xong. Di tản ngay bây giờ”. Lúc đầu, quả chúng tôi đã có một kế hoạch đưa mấy người Việt ra đi, vì chúng tôi đã hứa với họ khi chọn họ ở lại làm việc. Nhưng chúng tôi đành phải chuồn êm không muốn làm cho những người Việt ở đấy náo động vì chúng tôi chẳng cách gì đưa đi được cả hai trăm con người. Chúng tôi có một chiếc xe thùng và một chiếc vận tải nhỏ. Chúng tôi đưa xe vòng sang bên cạnh rồi báo cho mấy kỹ sư Việt Nam biết: “Đừng nói gì với ai. Sang bên cạnh, vào trong xe”. Chúng tôi nói, họ làm theo. Chúng tôi cũng báo cho những người Mỹ, và một thủy thủ thương thuyền chẳng hiểu sao cũng lờ ngờ có mặt ở đấy. Hắn sợ són trong quần vì không biết đi đâu, nên chúng tôi đưa đi theo.
Trong đài có một hệ thống phát thanh tự động. Tôi trở vào, lấy cuốn băng “nóng 105 độ, đang tiếp tục lên cao” và “Tôi đang mơ một lễ Giáng Sinh màu trắng”, tôi bỏ vào máy rồi bấm nút. Đó là động tác cuối cùng của tôi tại đài phát thanh. Nhưng chúng tôi cũng không vội Tôi bảo: ”Ê, có lẽ bọn mình cũng cần có ít vũ khí thổ tả chớ. Tối thiểu cũng phải lấy một khẩu đạn ria”. Mấy hôm trước tôi đã phải mặc áo giáp, giữ một khẩu đạn ria Winchester nòng 12 khi xảy ra mấy vụ nổ mà tôi tưởng là đối phương tiến vào. Mấy thứ đó vẫn còn, tôi chạy vào lấy. Nhưng rồi tôi nhận ra chẳng ích gì. Với một khẩu súng trường đạn ria, làm sao chống nổi cả đạo quân Bắc Việt?
Tôi ném cái áo giáp, nhưng cảm ơn Chúa, vẫn giữ khẩu súng. Trên đường đến Tòa đại sứ chúng tôi phải chấp nhận nhiều thách đố. Lúc này lính Việt Nam Cộng Hòa đã trở nên cáu kỉnh, tỵ hiềm và điên cuồng vì việc chúng tôi ra đi. Người Mỹ đang “de de mau” và bỏ họ lại. “De de mau”, tiếng người Việt Nam nói. Nó có nghiã là: “Biến đi cho lẹ lên!”. Đi đi mau.
Thế đấy, chúng tôi giữ khẩu súng trường đạn ria. Tôi có một khẩu súng lục .38 Colt Cobra. Ian Turvett có một khẩu Walter 380 tự động. Một tay nữa có khẩu colt 45. Chúng tôi trang bị đầy đủ vũ khí từ đầu đến chân. Tôi chui vào cái xe thùng. Bấy giờ đã có hàng trăm người khác đến bám chung quanh đài phát thanh. May nhờ có một thứ giữ cho họ đừng lọt vào, đó là cái hàng rào xích sắt to tổ bố. Chúng tôi hãy còn một vài vệ sĩ người Việt vẫn thi hành nhiệm vụ. Chúng tôi đặt vệ sĩ ở đấy để ngăn người bên ngoài trèo vào. Vậy mà vẫn có người thành công.
Chúng tôi cho xe ra. Trước hết, phải bấm còi để người ta tránh chỗ mới lọt ra được. Họ không thể nhìn sâu vào để thấy có mấy kỹ sư Việt Nam và mấy người Mỹ ngồi bên trong. Phần tôi, ngồi im với khẩu súng dắt cạp quần. Chúng tôi không sợ lính Bắc Việt, nhưng ớn lính Việt Nam Cộng Hòa. Thật trái ngược. Nhưng mấy hôm cuối cùng ấy, đôi khi họ đã chặn người Mỹ để làm khó dễ tại những trạm kiểm soát.
Chúng tôi cho xe ra đường – chỉ cách tòa Đại sứ sáu khu nhà, nhưng ngay ngã tư là một trạm kiểm soát. Họ soát xét, họ không muốn thấy ai đưa người Việt nào đi cả. Mấy cha lính đều có súng M16 cầm lăm lăm, đạn lên nòng sẵn sàng. Không hiểu quý vị có nghe nói chăng, chứ lính Việt Nam Cộng Hòa bóp cò rất lẹ. Mặc dù chỉ bắn lên trời, cũng lẹ lắm. Bọn họ mặt mày rất dữ dằn.
Lúc ấy Turvett lái xe. Tôi ngồi bên ghế hành khách, phía tay phải anh ta. Thế là chúng tôi dừng lại, nói dăm ba câu. Tôi thò tay vào hộc xe, lôi ra một cây thuốc lá Salems. Tôi thảy cây Salems xuống, bọn lính nói “Cám ơn” rồi vẫy chúng tôi.
Tiến thẳng trên đường, dần dà chúng tôi thấy có hàng ngàn người đang vây quanh tòa Đại sứ. Chúng tôi đều nghĩ: “Lạy Chúa, làm thế nào chui lọt đây?” Vâng, thế mà chúng tôi vẫn lọt. Chúng tôi quẹo trái sang con đường nhánh bên cạnh Bộ Tổng Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia, và cánh cổng tới là Tòa Đại sứ. Có một lối vào bên hông, chúng tôi đã vào bằng ngả này. Tại đây tua tủa những nhân viên bảo vệ Tòa Đại sứ với đủ mọi thứ súng ống: Súng máy, súng đạn ria, kể không hết.
Tôi nghĩ xe chúng tôi là chuyến chót được phép vào tòa Đại sứ. Xe chúng tôi có máy phát tuyến làn sóng ngắn, với cây ăng ten to bự sự.
Đầu tiên lính gác chặn lại, không cho vào. Họ bảo: “Vứt cái xe thùng này bên ngoài mà vào”. Xe cộ bấy giờ bỏ ngổn ngang khắp nơi. Chúng tôi bảo: “Không được. Chúng tôi có điện đài khẩn cấp mang theo đây”. Họ nói: “Ô kê, thế thì được. Xem có lọt không”. Bên trong cũng đã chật đầy xe cộ vì người ta phải chừa sân trống cho trực thăng đáp xuống.
Khi chúng tôi vào được thì người ta đang chặt mấy cái cây mọc giữa sân. Chúng tôi vừa đậu xe thì một cha lồm cồm ôm khẩu súng trường, vung vẩy nhảy ra. Tôi kêu lên: “Giải giới đi cha nội!” Tôi nâng khẩu súng dộng cho đạn rơi ra. Thằng chả lờ quờ ôm khẩu súng, chỉ e nó nổ bậy. Trong khu vực này chúng tôi không được giữ vũ khí, nhưng nhiều người vẫn khư khư giữ lấy. Một cha bên hãng Air America phân bua: “Trời đất, khẩu tự động 45 này ăn ở với tui đã sáu năm trường. Tui hổng thể bỏ nó đâu”. Phần tôi, tôi mang khẩu Cobra .38 bé bỏng của tôi đưa ra cho một cậu phòng vệ Thủy quân Lục chiến. “Này, một món quà tặng cho anh bạn”. Cậu lính rối rít: “Giêsu Ma lạy Chúa tôi, cảm ơn đàng ấy nhé”.
Thủy quân Lục chiến và vệ binh tòa Đại sứ đã bố trí một số súng máy nòng 30. Một khẩu đặt ở khu giải trí, nơi có cái hồ bơi. Khẩu này chĩa họng ra cổng đường Hồng Thập Tự. Từ một tuần lễ trước ngày di tản cuối cùng, họ đã hàn những tấm thép che các song sắt. Bên trong, lại dựng thêm sườn sắt cứng. Thế mà, tin tôi đi, cánh cổng vẫn cong vèo vì hàng ngàn con người đè lên nó. Tuy nhiên, bên trong, họng súng máy đã chiã thẳng vào cánh cổng. Chưa hết, người ta còn lăn những thùng dầu rỗng 100 ga lông chận dọc theo cổng và bờ tường, đứng trên ấy trông chừng ra và cũng để nếu cần thì đỡ tay kéo phe ta – những công dân Mỹ – vào trong Tòa Đại sứ. Biết bao cánh tay người Việt cũng dơ lên van nài xin kéo vào. Nhưng người ta không thể làm được. Lạy Chúa, bên trong sân đã đầy nhóc. Chúng tôi đã có đến 3,000 người tỵ nạn, không phải chỉ người Việt mà còn những người đệ tam quốc tịch như Phi Luật Tân, Đại Hàn và tất nhiên, người Mỹ. Khi chúng tôi đến nơi, chừng 12 giờ 15 trưa hôm đó, chỗ này đã chật ních người.
Trong khu giải trí, mặc dầu đông, nhưng người ta vẫn còn tỏ ra khá trật tự. Một vài vệ binh đứng ở hồ tắm. Họ đang thu lượm vũ khí. Họ cầm mấy khẩu tự động, mở cơ bẩm ném xuống hồ. Còn súng lục họ cầm lộn ngược, dốc đạn xuống ngay hồ tắm, súng thì ném vào mấy cái thùng đã đầy nhóc đủ thứ vũ khí. Lúc này người đã tràn vào nhà hàng thuộc khu giải trí. Nhân viên chả có ai. Quản lý có đấy, nhưng anh ta chỉ đứng lơ mơ bên mấy cái tủ lạnh. Vài người lấy thịt bò bít tết ra nướng trên lò, cái kho rượu mở trống hoác. Hàng trăm chai không vứt ngổn ngang, người ta đã mở uống phè phỡn cho đến lúc chả còn gì sót lại. Khoảng ba cho tới bốn giờ trưa hôm đó, bọn Việt Nam ở bên ngoài đã khoá hết nước trong khu vực Tòa Đại sứ. Chúng tôi không còn nước. Ai nấy khát bỏng họng. Tôi kiếm được một chai nước khoáng Vichy, vừa mở xong thì một bé gái Việt nam chừng mười bốn tuổi ngỏ lời xin uống. Tôi trao cái chai, lập tức nó chuyển ngay cho em trai, em gái, tía, má, một lúc quay lại chỉ còn cái chai không. Giê Su Ma, khát chết luôn. Tôi không được nhắp một giọt nước nào cho mãi tới khi Thủy quân Lục chiến kéo đến. Cái trực thăng đầu tiên đến lúc bốn giờ, tôi nhớ chừng như thế. Nó hạ xuống ngay trong bãi đậu xe.
Người Mỹ là ưu tiên một. Bấy giờ họ đang ngồi, bèn đứng cả dậy sắp hàng dài quanh hồ bơi. Những người Mỹ này là những người Mỹ cuối cùng rời Việt Nam, ngoại trừ dăm anh lạc lõng đâu không kể. Tôi không nhớ tất cả bao nhiêu. Không nhiều. Chừng vài trăm người Mỹ. Số còn lại là người Việt, người đệ tam quốc tịch. Giêsu Ma, bây giờ tôi vẫn thấy cảnh này hiện rõ trước mắt. Dĩ nhiên, lúc ấy thời tiết nóng bỏng còn hơn địa ngục.
Chỉ một lúc sau đó, trước khi trời đổ tối, những tiếng nổ chợt vang động. Vài Thủy quân Lục chiến thét lên. Đây là lần đầu tiên tôi nghe Thủy quân Lục chiến thét: “Bỏ mẹ, chúng nó tấn công”. Lúc ấy tôi đang ở bên trong Tòa Đại sứ. Tôi vào trong tòa nhà được vì tôi có thẻ thông hành. Giữa khu giải trí và tòa nhà Đại sứ có một cái cổng và một hàng rào ngăn. Tại đây tôi thấy Đại sứ Martin đang ở trong hành lang. Tôi thấy ông bước ra từ văn phòng của một thuộc hạ. Đúng như người ta có thể hình dung, ông có vẻ khá sợ hãi. Vì một vài lý do, tôi cần lên phòng truyền tin của tòa Đại sứ, đâu đó trên từng ba hoặc từng bốn. Tất nhiên mọi thứ thực lộn xộn. Một số lớn nhân viên Tòa Đại sứ đã ra đi, bỏ vũ khí lại bừa bãi. Những khẩu súng lục đẹp đẽ vứt khắp nơi. Có lẽ Thủy quân Lục chiến sau đó sẽ thu nhặt trước khi rời khỏi xứ.
Trời đổ tối. Không biết đại liên hoặc rốc kết, nhưng có những tiếng nổ rầm rì. Tôi không biết địch quân có định sáp tới Tòa Đại sứ không, tôi thì tôi tin họ sẽ để yên cho chúng tôi đi. Nhưng đôi lúc, có những loạt súng nhỏ bắn vào. Tôi nghĩ là của đám lính Việt Nam Cộng Hòa rã ngũ, nhưng tôi không thể xác định. Cũng có một tiếng nổ lớn bên bờ tường. Lúc đầu tôi nghĩ địch quân sắp đến. Ngay cả khi đi rồi tôi cũng nghĩ vậy.
Mãi một giờ sáng, tôi mới ra khỏi xứ. Tôi là một trong vài người Mỹ cuối cùng di tản.
Chúng tôi leo cái cầu thang khốn khổ ấy lên nóc thượng, từ đó nhìn xuống thấy toàn khu giải trí chật ních người Việt và những người đệ tam quốc tịch. Chiếc trực thăng đang đợi. Có khoảng bốn mươi kỹ sư Việt Nam cùng đi chuyến này với chúng tôi.
Tôi biết chuyến này là ra đi mãi mãi, hoặc ít ra cũng là cho một tương lai rất xa. Thành thực mà nói, tôi cảm thấy ghê tởm mọi thứ. Tôi cảm thấy chúng ta đã bỏ rơi rất nhiều người.
Sau hết, tôi ở nơi này đã nhiều năm, đất nước này đã trở nên gần như quê hương tôi. Và tôi cũng nghĩ đến nhiều thanh niên thiếu nữ tôi quen biết. Vài cô bán ba. Vài cô chiêu đãi viên. Một vài người trong đám là những người tử tế. Tôi không nói về các cô điếm. Tôi biết một cô đã thành hôn với một người bạn tôi. Tôi không ngừng tự hỏi chẳng biết họ ra sao, liệu họ sống sót nổi hay không? Tôi gần như muốn quyết định ra khỏi Tòa Đại sứ mà ở lại.
Chiếc trực thăng trở chúng tôi bay đi không trở ngại nhưng có nhiều chiếc phía dưới sân gặp khó khăn mới lọt qua tường. Mấy chiếc ấy chở nặng quá. Họ phải ném bớt hành lý. Nhiều người phải nhảy ra bớt mới bốc nổi.
Tất cả có chừng bốn mươi ba hoặc bốn mươi tư người trên chiếc trực thăng chúng tôi. Trong lúc bay, chúng tôi thấy Long Bình bốc cháy. Lửa khói khắp nơi.
Nhiều người ngồi trong trực thăng xao xuyến lo âu. Nhưng lên đủ độ cao, chúng tôi chỉ bay có khoảng trăm dặm là đến hạm đội. Chỉ bốn, năm mươi dặm là đến Vũng Tàu, và chừng sáu mươi dặm từ đấy đến tầu Hancock. Như vậy tôi nghĩ chuyến bay khoảng một giờ rưỡi đồng hồ. Trong lúc bay ra, tôi có thể nhìn thấy ánh đèn ở Vũng Tàu.
Tôi thấy biển, thấy những cuộn sóng bạc đầu. Và tôi nghĩ Chúa ơi, tôi vẫn chưa sẵn sàng rời khỏi nơi này. Tôi cảm thấy còn bỏ lại nhiều người quá.
Vào giây phút rối rắm ấy, tôi có đầy cảm xúc lẫn lộn. Một mặt, tôi sung sướng đã an toàn đi thoát, không sứt mẻ gì. Một mặt, lại luyến tiếc phải ra đi vội vã như thế.
Ngày hôm sau, lúc mười một giờ sáng tôi hãy còn nghe tiếng chính tôi trên máy phát thanh đang loan: “Bây giờ là mười hai giờ đêm ở Saigon, tại đài phát thanh Hoa Kỳ,” Giêsu Ma, tôi nghĩ. Ở đó có cái máy phát điện chạy dầu cặn. Cái máy vẫn tiếp tục chạy, nên phát thanh vẫn tiếp tục. Tôi tự bảo: “Tức cười là đối phương vẫn chưa chịu đến mà tắt hoặc cho nổ phứt cái đài này đi”. Nhưng họ đâu có muốn nổ đài. Họ muốn giữ nguyên các khí cụ còn để lại.
Khi trực thăng vừa chạm xuống, bọn hải quân kéo ngay chúng tôi sang một bên tàu. Tôi đang đứng đó với mấy cha kỹ sư Việt Nam thì chợt họ hô: “Ô kê, tụt quần xuống”. Tôi bảo: “Ơ kìa, không được”. Nhưng mấy cha Việt Nam đã tuân lệnh tụt hết quần xuống, lại còn ngúc ngoắc ngón tay vẫy vẫy. Họ muốn khám vũ khí. Tôi nghĩ, mẹ kiếp, chả biết người ta giấu được vũ khí gì trong hậu môn? Chả lẽ giấu dao? Tôi bảo lan: “Giêsu Ma, mấy cha nội Việt Nam chắc hẳn phải nghĩ rằng đây là một… phong tục rất lạ của người Tây phương!”
Sáng hôm sau, các máy bay trực thăng của Không quân Việt Nam bay đến hạm đội, chừng nửa tá Thủy quân Lục chiến ôm súng M16 lăm lăm quỳ xuống chĩa vào trực thăng. Một Thủy quân Lục chiến tiến lên, kéo khẩu súng máy nòng 30 từ trên giá vứt qua thành tàu, rơi tõm xuống biển. Rồi họ ra lệnh cho nguời ta đứng dang chân tựa người vào trực thăng để soát vũ khí. Đó là những phi công Việt Nam. Nếu thấy được võ khí, người ta ném qua thành tàu. Người ta cũng kéo mấy chiếc xe Honda, vứt xuống biển. Bọn Việt Nam nhìn với cặp mắt khiếp hãi. Bởi lẽ thay vì chở người tỵ nạn, họ đã cố dành chỗ trên trực thăng mà nhồi nhét mấy chiếc Honda này, nhưng bây giờ mấy cái xe gắn máy lại bị Thủy quân Lục chiến kéo ra, ném xuống biển. Âu thế cũng phải. Và rồi người ta cũng xô cả những chiếc trực thăng, họ đẩy luôn xuống biển khơi. Đám sĩ quan Việt Nam lúc ở trong nước vẫn có bộ dạng dương dương tự đắc, cáu kỉnh gắt gỏng. Nhưng thái độ của họ thay đổi rất nhanh sau khi bước chân lên tàu Hancock.
Và người ta lùa họ xuống phía dưới, hệt như mọi người khác. Nhiều người trong bọn họ bèn tháo bỏ phù hiệu, lon lá ra.
Cho đến hôm nay, tôi vẫn nghĩ về Việt Nam. Tôi luôn luôn nghĩ đến Việt Nam. Dầu sao chăng nữa, tôi cảm thấy hình như đó vẫn còn là một vấn đề chưa hoàn tất. Việt Nam là một công chuyện dở dang.
Chương 13: Dân Sự Hoa Kỳ
OHN WALBURG
“Lạy Chúa, tôi đã trở về cõi sống”
Khi Đà Nẵng mất, tôi nhẩm tính có lẽ chỉ còn ba đến bốn tháng nữa thôi, Bắc Việt sẽ chiếm trọn miền Nam. Tôi biết chúng sẽ đến, nhưng vợ tôi bảo: “Lo con bò trắng răng”. Bả đinh ninh thế nào phút chót Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ cũng xuất hiện – y như hiệp sĩ màn bạc – đến cứu độ chúng sinh. Tất nhiên tôi biết nhiều hơn bả.
Tôi đã ở Việt Nam từ năm 1969, lấy vợ địa phương, sinh được ba con. Chúng tôi cư ngụ giữa vùng Biên Hòa – Saigon. Tôi dự định sẽ sống vĩnh viễn ở đấy, nhưng chiến cuộc mỗi lúc một bất lợi cho miền Nam. Mọi sự thay đổi cả.
Ngoại ô Saigon có một bãi xếp đầy đồ tiếp liệu Mỹ viện trợ cho Việt Nam, chung quanh có hàng rào bao bọc. Mỗi ngày đi Saigon tôi đều lái xe ngang qua bãi hàng. Tôi để ý hàng hóa mỗi tuần một ít đi. Cho đến giữa tháng Tư, chẳng khác một bãi đậu xe trống rỗng. Nhìn hàng hóa vơi dần, tôi biết chuyện xảy ra. Ngày cuối đã gần kề.
Phải mất hết hai hôm tôi mới hoàn tất đủ giấy tờ rời khỏi Việt Nam. Hai ngày ròng rã đứng xếp hàng điền đủ thứ đơn. Đáng lẽ chúng tôi đi chuyến bay tại Saigon ngày 28 tháng Tư, nhưng địch dội bom, bắn hỏa tiễn trước khi chuyến bay cất cánh. Do đó, chúng tôi đã phải thay đổi chương trình.
Cuối cùng, chúng tôi xoay sở vào được phi trường Tân Sơn Nhất buổi sáng ngày 28, lính gác chặn lại. Chúng tôi chi cho họ ít tiền, họ mới để chúng tôi vào.
Vào được bên trong, người ta chỉ chúng tôi đến căn nhà phụ của Văn phòng Tùy viên Quân sự. Đó là địa điểm làm thủ tục ra đi. Đến đấy họ đưa thêm một cọc giấy tờ nữa. Rồi lại sắp hàng chờ. Cuối cùng, giấy tờ còn nhớ, vì đó là số chuyến bay của chúng tôi. Lúc ấy họ đang gọi đến số 17. Ai nấy nhao nhao hỏi chuyến bay. Mọi người đều lộ vẻ lo lắng vì chuyện ra đi. Nhiều người lâm râm cầu nguyện.
Sau khi lĩnh được số chuyến bay, chúng tôi ngồi xuống đất chờ. Bên trên, người ta căng một cái dù nhà binh che nắng. Sau cùng họ bảo chúng tôi lên xe buýt. Chiếc xe này sẽ chở chúng tôi ra máy bay.
Khi tất cả mọi người vừa lục tục vào được xe buýt thì đột nhiên một trái rốc kết bay đến đánh trúng căn cao ốc kế cận. Trái rốc kết thổi bay tầng thượng. Mái nhà rơi sập xuống hồ tắm căn cứ. Khi trái rốc kết bay đến, chúng tôi nghe rõ tiếng rít. Tôi chắc mẩm đã trúng xe buýt rồi. Cửa xe đóng. Tôi xốc đứa con trai chạy về phía trước, đẩy cửa, đạp người tài xế ra ngoài. Ai nấy hoảng hốt. Mọi người la thét ùa nhau về phía cửa. Vợ tôi lôi hai đứa con gái kế sau lưng, cả ba băng qua đường, lăn xuống rãnh. Tôi ôm đứa con trai úp xuống mặt đuờng. Tôi lấy thân mình che lên nó. Rồi tôi mới nghĩ: “Thực ngu ngốc quá” vì chỗ tôi đang nằm là chỗ mặt đường trống trải. Tôi xốc thằng con, bồng nó chạy sang bên vệ đường. Suốt đêm chúng tôi nằm đấy. Rốc kết, đại liên bắn không ngừng. Mọi người chung quanh la thét. Khóc lóc. Cầu nguyện. Ai nấy cứ thế nằm bấu chặt mặt đất.
Khi ánh sáng hửng lên, người ta vẫn tưởng đạn còn bắn vào. Giữa ánh sáng ban ngày, chẳng ai biết phải làm gì. Người tài xế biến mất rồi. Tôi bảo tất cả mọi người vào lại xe buýt. Tôi đã trông thấy mấy chiếc trực thăng hạ cánh, cất cánh trong Bộ Tư lệnh Văn phòng Tùy Viên Quân Sự, ngay góc đường.
Tôi lái chiếc xe buýt đầy người tiến đến cổng Bộ Chỉ Huy. Lính Thủy quân Lục chiến đứng canh không chịu mở. Họ bảo: “Đây là địa điểm phòng thủ an ninh. Không ai có quyền vào”. Tôi giải thích tất cả chúng tôi đã có tên trong danh sách chuyến bay, nhưng nay không còn máy bay nữa. Chúng tôi cần ra đi. Họ đáp: “Vậy ông có thể vào, ông là công dân Mỹ. Nhưng chúng tôi không cho các người khác vào được”. Khốn nạn, làm sao tôi có thể bỏ rơi vợ con tôi, cùng những người trên xe buýt? Tôi bèn ngồi xuống ngay trước cổng, bảo: “Tốt thôi, các bạn ơi. Chúng tôi còn biết đi đâu bâu giờ? Chúng tôi cứ ngồi ở đây thôi”.
Cuối cùng, một sĩ quan tiến ra cổng. Tôi đưa hết giấy tờ cho ông ta xem. Ông ta cho tất cả chúng tôi vào.
Họ đưa chúng tôi đến một cao ốc ở góc đường. Lúc này mọi người đi với tôi đã hơn một ngày không ăn uống. Tôi bước qua khu hợp tác xã quân đội. Không một người nào phụ trách ở đây. Tôi quơ một bọc bánh táo, bánh mì thịt, khệ nệ mang về chia cho mọi người. Tôi quay trở lại, lấy thêm kẹo, bánh mì kẹp. Tổng cộng cả nhóm bảy mươi người, tôi đã săn sóc cho tất cả.
Họ bỏ chúng tôi trong căn cao ốc mà không để lại một người nào bảo vệ. Tôi mò mẫm tìm quanh các phòng. Thấy cái mũ sắt quân đội lăn lóc trên sàn, tôi nhặt lấy đội lên đầu. Mở ngăn kéo, tìm được khẩu súng lục .38. Tôi nhét thắt lưng. Từ giờ phút này, người hữu trách chính là tôi. Sau một khoảng thời gian khá lâu, tôi cảm thấy như họ đã quên bẵng chúng tôi có mặt ở đấy. Tôi đi đến căn cao ốc chính. Tại đây chật ních người. Tôi tìm được một gã có vẻ thông thạo công việc. Gã ngồi trong thư viện Văn phòng Tùy viên. Gã nắm trong tay một sấp thẻ mà mỗi người sẽ phải cầm theo. Đây là những thẻ hành lý của Hãng máy bay TWA. Gã bảo tôi viết con số lên mấy cái thẻ, bắt đầu là 1-1 rồi 1- 2, cứ thế cho đến số 16 thì trở lại, bắt đầu 2-1 rồi 2-2 lại cho đến hết số 16, tiếp tục như thế. Tất cả mọi người trong nhóm tôi cũng sẽ phải cần có thẻ. Cứ 16 người vào một trực thăng. Con số đầu tiên là số của chiếc máy bay trực thăng mà người ta sẽ ra đi.
Tôi quay về lại nhóm tôi, cầm trong tay nắm thẻ. Thế là người ta nhao nhao la ó: “Cho tôi trước! Cho tôi trước!” Một gã dân biểu người Việt chạy lại. Hắn đề nghị đưa tôi 400 đô la để lấy tấm thẻ đầu tiên cho hắn và gia đình hắn đi trước. Tôi biết sớm muộn tất cả chúng tôi cũng đi cả, nên tôi lấy tiền hắn đưa. Rồi cho hắn mấy tấm thẻ. Sau đó lần lượt tôi phát cho những người khác. Có một linh mục và vài bà bụng chửa, tôi đưa thẻ cho họ lên chuyến đầu tiên. Mọi sự hệt cảnh tượng chia ghế trên các tàu cấp cứu trong vụ đắm tàu Titanic. Mọi người đứng im phăng phắc, hết sức lễ độ vây quanh tôi. Một lão già và bà vợ sợ run như cầy sấy. Lão ta đến gần đưa tôi năm đô la để xin vào chuyến đầu. Tôi bảo lão già: “Cất tiền đi.” Tôi vẫn cho họ vào chuyến đầu. Còn vợ con tôi và tôi giữ mấy tấm thẻ của chuyến trực thăng chót trong nhóm. Xong xuôi, tôi yêu cầu mọi người sắp hàng. Tôi dắt tất cả lũ lượt xuống tòa nhà chính.
Trong toà nhà đã có một hàng dài. Chúng tôi đứng trong hàng với mấy tấm thẻ hành lý. Khi chuyển dần lên gần hàng đầu, bất chợt họ bảo: “Không được mang va li”. Chúng tôi chỉ được phép mỗi người một túi xách nhỏ thôi. Tôi giữ cái cặp, vợ tôi mang cái túi du lịch đựng quần áo. Đấy tất cả những gì chúng tôi mang đi.
Đứng tại đây, hầu như một cuộc xếp hàng vô tận. Nói cho đúng, chúng tôi đã đứng suốt một ngày dài. Cuối cùng, mãi xế chiều mới lên được hàng đầu, rồi chúng tôi được dẫn tới trực thăng – một chiếc Chinook lớn.
Chúng tôi bước vào, nhưng họ chặn nhóm tôi lại ngay sau khi vợ tôi lên. Kế sau vợ tôi là hai cô gái người Việt. Người ta ra hiệu yêu cầu tất cả quay vào, chờ chiếc trực thăng kế tiếp.
Hai cô gái sợ xanh mặt. Rõ rệt các cô không thể tin là sẽ có chiếc trực thăng kế. Các cô nắm lấy vợ tôi, chu chéo khóc, nhất định không buông tay. Cửa đã đóng, họ vẫn bíu lấy vợ tôi. Tôi đẩy họ lùi lại, nhưng họ vẫn bám chặt. Họ thét lên: “Cứu tôi với! Cứu tôi với!” Hai cô đều là y tá Việt Nam, làm việc cho Mỹ. Cuối cùng người ta đành mở cửa kéo hai cô vào. Rồi cất cánh.
Tôi đứng cạnh người xạ thủ khi máy bay bốc lên. Tôi thầm bảo: “Chà cuối cùng rồi cũng thoát”. Tôi rất khoái chí khi bước vào trực thăng. Từ khi rời quân ngũ đến nay mới lại được đi trực thăng. Họ nhờ tôi mang hộp bông gòn đi phân phối cho các hành khách nhét lỗ tai. Tiếng động cơ rất lớn. Chúng tôi bay qua Vũng Tàu, thấy rõ cái bãi biển đẹp đẽ bên dưới. Đấy là hình ảnh cuối cùng của Việt Nam.
Tôi nhoài người nhìn ra phiá trước xem chúng tôi đi đâu. Rồi tôi thấy những hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ. Cả một hạm đội dưới biển Nam Hải. Thực là một quang cảnh tuyệt vời.
Chúng tôi hạ xuống mẫu hạm – tôi nhảy ra trước, dìu vợ con bước xuống. Các bác phó nhòm Mỹ, các thủy thủ và lính Thủy quân Lục chiến nói tíu tít. Trên tàu mọi người đều nói tiếng Anh. Mọi sự đều đã trong vòng yên ổn. Tôi nhìn quanh, thầm nhủ: “Lạy Chúa nhân từ, tôi đã trở về cõi sống”.
BÁC SĨ BRUCE BRANSON
“Một kế hoạch khủng bố đã định liệu trước”
Vào lúc Hiệp định Ba Lê ký kết, quân đội Mỹ sửa soạn rời Việt Nam, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ liên lạc với bệnh viện Cơ Đốc tại Trung tâm Sài Gòn để xem bệnh viện này có thể nhận chăm sóc cho các kiều dân thuộc Tòa Đại sứ Mỹ không. Bấy giờ bệnh viện này chỉ dành cho người Việt. Vì đó là một bệnh viện tương đối nhỏ, ban Quản đốc trả lời rằng nếu có một địa điểm rộng hơn, và nếu được tăng cường nhân viên thì có thể phụ trách được. Trong lúc này bệnh viện “Dã chiến số 3” của Quân đội Hoa Kỳ ở cách phi trường Tân Sơn Nhất chừng một dặm đã dọn đi. Vì vậy người ta thoả thuận cho di chuyển toàn bộ bệnh viện về đó. Chỗ này trở thành địa điểm mới của bệnh viện Cơ Đốc Saigon.
Một trong những yêu cầu của tòa Đại sứ là bệnh viện cần phải có chuyên viên các ngành giải phẫu, chỉnh hình và nội khoa. Bấy giờ bệnh viện đã có chuyên viên từ Hoa Kỳ sang phụ trách về chỉnh hình, về chấn thương, tất nhiên, và về khoa gây mê, nhưng lại không có chuyên viên Hoa Kỳ làm thường trực và toàn thời gian về giải phẫu hoặc nội khoa. Vì thế Khoa trưởng Y Khoa thuộc Đại học Loma Linda đã bay sang Việt Nam gặp giới chức Tòa Đại sứ Hoa Kỳ cùng với một số người thuộc Hội truyền giáo Cơ Đốc, rồi ký một khế ước thỏa thuận cung cấp nhân viên cho bệnh viện này. Bấy giờ tôi là Trưởng khu Giải phẫu của Trung tâm Y khoa thuộc Đại học Loma Linda. Chúng tôi tuần tự sang Việt Nam mỗi phiên ba tháng. Do đó vào năm 1973 tôi sang bên ấy theo phiên thường lệ cùng một số khá đông người khác.
Bệnh viện này thường kín chỗ mặc dầu bệnh xá khá lớn. Có từ hai đến ba khu dành riêng cho kiều dân Mỹ, tất cả số còn lại dành cho người Việt. Chính phủ Việt Nam đòi hỏi bốn mươi phần trăm tổng số bệnh nhân mà chúng tôi chăm sóc phải là các bệnh nhân nghèo. Còn các bệnh nhân khác là những bệnh nhân có thể trả một phần hoặc toàn thể bệnh phí. Riêng kiều dân Mỹ thì chi phí sẽ được chính phủ Mỹ bồi hoàn cho bệnh viện. Đối với loại bệnh nhân này, khi họ tương đối bình phục để có thể di chuyển, và nếu đã gần thời hạn về xứ, thì chuyển vận quân đội hoặc các toán cứu thương sẽ đưa họ sang Phi Luật Tân bằng phi cơ.
Vào năm 1973 mọi việc khá ổn. Họ còn đưa được tôi ra cả Đà Nẵng và Huế. Tại Đà Nẵng chúng tôi cũng có một số bệnh xá giáo vụ và các cô nhi viện. Mặc dầu du kích Việt Cộng có mặt tại vùng đồi núi, nhưng tình hình phía Bắc lúc ấy cũng khá ổn định. Tại các thành phố, chính phủ Nam Việt Nam đều kiểm soát được.
Vào tháng Ba năm 1975 mọi sự bắt đầu đổ vỡ. Đà Nẵng trở nên náo loạn khi Bắc quân bắt đầu một cuộc tiến công nghiêm trọng. Bấy giờ nhằm phiên tôi sang làm việc ở Việt Nam. Người ta đang rối rắm không biết có nên tiếp tục mở cửa nhà thương ở Saigon hay không. Một số nhân viên Hoa Kỳ quyết định ra đi đã tạo nên khoảng trống trong khu giải phẫu. Họ sang Hồng Kông chờ đó xem tình hình ra sao. Chúng tôi nhận được thông báo khẩn của tòa Đại sứ là khu giải phẫu thiếu người, vì thế tôi quyết định sang Việt Nam để điền vào chỗ trống.
Bấy giờ tôi không nghĩ là chúng tôi nhận được tin tức đầy đủ và chính xác. Mọi sự đều mơ hồ. Tuy nhiên Saigon vẫn có vẻ tương đối an toàn. Phải nhớ rằng Nam Vang đã bị bao vây khoảng một năm trời, từ sáu tháng cho đến một năm, thành phố này bị vây hãm, nhưng toà Đại sứ Hoa Kỳ ở đó vẫn thực hiện được một cuộc ra đi trong trật tự, cho nên, ở Saigon lẫn tại Đại học Loma Linda, người ta cho là các vụ đụng độ ở phía Bắc miền Nam Việt Nam sẽ được kiềm chế, tình trạng không có gì quá trầm trọng.
Lúc ấy chúng tôi vẫn có thể liên lạc được về Mỹ bằng điện thoại, nên tôi vẫn thường gọi về Đại học Loma Linda, về vợ tôi và gia đình tôi. Nhưng sau đó việc liên lạc điện thoại trở nên khó khăn. Chúng tôi bắt đầu phải gọi qua vô tuyến điện, từ đó người ta liên lạc với người nhận tại California, rồi nối đường dây điện thoại, chúng tôi mới nói chuyện được. Nhờ đó chúng tôi vẫn có thể giữ được phương tiện truyền thông.
Trong bệnh viện, có mở một trường đào tạo y tá. Khi miền quê trở nên bất ổn, người ta cho các học viên về nhà. Các học viên y tá quê quán tại nhiều miền khác nhau, họ đều lo lắng về gia đình, không biết thân nhân ra sao, nên đòi về. Vì vậy người ta phải đóng lớp học, tạm cho nghỉ. Rồi chừng hai tuần sau khi tôi đến Việt Nam lần này, các cô học viên y tá quê quán vùng ngoài – tại Nha Trang và dọc vùng duyên hải – đang lục tục trở lại bệnh viện. Họ cho biết cuộc tiến công của Việt cộng quá nhanh so với sự loan báo của Đài phát thanh miền Nam Việt Nam. Họ nói họ đã chứng kiến nhiều cuộc tàn sát, đã phải lặn lội đi đêm, ban ngày phải ẩn náu mới về lại được. Họ kể nhiều chuyện khiếp đảm. Họ đã chứng kiến nhiều vụ tàn sát tập thể bởi quân Bắc Việt ở gần Vũng Tàu.
Có nhiều vụ đụng trận dọc Duyên Hải: Hai mươi cô y tá này phải đi bộ, chạy tán loạn trong suốt thời gian từ một tuần đến mười ngày. Các câu chuyện họ kể thực ghê sợ. Không ai cảm thấy có thể tin được những gì Đài phát thanh chính quyền loan báo nữa.
Họ kể việc Bắc quân tiến vào các làng hoặc các tỉnh, lùa những người mà chúng nghĩ là các viên chức chỉ huy rồi bắn, hoặc chặt đầu. Hoặc nếu bắt được lính miền Nam làm tù binh, chúng cũng bắt sắp hàng rồi bắn. Suốt vùng Duyên Hải đều xảy ra chuyện như thế. Tình trạng giống như có một kế hoạch khủng bố đã được định trước. Việc này làm chúng tôi ở Saigon đâm lo lắng, vì lẽ ai chẳng biết trước đây bệnh viện chúng tôi là một bệnh viện quân đội, chúng tôi săn sóc cho người Mỹ, và trong bệnh viện có rất nhiều y tá và Bác sĩ Mỹ. Chúng tôi cũng khám phá được một số không ít những người sống ở các vùng lân cận đều là cảm tình viên Việt cộng. Một số chính là nhân viên bệnh viện hoặc có bạn thân làm trong bệnh viện. Việt cộng đã cho họ biết rằng khi quân đội Bắc Việt tiến đến, một số nhân viên bệnh viện có tên trong sổ đen sẽ bị hành quyết. Đa số nhân viên quản trị bệnh viện đều có tên trong danh sách này.
Điều đó làm mọi người bất an, người ta không thể biết ai là bạn, ai làm việc cho Việt cộng. Tôi nghĩ nhiều người có tinh thần phù thịnh, họ sẽ đứng về phe chiến thắng, bất kể phe nào thắng. Do đó chúng tôi trình bày việc này với Tòa Đại sứ. Người ta bảo “cứ yên tâm, khi thực sự cần di tản, chúng tôi sẽ tìm mọi cách giúp quý vị đưa những người bị nhiều nguy cơ nhất ra đi”.
Lúc đó mọi người tại Saigon đều mong Quốc Hội Hoa Kỳ chấp thuận các ngân khoản phụ trội để tăng viện cho quân đội miền Nam. Nhưng khi liên lạc qua vô tuyến điện, nói chuyện với thân hữu tại Hoa Kỳ, hiển nhiên những gì chúng tôi nghe qua truyền hình truyền thanh đều khác hẳn những gì đang xảy ra tại Mỹ. Có lẽ nguồn tin chính xác nhất chỉ là đài BBC. Còn Đài Phát Thanh Quân Đội địa phương bây giờ suốt ngày chỉ chơi nhạc, không loan báo điều gì có thực về tình hình xảy ra.
Đến khi mọi việc đã rõ rệt, bên Đại học Loma Linda thấy chắc chắn Quốc Hội sẽ không bỏ phiếu cấp thêm tiền nữa, họ bắt đầu thúc đẩy chúng tôi di tản.
Chúng tôi vẫn nấn ná ở lại khoảng chừng sáu đến tám tuần nữa. Trong khi một số nhân viên quản trị bệnh viện sang Tân Gia Ba để lượng giá tình hình, thì tại phòng giải phẫu, chúng tôi bắt đầu tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị thương do các trận du kích và nhiều trận xáp lá cà tại vùng ngoại vi thành phố. Sự kiện này mơ hồ cho chúng tôi hiểu Việt cộng đã tới nơi. Chúng tôi hội ý với cấp lãnh đạo bệnh viện. Ho bèn liên lạc với Tòa Đại sứ để tìm hiểu xem đã có kế hoạch ấn định khi cần phải di tản chưa. Người ta không bao giờ nhận được những câu trả lời thẳng thắn. Đại sứ nhất định không chịu bộc lộ điều gì chứng tỏ tình hình lộn xộn. Ông không muốn rối loạn bộc phát trong thành phố, nên ông không cho phép bắt đầu di tản.
Tuy nhiên tại Tòa Đại sứ có một Trung tướng bắt đầu trực tiếp phụ trách vấn đề. Sau này chúng tôi hiểu là tại Hoa Thịnh Đốn đã có cuộc tranh luận xảy ra giữa Bộ Ngoại Giao và Bộ Quốc Phòng. Sau cùng Bộ Quốc Phòng bắt đầu trực tiếp nắm mọi việc. Vào lúc này, hãy còn khoảng mười lăm ngàn người Mỹ quân đội nhưng mặc thường phục, đang làm nhiều công tác quan trọng khác nhau ở Việt Nam. Người ta ý thức là phải bắt đầu di tản những người này. Rất nhiều người trong số ấy đã lấy vợ Việt, có con cái, thân nhân Việt Nam. Cho nên cuộc di tản không vận bắt đầu vào khoảng 15 tháng Tư, tôi nhớ như thế, khi tình hình bắt đầu chuyển động.
Một số rất đông người Việt đã tới bệnh viện yêu cầu chúng tôi giúp họ đi. Chúng tôi có một số bạn hữu Việt Nam từng ở Mỹ. Có hai sinh viên Việt Nam đã học Y khoa ở Mỹ. Một người là con trai Khoa trưởng Y khoa Đại học Saigon, một người nữa là con trai Chánh án Tòa Thượng Thẩm Saigon. Họ đều khẩn thiết mong đoàn tụ với gia đình lúc bấy giờ đã ở Mỹ. Vì thế chúng tôi bắt đầu đi một loạt đến Tòa Đại sứ, rồi đến phi trường.
Bấy giờ Tòa Đại sứ chỉ cho những người Việt thân nhân của kiều dân Mỹ di tản. Họ đang cố tìm cách di tản một số lượng khá lớn kiều dân Mỹ. Do dó một số người trong nhà thương chúng tôi bắt đầu tìm cách làm thủ tục nhận con nuôi người Việt. Họ rời phòng mổ, đứng sắp hàng xin giấy tờ để giúp một số người Việt ra đi với tư cách thân nhân. Tôi nhớ có tám người Mỹ trong nhà thương đã làm thủ tục chính thức nhận vào khoảng năm mươi đến sáu mươi người Việt làm con nuôi, trong số đó có cả những người lớn tuổi hơn chúng tôi. Chúng tôi cũng phải cam kết sẽ bảo trợ họ, lo nơi ăn chốn ở và săn sóc cho họ.
Cũng suốt thời gian này chúng tôi cố di tản các bệnh nhân Mỹ, các chuyến bay tải thương vẫn tiến triển nên chúng tôi có thể đưa họ vào các xe cứu thương. Trong các xe đó chúng tôi cho nhiều người Việt đóng vai y tá, hoặc đóng vai người phục dịch, cứ mỗi xe một bệnh nhân người Mỹ, thêm vào càng nhiều người Việt càng tốt. Lính gác phi trường thấy xe cứu thương với dây nhợ truyền nước biển, bông băng đủ thứ là cho phép chạy vào. Tất nhiên những người – gọi – là – nhân – viên – phục – dịch không ai ra về nữa. Họ ở lại với bệnh nhân và bay thẳng sang Phi Luật Tân. Vào thời điểm này, việc ấy là bất hợp pháp, vì lẽ chỉ thân nhân người Mỹ mới được cho đi thôi, tuy nhiên người ta cũng đồng ý cho chúng tôi gửi những người phục dịch Việt Nam kèm theo. Song le chẳng bao lâu chúng tôi hết sạch bệnh nhân Mỹ. Chúng tôi đành nài nỉ Ban chỉ huy tải thương tại Phi Luật Tân cứ cho tiếp tục các chuyến bay ngõ hầu chúng tôi gửi thêm người đi, gồm các nhân viên bệnh viện và những người chịu nguy cơ cao độ.
Do dó, trong vài ngày, họ cũng khứng chịu cho linh động như thế. Tuy nhiên sau đó họ bảo “Chúng tôi không thể tiếp tục. Vì không còn bệnh nhân Mỹ trên chuyến bay, người ta không cho giấy phép nữa”.
Vì thế Ralph Watts, Vụ trưởng Giáo vụ Cơ Đốc lặn lội sang Tân Gia Ba thương lượng, cuối cùng đạt được thoả thuận của Đại diện Bộ Quốc Phòng tại Tòa Đại sứ cho phép di tản một số nhân viên người Việt làm cho bệnh viện. Lúc đầu, họ đồng ý cho chúng tôi một số chỗ trên các chuyến bay dành để chở những người thực sự cần di tản (gồm khá nhiều người đã cộng tác với Trung ương Tinh báo Mỹ, những người này được hứa hẹn di tản khi tình trạng xảy ra như vậy). Nhưng rồi tình hình đổ vỡ nhanh chóng quá, người ta không kịp đưa đi hết nên đành bỏ lại rất đông. Tòa Đại sứ hoàn toàn thiếu một kế hoạch di tản có tính thực tế, nên đã tạo nhiều việc bất ưng, họ đã thất bại trong việc giữ lời hứa di tản các người Việt chịu nhiều đe doạ. Tôi chắc chắn việc ấy làm cho những người chúng ta không đưa đi được rất đau buồn, chua xót.
Vụ trưởng Ralph Watts yêu cầu người trong bệnh viện phải thiết lập danh sách theo từng khu, làm chúng tôi khó đương đầu nổi trách nhiệm quyết định ai đi ai ở. Chúng tôi thức suốt đêm, cố lập danh sách ấy. Tới nửa đêm, họ điện thoại cho Ralph Watts mà bảo: “Chúng tôi không thể làm nổi nữa. Công việc này thê thảm quá”. Ông trả lời: “Chỉ quý vị mới biết rõ những người nào chịu nhiều nguy hiểm nhất”. Ông yêu cầu họ quay lại tiếp tục công việc. Sáng hôm sau họ lập được danh sách ấy. Nhưng việc lập danh sách này quả là một kinh nghiệm thương tâm.
Chúng tôi ra đi ngày hai mươi lăm. Saigon sụp đổ ngày ba mươi. Trước đó chúng tôi đã chuyển số bệnh nhân còn lại sang các bệnh viện thành phố trong ba ngày chót để chắc chắn chúng tôi không bỏ lại các bệnh nhân không ai coi sóc. Có chừng mười sinh viên Đại học Y khoa luân phiên thực tập tại bệnh viện chúng tôi, hầu hết đều quyết định ra đi với chúng tôi. Số còn lại đã phụ giúp việc chuyển bệnh nhân sang các bệnh viện khác. Cũng nhiều người không muốn đi, vì không muốn bỏ gia đình lại. Một cán sự phòng thí nghiệm người Gia Nã Đại cũng quyết định ở lại. Theo tôi nhớ, anh quyết định như thế vì anh cảm thấy có thể giúp đỡ việc bảo vệ số nhân viên còn lại, tối thiểu cũng có thể xem chừng những gì xảy ra tại bệnh viện và duy trì phần nào sự kiểm soát trong trường hợp xảy ra náo loạn. Cảnh sát Thành phố bây giờ không cho nhân viên phòng vệ canh gác nữa. Ngoài cổng bệnh viện đã có hàng trăm người cố tìm cách lọt vào vì họ nghĩ họ sẽ được an toàn hơn ở tại nhà. Mọi sự bấy giờ trở nên bất ổn. Tôi nghĩ ai cũng lo xảy ra bạo động. Tuy nhiên những vụ đó không hề xảy ra trong thành phố.
Trong ngày cuối của chúng tôi ở Saigon, chúng tôi cho cứ một người Mỹ vào một chiếc xe cứu thương, tổng cộng có tám chiếc, rồi chúng tôi ấn vào xe cứu thương các nhân viên người Việt làm cho bệnh viện. Chúng tôi đã được chấp thuận cho đi toàn danh sách những người ấy.
Có nhiều người phải ở lại vì chúng tôi không thể xin đủ danh sách ở tòa Đại sứ, người ta chỉ cho một số có hạn. Tất nhiên những người bị ở lại đã phải chịu nhiều áp lực nặng nề.
Đưa đoàn xe cứu thương ra khỏi cổng bệnh viện là một mối kinh hãi. Khi còi cứu thương bắt đầu hú, vừa đóng cửa xe xuống thì khoảng ba mươi đến bốn mươi nhân viên của chính bệnh viện chúng tôi ùa đến chen vào xe. Tinh trạng xảy ra gần như bạo động. Chuyện duy nhất có thể làm được bây giờ là nhấn hết ga mà chạy, bởi lẽ nếu chần chờ thêm, chắc chắn chúng tôi sẽ không một ai đi đuợc. Lúc ấy nhiều người kêu thét thất thanh, khóc nức nở.
Chúng tôi chỉ thông báo việc ra đi cho những người có tên trong danh sách được chấp thuận đưa đi. Chúng tôi dặn riêng họ đừng nói hở cho ai biết. Chúng tôi cho họ hai giờ đồng hồ về nhà sửa soạn đưa vợ con và những thân nhân được phép đi với họ. Như thế tất cả những người còn lại thực ra không hay biết gì, mãi đến khi chúng tôi cho xếp người vào xe cứu thương. Việc xảy ra thực khổ tâm cho hết cả mọi người. Nhiều người bị bỏ lại chính là những bạn bè thân, hoặc thân nhân của những người ngồi trên xe cứu thương. Một trong những việc tàn khốc nhất, là khi phải quyết định cho ai có tên trong danh sách.
Mặc dầu đã được chấp thuận của Bộ Quốc Phòng Mỹ, nhưng lọt qua cổng phi trường Tân Sơn Nhất với các lính gác Nam Việt Nam cũng còn là việc khó khăn. Trong phi trường tất nhiên đã có nhiều vận tải cơ lớn đến, bên ngoài có hàng nghìn người vịn lên cố trèo vào. VI thế việc đưa đoàn xe cứu thương vào phi trường rất vất vả. Tuy nhiên, chúng tôi đã khai thác hết lợi điểm của còi hụ và đèn chớp của những xe cứu thương.
Trong phi trường, các khu vực đưa người được Thủy quân Lục chiến thiết lập. Rất thiếu nước, tất nhiên không có nhà cửa gì, cho nên đêm đầu tiên chúng tôi phải ngủ ở vỉa hè, trên mặt đường trong phi trường. Sáng hôm sau tên chúng tôi được đưa vào danh sách chuyến bay. Từng hàng dài người đứng nhẫn nại chờ chuyển vào địa điểm lên máy bay. Trong khi đó Thủy quân Lục chiến soát xét kỹ lưỡng mọi hành lý để chắc chắn không có vũ khí và bất cứ thứ gì nguy hại. Trong lúc đứng sắp hàng, chúng tôi có thể nghe tiếng súng và những vụ đụng trận bên ngoài phi trường. Do đó chúng tôi biết Việt Cộng đã đến rất gần.
Chúng tôi rời Việt Nam bằng chuyến bay C-130. Họ đưa chúng tôi sang đảo Guam. Từ đấy người ta thu xếp cho nhóm chúng tôi lên hai chuyến bay phản lực 747. Hãng hàng không Pan-Am đã tặng hai chuyến bay này để chở người. Chúng tôi hạ cánh xuống trại Pendleton. Đại học Loma Linda đã dọn trống các phòng tập thể dục, bố trí các giường vải để tiếp đón chúng tôi. Ngoài ra họ cũng dựng lều cho chúng tôi theo kiểu cắm trại. Tổng cộng tôi nghĩ chúng tôi đã đưa được khoảng bốn trăm hai mươi lăm người.
Thế còn những người làm việc với chúng tôi bị kẹt lại sau ngày 30 tháng Tư, số phận ra sao? Vâng, rất nhiều người đã bị đưa vào các trại tập trung ở trong rừng mà họ gọi là “trại cải tạo”. Một số thân nhân của họ đã gửi thư sang Pháp rồi chuyển được sang Mỹ. Một số người bị tù trong các trại cải tạo ấy từ hai đến ba năm. Khá nhiều người khác bắt đầu vượt thoát bằng tàu sang Mã Lai hoặc Thái Lan. Trong mười năm qua, một dòng người Việt không ngớt xuất hiện ở California. Họ là những người vượt biên bằng tàu, đến được các trại tỵ nạn, rồi từ đó chờ tiêu chuẩn nhập nội Hoa Kỳ.
Tất cả là một sự thể tuyệt đối đau thương. Tôi nghĩ đa số người Mỹ đều cho là chúng ta đã đối xử tệ bạc đối với người Việt Nam. Chúng ta cũng đã có một số cảm giác mãnh liệt tại Hoa Kỳ về cuộc chiến Việt Nam. Cảm giác của đa số những người từng có mặt ở Việt Nam là: Nếu chúng ta đã định duy trì miền Nam Việt Nam như một tiền đồn dân chủ của thế giới tự do, nếu chúng ta đã chiến đấu để thực hiện việc ấy, thì chúng ta phải đến mà thực hiện công tác một cách đúng đắn. Tuy nhiên trong toàn bộ công tác này, chúng ta đã tự đặt ra những hạn chế cho chính chúng ta. Chúng ta đã loan báo trước rằng chúng ta sẽ không bỏ bom biên giới Trung quốc, nên Trung quốc cứ thế mà đổ chiến cụ, đạn dược qua ngã biên giới. Chúng ta không ngừng loan báo trước tất cả những gì chúng ta sẽ làm. Và Bắc Việt cũng tận tình khai thác từng điểm một trong lợi thế đó.
Tôi nghĩ rằng tôi cũng cảm thấy như nhiều ngưòi khác – là chiến đấu một cuộc chiến nửa vời, với những giới hạn, thì gần như không thể nào thắng. Kết quả xảy ra là cuộc chiến đã kéo dài suốt năm này sang năm khác, chung cuộc tổn phí quá nhiều sinh mạng – thay vì tấn công nhanh, gọn và kết thúc.
Nếu người ta không thực hiện được như thế, thì thà đừng mở cuộc chiến cho xong.
GEORGE LUMM
“Lạy Chúa rất thánh, họ sẽ bắn hết chúng tôi đây”
Mùa Xuân năm 1975 gia đình tôi ở cả Saigon trong khi tôi đang làm việc tại Hồng Kông. Các con tôi tất nhiên đều có quốc tịch Mỹ từ khi mới lọt lòng, Tòa Đại sứ Hoa Kỳ đã cấp thông hành cho các con tôi rồi. Tuy nhiên, phải có chiếu khán xuất ngoại mới ra khỏi Việt Nam được. Ngay công dân Hoa Kỳ rời Việt Nam cũng cần chiếu khán xuất ngoại mới đi được.
Tôi đã tin người Mỹ chúng ta sẽ quay lại hỗ trợ cho chính phủ Việt Nam, chủ chốt vì vấn đề dầu lửa, tôi nghĩ. Có mấy hòn đảo ngoài hải phận Việt Nam mà người Việt phải tranh chấp với Trung Quốc , họ cho là có rất nhiều dầu ở ngoài vùng ấy. Tôi tính nếu có vấn đề năng lượng, nếu có nhiều dầu, chắc chắn Hiệp Chủng Quốc sẽ phải hỗ trợ cho Việt Nam – Chỉ vì vấn đề này. Tôi không nghĩ đến ba cái chuyện bảo vệ tự do dân chủ gì cả, tôi nghĩ toàn bộ cuộc chiến này chẳng là cái gì khác ngoại trừ một đường lối kiếm tiền. Tôi tính ra với khối lượng dầu lửa ấy, một đống tiền, chắc chắn người ta sẽ phải bảo vệ họ vì mớ dầu ấy.
Tôi thản nhiên, không bồn chồn lo lắng, cho tới một tháng trước khi đi. Đó là khi Đà Nẵng sụp đổ.
Một cô em họ của vợ tôi sống tại vùng Đà Nẵng. Vợ chồng cô có sáu đứa con, chồng làm thầu quân đội, nhặt rác. Cô em vợ tôi chạy vào Saigon một thân một mình cho biết Việt Cộng đã giết hết chồng con cô. Trước đó, người chồng đã bảo cô thu xếp ra đi “Việt Cộng sắp đến, chúng giết tôi mất”, anh ta có nói thế. Tôi không rõ tại sao họ biết, những sự thể xảy ra như vậy. Chúng đã giết anh và cả mấy đứa con. Sau đó cô đi đường bộ từ một địa điểm gần Đà Nẵng về suốt đến Saigon. Cô bảo bọn Việt Cộng nổi điên, đã bắn giết dân chúng. Tôi mong cô đến ở với chúng tôi để cùng đi. Nhưng cô từ chối, bảo cô không còn lẽ sống ở đời nữa.
Nhưng chúng tôi cũng đã mang đi được 32 người Việt. Tôi bay về Saigon bằng Hàng Không Việt Nam. Tôi có vé máy bay cho vợ và các con tôi, vì ngay từ trước, tôi đã lo chuyện này. Tôi đến hỏi Lãnh sự Mỹ ở Hồng Kông, vì tôi muốn mang cả gia đình vợ đi, gồm bố mẹ vợ, anh chị em vợ tôi. Nhưng họ đã làm cho tôi phải chạy loanh quanh mãi. Họ bảo: “Ờ được chớ. Đâu có vấn đề gì. Cứ đến tòa Đại sứ Saigon, họ chấp thuận mà. Họ sẽ cho gia đình vợ ông chiếu khán nhập cảnh Hoa Kỳ thôi”. Vợ tôi có quốc tịch Mỹ. Tôi bèn đến toà Đại sứ Mỹ ở Saigon. Lúc ấy hãy còn là tháng Ba – họ lại bảo tôi trở về tòa Lãnh sự Mỹ ở Hồng Kông xin thêm giấy tờ nữa họ mới cấp chiếu khán nhập cảnh cho gia đình vợ tôi. Cứ thế, tôi loay hoay chạy đi chạy lại. Cuối cùng vào tháng Tư, tôi đến Tòa Đại sứ Mỹ ở Saigon lần nữa. Bấy giờ chỉ chừng một tuần là mất Việt Nam, tôi đâm hoảng. Tôi bảo: “Lạy Chúa, chuyện gì xảy ra thế? Tôi phải đưa gia đình đi khỏi đây. Vợ tôi không thể bỏ gia đình mà đi được. Bả là công dân Hoa Kỳ. Qúy ông phải giúp cho các công dân Hoa Kỳ đi chớ?” Người nói chuyện với tôi là một tên chó đẻ. Hình như hắn là Phó lãnh sự gì đó ở Saigon. Hắn nói: “Tôi sẽ cho ông một lá thư, mang sang Sở Di Trú Ngoại Kiều của Việt Nam mà lấy chiếu khán. Họ sẽ cấp chiếu khán xuất ngoại cho gia đình vợ ông. Không có gì trở ngại”.
Khỉ mốc. Tôi đến Sở Di Trú, đợi hàng giờ đồng hồ mới gặp được người nhân viên chỉ dẫn Việt nam. Tại xứ này, cần gì cũng phải có tiền. Vào gặp thằng cha Việt Nam mà Phó Lãnh Sự bảo tôi tới gặp, tôi giải thích tại sao tôi đến, thằng chả nói: “Anh nói cái gì vậy?” Tôi đưa ra lá thư bên Tòa Đại sứ cấp cho tôi. Thằng cha cười vào mặt tôi. Hắn nói: “Không rõ ông ta mắc chứng gì. Ông thừa hiểu chúng tôi đâu có cấp chiếu khán xuất ngoại? Chúng tôi có quá nhiều việc phải lo! Tôi đã bảo ông ta đừng làm mất thì giờ chúng tôi với chuyện gửi người tới đây xin chiếu khán xuất ngoại cho người Việt”.
Tôi quay lại gặp viên Phó Lãnh sự, hắn không tiếp. Lại phải gặp một cha khác. Tôi nói “Quỷ thần ạ. Tôi cần chiếu khán xuất ngoại mà họ không cho. Họ nói họ quá bận bịu. Mấy đứa con đẻ của tôi đều có thông hành Mỹ, vậy mà họ không chịu cấp”. Cha này nói: “Chẳng việc gì phải lo. Không có lý do gì lại hoảng lên như thế về chuyện phải đưa gia đình đi đâu cả”. Tôi nói: “Người ta đang di tản, tôi cần phải có chiếu khán xuất ngoại”. Hắn nói: “Không, chẳng có chuyện di tản di tiếc gì sất”. Lạy Chúa tôi, bấy giờ chỉ còn một tuần lễ nữa, cái đất nước khốn nạn ấy sẽ sụp đổ. Vậy mà thằng chả vẫn lẻo mồm đến thế. Tôi nói: “Giêsu Ma, ông bảo tôi không có chuyện di tản. Vậy chớ bao nhiêu công ty Mỹ đều đã đi sạch. Ngân hàng “Bank of America” cũng đi rồi. Các công ty thầu xây cất cũng đã đi. Vậy chớ bao nhiêu người đang đứng sắp hàng ngoài Tòa Đại sứ làm chi vậy? Chúng tôi là công dân Mỹ. Chúng tôi có thông hành Mỹ. Tôi muốn đưa gia đình tôi ra khỏi đây”.
Thằng chả nói: “Bận lắm, đừng mất thì giờ. Không có chuyện gì. Không di tản lôi thôi gì. Ông lo lắng quá độ. Chúng ta không bỏ Việt Nam đâu”.
Rồi tôi quay lại lần nữa. Tôi nghĩ bấy giờ là ngày hai mươi tư, lộn xộn không thể tả. Cả một đống người Việt, người Mỹ bu đến chỗ khốn nạn ấy. Tôi xin thề tôi không nói láo – ít nhất có đến bốn trăm con người sắp hàng ở Tòa Đại sứ. Chúng tôi phải đợi đến bốn giờ đồng hồ. Họ không cho tôi gặp ai, cuối cùng mới gặp được một cô Việt Nam làm việc ở đấy. Cô gái Việt Nam này tử tế hết sức. Cô ta nói quả thiệt mọi người đang đi. Họ cũng có hứa với các người Việt làm ở Tòa Đại sứ là khi ra đi, họ sẽ mang những người ấy theo.
Tôi nói: “Vâng, quỷ thần ạ. Tôi nghĩ họ nên làm như thế. Họ nên đưa đi tất cả những người Việt nào đã làm cho Mỹ”. Tôi nói với cô rằng tôi đang cố sức đưa gia đình đi đây. Cô bèn chỉ cho tôi mấy cái mẫu đơn mà nói: “ Đây, đây là những mẫu đơn phải điền vào rồi đóng dấu, mang ra Tân Sơn Nhất mà di tản”. Thế là tôi chụp lấy một mớ. Cô cũng cho tôi một mẫu đơn đã đầy đủ, có đóng triện Tòa Đại sứ cẩn thận. Tôi chạy ngay tới một nhà in, biểu họ rằng: “Tôi cần tức khắc một cái con dấu giống hệt như vầy”. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, họ làm xong. Tôi bèn nhái chữ ký giống y như trong cái mẫu đơn cô ta đưa. Thế là tôi điền hết tên tuổi mọi người trong gia đình vợ tôi, hàng xóm nhà tôi, cả bạn bè nhà tôi, tổng cộng ba mươi hai người Việt.
Nhưng rồi làm sao vô Tân Sơn Nhất? Tất phải cho tiền bọn lính gác. Không tiền làm sao vô nổi. Tôi còn phải mang thêm một số người Việt phụ trội nữa: Một viên Đại tá Việt Nam làm trong Tân Sơn Nhất biểu tôi “Tôi có thể đưa ông vào, nếu ông chịu đưa gia đình tôi đi”. Tôi nói “Tốt thôi, tôi có thể đưa ai là đưa mà”. Thế là hắn cho chúng tôi vào.
Chúng tôi đẩy cả ba mươi hai người vào ba xe lái vào Tân Sơn Nhất. Trời nóng hơn địa ngục. Chúng tôi đều đói, khát mà chẳng lấy đâu đồ ăn thức uống. Đến khi vào trong, họ mới cho chút nước thấm giọng.
Tòa Đại sứ Mỹ chỉ là một bọn cứt. Lũ chính trị gia khốn nạn! Nhưng không quân Mỹ thì tuyệt vời. Bấy giờ người ta phải trình mấy tấm giấy cho các nhân viên không lực làm thủ tục di tản. Một tay sĩ quan không quân hỏi: “Tốt lắm, thưa ông Lumm, ông có biết rằng ông chỉ được phép đưa đi các thân nhân trực hệ của công dân Mỹ không?” Thưa quý vị, lúc đó tôi có mang theo cả một ông cha Công giáo, đã hơn tám mươi tuổi. Tên tuổi, ngày sinh tháng đẻ đều ghi rành rành trong mẫu đơn. Tay Sĩ quan hỏi: “Tất cả những người này đều là thân thích của ông cả phải không, ông Lumra?” Tôi đáp “Ừa, phải đấy. Hoặc liên hệ trực tiếp, hoặc do thủ tục nhận làm con nuôi”. Anh ta nói: “ Vậy chớ cái con quỷ gì đây? Ông Linh mục này đã hơn tám mươi tuổi rồi mà?” Tôi đáp: “Ừa, con nuôi tôi đấy” Anh ta phá lên cười, bảo “Ô kê, ô kê, vào cả đây. Chúng tôi sẽ tận tụy phục vụ để đưa quý ngài ra đi!”.
Nguyên tôi không định di tản kiểu này, vì lẽ tôi đã có vé máy bay Hàng Không Việt Nam. Tôi chỉ định đến đó đưa gia đình vợ tôi và những người ấy đi cho chắc thôi. Tôi định đưa họ vào, ký giấy tờ rồi mang vợ con ra, đi bằng Hàng Không Việt Nam. Nhưng mấy cha không quân bảo tất cả máy bay dân sự đều hủy rồi. Không còn máy bay dân sự nữa. Tôi nói: “Mẹ kiếp, làm gì được bây giờ?” Tôi đang có việc làm ở Hồng Kông. Bấy giờ tôi làm cho hãng DHL, một công ty dịch vụ thông tin, hãng này có một trụ sở tại Hồng Kông, và một tại đảo Guam.
Chúng tôi nằm đấy đợi hai ngày trời. Cuối cùng họ cho một chiếc xe buýt – riêng cho chúng tôi – cả thảy 32 người Việt, thêm vợ tôi và tôi. Ông tài xế người Việt cũng đang cố ra đi. Muốn đến máy bay thì phải qua một trạm gác có lính Việt Nam, đến đấy họ bắt xe ngừng. Đàn bà không sao, nhưng trên xe có mấy người đàn ông ở trong quân đội. Họ ngừng xe lại, bắt mở cửa. Tôi bảo vợ tôi dịch cho tôi biết chuyện gì đang xảy ra. Gã tài xế phân bua : “Không. Tôi có đi đâu đâu? Tôi chỉ lái xe cho người ta”. Họ lôi gã tài xế xuống. Thường các xe buýt của không quân Mỹ đều có tài xế lái. Số xui, chẳng may chúng tôi lại gặp một tài xế Việt Nam. Thế là một tên lính nhảy lên xe, định chui đầu vào. Bấy giờ, chả rõ vì sao tôi hóa ra can đảm thế, nhưng thực ra tôi đã suýt ỉa trong quần. Như một thằng khùng, tôi nhảy lên, chặn cửa lại, quát: “Anh không được phép vào xe buýt này. Đây là tài sản chính phủ Hoa Kỳ. Còn đây đều là nhân viên của Hoa Kỳ”. Tôi nói lung tung mấy chuyện cứt ỉa như thế. Thằng cha cũng không hiểu tôi nói gì. Hắn lôi cái máy truyền tin ra, vợ tôi dịch lại cho tôi nghe hắn nói gì. Hắn gọi một cha Đại úy để báo cáo là mấy tên Mỹ không chịu cho hắn vào xe buýt khám.
Cha Đại úy bảo “Vậy phải bàn chuyện này. Lại đây”. Tên lính bước đi để nói chuyện với tên Đại úy của hắn.
Cả đời tôi chưa hề đụng đến tay lái một chiếc xe lớn nào. Tôi cũng không biết lái xe số tay. Cái xe buýt cứ nằm chình ình nổ máy. Không một ai trên xe biết lái cả. Đúng lúc ấy, một xe buýt khác chạy tới. Một chiếc xe trống, không hành khách. Người lái xe là một không quân Mỹ. Mỹ đen. Chúa ạ, yêu biết mấy khi nhìn cha đó. Giá ngày nay gặp lại cha này, tôi sẽ ôm thắm thiết. Anh ta dừng xe hỏi “Chuyện gì thế?” Tôi đáp “Lạy Chúa rất thánh, chúng nó sắp bắn hết chúng tôi đây”. Tôi cho anh ta biết chuyện đang xảy ra. Lúc ấy tên lính đang quay lại. Hắn thét lên: “Tốp, tốp! Ngừng lại, ngừng lại”. Vì lẽ anh không quân đã nhảy vào trong xe buýt rồi. Anh chàng không quân trả lời: “Đù mẹ các cậu” rồi tuôn xe chạy. Họ nổ súng bắn. Đù mẹ quả thật họ nổ súng bắn chúng tôi!
Thật tức cười, khi bước vào máy bay. Các cô gái trẻ sợ te tua, họ e không vào lọt. Tôi chả biết cái máy bay ấy nó là thứ máy bay gì. Nó có cái đuôi thòng xuống, người ta chui vào qua lối ấy. Máy bay lại chẳng có ghế ghiếc gì, cứ vậy ngồi bệt lên sàn. Khi chiếc xe buýt dừng lại, chưa bao giờ trong đời tôi thấy người ta chạy nhanh như thế. Mấy thằng nhỏ vọt khỏi xe buýt, chỉ mấy giây đồng hồ chúng đã tuôn vào trong máy bay. Chúng tôi ai nấy đều khiếp vía, thiệt hết nói.
Quý vị hiểu không, bấy giờ quả thực tôi nghĩ nếu chúng tôi kẹt lại là bị giết sạch cả.
Họ đưa chúng tôi đến Guam. Đầu tiên họ bảo không ai được phép dời đi hết. Tôi nói: “Quỷ tha ma bắt! Tôi là công dân Hoa Kỳ chớ bộ. Tại sao tôi lại không được đi? Có phải lính tráng gì đâu chớ? Xem thông hành đây”. Họ bèn cho tôi đi. Tôi tới văn phòng hãng DHL ở Guam. Tôi hỏi: “Bây giờ phải làm gì nào? Đây, tôi đang có mặt ở Guam.” Họ bảo: “Chúng tôi sẽ thu xếp cho ông về lại Hồng Kông”. Thế là tôi bèn đóng vai thông tín viên cho Hãng DHL. Rồi tôi trở lại Hồng Kông như thế đó.
Chương 14: Về Phía Nixon
JOHN H. TAYLOR
(Phụ tá của Tổng Thống Nixon)
“Ngày đau buồn nhất”
Vào lúc Saigon sụp đổ, Tổng thống Nixon đang sống tại San Clemente. Ông có nói với tôi và nhiều người khác rằng ngày Saigon sụp đổ là ngày đau buồn nhất đời ông – Sau ngày ông từ nhiệm chức vụ Tổng thống. Như ông đã vạch ra trong cuốn No More Vietnams “Không còn những Việt Nam nữa”, là cuộc chiến này thất bại không phải vì các chiến sĩ của chúng ta. Lý do chính là vì Quốc hội đã từ chối không cung cấp quân viện cho đồng minh Nam Việt Nam của chúng ta theo thoả ước Ba Lê năm 1973 đã ấn định cho phép cung cấp số quân viện ấy ngang với số quân viện mà Liên Xô cung cấp cho miền Bắc. Ngay lúc ấy, ông tiên đoán quyền lợi Hoa Kỳ trên thế giới sẽ còn bị thiệt hại hơn là thiệt hại của dân tộc Đông Nam Á. Lời tiên đoán của ông, chẳng may đã được chứng minh đúng vào thời khoảng từ 1975 đến 1980, khi hơn 100 triệu người đã bị thất bại với Cộng sản, hay bởi Tây phương, vì nỗi lo sợ “một trường hợp Việt Nam khác” của Quốc hội, của giới truyền thông, của chính quyền Carter và chính quyền Ford.
Nỗi đau buồn của ông về sự sụp đổ Saigon càng sâu đậm hơn, vì lẽ một trại chuyển tiếp chính của tỵ nạn Việt Nam được thiết lập ở Camp Pendleton, nơi rất gần nhà ông tại San Clemente. Ông thường lái xe đi ngang qua trại tỵ nạn này, và ông đã diễn tả với tôi một cách sinh động mỗi khi nhìn thấy trẻ con chơi đùa, khi thấy những người đàn bà đem quần áo ra phơi ở khu vực tạm trú của họ.
PHẦN THỨ HAI: NGƯỜI VIỆT
_____________________________
Chương 15: Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà
ĐẠI TÁ LÊ KHẮC LÝ
“Tôi là người độc nhất còn lại để kể chuyện cho quý vị.”
Vào năm 1974 có lần tôi đến trình diện tướng Phạm Văn Phú tại tư thất của ông ở Pleiku. Tướng Phú gọi tôi đến thảo luận một số kế hoạch. Điều đầu tiên ông nói là ông muốn di chuyển Bộ Tư Lệnh Quân Khu II tại Pleiku xuống Nha Trang. Ông hỏi tôi nghĩ thế nào? Tôi trả lời: “Tôi nghĩ đây không phải là một ý kiến tốt. Tôi ở vùng này khá lâu, đủ để hiểu tại sao chúng ta đóng Bộ Tư Lệnh tại đây. Chính Tổng thống Ngô Đình Diệm là người đã cho khai phá và phát triển vùng này. Ông Diệm có nhiều lý do chính đáng. Ông có ý đưa ảnh hưởng quân đội lên trấn ngự vùng cao nguyên. Đây là một khu then chốt, một khu vực chiến thuật trọng yếu, một khu vực canh nông với đất đai màu mỡ. Muốn đất nước giàu mạnh, phải sử dụng vùng này. Nay nếu Thiếu tướng rời khỏi đây, dân chúng sẽ di chuyển theo. Vùng này bỏ trống, Cộng sản sẽ đến. Khi kiểm soát được vùng này, chúng sử dụng làm căn cứ thì chúng ta sẽ mất tất cả miền Nam. Vậy nếu Thiếu tướng ở lại, dân chúng sẽ ở lại. Cộng sản có đến chăng nữa cũng phải khốc liệt lắm mới lấy được vùng này khỏi tay chúng ta. Thiếu tướng không thể cho không bọn Cộng sản vùng đất này!”
Quân Khu 2 là một vùng rất rộng, trong đó chúng tôi có mười bốn tỉnh. Nhưng chúng tôi chỉ có hai Sư đoàn, Sư đoàn 22 và Sư đoàn 23. Vùng bình nguyên thuộc Quân Khu 2 cũng là một vùng rất trọng yếu về kinh tế và kỹ thuật.
Nhưng tướng Phú muốn di chuyển. Ông bảo: “Đóng ở đây là đóng Bộ Tư Lệnh quân đoàn ở tiền phương, mà binh đội lại đặt ở hậu cứ.” Tôi nói “Điều ấy rất đúng! Nhưng bây giờ nếu Thiếu tướng rục rịch gì ở Bộ Tư Lệnh là dân chúng cũng sẽ hoảng sợ mà di chuyển theo Thiếu tướng ngay.”
Sau hiệp định Ba Lê 1973, dân chúng luôn xem chừng quân đội. Hễ quân di chuyển đến đâu, dân di chuyển đến đấy. Họ thấy hiệp định Ba Lê không phải là một hiệp định ngưng chiến. Có điều gì dối trá ẩn giấu đàng sau. Dân Việt Nam biết kế hoạch của Kissinger. Họ biết tại sao Kissinger đã ký hiệp định này, dù không có thuận ý của chính quyền miền Nam. Dân chúng luôn tụ tập ở những địa điểm có đặt trụ sở các Bộ Tư Lệnh cao cấp. Khi các Bộ Tư Lệnh cao cấp di chuyển, mặc dầu vẫn để lại các trụ sở cấp dưới, nhưng đại đa số dân chúng sẽ vẫn cứ di chuyển theo bộ tư lệnh cao cấp, bỏ địa điểm cũ thành những nơi gần như hoang vắng.
Cao nguyên có một khối lượng dân đông đảo. Nếu họ di chuyển, Cộng sản sẽ có nhiều cơ may tiến vào. Dân không muốn bị bỏ lại với Cộng sản. Họ xem chừng và để ý tướng Phú rất kỹ. Nhưng tướng Phú thường hay ở Nha Trang. Nhiều người bảo tôi rằng ông ấy sợ. Tôi nghĩ có lẽ đúng. Ông từng bị bắt làm tù binh trong trận Điện Biên Phủ 1954, cho nên cứ nghĩ đến Việt Cộng là ông ấy đã đủ sợ. Tôi không có lòng tin nơi tướng Phú mỗi khi chúng tôi đụng trận.
Lúc ấy, ông quyết định không rời Bộ Tư Lệnh Quân khu nữa, nhưng cá nhân ông đã chuyển một số lớn của cải và đưa cả gia đình đi Nha Trang, hầu hết nhân viên cũng đi theo với ông. Tôi là người phải điều động mọi việc ở Pleiku. Đây là sự thực. Tôi không hề có ý khoe khoang.
Tướng Phú có mâu thuẫn cá nhân với hai ông tướng khác: Tướng Trần Văn Cẩm, trước là Tư lệnh Sư đoàn 23 dưới quyền tướng Nguyễn Văn Toàn. Khi tướng Toàn đổi đi, ông Cẩm trở thành phụ tá hành quân cho tướng Phú. Một người nữa là tướng Phạm Duy Tất, trước là Sư đoàn Trưởng Sư đoàn 21. Sau trở thành phụ tá Bình Định ở Nha Trang. (*)
Tướng Phú không thích cả hai ông này. Không có sĩ quan chấp hành, tướng Phú bèn tự đặt ra một số nhân viên riêng. Trưởng phòng Tổng quản trị của tướng Phú, Trung tá Trần Tích là người phụ trách bổ nhiệm sĩ quan vào các chức vụ thân cận của tướng Phú. Trung tá Tích làm việc rất chặt chẽ với vợ tướng Phú. Còn tôi chỉ biết lo điều động những chuyện hành quân, tình báo và tiếp vận của vùng cao nguyên mà thôi.
Tôi nghe quá nhiều dư luận về những chuyện bổ nhiệm này, trong ấy có điều đúng, cũng có điều thổi phồng. Tôi đã nghe nhiều chuyện về việc người ta đưa tiền cho vợ tướng Phú để mua chức vụ. Những chuyện này rất nản, làm người ta xuống tinh thần, nhưng làm gì được bây giờ? Báo cáo cho Tổng thống Thiệu chăng, nhưng như thế cũng chẳng kết quả gì, vì lẽ chính ông Thiệu cũng đã bị mua chuộc. Tôi bảo với các sĩ quan của tôi rằng tôi bịt miệng, che tai. Tôi chỉ cố làm cho tròn bổn phận một cách tốt đẹp. Tôi không muốn quan tâm đến các chuyện khác.
Về vụ tấn công Ban Mê Thuột: Chúng tôi biết chuyện ấy sẽ xảy ra. Tuy không biết đích xác lúc nào, và lực lượng Cộng sản có bao nhiêu, nhưng chúng tôi biết chuyện ấy sẽ đến. Đại tá Trịnh Tiếu, sĩ quan tình báo của tôi – hiện đang ở trong trại cải tạo tại Việt Nam – lúc ấy đã thảo luận với tôi về sự kiện một sư đoàn Bắc Việt có mặt tại vùng cao nguyên đang di chuyển. Chúng sẽ tấn công một địa điểm nào đó. Nhưng khi báo cáo tướng Phú, ông cho rằng chúng sẽ tấn công Kontum hay Pleiku. Ông đã tập trung quân lực để phòng vệ những vùng này. Ông Tất, Chỉ huy Biệt Động quân Vùng II, bạn đồng khoá với tôi, hiện cũng đang ở trại cải tạo tại Việt Nam, là người trách nhiệm phòng thủ Kontum và Pleiku. Kontum rất dễ tấn công. Còn Pleiku là căn cứ Bộ Tư lệnh Quân đoàn. Tấn công những địa điểm này sẽ là một chiến dịch tuyên truyền chính trị thuận lợi cho địch quân. Tuy nhiên sĩ quan tình báo của tôi và cá nhân tôi hoài nghi giả thuyết này. Nếu địch muốn tuyên truyền, họ sẽ tấn công vào các toà hành chánh tỉnh. Nếu đánh Pleiku, họ không thể tấn công toà tỉnh. Và nếu họ tấn công chúng tôi, là sẽ có ngay các lực lượng tăng cường đến từ Sàigòn. Vì thế chúng tôi đặt Ban Mê Thuột lên đầu bảng liệt kê các mục tiêu mà Cộng quân có thể tấn công tại vùng II.
Nhưng khi tướng Phú quan sát Ban Mê Thuột, ông vẫn cho rằng Ban Mê Thuột có thể giữ được nếu bị tấn công. Ông tin địch quân không thể vào tỉnh. Phần tôi, không thấy có đặc công ở đấy. Còn chiến xa Bắc Việt, đối với chúng tôi không quá quan trọng, vì lẽ chúng tôi có không quân, Bắc Việt thì không.
Cuối cùng khi Cộng sản tấn công Ban Mê Thuột, ai nấy hoảng hốt. Khi chúng tấn công vào, tướng Phú đang ở Nha Trang. Vì thế tôi quyết định dàn quân lên Ban Mê Thuột. Tại đấy chúng tôi đã có Trung đoàn 53, và chúng tôi cho Biệt động quân tăng cường.
Trong một cuộc không kích của phi cơ chúng tôi, chẳng may đụng lầm Bộ chỉ huy tiền phương Sư đoàn 23, phá tan tất cả hệ thống truyền tin. Khi phải tái phối trí trận truyến, chúng tôi chiếm được một nửa thành phố. Vì Bắc quân quá mạnh trong thành phố, chúng tôi tiến chiếm thành phố một cách chậm chạp. Chúng tôi sợ bị mai phục. Rồi chính lúc ấy Sư đoàn Trưởng Sư đoàn 23 đã cho lính giữ an ninh để trực thăng đáp xuống bốc vợ ông và gia đình ông. Thật sỉ nhục. Trách nhiệm ông là chỉ huy chiến dịch tái chiếm Ban Mê Thuột, nhưng chỉ vì lo lắng cho sự an nguy của vợ mà ông đã đặt bãi đáp, ra lệnh cho binh sĩ tấn công phải quay lại bảo vệ vùng này trước! Quân Bấc Việt đã quan sát được. Khi ông ta làm thế thì Bắc quân khép chặt thành phố. Ông đã cho địch quá nhiều thời gian. Ông cho chúng một cơ hội tốt, rồi sau đó ông đã tiến quân rất chậm!
Đó là một lỗi lầm đáng trừng phạt. Ông đã bất tuân thượng lệnh. Nhưng ai sẽ là người quyết định về ông ta? Tướng Phú, hay Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu Trưởng liên quân? Sau này tôi đối diện với ông ta. Ông bảo trực thăng của ông bị bắn tỉa, ông bị thương. Ông giải thích tất cả binh sĩ đã ra khỏi trực thăng đi lo cho gia đình riêng của họ. Ông không thể kiểm soát họ được. Chúng tôi là bạn lâu năm, tôi bèn nói: “Tướng Tường, ông là Tư lệnh Sư đoàn, tại sao ông không bắn chúng nó?”. Ông ta không trả lời.
Phần Tướng Phú thì bay trở lại Pleiku quan sát tình hình. Lúc ông ở trong trung tâm hành quân với tôi thì nhận được một cú điện thoại từ Sàigòn do Tổng thống Thiệu gọi. Ông Thiệu bảo muốn gặp tướng Phú ngày hôm sau, tức là 14 tháng 3/1975 tại Cam Ranh.
Tôi bèn chuẩn bị các đồ biểu thuyết trình, các bản báo cáo tình hình cho buổi họp. Chúng tôi nghĩ Tổng thống Thiệu muốn biết diễn tiến các cuộc hành quân ra sao. Sáng hôm sau, ông Phú bay xuống Cam Ranh gặp ông Thiệu.
Sau khi gặp tổng thống, đêm ấy ông Phú trở về triệu tập một buổi họp tại Pleiku. Hiện diện trong buổi họp gồm có: Tướng Phú, tướng Cẩm, tướng Phạm Ngọc Sang Tư lệnh Sư đoàn 6 Không quân, ông Tất và tôi. Vừa bước vào phòng họp, điều đầu tiên ông Phú nói là ông đã được ông Thiệu chấp thuận thăng chức cho ông Tất. Ông gắn sao cho ông Tất. Chúng tôi vỗ tay.
Xong, ông loan báo: “Chúng ta sẽ triệt thoái khỏi Pleiku và Kontum!”
Nghe ông nói như vậy, tôi mở mắt thật lớn. Tôi nghĩ có lẽ mình nghe không rõ. Nhưng ông giải thích: Chúng ta rút lui chiến thuật để tái phối trí chiếm lại Ban Mê Thuột. Ông Cẩm, ông Sang, ông Tất và tôi đều ngồi sững. Chúng tôi véo nhau. Tôi tự nghĩ: “Cần phải hỏi xem chúng tôi sẽ triệt thoái cách nào.” Tôi lên tiếng hỏi. Ông Phú đáp: “Quý ông sẽ sử dụng đường 7B.” Phản ứng tức khắc của tôi là bảo: “Thưa Thiếu tướng, không thể được!” Ông Phú bảo: “Tổng thống đã quyết định. Chúng ta không có sự lựa chọn, bởi vì chúng ta cần đạt yếu tố bất ngờ với địch quân.”
Tôi bảo: “Thưa Thiếu tướng, tôi sống khá lâu ở đây. Tôi biết rất rõ vùng này. Đường 7B đã bỏ phế từ lâu. Lực lượng Đặc biệt Mỹ, Lực lượng Đặc biệt Việt Nam, và cả địch quân đều đã hành quân trong khu vực ấy. Họ đã gài mìn khắp nơi. Nếu phải triệt thoái với các quân cụ quân dụng nặng nề, trước tiên phải khai quang mìn trên đường, nay ai còn có thể biết mìn đặt chỗ nào? Rồi lại phải sửa đường, làm gì có thời gian sửa chữa? Ngoài ra khi chúng ta quyết định triệt thoái là mọi người sẽ biết, chẳng còn gì bất ngờ nữa! Xin đề nghị Thiếu tướng nếu phải triệt thoái, hãy sử dụng quốc lộ số 19 mà đi thẳng. Sẽ phải chấp nhận một số tổn thất, nhưng như thế chúng ta mới có thể qua được.”
Tướng Phú bảo: “Không. Tất cả quyết định rồi! Quý ông không lựa chọn gì nữa. Sáng mai tôi bay đi Nha Trang. Quý ông sẽ có ba ngày để lo triệt thoái!” Tôi bảo: “Thưa Thiếu tướng, làm sao được? Chúng ta có bao nhiêu binh sĩ, bao nhiêu là đồ tiếp liệu và quân cụ. Phải ít nhất ba tuần lễ chúng tôi mới hoạch định nổi.”
Ông ấy bảo: “Tất cả những điều ấy cũng đã quyết định xong.” Tướng Cẩm và tôi bèn hỏi thế còn Địa phương quân, Nghĩa quân, các nhân viên hành chánh xã, tỉnh và dân chúng thì sao? Tướng Phú nói: “Quý ông đừng phải lo gì cho họ cả. Quên đi!”
Tôi hỏi ông ấy đã nói chuyện với người Mỹ, các nhân viên Trung ương Tình báo và văn phòng Tùy viên Quân sự của Hoa Kỳ trong vùng chưa? Và tôi không bao giờ quên điều này: Ông nhìn thẳng vào tôi mà bảo “Hãy quên bọn Mỹ đi. Đừng nói với gì với người Mỹ cả.” Đó là đích xác những lời ông ấy nói. Tôi rất xấu hổ mà kể cho quý vị nghe sự thực đã xảy ra ở Pleiku như vậy. Tôi không tin nổi chuyện ấy. Tướng Phú đã dự định bỏ rơi cả những người Mỹ, không báo động cho họ biết về cuộc rút quân này.
Lệnh thực ra là từ Tổng thống Thiệu. Tất cả những gì tướng Phú nói với tôi, ông bảo đều do ông Thiệu nói. Trong năm người tham dự buổi họp, giờ đây chỉ còn lại một mình tôi để kể câu chuyện này tại Mỹ. Ông Phú tự sát. Ông Sang, ông Cẩm, ông Tất giờ đây đều bị giam tại các trại cải tạo ở Việt Nam. Còn lại tôi là người độc nhất để kể câu chuyện này cho quý vị.
Ông Phú nói ông phải làm như vậy vì ông tuân hành lệnh. “Quý vị khỏi lo lắng gì chuyện này,” ông nói. Ông có vẻ rất bối rối khi nói và hiện rõ vẻ bất đồng ý kiến với lệnh trên.
Tôi được chỉ định làm sĩ quan chỉ huy triệt thoái. Ông Tất phụ trách các lực lượng chiến thuật, toàn bộ hệ thống truyền tin và tiếp vận. Tôi tự bảo “Trời! khổ cho tôi.”
Tám giờ sáng hôm sau, tướng Phú ra đi. Ông dùng máy bay, bay đi. Còn lại mình tôi lo liệu. Một lát sau, từ Sàigòn tướng Đồng Văn Khuyên, Tham mưu Trưởng liên quân điện thoại, hỏi: “Tướng Phú đâu?” Tôi bật cười vì sự thể quá lố bịch. Tôi tự hỏi “Nói gì bây giờ? Nên nói thực hay nên chống chế cho ông Phú đây?”
Tôi bèn bảo: “Tôi không được rõ. Hiện tôi không có liên lạc gì với Tướng Phú cả.” Trung tướng Khuyên tiếp tục gọi nhiều lần nữa. Cuối cùng tôi đành bảo: “Vâng, xin Trung tướng cứ gọi Nha Trang để nói chuyện, ông ấy hiện ở đấy.” Tướng Khuyên hỏi: “Tại sao ông ấy lại ở Nha Trang.” Tôi bảo: “Thưa, tôi không được rõ. Trung tướng cứ hỏi thẳng ông ấy. Tôi hiện đang trách nhiệm điều động công tác ở đây, còn Tướng Phú đang ở Bộ Tư lệnh mới, đặt tại Nha Trang.”
Nhiều Tiểu đoàn Trưởng các binh chủng, nào Thiết giáp, Pháo binh, Quân vận đều đến gặp tôi, họ kêu ầm lên: “Tại sao lại rút? Chúng tôi đánh được, tại sao lại rút? Có việc gì xảy ra vậy?” Tôi chỉ còn có thể trả lời: “Tôi đồng ý với các bạn. Nhưng đây là lệnh Tổng thống và Tổng Tham mưu. Là quân nhân chuyên nghiệp, chúng ta làm gì được bây giờ? Bất tuân lệnh hay sao? Tất nhiên là không. Tôi biết là sai, nhưng đây là lệnh. Chúng ta muốn khởi loạn hay sao?”
Lúc ấy tôi tin thượng cấp đã có một kế hoạch mật mà chúng tôi không được rõ. Họ không thể ngu xuẩn đến như thế. Có lẽ đã có một sách lược mà vì không ở cấp chỉ huy tối cao, nên chúng tôi không được biết. Tướng Cẩm và tôi bàn bạc về cuộc rút quân điên rồ này. Chúng tôi ngồi cười. Ông Cẩm bảo: “Tôi cá với ông: đã có thỏa thuận rồi, mình khỏi đánh giặc nữa. Tôi cá là chiến tranh đã xong!” Tôi bảo: “Tôi ngờ lắm.” Nhưng ông ta nói: “Tôi suy đoán như vậy vì ở đây dẫu xảy ra bất cứ một cuộc tấn công nào, chúng ta cũng có thể đương đầu ít nhất ba tháng. Cho nên tôi cá với ông là đã có thỏa thuận, lần này mình có hoà bình thực sự. Tôi không rõ, nhưng tôi cũng cảm thấy như vậy.”
Tướng Cẩm cũng dùng máy bay, bay đi. Chỉ còn ông Tất và tôi trong Bộ Tư lệnh. Tôi tự nhủ người Mỹ đã là đồng minh chúng tôi trong bao năm trời. Diễn tiến này rất trọng hệ, mà họ lại không được biết gì. Tại sao chúng tôi không cho họ hay? Đó là lý do tại sao tôi đã gọi cho họ, bảo họ chúng tôi sắp triệt thoái. Họ hoàn toàn không hay biết gì.
Tôi báo cho các nhân viên Trung ương Tinh báo và Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ trong vùng là chúng tôi sắp rút quân. Họ không tin nổi khi tôi nói với họ như thế. Họ liên lạc Sàigòn, kiểm chứng, rồi tìm ra đó chính là sự thật. Nhờ vậy, họ đi thoát bằng máy bay, nên tôi đã được coi là có công trạng với Trung ương Tình báo Hoa Kỳ tại Sàigòn, tên tôi được lên đầu danh sách những người sẽ được giúp đỡ nếu Sàigòn sụp đổ.
Cuộc triệt thoái khởi đầu tiến triển tốt. Vào giây phút cuối, trực thăng của tôi bị hỏng máy, nên tôi đã đi cùng với đoàn xe ra khỏi Pleiku. Triệt thoái luôn luôn là một chiến dịch khó khăn, đòi hỏi nhiều tính toán cẩn thận, tỉ mỉ. Tôi chỉ có ba ngày để rút 100,000 người, và tôi không thể bỏ ai được. Dân chúng sinh sống chung quanh đáng được chúng tôi phải lo lắng săn sóc cho họ. Và dù tôi không bảo vệ nổi, họ vẫn đi theo. Rồi chỉ trong một thời gian ngắn, mọi sự bắt đầu ra ngoài khả năng kiểm soát của tôi. Các Tiểu đoàn trưởng thuộc quyền tôi không thể nào kiểm soát nổi tất cả mọi người được nữa. Đoàn người tan tành trên đường đến Tuy Hoà. Với thời hạn ba ngày, chúng tôi không thể đủ thì giờ làm được gì. Với thời hạn ngắn ngủi như thế, người ta chỉ còn có thể quyết định: Ai đi trước, ai đi sau, ai đi kế tiếp, thế thôi.
Bây giờ, hàng đêm tôi tưởng như tôi vẫn còn nhìn thấy cả đoàn xe ấy trước mắt. Nào chiến xa, thiết vận xa, xe vận tải nối đuôi nhau, biết bao binh sĩ với gia đình thân quyến vây quanh. Những cụ già ngồi lắc lẻo trên mui xe, những bà mẹ, những trẻ thơ ngủ trong lòng mẹ, nằm duỗi trên tay mẹ. Đôi lúc vài người xấu số chẳng may ngã xuống trong lúc đoàn xe tiếp tục chạy. Họ kêu la thảm thiết, thân hình bị nghiền nát dưới bánh xe. Tôi đã nghe những tiếng kêu la ấy. Tôi đã thấy một chiếc xe vận tải sức chở chỉ có nửa tấn đã nhồi nhét đầy người nên bị lật, những con người bị xe đè xuống nát xương. Tôi đã nghe tiếng xương gẫy. Tôi bất lực chẳng giúp gì được họ. Tôi đã thấy những con người bỏ xác bên đường. Thực là một cơn ác mộng kinh hoàng.
Đến phía tây thị xã Cheo Reo, đoàn xe bị oanh tạc nhầm bởi chính không quân chúng tôi, vô số người thiệt mạng. Tôi vừa vào được căn cứ Cheo Reo thì quân Bắc Việt đã kéo đến vây quanh. Chúng rót trái phá vào. Chỉ còn mỗi một máy truyền tin để gọi Nha Trang trong lúc tôi nằm dưới cơn mưa pháo.
Đơn vị truyền tin của tôi cố liên lạc với tướng Phú ở Nha Trang, thì ông Phú lại đang đi loanh quanh đâu đó. Tôi sử dụng Anh ngữ nói trên máy truyền tin với sĩ quan của tôi, vì lúc ấy địch quân chỉ còn cách căn cứ chúng tôi có khoảng một cây số. Tôi bảo anh ta: “Trình với Thiếu tướng là tình hình ở đây nguy kịch lắm. Hiểu tôi muốn nói gì khi tôi bảo tình hình nguy kịch chứ? Thế thôi! Không thì giờ nói nhiều. Tôi sẽ cố sức. Địch xiết chặt rồi.” Tướng Phú hiểu. Và hai mươi phút sau ông gọi tôi trên máy truyền tin, báo động cho tôi biết một lực lượng địch tại Phú Bổn đang khép chặt vòng vây. Ông Tất cùng với binh sĩ đang ở cách tôi ba cây số. Không quân được lệnh mang tôi ra bằng trực thăng. Thiết giáp được lệnh mở đường bất kể thiệt hại, và ông Tất sẽ đưa quân hỗ trợ.
Ông Phú gửi hai trực thăng đến, để đưa chúng tôi ra Nha Trang. Hỏa lực địch bắn lên dữ dội khi trực thăng hạ cánh. Chiếc trực thăng chở tôi tính ra tổng cộng chở đúng hai mươi bảy người, trong khi chỉ được chế tạo để chở mỗi lần bảy người. Chiếc kia gồm mười chín người. Rồi cũng cất cánh lên được, bay thoát về Tuy Hoà. Chúng tôi rất may mắn đã thoát. Trong lúc ấy tướng Phú vẫn ở Nha Trang.
Sáng hôm sau, tướng Phú điện thoại ra lệnh gọi tôi vào Nha Trang. Tôi bay vào, tổ chức lại Ban Tham mưu và ở đấy mười hai ngày. Rồi một lần nữa, ông Phú lại bỏ tôi cuốn gói đi. Ông dọn sạch nhà cửa, lấy máy bay đưa toàn gia đình đi, không hề nói với tôi một lời. Một hôm, viên Đại úy đến văn phòng tôi gõ cửa nói: “Đại tá, chỉ còn có Đại tá và tôi ở đây! Chẳng còn ai nữa cả!” Tôi bảo “Anh nói gì thế?” Lúc ấy vào buổi trưa, tôi vẫn đang cắm cúi làm kế hoạch tái phối trí binh sĩ. Tôi rất mệt, đang muốn ngả lưng. Nghe nói thế tôi bèn ra khỏi văn phòng, xuống thang gác. Hai nhân viên của tôi đang làm việc, họ báo cáo cho tôi là tướng Phú đã đi mất. Tôi lại nhà tướng Phú, không một ai. Nhà cửa trống rỗng. Tôi hỏi một Thiếu tá Tiểu đoàn Trưởng đang ở đấy là tướng Phú đâu rồi? Anh ta đáp: “Chẳng hiểu chuyện gì. Hiện nhà này không có ai cả, nhưng binh sĩ của tôi vẫn phải giữ an ninh căn nhà. Tôi không biết làm gì đây nữa.”
Tôi tập hợp sĩ quan, binh sĩ vào năm cái xe jeep. Làm gì được bây giờ? Ai nấy đều đã bỏ đi. Người ta bảo có người thấy tướng Phú ngoài phi trường. Chúng tôi lái ra phi trường. Đầu tiên, quân cảnh không chịu cho tôi vào. Sau, họ mở cổng. Khắp chung quanh tôi là lính không quân, tôi gặp cả ông tướng không quân cũng đang dáo dác tìm tướng Phú. Ông ta bảo: “Ông Phú đã đi, rồi ông Lý cũng đi thì tại sao chúng tôi còn ở lại đây. Đi thôi!” Nhưng lúc ấy tôi nào có đi đâu. Tôi chỉ đi tìm người chỉ huy của tôi thôi!
Rồi tôi nhận điện thoại của đại tướng Cao Văn Viên tại phi trường. Ông bảo: “Tướng Phú đâu?” Tôi nói “Tôi không được rõ, chính tôi cũng đang tìm ông ấy!” Ông nói: “Vậy anh cứ ở lại phi trường để kiếm ông ấy cho tôi.” Tôi bảo: “Vâng, tôi sẽ ở đây.”
Chúng tôi đợi chờ trông ngóng mãi vẫn chẳng thấy tướng Phú đâu. Sau bảy ngày không ăn không ngủ, tôi qụy xuống vì suy nhược. Lính và các sĩ quan của tôi bèn đẩy tôi vào một chiếc máy bay trong khi các toán lính khác rút đi. Chiếc máy bay thay vì đi Phan Rang để thiết lập bộ chỉ huy ở đấy, đã bay thẳng về Sàigòn. Khi tôi tới Sàigòn thì tướng Phú đã ở đấy rồi. Tôi về nhà. Hôm sau đi tiểu ra máu, sức khoẻ sa sút. Tôi đi khám bệnh. Bác sĩ cho thuốc, bắt tôi nghỉ ngơi, nhưng tôi vẫn đi làm.
Một lần nữa tôi cố liên lạc tướng Phú để xem phải làm gì. Câu đầu tiên ông ấy bảo tôi là: “Lý ơi, chúng ta bị phản bội rồi.” Tôi hỏi: “Bởi ai vậy?” Ông ta nói: “Bởi Thiệu. Thiệu đã cho chúng ta vào bẫy. Ông ta đã đẩy mọi chuyện cho chúng ta. Ông ta bảo tất cả là lỗi chúng ta. Chính ông ấy ra lệnh cho chúng ta rút quân, bây giờ ông ấy lại tuyên bố mọi sự đều do lỗi chúng ta cả!” Ông Phú muốn chuẩn bị một tờ trình để chứng minh chúng tôi chẳng có tội lỗi gì, để giải thích rõ chúng tôi đã điều khiển các chiến dịch ấy như thế nào, tại sao chúng tôi không lấy lại Ban Mê Thuột, tại sao chúng tôi triệt thoái. Vì thế tôi sửa soạn một tờ trình dầy cộm cho tướng Phú.
Tôi đến thăm tướng Phú và tướng Trưởng, Tư lệnh vùng 1, bấy giờ đang ở trong bịnh viện. Tướng Trưởng ôm lấy tôi mà khóc. Ông bảo: “Lý ơi, chúng ta mất hết fôi!” Tướng Trưởng yêu đất nước, yêu đồng đội và yêu Quân đoàn I của ông. Nhưng bây giờ, tất cả không còn gì nữa.
Khi gặp lại tướng Phú, tôi thấy ông đang giận dữ. Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến ông giận dữ tổng thống. Sau khi trao cho ông tập báo cáo tôi đã soạn xong, ông ký tên, tôi đi gặp tướng Khuyên để đưa tờ trình này cho ông Thiệu và ông Cao Văn Viên. Nhưng sau đó, không bao giờ tôi nghe nói gì về tờ trình này nữa.
Tôi hỏi tướng Khuyên: “Chúng ta phải làm gì bây giờ. Chúng ta đã mất tất cả chưa?”. Ông nói: “Không. Chúng ta sẽ tập trung lại, vạch lại ranh giới, ông sẽ nắm lại Quân đoàn II.”
Nhưng tôi tự nghĩ ông tướng này không nói hết sự thật. Bây giờ chúng tôi không còn có thể làm như vậy được nữa. Nếu ông ấy bảo thế từ lúc tôi còn ở Pleiku, thì còn có thể được. Bây giờ tôi chỉ huy được ai. Lính thì không, địch đầy rẫy, chỗ nào cũng có địch quân.
Tướng Khuyên hỏi: “Nếu ông ở địa vị tôi, ông sẽ làm gì?” Câu hỏi đột ngột làm tôi chấn động, vì tôi nhận ra rằng tôi không còn có thể nghĩ được bất cứ giải pháp khả thi nào để giải quyết vấn đề của chúng tôi lúc này nữa.
Khi vê nhà, vợ tôi và tôi nghe tiếng phi cơ liên tục cất cánh mỗi đêm. Chúng tôi biết văn phòng Tùy viên Quân sự Hoa Kỳ đang di tản người ra khỏi xứ. Tin tức đưa đến chúng tôi mỗi ngày do đó chúng tôi đều biết những ai đã ra đi. Tôi đến gặp một người bạn là Tư lệnh Sư đoàn 2(?) Ông ta và tôi vẫn cố gắng thu thập lại lính tráng để tái tổ chức Sư đoàn 22 và Sư đoàn 23.(?) ()
Nhưng bỗng lúc ấy, chúng tôi lại nhận được những tin tức toàn là tin tổn thất. Tôi đi gặp tướng Hiếu một cấp chỉ huy cũ của tôi và là một tướng lãnh hết sức lương thiện trong quân đội.
Tôi hỏi tướng Hiếu tình hình Quân khu III ra sao. Ông trả lời: “Chúng ta phải tái tổ chức và nỗ lực mà chặn những cuộc tiến công chiến xa của địch quân”. Vài ngày sau, ông bị giết.
Tôi đi ra đi vào từ Vũng Tàu đến Sàigòn nhiều lần, cuối cùng liên lạc được một số bạn hữu của tôi bên tòa Đại sứ Mỹ. Họ điện thoại bảo tên tôi đã có trên danh sách những người ra đi. Tôi đến tòa Đại sứ Mỹ, vào bằng cổng hậu vì người ta quá đông, họ đã để cho tôi vào. Tôi gặp tướng Charles Timmes, một bạn rất tốt của tôi. Ông bảo ông đã nhận được lệnh Hoa Thịnh Đốn đưa Cao Văn Viên đi, tên tôi được sắp kế tên ông Cao Văn Viên, vì tôi đã cứu được nhiều người Mỹ trên cao nguyên.
Do đó tôi đưa gia đình trực hệ, gồm vợ và các con đến đợi ở điểm hẹn, rồi được đón vào Tân Sơn Nhứt bằng xe buýt tòa Đại sứ. Chúng tôi chờ ở phi trường cho đến hôm sau.
Chúng tôi rời Việt Nam bằng chiếc máy bay C-130, bay đến trại tỵ nạn ở Guam. Đó là ngày 25 tháng Tư.
Khi rời đi, tôi biết tất cả đã mất. Trước kia tôi nghĩ có thể Cộng sản và Mỹ có thỏa thuận, nhưng điều ấy sai. Chúng tôi nghe nói người Mỹ đã bán đứng chúng tôi để kiếm những đồng minh khác.
Tôi nghĩ khi Kissinger đi Trung Quốc bắt tay với Mao Trạch Đông, đấy đã là chung cuộc của Việt Nam. Tôi biết sau đó Việt Nam chẳng còn hy vọng gì. Sau khi người Mỹ đi Bắc Kinh bắt tay với Trung Cộng, họ không cần Việt Nam nữa.
Đối với tôi, đấy là chuyện người ta đã bán đứng chúng tôi. Chúng tôi chẳng có gì để nói về chuyện ấy cả. Tôi nghĩ đáng lẽ Tổng thống Thiệu phải thấy được điều này mà chuẩn bị từ trước. Nhưng ông đã không thấy, do đó đối với tôi, Thiệu không phải là một lãnh tụ giỏi.
Bây giờ đây quý ông thử nghĩ: Nếu quý ông là người Việt Nam và quý ông yêu quê hương xứ sở mình, tất nhiên sẽ phải hỏi tại sao người Mỹ hành xử như thế? Đây chính là câu hỏi mà tôi đặt ra cho người Mỹ: Tại sao người Mỹ đã đối xử với bạn hữu của mình như thế?
Nhiều người bảo chúng tôi đã bị bán đứng. Tôi đành phải buồn bã mà đồng ý đúng là như vậy.
NGUYỄN TRƯỜNG TOẠI
(Thiếu úy Sư đoàn 23)
“Hầu hết đã hy sinh”
Tôi sinh năm 1943 lúc gia đình tản cư trong cuộc chiến tranh chống Nhật. Mẹ tôi người miền Bắc, cha tôi người miền Trung. Vào năm 1951, giữa cuộc chiến tranh chống Pháp, một hôm đi học về tôi thấy mẹ tôi đang khóc. Mẹ tôi bảo cha tôi đã chết ở ngoài Bắc, tại Hà Nội. Lúc ấy tôi mới lên tám. Sau này chúng tôi biết được cha tôi bị Cộng sản giết, vứt xác dưới sông Hồng.
Khi nhận tin cha chết, tôi hãy còn nhỏ. Tôi đau buồn nhưng cũng chóng quên rồi lại tiếp tục đến trường. Năm 1954, tôi nhớ vào thời Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm, dưới chế độ Bảo Đại, nhiều người nhà cửa bị đốt cháy, một số đã đến ở với gia đình chúng tôi. Tôi thương xót cho cảnh ngộ của họ, tôi cảm thấy buồn vì những biến cố ấy, nhưng vì ít tuổi, nỗi buồn cũng chóng qua.
Năm 1963, Tổng thống Ngô Đình Diệm bị ám sát, bấy giờ tôi đang học đại học. Lúc này tôi đã có ý niệm thế nào là thế giới tự do, thế nào là thế giới Cộng sản. Càng được đọc nhiều, tôi càng ý thức về tình thế.
Cho đến khi gia nhập quân đội vào tháng sáu năm 1968, tôi đã có những tư tưởng phân minh về sự khác biệt giữa Tự do và Cộng sản. Đến khi đọc sách Cộng sản, tôi càng bắt đầu hiểu rõ Cộng sản là ai, họ đã làm gì.
Những người vào lứa tuổi tôi nhập ngũ vì chúng tôi có một lý tưởng, chúng tôi hiểu rõ cuộc sống dưới chế độ Tự do thế nào, cuộc sống dưới chế độ Cộng sản ra sao. Không phải như người ta vẫn cho rằng những người nhập ngũ chỉ vì đến tuổi phải đi quân dịch, không có được một ý tưởng bản thân. Nhưng điều này, hình như người Mỹ chưa bao giờ hiểu thấu.
Một trong những điều đáng buồn và đau đớn nhất mà tôi thấy trước khi nhập ngũ, đó là lúc báo chí đăng tải hình ảnh tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn vào đầu tên tù Việt Cộng, trong cuộc Tổng Công kích Tết Mậu Thân 1968. Đọc những bài báo của các phóng viên người Mỹ, tôi có cảm tưởng họ không hiểu biết gì về thực tế chiến cuộc, về sự thực diễn ra ở Việt Nam.
Chính tôi là người đã chứng kiến việc tướng Loan bắn tên Cộng sản. Tôi có mặt ở đấy. Tôi biết tên Cộng sản ấy, tôi biết hắn đã làm những gì. Ông có biết hắn đã làm gì không? Năm 1968 ở Sàigòn, giữa cuộc chạm súng, hắn đẩy trẻ thơ vô tội ra như một làn sóng người, để đồng bọn tẩu thoát. Trong trận đánh khốc liệt này, hắn sử dụng trẻ con làm lá chắn, để các binh sĩ phải thôi bắn. Và tướng Loan không thể chịu đựng được. Ông nổi giận về hành vi đê tiện này, nên khi bắt được tên Việt Cộng đang cố tẩu thoát bằng cách núp sau đám trẻ, ông nổ súng bắn ngay tên này tại chỗ. Chính tôi cũng cảm thấy như vậy. Tôi cũng có thể hành động y như vậy. Bản thân tôi trong trường hợp bắt được một tên như vậy, tôi cũng sẽ nổ súng kết liễu ngay loại người ghê tởm ấy.
Nhưng khi tướng Loan bắn tên tội phạm, một phóng viên nhiếp ảnh đã chụp hình. Điều mà người phóng viên làm, điều mà mọi người trên khắp thế giới thấy không phải là tất cả những gì đã thực sự xảy ra. Đó chỉ là một phần nhỏ của những gì xảy ra. Và rồi các cảm xúc tiêu cực sau đó triệt hạ cả cuộc đời sự nghiệp của tướng Loan, như thế thật không công bằng. Lợi dụng trẻ thơ vô tội trong trận chiến, tên Việt cộng xứng đáng bị bắn vì hành vi đồi bại của hắn. Hắn và đồng bọn đã gài mìn, đốt nhà trong khu xóm. Rồi khi lực lượng cảnh sát đến, hắn cưỡng bách trẻ con trong xóm ra làm áo giáp đỡ đạn.
Lúc ấy mọi chuyện đang hỗn loạn. Là tư lệnh cảnh sát, tướng Loan khi nhìn xác trẻ con chết, ông hỏi: “Tại sao vậy? Chuyện gì vậy?” Đến khi biết tại sao mấy đứa bé chết, biết ai chịu trách nhiệm về hành động này, tướng Loan nổ súng hạ tên thủ phạm. Ông đã nhìn thấy tấm hình trên tờ tạp chí Time và tờ Newsweeks chưa? Tấm hình ấy triệt hạ cả cuộc đời và sự nghiệp của tướng Loan. Tôi nghĩ dân chúng Mỹ đã không bao giờ có thể thực hiểu rõ những gì xảy ra ở Việt Nam.
Vào mùa Xuân 1975 tôi là thiếu úy Sư đoàn 23 quân lực Việt Nam Cộng Hoà, đóng ở Pleiku và Ban Mê Thuột. Khoảng tháng Ba, tiểu đoàn tôi tiến vào mật khu Quang Nhiêu, cách Ban Mê Thuột chừng mười bảy cây số. Trong chiến dịch này, chạm trán một nhóm trinh sát Bắc Việt, chúng tôi khai hỏa, giết chết bảy, bắt sống hai. Một trong hai tên bị bắt là sĩ quan. Phía chúng tôi tổn thất bốn. Cùng với việc bắt tù binh, chúng tôi cũng tìm được nhiều tài liệu và tin tức quan hệ. Hai tiểu đoàn 153 và 353 chúng tôi nhận lệnh tiếp tục tiến vào, chúng tôi cho gửi ngay các tài liệu và tù binh về bộ Chỉ huy. Nhưng khi tiến thêm chừng một cây số, chúng tôi có lệnh ngừng và rút quân, vì an ninh quân đội khai thác tù binh, biết được có nhiều đơn vị quân đội Bắc Việt lúc ấy chỉ đóng cách chúng tôi hai ngày đường bộ. Nhưng sự thực, chúng chỉ cách địa điểm chúng tôi có hai cây số, nếu tiến thêm chúng tôi đã bị quét gọn rồi. Vì thế chúng tôi rút về Quang Nhiêu, ở lại bảo vệ địa điểm này.
Như vậy chúng tôi đã biết thực lực quân Bắc Việt. Chúng tôi hiểu tình hình nghiêm trọng, nhưng tôi không nghĩ các sĩ quan ở tỉnh và Tư lệnh vùng biết được tình hình nghiêm trọng là đã có nhiều quân Bắc Việt như vậy ở trong vùng.
Tình trạng rất phức tạp. Tiểu đoàn chúng tôi gồm bốn đại đội. Đại đội tôi là đại đội 1, nhận lệnh trở lại Ban Mê Thuột, vào giữa thành phố để yểm trợ các xe dầu của Sư đoàn 8. Đại đội 2 đến đóng tại bộ Chỉ huy Sư đoàn 23. Một đại đội khác được gửi đến yểm trợ các căn cứ nhẹ của quân đoàn, nhưng đã bị tiêu diệt toàn bộ.
Đêm mùng 9 rạng ngày 10 tháng 3, đại đội tôi có lệnh đến phòng vệ cây cầu trên đường 14 để giữ khai thông con lộ. Nhưng đêm ấy, quân Bắc Việt pháo rất dữ, chúng tôi lâm tình trạng hết sức khẩn trương. Tôi dẫn lính trở ra, nhưng quân cảnh yêu cầu chúng tôi trở lại vị trí để chuẩn bị vì tình hình nghiêm trọng. Mọi việc có vẻ không khá. Tôi nghĩ lúc ấy ai nấy đều biết trước một cuộc tấn công sẽ phải xảy ra.
Quân Bắc Việt xoay trở để chiếm Ban Mê Thuột trong vòng có hai ngày. Tôi đã chứng kiến câu chuyện thất thủ Ban Mê Thuột với tư cách một quân nhân chiến đấu. Và sau đây, tôi xin kể những gì đã xảy ra:
– Đêm mùng 9 tháng Ba, một đoàn xe vận tải chở vũ khí đạn dược tiến đến Ban Mê Thuột. Trước đấy, chúng tôi nghe tin đường Nha Trang – Ban Mê Thuột đã nghẽn, xe cộ không chạy được, tại sao đoàn xe vận tải này đi lọt? Nhưng đoàn xe đến từ Nha Trang vẫn làm chúng tôi yên lòng. Chúng tôi cảm thấy dễ chịu vì tưởng quân đội đã đánh bật được Cộng sản, mở lại đường, cho đến khi khám phá đoàn xe này là của Bắc Việt chứ không phải xe chúng tôi. Đã có địch xâm nhập vào hàng ngũ chúng tôi.
Chúng tôi không bao giờ biết nguồn gốc những chiếc xe vận tải này từ đâu. Nhưng đến chiều mùng 9 tháng Ba, đoàn xe tới Ban Mê Thuật chở đầy võ khí. Rồi có một chuyện gì, vài người biết được, do đó khi tôi dẫn lính ra thì được yêu cầu quay lại. Cũng đêm đó, Bộ Chỉ huy Sư đoàn ra lệnh cho đại đội tôi vào lúc ba giờ sáng để di chuyển lên Bang Dao, nhưng hai giờ sáng thì địch bắt đầu pháo, chúng tôi không cách gì nhúc nhích nổi. Vào khoảng tám cho đến mười giờ sáng, thì kho đạn – không cách chúng tôi bao xa – phát nổ. Cả một nghĩa địa và đồn kiểm lâm gần đấy biến mất, trống trơn. Chúng tôi nhận tin địch có chiến xa T-54 đang tiến đến tỉnh. Tiểu đội chúng tôi vừa ló ra thì đụng ngay nhóm địch gào thét inh ỏi. Chúng nã đạn M72 vào chúng tôi. Lúc ấy, nghe động cơ ầm ĩ, chúng tôi cứ tưởng chiến xa T-54, nhưng sau mới biết là không phải. Thật ra đấy là tiếng động cơ của những chiếc xe be kéo gỗ trong rừng. Địch đã mưu mô đưa xe be vào tỉnh, chúng đặt xe một chỗ, rồi cho nổ máy. Tiếng động cơ xe be rất giống tiếng động cơ T-54 làm lính Việt Nam Cộng Hoà mất tinh thần. Chúng tôi chỉ là một đơn vị nhỏ. Tinh trạng hỗn loạn xảy ra chính vì lầm tưởng quân Bắc Việt đã mang nhiều xe tăng tiến đến.
– Địch chiếm toàn tỉnh trong vòng có hai ngày. Sau đó, tại hậu cứ chúng tôi, khu phi trường Phụng Dực cách Ban Mê Thuột mười cây số, nơi đóng căn cứ của Trung đoàn 53 và Trung đoàn 54, chúng tôi đã chiến đấu ròng rã gần mười ngày. Tỉ số tổn thất của địch nặng hơn chúng tôi. Tỉ số thương vong của địch là bảy so với chúng tôi là hai. Chúng tôi chiến đấu đến khi hết đạn, phải gọi trực thăng tiếp tế. Nhưng đạn bắn quá khốc liệt, các phi công sợ, đã bay quá cao, thả không trúng đích. Họ thả thùng đạn xuống gần phía Cộng quân hơn phía chúng tôi, chúng tôi không thể lấy đạn được. Vì thế chúng tôi đành chiến đấu cho đến viên đạn cuối cùng, rồi hầu hết chúng tôi đều tử trận. Sau, chỉ còn Trung đoàn trưởng là Trung tá An và hai quân nhân sống sót trong cuộc tàn sát này. Tôi là một trong những người sống sót ấy.
Sau này tôi nghe lính nói Cộng quân chặt đầu tất cả những binh sĩ Việt Nam Cộng Hoà nào hình dáng to lớn hoặc có để râu mép hay râu hàm. Tôi không chứng kiến những chuyện ấy, nhưng nhiều người đã chứng kiến, tôi cũng được nghe lính kể lại. Thực ra, ở Châu Sơn, việc này đã xảy ra. Địch chặt đầu nhiều người, gồm cả một số linh mục Công giáo.
Ngay sau đó, địch truy lùng các binh sĩ Việt Nam Cộng Hoà. Chúng bắt được tôi trong một thời gian ngắn. Tôi rất may mắn vì không để râu mà cũng không lớn con. Chúng lùa nhiều người vào một ngôi nhà, tôi ở trong đám người đông đảo này nhưng tôi vuột chạy. Tôi không quen đường trong thị xã Ban Mê Thuột. Mặc dầu đã ở vùng này khá lâu nhưng ít khi tôi ra tỉnh. Tôi là một người lính chiến, hầu hết thì giờ dành cho các cuộc di hành và các chiến dịch. Chúng tôi không ra tỉnh nhiều.
– Việc thất thủ Ban Mê Thuột là việc không tránh khỏi. Ở đây chỉ có mỗi một tiểu đoàn phòng vệ tỉnh, tức là bốn đại đội, mà một đại đội đã được đưa đi chỗ khác, nên chỉ có ba Đại đội ở nơi này. Cũng có một số quân nhân nữa, nhưng họ đều là lính văn phòng. Nói rằng Ban Mê Thuột mất trong hai ngày là không hoàn toàn đúng. Chính ra Ban Mê Thuột đã mất trong vòng một ngày. Tuy nhiên, thưa ông, ông phải biết đã có một trận đánh lớn diễn ra cách Ban Mê Thuột mười cây số, tại phi trường. Chính nơi đây chúng tôi đã thực sự chiến đấu mãnh liệt với địch quân, chúng tôi đã cầm chân chúng suốt một tuần lễ.
Sau đấy đã có một cố gắng tái chiếm Ban Mê Thuột. Ông nhớ chứ, tôi thuộc trung đoàn 53 và trong trận đánh đã kể, hầu hết đã hy sinh. Việc cố tái chiếm Ban Mê Thuột là do trung đoàn 44, bấy giờ đóng ở Pleiku. Nhưng khi trung đoàn này đến vùng Tinh Thương cách Ban Mê Thuột chừng mười cây số thì vừa lúc các binh sĩ gặp gia đình họ từ Ban Mê Thuột chạy ra. Thấy gia đình chạy, binh sĩ cũng bỏ súng ống chạy theo gia đình. Các cấp chỉ huy không thể điều khiển họ nữa. Có lẽ, đấy là lý do tại sao chúng tôi thất trận. Binh sĩ không còn muốn chiến đấu nên chúng tôi đã thua. Cũng có vài cuộc đụng độ của những binh sĩ ở lại, nhưng không lâu, vì làm sao đánh được nữa. Chúng tôi chỉ còn một số người ít ỏi. Và những người ở lại chiến đấu cũng không thể tin chúng tôi có thể thắng để lấy lại thành phố. Lý do đã mất rồi.
Nhưng ông cũng cần phải biết: Không phải tất cả các binh sĩ đều bỏ chạy. Một số đã ở lại, đã chiến đấu với Việt Cộng ở mọi nơi. Tại khu trung tâm. Tại nhiều nơi khác. Dẫu chỉ là những trận nhỏ, nhưng vẫn là những trận đánh. Những người chiến đấu đã chiến đấu với tất cả nhiệt tình, họ không phải đánh chỉ vì phải đánh. Họ mãnh liệt đấu tranh với Bắc quân.
Vào ngày 10 tháng Ba khi địch quân đang tấn công chúng tôi, lúc Ban Mê Thuột chưa mất, lúc những trận đánh còn đang diễn ra, thì khi mở máy truyền tin, chúng tôi đã nghe một cuộc điện đàm giữa bộ Chỉ huy Sư đoàn với tướng Phú ở Pleiku. Tướng Phú bay trên trực thăng nói chuyện với Tư lệnh Phó Sư đoàn là đại tá Quang. Tôi có một người bạn, là đại úy Truyền tin của Trung đoàn cũng đã mở cùng một tần số và cũng nghe được những gì tôi đã nghe.
Tướng Phú nói: “Được rồi! Với bất cứ giá nào ông cũng phải giữ Ban Mê Thuột. Tôi sẽ cho ông bất cứ cái gì ông cần – Tôi sẽ tiếp vận vũ khí, binh sĩ nếu ông muốn. Nhưng phải giữ Ban Mê Thuột bằng mọi giá.” Đó là những gì rõ ràng tôi đã nghe.
Nhưng tôi phải nói: Đại tá Quang không phải là một cấp chỉ huy tốt. Không, ông ấy không phải là một cấp chỉ huy tốt. Ông ấy đã nói dối. Ông bảo chúng tôi đủ sức tiếp tục chiến đấu. Nhưng thử nhìn thực tế xem. Chúng tôi chỉ có hai tiểu đoàn, một tiểu đoàn đã đưa đi Phước An, còn lại một ở Ban Mê Thuột, trong tiểu đoàn ấy, một đại đội đã bị tận diệt ngày 10 tháng Ba.
Tôi bị bắt ở Ban Mê Thuột. Chúng chặn những người bỏ chaỵ, cô lập một số vùng. Rồi chúng bao vây không cho thoát. Tình trạng lúc ấy quá hỗn loạn, tôi bị kẹt ở đấy.
Tuy bị bắt, nhưng tôi tìm cách lẩn tránh. Tôi không báo cáo quân số của tôi. Tôi né đi. Những người khai báo đều bị Cộng sản dẫn đi mất: Có trời mới biết họ đi đâu. Người ta chỉ thấy họ biến mất, không bao giờ còn ai gặp lại nữa. Tôi cứ né tránh không khai báo gì cho đến ngày 25 tháng Ba, 1975 thì gặp được hai giáo sư trung học. Hai người này biết tôi, họ dạy cùng trường với người bạn của tôi. Họ giúp tôi trốn. Nhờ vậy tôi thoát Cộng sản mà sống sót.
Đầu tháng Tư tôi chạy khỏi Ban Mê Thuột, đến được Nha Trang. Lúc ấy Nha Trang cũng đã bị Cộng sản chiếm. Tôi đến được nhà những người bà con bên ngoại, nhưng vợ chồng mấy người chị tôi đều đã chạy vào Sàigòn rồi.
Tôi xin kể ông nghe về chuyến đi từ Ban Mê Thuột đến Nha Trang. Không thể tin nổi. Trên đường có nhiều xe buýt chở người, mấy chiếc xe này cũng tựa những chiếc buýt Greyhound ở Mỹ, nhưng không đẹp bằng. Mấy chiếc xe này đã bị Cộng sát bắn suốt chuyến đi. Chúng bắn, bất kể quân đội hay thường dân. Sống sót được sau chuyến đi này thật là đại hồng phúc.
Xe tôi bị bọn du kích địa phương chặn. Chúng bảo “Trên xe chắc chắn phải có lính ngụy. Bước xuống ngay, nếu không chúng tao bắn tất cả mọi người trên xe.” Cái từ ngữ mà chúng gọi bọn tôi là “Ngụy quân”, chúng dọa bắn tất cả mọi người trên xe nên tôi và vài người nữa bước xuống. Nhưng thật quá may mắn. Vừa lúc chúng tôi ra khỏi xe, có hai oanh tạc cơ A-37 chợt bay đến dội bom trong vùng. Bọn du kích chạy. Chúng tôi chạy. Chiếc xe buýt cũng rồ máy chạy. Nhưng tài xế là một người có tấm lòng thật tử tế, nhân hậu. Qua khỏi một chặng đường ngắn, ông ta dừng lại, đón chúng tôi lên.
Có một cảnh tượng đã chứng kiến làm xót xa thắt ruột. Đó là cảnh hai đại đội nhảy dù bị Cộng sản bắt. Chúng ra lệnh cho họ di chuyển trên đường, lê bước không giầy, không đồng phục. Trông họ thật đau buồn. Những người ngồi trong xe buýt nhìn ra đều thấy cảnh tượng đó. Chúng tôi muốn bật khóc. Cảnh tượng ấy làm chúng tôi đau lòng, tức giận xiết bao. Một điều nữa cũng làm chúng tôi xót xa là khi nhìn thấy xác chết của những người lính nhảy dù ngổn ngang khắp hai bên đường. Quá nhiều xác chết. Cũng có xác của quân Cộng sản, nhưng chúng đã chuyển đi, chỉ vứt lại thi hài những người lính dù, nhất là tại khu Phượng Hoàng. Đường Phượng Hoàng là đường dẫn từ Ban Mê Thụôt xuống Nha Trang, rất gần Nha Trang.
Tôi kẹt ở Nha Trang, bị bọn Cộng sản phường gọi trình diện. Lúc đó nếu có dịp vào được Sàigòn thì tôi đã đi rồi, có thể đã ra khỏi nước rồi. Nhưng tôi bị kẹt. Vì Sàigòn chưa mất, nên bọn chúng đối xử với tôi có thể nói là tử tế. Phần lớn những người ra trình diện ở Nha Trang đều được Cộng sản đối xử tử tế, cho đến khi Sàigòn sụp đổ.
Ngay sau khi Sàigòn mất, bọn chúng trở mặt. Chúng bắt đầu đối xử khác hẳn. Chúng tôi đã bị đưa vào các trại học tập. Bọn chúng loan tin
Sàigòn mất cho chúng tôi tại trại.
Trước đây, chưa từng một giây phút nào chúng tôi nghĩ Sàigòn có thể sụp đổ. Chúng tôi chưa bao giờ tin được như vậy.
Chúng tôi đã từng hy vọng có ngày các bạn tôi và tôi sẽ vượt thoát khỏi trại. Cho nên đầu tiên, vì tin này đến quá bất ngờ, chúng tôi sửng sốt xúc động. Nhưng sau đó là tiếp đến một giai đoạn khuây khoả, với cảm giác rằng: ừ cũng tốt thôi, cuối cùng chiến tranh đã chấm dứt. Cộng sản cũng là người Việt, chúng tôi đều là người Việt cả, nên chúng tôi nghĩ mọi việc cũng xong? Chẳng có mất mát lớn lao nào. Và có lẽ, chúng tôi với Cộng sản có thể cùng nhau chung sống. Nhưng những ngưòi có tuổi ở trong trại, từng sống dưới chế độ Cộng sản từ ngoài Bắc, họ lập tức phủ nhận ý nghĩ đó. Họ bảo: “Các cậu còn trẻ quá. Đừng lạc quan lắm về viễn tượng sống chung hoà bình với Cộng sản.” Họ cảnh cáo. Vì thế chúng tôi đôi phần trở nên hoài nghi. Những nỗi buồn dữ dội dần dà xâm chiếm. Tất cả chúng tôi đều trở nên buồn bã.
Chúng tôi bắt đầu cảm thấy tương lai thật mờ mịt. Trong trại học tập, họ bắt chúng tôi học mười bài về việc: “Tại sao nhân dân Việt Nam phải chiến đấu chống chính phủ và quân đội Mỹ,” “Tại sao Mỹ muốn can thiệp ở Việt Nam.” Rồi họ bắt chúng tôi viết lời khai cá nhân, đại loại như tiểu sử, lý lịch mỗi người. Họ bắt chúng tôi làm những chuyện ấy vào buổi sáng, bắt làm lại vào buổi trưa. Rồi đến tối, bắt làm lại nữa. Hầu như suốt thời gian, chúng tôi đều phải viết lý lịch từ ba cho đến bốn lần mỗi ngày. Đầu tiên, mọi người tưởng họ chỉ bắt viết một lần thôi. Nào ngờ họ bắt viết đi viết lại, viết đi viết lại mãi cho đến nỗi chúng tôi quên cả những gì đã viết trước. Họ có thể đem những bản khai lý lịch khác nhau ra so chiếu, rồi gọi chúng tôi ra hạch hỏi.
Tôi xin kể ông nghe thế này: Họ đã nói với chúng tôi nhiều chuyện cực kỳ quái gở, toàn chuyện sai quấy, không thể tin nổi. Nhưng họ cứ nói với chúng tôi cùng những chuyện ấy, nhắc đi nhắc lại, riết rồi đến nỗi tôi chợt nhận ra chính tôi cũng đã bắt đầu tin những điều họ nói. Tôi bắt đầu cảm thấy chính tôi là một tội phạm khi chiến đấu trong hàng ngũ quân đội Việt Nam Cộng Hoà. Tôi cảm thấy có tội về nhiều thứ cáo trạng mà họ dồn dập đổ vào đầu óc chúng tôi. Nhưng may mắn cho những sĩ quan trẻ trong những năm còn là sinh viên đại học, chúng tôi đã học thiền. Nhờ áp dụng phương pháp thiền định, chúng tôi vẫn giữ được sự quân bình, lành mạnh cho tâm trí. Còn nếu không, họ đã làm chúng tôi phát điên được với những hành động của họ. Những gì họ bắt chúng tôi làm, những gì họ lập đi lập lại một cách rất vô lý: Ngày đêm cùng nói một thứ. Suốt thời gian. Và những tờ khai lý lịch cá nhân họ bắt viết đi viết lại mỗi ngày vài lần.
Ban đêm, khoảng mười giờ tối, dưới ánh nến hay một ngọn đèn dầu nhỏ, họ bắt chúng tôi viết lý lịch cá nhân. Rồi ba giờ sáng, họ bắt chúng tôi thức dậy, lại viết lý lịch cá nhân nữa. Chuyện này thật khắc nghiệt khủng khiếp.
Tôi rất may mắn. Tôi chỉ bị ở cải tạo có hơn ba tháng rồi được thả. Những người ở các đơn vị chiến tranh chính trị của quân đội Việt Nam Cộng Hoà mới là những người mà họ chú trọng. Nhưng cũng còn vấn đề may mắn, bởi vì tôi có những người bạn cũng là sĩ quan đơn vị chiến đấu, cùng cấp bậc với tôi, bị họ bắt và tôi đã không bao giờ gặp lại nữa.
Có một sĩ quan cấp bực cao hơn tôi đã được thả trước tôi ba ngày. Cộng sản dùng đấy để tuyên truyền. Họ nói: “Thấy chưa, anh ta là sĩ quan cao cấp hơn nhưng đã được trả tự do bởi vì anh ta học tập tốt. Anh đã cải tạo xong.” Và họ nói như thế là chúng tôi không có thiện chí học tập. Gia đình chúng tôi thắc mắc không hiểu tại sao anh ta được thả trước chúng tôi. Nên rồi gia đình chúng tôi đã tin bọn Cộng sản, tin chúng tôi không chịu học tập. Họ tác động tâm lý chúng tôi như thế đó.
Nhiều bạn hữu của tôi vào rừng tham gia các lực lượng kháng chiến. Nhưng tôi đã trở về với gia đình. Lúc ấy tôi không có ý nghĩ gì về việc ra khỏi nước. Tôi nuôi hy vọng liên lạc được với các bạn của tôi, những người không bị Cộng sản bắt. Tôi biết họ vẫn quanh quẩn đâu đây. Tôi muốn liên lạc với họ để xem tôi có thể làm gì. Chẳng bao lâu, Cộng sản bắt đầu nghi ngờ những chuyện đi lại của tôi và mục đích của tôi. Vì họ nghi, nên tôi quyết định đi làm ruộng, nhưng mỗi tuần phải báo cáo cho họ, rồi tiếp tục viết thêm tờ khai lý lịch.
Tôi đến Mỹ năm 1979. Tôi rời Việt Nam bằng tàu, một chiếc tàu rất bé. Người chủ tàu là bạn từ lúc nhỏ. Tôi liên lạc được với anh, anh đã cho tôi cùng đi vượt biên. Chúng tôi đi ở một địa điểm rất gần Nha Trang. Khi ra khơi tôi nhìn lại những hàng dừa mọc trên bãi biển. Tôi nghĩ mình sung sướng xiết bao khi được ngồi trên con tàu bé nhỏ này. Chúng tôi chỉ có một cái địa bàn nhà binh nhỏ để tìm phương hướng. Và chúng tôi đã đến được Phi Luật Tân.
Thời gian đầu ở Mỹ, tôi vẫn nghĩ về Việt nam. Tôi muốn trở về. Đó là một giấc mơ, một hy vọng. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn giấc mơ ấy: Được trở về để chiến đấu, chứ không phải để hưởng thụ như nhiều người khác.
Tất nhiên, tôi đã mơ về quê hương, tôi mơ đến căn nhà tôi. Nhưng trong cơn mơ, tôi sợ hãi không dám bước vào, vì một vài lý do. Có lẽ, bởi tôi sợ Cộng sản bắt lại. Khi thức giấc, tôi bồi hồi luyến tiếc. Tôi nghĩ: “Trong giấc mơ, tôi đã về đến gần nhà như thế, nhưng sao tôi đã không thể bước vào”. Ngay trong giấc mơ, tôi cũng chưa từng có thể bước vào căn nhà của tôi ở Việt Nam mà sống êm đềm trở lại.
Trước khi tôi rời Việt Nam, đã có nhiều dư luận được đồn đãi, chính tôi cũng đã tin. Dư luận đó nói rằng có một Mặt trận giải phóng đã được sắp xếp, tổ chức. Nhiều bạn hữu của tôi đã nghĩ nếu chúng tôi vượt thoát sang được Mỹ, thì sẽ gia nhập lực lượng này rồi trở về chiến đấu chống Cộng sản. Nhưng không phải như thế. Bao nhiêu hy vọng và lý tưởng tan vỡ cả nơi đây. Điều làm chúng tôi đau đớn là đến đây để khám phá một sự thật: Đó là không có kháng chiến thật. Và cuộc chiến đã tàn.
Nhưng tôi vẫn hy vọng sẽ có một ngày trở lại Việt Nam. Chính hy vọng ấy ngày nay đã giữ cho tôi không mất trí.
CHUẨN TƯỚNG LÝ TÒNG BÁ
(Tư lệnh Sư đoàn 25 QĐVNCH)
“Có một căn bệnh”
Tôi sinh năm 1931 tại miền Nam Việt Nam. Tốt nghiệp võ bị Đà Lạt, trở thành sĩ quan quân đội kể từ 1952. Với cấp bực thiếu úy, tôi đã phục vụ một năm tại vùng châu thổ sông Hồng.
Năm 1975, tôi là chuẩn tướng Tư lệnh Sư đoàn 25 Quân đội Việt Nam Cộng Hoà tại Củ Chi. Trước, tôi từng là Tư lệnh Thiết giáp. Kể từ cuối năm 1974, tôi được yêu cầu chỉ huy Sư đoàn 25. Tôi đã điều động sư đoàn này trong thời gian năm tháng. Khi xảy cuộc tấn công Ban Mê Thuột, tôi đang hành quân bình định tại vùng Bắc Tây Ninh. Tại đây chúng tôi đã bị lực lượng Cộng sản cố cầm chân.
Khi nghe tin cao nguyên triệt thoái, tôi biết việc này sẽ gây vấn đề lớn. Tôi tưởng sau đó quân đội sẽ củng cố lực lượng quay vòng trở lại, hoặc sẽ thiết lập một chiến tuyến tại một địa điểm nào. Nhưng không có chuyện gì. Không quay trở lại. Cũng chẳng đánh chác. Tôi không rõ việc gì đã xảy ra như vậy.
Lúc ấy chúng tôi đang đương đầu với Sư đoàn 9 của quân đội Bắc Việt gần Củ Chi. Họ đang cố đẩy quân xuống Sàigòn bằng quốc lộ số 1. Binh sĩ tôi đã tận lực chiến đấu. Cuối tháng ba, chúng tôi đụng địch ở Truong Mit. Chúng tôi tổn thất hơn 400 sinh mạng trong một trận ác liệt, nhưng không một ai bỏ chạy.
Tôi nghe nói có vài Tướng lãnh bỏ rơi binh sĩ họ, tôi không ngạc nhiên. Nhưng tôi biết binh sĩ tôi, tôi biết đơn vị tôi. Tôi biết các sĩ quan chỉ huy của tôi. Tôi có lòng tin nơi binh sĩ, họ cũng có lòng tin tôi. Tôi biết địch quân là ai, ở đâu và họ đang làm gì.
Tôi cố liên lạc với các thượng cấp tôi là Nguyễn Văn Thiệu và Cao Văn Viên để báo cáo tình hình. Tôi muốn cho họ biết: Cuối cùng chúng tôi không còn có thể làm gì hơn nữa. Tất cả đã hỏng rồi. Sư đoàn 25 chúng tôi đang phải cầm cự với trọn một sư đoàn địch, nhưng chỉ vài ngày sau, đã cùng một lúc phải thọ địch với ba sư đoàn có cả chiến xa.
Để bảo vệ việc xâm nhập Sàigòn từ mặt phía Đông, Sư đoàn 18 do tướng Lê Minh Đảo chỉ huy đánh ở Xuân Lộc. Để bảo vệ mặt phía Tây, sư đoàn chúng tôi phải chặn quốc lộ số 1 từ Sàigòn đi Tây Ninh. Sáng ngày 29 tôi dẫn một lực lượng đặc nhiệm vào Bến Tre(?), nhưng binh sĩ không còn nữa. Họ thất tán, lạc lõng khắp nơi. Tôi không còn làm gì được. Tôi cố tập hợp lực lượng còn lại để tiếp tục chiến đấu, tôi đã yêu cầu tướng Toàn cho tôi sắp xếp lại các tiểu đoàn. Bộ đội Cộng sản lúc này tiếp tục tấn công nhưng số binh sĩ Cộng Hoà còn lại vẫn không e ngại, chúng tôi tiếp tục chống trả trong lúc bị đẩy lui về phía Sàigòn.
Tôi bảo binh sĩ: “Đừng lo lắng tình trạng đang xảy ra. Hãy cố chiến đấu. Hãy bắt địch phải trả giá đắt cho mọi trường hợp.” Các binh sĩ của tôi tiếp tục xoay trở, chiến đấu, phản công. Nhưng cuối cùng, họ kiệt lực.
Có nhiều yếu tố khác bên ngoài việc chiến đấu. Lúc đó, binh sĩ quân đội Việt Nam Cộng Hoà đã mắc một căn bịnh. Một căn bịnh tinh thần. Căn bịnh tinh thần đã ảnh hưởng đến họ. Vào giây phút chung cuộc ấy, căn bịnh phát ra từ việc các binh sĩ tin rằng họ bị lừa gạt, dối trá. Thử nhìn xem, họ đã lâm vào một tình trạng thật tệ hại. Muốn binh sĩ chiến đấu tốt, không thể có những người lãnh đạo như Nguyễn Văn Thiệu. Mỹ thì không còn hỗ trợ. Chính phủ cũng không giúp đỡ. Vậy họ phải chiến đấu và chết cho lý do gì?
Vì thế, cuối cùng một số binh sĩ của tôi bắt đầu bỏ chạy. Họ nhuốm căn bịnh này rồi. Thấy vậy nhưng tôi cũng không thể làm gì khác. Cuối cùng đội quân tan rã. Tôi quyết định đi bộ từ củ Chi về lại Sàigòn. Tôi cũng muốn tìm binh sĩ, tập hợp lại tại Hốc Môn mà tái lập phòng tuyến. Nhưng chưa kịp đã bị Cộng sản bắt. Đường từ Củ Chi về Sàigòn bị chiếm khắp nơi rồi.
Về việc tinh thần quân đội nhiễm độc thì phải thấy xã hội Việt Nam lúc ấy đã nhũng lạm rối ren lắm. Sự nhũng lạm rối ren này lan tràn vào quân đội, ảnh hường đến tác phong binh sĩ. Các cấp chỉ huy thì không có tinh thần chiến đấu. Gặp những trận khốc liệt, người ta không còn muốn đánh. Cái gì cũng lệ thuộc Mỹ. Không nhờ được Mỹ, người ta tháo chạy. Họ cũng đã nhuốm bịnh rồi.
Tôi là người chiến đấu. Còn các lãnh tụ phải lo việc lãnh tụ. Phần tôi đã chiến đấu từ khi là người lính trẻ, và bây giờ đây, tôi hiểu ra rằng các lãnh tụ quân đội đã không làm tròn công việc của họ. Tôi làm nhiệm vụ của tôi, nhưng họ không làm nhiệm vụ của họ. Do đó, tôi có thể nói: Trên cấp bậc cao của quân đội chúng tôi, đã có những người không đúng chỗ nắm giữ chỉ huy.
Bộ đội miền Bắc có mặt khắp nơi. Tôi bị thương ở chân. Họ bao vây tôi và số binh sĩ còn lại. Rất nhiều binh sĩ phải đầu hàng. Tôi bèn nói với người tùy viên ở bên tôi rằng: “Nhìn chừng tôi nhé, tôi làm gì thì anh làm nấy. Tôi làm bất cứ cái gì, anh cũng cứ làm y như vậy.” Khi địch quân bảo hạ võ khí xuống, nhiều binh sĩ của tôi tháo võ khí, bỏ xuống. Nhưng khi họ bảo binh sĩ đứng vào với nhau, thì tôi và người tùy viên lẻn xuống ruộng lúa.
Chúng tôi ngâm mình dưới nước, chỉ hở mũi ngửa lên. Địch tưởng chúng tôi đã chết. Chúng tôi ngâm dưới nước ba giờ đồng hồ như thế, từ 3 giờ trưa đến 6 giờ chiều. Rồi chúng tôi mầy mò trong bóng đêm, tìm đến một con rạch. Con rạch nhỏ này chảy đến cầu Hốc Môn. Chúng tôi lội xuôi con rạch, hy vọng đến được cầu Hốc Môn, từ đó tôi sẽ biết lối về Sàigòn. Nhưng khi đang lội dưới rạch, tôi nghe hai bên bờ có tiếng người. Toàn lính Bắc Việt. Lúc đó tối trời, tôi tuồn ra khỏi lạch, tìm đường đất về Củ Chi. Vì tối quá, tôi quanh quẩn mãi trong một mũi tam giác. Không biết mình ở đâu. Sàigòn hướng nào. Trời lại mưa.
Đến sáng, tôi vẫn còn người tùy viên bên cạnh, nhưng tôi không nhúc nhích được nữa. Cái chân bị thương càng lúc càng tệ. Tôi bảo người tùy viên cố đi kiếm thầy thuốc. Nhưng chưa kiếm được, chúng tôi đã lọt vào một đám năm sáu chục bộ đội miền Bắc. Từ xa cứ tưởng họ là lính miền Nam. Đến khi thấy vậy, tôi đành bảo người tùy viên: “Thôi bị bắt rồi. Không chạy nổi nữa đâu.”
Bấy giờ quân phục tôi bê bết bùn, họ không nhận ra tôi là cấp tướng, không biết tôi là ai. Nhưng có một bà già thấy tôi. Bà già này bước lại, nói: “Chuyện chi vậy chuẩn tướng? Sao quần áo ông dơ dáy quá vầy nè?” Mấy người bộ đội đứng quanh đấy nghe được. Trước đó, họ chỉ tưởng tôi là một trung tá, không biết tôi đã là tỉnh trưởng Bình Dương.
Họ đưa tôi vào nhốt trong một căn phòng chung quanh có rào kẽm gai. Tôi ngồi đấy, nghĩ rằng khi họ khám phá ra tôi, thế nào họ cũng xử tử. Nên khi mấy người lính của tôi hỏi có muốn viết thư nhắn vợ tôi không, tôi bảo: “Không. Tôi không muốn viết thơ cho ai cả.”
Những người bộ đội bắt tôi là lính của ba sư đoàn đã đánh với Sư đoàn 25 của tôi. Họ bảo Sư đoàn Trưởng của họ sẽ đến gặp tôi. Họ nói ông ta muốn đến gặp người đã đương đầu với ông ta.
Tôi nói “Tôi đã mất hết quân rồi, bây giờ các ông muốn làm gì cứ làm.” Khi viên Sư đoàn Trưởng Bắc Việt đến gặp, tôi nói: “Ông đã biết khi tôi bắt được lính của ông thì tôi đã đối xử như thế nào. Bây giờ tôi chỉ yêu cầu ông hãy đối xử với lính của tôi như thế. Tôi đã đối xử tử tế với tù binh các ông hơn là cách ông đối xử với tù binh chúng tôi.”
Vì thế anh ta nói: “Chuẩn tướng, chúng tôi không có gì thù nghịch ông cả. Vì buổi đầu, bộ đội chúng tôi còn quá khích, nên có lẽ họ đã đối xử với ông không được tốt đẹp.”
Tôi bảo ông ta: “Họ bắt chúng tôi ngủ trên sàn đất trong hàng rào kẽm gai. Tôi không thích việc đối xử với các binh sĩ của tôi như vậy.” Tôi không lo lắng gì cho bản thân tôi. Tôi nghĩ họ sẽ xử tử tôi, nên tôi chỉ quan tâm về việc đối xử với các binh sĩ của tôi thôi.
Ngày mùng 3 tháng Ba, nghe tin đồn tôi bị giết ở Củ Chi, vợ con tôi đều rời Sàigòn xuống Hậu Giang, kiếm được một tàu gỗ sang Mã Lai. Tại Mã Lai có vài người Mỹ biết tôi, họ nhận ra vợ tôi nên đã đưa vợ con tôi sang Mỹ, chuyện này một năm sau tôi mới biết. Khi rời Sàigòn, vợ tôi đinh ninh tôi đã chết rồi.
Tôi nghĩ tôi sẽ bị giết, do đó tôi không viết thư cho vợ tôi. Tôi sợ nếu có thư tôi, vợ tôi sẽ ở lại chờ, thôi đằng nào họ cũng giết, nên tôi không thư từ gì cả.
Sau đó các binh sĩ của tôi đều được thả, nhưng họ giữ lại tất cả các sĩ quan. Họ đưa tôi về lại Củ Chi với các sĩ quan tham mưu của tôi. Lại một lần nữa, họ giam chúng tôi sau hàng rào kẽm gai. Lần này suốt một tháng. Sau đó họ đưa tôi về Sàigòn làm kiểm điểm để đi “học tập,” rồi họ gửi tôi đến “trại học tập.” Lúc ấy tôi mới nghĩ rằng tôi thoát chết.
Tôi bị gửi ra Bắc vào tháng Bảy năm 1975, mãi đến tháng Chạp 1987 mới được thả. Tôi đã phải làm lao động trong mười hai năm. Tướng Lê Minh Đảo ở cùng một trại với tôi.
Tôi đã chiến đấu cho xứ sở tôi. Tôi đã làm bổn phận tôi. Tôi đã tận lực phục vụ. Và tôi đã thua, nhưng tôi vẫn hãnh diện. Khi không còn làm được công việc của tôi, tôi vẫn cố gắng chiến đấu. Tôi đã mất quân đội, nhưng tôi không hề bị đánh bại. Tôi đã chỉ làm công việc cho đất nước Việt Nam. Khi viên tướng Bắc Việt mà tôi đã đương cự hỏi tôi rằng: “Bây giờ ông nghĩ thế nào,” thì tôi nói: “Tôi là một người Việt Nam – Tôi mong được nhìn thấy một đất nước Việt Nam phú cường, một dân tộc Việt Nam tự do, hạnh phúc.”
Nhưng tôi đã nghĩ: Việt Nam vẫn còn phải chiến đấu cho tự do. Cuộc chiến chưa tàn. Dân tộc vẫn muốn có tự do. Từ khi hãy còn là một thiếu úy cho đến nay, tôi vẫn nghĩ như vậy. Dân tộc Việt Nam đã cố giải quyết vấn đề bằng chiến tranh, nhưng cuộc chiến đã quyết định được những gì? Bây giờ miền Bắc thắng, và chúng tôi đã hy vọng đất nước Việt Nam được tốt đẹp. Việt Nam đã mất biết bao nhiêu người dân lương thiện, và bây giờ, thử nhìn vào đất nước mà xem. Tôi phải nói là đã không đạt được gì từ cuộc chiến. Cuộc chiến vẫn còn. Tôi vẫn nói với các thủ lãnh của đất nước ngày nay rằng “Tôi đã làm nhiệm vụ của tôi, và tôi đã thua. Quý ông bây giờ có thể làm bất cứ cái gì quý ông muốn. Nếu quý ông làm tốt, dân tộc tự do thịnh vượng thì tôi sẽ chẳng có điều gì để chống lại các ông cả. Nhưng bây giờ thử nhìn xem, đất nước này đã xảy ra những gì. Chiến thắng của quý ông giờ đây có ý nghĩa gì? Quý ông sẽ làm gì đây?”
Xứ sở chúng tôi là một xứ sở nhỏ bé nghèo khó. Chúng tôi cần những trợ giúp bên ngoài. Bây giờ, có lẽ chúng tôi còn cần phải có các lãnh tụ mới. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc chăm chỉ, chịu khó và lương thiện. Dân tộc Việt Nam đã sẵn sàng cho tự do và thịnh vượng. Dân tộc Việt Nam đã sẵn sàng để trở lại một thành phần của cộng đồng thế giới. Tiềm lực là ở đấy. Nhưng vẫn lại xảy ra cùng một căn bịnh. Chế độ mới cũng đã mắc phải cùng một căn bịnh của chế độ cũ. Căn bịnh tham nhũng. Một căn bịnh xói mòn cả dân tộc này. Ngày nay nếu không ưa ai, không thích ai nói ra một điều gì, người ta cứ việc bỏ họ vào tù.
Xã hội này là một xã hội thối nát. Người ta trở thành thối nát vì các lãnh tụ đã thối nát.
Các binh sĩ của tôi bỏ chạy bởi vì họ đã nhiễm bịnh từ các thủ lãnh của họ và từ ở xã hội. Họ không còn muốn chết cho cái xã hội không xứng đáng ấy nữa. Cái linh hồn bịnh hoạn của xã hội này đã làm cho họ ghê sợ. Vậy nếu bắn một người lính bỏ chạy thì chỉ giết được một người lính, không giết được căn bịnh. Còn trừng phạt một người về chuyện tham nhũng, cũng chỉ trừng phạt một cá nhân, căn bịnh vẫn tiếp diễn thôi.
Chưa bao giờ tôi nghĩ đến việc tự sát vì thua cuộc cả. Tại sao tôi lại phải tự sát? Chuyện ấy quá vị kỷ tự tôn. Tự sát! Tự sát có ích lợi gì? Nhiệm vụ của tôi là chiến đấu. Chiến đấu cho đến khi tử trận, hoặc đến khi bị cầm tù. Tôi là ai, nào có phải là một ông quan thời phong kiến cứ phải chết cho vua chúa đâu? Tôi đã chiến đấu cùng với các binh sĩ của tôi. Tôi đã không tử trận. Tôi chỉ bại trên chiến trường. Tôi bại trận, nhưng tôi vẫn còn sống sót.
Bây giờ đây, tôi đang ở Sàigòn, tôi không có chuyện gì làm. Tôi đã nạp đơn xin đi Mỹ để đoàn tụ với vợ và con gái tôi hiện ở tiểu bang Nevada. Một trong mấy con trai tôi là sinh viên đại học San Diego. Và con trai út của tôi hiện nay là một ngôi sao sáng về banh bầu dục tại đất nước Hoa Kỳ.
PHẠM VĂN XINH
(Sĩ quan An ninh, Sư đoàn 2 Bộ binh)
“Chúng tôi như rắn mất đầu.”
Tôi ở Đà Nẵng khi nơi này rơi vào tay Cộng sản. Bấy giờ tôi là Sĩ quan An ninh thuộc Sư đoàn 2 Bộ binh. Tôi đã phục vụ trong quân ngũ kể từ năm 1968. Chúng tôi đóng ở Tam Kỳ, nhận được lệnh ra Đà Nẵng. Nhưng vừa đến Đà Nẵng, ra khỏi tàu thì chúng tôi được biết ngay là các sĩ quan chỉ huy của chúng tôi đã lấy tàu khác vào Nam cả rồi. Chúng tôi bị bỏ rơi. Chúng tôi không biết phải làm gì. Không biết đi đâu. Chúng tôi hệt như rắn mất đầu.
Một số quân nhân lên những chuyến tàu của người tỵ nạn chạy vào Nam. Tôi không làm như vậy. Tôi rất sợ hãi bởi vì tôi biết rõ vụ tàn sát Mậu Thân ở Huế, lúc ấy Cộng sản đã giết hàng ngàn người Việt. Chúng tôi nghĩ chúng sẽ tái diễn việc này, chúng sẽ giết các quân nhân trước tiên. Vì vậy chúng tôi vứt quân phục, thay đổi quần áo thường dân.
Đến Đà Nẵng, lúc đầu Cộng sản không có hành vi gì ghê gớm. Không bắt bớ, cũng không đưa ai vào tù. Nhưng chỉ vài ngày sau, chúng tôi khám phá ra Cộng sản có một danh sách những người cộng tác với Mỹ. Cộng sản gọi những người này là bọn phản bội, chúng nói những người này là thành phần tối nguy hiểm. Tôi không rõ có bao nhiêu tên người trên danh sách, nhưng tôi thấy nhiều người bị bắt. Những người có tên trong danh sách đặc biệt bị bắn tại chỗ, ngay trên đường.
Cộng sản nói những người này không đáng sống. Việc ấy không giống chuyện hành quyết, mà giống những vụ sát nhân trên đường phố. Chúng không cần đưa họ đi đâu, như ở Huế. Hễ tìm thấy những người ấy ở đâu, chúng giết ngay ở đó.
Tôi đã nhìn tận mắt vài người bị bắn như thế. Bọn Cộng sản không hề có lòng thương xót. Hoàn toàn không. Tôi rất sợ, bởi vì tôi là một quân nhân, tôi nghĩ tên tôi đã nằm trong danh sách của chúng rồi.
Tôi yên tâm hơn khi bỏ quân phục mặc quần áo thường dân. Nhưng Đà Nẵng là quê quán của tôi, nhiều người trong xóm biết tôi ở trong quân đội. Tôi không thể giấu giếm được. Tôi lại biết có kẻ có thể đem nạp tôi mà lấy lòng Cộng sản, vì thế tôi rời sang một khu phố khác trong thành phố, tìm nơi không ai quen biết. Nhưng có kẻ đã cho tên tôi, nên Cộng sản đến kiếm. Chúng có một danh sách trong đó có tên tôi. Tôi cảm thấy rất nhục nhã khi bị bắt. Tôi nghĩ đáng lẽ tôi cứ mặc quân phục. Tôi nghĩ đáng lẽ tôi phải chống trả. Nhưng không còn chỉ huy, cũng không có lệnh lạc gì nữa, vì vậy làm sao tôi chiến đấu được.
Cộng sản gửi tôi đến vùng Kinh tế mới. Tôi ở đấy sáu năm. Tôi rất căm ghét. Tôi biết khi có cơ hội là tôi rời Việt Nam ngay. Nhưng tôi không có tiền. Muốn lên tàu phải có tiền.
Năm 1983 trở lại Đà Nẵng tôi gặp được một người có tàu. Tôi bảo người này rằng tôi nhận làm tài công nếu anh ta đưa tôi ra khỏi Việt Nam. Tôi bảo tôi sẽ tìm thêm những người khác trả tiền cho anh. Người này đồng ý giúp. Tôi kiếm được hai mươi hai người muốn rời Việt Nam, những người này chịu trả tiền cho chủ tàu. Chúng tôi đi vào một đêm tháng Chạp, năm 1983, giương buồm tới đảo Hải Nam. Người Trung Quốc tại đây đã giúp đỡ chúng tôi. Họ cho chúng tôi đồ ăn và nước ngọt. Rồi chúng tôi đến được Hồng Kông. Chúng tôi đã lênh đênh trên mặt biển hai mươi bốn ngày.
Ngày nay tôi là một người tự do.
NGUYỄN PHÚC THIỆU
(Thiếu úy Không quân, Nam Việt Nam)
“Thôi đi, các cậu – Cuộc chiến đã xong.”
Bấy giờ tôi là một phi công trực thăng. Tính đến năm 1975, tôi đã ở trong binh chủng Không quân được năm năm. Trước tôi đóng ở Đà Nẵng và Nha Trang, sau tại Tân Sơn Nhứt, Sàigòn. Không một ai trong chúng tôi có thể tin đất nước này sẽ sụp đổ.
Lúc ấy chúng tôi nghĩ Cộng sản có thể sẽ vào được Sàigòn, có thể chúng sẽ vào tận thành phố như đã xảy ra hồi năm 1968, nhưng chúng tôi sẽ lại đánh bật chúng ra. Chúng tôi dự liệu đất nước này có thể được phân ranh lại, ranh giới sẽ ở đâu đó khoảng Nha Trang.
Ngày 28 tháng Tư, máy bay Cộng sản dội bom ở Tân Sơn Nhứt. Chúng tôi nghe nói phi công là đào binh từ hàng ngũ chúng tôi. Việc ấy không có gì đáng ngạc nhiên. Với một không lực khá lớn như của chúng tôi, việc hai hay ba phi công đào thoát sang phía bên kia là việc có thể dự liệu được. Số còn lại, tất cả chúng tôi đều là những người trung kiên.
Ngày 29 tháng Tư, Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ đổ xuống, vây quanh văn phòng Tùy viên Quân sự. Họ bắt đầu di tản người tỵ nạn ra bằng trực thăng tại địa điểm này. Về phần chúng tôi cứ thế ở trong trại, đợi lệnh. Chúng tôi không biết những ngưòi chỉ huy chúng tôi đã bỏ rơi chúng tôi. Chúng tôi có năm chiếc trực thăng đợi sẵn, chúng tôi cứ nghĩ là sẽ sắp sửa tham dự phi vụ. Có lẽ các cấp chỉ huy chúng tôi đang đi họp mật với Mỹ, họ sẽ trở lại cho lệnh mới. Không ngờ các cấp chỉ huy của chúng tôi không bao giờ trở lại nữa.
Sau khi người Mỹ hoàn tất chương trình di tản của họ, họ cho nổ căn cứ Tùy viên Quân sự. Rồi Thủy quân Lục chiến Mỹ bỏ đi, chúng tôi vẫn cứ ở đấy đợi lệnh.
Đêm 29 chúng tôi nghe tướng Kỳ trên máy truyền thanh. Ông đọc bài diễn văn bảo sẽ ở lại, chiến đấu cho đến chết. Ông kêu gọi chúng tôi cũng làm như vậy. Thế rồi, ông bỏ đi.
Sáng 30 tháng Tư, chúng tôi quyết định không thể chờ ở Tân Sơn Nhứt lâu hơn nữa. Năm giờ sáng là lúc chúng tôi quyết định bay xuống miền Nam bằng trực thăng để tham gia các đơn vị vùng đồng bằng tiếp tục chiến đấu chống Cộng. Khi ra trực thăng, chúng tôi mới khám phá hầu hết đã bị phá hoại. Nhiều cơ phận mất, bình điện bị lấy cắp, xăng cạn gần hết. Chúng tôi tháo gỡ nhặt nhạnh các bộ phận chiếc này đưa sang chiếc khác, rồi dồn xăng, bình điện, lắp vào hai chiếc trực thăng để có thể sử dụng được. Tất cả chúng tôi dồn vào hai chiếc trực thăng này, bay xuống Cần Thơ. Chúng tôi cố gọi máy cho các đơn vị Cần Thơ, nhưng không ai trả lời. Khi đáp xuống, có vài binh sĩ chạy đến hỏi: “Các ông làm gì ở đây vậy? Bộ các ông không nghe điện văn của Mỹ hay sao?” Họ bảo chúng tôi là người Mỹ đã kêu gọi các trực thăng Việt Nam bay hết ra ngoài Đệ Thất hạm đội, giữ cho máy bay đừng rơi vào tay Cộng sản. Chúng tôi thảo luận với nhau, cuối cùng quyết định bay ra Đệ Thất hạm đội.
Chúng tôi bay qua Vũng Tàu. Bay thấp qua thành phố, có thể thấy cả bộ đội Cộng sản ở đây. Bấy giờ máy bay rất ít xăng, chúng tôi lại không rõ Đệ Thất hạm đội ở bao xa. Khi nhìn thấy tàu chiến Mỹ, chúng tôi chỉ có năm phút xăng còn lại trong bình.
Chúng tôi nghĩ khi đáp xuống tàu chiến Mỹ, họ sẽ tiếp tế xăng nhớt, sắp xếp lại đội ngũ. Rồi, sẽ quay về Việt Nam chiến đấu, và người Mỹ sẽ đi cùng với chúng tôi. Chúng tôi tưởng họ gọi chúng tôi ra lập kế hoạch mới mà phản công. Ý kiến ấy nghe khá tốt, chúng tôi vẫn sẵn sàng chiến đấu. Nhưng ngay khi đáp xuống, Thủy quân Lục chiến Mỹ tiến đến tước khí giới. Chúng tôi lấy làm lạ. Rồi họ đưa chúng tôi sang phía bên kia tàu. Rồi chúng tôi thấy họ bắt đầu đẩy chiếc trực thăng. Vài người trong chúng tôi la lên, họ chạy ra, cố ngăn mấy người Mỹ lại. Nhưng Thủy quân Lục chiến Mỹ chặn người của chúng tôi. Họ nói “Thôi đi, các cậu. Cuộc chiến đã xong.”
Vài người trong chúng tôi bật khóc. Khi thấy chiếc trực thăng của chúng tôi rơi xuống biển, biết rằng sẽ không còn trở lại Việt Nam được nữa, vài người cố nhảy xuống biển. Thủy quân Lục chiến Mỹ ngăn họ lại. Nhiều người trong chúng tôi còn gia đình ở lại Sàigòn, họ muốn trở về với gia đình. Nhưng giờ đây, chẳng còn cách gì nữa.
Tôi cảm thấy rất buồn khi nhìn chiếc trực thăng của chúng tôi chìm xuống. Khi thoạt thấy chiếc tàu chiến Mỹ, tôi cứ tưởng mọi việc sẽ ổn thỏa. Nhưng tôi đã lầm. Đối với chúng tôi, cuộc chiến đã xong.
LÊ VĂN HẢI
(Không quân Nam Việt Nam)
“Hôm ấy là một ngày rất đẹp. Mặt trời soi rạng rỡ, và mọi người đều khóc.”
Năm 1954 khi đất nước chia đôi, Cộng sản chiếm miền Bắc, cha mẹ tôi di cư vào Nam. Lúc ấy, tôi mới lên một. Cha mẹ tôi biết rõ Cộng sản, họ không muốn sống dưới chế độ này. Vì thế họ đã vào Nam tìm tự do.
Tôi gia nhập không quân, vào trường học lái máy bay. Tôi tốt nghiệp trường huấn luyện không quân đầu tháng Tư, 1975. Vào thời gian ấy, phi công không bao giờ đủ xăng mà bay. Cơ phận cũng thiếu phải lấy bộ phận máy bay này mà lắp sang chiếc máy bay khác. Đạn dược không bao giờ đủ, phải đếm từng viên. Chúng tôi muốn chiến đấu. Nhưng không vũ khí, làm sao chúng tôi chiến đấu!
Bấy giờ trong không quân, vài người bảo nhau có thể chúng tôi sẽ thua trận. Nhưng khi nói vậy, chúng tôi cũng sợ, bởi chúng tôi nghĩ: Biết chừng đâu chúng tôi đã nghe Cộng sản tuyên truyền quá nhiều. Chúng tôi biết thượng cấp chúng tôi là những tướng lãnh tốt. Chừng nào chúng tôi còn có tướng lãnh tốt, làm sao chúng tôi có thể bại trận được?
Ngày 28 tháng Tư, tôi ở trong phi trường Tân Sơn Nhứt khi các phi công Bắc Việt dội bom. Chúng bay đến bằng chiếc A-37, dội bom xuống chúng tôi. Chuyện ấy chẳng làm tôi khiếp sợ. Năm 1968 Tết Mậu Thân, Cộng sản cũng đã vào tận thành phố, mà rồi chúng tôi đã đẩy bật chúng ra. Vì vậy chuyện này đối với chúng tôi chẳng có gì mới lạ. Nhưng đến 29 tháng Tư, chúng tôi nghe nói các tướng lãnh của chúng tôi đã chạy hết. Chúng tôi không tin nổi. Chúng tôi, những người trẻ, đã dự định tiếp tục chiến đấu. Nhưng làm sao chúng tôi chiến đấu được khi các tướng lãnh không còn chỉ huy chúng tôi nữa?
Sáng 30 tháng Tư, các phi công đều nói chuyện với nhau về bản tin họ nghe được ở điện đài trên tần số khẩn cấp. Họ bảo hạm đội Mỹ kêu gọi phi công Việt Nam mang máy bay ra ngoài hạm đội để khỏi rơi vào tay Cộng sản. Sau khi nghe bản tin, nhiều phi công lấy trực thăng nhồi nhét đầy người bay ra hạm đội Mỹ.
Lúc ấy tôi không đoan quyết là tôi muốn đi, vì vậy tôi không ra trực thăng. Tôi biết vẫn còn có các quân nhân đang chiến đấu dưới vùng đồng bằng, nên tôi nghĩ có lẽ tôi sẽ đi Nam tham gia với họ. Nhưng rồi tôi nghe chính phủ đã đầu hàng Cộng sản. Khi ấy, tôi quyết định ra đi.
Tôi và một người bạn xuống sông Sàigòn. Có một chiếc tàu sắp đi, chúng tôi quyết định leo lên. Chúng tôi cảm thấy việc ra đi là rất tệ, nhưng khi chính phủ đã đầu hàng, còn hy vọng gì nữa?
Dân chúng Sàigòn cử hành lễ lạc hoan hô, họ đã bị Cộng sản dối gạt. Họ tưởng Cộng sản thắng thì chiến tranh không còn nữa. Bây giờ họ đã được một bài học.
Khi chiếc tàu của chúng tôi chạy trên sông Sàigòn, không ai nổ súng bắn chác gì. Trên tàu có đến 3000 người, chật ních đàn ông. đàn bà, trẻ con. Chẳng có thực phẩm nước uống, chúng tôi cũng chẳng rõ khi ra đến biển Nam Hải số phận ra sao. Nhưng chúng tôi vẫn đi vì chúng tôi không thể ở lại sống dưới chế độ Cộng sản được.
Lúc ra đi, chúng tôi đều nhìn đất nước Việt Nam một lần cuối. Hình ảnh sau cùng chúng tôi thấy là bãi biển đẹp đẽ ở Vũng Tàu. Hôm ấy là một ngày rất đẹp. Mặt trời soi rạng rỡ và mọi người đều khóc. Sau khi chúng tôi nhìn Vũng Tàu lần cuối, một người lính ở trên tàu rút khẩu súng kê dưới cằm, bóp cò tự sát. Vài người nhảy ra khỏi thành tàu, biến mất dưới biển. Tôi chứng kiến hai người đàn ông đã nhảy ra bên thành tàu.
Chúng tôi lênh đênh trên mặt biển ba ngày không thực phẩm, không nước uống. Ngày thứ ba, chúng tôi gặp một tàu Đan Mạch. Họ bốc đàn bà và trẻ con đưa đi Hồng Kông. Còn chúng tôi, họ tiếp tế đồ ăn nước uống, đủ cho chúng tôi không chết trên mặt biển, họ chỉ đường cho chúng tôi đến Hồng Kông. Suốt cuộc hành trình còn lại, chúng tôi im lặng không nói với nhau một lời.
Chúng tôi quá đau buồn. Chúng tôi đã mất quê hương.
Đại úy Nguyễn Quốc Định
(Sĩ quan hải quân)
“Các ông ra khỏi tàu tôi ngay!”
Tôi là sĩ quan hải quân Việt Nam, lúc ấy phụ trách một chiếc tàu tuần tiễu nhỏ, thủy thủ đoàn chỉ có sáu người. Chúng tôi có nhiệm vụ tuần tiễu dọc vùng duyên hải để chặn các tàu chở hàng lậu và tìm Việt Cộng chở vũ khí xâm nhập. Công tác không có gì nhiều. Việt Cộng chỉ mạnh dưới vùng đồng bằng, nhưng ở vùng duyên hải thì không.
Khi nhận chức với cấp bực đại úy năm 1969, tôi hãy còn rất trẻ. Tôi đã theo học trường đào tạo sĩ quan ở Hoa Kỳ. Lúc bấy giờ, khi tôi gia nhập hải quân, người ta đang cần nhiều sĩ quan, nhưng chỉ có một trường huấn luyện tại Việt Nam, nên người Mỹ đã giúp huấn luyện sĩ quan tại New Port, Rhode Island. Tôi được học Anh văn ở Việt Nam sau khi tốt nghiệp khoá huấn luyện căn bản. Họ gửi tôi đi học Anh văn tại một trường Sinh ngữ do các binh sĩ Hoa Kỳ phụ trách, tám tiếng một ngày.
Tôi không biết nhiều về chính trị, nhưng hiệp định Ba Lê làm tôi lo ngại. Sau khi quân đội Mỹ rút, người ta cắt giảm tiếp liệu, chúng tôi bắt đầu thiếu xăng nhớt đạn dược. Đôi khi có vài bộ phận trên tàu hư hỏng, chúng tôi phải chờ rất lâu mới có bộ phận thay thế. Rồi, vì thiếu nhiên liệu, chúng tôi phải rút bớt những chuyến tuần tiễu. Trước hiệp định Ba Lê, tôi có thể cho tàu đi tuần suốt ngày đêm. Sau hiệp định này, chỉ còn có thể tuần tiễu vài giờ mỗi ngày.
Mùa Xuân 1975, tôi ở Qui Nhơn. Sau vụ bỏ cao nguyên, tôi cho tàu đi bốc thường dân và binh sĩ dọc bờ biển, đưa họ lên tàu vào Cam Ranh, rồi chúng tôi lại rút thêm người đưa vào Sàigòn.
Tôi thấy tình trạng lúc ấy rất tệ hại. Không có kế hoạch gì đàng hoàng, binh sĩ phải vứt bỏ tất cả mọi thứ mà chạy.
Khi cuộc rút lui bắt đầu, tàu chúng tôi vẫn còn tiếp tục tuần tiễu. Nhiều người tỵ nạn đã ở vào hoàn cảnh thật khốn cùng. Một số binh sĩ lúc rút lui trở nên điên rồ, họ đã biến thành một bọn thô bỉ. Họ hãm hiếp cả những người đàn bà đi cùng tàu với họ.
Những người tỵ nạn đều chạy ra Phú Quốc. Tôi ở đấy, thấy tình trạng nơi này cũng rất xấu. Họ lại chuyển tôi ra Qui Nhơn. Vì địa bàn chiến tranh càng lúc càng thu hẹp, chúng tôi ngưng tuần tiễu. Từ đó, cấp trên bảo làm gì tôi làm nấy. Nếu họ bảo không làm gì, tôi chẳng làm gì. Các sĩ quan cao cấp có vẻ cũng không hiểu tình hình diễn tiến ra sao, nên họ chẳng ban lệnh lạc gì nữa. Họ giữ cho cấp dưới bình tĩnh bằng cách không làm gì cả, tôi nghĩ họ không còn biết hết mọi chuyện. Các thủy thủ trên tàu hỏi “Tinh hình ra sao” tôi trả lời “Chẳng biết ra sao. Chẳng người nào biết được tình hình ra sao cả.”
Thỉnh thoảng, bản thân tôi tự kiểm soát loanh quanh, xem chừng lỡ có người nhái của đối phương đến phá hoại tàu bè của chúng tôi chăng. Nhưng cũng chẳng có chuyện gì xảy ra.
Thế rồi đến ngày 29 tháng Tư, là lúc tôi hoàn toàn bối rối, không còn có thể hiểu chuyện gì xảy ra. Hôm ấy tàu của tôi đang phải sửa chữa, máy tàu bị hỏng. Chúng tôi ở cách Sàigòn mười dặm, trên sông Sàigòn. Lúc ấy tôi thấy trực thăng Mỹ bắt đầu bay vào.
Thực tình từ trước đến giờ tôi chưa hề nghĩ đến việc rời khỏi quê hương xứ sở. Ngay cả mơ đến chuyện ấy cũng không. Đến ngày 29, họ bảo Hải quân sẽ phải tái tổ chức. Họ bảo tôi phải ra đảo Côn Sơn để tái tổ chức. Sĩ quan Chỉ huy của tôi sẽ điều động hai mươi tàu, trong đó có cả tàu của tôi. Ông ta bảo sáu giờ chiều ngày 29 phải ra Côn Sơn. Khi nghe ông nói thế, tôi nghĩ có lẽ chúng tôi sắp mất nước rồi. Nhưng bấy giờ gia đình tôi còn ở Sàigòn, tôi không muốn bỏ gia đình tôi lại. Cho nên tôi nghĩ tôi phải về Sàigòn đón gia đình tôi trước.
Tôi bèn đi Sàigòn. Nhưng có vài người trong thủy thủ đoàn của tôi không muốn làm như thế. Vài người đi thẳng ra Côn Sơn. Vài người đi với tôi về bộ Tư lệnh Hải quân, nơi này chỉ cách nhà tôi có một dặm, tại Sàigòn. Mấy chiếc tàu lớn của Hải quân đã rời Sàigòn cả. Tôi không rõ mấy chiếc tàu lớn đã đi đâu, họ không cho một ai hay biết gì.
Tôi vào thành phố, lúc ấy nửa đêm. Tình trạng bấy giờ hết sức đông đảo chen chúc hỗn loạn, dân chúng ùa đến tìm mọi cách leo lên mấy chiếc tàu. Tôi lo người ta cướp tàu của tôi, nhiều người là binh sĩ. Thủy thủ của tôi chỉ có năm người, tôi bèn để lại tàu ba người canh gác. Tôi rời tàu với một người bạn, rồi về nhà.
Dân chúng ai nấy tràn ra ngoài đường. Tôi đi bộ qua toà Đại sứ Mỹ, thấy người bu đông nghịt xung quanh cổng chính. Tôi cố kiếm một chiếc xe gắn máy, bấy giờ xe hơi xe gắn máy bỏ ngổn ngang trên đường. Lúc ấy vẫn có giới nghiêm, nhưng thật ra chẳng hiệu lực gì. Trong đêm, tôi thấy có lửa, tôi thấy người đứng trên sân thượng toà Đại sứ, nhưng tôi không thấy trực thăng đáp xuống. Nhiều người cố tìm cách lọt vào trong toà Đại sứ, nhưng tôi nghĩ họ cũng biết không còn cách gì có thể lọt vào được nữa. Lúc ấy là hai giờ sáng ngày 30 tháng tư. Phải mất một tiếng đồng hồ đi bộ tôi mới về đến nhà. Tôi vẫn còn đội mũ sắt, mặc đồ trận, tôi cảm thấy hệt như mình đang sẵn sàng ra mặt trận.
Gia đình tôi hãy còn đầy đủ trong nhà, họ không biết tình hình ra sao. Họ đều sợ. Cha tôi, trước là cảnh sát Sàigòn, ông có quan tâm về việc ra đi, nhưng không biết làm cách nào ra khỏi xứ. Gia đình tôi gồm cha mẹ và tám đứa con nữa, tất cả là mười người tôi phải đưa đi. Trước đó, có một số phi công bên Không quân đã cố đưa gia đình sang Thái Lan, nhưng họ đều bị bắt, bị đưa trở lại Việt Nam. Người ta bảo chúng tôi rằng nếu chúng tôi đi, họ sẽ chặn lại nhốt tù.
Tôi mang về nhà vài quả lựu đạn, vài cây súng. Tôi bảo mẹ tôi nếu Cộng sản vào nhà, tôi sẽ giết và tôi cũng tự sát cùng với chúng. Mẹ tôi bảo tôi muốn làm gì thì làm. Tôi bảo tôi sẽ giết hết mọi người trong gia đình rồi cùng chết với nhau, mẹ tôi nói thế cũng được. Tôi không biết tôi có thể làm thế được không, nhưng tôi đã nói với cả gia đình như vậy. Cha tôi bảo thế cũng xong.
Lúc ấy, tôi không rõ đất nước mất hay còn. Nhưng trước đấy một tuần, tôi đã mang một số vũ khí về nhà, bởi tôi nghĩ nếu bất cứ chuyện gì xảy ra, sớm muộn tôi cũng chết và tôi muốn gia đình tôi có thể tự vệ được khi tôi không có mặt.
Tôi là người trụ cột trong gia đình. Cha tôi không làm gì được nữa. Phần tôi, lúc ấy thực tình không rõ phải đi đâu, hoặc nếu rời Sàigòn rồi làm gì.
Nhưng tôi quyết định phải đi. Tôi nói với cha mẹ tôi rằng nếu muốn đi thì đi với tôi. Tôi có một chiếc xe gắn máy, tôi chở dần hai đứa bé ra cảng, bỏ chúng đấy, rồi quay lại chở hai đứa nữa. Tàu của tôi vẫn còn đấy, có một đám đông bu lại gần nhưng họ không lấy được tàu, vì có lính canh. Tàu đậu giữa sông, mỗi lần tôi mang người trong gia đình đến thì tàu chạy vào, rồi chạy ra, cứ mỗi lần đến, tôi lại phải gọi.
Sau chuyến thứ hai, tôi nhờ người đi về đón số người còn lại trong gia đình tôi. Mấy thủy thủ đâm hoảng, họ lo nếu rời tàu thì tôi có thể bỏ họ mà đi. Tôi hứa bảo đảm vói họ là tôi sẽ đợi cho đến trưa. Vậy mà họ vẫn quyết định cứ ở lại hơn là rời tàu đi đón thân nhân.
Bảy người trong gia đình tôi ra đến tàu. Cha tôi cùng một người em trai và một cô em gái của tôi ở nhà. Họ không đi. Cô em gái tôi là giáo viên, nó và người chồng không muốn đi.
Trong lúc đợi gia đình tôi thì ở ngoài tàu đã có nhiều người lọt được vào trong tàu. Tôi phát điên lên. Mấy người thương gia đưa ra đô-la, đưa ra vàng. Tôi quát: “Các ông ra khỏi tàu tôi ngay!” Tôi rút súng bắn chỉ thiên, đuổi họ đi. Họ van vỉ khóc lóc, nhưng làm sao đủ chỗ cho họ đi. Tôi bảo thủy thủ của tôi ném họ ra khỏi tàu. Vài người có vợ, con, và cả hành lý. Nhưng tôi phải mang gia đình tôi đi. Tôi phải lo gia đình tôi trước.
Cũng nhiều người có súng, nhưng họ không lên tàu vì họ thấy tàu không đi nổi, lúc ấy đã có khoảng bốn chục người trên tàu rồi. Quá đông, chiều dài chiếc tàu chỉ có mười thước, chiều ngang ba thước và có hai tầng.
Chúng tôi đi khoảng 11 giờ sáng ngày 30 tháng Tư, chạy đường sông, ra biển Nam Hải. Chúng tôi phải qua Rừng Sát là nơi đầy Cộng sản, lòng sông rất cạn, qua đây hết sức nguy hiểm. Có hai chiếc tàu nữa cùng đi với chúng tôi. Lúc ấy tôi rất sợ vì lẽ chiếc tàu rất nhỏ, chỉ một quả rốc-két bắn đến là mọi người tiêu hết. Rồi chúng tôi thấy có một chiếc tàu lớn chạy đến, một chiếc tàu dân sự, trên tàu chở đầy những người giàu có. Chiếc tàu này tên là Vong Hong Ni, chở khoảng ba trăm người. Tôi cho tàu cập lại, bắt họ dừng. Tôi rút súng cầm tay, bảo họ nếu không dừng là tôi bắn. Họ sợ, nên dừng tàu, cho tất cả chúng tôi leo lên. Sau đó chúng tôi cắt dây, thả chiếc tàu nhỏ của chúng tôi trôi đi. Đêm hôm ấy chúng tôi đi ngang Vũng Tàu, nghe máy thu thanh nói Sàigòn đã đầu hàng. Tôi tự bảo “Thôi, thế là xong.”
Ra khỏi Vũng Tàu, chúng tôi nhìn thấy Đệ Thất hạm đội Hoa Kỳ. Chúng tôi nghĩ họ sẽ chờ sáng rồi cho chúng tôi lên, nhưng họ biến mất. Rồi một chiếc tàu Hải quân Việt Nam tiến đến, hai tàu chúng tôi cứ thế theo nhau mà đi suốt bảy ngày đêm.
Cuối cùng chúng tôi đến được Subic Bay, Phi Luật Tân, từ đây họ đưa chúng tôi sang đảo Wake rồi đến trại tỵ nạn Fort Chaffee. Sau, chúng tôi đến định cư ở thành phố Nữu Ước.
Sau đó tôi cố viết thư liên lạc vói cha tôi, nhưng không dám viết trực tiếp. Tôi gửi đến địa chỉ mấy người hàng xóm gần nhà để nhờ chuyển cho cha tôi, nhờ vậy em gái tôi biết tin chúng tôi đã tới nơi bình an. Cha tôi bị đưa vào trại cải tạo, ông bị ở đó năm năm. Cha tôi chỉ là một cảnh sát cấp đại úy, tôi không biết tại sao chúng bắt cha tôi đi lâu như vậy.
Ông được thả năm 1980. Ông muốn vượt biên cùng với cậu em trai và gia đình em gái tôi. Tôi tìm cách gửi tiền mua vàng cho họ đi. Nhưng cha tôi không thoát. Chuyến vượt biên ấy chở quá đông. Đáng lẽ chỉ chở được bốn mươi người, nhưng chủ tàu tham lam, hắn đã chở đến một trăm hai mươi người. Hắn tưởng chỉ mất hai ngày là đến được Mã Lai, ngờ đâu phải đi đến bảy ngày đêm. Tàu không có tài công nhà nghề, lại gặp bão trên biển. Cha tôi bị chết đói. Chú em trai, cô em gái tôi và hai đứa con gái của nó sống sót. Nhưng chồng nó chết. Tàu bị rỉ nước, chồng nó cố sức tạt nước cứu gia đình, nên đã chết vì kiệt sức.
Thú thực với ông, cuộc sống của tôi tại đây tốt đẹp hơn. Phần lớn bạn hữu của tôi cũng nói như thế. Nếu có cơ hội về nước thì thực tình tôi chẳng biết làm gì. Đôi khi ban đêm nằm ngủ ở thành phố Nữu Ước này tôi vẫn còn những cơn ác mộng. Tôi mơ thấy mình vẫn đang ở Việt Nam, bị Cộng sản bắt đưa vào trại cải tạo. Tôi bị mộng mị như vậy trong suốt mấy tháng.Bây giờ tôi không còn mộng mị như thế nữa.
_________________
(Ghi chú của tác giả: Sau cuộc phỏng vấn này chỉ một thời gian ngắn, Đại úy Định đã mất vì bị ung thư phổi vào mùa hè năm 1987)
Chương 16: Dân Sự Việt Nam
NGUYỄN PHÚC HẬU
(Phó Chủ Tịch Hội Đồng Thị xã Nha Trang)
“Vâng, chúng tôi đã chiến đấu”
Tôi nguyên là Phó Chủ Tịch Hội đồng Thị Xã Nha Trang và Tỉnh Khánh Hòa. Tôi được bầu vào chức vụ ấy năm 1970, sau đó tái đắc cử năm 1974 với nhiệm kỳ bốn năm.
Chính trị có sẵn trong huyết quản tôi. Tôi mong tham gia chính trị để phục vụ dân tộc tôi. Tôi sinh năm 1931, thế hệ tôi chính là một thế hệ của chiến chinh. Khi tôi còn nhỏ, bấy giờ là thời Thế giới đệ nhị Thế chiến. Chúng tôi đã chiến đấu chống Nhật. Đến khi tôi trưởng thành, người Việt chúng tôi chiến đấu chống Tàu, chống Pháp, chống Mỹ và chống cả lẫn nhau. Chiến đấu không ngừng.
Tôi thực rất mong có ngày được nói chuyện với Mike Mansfield. Sau khi Saigon sụp đổ, lúc đang ẩn náu ở Saigon, mở đài Tiếng Nói Hoa Kỳ tôi có nghe Mike Mansfield tuyên bố: “Đất Việt Nam không đáng giá mảy may cho một sinh mạng Mỹ!! ” Lời tuyên bố ấy làm tôi rất buồn, vì tôi nhớ đến sự dũng cảm của những cố vấn Mỹ của tôi trong cuộc chiến, những người mà tôi đã có lòng thương mến. Tôi nghĩ những người Mỹ tham dự vào cuộc chiến Việt Nam mà tôi biết, họ đều hiểu rằng họ đã chiến đấu cho một lý do cao cả: Bảo toàn Tự do. Mike Mansfield không hề biết gì về việc đã có bao nhiêu người bỏ mình tại đất nước Việt nam trong công cuộc chiến đấu chống Cộng, ông ta không xem truyền hình để thấy hàng bao nhiêu ngàn con người tháo chạy khỏi các Tỉnh khi Cộng sản tiến vào. Ông ta cần phải biết vì đâu họ chạy. Ngay từ năm 1954 đã hơn một triệu người Việt bỏ chạy từ bắc vào Nam. Mike Mansfield cần phải biết tại sao.
Tôi ở Nha Trang ngày Thị xã này thất thủ. Tôi đã bảo vợ tôi nên vào Phan Rang với người chị cho an toàn, phần tôi ở lại Thị xã Nha Trang vì nhiệm vụ của tôi. Tôi là người đứng tổ chức cứu trợ đồng bào tỵ nạn từ các thành phố khác đến. Hai ngày trước khi Nha Trang sụp đổ, chúng tôi đã gửi một lá thư cho Tướng chỉ huy quân đội đóng quanh Thị xã, chúng tôi yêu cầu một buổi họp với ông nhằm tổ chức phòng thủ Thị xã. Chín giờ sáng, vào ngày Thị xã thất thủ, tôi đến văn phòng tham dự cuộc họp với những người trong tổ chức cứu trợ tỵ nạn và đợi viên tướng đến. Nhưng mười một giờ, vẫn không thấy. Chúng tôi điện thoại cho tòa Tỉnh, ở đó không ai có mặt. Chúng tôi điện thoại cho các viên chức khác. Cũng không có ai. Thế rồi có người đến cho biết tất cả đều đã đi. Họ đều đã ra đi mà không hề mở miệng nói một câu nào.
Tôi không còn tin nổi. Mới tuần trước, tôi với ông Chủ tịch cùng với ông Tỉnh Trưởng hãy còn đi Khánh Dương, nằm ở ranh giới hai tỉnh Ban Mê Thuột và Khánh Hòa, nơi lính Nhảy dù đóng. Chúng tôi đưa thực phẩm và đồ tiếp tế đến khích lệ anh em binh sĩ. Chúng tôi nói chuyện với họ, bảo toàn thể dân chúng trong tỉnh đứng sau lưng họ, nhiệm vụ anh em là tiếp tục chiến đấu, giữ vững, đừng để khu vực này rơi vào tay Cộng sản. Chúng tôi hãnh diện vì anh em đã chiến đấu kiên cường, chúng tôi tin tưởng anh em vẫn có thể tiếp tục chiến đấu. Nhưng ngày hôm ấy, thực đáng buồn.
Sau này tôi nghe nói hầu hết những chiến sĩ nhảy dù ấy đã tử trận. Ngày Cộng sản tấn công, họ không hay hậu tuyến đã rút chạy. Họ tiếp tục gọi yểm trợ, gọi không quân, gọi tiếp vận, nhưng không ai trả lời. Bị Cộng sản bao vây, họ vẫn tiếp tục đánh, không chịu hàng nên bị Cộng sản giết sạch. Nhảy dù là những người lính thiện chiến. Những chiến sĩ ưu tú nhất.
Tôi là người rất bướng bỉnh. Có lần vợ tôi đến bảo rằng: “Ông ạ, tôi nghe nói Mỹ đã rút, mình thất trận rồi” Bà ấy hỏi: “Ông định chuyện gia đình thế nào, có chạy đi đâu hay không?” Tôi nói: “Tôi không tin mấy chuyện ấy. Ngu ngốc quá!” Bấy giờ hãy còn là vào khoảng đầu năm 1975. Tôi nói: “Chúng ta vẫn còn có thể đánh Cộng sản được”. Vợ tôi lại bảo đã có nhiều gia đình dọn vào Saigon cả rồi. Tôi vẫn nói “Kệ xác cho họ dọn. Mình cứ ở lại”
Tôi đã tin tưởng rằng ngay cả trong trường hợp mất các Tỉnh khác, người ta vẫn giữ được Nha Trang, chúng tôi vẫn được an toàn.
Nhưng sau các Tư lệnh, các Tỉnh trưởng, Thị Trưởng bỏ chạy thì Nha Trang hỗn loạn. Tù nhân thoát ra, đập phá hàng quán, đốt cháy chợ búa.
Cách thất trận của chúng tôi thực hết sức lạ lùng. Có một gã gác dan trong một ngôi trường dòng ở Nha Trang vốn là Cộng sản, hắn chứa vũ khí Cộng sản trong trường, chính hắn dẫn Cộng sản vào Thị xã. Sau này hắn bảo chúng tôi Cộng sản ở Nha Trang không biết các chỉ huy quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã rời Thị xã rồi. Nếu họ biết thì họ chiếm ngay hôm ấy, như thế đã tránh được việc hỗn loạn trong Thị xã. Hắn kể hắn đi Tuy Hòa báo cáo với Trung đoàn trưởng Trung Đoàn Sao Vàng: “Ổn thỏa rồi, thị xã Nha Trang đã trống rỗng. Dân chúng và các cấp chỉ huy quân đội đều đã chạy. Ta nên vào chiếm lấy thôi”. Nhưng viên Trung đoàn Trưởng vẫn không tin nổi. Hắn kể rằng viên Trung đoàn trưởng vẫn cho hắn báo cáo láo. Hắn phải thuyết phục viên Trung đoàn trưởng cho người theo hắn vào Nha Trang quan sát tình hình. Bọn trinh sát trở lại, báo rằng quân đội Việt Nam Cộng Hòa quả đã rút hết, do đó họ mới vào chiếm thị xã. Chúng tôi chỉ buông xuôi mà bỏ đi.
Chúng tôi đã bỏ đất nước Việt Nam cũng như đã bỏ Thị xã Nha Trang. Chúng tôi đã có thể thắng trận chiến này, nhưng chúng tôi đã buông mà tháo chạy. Việc sụp đổ Nha Trang và việc Cộng sản tiến chiếm thị xã này chính là điển hình cho tất cả cuộc chiến Việt Nam vậy.
Tôi không hiểu được tại sao. Khi ở Vũng Tàu, tôi đã vào Saigon dự phiên họp các cấp chỉ huy Hội đồng Tỉnh để duyệt lại tình hình mỗi Tỉnh. Bấy giờ tôi có liên lạc với một số nhân vật chính trị, chúng tôi đều quyết định là chúng tôi muốn tổ chức và quay lại: Một tổ chức để giữ vững miền Nam Việt Nam. Thắng hay bại không quan hệ. Chúng tôi đã có kế hoạch di chuyển chính quyền xuống Cần Thơ, bỏ trống Sài Gòn cho Cộng sản, chúng tôi sẽ chiến đấu, cố giữ một chính quyền, như thế sẽ có tiếng nói hợp pháp với thế giới bên ngoài.
Kế hoạch này làm tôi thấy phấn khởi. Tôi phát biểu rằng: “Chúng ta sẽ gửi một thông điệp. Bất cứ ai muốn chiến đấu chống Cộng đều có thể xuống mạn Cần Thơ, chúng ta sẽ tổ chức tại đó một tiền tuyến để đánh Cộng sản và giữ cho chính quyền được an toàn”.
Một tuần lễ trước khi Sài Gòn hoàn toàn sụp đổ, tôi quay trở lại xem xét tình hình thì bạn tôi bảo: “Không được nữa rồi. Bọn Mỹ không chịu.”
Trong năm 1975, tôi đã từng có rất nhiều cơ hội để ra khỏi nước. Tôi có rất nhiều bạn bè từ Nha Trang vào, họ có tàu; nhưng vì tôi rất thất vọng với người Mỹ, tôi bảo: “Tôi sẽ ở lại”. Đấy là một lỗi lầm đeo đẳng suốt đời tôi. Lỗi lầm ấy gây ra cái chết cho người con trai lớn của tôi.
Bấy giờ chiến trận mỗi lúc một gần Vũng Tàu, nơi tôi đưa gia đình vào. Ở đấy hãy còn Thủy quân Lục chiến Việt Nam, họ vẫn tiếp tục chiến đấu. Vào hôm mất Vũng Tàu, tôi chứng kiến hai người lính Mỹ cùng với Thủy quân Lục chiến bị Việt cộng bắt. Tôi không rõ số phận họ ra sao.
Vợ con tôi và tôi họp lại cầu nguyện và cùng khóc. Toàn thể đất nước sụp đổ rồi. Cộng sản là bọn sát nhân. Một người bạn tôi rất kinh hoảng. Anh vào một Trung tâm tỵ nạn ở Vũng Tàu, mở buồng tắm khóa chặt cửa lại, suốt ngày ở bên trong. Anh sợ Cộng sản vì anh đã suýt bị Cộng sản chôn sống trong kỳ Tổng công kích Tết Mậu Thân ở Huế. Tôi đến gọi anh ra, mang cho anh ít đồ ăn. Cuối cùng anh ra, rồi chạy mất. Tôi không rõ sau đó anh ra sao.
Sáng 30 tháng Tư, có tiếng súng máy nổ bên khách sạn gần chỗ chúng tôi. Vẫn còn những trận đánh diễn ra, mặc dù nghe đài phát thanh chúng tôi được biết tại Saigon người ta đã trao quyền cho Cộng sản.
Tôi mong ông sẽ kể lại chuyện này cho công chúng Mỹ: Đó là vào buổi trưa ngày 30 tháng Tư, sau khi chính phủ đã chuyển giao quyền hành cho Cộng sản rồi, thì tại một địa điểm ở Thị xã Vũng Tàu vẫn còn một cuộc chiến đấu cho đến tận hai giờ ba mươi phút. Bởi những thiếu nhi. Những thiếu nhi theo học quân trường. Những thiếu nhi, những trẻ em con cái các tử sĩ đã hy sinh trên chiến địa. Các em vẫn tiếp tục chiến đấu sau khi tất cả những người khác đều đã đầu hàng! Các em thiếu nhi của trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu.
Rất nhiều em trong đó đã bị sát hại. Một ngày sau đấy tôi có gặp một em trong nhóm giữa lúc thị xã này náo loạn. Tôi không quen em, nhưng tôi nhận ra nhờ mái tóc cắt rất đặc biệt của các Thiếu sinh Quân. Tôi hỏi thăm: “Chuyện ra sao? Ở đấy các em vẫn còn tiếp tục đánh à?” Em nói: “Vâng, chúng tôi đã đánh với Cộng sản” Em rất hãnh diện đã chiến đấu chống Cộng.
Tôi hỏi thăm thì em kể lại rằng một ngày trước khi Việt cộng vào Thị xã, cố vấn Mỹ đã đến trường đưa Đại tá Chỉ huy trưởng lên trực thăng đi mất với ông ta. Do đó, người chỉ huy kế tiếp là một Đại úy đã tập họp tất cả Thiếu Sinh Quân lại mà bảo: “Được, bây giờ chúng ta sẽ đi đến một địa điểm”. Các Thiếu sinh quân đều đi với Đại úy, nhưng chẳng biết đi đâu. Đại úy không có chỉ thị chính thức nào của Đại tá nên cũng chẳng biết làm gì. Cuối cùng ông cho các em dừng lại, nói rằng ông muốn đưa các em ra khỏi Thị xã, nhưng cũng chẳng biết đi đâu. Vậy bây giờ tất cả phải giải tán mà đi đi. Nhưng các Thiếu sinh quân cũng chẳng biết đi đâu nữa. Có em ở Vũng Tàu. Có em ở Cần Thơ. Chẳng em nào có tiền bạc gì mà đi.
Vì thế các Thiếu sinh quân lớn nhất đã tập họp tất cả các Thiếu sinh quân khác trên đường phố, quyết định rằng những em lớn sẽ quay về lại trường, tổ chức phòng tuyến đánh Cộng sản. Còn các em nhỏ hãy chạy đi, biết đâu có thể may mắn kiếm được gia đình nào nuôi dưỡng các em. Thế rồi khoảng năm mươi em lớn nhất trong bọn, tuổi chừng mười hai mười ba, đã phá kho quân dụng của trường Thiếu Sinh Quân, lấy được một khẩu súng máy, tổ chức phòng tuyến, lập đồn chiến đấu khi Cộng sản đến. Và quả khi Cộng sản đến, các Thiếu sinh quân đã chiến đấu chống lại. Cộng sản không thể nào lọt vào trường. Khi kể lại chuyện này, các Thiếu sinh quân rất kiêu hãnh. Trưa hôm ấy, chính phủ đã trao quyền tại Saigon, nhưng các em Thiếu sinh quân vẫn tiếp tục cuộc chiến. Cho đến hai giờ ba mươi trưa, Cộng sản loan báo là nếu các em không ngừng đánh, chúng sẽ bắn rốc kết vào trường tiêu diệt hết.
Tôi hỏi thế khi Cộng sản vào được trong trường thì chuyện gì xảy ra. Các em bảo chúng tập họp các em trong sân rồi nói các em về nhà.
Phần tôi cùng gia đình cũng chẳng biết đi đâu. Cuối cùng chúng tôi quyết định lấy một chiếc xe vận tải đi Saigon. Trên đuờng đi Saigon, chúng tôi gặp tai nạn chết một người con lớn. Chiếc xe vận tải của chúng tôi bị sa vào hố do rốc kết cầy lên. Bánh trước bể. Đó là một cái xe tải, phần sau trống. Xe lật nhào. Con trai tôi tử nạn.
Tại Saigon bấy giờ tình hình đang hỗn loạn. Người nào cũng ngơ ngẩn, chẳng ai còn hiểu chuyện gì. Chẳng khác nào khi bị xúc động quá mạnh, người ta không còn cảm thấy gì và tin gì nữa.
Chúng tôi chôn cất đứa con đã mất, và cuộc chiến đã tàn.
NGUYỄN THỊ LẠC
(Thương gia)
“Chắc chúng tôi bỏ mạng nơi đây”
Tôi chào đời ở Đà Lạt, lớn lên ở Huế và Đà Nẵng. Tôi học trung học tại thành phố Đà Nẵng. Sau nhờ cha mẹ tôi giúp cho chút ít vốn liếng, tôi mở một gian hàng buôn bán nhỏ ở Nha Trang, một tiệm bán đồ kỷ niệm. Nhờ buôn bán khá, tôi mở thêm một tiệm nữa ở Saigon. Khách hàng đa số là người Mỹ.
Khi Mỹ rút khỏi Việt Nam năm 1973, nhiều người Mỹ đã bảo tôi rằng Nam Việt Nam chẳng thể nào sống sót nổi. Họ nói công chúng Mỹ đã chán ngán chuyện Việt Nam lắm rồi. Không có Mỹ trợ giúp, Việt Nam tất sẽ bị đánh bại thôi. Tại Nha Trang và Saigon bấy giờ cũng có nhiều dư luận cho rằng trong khi Mỹ và Cộng sản thương thảo tại Ba Lê, hai bên đã có những thoả thuận ngầm. Dư luận bảo Mỹ sẽ rút, Cộng sản sẽ chiếm cả miền Nam, chẳng ai sẽ chặn chúng lại được nữa. Dư luận bảo chỉ trong vài tháng miền Nam sẽ bị chiếm. Những dư luận ấy được chứng tỏ là đúng.
Ngay sau khi Hiệp định Ba Lê ký kết, tôi về thăm cha mẹ tôi và nói rằng: “Quốc gia sẽ thua. Mỹ đã bán đất nước này cho Cộng sản rồi. Bây giờ người mình chẳng còn cơ may nào. Việt Nam sẽ chẳng còn nữa đâu”. Tôi nói với cha mẹ tôi nếu không muốn sống dưới chế độ Cộng sản thì tốt hơn hết phải tìm cách ra khỏi nước. Đầu năm 1975, tôi cũng có nghe những chuyện về ong và sâu rầy. Nhưng không phải ai cũng tin những chuyện ấy. Dân quê có khuynh hướng tin mấy chuyện này hơn là dân thành thị. Ớ thành phố, chúng tôi thường không tin dị đoan như thế.
Khi người tỵ nạn từ cao nguyên đổ xuống và từ phía Bắc chạy vào, tình hình Nha Trang hết sức tệ hại. Lính tráng mất kiểm soát. Họ thẳng tay giết người không lý do. Họ dùng súng cướp bóc dân lành. Hãm hiếp các em gái. Họ làm mọi người kinh sợ, không ai ngăn chặn họ được.
Tôi muốn cha mẹ tôi rời Nha Trang vào Saigon, nhưng cha mẹ tôi không chịu. Nha Trang là quê cha mẹ tôi. Tôi cũng muốn đứa em gái tôi ở Đà Lạt vào Saigon cho an toàn, nhưng em tôi không muốn rời xa người bạn trai ở Đà Lạt. Em tôi bây giờ vẫn còn ở đấy.
Nha Trang rơi vào tay Cộng Sản. Người tỵ nạn chạy túa vào Saigon. Tôi biết chúng tôi đã lâm tình thế ngặt nghèo. Những người tỵ nạn vào bảo Cộng sản sẽ giết những ai làm ăn buôn bán với Mỹ. Họ nói Cộng sản có sẵn một danh sách những người chúng muốn xử tử. Vì tôi buôn bán với Mỹ, tôi đâm lo. Tôi nghĩ có thể tôi đã có tên trong danh sách ấy. Nếu chúng vào đến Saigon, chắc chúng giết. Tôi phải đi thôi.
Tôi cố xoay sở, bán tiệm. Nhưng không ai mua. Tiền nong vốn liếng đều kẹt cả trong cửa tiệm và căn nhà. Nhưng ngay đến lúc ấy, nhiều người ở Saigon vẫn không tin Cộng sản sẽ vào thành phố. Người ta bảo “Chuyện này sẽ qua, Cộng sản sẽ thua, nếu ngặt nghèo quá, Mỹ lại nhảy vào”. Nhưng cũng có người bảo: “Điên vừa thôi, Cộng sản đang thắng, ta thua đến nơi rồi”. Những người này đều tìm mọi cách ra khỏi nước.
Tuy nhiên, muốn ra khỏi nước cũng chẳng phải dễ. Người Mỹ, người ngoại quốc còn có thể đưa gia đình đi, người Việt làm sao? Ít nhất cũng phải có bạn Mỹ. Có người bảo trợ. Phải kiếm ra một người như thế…. Nên khi đến Tòa Đại sứ Mỹ thăm hỏi thủ tục xin đi, người ta chỉ trả lời tôi gọn lỏn: “Chẳng cách gì!”
Nhưng tôi vẫn cố chạy. Tôi thăm hỏi đầu này đầu nọ. Nghe nói có một người Mỹ dân sự làm ở Tòa Đại sứ, người này có vợ Việt, họ có đường dây đưa người đi. Nhưng cũng nghe nói họ đòi giá rất cao. Tiền nong chẳng có nhiều, nhưng tôi thầm nghĩ: Tại sao không thử. Biết đâu họ đưa đi được?
Thế rồi một bà Việt Nam làm việc với người Mỹ ấy cùng đi với vợ ông ta đến gặp tôi. Bà ta bảo có bao nhiêu tiền nong thì phải đưa hết mới đi được. Tôi nói tôi không có nhiều lắm đâu. Bà ta bảo cô phải biết những nhân vật cao cấp trong quân đội đã trả đến ba chục ngàn đô để ra đi. Có tiền mới đi được. Không tiền, đừng hòng đi nổi.
Tôi chạy vạy được một số tiền để thu xếp đến gặp người Mỹ nọ. Tôi nhờ một người bạn lái xe đến điểm hẹn, nơi người Mỹ đặt đường dây đưa người đi. Đó là một cao ốc ở đường Hai Bà Trưng. Tôi bước vào, đi thẳng lên lầu bốn, ngoài cửa chẳng có bảng đề cơ quan gì, nhưng chung quanh có lính Mỹ mặc đồng phục đứng canh. Khi lên lầu bốn, đã thấy rất đông người có mặt. Tôi chờ trong hành lang cùng với những người khác. Đợi rất lâu. Trong cái phòng trên căn lầu bốn ấy có một người đàn bà đang phỏng vấn từng người. Đợi mãi, cuối cùng mới đến lượt họ gọi tôi vào.
Trong phòng có một người đàn bà và một người đàn ông. Họ hỏi: “Bao nhiêu tất cả?” Tôi đưa hết ra. Tất cả nữ trang, tiền nong tôi có. Họ bảo: “Bấy nhiêu sao đủ?” Tôi hỏi: “Vậy ông bà đòi bao nhiêu?” “Mười ngàn đô. Không đủ cứ việc ở lại. Cộng sản nó chiếm đến đây phiền phức rán chịu. Biết đâu Cộng sản chẳng sơi luôn cái mạng của cô!” Tôi bảo tôi đâu còn có tiền nong gì nữa. Tôi khẩn khoản xin họ cho tôi đi. Họ bảo ra ngoài hành lang ngồi đợi.
Thế rồi họ cũng cho tôi đi. Họ bảo cứ chờ trong hành lang với những người khác. Lát sau họ đưa chúng tôi xuống dưới phòng khách. Đợi một lúc nữa, có xe đến đón. Một người Mỹ lái nhưng hắn không mở miệng nói câu nào. Họ bảo vào xe. Bấy giờ tôi chỉ mang theo có mỗi cái va ly, nhưng vội vã chạy vào xe, đã bỏ quên cái va li tại phòng khách. Vậy là tôi hoàn toàn trần trụi. Chẳng còn gì ngoài hai mảnh quần áo che thân.
Người Mỹ lái xe đưa chúng tôi đến một cao ốc khác, cũng ở trên đường Hai Bà Trưng. Họ đưa chúng tôi vào, dắt lên từng hai, đến một căn phòng trống. Họ bảo chúng tôi im lặng đợi.
Suốt đêm, chúng tôi ở trong căn phòng, lăn ra sàn mà ngủ. Ai cũng bồn chồn, lo lắng. Chẳng ai nói với ai một câu. Họ cảnh cáo không cho chúng tôi nói chuyện. Không ai biết chắc mình đang ở đâu, rồi đến nơi nào. Cho đến sáng, chúng tôi mới dám mở miệng nói với nhau, đùa bỡn chút đỉnh. Đã mười hai tiếng đồng hồ không hề có miếng cơm, miếng nước, ai nấy đói lả.
Cuối cùng, một người đàn ông đề nghị để anh ra ngoài kiếm ít đồ ăn cho mọi người. “Tui đi kiếm ít ổ bánh mì với vài ly cà phê cho bà con”. Anh ta nói. Tôi bảo: “Ông ơi đừng đi. Không chừng quay lại chẳng kịp đâu”. Những người khác cũng bảo: “Đừng đi”. Anh ta bảo: “Tại sao lại đừng đi? Tui biết người Mỹ chớ. Họ tốt lắm đó. Tui đi vài phút thôi, họ sẽ đợi mà”.
Thế là anh ta đi kiếm bánh mì, cà phê. Một người đàn ông hiền lành, tốt bụng. Anh đi mua đồ ăn thức uống cho tất cả mọi người. “Một bữa ăn cuối cùng ở Việt Nam”, anh ấy nói. Vài phút sau khi anh ta đi, mấy người Mỹ đến. Họ bảo chúng tôi tới giờ rồi. Chúng tôi bảo làm ơn chờ cho một người nữa. Họ bảo không được. Thế là chúng tôi phải đi. Khi người đàn ông trở lại, chúng tôi đã đi cả.
Mấy người Mỹ bảo bây giờ họ sẽ lái xe đưa chúng tôi đến phi trường. Chúng tôi dùng thang máy xuống hầm đậu xe. Cửa thang máy mở, chúng tôi thấy để sẵn một cái xe thùng bít bùng. Không cửa sổ. Hệt cái xe chở bánh. Chúng tôi vào cả trong xe. Họ lái chúng tôi lên Tân Sơn Nhất. Bấy giờ mọi người mới bắt đầu cảm thấy âm thầm buồn bã về chuyện rời bỏ quê hương đất nước ra đi. Vài người gạt nước mắt.
Chúng tôi đến phi trường gần trưa. Ra khỏi xe, họ chỉ dẫn cho chúng tôi đến một khu doanh trại lớn. Trong những căn trại này chúng tôi thấy đã có nhiều người chờ. Họ chờ đợi trong những căn trại khác nhau. Mỗi khi có một chuyến bay tới bốc người đi xong, tất cả những người ở căn trại dưới được chuyển lên căn trại kế. Khi chúng tôi đến, họ cho chúng tôi vào một căn ở xa chỗ máy bay nhất.
Tôi bước ra ngoài. Bên ngoài căn trại tôi chợt thấy một người Mỹ. Ông ta là một người bạn quen biết, tên là ông Albertson thì phải. Ông ấy mừng rỡ trông thấy tôi. Ông ta hỏi: “Cô làm gì ở đây”. Tôi bảo: “Tôi sắp đi khỏi nước, tôi đang chờ máy bay cùng với nhiều người ở căn trại kia”. Ông ta bảo: “Những người ấy sẽ không bao giờ đi được đâu. Đã trễ lắm rồi”. Nghe thế tôi choáng váng. Tôi bảo ông Albertson tôi sợ lắm, tôi sợ Cộng sản giết. Rồi tôi bắt đầu khóc. Ông ta nói: “Đừng lo, tôi sẽ giúp cô đi”. Ông ta dắt tôi lên căn trại đầu tiên, ở trên cùng. Ông chỉ cho tôi một chiếc máy bay lớn, một chiếc C-130, bảo đó là chiếc máy bay kế tiếp sắp cất cánh, cô sẽ được đi chuyến này. Tôi bước vào trong căn trại, cùng chờ với những người ở bên trong.
Vài phút sau, chiếc xe buýt đến. Người tài xế bảo chúng tôi lên đi chuyến bay kế. Chúng tôi lục tục vào xe. Tài xế chở chúng tôi chạy ra phi đạo. Rồi ông ta ngừng lại. Chúng tôi cứ thế ngồi chờ rất lâu. Thế rồi trong khi ngồi chờ, trên phi đạo, chợt vài chiếc phi cơ bay đến. Mấy chiếc máy bay này bay rất thấp. Họ dội bom lên phi đạo.
Lúc ấy xế trưa, trời nóng bức, đột nhiên bom nổ khắp chung quanh. Người tài xế thét lên. Ông ta kêu chúng tôi nhảy khỏi xe, nằm trên mặt đất. Khắp nơi rối loạn, súng ống, tiếng nổ rầm trời. Hỏa tiễn bắt đầu đánh vào những cao ốc chung quanh. Lính Thủy quân Lục chiến bên ngoài xe buýt bảo mọi người nằm dán chặt trên mặt đất. Đừng nhúc nhích. Chúng tôi nghe bom xé nổ, tiếng hỏa tiễn rít ầm đánh xuống. Chúng tôi nghe đủ thứ âm thanh trong không gian. Trong phút giây nằm đây tôi chợt nghĩ chắc chúng tôi sẽ bỏ mạng. Mặt đất rung chuyển. Người kêu khóc. Có người thì thầm nói chuyện. Tôi nghe họ bảo Cộng sản đã chiếm Biên Hòa, bây giờ chúng không còn cho ai ra khỏi nước. Họ nói với nhau là Cộng sản đã tiến tới phi trường, giờ này lên máy bay mà chúng thấy ắt vong mạng thôi.
Nhưng rồi bom và hoả tiễn ngừng. Một Thủy quân Lục chiến Mỹ cất tiếng bảo: “Đừng lo, đây chỉ là phản ứng cuối cùng của Nam Việt Nam. Chính quyền Minh chơi đấy thôi!” Tôi chẳng hiểu anh ta nói gì. Chẳng còn ai hiểu gì. Anh ta muốn bảo vụ tấn công phi trường này là do chính phủ chúng tôi, nhưng chúng tôi đều biết không đúng thế. Có lẽ anh ta chỉ muốn làm chúng tôi bớt sợ. Có lẽ anh ta muốn lừa chúng tôi. Lẽ nào chúng tôi tin chuyện chính phủ chúng tôi lại muốn sát hại chúng tôi.
Chúng tôi vẫn nằm ép trên mặt đường như thế dăm phút nữa. Lính Thủy quân Lục chiến chợt bảo: “Vào lại xe buýt ngay. Nhanh, đừng mang hành lý. Đi!” Họ lái chúng tôi đến góc sân bay nơi chiếc C-130 đang đợi. Cửa sau máy bay đã hạ sẵn xuống. Cửa xe buýt mở ra. Lập tức người ta thét lên, bảo: “Mau! Mau! Năm giây đồng hồ thôi! Mau! Mau! Chỉ còn năm giây đồng hồ thôi!” Thế là mọi người đẩy nhau ùa ra cửa, nháo nhào chạy vội đến máy bay. Nhiều người hãy còn ôm mấy cái túi xách, lập tức họ vừa chạy vừa quăng đi. Vào lúc đang chạy ra máy bay, tôi nhìn xuống thấy có một cái khăn lông do ai bỏ rớt trên mặt đất. Người ta đạp lên, có người vấp. Có người đá phải mà chạy. Trong khoảnh khắc tôi chợt thấy đống khăn lông động đậy. Tôi ngừng lại một giây, bảo người đàn bà chạy qua tôi: “Có gì trong cái khăn lông!” Người đàn bà tiếp tục lên máy bay, không lưu ý gì cả. Tôi bèn túm lấy đống khăn lông, cảm thấy trong đống khăn rõ rệt có một vật lạ. Vừa chạy, tôi vừa trụt chiếc khăn ló ra cái đầu một đứa trẻ sơ sinh. Đứa bé không động đậy. Tay tôi chạm vào chân đứa bé. Bàn chân không động. Tôi thầm nhủ: “Trời ơi, tôi vừa lượm được một đứa bé đã chết. Làm thế nào bây giờ?”.
Tôi chạy vào máy bay. Cánh cửa bắt đầu đóng. Chúng tôi chen chúc nhau. Bên ngoài phi đạo vẫn còn người chạy đến, nhưng không kịp. Cánh cửa vừa đóng lại, máy bay bắt đầu chuyển ngay ra phi đạo.
Bên trong chúng tôi đều đứng, không cựa quậy. Tôi ôm đứa bé mà tôi nghĩ là nó đã chết fôi. Tôi ôm sát đứa bé, thử nghe tim đập, nhưng chính lồng ngực tôi dồn dập và tiếng động cơ ầm ĩ đã át đi, không nghe gì nữa. Tôi tựa vách máy bay, cố chống vào vách để đừng đè lên đứa bé, đừng để đứa bé ép lên tôi. Mỗi lần nhúc nhích, tôi lại đạp phải người khác. Tôi tự nhủ: “Sao có thể đến nước này hở Trời, khi không ôm lấy cái khăn lông làm gì? Lúc máy bay hạ cánh mà vẫn ôm đứa bé chết queo thì thực rắc rối. Chẳng biết chừng người ta gửi mình về lại Việt Nam…” Nghĩ thế đâm sợ nên tôi lại khóc.
Tôi bắt đầu suy nghĩ: Biết đâu có một trái hỏa tiễn giờ này bắn đến trúng máy bay thì chúng tôi chết hết. Như những người trên chuyến C- 5A. Và tôi tự hỏi vẩn vơ: Nếu bây giờ chết, chẳng hiểu mình lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục? Tôi có gì lầm lỗi trong cuộc đời? Sau một lúc tôi lại nghĩ: Không, nếu chết bây giờ mình sẽ lên thiên đàng. Tôi có làm gì xấu xa đâu? Thượng đế vẫn biết tôi là một người lương thiện. Nếu phải chết thì cũng lên thiên đàng. Thôi… Đừng khóc nữa. Tôi tự bảo và im tiếng. Nhưng lúc máy bay cất cánh, tôi vẫn miên man nghĩ về bức ảnh thiên đàng hoả ngục. Những bức ảnh tôi nhìn thấy từ khi còn là một con bé con. Người ta đã cho chúng tôi xem bức ảnh hoả ngục với cảnh nướng người trên lửa. Bức ảnh những con người gào khóc, lửa cháy bốn bề vây bủa. Bức ảnh những con người khiếp đảm trong một màu đỏ rực. Và tôi nghĩ: “Cảnh ấy nào có khác gì cảnh Tân Sơn Nhất chỉ mới vừa cách đây vài phút”. Tôi biết tôi không muốn chui vào hoả ngục. Tôi không muốn quay về lại Tân Sơn Nhất. Rồi tôi tiếp tục miên man nghĩ đến thiên đàng. Những bức ảnh đã nhìn thấy trong một màu trắng với những thiên thần trắng toát. Những thiên thần hiền hậu nở nụ cười xinh xắn thương yêu. Tôi tự nhủ: ừ, nếu cái máy bay này trúng phải một quả đạn thì đó chính là nơi mình sẽ bay đến ngay khoảnh khắc. Trong cái suy tưởng miên man ấy, tôi đã cất bước đi qua hỏa ngục, Thượng Đế đã mở cửa cho tôi. Giờ đây Thượng đế đang dắt tay tôi lên ngưỡng cửa thiên đàng. Chẳng có gì mà sợ.
Phải mất mấy tiếng đồng hồ chúng tôi mới đến được phi trường Clark ở Phi Luật Tân. Tôi bực bội, đôi chân tê dại vì đã không nhúc nhích được. Tôi cảm thấy bánh xe buông xuống, cảm thấy chúng tôi ở trên mặt đất. Rồi chiếc máy bay dừng hẳn.
Khi cửa sau chiếc máy bay bật mở, chúng tôi ngóng nhìn ra. Một vùng ánh sáng trắng toát, rất sáng, bỗng hiện ra. Những người đàn bà mặc quần áo trắng đang chờ chúng tôi. Họ mỉm cười. Đã đến được Thiên đường rồi. Tôi mê man suy nghĩ. Một cái chết thực dịu dàng. Nào có khó gì. Thế là giải thoát. Tôi đã bước vào ngưỡng cửa thiên đàng. Tôi biết Thượng Đế đã thương tôi bởi vì các thiên thần của Ngài đã đến.
Các thiên thần bảo chúng tôi: Ra khỏi máy bay. Tôi trông thấy các thiên thần đều mang chữ thập đỏ trên tay áo. Những thiên thần này đều là những cô y tá của Hội Hồng Thập Tự. Tôi vẫn sống. Tôi không ở thiên đàng, mà đã đặt chân lên đất Phi Luật Tân.
Một cô y tá chận tôi lại, hỏi có đau đớn gì không? Cô ấy nhìn thấy bên mình tôi ướt đẫm. Cô ấy lại hỏi tôi ẵm gì trong cái khăn lông. Tôi kinh hoảng chìa đống khăn cho cô. Cô ấy nhìn vào, rồi bảo hãy đi theo cô. Cô ta dẫn tôi đến phía ông Bác sĩ.
Họ đặt mớ khăn lông lên bàn. Mở chiếc khăn. Bên trong là một trẻ sơ sinh. Một chú bé trai.
Chú bé nhoẻn cười, đạp đôi chân khi họ tháo chiếc khăn. Chú bé mới sinh chưa đầy một ngày. Mọi người đứng quanh bàn nhìn tôi cười. Tôi cũng cười. Rồi tôi lại bắt đầu khóc. Tôi sung sướng quá.
Ông Bác sĩ khám chú bé rồi bảo: “Chả sao”. Tôi bảo: “Thực thế ư? Không có lẽ nào. Người ta đã đạp cả lên thằng bé, đã đá lên thằng bé. Xin Bác sĩ khám lại xem?” Ông Bác sĩ khám lại lần nữa. Ông bảo:
“Đúng vậy. Chả sao, chú bé khoẻ như voi”.
Họ bảo chú bé đói lắm, phải cho chú bú chút chớ. Họ hỏi tôi muốn cho chú bé bú bây giờ không? Tôi dãy nảy: “Bú cái gì?! Lấy đâu ra sữa mà cho nó bú? Ô hay, tôi có phải là mẹ thằng bé đâu?”.
Những người khác cùng đi máy bay đứng vây quanh. Bây giờ ai nấy đều tử tế. Họ bảo nhau: “Tránh rộng chỗ cho bà má và chú bé thoáng chút nào”. Trước đây không lâu, chính họ là những người đã dẫm lên đứa bé mà chạy.
Các cô y tá bắt đầu đi kiếm xem ai là mẹ chú nhỏ. Họ tìm ra được một cô gái trẻ, dưới hai mươi. Xanh xao ốm yếu… Đôi môi nhợt nhạt. Họ vặn hỏi một lúc, rồi đưa cô ấy lại phía tôi. Cô ta nhìn tôi nhỏ nhẹ hỏi “Chị đã cứu con tôi phải không?” Tôi nói: “Vâng”. Cô ấy bảo cô ấy đã sinh đứa bé ngay trong phi trường ngày hôm trước, cô sợ người ta không cho đem đứa bé mới sinh vào máy bay, nên đành để con trên phi đạo, hy vọng người nào có từ tâm nhặt lấy đem về. Cô ta bật khóc nói rằng lúc ở Tân Sơn Nhất cô đã hoảng sợ quá. Chẳng biết đã làm gì. Cô ấy không chồng. Cô đi một mình và quá sợ. Bây giờ cô lại sợ người ta không trả đứa bé. Cô sợ tôi muốn giữ lấy đứa bé.
Tôi ôm chú nhỏ lên, trao vào tay cô mà nói: “Cho con bú đi nào”.
Tại Phi Luật Tân lòng tôi tràn ngập yêu thương. Tôi nghĩ Trời vẫn thương xót dân Việt. Tôi nghĩ biết đâu Thượng đế đã nâng ẵm chúng tôi như tôi đã nâng ẵm lấy chú bé… Tôi bỗng nhìn thấy kỳ diệu biết bao là cuộc sống. Và kỳ diệu biết bao khi được sống còn.
Tôi lại miên man chìm vào những ý nghĩ riêng tư. Tôi nghĩ biết đâu chính đứa bé sơ sinh quấn trong chiếc khăn lông chẳng là một thử thách. Biết đâu chính vì tôi ẵm đứa bé mang theo mà Thượng Đế đã cho chiếc máy bay an toàn đến đất Phi. Biết đâu nếu tôi bỏ chú bé lại, một trái đạn đã nhắm trúng máy bay mà kết liễu tất cả. Tôi đã cúi nhặt đứa nhỏ, đã ẵm nó lên mà Thượng Đế cứu rỗi chúng tôi. Tôi cho rằng đấy chính là sự thực.
Vâng, tất cả mọi sự rồi cũng trở lại yên lành. Và cuộc sống vẫn là cuộc sống đẹp tươi.
TRẦN MINH LỢI
(Luật sư)
“Chúng không cục cựa nổi nên chúng không bắn chúng tôi được”
Tháng Tư năm 1975, tôi đang hành nghề Luật sư ở Saigon. Bấy giờ tôi mới hai mươi lăm tuổi. Tôi nghĩ nếu Cộng sản chiếm được miền Nam thì tôi không thể nào sống dưới chế độ này nổi. Tôi không sợ bị Cộng sản giết nhưng tôi yêu tự do, tôi biết Cộng sản sẽ tước đoạt tự do của tất cả chúng tôi. Ngay khi Cộng sản mới chiếm được một vài phần đất, dân đã tháo chạy vì không thể sống với chúng. Dân Đà Nẵng, Nha Trang đều đã chạy vào Saigon tìm tự do. Bấy giờ có hàng ngàn người chạy về thành phố Saigon mỗi ngày.
Từ hai mươi tư cho đến hai mươi chín tháng Tư, tôi đã cố sức kiếm đường xuất ngoại, nhưng không xong. Phải có tiền mới đi nổi, mà tiền nong tôi lại chẳng có bao nhiêu. Ngày 30 tháng Tư, tôi với một người bạn xuống bờ sông Saigon. Chúng tôi nghe nói ở đấy có mấy chiếc tàu lớn sắp đi, hy vọng có thể kiếm được chỗ.
Lúc ấy một đám đông đang vây quanh Cảng. Có một tàu sắp nhổ neo. Chiếc tàu này trước bị hỏng máy. Nhưng đến 30 tháng Tư, họ sửa được một trong hai dàn máy. Thế là họ chất người lên tàu mà chạy.
Tàu chúng tôi đi rất chậm. Vì chỉ có một máy. Lúc ấy lại là lúc cần phải gấp rút, vì trước khi nhổ neo, chúng tôi nghe tin Tổng thống Minh đã đầu hàng Cộng sản.
Khi qua sông Saigon, cái đáng sợ nhất là hoả lực trên bờ sông. Tàu không treo cờ vì lẽ chúng tôi biết nguy hiểm, chúng tôi không sợ máy bay bằng sợ xe tăng trên bờ. Ngang khách sạn Majestic, chúng tôi thấy một chiếc xe tăng Nga T-54 được đưa đến, hướng mặt ra sông. Đám lính thiết giáp Cộng sản nhìn chúng tôi. Nhưng bấy giờ dân chúng đang bao quanh chiếc xe tăng để chào mừng, nhiều người trèo lên xe tăng đứng phất cờ. Chính vì dân chúng bao quanh, bọn thiết giáp Cộng sản không cục cựa nổi, chúng không bắn chúng tôi được. Chúng chỉ nhìn. Nếu chúng bắn thì chúng tôi bỏ mạng cả.
Khi chạy đến gần Vũng Tàu, phần lớn mọi người kéo nhau xuống núp dưới boong để con tàu đừng có vẻ khả nghi. Chúng tôi sợ nếu lính Cộng sản thấy tàu chất đầy người, chúng có thể bắn. Cho nên chỉ còn một ít người đứng lại trên boong, họ được nhìn thấy hình ảnh Việt Nam lần cuối. Hình ảnh bãi biển Vũng Tàu.
Sau chúng tôi, không còn một con tàu nào nữa. Tàu chúng tôi ra đi là chuyến cuối cùng.
Ra đến ngoài khơi Nam Hải, chúng tôi gặp một chiếc tàu Hải quân Hoa Kỳ. Chúng tôi đánh tín hiệu cấp cứu SOS, họ cập đến, cho người lên tàu chúng tôi. Họ cố sửa hộ dàn máy đã hỏng, nhưng không xong. Họ bảo tàu chúng tôi chỉ còn một máy, không thể nào đi xa. Vì vậy, họ cho chúng tôi lên chiếc tàu Hải Quân Hoa Kỳ.
Khi tất cả chúng tôi đã lên xong, chiếc tàu Hải quân Hoa Kỳ bắt đầu nổ đại bác bắn chiếc tàu chúng tôi. Họ bắn hụt vài lần. Cuối cùng, con tàu trúng đạn, bốc lửa. Hình ảnh sau chót chúng tôi nhìn thấy là con tàu bắt cháy, từ từ trôi dạt lại phiá Việt Nam.
Tất cả chúng tôi đều cảm thấy đau buồn vì chuyện mất nước. Chúng tôi cảm thấy chính người Mỹ đã để cho Cộng sản thắng. Tất cả những gì chúng tôi cần để tiếp tục cuộc chiến chỉ là viện trợ Mỹ. Chúng tôi đã cạn tiếp liệu. Chúng tôi không hiểu tại sao Hoa Kỳ bỏ rơi chúng tôi.
Nhiều người ở miền Nam Việt Nam trước kia không hiểu Cộng sản là gì. Nghe Cộng sản tuyên truyền, nhiều người đã cả tin vào chúng. Nhưng giờ đây Cộng sản chiếm được đất nước, người ta mới hiểu sự thật về Cộng sản. Họ sẽ chiến đấu chống Cộng Sản. Ngay đến bây giờ vẫn còn nhiều người ở Việt Nam chiến đấu chống Cộng.
NGUYỄN NGỌC BÍCH
(Quyền Viện Trưởng Đại Học Cửu Long)
“Khủng khiếp hơn địa ngục”
Bấy giờ tôi là quyền Viện Trưởng Đại học Cửu Long, Sài Gòn. Viện Đại học này mới được ba tuổi, có khoảng sáu trăm sinh viên.
Mọi người bấy giờ đều tin tưởng vào sự hỗ trợ của Mỹ đối với việt Nam. Người ta tin sự hiện diện của Mỹ là một sự hiện diện bền bỉ lâu dài. Không ai có thể nghĩ đến việc một ngày kia người Mỹ rũ áo ra đi.
Câu chuyện của tôi có chút đỉnh đóng góp ở đây bởi vì tôi là người đã ở trong những phái đoàn cuối cùng đến Hoa Kỳ. Chỉ có hai chúng tôi lúc ấy là Gregory Hưng và tôi biết tình thế đã đến hồi tuyệt vọng. Bấy giờ 19 tháng Tư, lúc chung cuộc, chúng tôi là phái đoàn cuối cùng đến Hoa Kỳ. Chúng tôi biết miền Nam đang ở trong tình trạng bất thuận lợi với Quốc hội Mỹ, họ sẽ không chấp nhận cấp ngân khoản viện trợ cho chúng tôi. Nhưng chúng tôi cảm thấy vẫn còn trong tay một vài lá bài then chốt. Một trong những lá bài đó, là lời hứa từ lâu của Lý Quang Diệu ở Tân Gia Ba. Ông Lý chủ trương phương thức duy nhất để đánh bại Cộng sản chính là cải tiến an sinh xã hội. Ông từng hứa giúp chúng tôi ngân khoản nửa tỷ Mỹ kim để thực hiện một chương trình gia cư.
Tổng thống Thiệu bèn gửi Hoàng Đức Nhã đi Tân Gia Ba thăm dò xem họ Lý có ứng cho chúng tôi vay số tiền đó để mua vũ khí và mua xăng, thay vì sử dụng vào mục tiêu gia cư không. Ông Nhã đã đi Tân Gia Ba. Còn ông Hưng và tôi đến Hoa Kỳ cố gắng tìm cách thuyết phục Quốc Hội Mỹ giữ im lặng, đừng công khai hóa việc họ không giúp chúng tôi. Công khai hóa việc ấy sẽ có tác dụng sút giảm tinh thần.
Chúng tôi nói chúng tôi vui lòng đặt cọc số dầu lửa mới phát hiện ở Việt Nam để bảo đảm số tiền vay mà Saudi Arabia đã hứa với chúng tôi trong một vài hình thức – số tiền khoảng nửa tỷ đến một tỷ Mỹ kim. Cùng một số tiền mà họ dạm đưa cho chúng tôi, chỉ có thể mua được nửa số nhiên liệu xăng nhớt mà Bộ binh và Không quân của chúng tôi cần.
Chúng tôi nghĩ nếu đạt được số tiền từ Tân Gia Ba và Saudi Arabia, và nếu thuyết phục được Quốc Hội Mỹ im hơi lặng tiếng về chuyện Việt Nam, chúng tôi hy vọng có thể lấy lại thế quân bình.
Chúng tôi rời Việt Nam ngày 19 tháng Tư. Nhưng ngay lúc đặt chân đến Hoa Thịnh Đốn, vừa gặp Đại sứ Trần Kim Phượng, thông điệp đầu tiên chúng tôi nhận được là chẳng còn phương cách gì có thể thay đối tình hình được nữa.
Chuyện ấy thực bi thảm. Gặp Đại sứ Phượng ở phi trường Dulles, ông cho biết ngay tình hình tuyệt vọng rồi. Chúng tôi không muốn tin thế, chúng tôi bảo ông lầm. Cả ba to tiếng la thét nhau, rồi cùng bật khóc. Sau đó, gặp một số người khác, họ cũng bảo chúng tôi tình hình đã tuyệt vọng.
Ông Thiệu từ chức, chuyến đi trở nên vô nghiã vì mục đích của chúng tôi tới Hoa Kỳ chính là để thương lượng. Gregory Hưng quyết định ở lại Hoa Kỳ.
Phần tôi quay về Việt Nam bằng chuyến bay dân sự chót đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Chuyến bay này hạ cánh lúc 8 giờ rưỡi ngày 26 tháng Tư. Tôi nghĩ sứ mạng của tôi là thất bại.
Hành khách trên chuyến bay đi từ Los Angeles đều là người Tàu Hồng Kông. Tôi tự hỏi chẳng rõ họ làm gì. Tôi nghĩ hoặc giả họ đến để đầu cơ trên sự sụp đổ này, hoặc đến để tìm cách đưa thân nhân đi. Chỉ có ba người trên chuyến bay không phải là người Tàu. Đó là một người Mỹ đến đón vợ con gia đình, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng và tôi.
Việc đầu tiên tôi nghĩ đến là phải ra ngay khỏi nước. Tôi đã có thông hành. Gần phi trường lúc ấy đã có nhiều vụ bắn phá. Cho nên sau khi làm phúc trình cho chính phủ xong, hôm sau chúng tôi trù tính ngay việc rời Việt Nam.
Cuối cùng chúng tôi đi được tại bến tàu lúc nửa đêm hai mươi chín. Ra khỏi Vũng Tàu, cuối cùng chúng tôi đã được tàu American Challenger vớt. Thực khủng khiếp hơn địa ngục. Khả năng tiếp thu của tàu là 1,080 người, nhưng họ đã vớt đến 7,500 người. Họ định đưa chúng tôi đi Subic Bay, nhưng rồi họ lại vớt thêm người nữa ngoài khơi Vũng Tàu. Vì quá đông, họ thu xếp đưa thẳng chúng tôi sang đảo Wake.
Đêm 30 tháng Tư khi họ vớt người, thực là một cảnh tượng kỳ lạ. Các con thuyền thắp đèn cặp đến, người ta leo lên tàu. Khi mọi người ra khỏi thuyền, người ta châm lửa đốt, rồi đẩy các con thuyền Việt Nam ra xa. Khắp mặt biển đầy những ngọn lửa kỳ quái bốc cháy trên các con thuyền trôi nổi vật vờ. Đêm hôm ấy giống như cả vùng biển Nam bốc cháy.
Lúc người ta leo lên tàu, tiếng khóc, tiếng kêu la thảm thiết. Một linh mục công giáo cố vác chiếc xe máy Honda lên tàu, nhưng người ta từ chối. Một chiếc thuyền khác đến, có ông Nha sĩ đòi đưa lên cả dàn ghế chữa răng. Ông ta nài nỉ: “’Đây là phương tiện sinh nhai duy nhất của tôi”, nhưng người ta không để cho ông ta đưa lên.
Đêm hôm ấy khắp biển Nam bừng cháy, chúng tôi đứng trên tàu mà nhìn ngọn lửa thiêu rụi bốc lên.
HUỆ THU
(Dạy học)
“Ông ấy là Tướng, ông ấy ở lại…”
Năm 1975 tôi sống ở Saigon, dạy Anh văn. Có một số học trò đến học tại nhà. Rất nhiều người đã đến tận nhà học tiếng Anh, tiếng Pháp.
Tôi không phải là con người chính trị nên tôi rất ngạc nhiên trước các biến cố 1975. Ngày 25 tháng Tư, có một người bạn Mỹ tên Jim Bradley bảo tôi phải ra khỏi Saigon cho nhanh, chúng tôi sắp thua đến nơi. Nhưng tôi không tin.
Đến khi chứng kiến việc người ta bắt đầu di tản cô nhi và trẻ con, tôi vẫn muốn ở lại. Cách suy nghĩ của tôi bấy giờ là: Dẫu Cộng sản có đến chăng nữa, chúng tôi vẫn còn nhà cửa và ít tiền bạc trong gia đình. Cha mẹ tôi đã mất, nhưng tôi còn có cái khách sạn với một tiệm ăn ở Đà Lạt, hai căn nhà ở Saigon. Tôi nghĩ mình có khá nhiều tiền trong ngân hàng, nhưng tiền mặt thì không. Làm sao đi với hai bàn tay trắng? Cho nên cứ ở lại đợi xem.
Tôi sẽ cố thu xếp ít tiền, rồi có lẽ dăm ba tháng sau khi họ vào, nếu không thích thì đi.
Rồi tôi nhớ đã nghe tướng Kỳ tuyên bố trên Đài phát thanh. Ông ấy bảo: “Tôi sẽ ở lại chiến đấu cho đến giọt máu cuối cùng”. Tôi nói với các bạn tôi rằng: “Ông ấy là tướng mà ông ấy còn ở lại, tại sao mình phải chạy”. Các bạn tôi cũng bảo: “Ừ, tại sao phải chạy…” Ở lại mà đánh. Chúng tôi đều ở lại. Tôi nói: “Tôi là đàn bà, tôi chả sợ Cộng sản cộng siếc gì cả. Cứ ở lại xem họ làm trò gì với tôi”.
Tôi đã nghe theo đài phát thanh. Thế rồi, tôi lại nghe họ bảo ông Tổng thống Thiệu, ông Thiếu tướng Kỳ, ông nào ông nấy co cẳng chạy hết rồi. Tôi nói: “Trời đất quỷ thần, mới đêm qua vừa nghe Thiếu tướng Kỳ nói trên Đài phát thanh là ông ấy sẽ ở lại chiến đấu cho đến giọt máu cuối cùng… Làm sao tôi lại đi tin những người như vậy hở Trời?”. Ngày 30 nghe thua, rồi tất cả tan vỡ hết. Tôi hết sức kinh ngạc. Lúc ấy tôi đang ở trường Đại học Vạn Hạnh, chỗ cầu Trương Minh Giảng. Chúng tôi ngồi đấy thấy bộ đội Cộng sản tiến vào. Trước đó, ở đấy có lính nhảy dù. Vài người chỉa súng lên trời bắn cho đến khi hết đạn rồi ôm mặt khóc. Tôi cũng thấy lính nhảy dù cởi áo, cởi giầy, cởi quần, ném hết vũ khí, chỉ mặc đồ lót mà đi. Khi chứng kiến cảnh này, tôi cũng khóc.
Khi bộ đội Cộng sản tiến vào, chúng tôi mới nhìn thấy rõ bộ dạng họ. Ông có biết tại sao người ta sợ Cộng sản không? Để tôi giảng cho ông hiểu. Bởi vì chúng giống hệt như mấy con khỉ! Tôi tự bảo: “Trời đất quỷ thần, chả hiểu tại sao chúng ta lại thua mấy của khỉ như thế!”.
Nhưng có một việc tôi hiểu. Việt Nam có câu tục ngữ: “Như rắn mất đầu”. Rắn mất đầu là rắn chết. Mấy cái đầu của tất cả binh sĩ đã chạy sạch rồi, cái đuôi phải thua thôi. Nhưng để tôi nói cho ông hiểu chuyện này: Mặc dầu chúng tôi thua ở Việt Nam thật đấy, nhưng tôi vẫn tự hào. Vì nhìn thấy bộ đội Cộng sản, tôi chả sợ gì. Không, tôi chả sợ gì sất cả!
Cho đến bây giờ tôi vẫn không thích cái kiểu các ông Kỳ, ông Cao Văn Viên, ông Thiệu vắt giò lên cổ mà chạy như thế. Đáng lẽ các ông ấy nên ở lại mà đánh thì tốt hơn. Đến phút cuối cùng, có đánh chác gì? Lúc ấy tôi vẫn ở đấy. Chả thấy đánh chác gì cả. Tôi chả rõ tại sao họ lại thua, đánh đấm gì đâu? Bỗng dưng chỉ có ông Dương Văn Minh lên tuyên bố thua. Lúc ấy tôi ra đường Tự Do. Tôi đi lung tung. Chỗ nào cũng đi. Tôi thấy người ta leo lên mấy cái tàu ở Vũng Tàu, chả thấy đánh chác gì. Có lẽ đánh ở Pleiku, Ban Mê Thuột, ở Đà Nẵng hay Huế thì có, chớ ở Saigon có ai đánh đấm gì đâu? Tôi nghĩ nhiều người đã mắc phải một lỗi lầm thật lớn.
NGUYỄN THỊ THANH NGUYỆT
(Bác sĩ)
“Sao con không mang theo thằng cháu nội của ba?”
Mùa Xuân 1975 tôi đang làm “ngoại trú” cho chương trình năm thứ năm Y Khoa – Cũng tựa như chương trình thực tập “nột trú” tại Hoa Kỳ. Vào cuối tháng Ba, tôi đang đến phiên làm ở bệnh viện Cơ Đốc, Saigon. Cũng như mọi người khác, tôi cảm thấy tình hình xuống dốc. Nhưng cho đến ngay lúc ấy, tôi vẫn không bao giờ tin là miền Nam sẽ sụp đổ và đầu hàng. Tệ nhất, tôi nghĩ Saigon có thể mất, có thể bị miền Bắc chiếm đóng tạm thời, nhưng sau một thời gian ngắn, mọi sự sẽ trở lại bình thường thôi.
Giữa tháng Tư, mỗi lúc người ta càng quan tâm hơn đến việc di tản các nhân viên trong bệnh viện chúng tôi. Tùy viên quân sự Hoa Kỳ, tướng Homer Smith ký giấy cho phép 175 người ra khỏi nước. Phần bảo trợ được ký trống để nhập nội Hoa Kỳ. Nhưng con số 175 không đủ cho số người muốn di tản. Vì thế chúng tôi đã tìm cách đưa nhiều người đi hơn với biện pháp tải thương. Chúng tôi băng bó một số người muốn đi, cho vào xe cứu thương. Chúng tôi cho xe mở còi hụ lái ra phi trường. Với biện pháp ấy lính gác cho vào, không khám xét gì. Nếu họ khám các bệnh nhân và tìm ra chuyện đóng tuồng, chắc chắn không ai đi nổi. Khi qua cổng phi trường, lập tức chúng tôi cho bệnh nhân lên các chuyến bay tải thương. Những chuyến bay này sẽ chở tất cả sang Phi Luật Tân.
Tôi còn nhớ có một bác sĩ với vợ ba con, tất cả đều khoẻ mạnh. Chúng tôi quấn băng, bó bột cho mấy đứa trẻ, còn giả vờ đặt cả ống truyền nước biển, chúng tôi đã đưa họ vào cổng phi trường bằng cách ấy. Nhưng rồi phải đợi máy bay. Trong lúc đợi, mấy đứa bé bó bột buồn tình ôm cả bông băng chạy quanh chơi đùa nghịch phá. Trong phi trường có lính gác. Tôi phải bảo bà mẹ nói mấy đứa trẻ im mồm, quay lại giả vờ ốm, không thì hết đi.
Chúng tôi thường cho khoảng hai mươi người vào trong hai hoặc ba xe cứu thương để cùng chạy ra phi trường. Các y tá, bác sĩ cùng đi theo để di tản với họ. Bằng biện pháp này, chúng tôi đã đưa đi được hầu hết những nhân viên muốn đi. Còn những người khác không đi bằng cách tải thương thì được cho vào danh sách 175 người có bảo trợ tại Hoa Kỳ.
Tất nhiên càng nhiều người đi thì số nhân viên bệnh viện càng hẹp lại, số bệnh nhân chúng tôi săn sóc cũng vậy. Hôm 24 tháng Tư, chúng tôi cho sáu bệnh nhân cuối cùng ra về. Đến hôm ấy, tôi vẫn chưa định đi. Lúc nói chuyện với bác sĩ Trưởng thường trú, ông bảo nếu tôi muốn ra đi thì tôi có thể đi chuyến bay lúc mười một giờ đêm. Như vậy phải có mặt tại nhà thương trước năm giờ chiều. Quá giờ ấy nếu không có mặt, xem như không muốn đi. Tôi hỏi tôi có thể mang theo con trai tôi được không. Ông bảo chỉ mang theo con trai thì được. Lúc ấy nhà tôi và tôi đã ly thân. Con tôi được mười tuổi. Khi nói chuyện về việc ra đi là đã ba giờ trưa. Như thế tôi chỉ còn hai tiếng đồng hồ để quyết định.
Tôi cố tìm người biết chuyện để hỏi ý kiến nếu Saigon mất, tình thế ra sao. Tôi cần nói chuyện để dứt khoát đi hay ở. Cuối cùng gặp người bạn học, cô ấy khuyên tôi nên đi. Tôi hỏi thế chị có đi không. Cô ấy bảo cô ấy là con cả, gia đình đến mười chị em, phải ở lại đỡ đần gia đình. Nhưng cô bạn tôi bảo nếu ở hoàn cảnh tôi, cô ấy sẽ ra đi. Sau khi nói chuyện với người bạn, tôi quyết định đi.
Trở về nhà. tôi nói chuyện với mẹ tôi rất ngắn ngủi. Lúc ấy mẹ tôi đương ốm. Tôi bảo mẹ tôi là con quyết định phải đi. Mẹ tôi khóc. Tôi băng qua đường, bảo em tôi và gia đình tôi rằng tôi sẽ mang con đi . Mọi người đều khóc.
Tôi lấy xe gắn máy chạy vào Khánh Hội, mất ba mươi phút. Tôi muốn đến chào ba tôi, lúc ấy đang làm việc ở đấy. Khi nghe tôi nói, ba tôi đứng sững. Ba tôi bảo: “Sao con không mang thằng cháu nội của ba đến đây. Nếu nó đi với con thì chắc đây là lần cuối ba được nhìn thấy nó”. Quả thật, đây là dịp cuối cùng mà ba tôi có thể gặp cháu nội. Ba tôi đã mất trong lúc mẹ con chúng tôi ở Hoa Kỳ.
Tôi bảo: “Ba ạ, con vội quá nên con quên”. Tôi đã bận bịu sắp xếp giấy tờ, học bạ, và vài ba bộ quần áo. Tôi ôm lấy ba tôi. Ba tôi và tôi cùng khóc. Rồi tôi chạy xe gắn máy về nhà đổi ít tiền, nhưng không đổi đâu ra được nữa. Tôi rời Việt Nam không một đồng xu dính túi.
Đêm mẹ con tôi rời Saigon, trời rất tối. Phi trường hết sức lộn xộn. Mãi đến lúc máy bay cất cánh mới dám chắc là đi được. Mẹ con tôi bay thẳng sang Guam vì bấy giờ chính phủ Phi Luật Tân không còn cho các chuyến bay Việt Nam vào nữa.
Tôi đến đảo Guam lúc Saigon đã mất ngày 30 tháng Tư. Nghe tin trên máy truyền thanh, chúng tôi đều khóc. Chúng tôi nghe tường thuật việc quân đội miền Bắc tiến vào thành phố bằng chiến xa, đi qua đường Thống Nhất vào chiếm Dinh Độc Lập. Trong tâm trí, mỗi chúng tôi đều có thể nhìn thấy hình ảnh ấy xảy ra. Chúng tôi hết sức đau buồn. Đêm hôm ấy, chúng tôi nói chuyện mãi về Việt Nam. Chúng tôi kể cho nhau nghe những chuyện chúng tôi nhớ, những gì chúng tôi yêu mến nhất ở Việt Nam. Chúng tôi nói với nhau rằng thật kinh ngạc khi miền Nam Việt Nam sụp đổ, việc ấy xảy ra như thế nào, có thể làm gì được để cứu vãn.
Nhưng quá muộn, chẳng còn có thể làm gì được. Đêm hôm ấy, tất cả những gì chúng tôi còn lại chỉ là hy vọng mà thôi.
HỒ QUANG NHỰT
(Giáo sư Trung học)
“Người Mỹ cuối cùng tôi thấy ở Việt Nam”
Bấy giờ tôi là một giáo sư Trung học, dạy ở Biên Hòa. Tôi lên Saigon, có mặt lúc thành phố này rơi vào tay Cộng sản hôm 30 tháng Tư, 1975. Khi vụ đầu hàng xảy ra, tôi đang ở trên Đại lộ Lê Lợi. Tôi đã chứng kiến cảnh dân chúng tan tác tìm đường trốn Cộng sản.
Trên đường phố tôi thấy một người Mỹ. Đó là người Mỹ cuối cùng tôi thấy ở Việt Nam. Anh đứng trước một tiệm ăn. Cặp mắt đỏ hoe. Tôi nghĩ anh rất buồn. Anh đang đợi người đến đón, tôi thầm nghĩ. Hoặc giả anh đang đợi ai đến giúp anh ẩn núp, che giấu cho anh? Nhưng không một ai đến cả. Tôi thấy anh xem đồng hồ vài lần rồi lại dáo dác nhìn khắp đầu đường cuối phố. Nhưng mọi sự đã quá muộn cho anh người Mỹ.
Lúc 4 giờ 45 Việt Cộng chạy xe vận tải qua đại lộ. Thấy người Mỹ đứng đấy, chúng dừng lại. Nhảy ra xe, chúng bắt đầu vặn hỏi anh ta. Hàng trăm người chứng kiến cảnh này. Anh người Mỹ bảo: “Tôi là công dân Hoa Kỳ”. Chúng bèn giáng cho anh một trận đòn. Chúng lôi xệch anh lên xe. Anh người Mỹ vẫn cố bảo: “Tôi là công dân Hoa Kỳ”. Nhưng chúng không buồn nghe. Việt cộng chả thèm nghe những chuyện như vậy. Chúng rồ máy xe đưa anh người Mỹ ra đi. Tôi không bao giờ biết thêm tin tức gì về anh ta nữa.
Còn tiếp phần 4.
Không có nhận xét nào