Nguồn hình ảnh, Anadolu Agency/Getty
Chụp lại hình ảnh,
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (thứ hai, từ trái) đặt chân tới Indonesia dự thượng đỉnh Asean
Tân Thủ tướng Việt Nam, ông Phạm Minh Chính lần đầu công du nước ngoài, tham dự thượng đỉnh Asean trong hai ngày 23 và 24/4/2021 tại Indonesia.
Liệu khủng hoảng chính trị Myanmar có được thảo luận thẳng thắn, dưới hình thức nào, thái độ của các bên ra sao... được giới quan sát đặt ra câu hỏi.
Có nhiều ý kiến hội tụ cho rằng đây là 'phép thử chung' với cả tân Thủ tướng Việt Nam, lẫn Asean.
Hôm 23/4/2021, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas - Singapore) cho rằng đây là chuyến công du 'không nằm trong' kế hoạch ban đầu.
"Đây là chuyến công du không nằm trong kế hoạch, nó là chuyến đi để đáp ứng lời kêu gọi của Tổng thống Indonesia, ông Joko Widodo về chuyện tổ chức cuộc họp khẩn cấp về Myanmar.
"Thế nhưng cũng nhân việc đi họp, đây cũng là chuyện ông Thủ tướng mới của Việt Nam ra mắt các nhà lãnh đạo trong khối Asean. Về mặt hình thức, đây để thể hiện ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam đối với Asean."
Trước câu hỏi, Thủ tướng Việt Nam có thể sẽ phát biểu gì về Myanmar, ông Hà Hoàng Hợp nói:
"Chủ yếu, chỉ có thể phát biểu trực tiếp dựa trên Hiến chương của Asean.
"Mà như đã biết, Hiến chương của Asean không quy định và cũng không cho phép những can thiệp của nước thành viên này vào tình hình nội bộ của một nước thành viên khác.
"Cho nên dựa trên cái đó, khó lòng có được các phát biểu hay hành động mà có tính chất can thiệp vào tình hình nội bộ của Myanmar.
"Tuy nhiên, thời gian vừa rồi đã thấy khá rõ rằng Việt Nam cũng đã đồng tình với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và đồng tình với nhiều nước trong Asean lên án phe đảo chính quân sự ở Myanmar giết hại thường dân.
"Và dựa trên tinh thần này, yêu cầu chính quyền đảo chính ở Myanmar chấm dứt việc giết dân thường, tái lập trật tự như trước cuộc đảo chính. Cụ thể, tức là phải thả những người bị bắt, trong đó có các chính trị gia bị bắt ra, rồi họp Quốc hội cũ chứ không phải là bầu Quốc hội mới theo sự tổ chức của phe đảo chính quân sự, và đáp ứng các điều kiện cụ thể khác."
'Thách thức với Thủ tướng Việt Nam và cả Asean'
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Người dân Myanmar hôm 23/4/2021 tiếp tục xuống đường phản đối chính quyền quân sự và cuộc đảo chính
Cũng hôm thứ Sáu, từ Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển, Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng, cựu Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, người có nhiều năm hoạt động trong ngành ngoại giao của Chính phủ Việt Nam bình luận:
"Tôi nghĩ Hội nghị cấp cao Asean lần này được triệu tập, như ngay từ đầu người ta nói rằng triệu tập vì vấn đề Myanmar và tìm giải pháp cho vấn đề Myanmar.
"Tôi cho đây là một thách thức không chỉ đối với Asean mà đối với cả Việt Nam. Với Asean, tôi nghĩ rằng khối này không thể dễ dàng tìm ra ngay giải pháp, bởi vì khối này đang bị chia rẽ và phân liệt trong vấn đề này.
"Vì vậy, thách thức của Asean cũng là thách thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhất là đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông.
"Ở đây, ông phải xử lý một vấn đề là cấp cao lần này không chỉ để giải quyết vấn đề quan hệ ngoại giao của Asean, những đường hướng lớn của Asean, mà họ tập trung vào vấn đề liệu Asean có thể đưa ra được giải pháp gì trước vấn đề đang hóc búa này của Myanmar."
Trước đó, hôm 22/4, tại một thảo luận Bàn tròn thứ Năm của BBC News Tiếng Việt, một số nhà hoạt động và bất đồng chính kiến từ Việt Nam và hải ngoại cũng đưa ra các bình luận:
"Tôi cho rằng vấn đề Myanmar hiện nay không chỉ là một thử thách bình thường, mà là một thách thức rất lớn đối với Asean," từ Hà Nội, nhà báo tự do, blogger Nguyễn Hữu Vinh nói.
"Thách thức ngoài Biển Đông cho thấy rất rõ rằng khối này là rất yếu, việc các nước thành viên của khối tự đặt cho mình nguyên tắc mọi thứ phải đạt được sự thống nhất, thì đó là một điểm yếu. Bây giờ, khi vấn đề đảo chính xảy ra ở Myanmar, thì đây tiếp tục là một điểm yếu nữa...
"Tôi cho rằng nếu Asean mà không có một động thái cương quyết hơn và sớm, chắc chắn họ sẽ mất điểm rất nhiều trước cộng đồng quốc tế và từng quốc gia thành viên trong đó sẽ mất điểm rất nhiều."
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Người dân Myanmar biểu tình hôm 23/4/2021 ở Yangon
Từ Berlin, CHLB Đức, nhà văn Võ Thị Hảo nêu quan điểm:
"Ông Phạm Minh Chính đi dự hội nghị, nhìn chung theo tôi ông sẽ không lên tiếng gì mạnh mẽ về trường hợp Myanmar đã giết thường dân như vậy. Và khối Asean thực sự là một khối yếu, trong đó trình độ dân chủ cũng như sức mạnh kinh tế của các nước này còn rất yếu...
"Tôi nghĩ rằng lãnh đạo Việt Nam về vấn đề Myanmar, phải lên tiếng, bởi vì đó là một vấn đề hoàn toàn phi nhân đạo, trái với những cam kết của quốc tế và chính quyền quân sự của Myanmar đã vi ph rất nhiều.
"Nó cũng như một vụ Thiên An Môn nhỏ trước đây mà Việt Nam đã không lên tiếng, thì rất mất danh dự ở trên trường quốc tế, cũng như với khối Asean cũng vậy, cần phải lên tiếng mạnh mẽ để chính quyền quân sự ở Myanmar không được làm điều đó."
Từ Hà Nội, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A, bình luận:
"Thứ nhất, tôi nghĩ, ông Thủ tướng mới của Việt Nam đi dự thượng đỉnh Asean đợt này là một thách thức rất lớn, khi Việt Nam đồng thời là Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong tháng Tư này...
"Tôi không nghĩ rằng Asean sẽ dám lên tiếng, nhưng thực sự Việt Nam cần phải lên tiếng mạnh mẽ để chống lại chế độ hiện nay ở Myanmar. Đây là chế độ độc tài quân sự đảo chính chống lại chính quyền của người dân đã bầu ra.
"Tôi chưa nói đến việc họ đàn áp, giết người ở trong khắp cả đất nước Myanmar và ở một quy mô rất rộng, số nạn nhân bị giết hại bây giờ đã lên gần cả một nghìn rồi, thì thực sự đây không phải là một 'Thiên An môn nhỏ'.
"Vụ đàn áp Thiên An môn xảy ra cách đây hơn ba chục năm, và bây giờ việc đàn áp xảy ra ở Myanmar, thì việc lên tiếng chống lại tập đoàn quân sự Myanmar mà vốn đã đàn áp chính quyền do người dân của chính Myanmar bầu ra là phải rất mạnh mẽ.
"Và Asean mà không lên tiếng, gây sức ép rất mạnh mẽ để vãn hồi hòa bình, dân chủ, để việc chính quyền được bầu cử bởi người dân Myanmar vốn bị đảo chính bởi thế lực quân sự ở nước này được giải quyết một cách êm thấm, thì tôi nghĩ là Asean chắc phải sửa đổi lại quy tắc của mình.
"Cái quy tắc được gọi là đồng thuận ấy có thể làm bế tắc mọi thứ, mọi hoạt động, tất nhiên là Asean vẫn là một tổ chức rất quan trọng, nhưng để quy tắc đồng thuận ấy làm cho bế tắc mọi hoạt động của Asean, thì hoàn toàn không nên.
"Tức là phải bãi bỏ quy tắc ấy, trong trường hợp như thế có thể có quyết định đa số và có thể phải có chuyện trừng trị những tổ chức phạm tội như là quân đội Myanmar, thì lúc đó mới có thể vãn hồi được chính quyền do chính người dân Myanmar bầu ra," theo ông Nguyễn Quang A.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-56860811
Không có nhận xét nào