Sau hơn 20 năm ấp ủ qua nhiều đời chính phủ, dự án vẫn tiếp tục bị nhét tủ.
" ...Đây có thể xem là thắng lợi chung của một xã hội dân chủ, nơi tất cả mọi người, bất kể có quan điểm đối lập đến đâu, đều được lên tiếng và có quyền đóng góp vào các vấn đề lớn nhỏ của đất nước."
Thẻ căn cước gắn chip của Đài Loan trong giai đoạn phát triển thử nghiệm. Ảnh: 陳曉威/ The Reporter.
Vấn đề thẻ căn cước công dân gắn chip ở Việt Nam vài tháng qua là một đề tài được nhiều người quan tâm.
Công an các tỉnh thành đang tăng ca, đưa ra nhiều ưu đãi cho người làm căn cước mới để gấp rút phát được số lượng 50 triệu thẻ trước tháng 7/2021.
Người dân nhiều nơi hoang mang, không biết mình có bắt buộc phải đổi sang thẻ mới không.
Tuy vậy, so với những gì diễn ra ở Việt Nam, câu chuyện về thẻ căn cước công dân gắn chip ở Đài Loan dài tập và kịch tính hơn nhiều.
Kết quả cuối cùng khá bất ngờ: thay cho kế hoạch bắt buộc thay thẻ mới từ tháng 7/2021, vào đầu năm nay, chính phủ quyết định tạm hoãn dự án thẻ căn cước gắn chip.
Thủ tướng Đài Loan yêu cầu phải thẩm định lại toàn bộ dự án.
Tại sao họ phải làm như vậy?
Chính phủ: Lấy tất cả danh dự để bảo đảm
Ý tưởng về những chiếc thẻ căn cước gắn chip được khởi xướng từ khá lâu tại Đài Loan.
Vào năm 1998, chính phủ khi đó của Quốc dân Đảng (KMT) đã có kế hoạch đưa ra loại thẻ căn cước mới có tên “thẻ quốc dân”, gộp chứng minh nhân dân và thẻ bảo hiểm y tế làm một. Nó sẽ tích hợp tất tần tật dữ liệu của cá nhân vào như địa chỉ, hồ sơ y tế, chữ ký điện tử, các dữ liệu nhận dạng sinh trắc học như vân tay…
Ý tưởng đưa tất cả trứng vào một rổ như vậy khiến dư luận lo ngại về nguy cơ mất dữ liệu và bị xâm phạm quyền riêng tư, đặc biệt trong bối cảnh các công nghệ chế tạo chip quan trọng nhất đều nằm trong tay các công ty nước ngoài.
Những tiếng nói chất vấn phản đối ngày một lớn. Chính phủ không có giải pháp thực tế nào xua tan những lo ngại đó. Dự án bị chôn sâu xuống đất không hẹn ngày tái sinh.
Hơn 20 năm sau, kế hoạch dang dở năm nào được lôi lên lại.
Lần này, chính phủ của Đảng Dân tiến (DPP) quyết tâm hơn cả người tiền nhiệm, và họ dường như có đầy đủ cơ sở cho sự tự tin đó.
So với 20 năm trước, công nghệ sản xuất thiết bị bán dẫn (semiconductor) đã tiến một bước rất dài. Các vấn đề về an toàn và bảo mật có nhiều cải thiện. Nhiều quốc gia trên thế giới đã sử dụng thẻ căn cước gắn chip. Những loại thẻ gắn chip khác, như thẻ ngân hàng và thẻ bảo hiểm y tế, cũng được phổ biến và chấp nhận rộng rãi.
Điểm cộng quan trọng là việc Đài Loan giờ đây đã trở thành cường quốc số một về sản xuất chip. Chỉ riêng công ty sản xuất thiết bị bán dẫn TSMC của Đài Loan đã chiếm hơn 50% thị phần toàn cầu, và là đơn vị chế tạo ra những loại chip hiện đại nhất thế giới vào thời điểm này.
Với tất cả những yếu tố trên, sau ba năm nghiên cứu kể từ 2017, chính phủ của Đảng Dân tiến tự tin giới thiệu dự án thẻ căn cước mới (New eID), với kế hoạch sẽ cấp đổi lại toàn bộ thẻ cho người dân vào năm 2020.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, kế hoạch bị dời lại một năm, dự kiến bắt đầu cấp phát thẻ mới đại trà từ tháng 7/2021.
Tuy nhiên, ngay từ thời điểm được công bố, dự án đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ. Nhiều luật sư, chuyên gia công nghệ và các tổ chức dân sự bảo vệ quyền riêng tư chất vấn mạnh mẽ những nội dung của kế hoạch này.
Chính phủ thể hiện sự cầu thị bằng việc tiếp thu các ý kiến phản đối và tiến hành điều chỉnh dự án. Điển hình như chuyện thay đổi mục tiêu ban đầu. Họ không còn cho thẻ căn cước mới tích hợp tất tần tật mọi thứ, từ hồ sơ khám bệnh cho đến hồ sơ thuế. Thay vào đó, thẻ mới sẽ chỉ thuần túy lưu giữ những thông tin đã có trên thẻ căn cước hiện tại.
Bên cạnh việc tuyên truyền, các quan chức chính phủ cũng tích cực chạy sô, liên tục xuất hiện trên truyền hình và trả lời phỏng vấn, giải đáp các thắc mắc về dự án.
Cuối tháng 12/2020, đích thân Bộ trưởng Bộ Nội vụ Từ Quốc Dũng (Hsu Kuo-yung) và Đường Phụng (Audrey Tang), người được xem là “Bộ trưởng Kỹ thuật số” của Đài Loan, làm một liveshow trực tuyến trên mạng để giải thích cặn kẽ về dự án.
Sự xuất hiện của Đường Phụng được kỳ vọng sẽ giúp dư luận yên tâm hơn về dự án của chính phủ.
Đường Phụng được nhiều người Đài Loan, đặc biệt là giới trẻ, xem như thần tượng. Cô được đánh giá là một trong những thiên tài tin học của Đài Loan, từng đóng góp tích cực trong phong trào biểu tình Hoa Hướng Dương của giới sinh viên vào năm 2014.
Đích thân Tổng thống Thái Anh Văn sau đó đã mời Đường Phụng tham gia chính quyền, phụ trách các vấn đề kỹ thuật số, trở thành “bộ trưởng” không chính thức trong nội các. Trong một buổi phát hình trực tiếp, Đường Phụng lần lượt giải đáp các vấn đề về dự án thẻ căn cước mới.
Theo đó, thẻ mới có các tính năng chống làm giả và đảm bảo tính riêng tư tốt hơn. Mặt trước của thẻ chỉ hiển thị vài dòng cơ bản. Mặt sau được gắn chip lưu trữ những dữ liệu khác như địa chỉ quê quán, thông tin về người thân… Những dữ liệu trên chip này sẽ được cài mật khẩu bảo vệ, do mỗi người tự đặt.
Việc dùng chip là một lựa chọn hoàn toàn tự nguyện. Không có cơ quan chính phủ hay tổ chức tư nhân nào được phép ép buộc người dân phải quét thẻ hoặc cung cấp mật khẩu để đọc các dữ liệu trong chip.
Khi làm thẻ căn cước mới, người dân có quyền yêu cầu in ra một bản chứng nhận xác thực thông tin các dữ liệu trong chip, và dùng nó để giao dịch như bình thường nếu không muốn có tương tác gì với chip điện tử. Lựa chọn này để đáp ứng nhu cầu của những người không muốn phiền hà khi phải nhớ mật khẩu, hay những ai không muốn để lại dấu vết điện tử trong những hoạt động hàng ngày của mình. Thẻ căn cước gắn chip lúc này sẽ chỉ đóng vai trò như một thẻ căn cước giấy.
Với những giao dịch công có sử dụng chip, các dữ liệu cũng không được kết nối để gửi về Bộ Nội vụ hay bất kỳ cơ quan chính phủ nào. Mỗi bộ ngành đều có quy định riêng về những thông tin chọn lọc mà họ có thể đọc được từ thẻ căn cước.
Chính phủ cũng tự tin về mức độ an toàn của thẻ mới khi việc sản xuất chip được giao cho TSMC, doanh nghiệp nội địa và đồng thời là tập đoàn gia công thiết bị bán dẫn số một trên thế giới.
Con chip được TSMC sản xuất sẽ là loại ROM (read only memory), chỉ đọc lưu dữ liệu mà không thể được can thiệp để thay đổi thêm bớt.
Trước khi được áp dụng đại trà, thẻ căn cước mới sẽ được phát thử nghiệm tại một địa phương (Tân Trúc). Ngoài ra, chính phủ còn mở cuộc thi có thưởng, mời các chuyên gia tin học, hay còn gọi là hacker mũ trắng, tham gia tìm các điểm yếu bảo mật và an ninh của thẻ.
Chính phủ khẳng định, chỉ khi nào thử nghiệm chắc chắn không còn vấn đề gì thì mới tính đến việc triển khai dự án.
Bộ Nội vụ còn đưa ra con số phỏng vấn thăm dò vào năm 2017, cho biết có 70% người được hỏi ủng hộ việc đổi mới thẻ căn cước.
Với những cơ sở chắc chắn, cộng với uy tín của những nhân vật rất được lòng công chúng, dường như không có gì ngăn cản được dự án thẻ căn cước gắn chip của Đài Loan.
Các tổ chức xã hội dân sự không nghĩ vậy.
Xã hội dân sự: Uy tín của chính phủ không phải là tất cả
Bất chấp những lời hứa chắc như đinh đóng cột của chính phủ, nhiều học giả và các nhà hoạt động nhân quyền vẫn chỉ ra những vấn đề bị cho là lỗ hổng nghiêm trọng của dự án.
Academia Sinica (Viện Nghiên cứu Trung ương Đài Loan), học viện nghiên cứu hàng đầu của nước này, vào tháng 11/2020 đã gửi một bản kiến nghị chính sách đến chính phủ.
Trong đó, họ nêu bật ba vấn đề lớn của dự án: khả năng bị tấn công mạng, thiếu cơ sở pháp luật trong việc ép buộc người dân phải đổi sang thẻ gắn chip, và trách nhiệm chưa rõ ràng của các ban ngành trong lộ trình thực hiện chính phủ số.
Các nhà nghiên cứu cho rằng chính phủ chỉ mới nghĩ tới chuyện đảm bảo an toàn trong việc sản xuất chip (giao cho TSMC) mà bỏ qua các giai đoạn quan trọng khác như thiết kế, phát triển và lập trình các ứng dụng trong đó.
Họ cũng chỉ ra nguy cơ khi trong số các nhà thầu nước ngoài được mời tham gia thiết kế thẻ căn cước, có hai công ty bị nghi ngờ có các mối liên hệ với tình báo Trung Quốc.
Các học giả khác cũng đặt ra nhiều chất vấn, thậm chí là chỉ trích lựa chọn của chính phủ.
Trong một bài viết cùng đứng tên trên tờ Tự Do Thời Báo, Lâm Tông Nam, giáo sư khoa điện cơ tại Đại học Quốc gia Đài Loan, Lý Trung Hiến, giáo sư khoa điện cơ của Đại học Thành Công, và Hà Kiến Minh, chuyên viên nghiên cứu khoa thông tin thuộc Viện Nghiên cứu Trung ương, đặt dấu hỏi vì sao chính phủ lại lựa chọn công nghệ RFID (Radio Frequency Identification) cho thẻ căn cước gắn chip.
RFID là công nghệ cho phép các cảm biến có thể tự động quét con chip từ khoảng cách xa. Nó được dùng phổ biến cho các thẻ điện tử (e-tag) của xe hơi. Khi chạy qua các trạm theo dõi, xe không cần dừng lại vẫn có thể được cảm biến nhận diện.
Theo các tác giả, căn cước điện tử với công nghệ RFID là cách mà những chính phủ độc tài như Trung Quốc dùng để kiểm soát theo dõi công dân trên diện rộng.
Đây cũng là một trong phương thức giúp Bắc Kinh kiểm soát và đàn áp người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, biến khu vực này thành một trại tập trung khổng lồ.
Trong khi đó, các luật gia đặt vấn đề về cơ sở luật pháp của dự án thay thẻ căn cước.
Khưu Văn Thông, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu pháp luật về thông tin của Viện Nghiên cứu Trung ương, so sánh cách thực hiện của Đài Loan với Nhật, Đức và Estonia, là những quốc gia đi đầu về chính phủ số mà chính phủ Đài Loan vẫn dùng để thuyết phục người dân về tính tiện ích của dự án.
Ông chỉ ra ba điểm khác biệt lớn nhất. Ở những quốc gia trên, trước khi chấp nhận sử dụng căn cước gắn chip, chính quyền đều phải ban hành luật riêng quy định về thẻ căn cước gắn chip, có một cơ quan riêng chuyên phụ trách bảo vệ dữ liệu cá nhân, và đặc biệt là có cơ chế cho phép người dân giám sát, biết được khi nào và ai truy cập, sử dụng dữ liệu cá nhân của mình.
Chính phủ Đài Loan nhiều lần khẳng định các quy định hiện tại, trong đó có “Luật Hộ tịch”, có đủ căn cứ cho phép chính phủ thực hiện thay đổi thẻ căn cước mới.
Các chuyên gia luật như ông Khưu không đồng tình với luận điểm này. Theo họ, việc đổi từ căn cước bằng giấy sang căn cước điện tử không đơn thuần chỉ là thay đổi hình thức của thẻ. Căn cước điện tử sẽ làm phát sinh một loạt các vấn đề mới, cần phải có luật riêng để điều chỉnh.
Các cơ chế cụ thể về luật pháp cũng là cách tốt nhất để giải quyết mối lo ngại của các tổ chức nhân quyền về “function creep”, tạm dịch là “nhu cầu đẻ thêm tính năng”.
Đây là thuật ngữ dùng để chỉ hiện tượng một công cụ được thiết kế với mục đích hạn chế ban đầu, sau được mở rộng ra phục vụ cho các mục đích khác.
Nếu không có quy định cụ thể, người ta lo ngại căn cước công dân gắn chip sau này sẽ được tùy tiện mở rộng chức năng, nạp thêm các dữ liệu để quản lý, và gán thêm quy định bắt buộc cho các thủ tục hành chính khác.
Bên cạnh đó, việc dùng thẻ căn cước gắn chip để phục vụ cho lộ trình thực hiện chính phủ số bị chỉ trích là cầm đèn chạy trước ô tô. Nhiều người phản ánh thực tế là chính phủ vẫn đang thiếu trầm trọng nhân lực có trình độ công nghệ. Khả năng bảo mật của các cơ quan chính phủ lẫn các tổ chức tư nhân đều có vấn đề.
Vào năm 2019, dữ liệu cá nhân của gần 600.000 nhân viên công vụ thuộc Bộ Dịch vụ Công bị phát tán trên mạng. Đầu năm 2020, hơn 20 triệu dữ liệu hộ tịch của người Đài Loan bị công khai rao bán trên “mạng đen” (dark net).
Những hạn chế về năng lực bảo mật, cộng với thực tế Đài Loan luôn nằm trong tầm ngắm của các hackers đến từ Trung Quốc, khiến cho nhiều người không khỏi nghi ngại trước các nguy cơ bảo mật cá nhân lẫn an ninh quốc gia khi gấp rút triển khai dự án thẻ căn cước gắn chip.
Chính phủ đạp thắng, tất cả cùng thắng
Trước những nghi ngại và chất vấn từ đông đảo học giả, chuyên gia và các tổ chức dân sự, chính phủ Đài Loan cuối cùng cũng quyết định tạm hoãn dự án thẻ căn cước gắn chip.
Thủ tướng Tô Trinh Xương (Su Tseng-chang) vào tháng 1/2021 thông báo sẽ yêu cầu các cơ quan xem xét tất cả những kiến nghị được nêu ra, kiểm tra lại toàn bộ quy trình thực hiện dự án.
Lộ trình mới chưa được công bố. Ưu tiên hiện tại của chính phủ là đảm bảo giải quyết thỏa đáng những vấn đề được dư luận chỉ ra.
Họ không bị buộc phải làm như vậy. Sau cuộc bầu cử vào năm 2020 vừa rồi, chính phủ của Đảng Dân tiến đang có uy tín tăng cao hơn bao giờ hết. Thành công trong việc chống dịch COVID-19 cũng giúp uy thế của chính phủ được nâng lên cả trong lẫn ngoài nước. Đảng của Tổng thống Thái Anh Văn cũng đang chiếm đại đa số trong Quốc hội, có thể dễ dàng thông qua những đạo luật theo ý mình mà không cần sự ủng hộ của các đảng đối lập.
Tuy nhiên, họ vẫn quyết định lắng nghe các tiếng nói phản biện từ giới trí thức, các chuyên gia và những tổ chức xã hội dân sự.
Đây có thể xem là thắng lợi chung của một xã hội dân chủ, nơi tất cả mọi người, bất kể có quan điểm đối lập đến đâu, đều được lên tiếng và có quyền đóng góp vào các vấn đề lớn nhỏ của đất nước.
https://www.luatkhoa.org/2021/04/vi-sao-dai-loan-quyet-dinh-dung-du-an-the-can-cuoc-gan-chip/
Không có nhận xét nào