Một cuộc họp báo quốc tế về tình hình Biển Đông tổ chức tại Hà Nội vào năm 2014.
Hôm 15 tháng 4 năm 2021, trang tin News của Úc có bài viết “Will Vietnam decide the fate of the South China Sea?”, tạm dịch là “Liệu Việt Nam có là quốc gia quyết định số phận Biển Đông hay không?”. Bài viết của tác giả Jamie Seidel.
Biển Đông là tên mà Việt Nam dùng để gọi vùng biển có tên quốc tế là South China Sea, là một biển rìa lục địa và là một phần của Thái Bình Dương, trải rộng từ Singapore tới eo biển Đài Loan. Vùng biển này và các quần đảo của nó là đối tượng tranh chấp và xung đột giữa một vài quốc gia trong vùng, trong đó có Việt Nam - là nước láng giềng gần nhất của Trung Quốc ở Biển Đông.
Bài viết đề cập đến mối quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và Trung Quốc. Việt Nam được cho là quốc gia Đông Nam Á duy nhất giữ vững lập trường trong việc đối đầu với Trung Quốc ở mọi mặt, từ việc Trung Quốc xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong cho đến các quyền khai thác và đánh bắt cá ngoài khơi bờ biển của Việt Nam.
Theo bài báo, tuy mạnh miệng chống Trung Quốc nhưng Việt Nam vẫn không chọn đứng hẳn về phía Mỹ dù Mỹ đã nhiều lần tỏ thiện chí bằng các chuyến viếng thăm Hà Nội của các cố vấn an ninh quốc gia và ngoại trưởng qua nhiều đời tổng thống.
Vào tháng 4 năm ngoái, một tàu Tuần duyên Trung Quốc đã đánh chìm một tàu đánh cá của Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp. Trung Quốc cũng đã từng đưa một tàu khoan khảo sát địa chất xâm nhập vào tận khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Bắc Kinh tự quyết định các khu vực hành chính mới trên các ngư trường mà Hà Nội coi là của mình.
Việt Nam, một quốc gia được cho là bị Trung Quốc lấn lướt và chèn ép trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, sẽ bị tác động như thế nào trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai cường quốc Hoa Kỳ và Trung Quốc?
Một số chuyên gia trong nước đánh giá Việt Nam đang trong vị thế được hưởng lợi nhờ vào các chính sách của Hoa Kỳ tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Đồng thời Hoa Kỳ cũng mong muốn nhận được thái độ ủng hộ của Việt Nam đối với Sáng kiến Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương, nhằm đảm bảo trật tự và an toàn lưu thông hàng hải tại vùng biển này.
Vậy Việt Nam có là nước quyết định số phận của Biển Đông trong tương lai nếu Việt Nam chọn ngả hẳn về phía Mỹ trong cuộc canh trạnh giữa Mỹ và Trung Quốc hay không?
Thạc sĩ Hoàng Việt nhận định về việc này, cùng ngày với bài viết có câu hỏi tương tự trên trang tin của Úc:
“Đúng ra là Việt Nam chỉ góp phần quan trọng trong đó thôi chứ Việt Nam không phải là quốc gia có thể tạo ra những thay đổi ở Biển Đông.
Việt Nam không phải là quốc gia Đông Nam Á duy nhất lên tiếng mạnh về những vấn đề ở Biển Đông. Ví dụ vụ bãi Đá Ba Đầu, Philippine lên tiếng mạnh hơn. Nhưng Philippine thay đổi lập trường liên tục. Việt Nam thì luôn giữ vững lập trường.
Nếu Việt Nam đứng về phía Mỹ lúc này thì cục diện Biển Đông sẽ thay đổi rất lớn. Nhưng cho đến bây giờ thì Việt Nam vẫn chưa muốn, dù phía Mỹ rất mong muốn Việt Nam trở thành thành viên liên minh hay đóng vai trò quan trọng hơn trong bộ tứ cũng như trong Sáng kiến Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương. Việt Nam vẫn đang thận trọng nhưng xu hướng của Việt Nam đang có vẻ xích lại gần Mỹ hơn so với Trung Quốc.”
Tháng 4 năm 2019, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Hoa Kỳ Davidson lần đầu tiên tới thăm Việt Nam. Đô đốc Davidson phát biểu rằng, “Hợp tác quốc phòng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam dựa trên lợi ích chiến lược chung của hai nước trong việc đảm bảo chủ quyền và độc lập của Việt Nam và thúc đẩy một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.” Một năm sau đó, Hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt và các tàu hộ tống cập cảng thành phố Đà Nẵng của Việt Nam.
Đây là lần ghé thăm thứ nhì của một Hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ, kể từ khi hai nước chấm dứt chiến tranh vào tháng Tư năm 1975. Hộ tống cho Hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt trong chuyến thăm năm ấy là Tuần dương hạm USS Bunker Hill. Đây không chỉ là những hành động cho thấy tảng băng trong mối quan hệ giữa Hà Nội và Washington thời hậu chiến đã dần tan, mà còn là dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam trong quan hệ quốc tế ở khu vực Đông Nam Á, nhất là khi mà tình hình an ninh trong vùng đang ngày càng căng thẳng. Lập trường của Việt Nam có thể sẽ là chìa khóa đối với cán cân quyền lực trong khu vực này.
Vào ngày 13 tháng 7 năm 2020, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo chính thức công bố lập trường của Mỹ, bác bỏ các yêu sách về chủ quyền quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông và cam kết hợp tác với các nước trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nhằm bảo đảm cho việc rộng mở và tự do lưu thông hàng hải, phù hợp với luật pháp quốc tế. Theo Washington, tuyên bố của Bắc Kinh đối với những nguồn tài nguyên xa bờ tại hầu hết khu vực Biển Đông là hoàn toàn phi pháp. Chiến dịch bắt nạt các nước nhỏ nhằm kiểm soát những nguồn tài nguyên đó cũng là phi pháp. Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế hàng hải của mình.
Nhà quan sát chính trị, nhà báo Nguyễn An Dân, đánh giá các tác động đến Việt Nam từ động thái trên của Mỹ:
“Việt Nam được lợi vì tin chắc rằng lần này Mỹ kiên quyết hành động chứ không phải là những tuyên bố chung chung như trước đây. Trước đây khi Mỹ chưa sẵn sàng để xử lý Trung Quốc. Đa số các phát biểu của chính giới Mỹ chỉ là ủng hộ bằng lời nói chứ chưa đi vào thực tế. Bây giờ nó đi vào thực tế. Một khi Mỹ đi vào hành động thực tế ở Biển Đông thì tất cả các nước nhỏ ở khu vực này đều sẽ có lợi. Kể cả những nước nằm ngoài Biển Đông cũng sẽ có lợi khi họ trở thành đồng minh của Mỹ trong việc làm Trung Quốc suy yếu.”
Không dừng lại ở đó, tháng 11 năm 2020, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Robert O'Brien đến thăm Việt Nam và bày tỏ lập trường rõ ràng của Hoa Kỳ, phản đối sự bắt nạt của Trung Quốc đối với các nước nhỏ trong khu vực.
Ông O'Brien nói rõ: “Chúng tôi chia sẻ cam kết sâu sắc đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, dựa trên các quy tắc tôn trọng, công bằng và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế như chủ quyền và tự do hàng hải. Khu vực này không có hứng thú quay trở lại một thời kỳ đế quốc, thời kỳ mà chân lý chỉ thuộc về kẻ mạnh. Đó chính là lý do vì sao Hoa Kỳ có một lập trường vững chắc phản đối sự cưỡng ép bắt nạt của Trung Quốc tại biển Đông và các mối đe dọa an ninh trong khu vực Mekong”.
Về mối quan hệ với Trung Quốc, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng luôn khẳng định, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng việc củng cố và tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc.
Bà Lê Thị Thu Hằng cũng nhắc lại tại Đại hội Đảng lần thứ 13, diễn ra ở Hà Nội rằng, Việt Nam khẳng định lập trường không thay đổi là độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, đẩy mạnh, nâng tầm quan hệ với các đối tác, đặc biệt là các đối tác quan trọng, trong đó có Trung Quốc.
Theo bài báo trên trang tin của Úc hôm 15 tháng 4, tác giả Jamie Seidel nhận định rằng, ngoài những động thái về ngoại giao, Hoa Kỳ cũng quan tâm đến việc tăng cường quan hệ quân sự với Việt Nam. Nước này đã hai lần mời Hải quân Việt Nam tham gia Cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC). Tuy vậy, Việt Nam tỏ ra không mấy quan tâm đến việc chọn theo bên nào.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/will-vietnam-decide-the-fate-of-the-south-china-sea-dt-04152021135651.html
Không có nhận xét nào