Header Ads

  • Breaking News

    Lâm Vân An - Tháng Tư 1975 : sự đứt gãy lịch sử và sự vỡ vụn của những giấc mơ

    Với tuyệt đại đa số người Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung, sự kiện “giải phóng” là cột mốc đánh dấu sự sụp đổ tuyệt đối của các giá trị văn hóa miền Nam


    Năm 1975 là năm tôi dự định sẽ tốt nghiệp Sư phạm Quốc gia Sài Gòn, năm tôi sẽ trở thành cô giáo, sẽ đạt được mơ ước tay cầm phấn trắng, ngâm thơ đọc văn dạy học trò, được thực hiện giấc mơ đã ấp ủ từ những năm 7-8 tuổi. Xin chua thêm, thời của tôi: vào được trường quốc gia sư phạm không hề dễ, một người phải đủ kiến thức cơ bản (tốt nghiệp tú tài đôi), thi tuyển đậu vào trường sư phạm, rồi phải qua được vòng sát hạch về dáng đi tướng đứng (không dị tật thể hình), đạt chuẩn về giọng nói (không ngọng, đớt, phát âm sai), viết chữ đẹp (ngay hàng thẳng lối), qua được ban sát hạch khó nhằn thì mới có thể trở thành người đào tạo thế hệ tương lai.

    1/ Giấc mơ hình cánh diều màu xanh

    Vậy mà đùng cái… Sài Gòn sụp đổ. Cả đám bạn bè tôi, đám sinh viên 21-22 tuổi còn chưa ra trường ngơ ngơ ngác ngác. Sự kiện đầu tiên lôi tuột những đứa đầu óc nửa trẻ con nửa người lớn lơ mơ chín tầng mây như tôi xuống đất là sự kiện Nguyễn Thành Trung. Tôi vẫn nhớ cả lớp đang say sưa ngồi học trong trường thì nghe tin máy bay do Nguyễn Thành Trung lái đang thả bom Dinh Độc Lập. Sau tiếng nổ dữ dội đinh tai nhức óc, cả bọn được lệnh chui xuống gầm bàn tránh bom và sau 2-3 tiếng lo lắng bối rối thì được cho về.

    Sự kiện đó chính thức đặt dấu chấm hết cho thời sinh viên hoa mộng, tươi đẹp, hiền hòa của chúng tôi. Liên tiếp sau đó là những ngày chúng tôi bị bắt đi học chính trị Marx Lenin, ngoài giờ học cái thứ triết lý kỳ quặc không giống ai đó, chúng tôi bị lôi đi kiểm kê tài sản người dân, bị yêu cầu thu nhặt toàn bộ sách, truyện, băng đĩa văn hóa phẩm đồi trụy đem về… đốt. Tôi nhớ mình nhát và run như cầy sấy, thần kinh căng lên như bị ma ám, không dám làm Tần Thuỷ Hoàng đốt sách, thu gom được bao nhiêu là tôi vội vàng đem về nộp hết cho “cán bộ” rồi chạy đi thiệt nhanh, tránh nhìn những Kim Dung, Tam Quốc Chí, Thủy Hử, Nguyễn Hiến Lê, Cổ Học Tinh Hoa, Tự Lực Văn Đoàn… bị xé tanh bành và… nổ lép bép trước mặt.

    Việc đốt sách thật quá sức tưởng tượng đối với tôi. Việc nhiều gia đình bị cướp, bị hôi của, trấn lột, tịch thu những tài sản họ đã tích cóp bao nhiêu năm đã thật sự làm tôi khủng hoảng. Những ánh mắt tiếc nuối, trách móc, sợ hãi, oán thán… của những người tôi tịch thu văn hóa phẩm không bao giờ rời bỏ tôi, trong một quãng đời rất dài sau đó.

    Tôi sinh ra trong gia đình cha là nhà báo, mẹ là nội trợ. Cha mẹ tôi là những người hiền lành tử tế. Tất cả những gì tôi được dạy dỗ từ lúc sinh ra đời cho đến năm 1975 dường như bị lật úp xuống. Thế giới của tôi, một cô gái 22 tuổi, bị bể vụn. Rất nhiều đêm sau vụ Nguyễn Thành Trung và những ngày đi tịch thu đồ đạc “của người khác”, tôi chênh vênh giữa sự trầm cảm và những cơn ác mộng, liên tục mơ thấy giấc mơ làm cô giáo của mình hóa thành cánh diều xanh lơ bằng giấy, diều vừa bay lên thì bị gió quật xuống, bị xé nát, rồi những mảnh xanh ấy bị bàn tay ai đó thô bạo ném vào trong lửa, ngọn lửa tàn bạo nóng rẫy đốt sạch mọi thứ không chừa lại thứ gì.

    2/ Đói, đói kinh khủng, đói không thể tưởng tượng!

    Vậy là giấc mơ làm giáo viên mỗi tháng kiếm được 38 ngàn 700 đồng đủ nuôi cả nhà của tôi vỡ nát. Cuối cùng, tháng 10 năm 1975, chúng tôi được ra trường và bị phân công về vùng sâu vùng xa ở Phước Thái, Đồng Nai. 16 đứa con gái ở trong một căn nhà tồi tàn vách ván ép, trong ngoài nhìn rõ nhau qua khe ván. Chúng tôi phải tự đào hố xí vệ sinh, tự lấy bao gạo quay lại để làm nhà tắm ngoài trời, tự phân công gánh nước ở cái giếng cách đó ba cây số về để phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Những cô chiêu cậu ấm ngày xưa giờ đã phải tỉnh dậy mà tồn tại. Lũ chúng tôi dựa vào nhau tự tạo nên cuộc sống của chính mình.

    Tiền là chuyện xa xỉ, cả tháng đi dạy tôi được phát lương bằng nửa ký đạm (bạn có thể chọn thịt hay mỡ hay cá – đa phần chúng tôi xin miếng mỡ để thắng mỡ chan cùng nước mắm); 12 kg tinh bột chủ yếu là cao lương, bo bo, khoai mì, khoai lang và hạt lúa mì (chúng tôi gọi là “hạt mì” do Liên Xô tài trợ. Không có máy tuốt, máy xay, chúng tôi ngâm hạt lúa mì rồi nấu thật lâu cho chín). Sữa trứng là thứ xa xỉ không tồn tại, chỉ có hạt lúa mì hay bo bo với nước mỡ.

    Trường tiểu học Phước Thái nơi chúng tôi dạy học cách đó gần cây số là những mái lá tềnh toàng. Lớp học thì sao? Gần 50 em một lớp, dĩ nhiên là đói khát kiến thức và yêu quý trân trọng thầy cô từ thành phố về. Điều tôi nhớ nhất không phải là mình dạy gì mà là lũ trẻ con hiền lành tốt bụng hôm thì xin gia đình đem cho thầy cô than củi để có cái mà nấu ăn, hôm thì đem cho thầy cô ít củ mì củ sắn. Chúng cứu chúng tôi qua nhiều cơn đói.

    Đói, vừa là tính từ vừa là động tự vừa là danh từ, trạng từ, thán từ! Cả bọn chúng tôi đói triền miên. Ngày dạy trẻ con, đêm dạy bình dân học vụ. Lúc nào tôi cũng nghĩ đến đồ ăn, những món trước năm 1975, tôi đã từng chê bai, dè bỉu. Trong những đêm lạnh căm căm sau khi đi dạy ra, vì phải xuyên rừng lội bộ từ trường về khu tập thể, chúng tôi cứ thay nhau xuýt xoa “ước gì có tô mì”, “lúc này mà có ổ bánh mì thịt, cái bánh bao, miếng bánh quai vạc, dĩa bột chiên… thì sung sướng cỡ nào ha”…

    3/ “Hiện thực mới”

    Cuối tuần tôi được về thăm nhà một lần. Phương tiện di chuyển là những chiếc xe chạy bằng than (không phải dầu xăng mà là than củi, cứ đi vài chục cây số là phải dừng lại châm than để tiếp nhiên liệu). Cuối tuần tôi vui vì được tiếp tế ít đồ ăn má nấu. Cuối tuần, vui thì vui thiệt nhưng cũng lắm chuyện buồn vì đây là thời gian duy nhất tôi được tiếp xúc với thế giới bên ngoài và biết tin tức từ những bạn bè của mình.

    Gia đình tôi cũng như bao gia đình thời đó: người bị đưa đi cải tạo không biết chừng nào về, người bỏ học, kẻ bỏ làm, bạn bè tôi thì kẻ bất đắc chí bỏ nghề giáo viên đi bán thuốc tây lậu, kẻ thì có bao nhiêu vàng bạc trong nhà là gom góp hy vọng vượt biển đi tìm vùng đất mới. Người nghe nói bị bắt lại, bị đánh đập vì vượt biên không thành; kẻ nghe nói tự vẫn vì không tìm đâu ra lối đi cho mình trong cơn cùng quẫn. Những năm ấy tôi liên tục sống trong cảm giác mất mát, lo âu và không còn chút niềm tin vào cuộc đời tươi đẹp. Nếu không nhờ gia đình bạn bè chòm xóm và tình người nâng đỡ, có thể tôi đã trầm uất mà quyên sinh, đã chìm sâu dưới lòng đại dương hay tan xác dưới một đường ray xe lửa nào đó.

    4/ Những bài học nhỏ sau 46 năm

    Hơn 45 năm đã trôi qua. Giờ những người bạn của tôi đã hơn 60, đã có cháu nội/ngoại. Nhóm 16 cô giáo trẻ năm xưa vẫn còn liên lạc mật thiết. Hôm rồi gặp nhau, chúng tôi cà kê hàn huyên tâm sự, ai cũng đồng ý rằng những năm 1975-1979 là thời kỳ khủng hoảng nhất trong cuộc đời chúng tôi. Những tháng ngày triền miên đói khổ ấy dạy cho chúng tôi một vài điều:

    Đời chẳng có gì là bất biến, dâu bể là chuyện thường tình nên còn sống thì xin hãy trân trọng cuộc sống mình đang có, ngày mai là thứ không ai đảm bảo cho mình. Tomorrow is never promised.

    Và đã là người, đã phải sống thì sống cho trọn vẹn, hôm nay. Bạn chỉ sống được một lần thôi nhưng nếu sống đúng, sống nhân hậu thì coi như bạn đã sống đủ rồi. You only live once, but if you live it right, once is enough.

    Trên tất cả, tình cảm giữa người với người, thứ tình không vụ lợi trong trẻo như những hạt sương long lanh trong ánh mai buổi sớm chính là thứ quý giá nhất trong đời sống này. Nó là thứ phân biệt giữa người và loài vật, là thứ cứu loài người trong lúc lầm than nhất. Như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết “sống trong đời sống, cần có một tấm lòng”. Quả thật, không hề sai chút nào.

    Lâm Vân An


    Không có nhận xét nào