Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ sáu 09 tháng 4 năm 2021

    Công tước Edinburgh, phu quân Nữ hoàng Anh Quốc, vừa tạ thế, thọ 99 tuổi

    Công tước Edinburgh, Hoàng tế Philip, phu quân Nữ hoàng Anh Quốc, lúc sinh thời trong quân phục Hải quân

    Công tước Edinburgh, Hoàng tế Philip, phu quân Nữ hoàng Anh Quốc, vừa tạ thế, thọ 99 tuổi, theo thông báo của Điện Buckingham.

    Là sĩ quan hải quân Hoàng gia Anh, ông cưới Công chúa Elizabeth năm 1947, năm năm trước khi bà lên ngôi Nữ hoàng Anh.

    Thông báo của Điện Buckingham Palace trưa 09/04/2021 nói:

    "Với sự đau buồn vô hạn, Nữ hoàng thông báo rằng người chồng yêu thương của bà, Ngài Hoàng tế Philip, Công tước Edinburgh vừa từ trần.

    "Ngài từ giã cõi đời trong sự bình yên sáng nay ở Lâu đài Windsor Castle."

    Vợ chồng nữ hoàng có bốn con, tám cháu nội ngoại và 10 chắt.

    Chia buồn với Hoàng gia ở Lâu đài Windsor

    Theo phóng viên BBC Helena Wilkinson, có mặt trưa 09/04 ở Windsor, phía Tây London thì người dân đã tự động tới cổng Lâu đài đặt hoa vĩnh biệt Ngài Philip.

    Một số thiệp và hoa ghi dòng chữ 'RIP Prince Philip' (Hãy yên nghỉ Hoàng tử Philip), một số khác chia buồn với Nữ hoàng Elizabeth.

    Gia đình đại quý tộc và vua chúa châu Âu

    Cha ngài Philip là Hoàng tử Andrew của Hy Lạp và Đan Mạch, con trai thứ của Vua George đệ nhất.

    Mẹ ông, công chúa Alice of Battenberg, là con gái của ông hoàng Louis of Battenberg, người sau này trở thành Sir Louis Mountbatten, và là cháu gái của Nữ hoàng Victoria.

    Sau cuộc đảo chính năm 1922, cha ông bị một tòa án cách mạng trục xuất khỏi Hy Lạp.

    Một chiếc tàu chiến Anh được người cháu là Vua George V gửi đã đưa gia đình ông sang Pháp. Trong chuyến đi này cậu bé Philip được ngủ trên một chiếc cũi làm bằng chiếc hộp đựng trái cây.

    Ông bắt đầu đi học ở Pháp nhưng khi lên bảy ông tới sống với họ hàng của mình là gia tộc Mountbatten ở Anh, nơi ông đi học cấp một ở Surrey, phía Nam London.

    Vào thời gian này, mẹ ông được chẩn đoán bị bệnh tâm thần phân liệt và được đưa vào bệnh viện tâm thần. Ông rất ít khi gặp mẹ trong suốt thời thơ ấu.

    Năm 1933, ông được gửi đến Schule Schloss Salem ở miền nam nước Đức, một trường do nhà giáo dục tiên phong Kurt Hahn thành lập. Nhưng chỉ vài tháng sau ông Kurt Hahn, là người Do Thái, đã bị buộc di tản vì Đức Quốc xã đàn áp.

    Kurt Hahn chuyển đến Scotland để lập Trường Gordonstoun, và Hoàng tử Philip cũng chuyển tới đây sau hai học kỳ ở Đức.

    Chế độ đào khắc nghiệt như quốc gia chiến binh Spartan thời cổ ở trường Gordonstoun tập trung rèn thể lực và ý chí lại là môi trường lý tưởng cho cậu thiếu niên sống xa cha mẹ và Philip cũng thấy phải hoàn toàn tự lập.

    Phục vụ trong chiến tranh

    Khi chiến tranh thế giới thứ II đến gần, Philip quyết định đi theo binh nghiệp. Ông muốn gia nhập Không quân Hoàng gia Anh, nhưng gia đình bên mẹ ông có truyền thống hải quân nên Philip đã làm thiếu sinh quân Trường Cao đẳng Hải quân Hoàng gia tại Dartmouth.

    Trong khi học tại đó, ông được giao nhiệm vụ hướng dẫn và trợ giúp hai công chúa trẻ, Elizabeth và Margaret, trong một lầnVua George VI và Nữ hoàng Elizabeth tới thăm trường.

    Những người chứng kiến sự việc nói rằng Philip đã thể hiện hết mình và cuộc gặp gỡ đó đã gây ấn tượng sâu sắc với công chúa Elizabeth khi đó mới 13 tuổi.

    Philip nhanh chóng chứng minh khả năng xuất chúng của mình.

    Ông vượt lên, đứng đầu cả lớp trong tháng Giêng 1940 và lần đầu tiên tham dự hoạt động hải quân trên Ấn Độ Dương.

    Ông chuyển sang phục vụ trên chiến hạm HMS Valiant thuộc hạm đội Địa Trung Hải, đơn vị ông đã góp mặt trong trận thủy chiến Cape Matapan hồi năm 1941.

    Là sỹ quan phụ trách hệ thống đèn quét của chiến hạm, ông giữ một vai trò quan trọng trong cuộc chiến ban đêm mang tính quyết định này.

    Đến tháng 10/1942, ông được phong hàm thiếu tá, thuộc lớp trẻ nhất của Hải quân Hoàng gia Anh, phục vụ trên tàu khu trục HMS Wallace.

    Trong thời gian này, ông và nàng công chúa trẻ Elizabeth đã trao gửi thư từ và có một số dịp ông được mời tới nghỉ với Hoàng gia.

    Đám cưới của họ diễn ra năm năm trước khi vua cha tạ thế (1952) và công chúa trưởng Elizabeth lên ngôi trị vị nước Anh sau đó.

    Sau đám cưới, ông đóng vai trò Hoàng thân, Phu quân (Prince Consort) của Nữ vương nước Anh.

    Bản thân là Hoàng tử từ hai gia đình hoàng gia châu Âu, nhưng dòng họ của Philip phải từ bỏ tước hoàng thân Đức.

    Sau khi đến Anh Quốc, ông được vợ phong làm Hoàng thân Anh Quốc (The Prince of Great Britain) và Công tước Edinbugh.

    Nhật Theo Dõi Hàng Không Mẫu Hạm Liêu Ninh Của Trung Cộng


    Một hạm đội của Hải Quân Trung Cộng, bao gồm Hàng Không Mẫu Hạm Liêu Ninh, 3 khu trục hạm hỏa tiễn, 1 khinh hạm và 1 tàu hỗ trợ chiến đấu, đã được nhìn thấy đang băng qua vùng biển giữa các đảo Okinawa và Miyako của Nhật, đi về hướng Thái Bình Dương, vào sáng thứ Bảy, 3 tháng 4 vừa qua. Đáp lại, Nhật Bản đã điều động khu trục hạm JS Suzutsuki cùng 2 máy bay tuần tra hàng hải, để thu thập thông tin và giám sát hoạt động của đội tàu Trung Cộng.

    Đây là lần đầu tiên tàu Liêu Ninh đi qua vùng biển này trong năm nay, và diễn ra không lâu sau khi Hoa Kỳ vừa hoàn tất một số cuộc tập trận trong khu vực với các đồng minh, bao gồm cả cuộc tập trận dài 2 ngày với hải quân Úc tại phía đông Thái Bình Dương vào tuần trước.

    Vào sáng Chủ Nhật, hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt của Hoa Kỳ đã đi vào biển Đông, sau cuộc tập trận chung với quân đội Ấn Độ. Căng thẳng giữa Trung Cộng và Nhật Bản đang tăng cao tại biển Hoa Đông, sau khi Tokyo liên tục bày tỏ lo ngại về luật hàng hải mới của Bắc Kinh. Đạo luật đã có hiệu lực vào tháng 2, cho phép các lực lượng bán quân sự Trung Cộng được dùng vũ khí chống lại các tàu nước ngoài bị cho là xâm nhập trái phép lãnh hải Trung Cộng.

    Vào đầu tháng 3, Nhật cáo buộc các tàu tuần duyên Trung Cộng bắt đầu tăng hiện diện tại quần đảo tranh chấp tại biển Hoa Đông, được Nhật gọi là Senkaku và Trung Cộng gọi là Điếu Ngư. Đáp lại, Bộ Quốc Phòng Trung Cộng vào tuần trước kêu gọi Nhật Bản ngừng khiêu khích và chỉ trích Bắc Kinh về quần đảo tranh chấp.

    Singapore tìm người kế vị Lý Hiển Long

    Chính trường Singapore hôm qua trải qua một cuộc xáo trộn, khi Vương Thụy Kiệt, người được chỉ định kế vị Thủ tướng Lý Hiển Long, tuyên bố ông sẽ không đảm nhận vị trí này. Kế vị ở Singapore thường được lên kế hoạch trước nhiều năm bởi những nhân vật kỳ cựu trong đảng Hành động Nhân dân (PAP), tổ chức lãnh đạo nước này giành độc lập vào năm 1965 và đã cầm quyền kể từ đó.

    Nhưng họ không lường trước được rằng ông Vương, một nhà kỹ trị xuất sắc, thiếu các kỹ năng của một chính trị gia quần chúng (mặc dù ông nói từ chức vì sẽ quá tuổi nếu nhậm chức). Trong cuộc bầu cử gần đây nhất, ông chỉ thắng có 53% — một kết quả mất mặt. Ứng viên hàng đầu để thay thế ông là bộ trưởng thương mại Chan Chun Sing, người chỉ mới 51 tuổi nhưng bị cho là thiếu kinh nghiệm và quá tự tin. Trong khi PAP tranh luận về việc kế vị, ông Lý đã đồng ý tiếp tục cầm quyền cho đến khi tìm được người kế vị.

    Tác dụng phụ của vắc-xin AstraZeneca vẫn gây lo ngại


    Hôm thứ Tư, các cơ quan quản lý y tế ở Anh và EU cho biết có bằng chứng chứng minh vắc-xin covid-19 của Oxford-AstraZeneca có thể liên quan đến các cục máu đông rất hiếm gặp. Cả hai cơ quan đều nói lợi ích là lớn hơn rủi ro — song ở Anh, người dưới 30 tuổi sẽ được cung cấp một loại vắc xin thay thế. Khi nhiều người được tiêm chủng, các tác dụng phụ hiếm gặp chắc chắn sẽ xuất hiện. Cơ quan Dược phẩm Châu Âu cho biết ở EU cứ 100.000 người dưới 60 tuổi đã tiêm thuốc AstraZeneca sẽ có một người bị máu đông trong não.

    Tỷ lệ bình thường của các cục máu đông như vậy khó đánh giá hơn: dao động từ 0,22 đến 1,57 trên 100.000 dân. Điều bất thường là nhiều bệnh nhân nghi ngờ có máu đông do vắc-xin cũng có lượng tiểu cầu thấp. Điều này đôi khi được tìm thấy ở những bệnh nhân có dùng heparin, một loại thuốc được điều trị bệnh máu đông — do đó, bác sĩ đã có thể chẩn đoán và điều trị ít nhiều. Hy vọng tử vong do tác dụng phụ hiếm gặp này sẽ ngày càng hiếm hơn.

    Kyrgyzstan trưng cầu dân ý về thể chể chính trị

    Cử tri Kyrgyzstan vào Chủ nhật này sẽ lại đi bỏ phiếu, lần thứ ba chỉ trong hơn sáu tháng, để quyết định xem nên giữ nguyên hệ thống nghị viện hiện tại hay trao cho tổng thống nhiều quyền lực hơn. Sadyr Japarov, vị tổng thống dân túy lên nắm quyền từ mùa thu năm ngoái sau khi biểu tình lật đổ người tiền nhiệm, ủng hộ trao thêm quyền lực to lớn cho chính bản thân ông, với danh nghĩa duy trì sự ổn định của đất nước (những năm gần đây Kyrgyzstan đã trải qua tới ba cuộc cách mạng).

    Các đề xuất trong cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp vào Chủ nhật này giống với hệ thống mà cử tri đã bác bỏ sau cuộc cách mạng thứ hai của Kyrgyzstan năm 2010, khi họ quyết định chọn một phiên bản hệ thống nghị viện được thiết kế để chống lại độc tài. Những người chỉ trích cáo buộc ông Japarov đang thâu tóm quyền lực. Song vị tổng thống lôi cuốn rất được ủng hộ, đồng nghĩa các đề xuất của ông khả năng cao sẽ thành công — nếu có hơn 30% cử tri đi bầu.

    Donald Trump vẫn ở vị trí trung tâm trong Đảng Cộng hòa


    Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa (RNC) tổ chức cuộc gặp mặt hàng năm cho các nhà tài trợ hàng đầu của họ ở Palm Beach, Florida vào cuối tuần này. Cuộc họp cho phép các chính trị gia gặp mặt các nhà tài trợ lớn, thúc đẩy hợp tác chiến lược cho các chiến dịch trong tương lai. Một số ứng viên hàng đầu của đảng cho cuộc bầu cử tổng thống 2024 sẽ tham dự, bao gồm thống đốc bang Florida Ron Desantis, và cả Donald Trump, người dĩ nhiên đứng đầu danh sách ứng viên tiềm năng.

    Một phần của sự kiện sẽ diễn ra tại resort của ông Trump, Câu lạc bộ Mar-A-Lago, nơi ở của ông kể từ khi rời Nhà Trắng. RNC rõ ràng muốn làm hài lòng vị cựu tổng thống. Ông Trump là một nhà gây quỹ vô song cho đảng; ông thậm chí đã công bố một Super PAC (Ủy ban Hành động Chính trị) mới vào tháng Hai để ông có thể chi hàng triệu đô vận động chống lại các đảng viên Cộng hòa trái ý ông. Với tỉ lệ ủng hộ tốt của ông Trump và thái độ thuần phục của RNC, ông sẽ tiếp tục định hình tương lai của đảng.

    Hãng khai thác mỏ Rio Tinto tiến hành cải cách


    Hôm nay các cổ đông của Rio Tinto, một công ty khai mỏ khổng lồ mang quốc tịch Anh-Úc, sẽ bỏ phiếu về các biện pháp được thiết kế để cải thiện quản trị môi trường và xã hội (ESG). Công ty đang phải chịu nhiều áp lực sau khi họ phá hủy một hệ thống hang động 46.000 năm tuổi của thổ dân ở Tây Úc vào năm ngoái – khiến giám đốc Jean-Sébastien Jacques phải mất việc. Các sáng kiến ​​được đề xuất hôm nay sẽ làm cho các mục tiêu khí thải của Rio Tinto trở nên minh bạch hơn, và gần như chắc chắn sẽ được thông qua; hội đồng quản trị của công ty ủng hộ các mục tiêu này.

    Tháng trước, Rio Tinto cũng công bố cải cách đối với việc quản lý các địa điểm “di sản”. Nhưng còn đó những mâu thuẫn. Các cổ đông thuộc ngành dịch vụ tư vấn đã khuyến nghị nhà đầu tư bỏ phiếu chống lại các khoản thanh toán theo kế hoạch cho ông Jacques. Trong khi đó một công ty thổ dân có đất đang do Rio Tinto khai thác đã chỉ trích kế hoạch cải cách di sản của công ty. Phố Wall cũng thấy công ty có thể làm tốt hơn: Rio Tinto kém các công ty khai thác khác trên bảng điểm ESG của ngân hàng Morgan Stanley.

    Đài Loan kết tội hai gián điệp Trung Quốc

    Theo thông tin trên trang Focus Taiwan, hai người đứng đầu một công ty Hồng Kông có liên quan tới quân sự Trung Quốc, đã bị ngăn cản rời khỏi Đài Loan kể từ khi họ bị cáo buộc vào năm 2019 vì âm mưu làm tình báo cho Trung Quốc, đã bị Văn phòng Công tố quận Đài Bắc truy tố tội rửa tiền hôm thứ Năm (8/4).

    Giám đốc điều hành Công ty TNHH Đầu tư Đổi mới Trung Quốc, Hướng Tâm và vợ, thành viên hội đồng quản trị Củng Thanh, ban đầu bị các nhân viên Cục Điều tra bắt giữ tại Sân bay Quốc tế Đào Viên vào ngày 24/11/2019.

    Việc bắt giữ họ diễn ra sau khi Vương Lập Cường, một điệp viên Trung Quốc tự xưng đang xin tị nạn ở Úc, cho biết công ty mà anh từng làm việc, là bình phong cho những nỗ lực của tình báo Trung Quốc nhằm vào phong trào dân chủ ở Hồng Kông và bầu cử ở Đài Loan. Mặc dù vợ chồng ông Hướng Tâm đã được thả vài ngày sau khi bị bắt, nhưng kể từ đó, họ đã bị cấm rời khỏi Đài Loan trong khi chờ điều tra thêm về các cáo buộc.

    Hôm thứ Năm (8/4), Văn phòng Công tố quận Đài Bắc đã đệ trình cáo buộc đầu tiên đối với cặp đôi này vì tội rửa tiền, đồng thời chỉ ra rằng họ vẫn đang bị điều tra vì vi phạm Đạo luật An ninh Quốc gia của Đài Loan.

    Theo cáo trạng, trước khi có hộ chiếu Hồng Kông vào năm 1993, ông Hướng Tâm trước đây từng giữ các chức vụ tại một số cơ quan nhà nước Trung Quốc, bao gồm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp Quốc phòng, và từng là giám đốc điều hành của China Innovation Investment và một công ty khác, China Trends Holdings Ltd.

    Còn bà Củng Thanh trước đây từng là biên tập viên nghệ thuật tại một tạp chí quân sự trực thuộc công ty Công nghệ và Công nghiệp Quốc phòng. Năm 2016, các công tố viên cho biết, Guotai Investment Holding – một công ty quản lý tài sản có trụ sở tại Thượng Hải, đã trả cho Hướng 7,71 triệu USD để hỗ trợ việc mua cổ phần sở hữu tại hai công ty niêm yết tại Hồng Kông do ông đứng đầu như một phần của nỗ lực sáp nhập ngược.

    Tập đoàn Guotai cuối cùng đã mua cổ phần trị giá 203 triệu đô-la Hồng Kông trong hai công ty mà họ dự định chuyển thành công ty con và sử dụng để rửa tiền từ một vụ lừa đảo đầu tư lớn mà nó đã thực hiện ở Trung Quốc.

    Xác minh thông tin vợ con Dương Khiết Trì sống ở Mỹ và liên quan đến trốn thuế

    Trong cuộc hội đàm cấp cao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vừa qua, ông Dương Khiết Trì, Giám đốc Văn phòng Đối ngoại ĐCSTQ, đã khiến dư luận bàng hoàng với những màn chỉ trích Mỹ gay gắt và vi phạm nghi thức ngoại giao. Mới đây, quan chức cấp cao của ĐCSTQ này một lần nữa khiến dư luận dậy sóng với thông tin vợ con ông đã định cư ở Mỹ hơn 10 năm và họ cũng đang bị điều tra về hành vi trốn thuế.

    Theo NTDTV, một người dùng Twitter cho hay, sau khi tham dự hội đàm Mỹ – Trung ở Alaska, Dương Khiết Trì đã đến thăm con gái mình đang học tại đây. Đồng thời, cư dân mạng còn phát hiện ra rằng vợ và con gái của ông có một bất động sản trị giá hiện tại khoảng 12 triệu đô la Mỹ ở Washington, DC và một căn hộ hướng sông ở Manhattan trị giá 2,1 triệu đô la.

    Vào ngày 7/4, nhà báo tự do tên Zeng Zheng đã độc quyền đưa tin trên trang ‘Thế giới của Jennifer’ rằng cô đã ủy nhiệm cho các chuyên gia điều tra để xác minh sự việc trên. Và với sự giúp đỡ của điều tra viên chuyên nghiệp người Mỹ Brian O’Shea, Zeng Zheng đã xác nhận tính xác thực của thông tin.

    Theo đó, vợ của Dương Khiết Trì là Nhạc Ái Muội, đã sống trong một ngôi nhà ở Washington DC từ năm 2001, trị giá khoảng hơn 8 triệu đô la tại thời điểm đó. Chủ sở hữu bất động sản này được ghi trong hồ sơ là chính phủ Đảng Cộng sản Trung Quốc.

    Số an sinh xã hội Hoa Kỳ (SSN) của bà Nhạc được cấp bởi tiểu bang Maryland vào năm 1998. Nhưng con số này cũng thuộc sở hữu của một người khác tên là Ruben Ramirez. Theo dữ liệu, Ruben Ramirez sinh năm 1998 cùng năm mà bà Nhạc Ái Muội được cấp số an sinh xã hội.

    Một chuyên gia đề nghị giấu tên cho biết nếu hai người cùng một số an sinh xã hội thì có 2 khả năng, một là cơ quan chính phủ đã nhầm lẫn; hai là một người trong số họ đã giả mạo với mục đích chính là gian lận thuế. Thông tin còn cho thấy Dương Khiết Trì cũng sở hữu một số An sinh xã hội của Mỹ.


    Theo báo Mirror, con gái của Dương Khiết Trì là Dương Gia Nhạc đang học ĐH Yale. Cô đã sống trong một căn hộ ở New York kể từ tháng 9/2010. Kể từ tháng 8/2015, Gia Nhạc còn sở hữu thêm một căn hộ khác cũng ở thành phố này.

    Ở Trung Quốc, tương tự như Dương Khiết Trì, có rất nhiều quan chức cũng gửi vợ con, tài sản ra nước ngoài, trong khi bản thân vẫn tiếp tục làm việc cho ĐCSTQ. Thụ Lâm Triết, giáo sư tại Trường Đảng Trung Quốc, năm 2010 tiết lộ rằng Trung Quốc có đến 1,1 triệu quan chức kiểu như vậy.

    Theo thống kê của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Bắc Kinh, trong 30 năm qua, khoảng 4.000 quan chức Trung Quốc đã bỏ trốn ra nước ngoài cùng với đó là gần 400 tỷ nhân dân tệ tiền quỹ đã bị biến mất.

    Bắc Kinh ‘nhảy cẫng’ vì tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan

    Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên trong buổi họp báo hôm 8/4 tuyên bố các tàu chiến Mỹ đang tham gia vào “các hành động mang tính khiêu khích”, “gửi tín hiệu sai trái, đe dọa hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”, theo Reuters.

    Ông Triệu chất vấn: “Liệu một tàu chiến Trung Quốc có tới Vịnh Mexico để phô diễn sức mạnh không?”.

    Phản ứng của Trung Quốc được đưa ra sau khi Hạm đội 7 hải quân Mỹ hôm 7/4 cho biết, khu trục hạm tên lửa USS John S. McCain đi qua eo biển Đài Loan nhằm “thể hiện cam kết của Mỹ với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Hải quân Mỹ thường xuyên điều tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan.

    Chính quyền Bắc Kinh cho rằng Hoa Kỳ đang cấu kết với Đài Loan để thách thức Trung Quốc, và cung cấp các hỗ trợ cho những người muốn Đài Loan tuyên bố độc lập chính thức.

    Tổng thống Thái Anh Văn thì khẳng định Đài Loan đã là một quốc gia độc lập với tên gọi Trung Hoa Dân Quốc. Quốc đảo này là vấn đề nhạy cảm nhất trong mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington.

    Biển Đông: Trung Quốc cho tàu tên lửa đuổi tàu dân sự Philippines


    Hôm qua, 08/04/2021, Trung Quốc đã cho tàu tên lửa hiện đại rượt đuổi một tàu dân sự chở các nhà báo Philippines tại Bãi Cỏ Mây. Ngoại trưởng Mỹ trong cuộc điện đàm cùng ngày với đồng nhiệm Philippines đã tái khẳng định cam kết hiệp ước hỗ tương quân sự giữa đôi bên, trong lúc các chiến hạm Mỹ tập trận trên Biển Đông.

    Theo Bloomberg, tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), hai tàu phóng tên lửa Type 22 của Trung Quốc (NATO xếp vào lớp Houbei) đã rượt đuổi một tàu chở phóng viên đài ABS-CBN của Philippine trong suốt một tiếng đồng hồ. Các tàu vũ trang hiện đại này tiến gần đến nỗi có thể nhìn thấy bằng mắt thường số hiệu « 5101 », đôi khi áp sát tàu dân sự Philippines. Chiếc tàu chở các nhà báo rốt cuộc phải quay về.

    Đây là lần đầu tiên tàu quân sự Trung Quốc công khai uy hiếp tàu dân sự của một nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, có thể là một bước leo thang mới trong khi lâu nay Bắc Kinh chỉ sử dụng lực lượng dân quân biển.

    Về lực lượng này, Reuters đưa tin ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và đồng nhiệm Philippines Teodoro Locsin trong cuộc điện đàm hôm qua, đã bày tỏ quan ngại trước sự hiện diện của trên 200 tàu dân quân biển Trung Quốc tại Đá Ba Đầu (Whitsun Reef) ở Trường Sa, mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền. Ngoại trưởng Mỹ tái khẳng định các cam kết trong Hiệp ước phòng thủ chung giữa Hoa Kỳ và Philippines, và đôi bên kêu gọi Bắc Kinh chấp hành phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye năm 2016.

    Trước đó hãng tin AP dẫn lời phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Philippines, Arsenio Andolong, khẳng định « để ngỏ mọi lựa chọn », trong đó có khả năng kích hoạt Hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ.

    Tình hình Biển Đông càng thêm sôi động khi Hạm đội Thái Bình Dương ra thông cáo cho biết nhóm tác chiến do hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt dẫn đầu cùng với nhóm tàu đổ bộ tấn công USS Makin Island hôm nay bắt đầu cuộc tập trận nhằm xúc tiến « Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở ».

    Trung Quốc thăm dò nguồn khí đốt tại Biển Đông


    Aljazeera hôm nay (09/04) dẫn tin Tân Hoa Xã cho biết các nhà khoa học Trung Quốc trên một tàu nghiên cứu đã dùng thiết bị Sea Bull 2 để khoan thăm dò sâu hơn 2.000 mét trong lòng Biển Đông để lấy mẫu trầm tích. Mục đích là tìm nguồn băng cháy, hình thành từ khí thiên nhiên (như mê-tan) và nước ở áp suất cao và nhiệt độ thấp ở đáy biển, được cho là một nguồn năng lượng khổng lồ. Địa điểm khoan không được cho biết.

    Myanmar: Mẫu nam nổi tiếng Paing Takhon bị bắt

    Một trong những người nổi tiếng được yêu thích nhất Myanmar vừa bị quân đội bắt giữ như một phần của việc gia tăng đàn áp đối với nghệ sĩ và diễn viên.

    Paing Takhon, một người mẫu kiêm diễn viên với hàng triệu người hâm mộ ở Myanmar và Thái Lan, đã tích cực tham gia các cuộc biểu tình trực tuyến lẫn biểu tình trực tiếp.

    Quân đội giành chính quyền trong cuộc đảo chính ngày 1/2, làm dấy lên nhiều tuần biểu tình.

    Khoảng 600 dân thường đã thiệt mạng khi quân đội trấn áp các cuộc biểu tình với mức độ bạo lực ngày càng tăng.

    Điều gì xảy ra vào thứ Năm?

    Theo một bài đăng trên Facebook của Thi Thi Lwin, chị gái của Takhon, khoảng 50 binh sĩ với 8 xe tải quân sự đã đến bắt Paing Takhon vào khoảng 05:00 giờ địa phương (5:30 giờ Việt Nam) hôm thứ Năm.


    Paing Takhon đã tham gia nhiều cuộc biểu tình

    Một người quen của nam người mẫu, không muốn nêu tên, nói với BBC rằng Paing Takhon được dẫn giải đi khi đang ở nhà mẹ đẻ ở North Dagon, một thị trấn ở Yangon.

    Họ nói rằng anh bị "trầm cảm nghiêm trọng".

    Người quen nói thêm rằng Takhon đang có vấn đề về sức khỏe thể chất, và rằng anh thậm chí không thể "đứng hoặc đi lại chuẩn xác", dù không nêu thêm chi tiết.

    Tuy nhiên, họ nói rằng anh đã "nhận thức được hậu quả" đang chờ đợi mình, và anh "không sợ hãi gì cả". Cả hai điện thoại di động của anh đều bị thu giữ, họ nói thêm.

    Nam người mẫu đã nói gì về cuộc đảo chính?

    Trước đó, người mẫu nam 24 tuổi từng tham gia một số cuộc biểu tình và tuần hành.

    Anh cũng đã đăng hình ảnh của nhà lãnh đạo dân sự bị lật đổ và là biểu tượng ủng hộ dân chủ - bà Aung San Suu Kyi.

    "Chúng tôi cực lực lên án cuộc đảo chính quân sự. Chúng tôi yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho cố vấn nhà nước Daw Aung San Suu Kyi, Tổng thống U Win Myint, các bộ trưởng chính phủ dân sự và các thành viên quốc hội được bầu", Takhon được cho là đã viết trên mạng xã hội. Bài viết này đã bị gỡ.

    "Chúng tôi yêu cầu tôn trọng kết quả bầu cử năm 2020 và thành lập chính phủ dân sự mới sớm nhất do Quốc hội được NLD lãnh đạo."

    Bối cảnh vụ bắt giữ?

    Việc giam giữ nam người mẫu là vụ mới nhất trong một cuộc đàn áp toàn diện đối với những người nổi tiếng trong những ngày gần đây.

    Vụ việc cũng diễn ra một ngày sau khi đại sứ Myanmar tại London cho biết một tùy viên quân sự đã tiếp quản đại sứ quán và buộc ông rời khỏi tòa đại sứ.

    Vụ bắt giữ xảy ra sau khi Kyaw Zwar Minn, người hiện đã bị loại khỏi chức vụ, kêu gọi trả tự do cho nhà lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi.

    Lệnh bắt giữ khoảng 100 nhà làm phim, diễn viên, người nổi tiếng và nhà báo đã được ban hành vì họ lên tiếng chống lại cuộc đảo chính.

    Đầu tuần này, lực lượng an ninh đã bắt giữ diễn viên hài nổi tiếng nhất đất nước - Zarganar.

    Tuần trước, người chiến thắng cuộc thi sắc đẹp Myanmar, hoa hậu Han Lay, đã lên tiếng phản đối cuộc đảo chính trong một bài phát biểu tại một cuộc thi được tổ chức ở Thái Lan.

    Các cuộc biểu tình quần chúng đã diễn ra trên khắp Myanmar, còn được gọi là Miến Điện, kể từ khi quân đội giành quyền kiểm soát vào ngày 1/2 và ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm.

    Các lực lượng vũ trang tuyên bố rằng đã có gian lận trên diện rộng trong cuộc tổng tuyển cử vào cuối năm ngoái vốn đưa nhà lãnh đạo đắc cử Aung San Suu Kyi và đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà lên cầm quyền.

    Quan hệ Mỹ-Đài đang có những điều chỉnh lớn

    Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu) hôm thứ Năm (8/4) đã có bài phát biểu về những thay đổi đang diễn ra trong quan hệ Mỹ-Đài, tờ Taiwan News cho hay.

    Tại cuộc họp của Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng của Viện Lập pháp, nhà lập pháp Quốc dân đảng Trần Dĩ Tín (Chen I-hsin) đã hỏi ông Ngô rằng liệu những hạn chế trong chuyến thăm Washington của các chính trị gia cấp cao Đài Loan có được điều chỉnh hay không. Vị quan chức này cho biết, mặc dù đây không phải là tiêu chí trao đổi ngoại giao giữa hai nước, vì thế không phải quan chức hai nước không được viếng thăm nhau. Theo Liberty Times, nếu một chuyến thăm nào đó là cần thiết, ông Ngô nói chúng tôi sẽ cố gắng để nó diễn ra.

    Ông nói thêm rằng do một số sự cố diễn ra vào năm 2015, Mỹ đã thay đổi các quy tắc đối với Đài Loan. Ông đề cập rằng quan hệ vẫn đang trong quá trình điều chỉnh lớn.

    Ông Ngô nói rằng các hạn chế đối với trao đổi song phương được coi là không thuận lợi đang được điều chỉnh theo những cách thực tế. Ông cũng tuyên bố rằng các nhà ngoại giao Mỹ-Đài ở nước ngoài có thể tham gia các hoạt động cùng nhau hoặc gặp nhau tại đại sứ quán hoặc nhà riêng. Ông nói: “Tôi tin rằng những điều này sẽ nằm trong các tiêu chuẩn tiếp xúc mới”.

    Nhà lập pháp La Chí Trinh của Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) đã hỏi ông Ngô rằng liệu các nhà ngoại giao Đài Loan và Mỹ đã gặp trực tiếp hay chỉ thiết lập liên lạc ở nước thứ ba sau khi chính quyền Trump gỡ bỏ các hạn chế. Ngoại trưởng nói rằng một số ít là các chuyến thăm xã giao, nhưng hầu hết là các cuộc gặp thảo luận về cách tăng cường hợp tác giữa Mỹ-Đài ở nước thứ ba.

    Trong khi đó, Nhà lập pháp DPP Vương Định Vũ lưu ý trong cuộc họp rằng Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Washington vào tháng trước và hai nước có thể sẽ đưa ra “Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường” phiên bản dân chủ, trong đó có thể tập trung nhiều hơn về vấn đề Đài Loan.

    Đáp lại, ông Ngô nói rằng Mỹ-Đài có các nền tảng thảo luận gần gũi và thân thiện. Ngoài việc ký kết Khuôn khổ Hợp tác Tài chính Cơ sở hạ tầng và Xây dựng Thị trường Đài Loan-Hoa Kỳ, các cuộc thảo luận với Tổ chức Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC) cũng đã diễn ra rất thân mật.

    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào