Trong bài phát biểu đầu tiên trước Quốc Hội lưỡng viện Hoa Kỳ tối qua, 28/04/2021, tổng thống Joe Biden đã trình bày những kế hoạch đầy tham vọng nhằm củng cố tiềm lực quốc gia, từ việc thêm 4 năm giáo dục công miễn phí, cho đến việc thúc đẩy đầu tư vào nghiên cứu và phát triển.
Mục tiêu tối hậu của những kế hoạch này chính là nhằm giành lấy phần thắng trong cuộc tranh đua với Trung Quốc, như tuyên bố của ông Biden trong bài phát biểu hôm qua: “Chúng ta đang trong một cuộc tranh đua với Trung Quốc và các nước khác để chiến thắng trong thế kỷ 21”.
Nikkei Asia hôm nay trích lời Ryan Hass, một cựu giám đốc an ninh quốc gia đặc trách Trung Quốc, Đài Loan và Mông Cổ, ghi nhận là dưới thời chính quyền Biden, quan hệ Mỹ-Trung “đang dần dần chuyển từ đối đầu gay gắt sang cạnh trạnh sâu rộng”.
Chính quyền Biden đã thường xuyên nói rõ, một trong những yếu tố quan trọng trong kế hoạch của Hoa Kỳ nhằm chiến thắng trong cuộc tranh đua với Trung Quốc đó là tăng cường các liên minh của Mỹ. Trong chiều hướng này, Nhật Bản có vẻ là ưu tiên hàng đầu của tổng thống Biden, thể hiện qua việc trong tháng 4, tổng thống Hoa Kỳ vừa tiếp đón thủ tướng Nhật Yoshihide Suga trong chuyến viếng thăm cấp Nhà nước đầu tiên ở Mỹ trong nhiệm kỳ của ông Biden.
Trong tuyên bố chung, lãnh đạo hai nước cho biết Washington và Tokyo sẽ làm việc với nhau để “đối đầu với những thách thức từ Trung Quốc” và “bảo đảm một vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, đồng thời nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở vùng eo biển Đài Loan.
Tuy nhiên, trong bài phát biểu hôm qua, tổng thống Dân Chủ cũng cho biết ông đã nói với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Hoa Kỳ duy trì một sự hiện diện quân sự hùng hậu ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, “giống như chúng ta làm với khối NATO ở châu Âu, không phải để gây xung đột, mà là ngăn ngừa xung đột”.
Sau khi lên cầm quyền, tổng thống Biden cũng đã nhanh chóng tăng cường quan hệ với các đối tác trong Bộ Tứ, tức Đối thoại An ninh Bốn bên (QUAD), qua cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến vào tháng 3. Đối với chính quyền Biden, Bộ Tứ, quy tụ Hoa Kỳ, Ấn Độ, Úc, Nhật, sẽ phải là một bức tường thành vững chắc trước đà lớn mạnh của Trung Quốc.
Đối với Trung Quốc, nhìn chung, tổng thống Biden vẫn có một chính sách cứng rắn tương tự như người đồng nhiệm Donald Trump. Cho nên, cuộc gặp cấp cao giữa ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan với ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và ủy viên Bộ Chính trị đặc trách đối ngoại Dương Khiết Trì, tại Alaska vào cuối tháng trước, đã diễn ra rất căng thẳng, nhất là vì phía Bắc Kinh không chấp nhận những lời chỉ trích nặng nề của Washington về vấn đề Hồng Kông và người Duy Ngô Nhĩ.
Chính quyền tổng thống Biden thật ra đang còn trong giai đoạn điều chỉnh lại chiến lược đối với Trung Quốc, cho nên nhiều chính sách của thời Donald Trump vẫn được giữ nguyên, trong đó có các thuế quan mang tính trừng phạt được ban hành trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Cũng không loại trừ khả năng là trong lĩnh vực công nghệ, chính quyền của tổng thống Dân Chủ ban hành thêm các hạn chế đối với các công ty Trung Quốc, đồng thời đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này ở Mỹ, nhất là trong ngành trí thông minh nhân tạo, một trong những ngành mà theo ông Biden, Hoa Kỳ đang tụt hậu so với nhiều nước.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành trên khắp thế giới, cuộc tranh đua giữa Mỹ và Trung Quốc còn đang diễn ra trên mặt trận y tế. Hoa Kỳ có giành phần thắng hay không là tùy thuộc vào khả năng của cường quốc số một thế giới khống chế được dịch trong nước và giúp các nước khác đẩy lùi virus corona. Nói cách khác, chính sách “ngoại giao vac-xin “ sẽ là một trong những nhân tố quyết định cho sự thắng bại cho cuộc tranh đua Mỹ-Trung.
Không chỉ là một sự cạnh tranh về việc phát triển các công nghệ của tương lai, như phát biểu của tổng thống Biden tối qua, quan hệ giữa Washington với Bắc Kinh còn là một cuộc trắc nghiệm về những giá trị của dân chủ đối lại với chế độ độc đoán.
Ông Biden nói: “ Chủ tịch Tập Cận Bình “rất quyết tâm đưa Trung Quốc trở thành quốc gia quan trọng nhất thế giới. Ông ấy và những lãnh đạo chuyên quyền khác nghĩ rằng trong thế kỹ 21, dân chủ không thể tranh đua được với độc đoán, bởi vì dân chủ mất rất nhiều thời gian để đạt đồng thuận”. Và để dân chủ thắng độc đoán, đối với ông Biden không có cách gì khác hơn là phải đầu tiên mạnh mẽ để nâng cao sức mạnh của nước Mỹ qua những kế hoạch mà ông đã trình bày trước Quốc Hội lưỡng viện Hoa Kỳ.
TT Mỹ Biden khẳng định chủ trương chống bất bình đẳng xã hội
Trong bài diễn văn đầu tiên trước Quốc Hội nhân 100 ngày nhậm chức, hôm qua 28/04/2021 tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định chủ trương chống bất bình đẳng xã hội trong kế hoạch đầy tham vọng của mình.
Từ San Francisco, thông tín viên Eric de Salve tường trình :
"Có hai người phụ nữ ở phía sau Joe Biden khi ông đọc bài diễn văn trước Quốc Hội, đó là bà Kamala Harris và Nancy Pelosi. « Thưa bà phó tổng thống, thưa bà chủ tịch Hạ Viện… ». Chưa có tổng thống nào nói những lời này, nhưng theo Joe Biden thì đã đến lúc.
Sự kiện mang tính lịch sử khác là kế hoạch tái thúc đẩy khổng lồ để đối phó với đại dịch Covid-19 mà tổng thống vừa ca ngợi trước Quốc Hội, với quy mô chưa từng thấy kể từ New Deal thời Roosevelt. Nhà nước chi ra đến 6.000 tỉ đô la để kích thích nền kinh tế, và 220 triệu liều vac-xin đã được phân phối. Tổng thống Biden hứa hẹn với Quốc Hội về sự phục hưng của Hoa Kỳ.
Ông nói : « Nước Mỹ luôn trỗi dậy. Đó là điều mà chúng ta làm hôm nay, hy vọng thay vì sợ hãi, sự thật thay cho dối trá và ánh sáng thay cho bóng tối. Sau 100 ngày của kế hoạch cứu vãn, nước Mỹ sẵn sàng cất cánh ».
Và Joe Biden xác nhận chiến lược rất thiên tả để chống lại bất bình đẳng. Ông hứa sẽ giảm nạn nghèo khó còn phân nửa và phúc lợi y tế tốt hơn cho những người đau yếu, đòi hỏi Quốc Hội thông qua việc cải cách ngành cảnh sát.
Còn về kế hoạch cơ sở hạ tầng và khí hậu đầy tham vọng, Biden muốn tài trợ bằng cách tăng thuế, nhưng không áp dụng cho giai cấp trung lưu. Không chỉ có thuế dành cho số người giàu nhất vốn dĩ chiếm 1% dân số và các đại công ty mới tăng lên, tổng thống Mỹ nói rằng đã đến lúc họ cũng phải đóng góp phần của mình."
Riêng về nỗ lực giảm nghèo, một ngân khoản 200 tỉ đô la được dành cho các trường mẫu giáo miễn phí đối với trẻ 3 và 4 tuổi, 109 tỉ đô la cho các trường trung học cộng đồng, 225 tỉ đô la trợ cấp giữ trẻ, 45 tỉ đô la tài trợ bữa ăn miễn phí tại trường đối với con em các gia đình thu nhập thấp.
Đài Loan và châu Âu trao đổi kinh nghiệm đối phó với ‘mặt trận truyền thông’ của Bắc Kinh
Các học giả từ Đài Loan, Cộng hòa Séc, Slovakia và các nước Trung Âu khác đã trao đổi kinh nghiệm chống lại việc Trung Quốc phổ biến thông tin sai lệch tại một cuộc hội thảo hôm 28/4, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chủ động làm rõ và nâng cao nhận thức của cộng đồng, trang CNA cho hay.
Tổ chức tư vấn Hungary “Tư bản chính trị”, thông qua văn phòng đại diện tại Hungary, đã tổ chức hội thảo trực tuyến về chủ đề chiến tranh thông tin do Trung Quốc phát động.
Hội thảo có sự tham gia của ông Quách Dục Nhân, giám đốc điều hành của Viện nghiên cứu chính sách quốc gia Đài Loan, ông Trầm Bá Dương, chủ tịch Phòng thí nghiệm Dân chủ Đài Loan, phụ trách Trung tâm Các Giá trị Châu Âu về Chính sách An ninh của Séc, ông Jakub Janda, và Matej Šimalčík, giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu Châu Á Trung Âu (CEIAS) của Slovakia.
Ông Quách Dục Nhân trích dẫn thông tin sai lệch về vụ đào tẩu của quân đội Mỹ đóng tại Đài Loan và các phi công của Đài Loan năm ngoái làm ví dụ. Ông chỉ ra rằng mục đích nêu bật tâm lý bá quyền của Mỹ, phỉ báng hợp tác quân sự Đài Loan-Mỹ, cáo buộc Đài Loan đơn phương khiêu khích và nhấn mạnh khả năng của quân đội ĐCSTQ để làm yếu thế Đài Loan là nhu cầu chính của chiến tranh thông tin của Trung Quốc. Nội dung của tin đồn được lặp đi lặp lại, khiến người ta vô thức chấp nhận, làm cho công chúng nơi lỏng cảnh giác.
Ông Quách tin rằng chiến lược tốt nhất để chống lại chiến tranh thông tin là chủ động làm rõ. Ông nói: “Đối thủ lén lút, chúng ta sẽ đối phó một cách minh bạch với phơi bày rộng lớn”. Ngoài ra, điều quan trọng là cần có sự chia sẻ lẫn nhau giữa các viện nghiên cứu từ các quốc gia khác nhau trên thế giới.
Trong những năm gần đây, châu Âu không chỉ phải hứng chịu chiến tranh thông tin của Nga mà còn phải đối mặt với những thách thức từ tuyên truyền của Trung Quốc. Ông Šimalčík nói rằng thực sự có những điểm tương đồng giữa Nga và Trung Quốc trong việc phổ biến thông tin sai lệch, nhưng Trung Quốc nhằm tăng cường thảo luận về Tây Tạng, Đài Loan và Tân Cương, còn Nga là nhằm gây ra hỗn loạn.
Ông Šimalčík chỉ ra rằng, so với Slovakia, thông tin cần được tăng cường hơn. Ông cho rằng giới truyền thông nên quan tâm nhiều hơn đến những rủi ro an ninh do Trung Quốc mang lại và nâng cao nhận thức của cộng đồng.
Về động cơ tuyên truyền của Trung Quốc ở châu Âu, ông Janda phân tích rằng, ngoại trừ một số quốc gia đặc biệt thân thiện với Trung Quốc, chẳng hạn như Hungary và Serbia, các nước châu Âu sẽ không trở thành chư hầu của Trung Quốc; nhưng Trung Quốc hy vọng họ ít nhất sẽ giữ thái độ trung lập trong đối đầu Trung-Mỹ.
Ông chỉ ra rằng châu Âu lo sợ về sự trả đũa kinh tế của Trung Quốc, nhưng họ rất coi trọng sự xâm nhập của gián điệp Trung Quốc và các vấn đề nhân quyền; trên thực tế, Trung Quốc cần châu Âu hơn châu Âu cần Trung Quốc, và châu Âu nên có lập trường cứng rắn hơn để chống lại ĐCSTQ.
11 TNS Philippines ký Nghị quyết chống ‘Quyền bá chủ’ của Trung Quốc ở Biển Đôn
Các Thượng Nghị sĩ đối lập Philippines ngày 27/4 đưa ra một nghị quyết, cáo buộc Bắc Kinh “đang len lỏi bá quyền” ở Biển Đông thông qua những gì họ mô tả là sự hiện diện bất hợp pháp của tàu Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này, RFA cho hay.
11 thượng nghị sĩ, chủ yếu là những người chỉ trích Tổng thống Rodrigo Duterte đã công bố Nghị quyết 708 nhắm vào sự hiện diện kéo dài của các tàu Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp ở quần đảo Trường Sa, bất chấp nhiều phản đối ngoại giao của Bộ Ngoại giao Philippines trong tháng này.
Nghị quyết được đệ trình hôm thứ Hai có viết: “Cần phải kiên quyết chống lại và tố cáo việc Trung Quốc công khai coi thường UNCLOS, cũng như việc mở rộng ảnh hưởng trong khu vực gây thiệt hại cho lợi ích hợp pháp và các quyền hàng hải được công nhận hợp pháp của các quốc gia nhỏ hơn như Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia”.
Các thượng nghị sĩ nhấn mạnh, các quan hệ ngoại giao chặt chẽ và việc Philippines chấp nhận sự giúp đỡ kinh tế từ Bắc Kinh “không nên bị nhầm lẫn là sự chấp nhận quyền bá chủ đang len lỏi của Trung Quốc đối với khu vực và đất nước”.
Hôm thứ Hai, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Franklin Drilon đã thúc giục tổng thống tập hợp các nước láng giềng và đồng minh của đất nước để thành lập một mặt trận thống nhất chống lại Bắc Kinh và các hành động của họ ở Biển Đông.
Ông Drilon nói: “Ngoài các cuộc phản đối mà tôi ủng hộ, với tư cách là một mục tiêu bị nhắm đến, chúng ta nên kêu gọi các quốc gia khác đối đầu với Trung Quốc, bao gồm cả các đồng minh của chúng ta – Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc. Chúng ta phải đoàn kết chống lại sự xâm nhập bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông”.
Vừa hứa giúp, Bắc Kinh đình chỉ vận chuyển hàng tới Ấn Độ và tăng giá vật tư y tế
Trong bối cảnh Ấn Độ đang vật lộn với thảm cảnh Covid, ĐCSTQ hứa giúp đỡ nước này. Tuy nhiên, truyền thông Ấn Độ đưa tin, một hãng hàng không nhà nước Trung Quốc đã đình chỉ tất cả các chuyến bay chở hàng đến Ấn Độ, kể cả các chuyến bay vận chuyển vật tư y tế. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất vật tư y tế Trung Quốc đã quyết định tăng giá sản phẩm của họ, theo Epoch Times.
Trong những ngày gần đây, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Liên minh Châu Âu đã liên hệ với Ấn Độ để hỗ trợ khẩn cấp. Chính quyền Biden hứa sẽ cung cấp ngay cho Ấn Độ những nguyên liệu thô cần thiết để sản xuất vắc-xin, vật tư y tế và thiết bị bảo hộ.
Chính phủ Trung Quốc cũng hứa sẽ hỗ trợ Ấn Độ. Vào ngày 26/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã tweet: “Chúng tôi lo ngại về tình hình nghiêm trọng ở Ấn Độ. Chúng tôi sẵn sàng trợ giúp nếu Ấn Độ cho chúng tôi biết nhu cầu cụ thể của họ”.
Tuy nhiên, theo thông tin từ Times of India ngày 26/4, hãng hàng không Tứ Xuyên Airlines của nhà nước Trung Quốc đã đình chỉ tất cả các chuyến bay chở hàng đến Ấn Độ trong 15 ngày. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng người dân địa phương có được máy tạo oxy và các thiết bị y tế cần thiết khác từ Trung Quốc.
Ngoài ra, các thương nhân cũng phàn nàn rằng các nhà sản xuất Trung Quốc đã tăng giá vật tư y tế lên 35-40%, và phí vận chuyển cũng tăng hơn 20%.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 26/4, một phóng viên của Tổng công ty Phát thanh truyền hình Ấn Độ đã hỏi người phát ngôn Uông Văn Bân về việc tạm ngừng các chuyến bay rằng: “Tuần trước, ông đã nói Trung Quốc và Ấn Độ đang trao đổi về việc Trung Quốc cung cấp vật tư y tế cho Ấn Độ. Đồng thời, các công ty Ấn Độ cũng đang mua vật tư y tế từ Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu của Ấn Độ nhằm ứng phó với dịch bệnh. Nhưng hôm nay, Hãng hàng không Tứ Xuyên của Trung Quốc đã đình chỉ hoạt động vận chuyển hàng hóa đến Ấn Độ, điều này đã khiến Ấn Độ không thể mua các mặt hàng cần gấp vào thời điểm quan trọng này”.
Ông Uông đáp, Trung Quốc vẫn sẽ hỗ trợ và việc các công ty Ấn Độ mua khẩn cấp vật tư y tế từ Trung Quốc “là hành vi thương mại bình thường giữa các công ty”. Ông Uông còn đề nghị phóng viên Ấn Độ kiểm tra với các hãng hàng không liên quan về hoạt động của các chuyến bay cụ thể.
Hiện tại, hơn 10 quốc gia đã đình chỉ các chuyến bay đến Ấn Độ, nhưng lệnh cấm này không bao gồm các chuyến bay chở hàng hoặc chở nhân viên y tế. Vương quốc Anh còn đang tích cực điều động các chuyến bay chở vật tư y tế đến Ấn Độ. Một chuyến bay từ Vương quốc Anh mang theo máy thở và máy tạo oxy đã hạ cánh xuống Delhi vào ngày 27/4.
Bình luận về lời hứa sẽ giúp Ấn Độ của Trung Quốc, nhà báo Mỹ và chuyên gia về Trung Quốc Gordon Chang viết trên Twitter có ý mỉa mai: “Cảm ơn Trung Quốc. Các vị có thể giúp Ấn Độ — và phần còn lại của thế giới — nếu các vị cho chúng tôi biết tất cả những gì mà các vị biết về cách dịch Covid-19 khởi phát”.
Đại dịch COVID-19 bắt đầu ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc vào cuối năm ngoái, đến nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 3,15 triệu người trên toàn thế giới, nhưng cho đến nay ĐCSTQ vẫn chưa cung cấp dữ liệu gốc về loại virus này.
Ấn Độ bầu nghị viện một bang lớn giữa dịch covid-9
Cho đến hai tuần trước, khi tình hình covid-19 của Ấn Độ thực sự trở nên tồi tệ, câu chuyện lớn nhất năm vẫn là cuộc đua vào nghị viện bang Tây Bengal. Song với 200.000 người đã chết (dĩ nhiên con số thực còn cao hơn) và hơn 300 nghìn ca mới mỗi ngày, người Ấn Độ giờ đã chuyển sự chú ý của họ. Nhưng Bengal vẫn đi bỏ phiếu. Còn 8,5 triệu người đủ điều kiện để bỏ phiếu trong hôm nay, và kết quả sẽ được tính vào Chủ nhật.
90 triệu người Tây Bengal cũng không thể hiểu nổi tại sao Narendra Modi lại mong đảng ông thắng bang này đến vậy. Thống đốc đương nhiệm, Mamata Banerjee, là một cái gai trong mắt thủ tướng, gai nhọn hơn tất cả mọi đối thủ khác. Được biết cuộc bầu cử kéo dài 8 giai đoạn này được cho là có lợi cho ông Modi. Nhóm của ông đã tổ chức vận động toàn thời gian, ngay cả khi cuộc khủng hoảng covid đang quét qua. Trong đó các cuộc mít tinh là rất lớn và phần lớn là chẳng có khẩu trang. Dù ông Modi có thắng được Tây Bengal hay không, thì động thái điên rồ của ông cũng không là gì so với cuộc khủng hoảng đang leo thang.
Trung Quốc đặt thêm luật siết chặt xuất nhập cảnh Hồng Kông
Cứ mỗi ngày trôi qua, mục tiêu biến Hồng Kông thành một thành phố duyên hải như bao thành phố khác của Trung Quốc lại tiến thêm một bước. Năm ngoái, nước này đã ban hành luật an ninh quốc gia hà khắc lên vùng lãnh thổ. Nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn chưa dừng lại. Hôm qua cơ quan lập pháp Hồng Kông – hiện không còn bất kỳ nhà lập pháp ủng hộ dân chủ nào – đã thông qua một sửa đổi đối với thủ tục nhập cư của thành phố, theo đó ban cho các cơ quan chức năng quyền lực vô hạn để kiểm soát những người ra vào Hồng Kông.
Chính phủ hứa rằng luật này, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 8, sẽ chỉ được áp dụng cho các chuyến bay đến nhằm ngăn chặn người nhập cư bất hợp pháp. Nhưng đó cũng chỉ là lời nói suông. Những người phản đối nói lệnh cấm xuất cảnh, tương tự lệnh ĐCSTQ đã áp dụng với khoảng 24 người Mỹ ở Trung Quốc trong ba năm qua, có thể được áp dụng đối với những người ở Hồng Kông. Mô hình “hai chế độ” của Trung Quốc ngày càng hóa thành một.
Kinh tế Mỹ phục hồi thần tốc
Sau cú sốc kinh tế chưa từng có của một năm trước, nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đi đúng hướng. Các số liệu chính thức được công bố hôm nay dự kiến sẽ cho thấy GDP tăng khoảng 6% hàng năm trong quý đầu, so với 4% của quý 4 năm ngoái.
Tăng trưởng nhanh như vậy đồng nghĩa sản lượng kinh tế của Mỹ gần như đã phục hồi về mức tiền đại dịch. Nếu vậy đó sẽ là một sự phục hồi nhanh chóng đáng kinh ngạc. Trong đó không thể kể đến tác động của các chương trình kích thích khổng lồ liên tiếp của chính phủ liên bang, rót tiền vào túi người dân và cho phép họ chi tiêu.
Chỉ một lúc nữa thôi GDP của Mỹ sẽ còn cao hơn cuối năm 2019. Một loạt các chỉ số kinh tế “tần suất cao” đo lường đi lại và chi tiêu, với độ trễ ngắn hơn so với số liệu chính thức, đều cho thấy rằng khi các hạn chế được dỡ bỏ, nền kinh tế Mỹ bung mạnh.
Địa chính trị trong ngành chip: TSMC
Công ty Sản xuất Chất Bán dẫn Đài Loan thống trị ngành này, kiểm soát tới 84% thị trường chip tiên tiến và vẫn còn muốn tăng thị phần. Mới tháng này, công ty thông báo sẽ tăng chi tiêu đầu tư năm nay lên 30 tỷ đô la, từ 17 tỷ đô la của năm 2020.
Công nghệ của TSMC cho đến nay đã giúp họ không bị vướng vào địa chính trị Trung-Mỹ. Nhưng căng thẳng gia tăng có thể làm hại họ. Mỹ đã áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ, theo đó gây khó dễ cho các nhà sản xuất chip bán hàng cho Trung Quốc. Và chính quyền Biden cũng đã dành 50 tỷ đô la để hồi sinh ngành sản xuất chip trong nước, khiến TSMC phải nhanh chóng xây chắc chỗ đứng chân. Tất cả những điều ấy có thể làm Bắc Kinh phiền lòng. Hiện cả hai bên vẫn chưa đả động gì đến TSMC. Nhưng nếu vai trò quan trọng của họ không ngừng tăng lên, thì cuối cùng một bên cũng sẽ cố giành lấy công ty về phía mình.
Võ Thái Hà tóm lược
Không có nhận xét nào