Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ năm 15 tháng 4 năm 2021

    Tình báo: Trung Quốc đẩy mạnh bá chủ toàn cầu là đe dọa an ninh hàng đầu của Mỹ  
    Điểm tin thé giới ngày Thứ năm 15 tháng 4 năm 2021

    Việc Trung Quốc đẩy mạnh quyền lực toàn cầu là mối đe dọa an ninh quốc gia hàng đầu của Mỹ, trong khi những nỗ lực của Nga phá hoại ảnh hưởng của Mỹ để tự khẳng định họ một quốc gia đóng vai trò chính cũng là một thách thức, theo phúc trình tình báo Mỹ công bố ngày 13/4.

    Đánh giá Đe dọa Thường niên 2021 trình bày quan điểm của các cơ quan tình báo Mỹ về những vấn đề chính sách ngoại giao quan trọng mà Tổng thống Joe Biden đối mặt trong năm đầu tiên nhậm chức.

    Trong khi Trung Quốc và Nga được xem là những thách thức hàng đầu, thì Iran và Triều Tiên cũng sẽ là những thử thách đối với an ninh quốc gia Mỹ, phúc trình nói.

    Phúc trình, gởi đến Quốc hội, sẽ là chủ đề thảo luận trong những cuộc họp của ủy ban tình báo Thượng và Hạ viện vào ngày 14/4 và 15/4. GIám đốc Tình báo Quốc gia, Avril Haines, và Giám đốc Cục Tình báo Trung ương William Burns sẽ công khai điều trần lần đầu tiên kể từ khi được chuẩn nhận dưới thời chính quyền Biden.

    Phúc trình nói Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền sẽ đẩy mạnh “nỗ lực toàn chính phủ để lan truyền ảnh hưởng của Trung Quốc, phá hoại ảnh hưởng của Mỹ, chia rẽ Washington với đồng minh và đối tác” và nuôi dưỡng việc chấp nhận hệ thống độc tài của Trung Quốc.

    Cùng lúc, lãnh đạo Trung Quốc sẽ “tìm những cơ hội chiến thuật” để giảm căng thẳng với Mỹ khi phù hợp với những lợi ích của họ, phúc trình nói.

    Vẫn theo phúc trình, Trung Quốc có khả năng tấn công mạng đáng kể mà ở mức tối thiểu có thể gây nên những gián đọan cục bộ tạm thời cho hạ tầng cơ sở trọng yếu trong nước Mỹ.

    Nga tìm cách phá hoại ảnh hưởng của Mỹ, gieo rắc bất đồng giữa các nước Tây phương và bên trong liên minh Tây phương, cũng như xây dựng khả năng “định hình các sự kiện toàn cầu như một tác nhân chính,” phúc trình nói và thêm rằng Nga cũng “vẫn là mối đe dọa an ninh mạng hàng đầu.”

    Đánh giá của các cơ quan tình báo vừa kể về chương trình hạt nhân và ý định của Iran nói rằng Iran “hiện không từ bỏ vũ khí hạt nhân- những hoạt động phát triển mà chúng ta đoán là cần thiết cho việc sản xuất vũ khí hạt nhân.”

    Tuy nhiên tình báo Mỹ nói, sau khi cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi hiệp ước hạt nhân Iran 2015 với các cường quốc thế giới, Tehran “tái tục một số hoạt động” vi phạm thỏa thuận.

    Iran sẽ là “mối đe dọa tiếp tục của các quyền lợi của Mỹ và đồng minh” tại Trung Đông, tiếp tục làm việc để phá hoại ảnh hưởng của Mỹ, phúc trình nói.

    Triều Tiên, tình báo Mỹ nói, “sẽ là mối đe dọa ngày càng tăng của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản” vào lúc nước này nâng khả năng quân sự qui ước. Quan tâm của Bình Nhưỡng chế tạo vũ khí giết người hàng loạt sẽ vẫn là quan ngại chính, phúc trình nói.

    Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un “vẫn mạnh mẽ cam kết vũ khí hạt nhân của nước này, Triều Tiên hiện đang tích cực nghiên cứu và phát triển phi đạn đạn đạo” và vẫn quan tâm đến việc phát triển vũ khí hóa học và sinh học, phúc trình nói.

    Bắc Kinh ‘thề’ ngăn Đài Loan tới gần với Mỹ

    Bắc Kinh cảnh báo hôm thứ Ba (ngày 13/4) rằng họ quyết tâm ngăn cản Đài loan đến gần với Hoa Kỳ, bằng cách sử dụng các hành động quân sự, trước chuyến thăm của cựu chính trị gia và quan chức Hoa Kỳ tới hòn đảo theo yêu cầu của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, theo SCMP.

    Mã Hiểu Quang, phát ngôn viên của Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc, cho biết việc triển khai gần đây của phi đội máy bay chiến đấu lớn nhất tới vùng nhận dạng phòng không Đài Loan đã nói với Đài Loan rằng, việc xích lại gần Mỹ để đòi độc lập sẽ thất bại.

    Ông nói với các phóng viên hôm thứ Ba rằng: “Tín hiệu mà cuộc tập trận đưa ra là chúng tôi quyết tâm ngăn chặn Đài Loan độc lập, và ngăn Đài Loan làm việc với Mỹ. Chúng tôi đang làm điều đó bằng hành động”.

    Ông nói tiếp: “Chúng tôi không hứa từ bỏ việc sử dụng vũ lực, và giữ lại lựa chọn thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết. Chúng tôi nhắm vào sự can thiệp của các thế lực bên ngoài và số lượng rất nhỏ những người ly khai và các hoạt động ly khai của họ. Chúng tôi chắc chắn không nhằm vào những người đồng hương ở Đài Loan”.

    Cảnh báo của ông Mã được đưa ra khi cựu thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Chris Dodd và các cựu thứ trưởng ngoại giao Richard Armitage và James Steinberg đến Đài Loan hôm thứ Ba theo yêu cầu của ông Biden.

    Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Sáu rằng họ đã phát hành hướng dẫn mới cho phép các quan chức Hoa Kỳ gặp gỡ tự do hơn với các quan chức từ Đài Loan, một động thái làm sâu sắc hơn quan hệ với Đài Bắc trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự xung quanh hòn đảo mà Trung Quốc tự cho là của mình.

    Anh Quốc theo chân Hoa Kỳ và Nato rút quân khỏi Afghanistan

    Quân đội Anh sẽ rút dần số quân nhân còn lại ở Afghanistan, theo lịch phối hợp với Hoa Kỳ và khối Nato, Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace cho biết hôm 15/04.

    Sau 20 năm tham chiến chống Taliban tại quốc gia Hồi giáo có biên giới với Trung Quốc, Pakistan và một số quốc gia trọng yếu về an ninh quốc tế, Anh sẽ rút quân dù đã có 450 lính thiệt mạng.

    Hôm 14/04/2021, Tổng thống Joe Biden nói, "đã đến lúc chấm dứt cuộc chiến dài nhất của nước Mỹ".

    Một thỏa thuận hòa bình với phe Taliban năm 2020 tan vỡ trước khi các bên ký kết vào tháng 5.

    Lịch đàm phán khác vào tháng 5 năm nay ở Thổ Nhĩ Kỳ đã bị phe Taliban hủy.

    Kéo dài và nhiều thương vong

    Cuộc chiến Afghanistan bế tắc và đẫm máu suốt nhiều năm.

    Hoa Kỳ ban đầu đem quân vào để tìm diệt tổ chức Al-Qaeda sau vụ Osama bin-Laden và cộng sự tấn công vào đất Mỹ hồi tháng 9/2001.

    Anh Quốc luôn sát cánh cùng Hoa Kỳ và là lực lượng thứ nhì, từng được giao quản lý, giám sát an ninh ở tỉnh Helmand.

    Nhưng Taliban dùng cách đánh du kích và ngày càng kiểm soát hoặc tranh đấu nhiều lãnh thổ, tuy chưa đủ sức chiếm các đô thị.

    Dường như cả Liên quân Mỹ, Anh và Nato cũng như đối thủ của họ là Taliban chấp nhận rằng không bên nào có thể chiến thắng quân sự dứt điểm.

    Năm 2020, Tổng thống Donald Trump đã nói rõ mong muốn rút quân ra khỏi nước này.

    Một nhượng bộ của Mỹ, giúp đàm phán diễn ra, là quyết định năm 2018 thay đổi chính sách, lâu nay yêu cầu Taliban phải nói chuyện trước tiên với chính phủ Afghanistan.

    Tuy vậy, đến nay thì mọi hy vọng "đàm phán hòa bình" đều tan vỡ.

    Các nhà quan sát nói có nguy cơ nội chiến sẽ quay trở lại Afghanistan.

    Giống như Mỹ, Anh Quốc cam kết nước sẽ vẫn hỗ trợ Afghanistan bằng huấn luyện quân sự cho quân đội chính phủ.

    Hoa Kỳ sẽ rút dần quân để đến 11/09 thì rút hết.

    Nato thì nói sẽ bắt đầu rút quân từ 1 tháng 5.

    Quân tác chiến của Anh đã rút hết từ 2014, nhưng 750 cố vấn quân sự, chuyên gia vẫn ở lại cùng Nato để huấn luyện quân Afghanistan.

    Bộ trưởng Anh, Ben Wallace nói "ngườidân Afghanistan xứng đáng có một tương lai hòa bình, ổn định" và Anh cam kết sẽ cùng đồng minh đáp trả các thách thức nếu quân đội Afghanistan bị tấn công.

    Ông Wallace cũng cảm ơn mọi quân nhân Anh và gia đình họ và nói sự tham chiến tại Afghanistan sẽ để lại "hồi ức không quên" với họ.

    Mỹ sẽ rút quân khỏi Afghanistan trước ngày 11/9

    Tổng thống Joe Biden chính thức tuyên bố rút gần như toàn bộ 2.500 lính Mỹ còn lại ở Afghanistan trước ngày 11 tháng 9, đúng dịp kỷ niệm 20 năm cuộc tấn công đã khiến Mỹ tham chiến. Ngay từ năm 2009, ông Biden, người rõ ràng không thích khái niệm “chiến tranh vĩnh viễn” của Mỹ, đã kêu gọi rút hầu hết quân đội khi vẫn còn là phó tổng thống của Barack Obama. Song, ông Obama lại gửi thêm 17.000 lính.

    Tuy nhiên, việc Mỹ rời đi không đồng nghĩa với việc người Afghanistan sẽ có hòa bình. Kabul và một số thành phố lớn khác đang bị bao vây bởi các nhóm chiến binh, những người đang thống trị ở các vùng nông thôn. Do đó nước này đứng trước nguy cơ xảy ra nội chiến, và có lẽ là một cuộc tiếp quản Kabul của Taliban. Đó sẽ là thảm họa. Mọi chuyện có thể khác đi nếu ông Biden tiếp tục tài trợ cho nhà nước Afghanistan và thúc đẩy chính phủ cùng với Taliban tiến tới một thỏa thuận hòa bình. Nhưng nó là một canh bạc mạo hiểm chẳng sáng sủa lắm.

    Anh và EU vẫn còn tranh cãi về Bắc Ireland

    Hôm nay là hạn chót để Anh trả lời đơn khiếu nại pháp lý của EU về việc nước này đơn phương kéo dài ân hạn cho cái gọi là giao thức Bắc Ireland, trong đó hoãn kiểm tra hải quan đầy đủ đối với thực phẩm siêu thị xuất khẩu từ Anh đến Bắc Ireland. Với việc Anh đã rời khỏi liên minh thuế quan và thị trường chung EU nhưng Bắc Ireland vẫn thuộc cả hai, thì kiểm tra hải quan là cần thiết. Cho đến nay, EU không hài lòng với câu trả lời của Anh và sẽ tiếp tục các hành động pháp lý.

    Trong khi đó Nghị viện châu Âu lại một lần nữa hoãn phê chuẩn hiệp ước Brexit. Dù vậy, hai bên vẫn đang đàm phán để cải thiện cách thức hoạt động của giao thức, điều có thể dẫn đến một cuộc họp chính trị sớm giữa các nhà đàm phán. Hiện Bắc Ireland đang có bạo động, chủ yếu là ở những người trẻ ủng hộ Anh. Động lực của họ một phần là để phản đối việc kiểm tra hải quan giữa tỉnh này và phần còn lại của Liên hiệp Anh, điều mà nhiều người coi là một bước tiến tới sự tan rã của Liên hiệp.

    Giới quốc phòng Mỹ lo ngại về các lỗ hổng an ninh của GPS

    Hội nghị của Viện Chiến lược Quốc phòng, nơi tập hợp các chuyên gia quốc phòng từ các chính phủ, doanh nghiệp và học viện ở Washington, DC, sẽ bế mạc hôm nay. Sự kiện này đã gây xôn xao về vấn đề điểm yếu của các hệ thống định vị toàn cầu cũng như các mạng vệ tinh phát vị trí và thời gian chính xác khác. Theo cơ quan liên chính phủ Eurocontrol, số sự cố do phi công báo cáo đã tăng từ 164 trong năm 2017 lên 3.564 vào năm 2019.

    Doanh số bán thiết bị gây nhiễu chống theo dõi cá nhân hiện đang bùng nổ. Các thiết bị quân sự tương đương cũng được dùng để làm gián đoạn các hoạt động của đối phương, và ngăn Nga can thiệp vào các thiết bị tiếp sóng dân dụng. Một thiết bị khác, có chức năng truyền tín hiệu giả, cũng đang ngày càng cải thiện. Một số chuyên gia tin chính các thiết bị này có thể đã “dụ” các tàu vô tình đi vào vùng biển Iran. Ngoài ra các vệ tinh định vị rất dễ bị tấn công. Do đó, khó khăn sẽ ở phía trước đối với các mạng viễn thông, trung tâm dữ liệu và thiết bị lưới có sử dụng chỉ dẫn thời gian từ vệ tinh. Hội nghị này tập trung vào các biện pháp đối phó và các phương án dự phòng, nhưng thời gian đang cạn dần. Các nghị sĩ muốn quân đội Mỹ phải khắc phục được những vấn đề này vào năm 2023.

    Thống đốc mới của ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ chủ trì cuộc họp đầu tiên

    Sahap Kavcioglu, thống đốc mới của ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ, hôm nay sẽ chủ trì cuộc họp ủy ban chính sách tiền tệ đầu tiên của ông. Chỉ mới tháng trước, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thay thế Naci Agbal, vị thống đốc kỹ trị cam kết tuân thủ kỷ luật tiền tệ, bằng ông Kavcioglu, một nhân vật ít tiếng tăm. Quyết định này đã phá hủy niềm tin vào ngân hàng trung ương. Hơn nữa, ông Kavcioglu lại đồng ý với ông Erdogan rằng lãi suất cao gây ra lạm phát, trong khi chỉ chưa đầy hai năm tổng thống đã sa thải ba thống đốc ngân hàng.

    Đồng lira đã mất 11% giá trị so với đồng đô la kể từ khi ông Agbal mất chức. Lãi suất cao hơn sẽ giúp ổn định đồng tiền, giảm tốc độ lạm phát (hiện trên 16%) và giúp nhà đầu tư yên tâm hơn về ông Kavcioglu. Nhưng hầu hết các nhà phân tích dự đoán ngân hàng sẽ giữ lãi suất ổn định trong hôm nay và bắt đầu cắt giảm chúng vào cuối năm. Đồng lira bước vào năm 2021 như là một trong những đồng tiền hoạt động tốt nhất trong số các đồng tiền mới nổi. Giờ đây nó có thể sẽ kết năm ở dưới đáy bảng xếp hạng.

    Đường sắt Việt Nam ‘kêu cứu’, khó có thể trụ vững đến hết tháng 4


    Do chưa được nhà nước giao vốn bảo trì, ngành đường sắt thiếu kinh phí hoạt động và nợ lương hơn 11.300 lao động. Vấn đề này đã đẩy doanh nghiệp đến bước đường cùng, khó có thể trụ vững đến hết tháng 4.

    VnExpess đưa tin, ngày 14/4, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, đã kiến nghị khẩn về những vướng mắc liên quan đến kinh phí bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

    Năm 2021, VNR dự kiến được nhà nước giao 2.800 tỷ đồng để duy tu đường sắt và trả lương cho hơn 11.300 lao động. Tuy nhiên, 4 tháng qua, đơn vị này vẫn chưa được giao vốn. Các doanh nghiệp đường sắt phải nợ lương công nhân và chưa có kinh phí mua vật tư duy tu, bảo trì. Người lao động chỉ được tạm ứng một phần lương để duy trì cuộc sống.

    Nguy cơ cao là các lao động hệ tuần đường, tuần cầu, tuần hầm, gác chắn đường ngang sẽ bỏ việc vì không có thu nhập. Vấn đề này đã đẩy doanh nghiệp đến bước đường cùng, khó có thể trụ vững đến hết tháng 4/2021”, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch VNR nói trên VTC New.

    Đây không phải lần đầu tiên VNR kêu cứu vì vướng mắc chậm được phân bổ vốn bảo trì. Tháng 2/2020, lãnh đạo ngành đường sắt cho biết chưa nhận được dự toán, khiến 11.315 người lao động không có tiền lương, dẫn đến nguy cơ phải dừng chạy tàu.

    Nguyên nhân cũng do vướng mắc là cơ chế giao dự toán bảo trì, thay vì giao thẳng cho VNR như trước đây, thì Bộ GTVT lại đặt hàng cho VNR thông qua Cục Đường sắt – theo Thanh Niên.

    Ba mươi mốt Dân biểu và Thượng Nghị Sĩ Mỹ kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ không trục xuất người Việt đến trước năm 1995


    Những nhà hoạt động biểu tình ở California hôm 6/3/2021 phản đối việc chính phủ của Tổng thống Joe Biden tiếp tục chính sách trục xuất người nhập cư

    AFP

    Một nhóm Dân biểu và Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ gồm 31 người, do dân biểu Liên Bang Alan Lowenthal dẫn đầu, vào ngày 13 tháng tư gửi đến chính phủ của Tổng thống Joe Biden kêu gọi ngưng trục xuất người Việt tị nạn đến Mỹ trước năm 1995.

    Thư gửi trực tiếp đến Bộ trưởng Nội An Alejandro Myorkas và Quyền Giám đốc Cơ quan Nhập cư & Hải quan Hoa Kỳ, Tae Johnson.

    Nội dung thư yêu cầu Bộ trưởng Mayorkas xác nhận hoặc phủ nhận các tin đồn về một Bản Ghi Nhớ Hoa Kỳ- Việt Nam mới vừa được ký vào tháng hai năm nay. Nội dung Bản Ghi Nhớ liên quan việc trục xuất một số người Việt tỵ nạn đến Hoa Kỳ định cư trước thời điểm 1995.

    Các vị Dân biểu và Thượng nghị sĩ ký tên vào thư cũng yêu cầu Bộ trưởng Nội An xác nhận hoặc phủ nhận tin về một chuyến bay đặc biệt của Omni Air chở 33 người Việt đưa về Hà Nội hôm 15 tháng ba vừa qua.

    Bức thư dẫn lời của Dân biểu Alan Lowenthal rằng những người ngày đã sinh sống tại Hoa Kỳ trong nhiều thập niên qua và đáng lẽ phải được bảo vệ không bị trục xuất theo tinh thần Bản Ghi Nhớ ký năm 2008 giữa Washington và Hà Nội. Thỏa thuận này được chính phủ của hai tổng thống George W. Bush và Obama tôn trọng. Theo đó loại trừ việc trục xuất bất cứ người Việt Nam đến Hoa Kỳ định cư trước khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 7 năm 1995.

    Những người ký tên vào lá thư bày tỏ sự phản đối đối với bất cứ thỏa thuận nào đi ngược với cam kết vừa nêu.

    Chuyên gia: Mỹ – Nhật sẽ “ra tay” nếu Trung Quốc dùng vũ lực với Đài Loan

    Một trong những trọng tâm thảo luận giữa Tổng thống Biden và Thủ tướng Nhật trong cuộc gặp sắp tới là tình hình eo biển Đài Loan, và mở rộng phạm vi của “Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật” đối với quốc đảo. Điều này tương đương với việc tuyên bố với thế giới rằng, nếu ĐCSTQ sử dụng vũ lực để xâm lược Đài Loan, Mỹ-Nhật sẽ bảo vệ người dân đảo, theo Epoch Times.

    Theo dự kiến, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide sẽ gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden trong hội nghị thượng đỉnh về dân chủ do Mỹ và Nhật Bản tổ chức tại Washington vào ngày 16/4.

    Hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản đưa tin, hai bên sẽ hội đàm về 3 lĩnh vực của chuỗi cung ứng công nghệ, bao gồm biến đổi khí hậu – chiến lược ứng phó với dịch bệnh – đất hiếm và chất bán dẫn. Ngoài ra, Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng có thể sẽ đàm phán vấn về vấn đề quân đội Trung Quốc xâm lược Đài Loan. Cách đây vài ngày, Thủ tướng Suga Yoshihide đã nhấn mạnh rằng, ông hy vọng hợp tác Nhật-Mỹ có thể duy trì ảnh hưởng và giảm căng thẳng trên eo biển Đài Loan.

    Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Motegi Toshimoto cũng cho biết trong một cuộc họp báo chung rằng, hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.

    Trả lời phỏng vấn với tờ Epoch Times, ông Quách Dục Nhân – giáo sư tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương thuộc Đại học Sun Yat-sen – Đài Loan cho hay: “Nếu không có chuyện gì xảy ra, thì vấn đề ổn định ở eo biển Đài Loan sẽ xuất hiện trong tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Nhật vào ngày 16/4”.

    Dưới đây là một số phân tích, nhìn nhận của giáo sư Quách về vấn đề này:

    Mỹ – Nhật sẽ bảo vệ Đài Loan

    Tuyên bố chung Mỹ – Nhật có gì đặc biệt? Giáo sư Quách Dục Nhân giải thích rằng, Hoa Kỳ và Nhật Bản là đồng minh, bản chất các cuộc gặp thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo hai nước có quan hệ ngoại giao là hoàn toàn khác nhau. Nói chung, các chủ đề mà hai nước thảo luận khi tổ chức các hội nghị thượng đỉnh như vậy chỉ là một ý định và chúng chỉ đưa ra định hướng chung cho tương lai. Nếu các đồng minh tổ chức một hội nghị thượng đỉnh dân chủ như vậy, có nghĩa là, tuyên bố chung đưa ra ngày 16/4 tương đương với một văn bản rõ ràng, ràng buộc cả hai nước và cả Mỹ, cũng như Nhật Bản đều phải tuân theo nội dung của hiệp ước, đồng thời phải thực hiện nghĩa vụ của mình trong hiệp ước.

    Giáo sư Quách cho rằng, tuyên bố chung được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Nhật sẽ phù hợp với những thay đổi của tình hình quốc tế và những cân nhắc trong chiến lược sẽ làm phong phú thêm nội dung của Hiệp ước an ninh Mỹ – Nhật. Một khi sự ổn định của eo biển Đài Loan được đưa vào tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh ngày 16/4, “điều đó sẽ đại diện cho sự phòng thủ – bảo vệ của Hoa Kỳ và Nhật Bản, và sẽ mở rộng đến Đài Loan, cũng như eo biển Đài Loan trong tương lai”, ông nói.

    Ông Quách cho rằng, Hoa Kỳ và Nhật Bản hiện đang đánh giá sự thù địch quân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với Đài Loan không ngừng gia tăng. Đặc biệt là Đài Loan, với vị trí nằm trên chuỗi đảo thứ nhất, quốc gia này sẽ phải gánh chịu nhiều ảnh hưởng nhất nếu bị ĐCSTQ kiểm soát. Do đó, Hoa Kỳ và Nhật Bản phải mở rộng phạm vi phòng thủ.

    Giáo sư Quách nói thêm rằng, chỉ cần “có điều gì đó xảy ra ở vùng lân cận” của Nhật Bản, Nhật Bản phải cung cấp và hỗ trợ thích hợp cho quân đội Mỹ.

    Để đối phó với mối đe dọa của ĐCSTQ đối với Hoa Kỳ, sự trợ giúp của Nhật Bản đối với Hoa Kỳ đã được nâng cấp lên các hoạt động quân sự, bao gồm việc bảo vệ các căn cứ, máy bay quân sự và tàu chiến của Hoa Kỳ. Toàn bộ trách nhiệm được giao cho lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Lực lượng này có thể tác chiến chống lại quân đội nước khác trong các trận chiến.

    Ông Quách nhấn mạnh rằng, “nếu vấn đề eo biển Đài Loan được đưa vào tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật, điều đó có nghĩa là các hoạt động triển khai quân sự, tập trận và các nhiệm vụ quân sự thực tế của Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ bao gồm eo biển Đài Loan và Đài Loan”.

    Nhật sẽ nhìn vào Mỹ để hành động


    Về cuộc gặp gỡ sắp diễn ra giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản, ĐCSTQ tiếp tục gây áp lực lên Nhật Bản. Tuy nhiên, trong 90 phút điện đàm của Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, ông Motegi Toshimoto hiếm khi chỉ trích mạnh mẽ ĐCSTQ. Vậy thì, Phương hướng của quan hệ Trung Quốc – Nhật Bản trong tương lai là gì?

    Giáo sư Quách Dục Nhân phân tích rằng, cuộc tấn công của Nhật Bản nhằm vào nhân quyền của ĐCSTQ là một tuyên bố mà với tư cách là một quốc gia dân chủ và là đồng minh của Hoa Kỳ phải đưa ra. Hiện tại, đó chỉ là lời lên án và chưa có hành động cụ thể nào. Bởi lẽ, Nhật Bản vẫn đang chờ xem chính quyền Biden sẽ đưa ra chiến lược nào trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật sắp tới.

    Ông nói thêm rằng, nếu Hoa Kỳ không đề xuất các biện pháp hữu hiệu để kiềm chế ĐCSTQ trong chiến lược ngoại giao của mình, thì khi đối mặt với ĐCSTQ trong tương lai, Nhật Bản sẽ đi theo con đường riêng của mình, có thể sẽ tiếp tục đường lối của cựu Thủ tướng Abe – duy trì mối quan hệ tốt đẹp với ĐCSTQ về mặt ngoại giao.

    “Hiệp ước An ninh Mỹ – Nhật” là hiệp ước tương trợ an ninh được ký kết giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản tại Washington vào ngày 19/1/1960. Hiệp ước này tuyên bố rằng, hai nước sẽ cùng duy trì và phát triển các lực lượng quân sự để cùng nhau chống lại các cuộc tấn công vũ trang. Đồng thời, hiệp ước cũng coi việc tấn công vào lãnh thổ Nhật Bản là gây tổn hại cho quốc gia khác. Ngoài ra, cũng bao gồm các quy định của quân đội Hoa Kỳ khi đóng quân tại Nhật Bản.

    Murdock: Ngay cả đảng viên Dân chủ cũng bắt đầu chống lại cánh tả


    Nhà báo Deroy Murdock của Fox News đã có bài phân tích về việc ngày càng có nhiều đảng viên Dân chủ bắt đầu chống lại những ý tưởng điên rồ của cánh tả. Dưới đây là một số ví dụ ông nêu ra trong bài viết đăng tải trên Fox News:

    Quyết định về biên giới của TT Biden

    Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới báo cáo hôm thứ Năm rằng các trường hợp bắt gặp người di cư bất hợp pháp ở biên giới phía nam đã tăng vọt từ 36.687 vụ vào tháng 2/2020 lên 101.028 vụ vào tháng 2/2021, mức tăng là 175%. Tương tự, tháng 3/2020 có 34.460 trường hợp di cư bất hợp pháp bị bắt gặp và vào 3/2021, con số này đã tăng lên 172.331 trường hợp, tăng 71% so với tháng trước và 400% so với cùng kỳ năm ngoái.

    Hôm 7/4, dân biểu Cộng hòa Jim Jordan (bang Ohio) đã dẫn đầu một nhóm dân biểu Cộng hòa đến biên giới Texas-Mexico để thăm các cơ sở liên bang tạm trú đối với trẻ vị thành niên nhập cư không có người đi kèm.

    Dân biểu cho biết các thành viên Hạ viện đã thấy 527 đứa trẻ bị nhồi nhét vào một khu vực tạm giữ dành cho 33 trẻ em. Điều này tương đương với công suất sử dụng của khu vực này đã bị đẩy lên mức 1596%. Tình trạng dã man này đã chế giễu phương án giãn cách xã hội, chưa kể đến việc 10% trong số trẻ em này có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID.

    Đảng viên Dân chủ phản ứng thế nào?

    Dân biểu Dân chủ Ro Khanna nói với MSNBC “Một số trẻ không có thức ăn, chúng không được tắm, chúng bị tạm giữ hơn 72 giờ”, điều này trái với luật liên bang. Ông cho biết “Đây là những vi phạm nhân quyền.”

    Dân biểu Dân chủ Texas Vicente Gonzale đã viết một lá thư cho TT Biden hôm 3/3. Trong thư có đoạn “Tình hình hiện tại ở biên giới rất bấp bênh và chúng ta cần quan tâm ngay lập tức. Các nhân viên đang bị lôi khỏi vị trí công việc của họ để xử lý người di cư, [họ] bị lôi khỏi nhiệm vụ bảo vệ biên giới của chúng ta… Các tổ chức tội phạm đang thu lợi trong quá trình này”.

    Một dân biểu Dân chủ khác ở bang Texas, ông Henry Cuellar phàn nàn “Tổng thống đã cử một phái đoàn và một loạt người từ Tòa Bạch Ốc. Họ không nói chuyện với bất kỳ ai, thậm chí không phải là thành viên Quốc hội xuống đây… Tôi nghĩ rằng họ cần phải làm nhiều hơn và lắng nghe các cộng đồng ở biên giới.”

    Thị trưởng Dân chủ ở thành phố Del Rio, Texas Bruno Lozano gọi đây là “cuộc khủng hoảng biên giới của Biden” bởi vì theo ông, TT Biden không có kế hoạch hành động để đối phó với vấn đề biên giới.

    Đảng Cộng hòa phản đối chính sách chi tiêu độc hại, cấp tiến của Biden

    Chính sách cơ sở hạ tầng nghìn tỷ USD của ông Biden bao gồm việc tăng thuế doanh nghiệp từ 21% lên 28%, tăng thuế thu nhập cá nhân, 100 tỷ USD cho cuộc đua thị trường việc làm và bình đẳng giới, 174 tỷ USD cho thị trường xe điện, 213 tỷ USD cho nhà ở giá rẻ và “bền vững”; và hàng tỷ USD không liên quan khác.

    Đảng viên Dân chủ phản ứng thế nào?

    Thượng nghị sĩ Joe Manchin (bang Tây Virginia) nói rằng dự luật này cần phải thay đổi. Ông Manchin hứa sẽ sử dụng đòn bẩy của mình trong Thượng viện để điều chỉnh mức thuế về mức mà ông cho là “công bằng” hơn.

    Thượng nghị sĩ Dân chủ Mark Warner (bang Virginia) nói với Politico rằng ông đã bày tỏ một số lo ngại với Tòa Bạch Ốc về chính sách này.

    Luật bầu cử ở bang Georgia

    TT “đoàn kết” Biden luôn gọi luật bầu cử này là “bệnh hoạn”, “không phải người Mỹ”… Ông cũng nói sẽ ủng hộ mạnh mẽ việc rút giải bóng chày All-Star ra khỏi tiểu bang.

    Tuy nhiên Ủy viên Liên đoàn Bóng chày Mỹ Rob Manfred cũng như các CEO khác đã phản ứng thái quá khi “tẩy chay” bang Georgia vì luật bầu cử tại bang này cho phép cử tri bỏ phiếu sớm hơn so với tại tiểu bang New York và Delaware. Nó yêu cầu cử tri trình xuất giấy tờ nhận dạng – như tại Colorado và 33 tiểu bang khác .

    Báo cáo Rasmussen công bố ngày 6/4 cho biết, 75% cử tri được khảo sát tin rằng giấy tờ tùy thân kèm ảnh là “cần thiết cho một quá trình bầu cử công bằng và an toàn.” Trong đó, 89% đảng viên Cộng hòa, 65% đảng viên Dân chủ và 73% người da đen đồng tình với quan điểm này. Đây có phải phân biệt chủng tộc không?

    Đảng viên Dân chủ phản ứng thế nào?

    Giống như đảng viên Cộng hòa, đảng viên Dân chủ giờ đây cũng chê bai “trò ngông cuồng” của Liên đoàn Bóng chày khi tẩy chay bang Georgia.

    Thượng nghị sĩ Dân chủ Jon Ossoff bang Georgia cho biết “Tôi hoàn toàn phản đối và bác bỏ mọi quan điểm tẩy chay Georgia. Georgia hoan nghênh các hoạt động kinh doanh của thế giới.”

    Vụ đài CBS tấn công thị trưởng Florida Ron DeSantis


    Bản tin 60 phút gây sửng sốt ngày 4/4 của CBS đã cáo buộc ông DeSantis cấp quyền phân phối độc quyền vắc-xin COVID-19 cho chuỗi siêu thị Publix để đổi lấy khoản quyên góp chiến dịch trị giá 100.000 đô-la từ công ty này. Tuy nhiên, chuỗi siêu thị Publix không hề nhận được quyền lợi này.

    Đảng viên Dân chủ phản ứng thế nào?

    Về cáo buộc này, những người bào chữa cho ông DeSantis mạnh mẽ nhất lại là… các đảng viên Đảng Dân chủ.

    Thị trưởng Dân chủ Dave Kerner quận Palm Beach cho biết “Báo cáo không chỉ dựa trên thông tin xấu – mà nó cố ý [đưa tin] sai sự thật. Tôi đã đề nghị cung cấp thông tin chi tiết mà tôi biết về các nỗ lực tiêm chủng của Quận Palm Beach, nhưng chương trình 60 Phút đã từ chối … Chúng tôi [ông Kerner và quản lý viên của quận] là người đã yêu cầu mở rộng quan hệ đối tác của Quận Palm Beach với chuỗi siêu thị Publix.”

    Ông Kerner nói rằng chương trình 60 phút nên tự cảm thấy xấu hổ. Ông lập luận rằng chương trình này đã loại bỏ quan điểm của ông vì nó “sẽ gây hại cho câu chuyện của họ”.

    Đảng viên đảng Dân chủ Jared Moskowitz, giám đốc quản lý tình trạng khẩn cấp của bang Florida cho biết trên Twitter “Chuỗi siêu thị Publix được [Nhóm Ứng cứu Khẩn cấp của Bang Florida] và Sở Y tế Florida khuyến nghị vì các hiệu thuốc khác chưa sẵn sàng [phân phối vắc-xin COVID]. Không ai trong văn phòng Thống đốc [DeSantis] đã đưa ra đề nghị đó với Publix. Cáo buộc này là hoàn toàn vô lý”.

    Tác giả kết luận rằng, những ví dụ như thế này cho thấy có những giới hạn cho việc cánh tả có thể tác động lên nước Mỹ và những giới hạn này nằm trong tầm tay.


    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào