Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ năm 08 Tháng 4 năm 2021

    Mỹ cảnh cáo Trung Quốc về Biển Đông và Đài Loan
    Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Ned Price trong cuộc họp báo tại bộ Ngoại Giao, Washington DC, Hoa Kỳ, ngày 31/03/2021. REUTERS - POOL

    Hôm qua, 07/04/2021, Hoa Kỳ đã lên tiếng cảnh cáo Trung Quốc về những hành động ngày càng hung hăng đối với Philippines và Đài Loan, đồng thời nhấn mạnh đến những nghĩa vụ của Washington đối với các đối tác châu Á.

    Theo hãng tin AFP, trong cuộc họp báo hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Ned Price khẳng định : « Một cuộc tấn công vũ trang chống các lực lượng quân sự, các tàu hay các phi cơ của Philippines tại vùng Thái Bình Dương, kể cả ở Biển Đông, sẽ buộc chúng tôi thi hành các nghĩa vụ chiếu theo hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines ».

    Ông Ned Price nói thêm : « Chúng tôi chia sẻ mối quan ngại của đồng minh Philippines trước những thông tin về sự tập hợp liên tục của lực lượng trên biển của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại khu vực gần Đá Ba Đầu ».

    Khoảng 200 tàu của Trung Quốc đã bị tuần duyên Philippines phát hiện từ ngày 07/03 ở khu vực Đá Ba Đầu, thuộc Cụm Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa, cách tỉnh Palawan của Philippines 320 km. Nhưng đa số các tàu này sau đó đã phân tán ra những khu vực khác của quần đảo Trường Sa. Từ mấy tuần qua, Bắc Kinh vẫn từ chốt rút các tàu của họ, mà Manila khẳng định là đã xâm nhập trái phép vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

    Căng thẳng cũng đã bùng lên giữa Trung Quốc với Đài Loan. Theo Đài Bắc, hôm qua đã có thêm 15 phi cơ Trung Quốc, trong đó có 12 chiến đấu cơ, xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Trong những tháng gần đây, hầu như ngày nào cũng có phi cơ Trung Quốc xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Tình hình lên đến mức mà ngoại trưởng Ngô Chiêu Nhiếp (Joseph Wu) hôm qua đã tuyên bố Đài Loan sẽ « chiến đấu đến cùng » nếu bị Trung Quốc tấn công.

    Trong cuộc họp báo hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Ned Price đã bày tỏ mối « quan ngại » của Washington về những hành động này của Bắc Kinh. Ông Ned Price nhắc lại là chiếu theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan (Taiwan Relations Act), Mỹ có nghĩa vụ cung cấp vũ khí cho Đài Loan nếu đảo này bị Trung Quốc tấn công.

    Trong bối cảnh căng thẳng này, hải quân Mỹ thông báo là chiếc khu trục hạm trang bị tên lửa dẫn đường John S.McCain hôm qua đã đi ngang qua eo biển Đài Loan trong một chuyến đi « bình thường ».

    Lào: Bạn học cũ của Tập Cận Bình làm chủ nhiệm văn phòng chủ tịch nước

    Lào đã bổ nhiệm một người bạn học cũ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình làm trợ lý hàng đầu cho nhà lãnh đạo mới của nước này.

    Khemmani Pholsena, 64 tuổi, được bổ nhiệm làm chủ nhiệm văn phòng chủ tịch nước. Bà sẽ là cố vấn cho cho Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith, người kiêm chức tổng bí thư của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào cầm quyền.

    Việc bổ nhiệm bà cho thấy Lào sẽ xích lại gần hơn với Trung Quốc, quốc gia cung cấp hỗ trợ kinh tế lớn cho nước này. Khemmani trước đây giữ chức Bộ trưởng Công Thương.

    Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước xếp thứ 31 trong Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Nhưng Khemmani là con gái của một nhà ngoại giao từng sống ở Bắc Kinh, và người ta tin rằng bà học cùng trường tiểu học với ông Tập khi còn ở thủ đô Trung Quốc.

    Ông Tập, 67 tuổi, đã đến thủ đô Vientiane của Lào hồi năm 2017 sau khi dự hội nghị Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương tại Việt Nam. Trong thời gian ở đây, ông Tập đã gặp Khemmani và gia đình bà.

    “Tôi rất vui được tái ngộ bạn học và những người bạn cũ của mình”, ông Tập phát biểu vào thời điểm đó, theo lời Bộ Ngoại giao Trung Quốc. “Gia đình Pholsena là những người bạn tốt và là bạn cũ của Trung Quốc.”

    Norihiko Yamada thuộc Viện Các nền kinh tế đang phát triển tại Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản cho biết mối quan hệ của bà với ông Tập có lẽ đã ảnh hưởng đến việc bà được chuyển đến vị trí công tác mới.

    Yamada nói: “Tôi dự đoán Khemmani sẽ đi cùng Thongloun trong các chuyến công du đến Trung Quốc, và ý định can dự với Trung Quốc là một yếu tố quan trọng”.

    Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Lào. Nợ công của Lào đối với Bắc Kinh đã tăng 20% ​​trong năm 2019 lên khoảng 5,2 tỷ USD, theo Ngân hàng Thế giới. Trung Quốc chiếm khoảng 80% số nợ nước ngoài song phương của Lào.

    Các dự án quy mô lớn được hỗ trợ bởi nguồn vốn Trung Quốc bao gồm các đập thủy điện và dự án đường sắt cao tốc. Các dự án này đã giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Lào, vốn đạt mức 6% -7% hàng năm.

    Quốc hội Lào đã bầu Thongloun làm chủ tịch nước hôm thứ Hai (22/03/2021) và sau đó phê chuẩn danh sách các thành viên chính phủ, trong đó có Khemmani.

    “Tôi sẽ làm mọi thứ cần thiết để cải thiện sinh kế của người dân”, Thongloun nói với các đại biểu Quốc hội hôm thứ Hai.

    Biển Đông: Bắc Kinh tính ‘bổn cũ soạn lại’ ở Đá Ba Đầu?


    Theo Vision Times, kể từ tháng 3, hơn 200 tàu Trung Quốc đã tập trung tại Đá Ba Đầu, một hòn đảo tranh chấp ở Biển Đông, gây ra căng thẳng về ngoại giao giữa các nước. Bắc Kinh từng mượn có cho tàu tránh trú thời tiết xấu để chiếm Đá Vành Khăn. Liệu thế giới có thể chính quyền Trung Quốc “bổn cũ soạn lại”?

    Các nhà ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng các tàu cá của họ đang trú ẩn khi biển động. Tuy nhiên, sau khi thời tiết cải thiện, những cái gọi là “tàu đánh cá” này vẫn ở lại khu vực này.

    Vào ngày 25/3, sau khi Philippines phản đối ngoại giao nhiều lần không được hồi đáp, quân đội Philippines đã ra lệnh triển khai thêm tàu ​​chiến ở Biển Đông trong nhiệm vụ “tuần tra chủ quyền”.

    Các chuyên gia và nhà báo điều tra nghi ngờ rằng các tàu dân sự Trung Quốc, bao gồm cả tàu đánh cá, thường có quan hệ với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, cung cấp cho Bắc Kinh một “lực lượng dân quân hàng hải”.

    Harry Roque, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, cho biết tổng thống “rất lo lắng” và “bất kỳ quốc gia nào cũng sẽ lo ngại về số lượng tàu này”. Ông cũng cho biết, trong cuộc gặp với Đại sứ Trung Quốc Huang Xilian, Tổng thống Duterte đã nhắc lại phán quyết năm 2016 của tòa án quốc tế về tranh chấp chủ quyền giữa hai nước ở Biển Đông.

    Ngang ngược kiểu ĐCSTQ


    Bắc Kinh từ lâu đã tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn các vùng biển ở Biển Đông. Nhưng vào năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye đã ra phán quyết rằng Trung Quốc không có “quyền lịch sử” đối với vùng biển chiến lược.

    Tuy nhiên, Bắc Kinh cho biết họ không công nhận phán quyết và đã xây dựng các đảo nhân tạo có trang bị radar, bệ phóng tên lửa và nhà chứa máy bay chiến đấu trong vùng biển tranh chấp.

    Theo những hình ảnh vệ tinh mới nhất được chụp bởi Maxar Technologies, một công ty công nghệ vũ trụ của Mỹ, “hòn đảo” lớn thứ hai trong quần đảo Trường Sa, thuộc Bãi đá ngầm Subi, mà Trung Quốc đã bồi đắp thành đảo nhân tạo, gần đây đã tiếp tục dự án “cải tạo đất”.

    Trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 24/3, cựu thẩm phán Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio, một trong những cố vấn pháp lý đảm bảo chiến thắng của Philippines trước Trung Quốc tại tòa án quốc tế ở The Hague, cho biết ông “đặc biệt lo lắng” về việc chính quyền Trung Quốc cho hàng trăm tàu dân quân neo đậu tại Đá Ba Đầu, vì họ từng sử dụng cách tương tự để chiếm Đá Vành Khăn vào năm 1995.

    Thế giới không khoanh tay đứng nhìn

    Anh, Pháp và Đức đã tuyên bố gửi tàu đến Biển Đông để thực hiện quyền “ tự do hàng hải”.

    Ngày 2/3, các quan chức chính phủ Đức cho biết một trong những khinh hạm của nước này sẽ lên đường tới châu Á vào tháng 8 và sẽ đi qua khu vực tranh chấp trên Biển Đông trong hành trình quay trở lại, trở thành tàu chiến đầu tiên của Đức đi qua Biển Đông kể từ năm 2002.

    Vào ngày 8/2, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cũng thông báo rằng tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân SNA Suffren của nước này đang hoạt động trên Biển Đông và các vùng biển Ấn Độ – Thái Bình Dương khác.

    Một tàu hải quân của Canada cũng đã đi qua eo biển Đài Loan vào tháng Giêng năm nay, cùng với các lực lượng hàng hải của Australia, Nhật Bản và Mỹ đang tiến hành các cuộc tập trận quân sự ở vùng biển gần đó.

    Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã thông báo tại Hạ viện rằng tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh sẽ có chuyến hành trình trên vùng biển Ấn Độ – Thái Bình Dương vào cuối năm nay.

    Vào Chủ nhật, ngày 4/4, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzan đã đưa ra một tuyên bố, “Sự hiện diện liên tục của các lực lượng dân quân hàng hải Trung Quốc trong khu vực cho thấy ý định của họ nhằm chiếm thêm [các khu vực] ở Biển Tây Philippines [tên gọi của Philippines cho Biển Đông ]”.

    Philippines đã nhiều lần kêu gọi các tàu Trung Quốc rời Đá Ba Đầu. Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã phản ứng bằng cách nói rằng việc các tàu Trung Quốc đánh cá trong khu vực và trú ẩn gần bãi đá ngầm là “hoàn toàn bình thường” trong điều kiện biển động. Ông nói thêm: “Không ai có quyền đưa ra những nhận xét không cần thiết về những hoạt động như vậy”.

    Tính đến ngày 4, 40 tàu Trung Quốc vẫn ở bãi đá ngầm Whitsun mặc dù điều kiện thời tiết đã được cải thiện.

    Mỹ tiếp tục điều tàu khu trục đi ngang eo biển Đài Loan


    Vào hôm thứ Tư (7/4), tàu khu trục USS John S. McCain của Hoa Kỳ đã đi qua eo biển Đài Loan. Đây được cho là hành động phát đi tín hiệu răn đe đối với Hải quân Trung Quốc, theo Sound Of Hope.

    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Ned Price, cho biết vào ngày 7/4 rằng Mỹ cực kỳ lo ngại về sự đe dọa của Hải quân Trung Quốc trong khu vực, và nhấn mạnh rằng cam kết của Mỹ đối với Đài Loan là “vững như bàn thạch”. Ông Price cũng cho biết, Mỹ sẽ giữ vững lời hứa cùng Đài Loan chống lại các mối đe dọa đối với an ninh, nhân dân hoặc nền kinh tế cũng như xã hội của Đài Loan.

    Hải quân Mỹ cũng đã ra tuyên bố cho biết, quân đội Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện việc bay, đi lại và các nhiệm vụ khác trong các khu vực được luật pháp quốc tế cho phép.

    Theo thông tin công khai từ Bộ Quốc phòng Mỹ, đây là lần thứ 4 tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức hôm 20/1.

    Động thái của tàu Mỹ xuất hiện trong bối cảnh thời gian gần đây Bắc Kinh liên tục điều máy bay chiến đấu xâm phạm vùng trời Tây Nam Đài Loan.

    Nhật cảnh báo Bắc Kinh, ban hành luật trừng phạt những người vi phạm nhân quyền


    Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi hôm 5/4 đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về vấn đề nhân quyền ở Hồng Kông và Tân Cương trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị.

    Đáp lại, ĐCSTQ có câu trả lời rằng [Nhật Bản],”đừng nên vươn tay quá xa”. Tuy nhiên, các nghị sĩ đa đảng của Nhật Bản đã ngay lập tức thành lập một tổ chức nhân quyền vào ngày 6/4, đồng thời cho biết họ sẽ quyết tâm thúc đẩy chính phủ Nhật Bản ban hành luật xử phạt các hành vi vi phạm nhân quyền, theo Sound Of Hope.

    Nhật Bản không chỉ đưa ra các tuyên bố về vấn đề quốc phòng mà còn có quan điểm rõ ràng về vấn đề nhân quyền của ĐCSTQ, điều này đã thu hút sự chú ý từ các quốc gia trên thế giới. Mặc dù chưa cùng các nước phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với vấn đề nhân quyền ở Tân Cương, nhưng Nhật Bản đang dần tỏ ra cứng rắn với vấn đề này.

    Theo đó, ngày 6/4, tổ chức nhân quyền đa đảng của Nhật Bản đã tổ chức một cuộc họp với hơn 50 thành viên của Thượng viện và Hạ viện. Mục tiêu của cuộc họp là ban hành luật cho phép trừng phạt những người và nhóm người có liên quan đến vi phạm nhân quyền.

    Ông Gen Nakatani, Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cho biết, “Các vi phạm nhân quyền vẫn đang diễn ra nghiêm trọng ở Myanmar, Tân Cương và Hồng Kông và ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Bây giờ là lúc quốc hội Nhật Bản phải hành động rồi”. Ngoài ra, liên minh các nghị sĩ cũng xác định sẽ nghiên cứu khả năng ban hành “Đạo luật trừng phạt vi phạm nhân quyền” tại kỳ họp Quốc hội lần này.

    Liên minh cũng tuyên bố sẽ nỗ lực thông qua một nghị quyết tại Quốc hội để kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, đồng thời kêu gọi chính phủ Nhật Bản hợp tác với các nước khác để tích cực phát triển “ngoại giao nhân quyền”.

    Đáp lại, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết vào ngày 6/4 rằng cần xem xét lại hướng phát triển chính sách ngoại giao nhân quyền của Nhật Bản để phù hợp với xu hướng của cộng đồng quốc tế.

    Tháng trước, Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Vương quốc Anh và Canada đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Kinh để chống lại cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với các dân tộc thiểu số ở Tân Cương. Tuy nhiên, Nhật Bản hiện đang thiếu khung pháp lý để áp đặt các biện pháp trừng phạt. Điều này đã khiến các nhà lập pháp Nhật Bản kêu gọi chính phủ Nhật Bản lập tức hành động.

    Đài Á Châu Tự Do,(RFA) dẫn lời Giáo sư Ngải Đại Vĩ thuộc Đại học Johns Hopkins cho biết, ở một mức độ nhất định, thái độ của Nhật Bản về vấn đề này là đáp lại tiếng nói của người dân trong nước. Bởi vì người dân Nhật Bản ngày càng trở nên tiêu cực đối với ĐCSTQ. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ những vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ đối với Hồng Kông và Tân Cương, cũng như vấn đề về Đài Loan và Biển Đông hiện nay.

    Tổng thống Biden chúc mừng tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

    Trong thư chúc mừng gửi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhân dịp được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước, Tổng thống Biden bày tỏ sự trân trọng đối với vai trò của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong việc củng cố quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam, theo tin từ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam.

    Dip này, Tổng thống Biden tái khẳng định cam kết của chính phủ Hoa Kỳ đối với mục tiêu đưa quan hệ song phương trở thành hình mẫu về hợp tác và quan hệ đối tác với Việt Nam.

    Ông Nguyễn Xuân Phúc, 67 tuổi, cựu Thủ tướng, được Quốc hội Việt Nam bầu vào chức Chủ tịch nước hôm 5/4. Trong 5 năm ông Phúc giữ chức Thủ tướng (2016-2021), mối quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ tiến triển tốt đẹp, nhất là khi ông trở thành nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên thăm Nhà Trắng dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump.

    Hiện nay, Việt Nam và Mỹ tăng cường và mở rộng Quan hệ Đối tác Toàn diện trên cơ sở tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ổn định và hòa bình, cũng như tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.

    Tuy vậy, giới quan sát nhận định rằng với việc Washington cáo cuộc Hà Nội thao túng tiền tệ từ hồi chính quyền Trump vẫn sẽ là một trở ngại cho Việt Nam khi mà chính quyền Biden không bỏ qua việc này.

    Bà Nicole Bivens Collinson, một chuyên gia về quan hệ quốc tế ở Washington hôm 7/5 viết trên Twitter: “Việc Hoa Kỳ điều tra Việt Nam theo Điều khoản 301 về thao túng tiền tệ vẫn còn là một vấn đề dưới chính quyền Biden, điều này có nghĩa là việc Washington áp dụng thuế suất trừng phạt vẫn đang được xem xét.”

    Tập đoàn quân sự chiếm giữ sứ quán Miến Điện tại Luân Đôn


    Đại sứ Miến Điện tại Anh bị « trục xuất » khỏi trụ sở sứ quán ở Luân Đôn ngày 07/04/2021. Chính quyền Luân Đôn lên án tùy viên quân sự Miến Điện « chiếm đóng » tòa đại sứ. Tại Miến Điện, quân đội tiếp tục bắt giữ hàng trăm người biểu tình chống cuộc đảo chính sau khi đã có thêm 15 người tử vong trong các cuộc xuống đường hôm qua.

    Đại sứ Miến Điện tại Anh Quốc là một trong những nhà ngoại giao đầu tiên chỉ trích quân đội tiến hành cuộc đảo chính hôm 01/02/2021 và kêu gọi Naypyidaw trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ. Tháng trước tập đoàn quân sự Miến Điện đã ra lệnh triệu hồi ông Kyaw Zwar Minn về nước.

    Trả lời báo chí Anh, ông Kyaw Zwar Minn cho biết phe thân quân đội Miến Điện đã « ập vào bên trong và chiếm đóng tòa đại sứ hôm qua, khi ông rời khỏi văn phòng » Tác giả vụ chiếm đóng nói trên là « người của quân đội Miến Điện và đã nhận được lệnh từ Napyidaw ». Ông đại sứ xem vụ chiếm đóng sứ quán là một cuộc « đảo chính xảy ra ngay giữa lòng thủ đô Luân Đôn ».

    Đài truyền hình Pháp France 24 trích dẫn bốn nguồn tin thông thạo cho biết nhân vật số 2 trong tòa đại sứ Miến Điện tại Luân Đôn, ông Chit Win, đã được một đại diện của tập đoàn quân sự ra lệnh cấm cửa đương kim đại sứ Kyaw Zwar Minn. Theo chuyên gia về Đông Nam Á, David Camroux trung tâm nghiên cứu CERI trực thuộc trường Khoa Học Chính Trị Sciences Po Paris, sự kiện đại sứ Miến Điện tại Luân Đôn bị cấm cửa cho thấy khủng hoảng tại quốc gia Đông Nam Á này đã « bước vào một giai đoạn mới : phe quân đội tìm cách để cộng động quốc tế công nhận chế độ mới thay thế cho một chính phủ lưu vong đang từng bước hình thành ».

    Ngay từ tối qua cộng đồng người Miến Điện tại Anh đã tập hợp trước trụ sở tòa đại sứ tại Luân Đôn để phản đối cuộc đảo chính. Anh Quốc đã ban hành lệnh trừng phạt nhắm vào một số tướng lĩnh Miến Điện, trong đó có tướng Min Aung Hlaing. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab sáng nay qua mạng Twitter « lên án những hành vi hù dọa của chính quyền quân sự Miến Điện tại Luân Đôn hôm qua » đồng thời kêu gọi Naypyidaw nhanh chóng vãn hồi nền dân chủ tại quốc gia Đông Nam Á này.

    Publicité

    Trong khi đó tại Miến Điện phong trào chống đảo chính tiếp diễn trong ngày hôm nay. Theo tổ chức phi chính phủ giúp đỡ các tù nhân chính trị nước này AAPP, chỉ nội trong ngày 07/04/2021 đã có hơn một chục người thiệt mạng. Từ khi chính quyền dân sự bị quân đội lật đổ đã có hơn 600 thường dân bị sát hại trong đó có khoảng 50 trẻ vị thành niên và gần 3.000 người bị bắt giữ. Hiện tại 120 nhân vật nổi tiếng đang trong tầm ngắm của bên quân đội.

    Đài Loan tuyên bố đã triển khai 292 rocket ra Biển Đông


    Taiwannews đưa tin, Đài Loan đã triển khai tổng cộng 292 rocket chống thiết giáp Kestrel tới các đảo Đông Sa, và Ba Bình ở Biển Đông để đối phó với tham vọng bành trướng và các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở khu vực.

    Liberty Times đưa tin, kể từ năm 2000, Cục Cảnh sát biển Đài Loan đã đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ hai hòn đảo nói trên. Hiện tại, hơn 400 nhân viên Cục Cảnh sát biển đang đóng quân tại một trong hai hòn đảo.

    Tuy nhiên, khi căng thẳng ở Biển Đông gia tăng, Đài Loan không chỉ triển khai lực lượng thủy quân lục chiến tới đảo Đông Sa mà còn tìm cách tăng cường hỏa lực cho nơi này.



    Theo một tài liệu của Hội đồng Các vấn đề Đại dương, Cảnh sát biển Đài Loan đã triển khai lần lượt 168 và 124 tên lửa chống thiết giáp Kestrel tới các cơ sở chỉ huy trên các đảo Đông Sa và Ba Bình. Tài liệu cho biết, tên lửa chống thiết giáp được triển khai cho mục đích phòng thủ, có thể được sử dụng trong các chiến dịch chống đổ bộ.

    Thiết bị chống giáp Kestrel do Viện Khoa học và Công nghệ quốc gia Chung-Shan (NCSIST) phát triển, là một loại vũ khí phóng vác vai cá nhân dùng chống giáp và xuyên qua bê tông cốt thép.
     

    Võ Thái Hà tóm lược


    Không có nhận xét nào