Điểm tin thế giới ngày Thứ hai 26 tháng 4 năm 2021 |
Bộ trưởng Y tế Việt Nam Nguyễn Thanh Long hôm 25/4 lên tiếng cảnh báo về một làn sóng dịch mới tại Việt Nam được cho là nguy hiểm hơn nhiều so với các đợt dịch trước khi phần đông các ca bệnh nhập vào Việt Nam từ Campuchia nhiễm biến thể coronavirus của Anh và và Nam Phi. Đây là những biến thể virus có sức lây nhiễm nhanh hơn so với các chủng biến thể khác trước đó.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam trích lời ông Long cho biết trong vòng 24 giờ qua, nhìn vào tình hình diễn biến của dịch COVID1-9 trên toàn thế giới và khu vực, Việt Nam lo lắng về khả năng các ca nhiễm COVID-19 từ bên ngoài.
Theo Bộ trưởng Y tế Việt Nam, Ấn Độ là nước chỉ trong một ngày ghi nhận hơn 340.000 ca nhiễm bệnh, trong khi nước láng giềng với Việt Nam là Campuchia ghi nhận thêm hơn 600 ca mới chỉ trong vòng 24 giờ qua. Lào cũng đã vượt Việt Nam về số ca nhiễm mới trong một ngày là 82 ca, mức kỷ lục của Việt Nam hôm 28/1 vừa qua.
Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh hôm 25/4 đã xác nhận 85,7% các ca nhiễm nhập cảnh từ Campuchia nhiễm chủng biến thể từ Anh, trong khi 14,3% các ca khác nhiễm chủng từ Nam Phi.
Bộ Y tế cho biết bộ này đã chuẩn bị cho tình huống dịch bệnh lây lan rộng ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết dù Việt Nam đã thắt chặt việc kiểm soát đường biên giới với Campuchia nhưng đường biển vẫn còn là một thách thức.
Kể từ làn sóng dịch thứ ba phát hiện vào tháng 1 năm nay, Việt Nam hiện đã trải qua hai tháng không phát hiện ca nhiễm COVID-19 mới nào trong cộng đồng.
Cảnh sát New York liên tiếp rời ngành, 82% người Mỹ tin rằng đất nước bị chia rẽ
Trang DailyWire cho biết, các thành viên của Sở cảnh sát New York đã ngày càng chán nản với công việc của họ trong năm 2020, với hơn 5.300 sĩ quan quyết định nghỉ hưu hoặc thôi việc, tăng 75% so với năm trước. Và trong một cuộc thăm dò mới đây khác, có tới 82% người Mỹ được hỏi tin rằng đất nước bị chia rẽ.
Động lực thúc đẩy các sĩ quan nghỉ việc dường như là cái chết của George Floyd và tình trạng bất ổn sau đó. Chỉ riêng từ ngày 25/5 đến ngày 24/6/2020, đã có 272 sĩ quan đã rời lực lượng trong một tháng.
Tính tới thời điểm này, trong 2021, hơn 830 sĩ quan đã rời Sở cảnh sát New York. Joseph Giacalone, một trung sĩ đã nghỉ hưu và là giáo sư trợ giảng tại Đại học Tư pháp Hình sự John Jay, cảnh báo: “ Cảnh sát New York đang tìm kiếm những công việc tốt hơn với các bộ phận khác hoặc thậm chí bắt tay vào những nghề nghiệp mới”.
Vào tháng 3, Hội đồng thành phố New York đã bỏ phiếu cho các dự luật cải cách ngành cảnh sát khác nhau, trong đó có một dự luật nhằm loại bỏ việc trao quyền miễn trừ đủ điều kiện cho Sở Cảnh sát New York, cho phép công dân kiện các sĩ quan cảnh sát vì vũ lực quá mức hoặc khám xét và bắt giữ trái pháp luật.
Cựu Ủy viên Sở Cảnh sát New York Bernard Kerik đã phản ứng với quyết định của Hội đồng Thành phố, khẳng định, “Không một sĩ quan cảnh sát nào nên làm việc trong một khu vực tài phán mà họ không được sự ủng hộ của những người mà họ bảo vệ. Bắt đầu từ hôm nay, tôi sẽ không còn khuyên những người trẻ tuổi coi cảnh sát là một nghề nghiệp nữa”.
Theo một cuộc thăm dò quốc gia mới được công bố bởi NBC News hôm Chủ nhật (25/4), có tới 82% người Mỹ được hỏi tin rằng đất nước bị chia rẽ, với 50% nói rằng họ cảm thấy đất nước đang bị chia rẽ và 24% cho rằng đất nước bị chia rẽ hoàn toàn.
Ngoài ra, 56% số người trả lời cuộc thăm dò tin rằng quốc gia này đang đi sai hướng. The Hill cho biết: “Ông Biden nhận được điểm chấp thuận thấp nhất về an ninh biên giới và nhập cư với 33%. Ông ấy đã nhận được 34% đánh giá tán thành về vấn đề súng và 35% khi nói đến các vấn đề Trung Quốc”.
40% số người được hỏi được xác định là cử tri Đảng Dân chủ hoặc nghiêng về Đảng Dân chủ và 32% số người được hỏi là cử tri là Đảng Cộng hòa hoặc nghiên về Đảng Cộng hòa. 15% được xác định là hoàn toàn trung lập.
Cuộc thăm dò được thực hiện từ ngày 17 đến 20 tháng 4 trên 1.000 người lớn. Sai số cho tất cả các cuộc phỏng vấn là cộng hoặc trừ 3,1%.
Covid-19
Số ca mắc covid-19 toàn cầu ghi nhận hàng ngày tiếp tục đạt mức cao mới. Bị ảnh hưởng nặng nhất là Ấn Độ, nước báo cáo hơn 349.000 ca mắc mới và 2.700 ca tử vong chỉ trong ngày Chủ nhật (điều tệ hơn là số liệu thực còn cao hơn). Quốc gia này đang phải hứng chịu làn sóng dịch thứ hai rất nghiêm trọng do biến thể mới của virus, trong bối cảnh thiếu hụt bệnh viện tồi tệ đến mức chính phủ đang phải huy động không quân để vận chuyển oxy y tế. Còn ở Mỹ, Michigan tiếp tục là một trong những điểm nóng coronavirus của nước này, với số bệnh nhân trẻ tuổi nhập viện cao gấp đôi so với mức đỉnh hồi mùa thu năm ngoái.
Chính phủ Ý đau đầu nghĩ cách chi tiền hồi phục kinh tế
Thủ tướng Ý Mario Draghi hôm nay sẽ công bố trước quốc hội kế hoạch chi 221,5 tỷ euro (268 tỷ USD) để giúp nền kinh tế nước này phục hồi sau đại dịch. Trong đó chính phủ ông chi 30 tỷ euro. Phần còn lại sẽ đến từ các khoản viện trợ không hoàn lại và các khoản vay của EU. Người ta kỳ vọng số tiền này, theo đó đầu tư vào các dự án bao gồm đường sắt cao tốc, năng lượng xanh và số hóa hành chính công, cũng sẽ đẩy nhanh các cải cách mang tính hệ thống mà các chính phủ trước đây đã nhiều lần tránh né.
Trong một cuối tuần đầy biến động, ông Draghi nhận ra ông bị kẹt giữa một bên là Ủy ban châu Âu, cơ quan kiên quyết tiền phải được đổ vào cải cách, và một bên là các thành viên liên minh rộng lớn của ông, những người ít quan tâm đến các cải cách đó. Liên đoàn phương Bắc cực hữu được cho là đã loại thành công lời hứa không gia hạn biện pháp cho phép một số người Ý nghỉ hưu ở tuổi 62. Chi hàng tỷ euro cũng là một việc khó khăn.
Mercosur họp cấp bộ trưởng
Argentina hôm nay sẽ làm chủ nhà cho cuộc họp giữa các bộ trưởng thương mại và kinh tế của khối thương mại Mỹ Latinh giữa một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng nhất trong lịch sử ba thập niên của khối. Cuộc tranh cãi này là kết quả của hội nghị thượng đỉnh tháng trước kỷ niệm 30 năm thành lập Mercosur. Tại phiên họp đó, tổng thống trung hữu của Uruguay Luis Lacalle Pou đã thúc đẩy khối này nhắm tới nhiều thỏa thuận thương mại hơn và cho phép các thành viên đơn phương thương lượng thỏa thuận thương mại của riêng họ.
Mercosur, ông nói, không thể là “một phiến đá” hạn chế quyền tự do thúc đẩy thương mại của các nước thành viên. Lời nói đó đã khiến chủ tịch của khối, Tổng thống cánh tả của Argentina Alberto Fernández, người không muốn thỏa hiệp, tức giận. “Nếu chúng tôi là một phiến đá, vậy ông hãy lên một con thuyền khác,” Fernandez vặn lại.
Ứng dụng Parler được trở lại Apple Store
Việc bị cấm là một thách thức khó khăn đối với Parler, song tuần này họ sẽ được quay lại cửa hàng ứng dụng Apple. Bản sao Twitter được những người Mỹ cực hữu yêu thích đã bị cấm khỏi các cửa hàng ứng dụng của Apple và Google, cũng như các máy chủ của Amazon, sau vụ bạo loạn ngày 6 tháng 1 ở Đồi Capitol. Kể từ đó, họ đã sa thải và rồi bị kiện ngược lại bởi nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành, John Matze; ngoài ra họ còn đệ đơn hai vụ kiện chống lại Amazon và đã trải qua hơn một tháng không được online.
Ứng dụng truyền thông xã hội này, vốn tự quảng cáo là một giải pháp thay thế cho việc “kiểm duyệt” của các nền tảng như Twitter và Facebook, đã phải thỏa hiệp để có thể quay lại iPhone. Hiện Thông tin chi tiết vẫn chưa rõ ràng. Mark Meckler, sếp tạm quyền của Parler, đã trả lời phỏng vấn với Fox Business, trong đó ông tuyên bố Parler “không hề kiểm duyệt nội dung” ngay trước khi thừa nhận rằng phiên bản trên cửa hàng ứng dụng Apple sẽ có “một loại kiểm duyệt nội dung.” Trớ trêu thay, ông Matze nói ông bị sa thải cũng chính vì nỗ lực đưa ra các biện pháp kiểm duyệt này.
Bắc Kinh tiếp tục tuần tra đảo Điếu Ngư, bất chấp tuyên bố Mỹ – Nhật
Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG) mới đây tuyên bố họ sẽ vẫn tiếp tục điều tàu tuần tra xung quanh quần đảo tranh chấp Điếu Ngư mà phía Nhật gọi là Senkaku, theo Global Times.
Tuyên bố của CCG đưa ra sau khi chính quyền Biden vào giữa tháng này tuyên bố rằng họ cam kết bảo vệ Nhật Bản theo hiệp ước an ninh, bao gồm quần đảo Senkaku nơi Tokyo và Bắc Kinh đang tranh chấp.
Theo tài khoản Sina Weibo của CCG, nhiệm vụ tuần tra sẽ được thực hiện hàng tháng, thậm chí có khi hai lần một tháng.
CCG cho biết các tàu của họ đã thực hiện một cuộc tuần tra ở lãnh hải thuộc quần đảo Điếu Ngư vào Chủ nhật (25/4), đây là lần đầu tiên Bắc Kinh thông báo về hành động như vậy kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đưa ra tuyên bố chung vào ngày 16 /4 ở Washington.
Tuyên bố chung Mỹ-Nhật, khẳng định: “Hai bên phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào nhằm phá hoại chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku”.
Song Zhongping, một chuyên gia quân sự Trung Quốc nói với Global Times hôm 25/4 rằng việc tuần tra của Cảnh sát biển Trung Quốc trong lãnh hải của quần đảo Điếu Ngư là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với quần đảo này, và điều này sẽ không bị lung lay bởi tuyên bố chung Mỹ-Nhật.
Indonesia tìm thấy tàu ngầm mất tích
Indonesia đã tìm thấy tàu ngầm mất tích nằm sâu dưới biển Bali, bị vỡ thành ít nhất ba phần, các quan chức quân đội và hải quân hôm cho biết hôm 25/4.
Tin cho hay, Tổng thống Joko Widodo đã gửi lời chia buồn tới thân nhân của 53 thành viên thủy thủ đoàn.
Lực lượng cứu hộ đã tìm thấy những vật thể mới, trong đó có một áo phao, mà họ tin là của thủy thủ trên tàu KRI Nanggala-402.
Tàu ngầm, vốn đã được sử dụng 44 năm qua, mất liên lạc giữa tuần trước trong khi chuẩn bị tham gia một cuộc diễn tập phóng ngư lôi.
Tổng thống Joko Widodo xác nhận đã tìm thấy tàu ngầm mất tích ở biển Bali và gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân.
“Tất cả người Indonesia bày tỏ sự đau buồn sâu sắc về thảm kịch này, đặc biệt tới gia đình của thủy thủ đoàn tàu ngầm”, ông Widodo nói.
Với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, Úc, Singapore, Malaysia và Ấn Độ, hơn một chục máy bay trực thăng và tàu vẫn tiếp tục tìm kiếm tại khu vực mà tàu ngầm bị mất liên lạc.
Cư dân thị trấn Banyuwangi ở Đông Java, nơi đặt căn cứ hải quân mà từ đó các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn đang được tiến hành, đã cùng người dân trên toàn quốc lên tiếng kêu gọi chính phủ đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa lực lượng quốc phòng của Indonesia.
Vương Nghị đe dọa Hoa Kỳ đừng chơi ‘quân bài Đài Loan’, ‘đừng đùa với lửa’
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có một cuộc họp video với Hội đồng tư vấn về quan hệ nước ngoài của Mỹ (CFR) vào ngày 23/4. Về vấn đề Đài Loan, Vương Nghị hăm dọa phía Hoa Kỳ, chơi “quân bài Đài Loan” là rất nguy hiểm và là một hành động “đùa với lửa”, theo Vision Times.
Đáp lại, Văn phòng Tổng thống Đài Loan trả lời rằng chính quyền Bắc Kinh cần hoàn thành vai trò trách nhiệm của mình với tư cách là thành viên khu vực và xuyên eo biển, đồng thời Đài Loan sẽ tiếp tục hợp tác sâu rộng với các nước có cùng quan điểm.
Trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa tin Vương Nghị đã có cuộc trao đổi video với Hội đồng tư vấn về quan hệ nước ngoài của Mỹ (CFR) vào tối ngày 23. Gần 500 người thuộc mọi tầng lớp xã hội tại Hoa Kỳ đã tham gia trực tuyến vào buổi giao lưu video này. Về vấn đề Đài Loan, Vương Nghị tuyên bố tại cuộc họp rằng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ liên quan đến lợi ích cốt lõi của đất nước, về nguyên tắc vấn đề lớn này, Trung Quốc không thể nhân nhượng và từ bỏ. Chơi “lá bài Đài Loan” là rất nguy hiểm và là “chơi với lửa.”
Ông Vương Nghị cũng đe dọa rằng Hoa Kỳ nên tuân thủ nguyên tắc “Một Trung Quốc” và các quy định của “Ba Thông cáo chung Trung Quốc-Hoa Kỳ”, không nên gửi bất kỳ tín hiệu sai trái nào cho lực lượng được gọi là “Đài Loan độc lập”, và không nên cố gắng thách thức điểm mấu chốt trong chính sách của Trung Quốc.
Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan đưa tin rằng người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Đài Loan Trương Đôn Hàm đã đáp trả vào ngày 24, nói rằng hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan đã được nâng lên từ quan hệ xuyên eo biển đến các vấn đề an ninh khu vực và nó đã trở thành tâm điểm chú ý của toàn cầu. Để duy trì hòa bình và ổn định khu vực, điều đó phụ thuộc vào công việc chung của tất cả các quốc gia trong khu vực.
Văn phòng Tổng thống Đài Loan kêu gọi chính quyền Bắc Kinh hoàn thành vai trò trách nhiệm của mình với tư cách là thành viên khu vực và xuyên eo biển. Vị thế của Đài Loan luôn vững chắc và sẽ tiếp tục hợp tác sâu rộng với các nước có chung các giá trị dân chủ, tự do và nhân quyền và cùng nhau duy trì hòa bình, phát triển ổn định và thịnh vượng ở eo biển Đài Loan và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Biden và Thủ tướng Nhật Bản Suga đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh và ra tuyên bố chung, đề cập đến tầm quan trọng của sự ổn định trên eo biển Đài Loan. Thủ tướng Đức Merkel gần đây đã công khai bày tỏ quan ngại về tình hình ở eo biển Đài Loan, đồng thời, Anh, Pháp, Đức và các nước châu Âu khác đã điều tàu chiến đến Ấn Độ – Thái Bình Dương để tuần tra.
Thời báo Tự do của Đài Loan dẫn lời ông Tống Học Văn, giáo sư tại Viện Chiến lược và Các vấn đề Quốc tế của Đại học Công Chính, nói rằng Hoa Kỳ, nhờ tình hữu nghị với các nước NATO, trước tiên đã kết nối sức mạnh của các nước châu Âu như Anh, Đức và Pháp, và mở rộng nó sang khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ở khu vực châu Á, họ hình thành “bộ tứ đối thoại an ninh” với Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, dần dần hình thành liên minh an ninh dân chủ chống lại liên minh các quốc gia độc tài do Trung Quốc đứng đầu.
Ông Tống tin rằng hai đối thủ mạnh Hoa Kỳ và Trung Quốc đều đang “hình thành liên minh”. Sức mạnh của Đài Loan nằm ở vai trò bảo vệ nền dân chủ và bảo vệ nền dân chủ chống lại Trung Quốc, bởi vì Đài Loan là cốt lõi của chiến tuyến quan trọng nhất trong việc bảo vệ nền dân chủ. Cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng là cuộc cạnh tranh giữa dân chủ và chủ nghĩa độc tài. Vai trò của Đài Loan ngày càng được quốc tế coi trọng. Và theo ông “Thời đại mà các nước phớt lờ Đài Loan đã qua”.
Hoa Kỳ cân nhắc viện trợ cho Ấn Độ
Cố vấn y tế hàng đầu của chính quyền Biden về đại dịch cho biết rằng Hoa Kỳ đang tích cực tìm cách tăng cường viện trợ cho Ấn Độ trong khi nước này chật vật đối phó các ca COVID-19 đang gia tăng.
Bác sĩ Anthony Fauci nói trên chương trình “This Week” của Kênh ABC rằng một số biện pháp đang được xem xét như gửi nguồn cung cấp oxy, xét nghiệm COVID-19, việc điều trị bằng thuốc và thiết bị bảo hộ cá nhân.
Sự bùng phát dịch bệnh ở Ấn Độ gây thêm áp lực đối với Tổng thống Joe Biden về việc phải cung cấp vắc xin cho các nước khác.
Ông Biden cho biết rằng Hoa Kỳ sẽ không bắt đầu làm như vậy cho đến khi đáp ứng đủ nhu cầu ở trong nước.
Ông Fauci hôm 25/4 cho biết rằng Hoa Kỳ sẽ xem xét cách thức giúp tăng nguồn cung cấp vắc xin của Ấn Độ như gửi các liều vắc xin hoặc giúp nước này “tự sản xuất vắc xin”.
Ông được trích lời nói rằng “tình hình tồi tệ đang xảy ra ở Ấn Độ và các quốc gia có thu nhập trung bình thấp khác, và chúng ta có thể làm được nhiều hơn thế [để giúp đỡ]”.
Hai tổng thống Mỹ – Nga có thể gặp nhau vào tháng 6
Tass đưa tin, trợ lý hàng đầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Yuri Ushakov, cho biết cuộc họp thượng đỉnh giữa ông Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể diễn ra vào tháng 6/2021.
Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Rossiya-1 vào ngày 25/4 ông Ushakov thông tin rằng: “Tháng 6 đang được chọn [cho cuộc gặp thượng đỉnh], thậm chí có các ngày cụ thể”.
Tuy nhiên, ông Ushakov lưu ý rằng: “Tất nhiên, chúng tôi sẽ đưa ra quyết định phụ thuộc vào nhiều yếu tố”.
Trước đó, vào ngày 13/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga. Toà Bạch Ốc thông báo, trong cuộc thảo luận qua điện thoại, ông Biden đã đưa ra ý tưởng tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga “ở một nước thứ ba trong những tháng tới”. Sau đó, ông Biden đã đề nghị người đồng cấp Nga gặp gỡ vào mùa hè này ở châu Âu.
Hiện quan hệ Mỹ – Nga đã đi xuống kể từ tháng 3/2021, thời điểm ông Biden gián tiếp gọi ông Putin là “kẻ giết người” và cảnh báo Moscow sẽ phải trả giá vì can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Nga sau đó đã triệu đại sứ tại Washington về nước để tỏ thái độ phản đối.
Căng thẳng giữa hai nước leo thang khi Mỹ công bố các lệnh trừng phạt kinh tế mới và trục xuất 10 nhân viên ngoại giao của Nga. Moscow sau đó đã có hành động đáp trả tương đương.
Hai bên cũng chia rẽ sâu sắc về vấn đề Ukraine, nhân quyền, an ninh mạng và cáo buộc lẫn nhau về việc đối phương can thiệp vào công việc nội bộ.
Võ Thái Hà tóm lược
Không có nhận xét nào