Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ hai 12 tháng 4 năm 2021

    Kỷ niệm 50 năm ‘ngoại giao bóng bàn’, Trung Quốc giục Mỹ ‘nối lại tình xưa’
    Điểm tin thế giới ngày Thứ hai 12 tháng 4 năm 2021

    Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ Thôi Thiên Khải đã tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày trao đổi thể thao được biết đến với tên gọi “Ngoại giao bóng bàn” bằng cách thúc giục hai nước phục hưng tinh thần hợp tác nhân dịp này, trang SCMP cho hay.

    Năm 1971, tại giải vô địch bóng bàn thế giới ở Nhật Bản, đội Trung Quốc đã gây ngạc nhiên cho các vận động viên người Mỹ với lời mời sang Trung Quốc thi đấu.

    Hai nước không có quan hệ ngoại giao hoặc kinh tế trong hơn hai thập niên kể từ khi chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thành lập và chiến tranh Triều Tiên bùng nổ. Nhưng lời mời đến vào một thời điểm tình cờ, khi Trung Quốc mâu thuẫn với Liên Xô và Tổng thống Mỹ Richard Nixon đang cố gắng chấm dứt sự can dự của Hoa Kỳ vào Việt Nam, một khu vực mà ông lo ngại Bắc Kinh có thể phát huy ảnh hưởng của mình.

    Kết quả là chuyến thăm của phái đoàn bóng bàn Hoa Kỳ tới Bắc Kinh vào ngày 10/4/1971 báo trước sự bắt đầu của quá trình bình thường hóa quan hệ, bao gồm chuyến thăm của Tổng thống Richard Nixon đến Trung Quốc vào năm sau.

    Ông Thôi Thiên Khải phát biểu trong một video hôm thứ Bảy (10/4) rằng: “Hai bên nên kế thừa và phát huy tinh thần ngoại giao bóng bàn tôn trọng lẫn nhau và tìm kiếm điểm chung trong khi bảo lưu những khác biệt”.

    Ông mô tả nó là “quả bóng nhỏ di chuyển quả bóng lớn [ý chỉ thế giới]”, ông Thôi cho biết sự kiện này vượt ra ngoài một cuộc thi đấu thể thao và giúp khôi phục quan hệ Mỹ – Trung, đã định hình lại trật tự thế giới kể từ đó.

    Nhà ngoại giao Trung Quốc cũng chỉ trích những người ở phía Hoa Kỳ là những người “bị ám ảnh bởi ý thức hệ thiên lệch và tư duy tổng bằng không”, điều này đã ngăn cản trao đổi văn hóa giữa hai nước.

    Tân Hoa xã đưa tin, Thượng Hải đã kỷ niệm sự kiện này bằng cách công bố các cuộc triển lãm tại hai bảo tàng bóng bàn, với tám vận động viên Trung Quốc tham dự các trận đấu năm 1971. Trong các trận đấu năm đó, có ​​9 vận động viên Mỹ, 4 quan chức và 2 vợ chồng từ Hồng Kông đã đến Trung Quốc đại lục.

    Nhóm nghiên cứu đã dành 6 ngày để gặp gỡ các quan chức Trung Quốc như Thủ tướng Chu Ân Lai, thi đấu các trận đấu và tham quan các điểm du lịch như Vạn Lý Trường Thành và Cung điện Mùa hè. Chuyến thăm mở đường cho chuyến thăm của Tổng thống Nixon vào năm sau, nơi hai bên nhất trí hướng tới bình thường hóa quan hệ – một quyết định mà đỉnh cao là thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 1979.

    Myanmar: Bà Suu Kyi yêu cầu tòa cho gặp trực tiếp luật sư


    Bà Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo chính phủ Myanmar bị quân đội nước này giam giữ, hôm 12/4 yêu cầu tòa án cho phép bà gặp trực tiếp các luật sư, theo Reuters. Bà đưa ra yêu cầu này khi xuất hiện tại một phiên luận tội được truyền qua video.

    Trong lúc bà xuất hiện tại phiên tòa luận tội, những người ủng hộ bà đã kêu gọi dân chúng nhân dịp tuần lễ tết cổ truyền Myanmar hãy phản đối cuộc đảo chính ngày 1/2 của quân đội.

    Từ trước đến nay bà Suu Kyi chỉ được phép nói chuyện với luật sư của mình thông qua màn hình video trước sự chứng kiến của các quan chức an ninh.

    Ngoài cáo buộc chính thức là vi phạm luật về bí mật nhà nước, bà Suu Kyi còn bị buộc tội sở hữu bất hợp pháp bộ đàm hai chiều và vi phạm quy định về phòng dịch COVID-19. Bà cũng bị hội đồng quân sự cầm quyền buộc tội hối lộ.

    Theo dữ liệu của nhóm hoạt động Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP), kể từ cuộc đảo chính cho đến nay, lực lượng an ninh Myanamr đã giết 706 người biểu tình, trong đó có 46 trẻ em.

    Khủng hoảng Miến Điện : Liên Âu lên án Nga và Trung Quốc ngăn chận g
    iải pháp ngoại giao

    Trên blog cá nhân ngày 11/04/2021 lãnh đạo ngành ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu Josep Borrell nêu đích danh Nga và Trung Quốc « là những trở lực » ngăn cản cộng đồng quốc tế giải quyết khủng hoảng chính trị Miến Điện bằng kênh ngoại giao.

    Cáo buộc này được đưa ra vào lúc Miến Điện vượt ngưỡng 700 thường dân thiệt mạng từ sau cuộc đảo chính hôm 01/02/2021, lật đổ chế độ dân sự dưới sự lãnh đạo của bà Aung San Suu Kyi, thuộc Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ.

    Theo ông Borrell, những nỗ lực của cộng đồng quốc tế ngăn chận bạo lực tại Miến Điện đến nay không đem lại kết quả. Đây không phải là một « điều ngạc nhiên » khi mà Matxcơva và Bắc Kinh « ngăn chận những nỗ lực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ban hành lệnh cấm vận vũ khí » nhắm vào tập đoàn quân sự tại Naypyidaw. Tuy nhiên nhà ngoại giao này cho rằng Liên Hiệp Châu Âu vẫn phải cố gắng để « còn nước, còn tát ». Liên Hiệp Châu Âu đã trở thành thị trường tiêu thụ hàng dệt may quan trọng nhất của Miến Điện trong những năm gần đây, do vậy, ông Borrell đề nghị Bruxelles nên dùng lá bài kinh tế và đầu tư để khuyến khích Naypyidaw quay trở lại với con đường dân chủ.

    Tổng đầu tư trực tiếp của Liên Âu vào Miến Điện trong năm 2019 đạt 700 triệu euro, không thấm vào đầu so với 19 tỷ đô la của Trung Quốc

    Về tình hình tại chỗ, quân đội Miến Điện cách nay ba hôm thông báo 248 ca tử vong trong số những người biểu tình. Nhưng hiệp hội AAPP hỗ trợ các tù nhân chính trị tại quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận trên « 700 người thiệt mạng trong 10 tuần qua ». Trong đợt bố ráp tại thành phố Bago cách Rangoon 65 cây số về hướng đông bắc, lực lượng an ninh đã sát hại 82 người trong một ngày.

    Theo tin mới nhất, sáng nay lãnh đạo chính quyền dân sự bị lật đổ, bà Aung San Suu Kyi một lần nữa ra trình diện tòa án Naypyidaw qua cầu truyền hình và đã bị cáo buộc thêm một tội danh hình sự thứ sáu, liên quan đến việc xử lý thiên tai. Cũng trong ngày lần đầu tiên bàn cựu cố vấn Nhà nước Miến Điện yêu cầu được trực tiếp trao đổi với các luật sự bảo vệ cho bà.


    Bà Suu Kyi hầu tòa trong khi Myanmar vẫn chìm trong bất ổn

    Aung San Suu Kyi hôm nay tiếp tục ra tòa. Là nhà lãnh đạo trên thực tế của Myanmar cho đến khi bị quân đội phế truất vào tháng 2, bà bị buộc tội vi phạm đạo luật bảo vệ bí mật có từ thời thuộc địa, bên cạnh một số tội danh nhỏ. Nếu bị kết án, tội danh liên quan đạo luật bí mật có thể khiến bà phải chịu mức án 14 năm tù. Kể từ khi bị bắt giam vào ngày 1/2 bà Suu Kyi đã không xuất hiện trước công chúng.

    Trong phiên điều trần gần đây nhất mà bà Suu Kyi tham dự online, luật sư của bà nói bà trông khỏe mạnh nhưng không rõ liệu bà có biết về các sự kiện xảy ra sau đảo chính hay không. Các cuộc bãi công hàng loạt, được tổ chức để chống lại quân đội, đã làm tê liệt nền kinh tế và khiến nhiều cơ quan chính phủ phải đóng cửa. Và nếu người Miến muốn đi làm, nhiều người vẫn không đủ can đảm để ra ngoài. Để khuất phục những người bất đồng chính kiến, đến nay quân đội đã giết chết hơn 700 người, trong đó có những trường hợp là người vô can. Chỉ một hôm thứ Bảy đã có khoảng 80 người bị thảm sát trong một cuộc biểu tình.

    Ả Rập Saudi cho phép người có miễn dịch covid được hành hương

    Tối nay các giáo sĩ sẽ nhìn lên bầu trời để tìm kiếm hilal, vầng trăng khuyết đánh dấu một tháng mới. Cùng với đó là tháng Ramadan, khoảng thời gian nhịn ăn ban ngày kéo dài một tháng đối với 1,8 tỷ người Hồi giáo trên thế giới. Mọi năm, tháng Ramadan thu hút tín đồ đến Ả Rập Saudi để dự lễ umrah, tức cuộc hành hương Mecca có thể tiến hành bất kì lúc nào trong năm (khác haj). Tuy nhiên, không phải người hành hương nào cũng sẽ được chào đón.

    Hiện vương quốc này chỉ đón những người đã miễn nhiễm với covid-19, bằng vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh. Năm ngoái, Ả Rập Saudi hủy bỏ tất cả, trừ haj, cuộc hành hương đến thánh địa Mecca mà mỗi người Hồi giáo bắt buộc phải thực hiện một lần trong đời. Khi ấy họ chỉ cho phép khoảng 1.000 người hành hương (và không ai từ nước ngoài) thay vì 2 triệu người như thông thường. Việc cho phép những người đã có kháng thể được hành hương có thể thu hút nhiều người hơn. Đây là tin đáng hoan nghênh cho cả các tín đồ và tình hình tài chính của vương quốc: hàng năm người hành hương đóng góp tới khoảng 12 tỷ đô la cho nền kinh tế Ả Rập Saudi.

    Ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ lách lệnh trừng phạt Iran của Mỹ


    Các luật sư của Halkbank, một ngân hàng quốc doanh của Thổ Nhĩ Kỳ, hôm nay sẽ cố gắng thuyết phục một tòa án New York bác bỏ các cáo buộc của các công tố viên liên bang. Nhà băng này bị cáo buộc đã lách các lệnh trừng phạt của Mỹ lên Iran khi điều tiết dòng tiền từ việc bán dầu và khí đốt của Iran đi qua hệ thống ngân hàng Mỹ, bên cạnh các cáo buộc khác. Halkbank từ lâu đã lập luận là họ không thể bị đưa ra tòa ở Mỹ.

    Song án lệ nói ngược lại. Trong một phiên tòa trước đó, một trong các giám đốc điều hành của ngân hàng đã bị kết tội tương tự và bị kết án 32 tháng tù. Nếu tòa tiếp tục vụ này, ngân hàng có thể phải đối mặt khoản phạt hàng tỷ đô la. Một phán quyết có tội cũng sẽ làm tổn hại danh tiếng của ngành ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ và khiến chính phủ nước này xấu mặt. Các công tố viên Mỹ đã cáo buộc một số cựu quan chức nội các Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn âm mưu này, đôi khi để đổi lấy hàng triệu đô la lại quả.

    Anh thoát dần khỏi phong tỏa

    Hôm nay, nước Anh tiến thêm một bước nữa trong việc tháo dỡ phong tỏa. Các cửa hàng, tiệm làm tóc và phòng tập thể dục sẽ lần đầu tiên mở cửa kể từ đầu năm. Cả nước đang ghi nhận ít hơn 2.500 ca nhiễm covid-19 mỗi ngày, giảm so với mức đỉnh gần 55.000 ca hồi tháng 1. Sự sụt giảm mạnh là kết quả của việc phong tỏa chặt chẽ và chiến dịch tiêm chủng nhanh chóng, theo đó hiện gần một nửa dân số Anh đã được tiêm liều đầu tiên.

    Chính phủ cũng đang áp dụng các biện pháp mới để giảm số ca nhiễm. Hộ chiếu vắc-xin đang được thử nghiệm tại các sự kiện bao gồm trận chung kết Cúp FA. Truy vết tiếp xúc nghiêm ngặt hơn đang được sử dụng để chặn các biến thể đáng ngại. Đồng thời chính phủ cũng cung cấp miễn phí xét nghiệm hai lần một tuần cho toàn bộ người dân. Thủ tướng Anh Boris Johnson thừa nhận việc đưa đất nước thoát khỏi phong tỏa được tiến hành thận trọng. Ông hy vọng cẩn trọng sẽ giúp Anh vĩnh viễn thoát khỏi phong tỏa.

    Nỗ lực lập công đoàn Amazon ở Alabama thất bại

    Sau nhiều tháng vận động, các công nhân tại một nhà máy của Amazon ở Bessemer, Alabama, đã không thể đạt đa số cần thiết trong một cuộc bỏ phiếu qua thư để thành lập công đoàn. Nếu thành công, họ có thể đã là công đoàn đầu tiên tại một cơ sở của Amazon ở Mỹ. Đây là một đòn giáng mạnh vào phong trào công đoàn đang đang gặp khó khăn của Mỹ. Hiện chỉ 10% công nhân tham gia một công đoàn nào đó, giảm so với mức 20% của năm 1983. Amazon sẽ cảm thấy nhẹ nhõm khi thêm một nỗ lực công đoàn hóa nữa ở Mỹ thất bại.

    Tuy nhiên, các nhà tổ chức và nhân viên nói cuộc chiến còn lâu mới kết thúc. Liên minh Bán lẻ, Bán buôn và Cửa hàng Bách hóa, bên đã giúp đỡ nỗ lực vừa rồi, cáo buộc Amazon vi phạm luật lao động bằng cách đe dọa và gây hiểu lầm cho nhân viên. Họ dự định sẽ khiếu nại lên Ủy ban Quan hệ Lao động Quốc gia, cơ quan quản lý các hoạt động lao động. Trong khi đó các nỗ lực công đoàn hóa cũng đang diễn ra tại các kho hàng của Amazon ở Chicago và Iowa. Một nhân viên ủng hộ công đoàn ở Bessemer cho biết: “Đây chỉ là một tia lửa nhỏ sẽ làm bùng lên ngọn lửa trên khắp nước Mỹ.”

    Người Campuchia chỉ trích việc chỉnh sửa ảnh nạn nhân của Khmer Đỏ

    Người Campuchia hôm Chủ nhật (11/4) đã chỉ trích một nghệ sĩ người Ireland vì thêm nụ cười bằng kỹ thuật số vào những bức ảnh đen trắng của các nạn nhân bị chế độ Khmer Đỏ giết hại vào cuối thập kỷ 70 thế kỷ trước, theo AFP.

    Nghệ sĩ Matt Loughrey đã thêm màu sắc vào các bức ảnh đen trắng của các nạn nhân như một phần của dự án cá nhân, nhưng tuyên bố rằng ông đã thêm nụ cười cho một số người bị giết. Quyết định này của ông đã gây ra phản ứng dữ dội.

    Các hình ảnh sau chỉnh sửa và cuộc phỏng vấn với Loughrey trên trang Vice vào cuối tuần qua đã thu hút một loạt chỉ trích cả ở Campuchia và các phương tiện truyền thông xã hội.

    Ông Norng Chan Phal, 52 tuổi, là một người sống sót sau cuộc diệt chủng, ông đã mất cha mẹ tại nhà tù S-21. Ông Phal mô tả dự án của Loughrey là “một sự sỉ nhục đối với các nạn nhân của Khơ me Đỏ”.

    Ông nói với AFP: “Tôi cực lực lên án những bức ảnh tô màu này vì tất cả các nạn nhân tại S-21 đều không bao giờ hạnh phúc”.

    Ông cho biết thêm: “Chúng tôi, những nạn nhân bước vào S-21 không bao giờ có cơ hội mỉm cười. Tôi không ủng hộ bất kỳ sự thay đổi nào đối với các bức ảnh. Chúng tôi đang đau khổ”.

    Ngoại trưởng Hoa Kỳ trở lại Brussels để thảo luận về Ukraine, Afghanistan


    Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tuần này sẽ trở lại Brussels để thảo luận về Iran, Afghanistan và các hoạt động của Nga nhắm vào Ukraine, một quan chức Mỹ cho biết.

    Ông Blinken sẽ tham gia thảo luận cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin tại Brussels. Quan chức giấu tên hôm 10/4 không tiết lộ thêm các chi tiết về chuyến đi.

    Ông Austin dự kiến thăm trụ sở NATO ở Bỉ trong chuyến công du, vốn bắt đầu hôm 10/4 và còn đưa ông tới Israel, Đức và Anh, Ngũ Giác Đài cho biết hồi tuần trước.

    Chuyến đi của hai trong số các thành viên nội các của Tổng thống Joe Biden diễn ra khi căng thẳng gia tăng vì các hoạt động của Nga gần biên giới phía đông của Ukraine, nơi Washington cho biết Nga đã tăng cường nhiều quân hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ năm 2014, khi Nga sáp nhập Crimea.

    Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 9/4 cáo buộc Ukraine về “các hành động khiêu khích nguy hiểm” ở khu vực Donbass, miền đông Ukraine.

    Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của NATO, hôm 9/4 cho biết Hoa Kỳ sẽ triển khai hai tàu chiến đến Biển Đen từ ngày 14 đến 15 tháng Tư.

    Ông Blinken lần đầu tiên đến thăm Brussels vào tháng Ba để hội đàm với các đồng minh Liên minh châu Âu và NATO, đồng thời cam kết tái gây dựng và làm hồi sinh liên minh xuyên Đại Tây Dương.

    Mỹ và Philippines bắt đầu cuộc tập trận dài hai tuần


    Kể từ thứ Hai 12/04/2021, quân đội Philippines và Hoa Kỳ tiến hành một cuộc tập trận chung hàng năm, kéo dài trong vòng hai tuần, sau một năm gián đoạn vì dịch bệnh Covid-19. Chiến dịch quân sự Mỹ - Philippines lần này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc gia tăng tại vùng Biển Đông.

    Trả lời hãng tin Pháp AFP, ngày hôm qua, 11/4, tướng Cirilito Sobejana, chỉ huy quân đội Philippines, cho biết là quy mô đợt tập trận bị thu hẹp do tình hình dịch bệnh Covid-19. Khoảng 1.300 lính Philippines và 700 binh sĩ Mỹ, tức chỉ bằng ¼ quân số so với lúc bình thường, tham gia cuộc tập trận lần này.

    Nội dung cuộc tập trận là phối hợp các « bài tập ảo và thật », nhưng tướng Sobejana không quên nhấn mạnh rằng việc giảm thiểu quy mô là còn nhằm « duy trì mối quan hệ liên minh, tiếp xúc giữa hai lực lượng ».

    Vài giờ trước khi diễn ra cuộc tập trận, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, Lloyd Austin và đồng nhiệm Philippines, ông Delfin Lorenzana đã điện đàm về « tình hình Biển Đông và sự hiện diện đông đảo các lực lượng hải quân Trung Quốc gần bãi Đá Ba Đầu », theo như thông cáo của Lầu Năm Góc. Cũng theo bản thông cáo này, ông Austin đã đề nghị tăng cường khả năng đánh giá « các mối đe dọa trên Biển Đông ».

    AFP nhắc lại, căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh đã gia tăng sau vụ phát hiện hơn 200 chiếc tầu Trung Quốc neo đậu xung quanh bãi Đá Ba Đầu (Whitsun), thuộc quần đảo Trường Sa, khu vực đang có tranh chấp giữa Việt Nam, Philippines và Trung Quốc.Trong bối cảnh này, truyền thông Nhà nước Việt Nam, hôm 06/04/2021 loan báo hải quân Việt Nam tổ chức một cuộc thao dượt quân sự nhỏ tại quần đảo Trường Sa. Như một sự trùng hợp, Bắc Kinh cùng ngày, thông qua Tổ chức Sáng kiến Dò tìm Biển Đông (South China Sea Probing Initiative – SCSPI), do đảng Cộng Sản Trung Quốc kiểm soát, trong một báo cáo, lên án chính phủ Việt Nam có các hoạt động « triển khai quân sự » tại Trường Sa.

    Báo cáo có đoạn viết : « vào lúc quân đội và thường dân Việt Nam ngày càng hoạt động tích cực tại các đảo và bãi đá ngầm do Việt Nam kiểm soát cũng như những vùng lãnh hải lân cận, rủi ro va chạm và xung đột là không hề nhỏ ! » Phải chăng đây là một lời đe dọa của Trung Quốc đối với Việt Nam ?

    Mỹ cảnh báo "rắn" Trung Quốc: Thay đổi hiện trạng ở Đài Loan sẽ là một sai lầm "nghiêm trọng"

    Khi được hỏi liệu có khả năng Mỹ sẽ có động thái quân sự để phản ứng trước hành động của Trung Quốc ở Đài Loan hay không, ông Blinken đã từ chối đưa ra bình luận về giả thuyết này.

    Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 11/4 vừa qua cho biết Washington quan ngại về những hành động gây hấn của Trung Quốc đối với đảo Đài Loan, và cảnh báo rằng bất cứ ai dự định sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng ở Tây Thái Bình Dương sẽ là một "sai lầm nghiêm trọng", báo The Guardian (Anh) đưa tin.

    "Những điều chúng tôi đã và đang thấy, và những điều khiến chúng tôi thực sự quan ngại, là những hành động ngày càng gây hấn của chính quyền Bắc Kinh nhằm vào Đài Loan và làm leo thang căng thẳng tại khu vực eo biển", ông Blinken trả lời phỏng vấn với đài NBC News (Mỹ).

    Mối quan hệ giữa hai cường quốc Mỹ-Trung đang ở trong tình trạng rất căng thẳng. Hôm 8/4 vừa qua, Bắc Kinh đã lên án Washington gây căng thẳng sau khi một tàu chiến của Mỹ đi qua eo biển Đài Loan.

    Sau đó một ngày, Nhà Trắng cho biết họ đang theo dõi sát sao các hoạt động quân sự gia tăng của Trung Quốc tại khu vực eo biển Đài Loan, đồng thời cảnh báo rằng các hành động của Bắc Kinh có nguy cơ gây bất ổn.

    Phát biểu hôm 11/4, Ngoại trưởng Blinken khẳng định Mỹ có cam kết lâu dài để đảm bảo rằng Đài Loan có khả năng tự vệ và duy trì hòa bình, an ninh ở khu vực Tây Thái Bình Dương.

    Khi được hỏi liệu có khả năng Mỹ sẽ có động thái quân sự để phản ứng trước hành động của Trung Quốc ở Đài Loan hay không, ông Blinken đã từ chối đưa ra bình luận về giả thuyết này: "Tất cả những gì tôi có thể nói với bạn lúc này là Mỹ có một cam kết nghiêm túc để Đài Loan có thể tự vệ, một cam kết nghiêm túc đối với hòa bình và an ninh ở Tây Thái Bình Dương. [...] Bất kỳ ai cố gắng thay đổi hiện trạng đó bằng vũ lực đều sẽ mắc một sai lầm nghiêm trọng."

    Đài Bắc gần đây thường xuyên ghi nhận hoạt động của lực lượng không quân Trung Quốc gần đảo này.

    Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ và sẵn sàng sử dụng vũ lực để thống nhất nếu cần thiết.

    Trong bối cảnh căng thẳng leo thang, hôm 9/4 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ lại tiếp tục có động thái khiến Bắc Kinh tức giận: ban hành hướng dẫn mới cho phép các quan chức Mỹ tự do hơn trong tương tác với các quan chức đảo Đài Loan, một động thái nhằm thắt chặt quan hệ với đảo này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định các hướng dẫn mới tuân thủ một cuộc xem xét do Quốc hội ủy quyền, và phù hợp với chính sách "Một Trung Quốc" của Mỹ./.

     

    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào