CNN mất hơn một nửa người xem kể từ khi Biden trở thành tổng thống
Điểm tin thế giới ngày Thứ bảy 17 tháng 4 năm 2021 |
Fox
News cho hay, Đài CNN có trung bình 2,2 triệu người xem trong ba tuần
đầu tiên của năm 2021, nhưng kể từ khi ông Biden nhậm chức, số người xem
trung bình chỉ còn 1 triệu, sụt giảm tới 54%.
Nếu tính riêng với
những người xem trong độ tuổi từ 25 tới 54 thì CNN mất tới 60%. Người
xem ở độ tuổi này tính trung bình theo ngày là 617.000, kể từ ngày
28/12/2020 đến ngày 20/1/2021, ngày ông Biden nhậm chức. Tuy nhiên, con
số này đã giảm xuống chỉ còn 244.000 sau ngày vị Tổng thống của Đảng Dân
chủ “an tọa” tại Tòa Bạch Ốc.
Những người dẫn chương trình nổi
tiếng của CNN là Anderson Cooper, Chris Cuomo và Don Lemon cũng không
thể giữ chân khán giả của họ trong khung giờ vàng.
Cũng trong
khoảng thời gian từ 28/12 tới Ngày nhậm chức, CNN trung bình có 3,1
triệu người xem trong khoảng giờ vàng từ 8-11 giờ tối. Tuy nhiên, con số
này đã giảm xuống chỉ còn 1,4 triệu người sau ngày 20/1/2021. Vậy là,
trong cùng khoảng thời gian, đội hình MC giờ vàng của CNN đã mất 63%
người xem.
Biden không giữ lời khi giữ số người tị nạn ở mức thấp giống thời Trump
Đoàn người di cư làm nghẽn một con đường quan trọng
Quyết định của ông Biden được cho là do ảnh hưởng của tình hình ở biên giới Mỹ-Mexico
Tổng thống Joe Biden đã ký lệnh giữ số lượng người tị nạn được nhận vào Mỹ hàng năm ở cùng mức thời Trump.
Ông Biden đã gây ra giận dữ vào thứ Sáu khi ông giữ mức trần ở con số thấp nhất trong lịch sử là 15.000, hai tháng sau khi ông cam kết tăng lên 65.500.
Nhà Trắng sau đó cho biết ông Biden sẽ nâng giới hạn người tị nạn vào tháng tới.
Các báo cáo cho biết ông Biden lo ngại về việc cho thêm người vào Mỹ khi dòng người kỷ lục đổ về biên giới Mỹ-Mexico.
Các số liệu của Liên Hiệp quốc cho thấy có hơn 80 triệu người tị nạn trên toàn thế giới, với 85% trong số đó được tị nạn ở các nước đang phát triển.
Lệnh của Biden như thế nào?
Nhà Trắng cho biết lệnh hôm thứ Sáu sẽ đẩy nhanh việc tiếp nhận người tị nạn vào Mỹ - kể từ tháng Mười, khoảng 2.000 người đã được nhận theo chương trình này.
Lệnh cũng thay đổi việc phân bổ ai được phép vào, với nhiều chỗ hơn cho những người đến từ châu Phi, Trung Đông và Trung Mỹ, đồng thời chấm dứt các hạn chế đối với người từ Somalia, Syria và Yemen.
Nhưng ông Biden vẫn giữ số lượng người tị nạn tối đa cho phép hàng năm là 15.000 người, mức trần mà người tiền nhiệm của ông là Tổng thống Donald Trump đặt ra.
Ông Biden tuyên bố giới hạn thời Trump "vẫn được biện minh bởi những lo ngại về nhân đạo và vì lợi ích quốc gia".
Nhà Trắng nói gì sau đó?
Sau sự phản đối kịch liệt, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki đổ lỗi việc ông Biden không đưa ra được con số 62.500 mà ông đã công bố với Quốc hội hai tháng trước là do "chương trình tiếp nhận người tị nạn tồi tệ mà chúng tôi thừa hưởng".
Bà Psaki nói rằng lệnh của ông Biden hôm thứ Sáu nhằm cho phép các chuyến bay tị nạn đến Mỹ bắt đầu trong vòng vài ngày.
Thư ký báo chí nói thêm: "Khi việc này hoàn thành, chúng tôi hy vọng tổng thống sẽ đặt ra mức giới hạn cuối cùng cho số người tị nạn tăng lên trong thời gian còn lại của năm tài chính này vào ngày 15/5."
Bà không nói rõ một con số, mặc dù bà nói "mục tiêu ban đầu của ông ấy là 65.000 dường như không thể thực hiện được".
Trong một bài phát biểu trước bộ ngoại giao vào tháng Hai, ông Biden thề sẽ nâng con số này lên 125.000 trong năm ngân sách tiếp theo.
Gần 85.000 người tị nạn đã được tái định cư ở Mỹ trong năm cuối nhiệm kỳ tổng thống của Barack Obama.
Các phản ứng?
Jenny Yang, phó chủ tịch cấp cao của World Relief, một tổ chức nhân đạo, nói với CNN rằng Nhà Trắng tuyên bố chương trình tái định cư cho người tị nạn của Mỹ cần được xây dựng lại sau những năm dưới thời Trump là "một câu chuyện hoàn toàn sai sự thật".
"Điều này không có cơ sở trong bất kỳ điều kiện thực tế nào," bà nói. "Không phải là họ không có đủ nguồn lực. Đó là một tính toán hoàn toàn chính trị vào thời điểm này."
Một quan chức Mỹ trước đó nói với hãng tin Reuters rằng chính quyền Biden lo ngại về việc bị nhìn nhận là "quá thoáng" với số lượng người di cư đến biên giới Mexico ngày càng tăng.
Vào tháng Ba, ít nhất 172.000 người di cư đã bị chặn lại ở biên giới Mỹ-Mexico - nhiều nhất trong 20 năm - có nhiều trẻ em không có người lớn đi kèm.
Người viết các bài phát biểu và cố vấn nhập cư của ông Trump, ông Stephen Miller đã tweet rằng lệnh này "phản ánh nhận thức của Đội Biden rằng lũ lụt ở biên giới sẽ gây ra thiệt hại kỷ lục giữa nhiệm kỳ", đề cập đến cuộc bầu cử quốc hội diễn ra giữa nhiệm kỳ tổng thống, sẽ được tổ chức tiếp theo vào tháng 11/2022.
Lệnh của Biden khiến một số đảng viên Dân chủ kinh ngạc
Nữ dân biểu cánh tả ở New York Alexandria Ocasio-Cortez đã tweet: "Việc ủng hộ các chính sách bài ngoại và phân biệt chủng tộc của chính quyền Trump, bao gồm giới hạn tị nạn thấp + giảm mạnh trong lịch sử, là sai lầm. Hãy giữ lời hứa của bạn."
Chủ tịch Đối ngoại Thượng viện Bob Menendez gọi con số này là "thấp một cách đáng kinh ngạc". Hàng chục đảng viên khác đã viết thư cho ông Biden trước khi ông ký lệnh, thúc giục ông nâng mức giới hạn.
Phái đoàn Hoa Kỳ kết thúc chuyến thăm ba ngày tới Đài Bắc
Phái đoàn Hoa Kỳ do Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden giao nhiệm vụ tái khẳng định cam kết của nước này đối với quan hệ đối tác với Đài Loan đã kết thúc chuyến thăm ba ngày tới Đài Bắc, Taipei Times cho hay.
Cựu thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Chris Dodd, các cựu Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Richard Armitage và James Steinberg, và Giám đốc Văn phòng Điều phối Đài Loan của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Dan Biers đã khởi hành lúc 11 giờ 20 trên một máy bay riêng rời khỏi Đài Loan.
Các thành viên của phái đoàn đã đến vào thứ Tư và gặp Tổng thống Thái Anh Văn, Thủ tướng Tô Trinh Xương và các quan chức chính phủ khác.
Trong chuyến thăm kéo dài ba ngày, phái đoàn cũng đã gặp gỡ sáu thành viên của Nhóm lập pháp của Lập pháp Viện Đài Loan. Trong cuộc họp, các thành viên của phái đoàn đã hỏi về cách giải thích của các nhà lập pháp Quốc Dân Đảng về cái gọi là “sự đồng thuận năm 1992”, các nguồn tin cho biết.
“Sự đồng thuận năm 1992” – một thuật ngữ mà cựu Chủ tịch Hội đồng Các vấn đề Đại lục Tô Khởi thừa nhận đã được hình thành vào năm 2000 – đề cập đến sự hiểu biết ngầm giữa Quốc Dân Đảng và chính phủ Trung Quốc rằng cả hai bên đều thừa nhận có “một Trung Quốc”, với mỗi bên có cách giải thích riêng về “Trung Quốc” này là gì.
Trả lời các câu hỏi của giới truyền thông, hôm qua, ông Tô nói rằng ông đã trả lời bằng cách làm rõ “sự đồng thuận năm 1992” từ ba khía cạnh:
-Thứ nhất, “đồng thuận” không có nghĩa là “một quốc gia, hai hệ thống”, một mô hình mà Quốc dân Đảng kiên quyết phản đối.
-Thứ hai, đó là một thực tế lịch sử đã từng là cơ sở cho sự tương tác xuyên eo biển.
-Thứ ba, đã có cuộc thảo luận trong Quốc dân đảng về việc liệu nó có nên thay thế “sự đồng thuận” bằng một thứ gì đó có thể thu hút được nhiều sự ủng hộ hơn hay không.
Ông cũng nói với phái đoàn Mỹ rằng Đài Loan cần thêm không gian quốc tế để phát triển và hy vọng Mỹ sẽ hỗ trợ nhiều hơn để Đài Loan tham gia các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Tổ chức Y tế thế giới WHO.
Mỹ rút Việt Nam khỏi danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ
Hôm qua, 16/04/2021, bộ Tài Chính Hoa Kỳ cho biết Việt Nam cùng với Thụy Sĩ và Đài Loan đã vượt qua ngưỡng có thể thao túng tiền tệ, chiếu theo Luật Thương mại năm 2015 của Mỹ, nhưng không chính thức coi ba nước này là những quốc gia thao túng tiền tệ.
Trong « Báo cáo chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ » vào cuối năm 2020, do bộ trưởng Tài Chính Janet Yellen công bố, bộ Tài Chính Mỹ cho biết trong năm 2020, Đài Loan, Việt Nam và Thụy Sĩ đã vượt ngưỡng quy định cho phép, theo Luật Thương mại năm 2015 : thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ hơn 20 tỷ đôla, can thiệp ngoại tệ vượt quá 2% tổng sản phẩm quốc nội GDP và thặng dư tài khoản vãng lai vượt quá 2% GDP.
Tuy vậy, bộ Tài Chính Hoa Kỳ nói họ không có đủ bằng chứng chiếu theo luật năm 1988 để kết luận rằng Việt Nam, Thụy Sĩ hoặc Đài Loan đang thao túng tỷ giá hối đoái của họ để đạt được lợi thế thương mại hoặc ngăn cản việc điều chỉnh cán cân thanh toán.
Bộ Tài Chính Hoa Kỳ cho biết họ sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán với Việt Nam và Thụy Sĩ, hai quốc gia mà chính quyền Trump vào tháng 12 năm ngoái đã dán nhãn « thao túng tiền tệ ».
Theo hãng tin Reuters, viêc Mỹ dỡ bỏ nhãn « thao túng tiền tệ » ít nhất trong sáu tháng tới sẽ làm giảm bớt một số áp lực đối với Thụy Sĩ và Việt Nam. Đáp lại thông báo của bộ Tài Chính Hoa Kỳ, trong một tuyên bố đưa ra hôm nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định « sẽ tiếp tục làm việc về những vấn đề mà Mỹ quan tâm trên tinh thần hợp tác, hai bên cùng có lợi », đồng thời cam kết « sẽ tiếp tục điều hành tỉ giá linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng ».
Miến Điện: Đối lập chống chế độ độc tài quân sự lập ‘‘chính phủ đoàn kết quốc gia’’
Theo AFP, phong trào đối lập chống chế độ độc tài quân sự Miến Điện hôm nay, 16/04/20201, thông báo thành lập chính phủ lâm thời « đoàn kết quốc gia ».
Thông tin vừa được loan tải trên trang mạng Facebook của Public Voice Television, cơ quan ngôn luận của Ủy ban đại diện Quốc Hội Miến Điện (Cabinet of Committee Representing Pyidaungsu Hluttaw, CRPH), với thành viên chủ yếu là các nghị sĩ Miến Điện bị chính quyền quân sự phế truất.
Người thông báo thông tin về chính phủ « đoàn kết quốc gia » là ông Min Ko Naing, sinh năm 1962, được coi là một nhà tranh đấu vì nhân quyền kỳ cựu tại Miến Điện, một lãnh đạo của phong trào dân chủ hiện nay. Chính phủ « đoàn kết quốc gia » chống tập đoàn quân sự bao gồm các thành viên là các dân biểu bị phế truất, thành viên các sắc tộc thiểu số, và nhiều nhà tranh đấu hàng đầu trong phong trào biểu tình chống chế độ quân sự vừa qua.
Trang mạng đối lập Myanmar Now cho biết cụ thể là, nguyên chủ tịch Thượng Viện Miến Điện (lãnh đạo Thượng Viện cho đến khi bị quân đội đảo chính), ông Mahn Win Khaing Than, người sắc tộc thiểu số Karen, theo đạo Thiên Chúa, được CRPH bổ nhiệm vào chức vụ thủ tướng. Luật gia Duwa Lashi La, chính trị gia sắc tộc Kachin, được bổ nhiệm làm phó tổng thống. Chính phủ lâm thời « đoàn kết quốc gia » bao gồm 26 thành viên, với 12 bộ. Trong số 26 thành viên nội các, có 13 người thuộc nhiều sắc tộc thiểu số, như Shan, Chin, Môn, Karen, Kachin, Ta’ang. Tám người là phụ nữ.
Bác sĩ Sasa, đặc phái viên của Ủy ban đại diện Quốc Hội Miến Điện tại Liên Hiệp Quốc, được bổ nhiệm làm bộ trưởng bộ Hợp Tác Quốc Tế. Chức vụ tổng thống và cố vấn Nhà nước của hai lãnh đạo hiện đang bị quân đội giam giữ (ông Win Myint và bà Aung San Suu Kyi, giải Nobel Hòa Bình) vẫn được duy trì trong nội các mới.
Liên Hiệp Châu Âu ban hành loạt trừng phạt mới
Vẫn AFP hôm nay cho hay, theo một số nguồn tin ngoại giao, Liên Hiệp Châu Âu vào ngày thứ Hai 19/04 sẽ ban bố các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào tập đoàn quân sự. Đối tượng trừng phạt là 10 thành viên tập đoàn quân sự và hai tổ chức bảo đảm nguồn tài chính cho chế độ quân sự.
Thỏa thuận trừng phạt mới được thông qua về nguyên tắc sẽ phải được Hội nghị các ngoại trưởng 27 nước châu Âu chính thức phê chuẩn trong cuộc họp 19/4 tại Bruxelles. Trong số những người bị trừng phạt có lãnh đạo tập đoàn quân sự Min Aung Hlaing. Các đương sự bị cấm vào châu Âu, tài sản tại lãnh thổ của Liên Âu bị phong tỏa. Liên Âu cũng cấm mọi tài trợ cho hai tổ chức Miến Điện.
Bộ trưởng Y tế VN cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 ở biên giới với Campuchia
Bộ trưởng Y hôm 16/4 đã cảnh báo về nguy cơ dịch bệnh COVID-19 bùng phát từ các tỉnh biên giới, đặc biệt là với Campuchia.
Trên báo Lao Động, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long Ông Long cho biết, vùng biên giới tây nam sát Campuchia và các tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện là những điểm nóng có nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh.
Bộ trưởng Y tế thúc giục các địa phương gia tăng kiểm soát biên giới, ngăn chặn người nhập cư bất hợp pháp.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long hôm 16/4 cũng thừa nhận sẽ khó kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trong năm 2021 do tình trạng chung trên thế giới, trong khi Việt Nam vẫn phải tổ chức các chuyến bay đưa người Việt về nước và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế.
Hôm 14/4, theo Tuổi Trẻ, Campuchia đang phải đối diện với vô vàn nguy cơ hiện hữu, kể cả kịch bản xấu nhất là “vỡ trận” vì COVID-19.
Từ “sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2”, con số các ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng ở Campuchia những ngày qua tăng chóng mặt, có ngày tới 277 ca (tổng 4.515 ca tính đến ngày 12-4).
Chưa hết, dịch bùng phát trong bối cảnh người dân đất nước này hân hoan chào đón Tết Chol Chnam Thmey (tết cổ truyền của Campuchia) càng dấy lên nhiều rủi ro nếu không có giải pháp kiểm soát chặt.
Từ Campuchia, lời cảnh báo đang thực sự “phả hơi nóng” đến các nước xung quanh, đặc biệt Việt Nam vốn có tới 10 tỉnh biên giới Tây Nam (trên 1.000km đường biên) tiếp giáp vùng dịch nguy hiểm này.
Những con số thống kê gần đây từ Bộ Y tế cho thấy hầu như ngày nào Việt Nam cũng xuất hiện các ca nhiễm COVID-19 từ các nguồn nhập cảnh (có cả chính ngạch và tiểu ngạch). Điển hình là các địa phương có đường biên giới tiếp giáp với Campuchia như Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Kiên Giang, An Giang…
Chẳng hạn Tây Ninh, chỉ tính riêng địa phương này đã có tới 5 huyện, thị xã; 19 xã biên giới cùng chung trục đường biên giới với Campuchia.
Thái Lan tận dụng khách sạn cho bệnh nhân COVID
Thái Lan hôm 16/4 báo cáo bước sang ngày thứ năm có số ca nhiễm COVID thường nhật cao kỷ lục trong tuần này, trong lúc nhà chức trách lập hàng ngàn bệnh viện dã chiến để đối phó với làn sóng bệnh nhân và sắp xếp các khách sạn để cung cấp thêm giường nằm cho những bệnh nhân không có triệu chứng.
Hệ thống y tế phải nhận tất cả các ca dương tính để chăm sóc, theo quy định của Thái Lan. Với 10.461 bệnh nhân đang được chữa trị, lãnh vực y tế có thể thêm căng thẳng.
Nhà cầm quyền cũng loan báo đóng cửa các quán rượu, các phòng massage và trường học bắt đầu vào ngày 18/4, trong vòng ít nhất hai tuần để ngăn dịch.
Mười tám tỉnh trong đó có Bangkok được đánh dấu là ‘vùng đỏ’, tiệm ăn và cửa hàng tạp hóa phải đóng cửa sớm. Phần còn lại trên cả nước được liệt kê là ‘vùng cam.’
Hơn 20.000 giường được kê tại các bệnh viện dã chiến trên toàn quốc tại các trung tâm cộng đồng và các phòng tập thể dục. Khách sạn và bệnh viện cùng hợp tác lập thành “khách sạn bệnh viện” để chữa cho những bệnh nhân không triệu chứng, Bộ Y tế nói.
Năm ngàn giường tại 23 khách sạn đã sẵn sàng, Bộ cho hay.
Khoảng 2.000 giường đã có người nằm và có thể có thêm 7.000 giường nữa.
Thái Lan ngày 16/4 báo cáo thêm 1.582 ca nhiễm, đánh dấu số ca nhiễm hàng ngày cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Các ca mới nâng tổng số ca nhiễm tại Thái lên thành 39.038, số tử vong vẫn ở mức 97 người.
Mỹ chuẩn bị vaccine COVID tiêm tăng cường sau 1 năm
Tối đa sau 1 năm, những người đã được chích ngừa COVID-19 rồi cần phải chích thêm mũi tăng cường, và những người được chích đầu tiên sẽ là những người cần được chích tăng cường sớm nhất, một bác sĩ có tham gia điều trị COVID tại Mỹ nói với VOA.
Bác sĩ Nguyễn Đông Châu, chuyên gia về nội thương và tim mạch ở bệnh viện Methodist thuộc Trung tâm Y khoa Texas, cho biết ‘các hãng thuốc cũng đang tích cực [cải biến] cho thuốc ngừa được tốt và hoàn hảo hơn để chống lại các biến thể mới.”
“Nếu các dạng biến thể mới sẽ hoành hành hơn và có thuốc ngừa mới công hiệu hơn thì có thể người ta sẽ được chích thêm loại thuốc ngừa mới,” bác sĩ Châu nói thêm.
Khuyến cáo này được đưa ra sau khi một quan chức Nhà Trắng hôm 15/4 cho biết Mỹ đang chuẩn bị cho khả năng sẽ cần tới một mũi tiêm tăng cường trong khoảng từ 9 đến 12 tháng sau khi mọi người được tiêm vaccine COVID-19 lần đầu tiên.
Dù giới chuyên môn vẫn đang điều nghiên xem thời gian miễn dịch sau khi chủng ngừa kéo dài bao lâu, song có thể phải cần đến liều vaccine tăng cường, David Kessler, trưởng viên chức khoa học trong tổ ứng phó COVID-19 của Tổng thống Joe Biden nói trong một cuộc họp với ủy ban Quốc hội.
“Hiện tại chúng tôi cho là những ai dễ bị tổn thương hơn sẽ được tiêm tăng cường trước,” ông nói.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành của hãng Pfizer, Albert Bourla, cho biết mọi người “có phần chắc” cần phải tiêm liều vaccine COVID-19 thứ ba trong vòng 12 tháng và có thể cần phải tiêm hàng năm, CNBC đưa tin dựa trên phát biểu của ông từ ngày 1 tháng 4, được công bố hôm 15/4.
Dữ liệu ban đầu cho thấy vaccine của Moderna và đối tác Pfizer/BioNTech duy trì được hầu hết công hiệu trong ít nhất sáu tháng, dù vẫn chưa xác định được lâu hơn nữa là bao nhiêu.
Ngay cả khi sự bảo vệ đó kéo dài hơn sáu tháng, các chuyên gia đã nói rằng các biến thể lây lan nhanh của virus corona và những biến thể khác có thể xuất hiện có thể dẫn đến nhu cầu chích ngừa tăng cường thường xuyên, tương tự như chích ngừa cúm hàng năm.
Bác sĩ Nguyễn Đông Châu lưu ý với VOA rằng những người đã chích ngừa rồi sau một thời gian có thể bị tái nhiễm COVID-19 nếu không tiếp tục được chích thêm mũi tăng cường, và “người chưa từng bị nhiễm sau một năm chích, nguy cơ bị nhiễm sẽ trở lại.”
Mỹ đang theo dõi số ca nhiễm COVID-19 ở những người đã được tiêm chủng đầy đủ, Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), nói trong một phiên điều trần trước một tiểu ban Hạ viện Hoa Kỳ.
Bà Walensky cho biết trong số 77 triệu người được chủng ngừa ở Mỹ đã có 5.800 ca nhiễm “đột phá” vaccine nghĩa là tiêm chủng rồi vẫn bị nhiễm virus. Trong số này có 396 người phải nhập viện và 74 người tử vong, dù đã chích vaccine COVID.
Bà Walensky nói một số trường hợp này xảy ra do người được tiêm chủng không có phản ứng miễn dịch mạnh. Nhưng điều gây lo ngại là trong một số trường hợp, người bệnh bị nhiễm các biến thể dễ lây lan hơn của COVID.
Đầu tháng này, Pfizer và đối tác BioNTech cho biết vaccine của họ có hiệu nghiệm khoảng 91% trong việc ngăn ngừa COVID-19, nêu ra dữ liệu thử nghiệm cập nhật trên hơn 12.000 người được tiêm chủng đầy đủ trong ít nhất sáu tháng.
Ông Castro xác nhận đang trao quyền lãnh đạo Đảng Cộng sản Cuba cho thế hệ mới
Ông Raul Castro, tại đại hội đảng hôm 16/4, xác nhận đang trao quyền lãnh đạo Đảng Cộng sản Cuba toàn quyền cho thế hệ trẻ hơn “đầy nhiệt huyết và tinh thần chống đế quốc”.
Trong diễn văn khai mạc bốn ngày họp kín, với những trích đoạn được phát trên đài truyền hình nhà nước, ông Castro, 89 tuổi, tuyên bố hài lòng khi trao quyền lãnh đạo cho một nhóm những người trung thành với đảng đã có nhiều chục năm leo dần lên các chức vụ trong đảng.
“Tôi nhiệt tình tin tưởng vào sức mạnh và bản chất gương mẫu và sự hiểu biết của đồng bào tôi, và chừng nào tôi còn sống tôi sẽ sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ tổ quốc, bảo vệ cách mạng và chủ nghĩa xã hội,” ông Castro phát biểu trước hàng trăm đại biểu đảng tập trung tại một trung tâm hội nghị ở Havana.
Võ Thái Hà tóm lược
Không có nhận xét nào