Hải quân Hoa Kỳ hôm 5/4 cho biết nhóm tàu tác chiến do tàu sân bay Theodore Roosevelt dẫn đầu đã tiến vào Biển Đông từ ngày 4/4 để tiến hành các hoạt động thường lệ. Cùng lúc, tàu sân bay Liêu Ninh của Hải quân Trung Quốc cũng đang hoạt động gần Đài Loan.
Chuẩn đô đốc Doug Verissimo, chỉ huy trưởng nhóm tàu của Hải quân Mỹ cho biết: “Thật tuyệt khi được trở lại Biển Đông để trấn an các đồng minh và đối tác của chúng tôi rằng chúng tôi vẫn cam kết bảo vệ tự do trên biển.”
“Trong quá trình triển khai nhóm tàu tác chiến, chúng tôi thể hiện cam kết của mình đối với trật tự dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bằng cách hoạt động với những người bạn của chúng tôi từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ và Malaysia,” trang thông tin của Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương dẫn lời Chuẩn đô đốc Verissimo nói.
“Chúng tôi mong muốn tiếp tục ra khơi cùng với tất cả những ai có tầm nhìn chung về an ninh và ổn định ở một trong những khu vực quan trọng nhất trên thế giới,” Chuẩn đô đốc Verissimo cho biết thêm.
Trong thời gian ở Biển Đông, nhóm tàu tác chiến của Hải quân Hoa Kỳ sẽ tiến hành các hoạt động bay, các cuộc tập trận tấn công trên biển, hoạt động chống tàu ngầm, huấn luyện chiến thuật phối hợp...
Trong diễn biến liên quan, hôm 3/4, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đã đi qua eo biển Miyako ngoài khơi phía tây nam Nhật, vài ngày sau khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc thúc giục Nhật “dừng mọi động thái khiêu khích” đối với quần đảo Điếu Ngư đang tranh chấp ở Biển Hoa Đông, mà Tokyo gọi là Senkakus, theo trang SCMP.
Hải quân Trung Quốc thông báo trên mạng thông xã hội vào tối ngày 4/4 rằng tàu Liêu Ninh đang trên đường tiến hành “các cuộc tập trận theo lịch trình” gần Đài Loan, để “kiểm tra hiệu quả của việc huấn luyện binh sĩ và nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền, an toàn và lợi ích phát triển của đất nước.”
Hải quân Trung Quốc cho biết các cuộc diễn tập hải quân tương tự sẽ tiếp tục được tổ chức theo kế hoạch.
Lầu Năm Góc mở cửa căn cứ quân sự thứ ba để đón trẻ nhập cư
Breitbart đưa tin, cuối tuần qua, Lầu Năm Góc xác nhận, họ đã phê duyệt việc sử dụng một căn cứ quân sự ở California để cung cấp chỗ ở cho trẻ em di cư không có người đi kèm đến biên giới Hoa Kỳ trong bối cảnh số lượng người di cư tăng vọt những tháng gần đây.
Một quan chức quốc phòng cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Bảy rằng, Bộ Quốc phòng đã chấp thuận yêu cầu hỗ trợ của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS) và tạm thời cung cấp chỗ ở cho trẻ vị thành niên không có người đi kèm tại Trại Quân sự Roberts, California.
Bộ quốc phòng tuyên bố họ sẽ chỉ cung cấp loại hỗ trợ này khi nó không ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng và khả năng thực hiện các nhiệm vụ chính của quân đội.
Trại Roberts nằm giữa San Francisco và Los Angeles. Đây là căn cứ quân sự thứ ba sẽ được sử dụng để làm nơi tạm trú cho trẻ em di cư. Trước đó, Pháo đài Bliss và Căn cứ Chung San Antonio ở Texas cũng được Bộ Quốc phòng phê duyệt để sử dụng cho mục đích này.
Chính quyền Biden đang phải vật lộn tìm cách giải quyết làn sóng trẻ em không có người đi kèm ồ ạt vượt biên vào Hoa Kỳ. Mặc dù chính quyền tuyên bố không có “cuộc khủng hoảng” ở biên giới và dòng người di cư đổ về nước Mỹ không khác những năm trước, nhưng các con số đang chứng minh điều ngược lại.
Tờ Washington Post đưa tin vào tháng Ba, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới (CBP) đã tiếp nhận hơn 18.800 trẻ vị thành niên nhập cư không có người đi kèm – tăng 99% so với tháng Hai và cao hơn nhiều so với mức cao nhất là 11.861 trẻ vào tháng 5/2019.
Fox News đưa tin CBP dự kiến có khoảng 184.000 trẻ em sẽ vượt biên vào Hoa Kỳ trong năm tài chính này.
Không chỉ vậy, số liệu về số người di cư trong những tháng đầu ông Biden nhậm chức cũng ở mức cao nhất trong 15 năm qua. Các nhân viên biên phòng của Mỹ đã tiếp nhận hơn 171.000 người di cư trong tháng Ba – cao hơn nhiều so với mức hơn 100.000 người vào tháng Hai và 78.442 người vào tháng Một.
Người di cư thuộc các đơn vị gia đình đã tăng từ 7.294 người trong tháng Một lên 19.246 người vào tháng Hai, và sau đó tăng vụt lên hơn 53.000 người vào tháng Ba, theo Washington Post.
Ngoài ba địa điểm quân sự để tạm giữ trẻ em di cư không người đi kèm, còn có một số địa điểm khác được sử dụng làm nơi cư trú tạm thời cho người di cư. Ngoài các cơ sở tạm giữ của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh HHS được cho là đã mở hoặc chuẩn bị mở cửa 9 cơ sở khẩn cấp để đối phó với dòng người di cư về biên giới Hoa Kỳ tăng vọt.
Ngoại trưởng Nhật điện đàm với Vương Nghị, chỉ trích trực diện ĐCSTQ
Theo Epoch Times, Ngoại trưởng Nhật, Toshimitsu Motegi, hôm 5/4, đã điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc là Vương Nghị trong 90 phút để yêu cầu ĐCSTQ chấm dứt xâm phạm vùng biển tranh chấp; kêu gọi cải thiện nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ và chấm dứt đàn áp Hong Kong.
Đây là một tín hiệu cứng rắn hiếm hoi mà Nhật Bản gửi tới Trung Quốc trước chuyến thăm Mỹ lần đầu tiên của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide vào ngày 16/4 tới.
Điều đặc biệt là, trong hồ sơ cuộc gọi chính thức của Ngoại trưởng Nhật Bản không đề cập đến câu trả lời của ông Vương Nghị. Mãi đến tối thứ Hai (5/4), các kênh truyền thông chính thức của ĐCSTQ mới đưa tin ngắn gọn về cuộc đối thoại giữa ông Vương và Tóhimitsu, nhưng không đề cập đến các vấn đề mà Nhật Bản nêu ra như lãnh hải, dân chủ, nhân quyền.
Tờ Hoa Nhật đưa tin, trong cuộc gọi kéo dài một giờ rưỡi, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi nói với ông Vương Nghị rằng, các tàu tuần duyên của ĐCSTQ tiếp tục xuất hiện tại vùng biển tranh chấp.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng cho biết trong một tuyên bố rằng, ông Toshimitsu Motegi còn bày tỏ “quan ngại sâu sắc” với ông Vương Nghị về các vấn đề như ĐCSTQ xâm phạm nền dân chủ Hong Kong, bức hại người Duy Ngô Nhĩ.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết vào sáng ngày 3/4, tổng cộng có 6 chiếc tàu chiến, trong đó bao gồm cả tàu sân bay Liêu Ninh của Hải quân ĐCSTQ đã tiến vào phía Nam Thái Bình Dương thông qua vùng biển giữa đảo Okinawa và đảo Miyakojima. Đây là lần đầu tiên tàu của ĐCSTQ vượt qua khu vực này kể từ tháng 4/2020.
Nhật Bản luôn cố gắng tránh chọc giận và duy trì mối quan hệ cân bằng với Bắc Kinh, đối tác thương mại lớn nhất của họ, nhưng gần đây Nhật Bản ngày càng chỉ trích trực diện hơn đối với ĐCSTQ.
Vào ngày 16/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã tổ chức cuộc họp “2 + 2” với Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi tại Tokyo. Sau cuộc họp, Mỹ và Nhật Bản đã ra một tuyên bố chung, hai nước xác nhận rằng, “hành vi của Trung Quốc không phù hợp với trật tự quốc tế hiện có, và đã đem lại những thách thức về chính trị, kinh tế, quân sự và công nghệ cho liên minh và cộng đồng quốc tế”.
Sau khi bị phía Nhật Bản trực tiếp chỉ trích, ĐCSTQ đã không giấu được sự tức giận của mình. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ Triệu Lập Kiên đã đáp trả bằng cách nói Nhật Bản là “cậy thân cậy thế” và “cấu kết với nhau làm việc xấu”.
Theo tờ Kyodo News, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide sẽ thảo luận với ông Biden về vấn đề Đài Loan trong chuyến đi lần này, và nhấn mạnh “tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”. Ông Yoshihide cũng kỳ vọng rằng Nhật Bản và Mỹ sẽ hợp tác để tạo ra một môi trường giải quyết hòa bình giữa hai bên eo biển. Ngoại giới dự đoán rằng, điều này sẽ khiến ĐCSTQ càng tức giận hơn.
Rò rỉ 533 triệu số điện thoại và dữ liệu cá nhân của người dùng Facebook
Hôm 3/4 vừa qua, một người dùng trong một diễn đàn tin tặc đã đăng trên mạng miễn phí số điện thoại và dữ liệu cá nhân của hàng trăm triệu người dùng Facebook.
Facebook
FILE PHOTO: The Facebook logo is displayed on a mobile phone in this picture illustration taken December 2, 2019. REUTERS/Johanna Geron/Illustration/File Photo
Theo tờ Business Insider, dữ liệu bị rò rỉ bao gồm thông tin cá nhân của hơn 533 triệu người dùng Facebook từ 106 quốc gia, trong đó có hơn 32 triệu người dùng tại Mỹ, 11 triệu người dùng ở Anh, 6 triệu người dùng tại Ấn Độ. Những thông tin bị lộ bao gồm số điện thoại, ID Facebook, tên đầy đủ, vị trí, ngày sinh, tiểu sử và địa chỉ email (trong một số trường hợp).
Tờ Business Insider đã xem xét một mẫu dữ liệu bị rò rỉ và xác minh được một số hồ sơ bằng cách ghép số điện thoại của người dùng Facebook nào đó với ID được liệt kê trong tập dữ liệu. Tờ này cũng xác minh hồ sơ bằng cách kiểm tra địa chỉ email từ bộ dữ liệu trong tính năng đặt lại mật khẩu của Facebook, tính năng này có thể được sử dụng để tiết lộ một phần số điện thoại của người dùng.
Phát ngôn viên của Facebook cho biết trên tờ Business Insider rằng dữ liệu đã bị đánh cắp do một lỗ hổng bảo mật mà hãng đã vá (patch) vào năm 2019.
Mặc dù mới được vài năm, nhưng lượng dữ liệu bị lộ có thể cung cấp thông tin cá nhân có giá trị cho tội phạm mạng sử dụng để mạo danh người dùng hoặc lừa đảo họ chuyển giao thông tin đăng nhập, theo Alon Gal, giám đốc công nghệ của công ty tình báo tội phạm mạng Hudson Rock, người đầu tiên phát hiện ra việc dữ liệu bị rò rỉ trực tuyến, cho biết hôm 3/4 vừa qua.
Gal nói với Business Insider rằng: “Cơ sở dữ liệu có kích thước như vậy chứa thông tin cá nhân như số điện thoại của rất nhiều người dùng Facebook chắc chắn sẽ dẫn đến việc những kẻ xấu lợi dụng dữ liệu để thực hiện các cuộc tấn công qua mạng xã hội.”
Gal lần đầu tiên phát hiện ra dữ liệu bị rò rỉ vào tháng 1/2021 khi một người dùng trong cùng một diễn đàn tin tặc quảng cáo về một bot tự động có thể cung cấp số điện thoại của hàng trăm triệu người dùng Facebook. Vào thời điểm đó, tạp chí Motherboard đã báo cáo về sự tồn tại của bot đó và xác minh rằng dữ liệu là chính xác.
Hiện tại, toàn bộ tập dữ liệu đã được đăng tải miễn phí trên diễn đàn tin tặc, vậy nên nó sẽ được phổ biến một cách rộng rãi cho bất kỳ ai có kỹ năng sử dụng dữ liệu thô.
Đây không phải là lần đầu tiên một lượng lớn số điện thoại của người dùng Facebook bị rò rỉ trên mạng. Vào năm 2019, một lỗ hổng cũng bị phát hiện, trong đó cho phép tin tặc đánh cắp hàng triệu số điện thoại của người dùng khỏi máy chủ của Facebook. Hãng này cho biết họ đã vá lỗ hổng bảo mật vào tháng 8/2019.
Từ quan điểm bảo mật, Gal cho biết rằng Facebook không thể làm gì nhiều để giúp người dùng bị ảnh hưởng bởi vụ xâm phạm dữ liệu này do dữ liệu đã bị lộ, nhưng Gal nói thêm rằng công ty có thể thông báo cho người dùng để họ có thể đề phòng trước thủ đoạn lừa đảo thông qua việc sử dụng dữ liệu cá nhân.
Theo Business Insider,
Hoàng tử Jordan bị giam lỏng
Gia đình Hashemite cai trị Jordan thường rất có kỷ luật khi xuất hiện trước công chúng. Vì vậy, thật khác thường khi Hoàng tử Hamzah, anh cùng cha khác mẹ của Vua Abdullah, thông báo ông đã bị quản thúc tại gia vì chỉ trích “tham nhũng, chuyên quyền và sai trái”. Trong khi đó chính phủ nói ông ta đang âm mưu với “các thực thể nước ngoài” (không nêu tên). Tuy nhiên cảnh sát mật của Jordan nổi tiếng hiệu quả: một kế hoạch tinh vi như vậy khó có thể lọt qua mắt họ. Câu chuyện này trông giống một mâu thuẫn gia đình hơn.
Phe ủng hộ nói hoàng tử có nét đời thường hơn người anh cùng cha khác mẹ của ông, làm mất lòng những nhân vật thân cận nhà vua — đặc biệt là khi những lời chỉ trích của hoàng tử được chia sẻ rộng rãi. Khi ông chỉ trích nạn hối lộ và tham nhũng, nhà vua lại tuyên bố như vẻ một người đứng đầu một nhóm quản trị tốt hơn là một vị vua quyền lực. Người Jordan đã mệt mỏi với nhịp sống đó. Nếu nhìn từ mạng xã hội, có thể thấy người ta đánh giá cao Hoàng tử Hamzah vì đã nói lên nỗi thất vọng của họ. Nếu việc giam hoàng tử là nhằm bịt miệng ông, thì nó đã có tác dụng ngược lại.
Bong bóng du lịch: ý tưởng hay áp dụng khó
Ý tưởng “bong bóng du lịch” về lý thuyết nghe có vẻ hay. Nhưng thực tế thì khó đủ bề. Hôm nay, thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern hứa sẽ ấn định ngày ra mắt một hành lang với Úc, vốn đã được bàn luận suốt cả năm nay. Úc đã cho phép du khách từ “bên kia eo biển” nhưng chính phủ của bà Ardern không đáp lại, vì e ngại tái bùng phát coronavirus.
Các nhà lãnh đạo khu vực kị rủi ro khác cũng vậy. Chiếc bong bóng dự kiến giữa Singapore và Hồng Kông đã vỡ hồi tháng 11, sau khi Hồng Kông trải qua một làn sóng dịch mới. Trong khi đó vắc-xin chậm đến các nước kiểm soát tốt đại dịch. Úc và Singapore đang cân nhắc đi lại không kiểm dịch cho các công dân đã tiêm, có thể là từ tháng 7 hoặc tháng 8. Các nhà lãnh đạo khác cũng quảng cáo không ngừng cho kế hoạch của họ. Nhưng cho đến nay chỉ có một bong bóng châu Á thực sự được thiết lập: giữa Đài Loan và quần đảo nhỏ bé Palau.
Đài Loan gặp hạn hán, ngành chip toàn cầu đứng ngồi không yên
Thời tiết năm nay đặc biệt gây khó khăn cho ngành sản xuất chất bán dẫn, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu chip silicon. Một cơn bão mùa đông kinh hoàng hồi tháng 2 đã làm tê liệt Texas, bang sản xuất chip lớn nhất nước Mỹ. Sau đó là vụ hỏa hoạn tại một nhà máy Nhật Bản hồi tháng trước làm liệt nguồn cung của một nhà sản xuất chất bán dẫn quen thuộc với các hãng ô tô. Và bây giờ đến lượt Đài Loan chịu hạn hán – một tin xấu cho ngành công nghiệp chip dùng nhiều nước.
Để giúp duy trì dự trữ, hôm nay chính phủ Đài Loan cắt giảm 15% nguồn cung cấp nước (so với thông thường) cho các khu công nghiệp ở Đài Trung, nơi có công ty TSMC, hãng chiếm hơn một nửa doanh thu sản xuất bán dẫn trên toàn thế giới. TSMC khẳng định họ có đủ nước dự trữ để không bị gián đoạn trong thời điểm hiện tại, một tin trấn an cho nền kinh tế toàn cầu đang ngày càng phụ thuộc vào công ty để cung cấp các bộ vi xử lý cho các thiết bị điện tử hiện đại. Nhưng vẫn rất đáng ngại: Đài Loan cho biết họ có đủ lượng nước dự trữ để lĩnh vực công nghệ hoạt động trơn tru, song chỉ đến cuối tháng 5.
IMF công bố dự báo kinh tế năm
Hôm nay IMF công bố bản Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất của họ. Ai cũng biết nền kinh tế toàn cầu đã thiệt hại lớn trong năm ngoái; số liệu tháng 1 cho thấy đó là mức giảm hàng năm lớn nhất kể từ sau thế chiến thứ hai. Năm nay, IMF dự đoán phục hồi, với mức tăng trưởng toàn cầu thậm chí còn cao hơn mức 5,5% họ từng đưa ra ba tháng trước đây, một phần nhờ kích thích tài khóa mạnh mẽ của chính phủ Mỹ.
Nhưng trong một bài phát biểu hôm 30 tháng 3, giám đốc điều hành quỹ Kristalina Georgieva nói so với dự báo trước khủng hoảng, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 sẽ vẫn giảm 11% ở các nền kinh tế tiên tiến và 20% ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ngoại trừ Trung Quốc. Việc Mỹ phục hồi dẫn tới lãi suất cao hơn kéo dòng vốn ra khỏi các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển cũng có thể là một điều không tốt. Các nước nghèo hiện đã khó tiếp cận vắc-xin, đồng thời thiếu khả năng tự cứu trợ nền kinh tế của chính mình.
EU và Thổ Nhĩ Kỳ họp cấp cao
Các quan chức hàng đầu EU, Charles Michel và Ursula von der Leyen, hôm nay gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Ankara. Điều tốt nhất có thể nói về mối quan hệ EU-Thổ Nhĩ Kỳ là ít nhất nó đã tốt hơn. Năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ gần như đã gây hấn với Hy Lạp, một thành viên EU, về quyền khai thác dầu khí ở phía đông Địa Trung Hải. Hai nước gần đây nối lại đàm phán về vấn đề này, còn EU và Thổ Nhĩ Kỳ cũng tìm cách nối lại quan hệ.
Cả hai đều muốn gia hạn một thỏa thuận đã ký vào năm 2016, theo đó giữ người di cư và người tị nạn ở bên bờ Aegean của Thổ Nhĩ Kỳ đểđổi lại hỗ trợ tài chính. Với mong muốn gửi một tín hiệu tích cực đến các nhà đầu tư nước ngoài, Thổ Nhĩ Kỳ cũng kỳ vọng đẩy nhanh đàm phán về một thỏa thuận thương mại. Nhưng trong bối cảnh ông Erdogan tiếp tục phá bỏ những gì còn sót lại của nền dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ — gần đây các công tố viên đã cho đóng cửa đảng chính trị lớn thứ ba của đất nước — chúng ta không nên mong đợi nhiều.
TQ cảnh báo Mỹ: Bắc Kinh mới là nước “có tiếng nói cuối cùng” trong các vấn đề thế giới
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã cảnh báo Hoa Kỳ chớ nên tỏ ra có vị thế vượt trội và cho rằng Bắc Kinh mới là nước có tiếng nói quyết định đối với các vấn đề toàn cầu.
Ông Vương cho biết Trung Quốc sẽ không chấp nhận danh sách các yêu cầu đơn phương từ Washington.
“Cánh cửa đối thoại với Trung Quốc rất rộng mở. Nhưng đối thoại nên được thực hiện trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau,” ông nói.
“Trung Quốc sẽ không chấp nhận rằng có bất kỳ quốc gia nào trên thế giới [có thể] đặt mình vượt trội hơn những quốc gia khác, và rằng bất kỳ quốc gia nào cũng có thể có tiếng nói cuối cùng về các vấn đề thế giới. Nếu Mỹ tiếp tục đối đầu, Trung Quốc sẽ bình thản đối diện mà không sợ hãi”.
Ông Vương Nghị đã trả lời truyền thông nhà nước Trung Quốc về các cuộc gặp gần đây ở tỉnh Phúc Kiến với các ngoại trưởng từ Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines và Hàn Quốc. Ông nói rằng ông đã thông báo cho họ về Hội nghị thượng đỉnh ở Alaska giữa các nhà ngoại giao Mỹ và Trung Quốc, và rằng việc các quốc gia trong khu vực lo ngại về mối quan hệ Trung – Mỹ là điều hợp lý.
Ông Vương nói rằng, mặc dù hai bên Trung – Mỹ có thể hợp tác, nhưng cả hai “nên tôn trọng các mối quan tâm cốt lõi của nhau và Trung Quốc sẽ không chấp nhận các yêu cầu và điều kiện đơn phương từ Washington.”
Ông nói: “Chúng tôi kiên quyết chống lại sự can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc và kiên quyết hơn nữa phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương trái pháp luật được áp đặt trên cơ sở dối trá và thông tin sai lệch.”
“Trung Quốc không thể đầu hàng vì có nhiều nước đang phát triển, có nhiều nước vừa và nhỏ ở phía sau chúng tôi. Trung Quốc có quyền chống trả vì chúng tôi phải bảo vệ chủ quyền quốc gia và phẩm giá quốc gia”.
Các nhà quan sát ngoại giao cho biết Bắc Kinh đang tìm cách cải thiện mối quan hệ với Mỹ, nhưng đang đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan trong việc vạch ra ranh giới giữa hợp tác và chống lại sức ép của Mỹ.
Nhiều tuần sau hội nghị thượng đỉnh ở Alaska, căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn đang ở mức cao. Washington đã áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với các quan chức và thực thể Trung Quốc với cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, sau một động thái tương tự của Liên minh châu Âu. Cả hai nước cũng đã tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhắc lại Mỹ sẽ làm việc với NATO và Liên minh châu Âu để xử lý những thách thức chung do Trung Quốc đặt ra. Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga sẽ thăm Washington để hội đàm với ông Joe Biden vào ngày 16/4.
Ông Vương cho biết Trung Quốc và Mỹ nên tổ chức nhiều cuộc đối thoại hơn về các vấn đề khu vực và hợp tác về đại dịch, nhưng nói thêm rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc không thể bị đẩy lùi. “Việc tiếp tục phát triển và trở nên hùng mạnh là điều tất yếu đối với Trung Quốc. Điều này phù hợp với lợi ích lâu dài và nguyện vọng chung của các nước trong khu vực, và xu hướng này không thể chống lại được”, ông nói.
“Trung Quốc sẽ không né tránh sự cạnh tranh. Nhưng cạnh tranh phải công bằng và tuân theo các quy tắc thị trường. Không ai khác nên tước đoạt quyền tìm kiếm sự phát triển chính đáng của người khác”.
Miến Điện : Quân đội cắt internet, người biểu tình tìm cách đối phó
Người biểu tình ở Miến Điện luôn có những cách đấu tranh sáng tạo. Hôm nay 06/04/2021 tại Rangoon, người dân rải sơn màu đỏ lên vỉa hè và in dấu bàn tay sơn đỏ lên xe buýt để phản đối bạo lực. Trước đó, từ chiều 04/04, tập đoàn quân sự Miến Điện quyết định cắt mạng viễn thông và internet để phong tỏa các mạng xã hội.
AFP ghi nhận một khẩu hiệu vẽ ở trạm xe buýt tố cáo quân đội bị lạm dụng để bảo vệ tướng Min Aung Hlaing, và kêu gọi binh lính không bắn vào dân chúng. Tại thành phố Hpa-an, các thanh niên phun sơn đỏ lên đường phố, với chủ đề « Máu của người Miến Điện ».
Hôm qua, các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra tại các thành phố lớn. Trong khi đó chiến dịch gây quỹ của chính phủ Miến Điện lưu vong CRPH do nhóm cựu dân biểu chủ trì đã nhận được gần 10 triệu đô la.
Bị cắt internet, người biểu tình chỉ có thể trông cậy vào các nhà cung cấp dịch vụ bất tuân dân sự hoặc tìm mua các thẻ SIM Thái Lan. Theo thông tín viên RFI Carol Isoux, giờ đây để kết nối internet tại Miến Điện, chỉ còn mạng wifi tại các khách sạn lớn, một số văn phòng, cao ốc. Đại đa số dân chúng không còn internet để vào mạng xã hội. Một bức màn đen đã chụp xuống cắt đứt họ với thế giới bên ngoài, quốc tế cũng không thể có được thông tin kịp thời.
Trước đây người biểu tình gởi ra hình ảnh và video từ những nơi xung đột với cảnh sát, nên dễ dàng đánh giá tình hình thông qua số lượng lớn video trên mạng xã hội. Nay từ lúc ảnh được chụp đến khi tìm được nơi có wifi phải mất thời gian rất lâu, và cũng ít người gởi hơn. Người Miến Điện không đủ phương tiện để đối phó với việc cắt internet, nhưng dường như cũng có một số các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động không hoàn toàn nghe lệnh, đôi lúc trong ngày có thể kết nối mạng lại được.
Tại các vùng biên giới, các thẻ SIM Thái Lan đã trở thành mặt hàng thiết yếu. Đặc biệt là ở bang Karen gần biên giới Thái Lan, nơi nhiều nhà đấu tranh Miến Điện đến trú ẩn dưới sự bảo vệ của phiến quân Karen, tất cả đều sử dụng thẻ SIM của nước láng giềng để có thể tiếp tục làm việc.
Mạng xã hội còn là chiến trường giữa các nhà hoạt động và tập đoàn quân sự. Quân đội sở hữu nhiều phương tiện để tuyên truyền, như mới đây, nhiều doanh nhân tố cáo bà Aung San Suu Kyi tham nhũng. Người biểu tình thì bị cho là một thiểu số khủng bố nguy hiểm, những kẻ ích kỷ bất chấp tình trạng đất nước bị phong tỏa về kinh tế.
Kiểu tuyên truyền này từng có tác dụng sau vụ đảo chính năm 1988, quân đội cô lập được những người phản kháng và sinh viên. Nhưng lần này trongthời đại công nghệ thông tin, người biểu tình có thể trình bày câu chuyện của chính mình để không mất đi sự ủng hộ của công chúng. Tất nhiên là với điều kiện phải có được internet.
Nhật Bản có quyết định mới với Triều Tiên
Chính phủ Nhật Bản hôm 6/4 đã gia hạn trừng phạt Triều Tiên thêm hai năm. Các lệnh trừng phạt của Nhật Bản đối với Triều Tiên sẽ hết hiệu lực vào ngày 13/4, tuy nhiên do Bình Nhưỡng không có biến chuyển, vẫn thử nghiệm tên lửa, vì thế Tokyo đã đưa ra quyết định trên, theo Apollo.
Đài phát thanh truyền hình Nhật Bản (NHK) đưa tin, kể từ năm 2006, Nhật Bản đã áp đặt riêng các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên để đáp trả các vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng. Các lệnh trừng phạt bao gồm việc cấm xuất nhập khẩu thương mại với Triều Tiên và cấm các tàu của Triều Tiên cập các cảng của Nhật Bản.
Tuy nhiên, gần đây Triều Tiên vẫn không dừng việc thử nghiệm vũ khí. Vào tháng ba, Bình Nhưỡng đã phóng hai tên lửa đạn đạo. Vì thế Nhật Bản sẽ không dừng việc trừng phạt Bắc Hàn.
Báo cáo của NHK cũng cho biết, Thủ tướng Yoshihide Suga và Tổng thống Mỹ Biden sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh tại Washington vào ngày 16 tới đây. Vấn đề Triều Tiên sẽ là một trong những chủ đề chính của cuộc gặp này và Nhật Bản sẽ hợp tác với Mỹ để giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Võ Thái Hà tóm lược
Không có nhận xét nào