Bộ ba Mỹ-Nhật-Úc chung tay lắp đặt tuyến cáp ngầm chặn đứng ‘dã tâm’ của Bắc Kinh
Điểm tin thế giới ngày Thứ ba 20 tháng 4 năm 2021 |
Để tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật số toàn cầu, ba quốc gia Mỹ, Nhật và Úc sẽ hợp tác lắp đặt các tuyến cáp ngầm mới trong khu vực Thái Bình Dương và tăng cường chia sẻ thông tin về các động thái của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản đưa tin, hệ thống cáp ngầm là cơ sở hạ tầng quan trọng đối với an ninh, thông tin và tình báo, nó có thể bị chặn hoặc gián đoạn. Do đó, ba quốc gia Mỹ, Nhật và Úc sẽ hợp tác để xây dựng hệ thống liên lạc quốc tế này. Ngoài ra, các tổ chức tài chính tại Mỹ, Nhật và Úc cũng sẽ tham gia tài trợ cho kế hoạch lắp đặt cáp ngầm mới này.
Được biết, Chính phủ Mỹ, Nhật và Úc cùng các công ty liên quan đã có một cuộc họp không chính thức vào tháng 3. Các bên tham gia đều đồng ý tăng cường hợp tác. Đồng thời cuộc họp còn thảo luận về cách tăng cường chia sẻ thông tin về các động thái của ĐCSTQ, và đề xuất một kế hoạch hợp tác để cùng tài trợ xây dựng các tuyến cáp ngầm tại các khu vực chiến lược quan trọng.
Báo cáo còn cho biết, lý do chính khiến Mỹ, Nhật và Úc muốn tăng cường hợp tác trong lĩnh vực cáp ngầm chủ yếu là vì sự bành trướng của ĐCSTQ.
Cho đến nay, các công ty Mỹ, Nhật và châu Âu vẫn chiếm 90% thị phần cáp ngầm trên thế giới, tuy nhiên công ty Kỹ thuật Thông tin Hoa Hải – một công ty con của Hua Wei, cũng đã vươn lên đứng ở vị trí thứ 4 trên thế giới trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, ĐCSTQ còn triển khai nhiều tuyến cáp ngầm ở nhiều nơi khác nhau để phù hợp với khái niệm vòng tròn kinh tế khổng lồ của dự án “Một vành đai, một con đường”, đặc biệt là thông qua hợp tác và hỗ trợ kinh tế để mở rộng tầm ảnh hưởng của mình với các đảo ở Thái Bình Dương có quan hệ hữu nghị với Đài Loan.
Hiện tại, các công ty Trung Quốc cũng đang cố gắng ký hợp đồng kinh doanh trong lĩnh vực này, họ có thể nhận thầu với giá thấp bởi có sự hỗ trợ từ các quỹ của ĐCSTQ phía sau. Trong tương lai, các tổ chức tài chính của Mỹ, Nhật và Úc có bối cảnh chính phủ sẽ hỗ trợ dự án lắp đặt cáp ngầm cho những nước xung quanh khu vực Thái Bình Dương.
Vào tháng Giêng năm nay, Palau, một trong những quốc đảo ở Thái Bình Dương, đã ký hợp đồng với Mỹ và những nước khác để đặt cáp ngầm. Ngoài ra Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC), kế hoạch này còn được tài trợ bởi các tổ chức tài chính của Mỹ và Úc.
Được biết,cáp ngầm là loại dây được bọc bằng vật liệu cách điện và lắp đặt dưới đáy biển sâu để thiết lập viễn thông hoặc truyền tải điện giữa các quốc gia hoặc khu vực. 99% thông tin liên lạc quốc tế dựa vào cáp ngầm. Khi lượng thông tin liên lạc quốc tế tăng lên, việc bổ sung cáp ngầm là cần thiết. NEC cho biết, hệ thống cáp quang sắp tới có thể truyền dữ liệu khoảng 10.000 đĩa DVD/giây.
TIÊU ĐIỂM
NASA xác nhận Ingenuity đã hoàn thành chuyến bay đầu tiên trên sao Hỏa vào lúc 7h30 sáng giờ GMT. Chiếc máy bay trực thăng thu nhỏ là cỗ máy đầu tiên bay trên một hành tinh khác, hơn một thế kỷ sau khi anh em nhà Wright tiến hành chuyến bay đầu tiên. Thành công của Ingenuity được kỳ vọng sẽ thay đổi hoạt động khám phá không gian, cho phép các phương tiện bay thám hiểm những khu vực mà máy móc trên đất liền không thể đi được.
Cổ phiếu Tesla trượt dốc sau khi một trong những chiếc xe điện với hệ thống lái bán tự động của hãng này đâm vào một gốc cây khiến hai người thiệt mạng. Các báo cáo cho thấy không có ai cầm lái vào thời điểm đó; và không rõ liệu tính năng lái tự động của Tesla có được bật lên hay không. Việc lạm dụng hệ thống —vốn vẫn cần sự kiểm soát của con người — còn liên quan đến một số sự cố chết người khác.
Ấn Độ chìm trong cơn sóng thần covid-19
Các số liệu ngày một tệ hơn. Theo một cuộc kiểm đếm độc lập vào ngày 18 tháng 4, Ấn Độ đã ghi nhận thêm hơn 275.000 ca covid-19 mới và hơn 1.600 ca tử vong, trong bối cảnh xuất hiện bằng chứng cho thấy báo cáo thiếu. Kể từ đỉnh của làn sóng đầu tiên ở Ấn Độ, tức gần 100.000 ca nhiễm mới hàng ngày hồi tháng 9, số ca nhiễm giảm xuống còn khoảng 10.000 ca mỗi ngày trong suốt mùa đông. Nhưng nhiều người Ấn Độ mất cảnh giác, và đã bước vào một mùa vận động chính trị căng thẳng bên cạnh một lễ hội Hindu khổng lồ.
Dù vậy sự đột ngột của cơn sóng thần lây nhiễm này khiến ngay cả những người bi quan nhất cũng phải sốc. Có thể là do một chủng virus mới, lần đầu tiên được tìm thấy ở bang Maharashtra. Giờ đây, cả đất nước đang quay cuồng, khi bệnh viện và nhà hỏa táng oằn mình chịu áp lực, trong khi nguồn cung cấp oxy y tế thiếu trầm trọng. Delhi bắt đầu giới nghiêm một tuần từ hôm nay; và năm thành phố ở bang lân cận Uttar Pradesh cũng làm theo. Đối với hàng triệu người Ấn Độ, sự tĩnh lặng hiu hắt của đợt phong tỏa năm ngoái đã trở lại.
Thế giới theo dõi sít sao tình hình của Navalny
Cơ quan quản lý nhà tù của Nga hôm qua cho biết sức khỏe của Alexei Navalny “tốt”, nhưng ông đã được chuyển đến bệnh xá — sau gần ba tuần tuyệt thực để yêu cầu được gặp bác sĩ của ông. Nhưng những người ủng hộ nhà lãnh đạo phe đối lập nói ông có thể sẽ chết. Ngay cả khi bị giam giữ và chịu dày vò nghiêm trọng về tinh thần và thể chất, ông Navalny vẫn là mối đe dọa đối với Tổng thống Vladimir Putin.
Thái độ ủng hộ của quốc tế dành cho ông được thể hiện trong một bức thư ngỏ hôm thứ Sáu từ gần 80 trí thức và nghệ sĩ nổi tiếng khắp thế giới, và với việc chính phủ Mỹ cảnh báo sẽ có “hậu quả” nếu ông chết trong tù. Ông cũng được ủng hộ ở quê hương, cụ thể biểu tình ủng hộ ông đang được lên kế hoạch trên khắp nước Nga vào ngày mai. Công tố viên của Moskva đã đệ đơn lên tòa án yêu cầu đóng cửa tổ chức của ông Navalny vì mang tính chất chủ nghĩa cực đoan. Ông Putin có vẻ lo lắng, trong khi ông Navalny dường như không sợ hãi.
Mỹ bế tắc trong vấn đề kiểm soát súng
Hôm nay là Ngày Quốc gia Hành động Chống Bạo lực Súng trong Trường học — thật đáng buồn là không cần nêu tên cũng biết nước nào. Năm nay, 5 trẻ em Mỹ đã chết trong các vụ xả súng ở trường học. Theo nhóm vận động Everytown For Gun Safety, mỗi năm có khoảng 3.000 trẻ em bị bắn chết. Tổng thống Joe Biden đã đặt ra một số sắc lệnh hành pháp liên quan đến súng, nhưng sẽ không thể có luật liên bang thực chất.
Việc thông qua luật sẽ bị filibuster, trong khi chính quyền muốn dành vốn liếng chính trị cho các cuộc chiến khác. Maryland và Virginia đã thắt chặt kiểm tra lý lịch khi mua súng, và thống đốc New Jersey sắp đặt ra các biện pháp kiểm soát súng toàn diện. Song nhiều bang lại làm ngược lại. Từ ngày 5 tháng 5, cư dân Utah sẽ không cần phải mang theo giấy phép khi mang vũ khí trong người nữa; kế đó là Iowa và Tennessee vào ngày 1 tháng 7. Hơn nữa hầu hết các bang không yêu cầu kiểm tra lý lịch khi bán súng cho cá nhân. Bạn sẽ còn thấy nhiều “ngày hành động” như vậy trong nhiều năm tới, nhưng kết quả ở Washington lại rất hạn chế.
Boeing họp hội nghị cổ đông
Các cổ đông Boeing sẽ họp online vào hôm nay để xem xét những khó khăn mà nhà sản xuất máy bay Mỹ phải đối mặt. Họ sẽ thảo luận xem liệu ban giám đốc có thực hiện được nhiệm vụ hồi sinh gã khổng lồ hàng không vũ trụ hay không. Một số nhà đầu tư, được thúc đẩy bởi gia đình nạn nhân các vụ tai nạn 737 MAX, có thể sẽ chú ý đến các cố vấn ủy quyền và bỏ phiếu chống lại chủ tịch cũng như các thành viên hội đồng quản trị khác.
Việc tiếp tục giao hàng máy bay 737 MAX là tin tốt, nhưng việc một số chiếc phải nằm kho gần đây để kiểm tra hệ thống điện là rất đáng lo ngại. Trong khi Boeing giao 77 máy bay trong quý đầu năm, đối thủ chính của họ là Airbus lại giao tới 125 máy bay. Chặng đường dài hạn sắp tới trong việc khôi phục hoạt động hàng không cũng rất bất định vì covid-19 tiếp tục làm bay quốc tế bị ngưng trệ. Vì vậy kết quả tài chính quý của Boeing, được công bố trong tuần tới, sẽ không khả quan.
Hoa Kỳ tăng cường khuyến cáo công dân không tới các nước vì COVID-19
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 20/4 cho biết sẽ tăng cường khuyến cáo “không nên tới” khoảng 80% các nước trên thế giới do “rủi ro chưa từng có đối với du khách” vì COVID-19.
Bộ Ngoại giao đã đưa 34 trong số khoảng 200 quốc gia trên thế giới vào danh sách gọi là “Cấp độ 4: Không nên tới”, bao gồm các nước như Chad, Kosovo, Kenya, Brazil, Argentina, Haiti, Mozambique, Nga và Tanzania.
“Bản cập nhật này sẽ dẫn đến sự gia tăng đáng kể số lượng quốc gia ở ‘Cấp độ 4: Không nên tới’, lên khoảng 80% quốc gia trên toàn thế giới”, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố.
Đạt đến 80% đồng nghĩa với việc gần thêm gần 130 quốc gia được đưa vào danh sách.
Bộ Ngoại giao cho biết động thái này không cho thấy việc đánh giá lại tình hình y tế hiện tại ở một số quốc gia, mà "phản ánh sự điều chỉnh hệ thống Cảnh báo Đi lại của Bộ Ngoại giao nhằm dựa nhiều hơn vào các đánh giá dịch tễ học hiện có của (Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh)”.
Hầu hết người Mỹ đã bị ngăn không tới hầu hết châu Âu nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Washington cũng cấm gần như toàn bộ người không phải là công dân Mỹ từng tới phần lớn châu Âu, Trung Quốc, Brazil, Iran và Nam Phi.
Tòa Bạch Ốc không đưa ra mốc thời gian về việc nới lỏng các hạn chế đó.
Liên Âu thông qua chiến lược chung về Ấn Độ-Thái Bình Dương
Qua video hội nghị, lãnh đạo ngoại giao châu Âu Josep Borrell (màn hình trên) chủ trì cuộc họp các ngoại trưởng 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu, Bruxelles, Bỉ, ngày 19/04/2021. AP - Francois Walschaerts
Lần đầu tiên Liên Hiệp Châu Âu đưa ra một chiến lược chung về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong bối cảnh căng thẳng địa - chính trị ngày càng gia tăng tại khu vực, đặc biệt với thế đối đầu Mỹ - Trung.
Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, trải dài từ bờ đông châu Phi đến các quốc đảo Thái Bình Dương, chính thức trở thành địa bàn trọng yếu, mà Liên Hiệp Châu Âu muốn khẳng định vai trò của một tác nhân chủ chốt.
Theo AFP, thông cáo chung được công bố sau cuộc họp của ngoại trưởng 27 thành viên Liên Âu hôm 19/04/2021, nhấn mạnh đến mục tiêu thúc đẩy môi trường thuận lợi cho kinh tế « một trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc, các điều kiện cạnh tranh công bằng và một môi trường mở và công bằng đối với thương mại và đầu tư ». Các nước Liên Âu muốn bảo đảm là tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, các tuyến giao thông hàng hải phải là các tuyến đường « tự do và mở, nơi luật pháp quốc tế triệt để được tôn trọng ».
Tên gọi chính thức của chiến lược mới của Liên Âu là « Chiến lược hợp tác của Liên Hiệp Châu Âu tại vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương ».
Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Liên Âu không trực tiếp chỉ trích Trung Quốc, quốc gia mà Bruxelles đã xác định là cùng lúc vừa là « đối tác thương mại, thế lực cạnh tranh kinh tế và đối thủ mang tính hệ thống ». Tuy nhiên, chiến lược của Liên Âu cũng khẳng định rõ: « xu thế hiện nay là cạnh tranh địa - chính trị ngày càng dữ dội, làm gia tăng căng thẳng trong lĩnh vực thương mại và chuỗi cung ứng, cũng như các các lĩnh vực công nghệ, chính trị và an ninh ».
Thông cáo chung đặc biệt ghi nhận tình trạng nhân quyền tồi tệ đi cùng với các căng thẳng địa chính trị ngày càng đe dọa « ổn định và an ninh của khu vực, và rộng hơn, với hệ quả là tác động trực tiếp đến các lợi ích của Liên Hiệp Châu Âu ». Liên Âu khẳng định chiến lược dài hạn với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương phải dựa trên việc bảo vệ « dân chủ, nhân quyền, nhà nước pháp quyền và sự tôn trọng luật pháp quốc tế ».
Tăng cường các quan hệ đối tác với khu vực là giải pháp hàng đầu của Liên Hiệp Châu Âu. Cụ thể, châu Âu muốn phát triển quan hệ với « các đối tác cùng chia sẻ các giá trị chung », trong các lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Liên Âu ủng hộ « vai trò trung tâm của khối ASEAN » trong « kiến trúc khu vực », cũng như tầm quan trọng của cơ chế đối thoại Á – Âu (ASEM), có sự tham gia của Trung Quốc.
Tăng cường hợp tác trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, phối hợp với các đối tác khu vực để bảo đảm một tiến trình chấn hưng kinh tế - xã hội hậu Covid-19 hướng đến sự phát triển bền vững, công bằng là các trọng tâm khác trong chiến lược nói trên.
Từ nay đến 09/2021, Ủy Ban Châu Âu và lãnh đạo Ngoại Giao Liên Âu có trách nhiệm thảo ra một lộ trình hành động đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Thống đốc Florida ký ‘Dự luật chống bạo động’, trừng phạt những kẻ cướp phá
Thống đốc tiểu bang Florida Ron DeSantis hôm thứ Hai (19/4) đã ký thông qua một dự luật nhằm trấn áp các cuộc biểu tình bạo lực, nói rằng bang của ông sẽ không “để đám đông bạo loạn giành chiến thắng, Newsmax cho hay.
Ông DeSantis, gần đây đã nổi lên như một ứng cử viên mạnh mẽ cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 của Đảng Cộng hòa.
Phát biểu tại buổi ký thành luật, Thống đốc DeSantis nói rằng: “Đây là bộ luật chống bạo loạn, ủng hộ việc thực thi pháp luật mạnh nhất trong cả nước. Thậm chí không có gì gần gũi”.
Thống đốc DeSantis cho biết, trong số các nội dung được đưa vào luật nhằm đối phó với “lý thuyết điên rồ” về việc làm xấu hình ảnh cơ quan thực thi pháp luật.
Luật mới, có hiệu lực ngay lập tức, cho phép các chính quyền địa phương bị kiện nếu họ không ngăn chặn được bạo loạn.
Luật định nghĩa “bạo loạn” là hành vi gây rối công cộng có bạo lực liên quan đến 3 người trở lên hành động với mục đích dẫn đến thương tích cho người khác, thiệt hại tài sản hoặc nguy cơ thương tích hoặc thiệt hại sắp xảy ra.
Luật cũng phạt nặng những hành vi được cho là “bạo loạn trầm trọng”, khi bạo loạn có hơn 25 người tham gia, gây thiệt hại lớn về cơ thể hoặc thiệt hại về tài sản hơn 5.000 đô-la Mỹ, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí chết người hoặc chặn đường bằng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực.
Thốc đốc DeSantis nói: “Hãy nghĩ về điều đó, bạn đang lái xe từ cơ quan về nhà và đột nhiên có những người ngoài kia đóng cửa đường cao tốc, và chúng tôi đã làm việc chăm chỉ để bảo đảm điều đó không xảy ra ở Florida. [Nếu] họ bắt đầu làm điều đó, cần phải có những hình phạt nhanh chóng và đó là điều có thể không xảy ra”.
Ông nói thêm: “Chúng tôi đã thấy khắp đất nước người biểu tình lật đổ tượng đài. Dự luật này bảo vệ tất cả các đài tưởng niệm ở Florida. Bạn không có quyền hạ bệ tượng đài. Chúng tôi sẽ không để đám đông giành chiến thắng”.
Báo chí đưa 89% tin tiêu cực về Trump và 59% tin tích cực về Bide
Cách báo chí đưa tin về ông Biden trong 3 tháng đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống rất khác biệt so với 3 tháng đầu tổng thống Trump nhậm chức.
Daily Wire đưa tin, Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông (MRC) đã xem xét cách thức các đài ABC, CBS và NBC đưa tin về nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump và ông Biden từ ngày nhậm chức đến ngày 9/4.
MRC kết luận rằng “Trong ba tháng đầu tiên nắm quyền, các bản tin phát sóng buổi tối đã đưa 59% tin tích cực cho ông Biden. Bốn năm trước, chính những chương trình này đã tấn công ông Trump với 89% tin tiêu cực – đây là một sự tương phản đáng ngạc nhiên”.
Cụ thể Trung tâm MRC cho biết: “Bốn năm trước, ông Trump đã phải đối mặt với việc bị báo chí đưa tin tiêu cực từ đầu [nhiệm kỳ]. Nghiên cứu của chúng tôi vào thời điểm đó cho thấy ba bản tin buổi tối đưa 89% tin tiêu cực về Tổng thống mới, một sự thù địch chưa từng có thể hiện cách tiếp cận của giới truyền thông trong bốn năm tiếp theo [của TT Trump].
Ngày nay, Tổng thống Biden có bối cảnh truyền thông thân thiện hơn nhiều. Nhìn chung, trong những tuần đầu tiên, chúng tôi nhận thấy tin tích cực về chính quyền Biden là 59%, tiếp nối cho cách đưa tin tích cực của các đài này với ông Biden trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm ngoái”.
Năm 2017, Trung tâm MRC cũng thống kê số lượng bình luận đánh giá của các tờ báo về ông Trump và phát hiện rằng, 89% trong số 1.687 nhận xét là tiêu cực, trong khi chỉ 11% là tích cực. Ngược lại, cũng chính các tờ báo này đưa ra 264 nhận xét về chính quyền Biden, và 59% của 156 nhận xét là tích cực.
Nghiên cứu của MRC chỉ ra mức độ đưa tin tích cực cho TT Biden phụ thuộc vào các chủ đề khác nhau. Ví dụ, các phương tiện truyền thông đã đưa tin rất tích cực về cách chính quyền Biden phản ứng với COVID-19, dự luật cứu trợ COVID khổng lồ trị giá 1,9 nghìn tỷ USD và dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 2,25 nghìn tỷ USD do ông Biden đề xuất. Các chủ đề khác, như việc chính quyền Biden xử lý cuộc khủng hoảng biên giới phía Nam và kiểm soát súng, hầu hết đều nhận được tin tức tiêu cực từ báo chí.
Trung tâm MRC lưu ý, khả năng xử lý đại dịch virus corona của chính quyền [Biden] cho đến nay vẫn là chủ đề được đề cập nhiều nhất, với tổng thời lượng phát sóng là 242 phút, hoặc 1/3 tổng số tin tức về ông Biden trong những tuần này. Trong số 39 bình luận đánh giá về chủ đề này, hơn 3/4 (79%) khen ngợi ông Biden và/hoặc nhóm của ông ấy. Ngoài ra Trung tâm MRC cũng phát hiện, các nhà đài chỉ dành 29 giây để nhắc đến món nợ quốc gia nghiêm trọng, hiện đã vượt quá 28 nghìn tỷ USD.
Ngoài ra, Trung tâm Shorenstein của Harvard cũng tìm thấy kết quả tương tự, cho thấy CBS và NBC đưa tin tiêu cực 93% về ông Trump trong thời kỳ mới nhậm chức; nhưng trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ của Barack Obama, hai hãng tin này lại đưa tin tích cực tới 59%.
Võ Thái Hà tóm lược
Không có nhận xét nào