Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Chủ nhật 4 tháng 4 năm 2021

    Nhân dịp Phục Sinh, Đức giáo hoàng cầu mong thế giới hồi sinh sau đại dịch


    Vì đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành, tương tự như vào năm ngoái 2020, các nghi thức trong Tuần Thánh của lễ Phục Sinh, một trong những ngày lễ quan trọng nhất của người Công Giáo, đã được cử hành tại Rôma trong sự tuân thủ các hạn chế chặt chẽ. Tối hôm qua 03/04/2021, Đức giáo hoàng Phanxicô đã chủ trì Lễ Vọng Phục Sinh trong đền thờ Thánh Phêrô với sự hiện diện của một số lượng tín đồ rất nhỏ.

    Trong bài thuyết giảng của mình, giáo hoàng Phanxicô đã nhắc gợi đến tình hình dịch bệnh, khi nêu bật hy vọng là thời khắc đen tối của đại dịch Covid-19 sẽ qua đi để mọi người có thể tận hưởng trở lại “vẻ đẹp của cuộc sống mỗi ngày”.

    Từ Roma, thông tín viên RFI Anne Le Nir tường trình:

    Trước đại dịch, đền thờ Thánh Phêrô đón khoảng 10.000 người từ khắp nơi trên thế giới đến dự Lễ Vọng Phục Sinh. Tuy nhiên vào hôm qua, khi ngài đọc bài giảng trước bàn thờ được trang hoàng bằng hoa hồng màu phấn, chung quanh đức giáo hoàng chỉ có những người phụ lễ và khoảng một trăm tín đồ, tất cả đều đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn.

    Đức Thánh Cha đã nhắc lại sự hiện diện, luôn luôn gây tai họa, của virus corona, nhưng kêu gọi mọi người xem tương lai là hy vọng tái sinh: “Trong những tháng đen tối của đại dịch, chúng ta đã nghe thấy tiếng nói của Đấng Phục Sinh, mời gọi chúng ta bắt đầu lại chính mình. Hỡi các anh chị em, (chúng ta) sẽ không thất vọng, nước mắt sẽ khô, hy vọng sẽ vượt qua nỗi sợ hãi. Bởi vì Chúa luôn đi phía trước và với Ngài sự sống bắt đầu lại".

    Hôm nay Chủ Nhật, Đức giáo hoàng Phanxicô tiếp tục cử hành Thánh Lễ Phục Sinh, cũng tại đền thờ Thánh Phêrô, rồi ban phép lành Urbi và Orbi truyền thống cho toàn thế giới.

    Miến Điện: Người dân biểu tình chống tập đoàn quân sự với trứng Phục Sinh


    Treo trứng luộc có trang trí trước cửa nhà nhân ngày lễ Phục Sinh, cầm cờ chạy xe gắn máy, là những cách thức mà người dân Miến Điện tiến hành biểu tình hôm nay, 04/04/2021, chống quân đội đảo chính, bất chấp cuộc trấn áp đẫm máu hôm qua làm bốn người chết.

    Theo AFP, các hình ảnh loan truyền trên mạng xã hội Facebook cho thấy những quả trứng luộc được để trong những chiếc rổ có vẽ hình nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi và ba ngón tay giương cao – biểu tượng của phong trào phản kháng được treo hay để trước cửa nhà. Nhiều khẩu hiệu khác cũng được nhắc đến : « Hãy cứu lấy dân tộc chúng tôi » và « Chúng tôi cần dân chủ ».

    Tâm sự cùng AFP, một người trang trí trứng cho biết là dù theo đạo Phật nhưng anh vẫn tham gia chiến dịch này bởi vì rất dễ có được trứng. Một nhóm xúc tiến biểu tình bằng quả trứng trên Facebook kêu gọi người tham gia tôn trọng những truyền thống của người Công giáo.

    Trong khi đó, các cuộc trấn áp vẫn tiếp diễn. Cảnh sát phát lệnh truy nã 40 thành viên ban lãnh đạo của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ. Một số người dân bị bắt chỉ vì nói chuyện với phóng viên nước ngoài. Đất nước có nguy cơ rơi vào nội chiến khi 10 nhóm nổi dậy lớn nhất có vũ trang, trong tổng số 20 nhóm, hôm qua, 03/04/2021 cho biết sẽ « xem xét lại thỏa thuận ngừng bắn ký kết với quân đội năm 2015 ».

    Total ở lại và chi tiền cho NGO

    Trong bối cảnh này, bất chấp các trấn áp đã làm cho 557 người chết và nguy cơ nội chiến lan rộng, hãng khai thác dầu khí Total của Pháp thông báo vẫn sẽ ở lại Miến Điện. Ông Patrick Pouyanné, tổng giám đốc của Total, khi trả lời tờ Journal du Dimanche giải thích « thế khó xử » của hãng như sau :

    « Chúng tôi đã quyết định ngưng các dự án và các hoạt động thăm dò ở Miến Điện, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục sản xuất khí đốt. Không phải để duy trì lợi nhuận hay tiếp tục nộp phí hay đóng thuế cho tập đoàn quân sự. Mà là để bảo đảm an ninh cho nhân sự, nhân viên và các lãnh đạo của chúng tôi, tránh cho họ cảnh tù tội hay cưỡng bức lao động, và nhất là tránh làm nghiêm trọng thêm điều kiện sống của người dân khi cắt nguồn điện của hàng triệu người sử dụng ».

    Vị tổng giám đốc này còn cam kết « bởi vì tôi không thể quyết định ngưng sản xuất, hôm nay, tôi quyết định hỗ trợ tài chính cho các hiệp hội hoạt động vì nhân quyền tại Miến Điện với số tiền tương đương bằng khoản phí mà chúng tôi sẽ phải nộp cho chính phủ Miến Điện » sắp tới đây.

    Hãng Total của Pháp hiện diện ở Miến Điện từ năm 1992. Nhiều tổ chức phi chính phủ hối thúc hãng này « ngưng tài trợ cho tập đoàn quân sự ». Theo các tài liệu tài chính do tập đoàn đa quốc gia này công bố, Total đã chi trả khoảng 230 triệu đô la cho chính phủ Miến Điện năm 2019, rồi 176 triệu trong năm 2020 dưới hình thức nộp phí « quyền khai thác ».

    Quân đội Miến Điện kiểm soát tập đoàn dầu khí quốc gia Myanmar Oil and Gas Enterprise (MOGE), vốn có nhiều thỏa thuận đối tác với Total.

    Đài Loan nói các nước Châu Âu đang hỗ trợ dự án tàu ngầm


    TƯ LIỆU: Tàu ngầm Hải Long SS-793 chạy bằng diesel-điện trồi lên mặt nước trong một cuộc diễn tập gần căn cứ hải quân ở huyện Nghi Lan, Đài Loan, ngày 13 tháng 4, 2018.

    Các nước Châu Âu đang cung cấp sự hỗ trợ cho dự án tàu ngầm bản địa của Đài Loan, bộ quốc phòng của hòn đảo này cho biết, trong một sự thừa nhận hiếm hoi rằng chương trình nhạy cảm này không chỉ nhận được sự hỗ trợ từ Mỹ.

    Đài Loan, lãnh thổ mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, từ nhiều năm nay đã nỗ lực cải tiến lực lượng tàu ngầm của mình, một số tàu từ thời Thế chiến thứ hai. Lực lượng của Đài Loan không sánh được với hạm đội của Trung Quốc, bao gồm các tàu có khả năng phóng vũ khí hạt nhân.

    Chính phủ Mỹ năm 2018 đã bật đèn xanh cho các nhà sản xuất của Mỹ tham gia chương trình này, một bước đi được nhiều người coi là giúp Đài Loan thủ đắc các cấu phần chính, dù vẫn chưa rõ những công ty Mỹ nào đang tham gia.

    Trong một phát biểu cuối ngày thứ Sáu, Bộ Quốc phòng Đài Loan phủ nhận một bản tin trên tạp chí The National Interest ở Mỹ, dẫn các bản tin Đài Loan từ năm 2019, nói rằng Triều Tiên đã thảo luận về việc giúp Đài Loan đóng tàu ngầm.

    “Trong việc phát triển tàu ngầm của chúng tôi chưa bao giờ có, bây giờ không có và sẽ không bao giờ có bất cứ liên hệ nào với Triều Tiên; mọi sự hỗ trợ đều được cung cấp bởi các quốc gia quan trọng ở Châu Âu và Hoa Kỳ,” bộ nói mà không cho biết thêm chi tiết.

    Các nước châu Âu nhìn chung cảnh giác với việc cho phép bán vũ khí cho Đài Loan do lo ngại việc này sẽ khiến Trung Quốc tức giận, dù vào năm 2018 Đài Loan cho biết họ đang bàn bạc với một công ty có trụ sở tại Gibraltar thuộc Anh về thiết kế của hạm đội tàu ngầm mới.

    Hai trong số bốn tàu ngầm đang hoạt động của Đài Loan được đóng ở Hà Lan trong những năm 1980, dù sau đó nước này từ chối bán thêm nữa cho hòn đảo này.

    Pháp cũng đã bán cho Đài Loan các tàu tuần phòng và máy bay chiến đấu. Năm ngoái, Đài Loan cho biết họ đang nỗ lực mua thiết bị từ Pháp để nâng cấp hệ thống gây nhiễu phi đạn của các tàu này.

    Công ty Đóng tàu Quốc tế Đài Loan CSBC do nhà nước hậu thuẫn đã bắt đầu đóng các tàu ngầm mới vào năm ngoái, với mục tiêu giao chiếc đầu tiên trong số tám chiếc theo kế hoạch vào năm 2025.

    Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan tháng trước nói Mỹ đã chấp thuận cho xuất khẩu công nghệ nhạy cảm để trang bị cho hạm đội này.

    Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ hỗ trợ vaccine COVID-19

    Việt Nam mong muốn Hoa Kỳ hỗ trợ cho chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 giữa lúc nguồn cung vaccine khan hiếm và đề nghị các nước phát triển giúp quốc gia này có đủ 150 triệu liều cần thiết để đảm bảo miễn dịch cộng đồng trong năm 2021.

    Tại cuộc gặp với Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink hôm 1/4, Bộ trưởng Y tế Việt Nam Nguyễn Thanh Long bày tỏ mong muốn Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính cho Việt Nam để có thể tổ chức chiến dịch tiêm vaccine thành công, theo trang tin của Bộ Y tế.

    Đại sứ quán Hoa Kỳ thông báo trên trang Facebook: “Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Đại sứ Kritenbrink đều biết rằng không một quốc gia nào an toàn trước COVID-19 cho đến khi tất cả các nước đều đã an toàn, đó là lý do vì sao Hoa Kỳ và Việt Nam đang phối hợp để đưa vaccine đến với người dân Việt Nam trong thời gian sớm nhất có thể.”

    “Hoa Kỳ và Việt Nam đang cùng hành động để tăng cường hợp tác y tế của hai nước!” Đại sứ quán Hoa Kỳ viết.

    “Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Hoa Kỳ hỗ trợ trực tiếp cho người dân Việt Nam các loại vaccine của Hoa Kỳ; đồng thời tạo điều kiện cho Việt Nam có thể tiếp cận nguồn vaccine sản xuất của Hoa Kỳ như Moderna, Pfizer, Johnson & Johnson,” trang tin của Bộ Y tế viết.

    Hôm 1/4, Hoa Kỳ chúc mừng Việt Nam nhận lô vaccine COVID-19 đầu tiên được tài trợ từ chương trình COVAX với 811.200 liều vaccine AstraZeneca. Đây là chương trình được thực hiện thông qua Cơ chế tiếp cận toàn cầu COVAX - một sáng kiến toàn cầu nhằm đảm bảo quyền tiếp cận công bằng với vaccine COVID-19.

    Hoa Kỳ mới đây công bố cam kết cung cấp khoản ngân sách ban đầu là 2 tỷ đôla trong tổng ngân sách dự kiến là 4 tỷ đôla để hỗ trợ sáng kiến COVAX, đưa Hoa Kỳ trở thành quốc gia đóng góp lớn nhất cho cơ chế tiếp cận vaccine COVID-19 toàn cầu.

    Cũng hôm 1/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kêu gọi các đại sứ Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam gồm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO); Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) và Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNPFA), hỗ trợ, tạo điều kiện trong việc tăng cường khả năng sớm tiếp cận với các nguồn vaccine COVID-19.

    Trước đó, hôm 31/3, ông Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị Trung Quốc, Nga, Ấn Độ hỗ trợ Việt Nam trong chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19.

    Trên mạng xã hội, một vài người bày tỏ sự lo ngại khi Việt Nam sẽ sử dụng vaccine của Trung Quốc, được cho là kém chất lượng và hiệu quả thấp.

    Covid-19: Pháp phong tỏa lần thứ ba khi số người cần cấp cứu tăng


    Các cửa hàng không thiết yếu và tiệm ăn sẽ phải đóng cửa

    Pháp bước vào đợt phong tỏa toàn quốc lần thứ ba, khi phải đối mặt với sự gia tăng ca nhiễm Covid-19 nặng, có nguy cơ làm bệnh viện quá tải.

    Tất cả trường học và cửa hàng không thiết yếu sẽ phải đóng cửa trong bốn tuần và lệnh giới nghiêm sẽ được áp dụng từ 7 giờ tối đến 6 giờ sáng.

    Hôm thứ Sáu, số bệnh nhân Covid bị nặng trong các phòng cấp cứu (ICU) tăng thêm 145 người- mức tăng lớn nhất trong 5 tháng.

    Tổng thống Emmanuel Macron hứa sẽ có thêm giường bệnh cho bệnh nhân Covid.

    Pháp hiện đang phải đối phó với đỉnh điểm của khoảng 5.000 bệnh nhân Covid trong các phòng cấp cứu. Hôm thứ Sáu, cả nước ghi nhận 46.677 ca nhiễm mới và 304 tử vong.

    Cùng với những hạn chế có hiệu lực hôm thứ Bảy, kể từ thứ Ba, dân Pháp cũng sẽ cần có lý do chính đáng khi đi xa khỏi nhà hơn 10 km.

    Pháp đang đối mặt với đỉnh điểm khoảng 5.000 người phải vào phòng cấp cứu

    Tổng thống Macron đã hy vọng sẽ kiểm soát được số ca nhiễm virus corona mà không phải áp đặt thêm một đợt phong tỏa nào nữa.

    Tuy nhiên, quốc gia này đã phải vật lộn với sự chậm trễ của toàn EU trong việc triển khai vaccine, cũng như một số chủng virus mới.

    Phần còn lại của Châu Âu thì sao?


    Tại Đức, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier kêu gọi mọi người đóng góp phần mình và ghi danh chích ngừa.

    Phát biểu trên truyền hình toàn quốc hôm thứ Bảy, ông nói rằng nước Pháp đang ở giữa làn sóng thứ ba và phải đối mặt với nhiều hạn chế hơn.

    Ông cũng thừa nhận đã có những sai lầm - đặc biệt là trong quá trình xét nghiệm và triển khai vaccine - và nói về việc có một "cuộc khủng hoảng lòng tin" trong nước.

    "Tất nhiên, không có phép màu nào giúp chúng ta thoát khỏi đại dịch," Tổng thống Steinmeier nói. "Và đó là lý do tại sao tranh cãi chính trị cần thiết - nhưng tranh cãi không được tự nó trở thành cứu cánh.''

    "Cho dẫu đó là tranh cãi cấp liên bang hay tiểu bang, đảng phái hay liên minh, hoặc mức ủng hộ tăng hay giảm từ các cuộc thăm dò ý kiến - không điều nào có thể đóng vai trò chính trong lúc này.''

    "Chúng ta cần sự rõ ràng và quyết tâm, chúng ta cần những quy định dễ hiểu và thực dụng để mọi người biết mà tuân theo, để đất nước này một lần nữa có thể đạt được tiềm năng của mình."

    Tháng trước, giới chức Đức thông báo nước này sẽ bị phong tỏa vào lễ Phục sinh - chỉ để đảo ngược quyết định đó vài ngày sau.

    Thủ tướng Đức Angela Merkel gọi kế hoạch phong tỏa từ ngày 1 đến ngày 5 tháng 4 là một "sai lầm", đồng thời nói bà nhận "trách nhiệm tối hậu" cho hành động đảo ngược này.

    Ý cũng đã bắt đầu cuộc phong tỏa ba ngày nghiêm ngặt hôm thứ Bảy để tìm cách ngăn chặn sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 vào cuối tuần lễ Phục sinh.

    Tất cả các khu vực hiện đều nằm trong "vùng đỏ" - cấp hạn chế cao nhất - vì toàn quốc ghi nhận khoảng 20.000 ca nhiễm mới mỗi ngày.

    Di chuyển không thiết yếu đã bị cấm, nhưng mọi người được phép dùng bữa ăn Phục sinh trong nhà cùng với hai người khác. Nhà thờ cũng mở cửa, nhưng người đi lễ đang được yêu cầu dự lễ trong khu vực mình ở.

    Vào hôm Chủ nhật, đây là lần thứ hai, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ đưa ra thông điệp Phục sinh tại Quảng trường St Peter's trống rỗng.

    Các khu vực khác nhau sau đó sẽ phải tuân theo hạn chế cho "vùng màu cam" hoặc "vùng màu đỏ" cho đến cuối tháng.

    Chính phủ Ý cũng thông báo họ đang phối trí thêm 70.000 cảnh sát trên toàn quốc, để theo dõi việc thực thi các quy tắc phong tỏa.

    "Đây không phải là lúc chúng ta mất đề cao cảnh giác và lơi là tinh thần trách nhiệm đã được thể hiện cho đến nay", Bộ trưởng Nội vụ Luciana Lamorgese nói với tờ Il Messnticro. "Bởi vì thành quả được ghi nhận từ chiến dịch vaccine cuối cùng đã cho ta thoáng thấy được một chân trời khác, đang cho phép chúng ta dần dần trở lại bình thường."

    Tình hình chủng ngừa ở Châu Âu


    Hôm thứ Sáu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ trích việc triển khai vaccine "chậm đến mức không thể chấp nhận được" của châu Âu, nói tình hình trong khu vực hiện còn tồi tệ hơn so với vài tháng trước.

    "Vaccine là cách tốt nhất cho chúng ta thoát khỏi đại dịch... Tuy nhiên, việc triển khai các vaccine này chậm đến mức không thể chấp nhận được," Giám đốc WHO khu vực châu Âu, Hans Kluge, nói trong một tuyên bố.

    "Chúng ta phải đẩy nhanh quá trình chủng ngừa bằng cách tăng cường sản xuất, giảm bớt các rào cản trong việc quản lý vaccine và tận dụng từng lọ thuốc mà chúng ta có trong kho, ngay bây giờ."

    Trong khi đó, ngày nào tỷ lệ chích vaccine vẫn còn thấp, ông nói các nước EU sẽ phải phong tỏa và áp dụng các biện pháp khác để bù đắp cho sự chậm trễ.

    Theo WHO, chỉ 10% trong số gần 900 triệu người trong khu vực được tiêm một liều vaccine chống virus corona.

    Iran không muốn dỡ bỏ ‘từng bước’ các lệnh trừng phạt của Mỹ


    Reuters đưa tin, Bộ Ngoại giao Iran hôm thứ Bảy (3/4) cho biết họ muốn Mỹ dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt cùng lúc chứ không phải là dỡ bỏ từng bước.

    Tuyên bố của phía Iran đưa ra trước các cuộc đàm phán dự kiến ​​ở Vienna vào tuần tới nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Tehran và các cường quốc thế giới.

    Trước đó, Pháp đã thúc giục Iran thể hiện lập trường mang tính xây dựng trong cuộc đàm phán gián tiếp với Washington ở thủ đô nước Áo, cuộc đàm phán được xem là một phần của các cuộc thương thảo rộng lớn hơn phía trước.

    “Tôi khuyến khích Iran mang tính xây dựng trong các cuộc thảo luận sắp diễn ra”, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian nói, sau cuộc điện đàm với người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif.

    “Chúng sẽ giúp xác định trong những tuần tới các bước cần thiết để trở lại tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận hạt nhân [Iran 2015]”, ông LeDrian cho biết thêm.

    Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho hay, trọng tâm của các cuộc đàm phán tại Vienna sẽ là “các bước đi hạt nhân mà Iran sẽ cần thực hiện để trở lại tuân thủ” hiệp ước hạt nhân 2015.

    Vào thứ Sáu (2/4), Iran, Trung Quốc, Nga, Pháp, Đức và Anh – tất cả các bên của thỏa thuận năm 2015 – đã tổ chức các cuộc đàm phán trực tuyến để thảo luận về khả năng Hoa Kỳ quay trở lại hiệp ước.

    Vào năm 2018, Tổng thống Trump đã quyết định rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, thỏa thuận mà ông cho là một hiệp ước “ngớ ngẩn” khi nó chỉ ràng buộc Teheran không phát triển vũ khí hạt nhân trong 10 năm (2015-2025).

    Theo ông Trump, hiệp ước này vô hình chung tạo điều kiện thuận lợi cho Iran củng cố nội lực để trở lại nguy hiểm hơn sau khi hiệp ước hết hạn.

    Sau khi rút khỏi thỏa thuận, chính quyền Trump đã áp các biện pháp trừng phạt mạnh tay với chính quyền Iran, lực lượng bị lên án là nhà tài trợ cho các tổ chức khủng bố ở Trung Đông.

    Bên cạnh biện pháp trừng phạt, chính quyền của vị Tổng thống thứ 45 còn bao vây Iran bằng cách kiến tạo và củng cố một liên minh gồm nhiều nước ở Trung Đông có xu hướng đối nghịch với Teheran như Israel, UAE, Bahrain và Ả Rập Xê Út.


    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào