Tin nói lực lượng an ninh Myanmar bắn lựu đạn giết hơn 80 người biểu tình
Xe cảnh sát đậu trên một con đường ở thị trấn Nam Okkalapa để chặn người biểu tình chống đảo chính ở Yangon, Myanmar, ngày 9 tháng 4, 2021.
Lực lượng an ninh Myanmar đã bắn lựu đạn vào người biểu tình ở một thành phố gần Yangon ngày thứ Sáu, khiến hơn 80 người thiệt mạng, tổ chức giám sát Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP) và một hãng tin trong nước cho biết, theo Reuters.
Chưa rõ những chi tiết ban đầu về số người chết tại thành phố Bago, cách Yangon 90 km về hướng đông bắc, vì lực lượng an ninh chất đống thi thể trong khuôn viên chùa Zeyar Muni và phong tỏa khu vực này, theo những người mục kích và các cơ quan truyền thông trong nước.
AAPP và cơ quan thông tấn Myanmar Now ngày thứ Bảy cho biết 82 người thiệt mạng trong cuộc biểu tình phản đối cuộc đảo chính quân sự ngày 1 tháng 2 ở nước này.
Súng bắt đầu nổ trước rạng sáng ngày thứ Sáu và tiếp tục vào buổi chiều, Myanmar Now đưa tin.
Nhiều cư dân thành phố đã tháo chạy, theo các tài khoản trên mạng xã hội.
Reuters cho biết họ không thể liên lạc được với phát ngôn viên của quân đội Myanmar vào ngày thứ Bảy để yêu cầu bình luận.
AAPP, tổ chức kiểm đếm số người biểu tình bị lực lượng an ninh giết chết và bắt giữ hàng ngày, trước đó cho biết 618 người đã tử vong kể từ cuộc đảo chính. Quân đội bác bỏ con số này.
Phát ngôn viên chính quyền quân sự, Thiếu tướng Zaw Min Tun, nói trong một cuộc họp báo ngày thứ Sáu tại thủ đô Naypyitaw, rằng quân đội ghi nhận 248 trường hợp thường dân thiệt mạng và 16 cảnh sát thiệt mạng, và nói không có vũ khí tự động nào được sử dụng bởi lực lượng an ninh.
Một liên minh các đạo quân sắc tộc ở Myanmar chống lại chiến dịch đàn áp của quân đội đã tấn công một đồn cảnh sát ở miền đông vào ngày thứ Bảy và ít nhất 10 cảnh sát viên đã thiệt mạng, truyền thông trong nước đưa tin.
Nhà cầm quyền quân sự của Myanmar ngày thứ Sáu nói rằng các cuộc biểu tình chống lại sự cai trị của họ đang suy giảm vì người dân muốn hòa bình và họ sẽ tổ chức bầu cử trong vòng hai năm.
Các nhà lập pháp Myanmar bị lật đổ ngày thứ Sáu thúc giục Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có hành động chống lại quân đội.
Quân đội nói họ đảo chính vì cuộc bầu cử vào tháng 11 do đảng của nhà lãnh đạo dân cử Aung San Suu Kyi giành chiến thắng đã bị gian lận. Ủy ban bầu cử đã bác bỏ tuyên bố này.
Ông Duterte tiến thoái lưỡng nan trước “lực lượng dân quân” Trung Quốc tại Biển Đông
Sau trận tranh cãi nảy lửa giữa các quan chức Philippines và Trung Quốc về việc hàng chục “tàu cá” Trung Quốc neo đậu tại biển Đông, Tổng thống Rodrigo Duterte đã dịu giọng vào hôm thứ Ba.
“Dù chúng ta có những khác biệt với Trung Quốc như thế nào đi nữa… điều này không phải là chướng ngại đối với quỹ đạo quan hệ hữu nghị song phương tích cực và sự hợp tác ngày càng sâu rộng giữa hai nước trong việc ứng phó với đại dịch, bao gồm hợp tác về vắc-xin và phục hồi kinh tế sau đại dịch,” ông Duterte tuyên bố qua người phát ngôn.
Sự hiện diện của các tàu mà giới quân sự Philippines gọi là “lực lượng dân quân biển Trung Quốc” tại đá Ba Đầu là tình thế khó xử mới nhất đối với chính sách Trung Quốc của ông Duterte.
Tỏ ra cứng rắn với Bắc Kinh sẽ là điều được nhiều người dân Philippines ưa thích, khi phần lớn dân chúng coi Trung Quốc đang xâm phạm lãnh thổ đất nước. Tuy nhiên, làm vậy gây nguy hiểm cho mối quan hệ khi ông Duterte đang cần “sự hào phóng” của Trung Quốc để đối phó với một trong những đợt bùng phát COVID tồi tệ nhất châu Á, cũng như suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra.
“Duterte cảm thấy cần phản ứng theo cách cứng rắn nhất có thể… mà không nhất thiết làm lung lay nền tảng quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh,” Collin Koh, một nhà nghiên cứu tại Học viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng Singapore, nói.
Tổng thống Philippines đã giữ im lặng một thời gian sau khi có báo cáo của lực lượng đặc nhiệm chính phủ hồi tháng trước rằng hơn 200 tàu Trung Quốc đang neo đậu quanh khu vực Đá Ba đầu. Thay vào đó, ông để mặc cho Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng của mình “lời qua tiếng lại” với phía Trung Quốc.
Việc ông Duterte hạ giọng trong vấn đề này không gây bất ngờ vì chính sách “dĩ hòa vi quý” của ông đối với Trung Quốc vẫn đang được áp dụng, theo Jay Batongbacal, một chuyên gia luật biển tại Đại học Philippines.
“Ông ta luôn nhấn mạnh sự cần thiết của Trung Quốc. Trước đây là giúp đỡ về cơ sở hạ tầng, và hiện nay là về vắc-xin,” Batongbacal nói. “Về cơ bản, ông ta xác định quan hệ giữa Philippines với Trung Quốc theo kiểu phụ thuộc đó.”
Kể từ khi được bầu vào năm 2016, ông Duterte đã nuôi dưỡng quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc bằng cách gác lại vấn đề lãnh thổ nhạy cảm. Hành động của Duterte đã mang lại những cam kết đầu tư trị giá hàng tỷ đôla, lượng lớn du khách Trung Quốc và khả năng tiếp cận thị trường Đại lục rộng lớn cho các mặt hàng xuất khẩu của Philippines.
Trong đại dịch, Trung Quốc đã gửi máy thở, thiết bị bảo hộ cá nhân và gần đây là vắc xin cho Philippines. Manila đã tiến hành chương trình tiêm chủng phòng COVID tháng trước bằng vắc-xin Sinovac do Bắc Kinh tặng. Hiện ông Duterte vẫn đang phụ thuộc vào nguôn cung vắc-xin từ Trung Quốc khi việc vận chuyển vắc-xin từ các nguồn khác bị chậm trễ.
“Nếu Chủ tịch Tập Cận Bình đang lắng nghe, từ tận đáy lòng, với lòng biết ơn vô hạn, tôi xin cám ơn ông … vì đã rất hào phóng,” ông Duterte nói sau chuyến hàng biếu tặng đầu tiên từ Trung Quốc được chuyển đến.
Đối với ông Duterte, việc bảo đảm sự hỗ trợ của Trung Quốc là điều rất quan trọng, đặc biệt khi Philippines đang phải đối mặt với sự bùng phát các ca nhiễm virus corona khiến một phần tư dân số, gồm cả thủ đô, phải phong tỏa hai tuần. Điều này đã đe dọa nỗ lực của chính phủ trong việc đảo ngược mức suy giảm kinh tế kỷ lục 9,6% hồi năm ngoái, khiến nạn đói và thất nghiệp tăng cao liên tục.
Những khó khăn do đại dịch gây ra có thể làm suy yếu đảng của ông Duterte trong cuộc bầu cử quốc gia năm tới. Mặc dù ông Duterte bị giới hạn trong một nhiệm kỳ tổng thống sáu năm, nhưng đã có các ứng cử viên triển vọng sẽ kế nhiệm ông, gồm con gái ông, Thị trưởng thành phố Davao là Sara Duterte, và cựu cố vấn hàng đầu, thượng nghị sĩ Bong Go.
Mặt khác, việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh và phục hồi kinh tế có thể thúc đẩy những cơ hội cho người kế nhiệm của ông. “Để làm điều đó, chính quyền Duterte vẫn cần sự giúp đỡ của Bắc Kinh,” Koh nói.
Điều đó đã giải thích một phần vì sao ông Duterte “lệch nhịp” với những tuyên bố cứng rắn của các Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao.
Bắc Kinh cáo buộc Philippines “thổi phồng” về hạm đội Trung Quốc tại đá Ba Đầu
Bắc Kinh nói rằng những tàu thuyền này là tàu đánh cá hoạt động trong vùng đánh cá truyền thống “từ hàng ngàn năm” ở đá Ba Đầu. Bắc Kinh còn nói các tàu thuyền này đang tìm chỗ trú ẩn do biển động, điều mà Bộ ngoại giao Philippines gọi là “sự lừa dối trắng trợn”.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã cáo buộc Trung Quốc lên kế hoạch để chiếm nhiều “mốc chủ chốt” tại các vùng nước đang tranh chấp. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Teodoro Locsin Jr., cho biết ông sẽ đệ đơn phản đối theo đường ngoại ngoại giao mỗi ngày tới khi các tàu thuyền rời khỏi khu vực.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm thứ Ba đã kêu gọi Philippines nghiên cứu vấn đề “một cách khách quan và dừng ngay lập tức việc kích động bừa bãi và tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ song phương.”
Vụ tranh cãi đã thu hút sự chú ý của các nhà quan sát chính sách đối ngoại về việc liệu chính quyền Duterte có điều chỉnh chính sách Trung Quốc của họ hay không.
Tuy vậy, theo ông Gregory Poling, nhà nghiên cứu cao cấp về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington, chính sách biển Đông của Duterte không đem đến lợi ích mà tổng thống này hy vọng, bởi hàng tỷ đôla từ các khoản đầu tư đã cam kết chưa được Trung Quốc chuyển giao.
“Ông ta [Duterte] đã im lặng về vấn đề tranh chấp trên biển trong gần 5 năm, nhưng Bắc Kinh không hề giảm căng thẳng trên biển hoặc chuyển giao đầu tư và viện trợ như đã hứa hẹn,” ông Polling nói.
Ông Trump tiết lộ kế hoạch 2024 trong bài phát biểu mới
Vào thứ Bảy (10/4), trong bài phát biểu trước các nhà tài trợ cho Đảng Cộng Hòa tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, Florida, Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói về mục tiêu mà đảng của ông đặt ra trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022 và cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, theo Independent.
Ông Trump nói: “Chúng ta tụ họp tối nay để nói về tương lai của Đảng Cộng hòa – và những gì chúng ta phải làm để đưa các ứng cử viên của mình vào con đường chiến thắng”.
Ông cho biết thêm: “Tôi đứng trước các bạn vào buổi tối hôm nay với niềm tin tưởng rằng vào năm 2022, chúng ta sẽ lấy lại Hạ viện và chúng ta sẽ giành lại Thượng viện – và sau đó vào năm 2024, một ứng cử viên Đảng Cộng hòa sẽ lấy lại được Toà Bạch Ốc”.
Trong bài phát biểu của mình, cựu Tổng thống Trump không cho thấy ông có kế hoạch tranh cử vào năm 2024.
Theo Independent, các thành viên Đảng Cộng hòa có thể tham gia chạy đua vào Tòa Bạch Ốc nhiệm kỳ kế tiếp, bên cạnh Thống đốc bang Florida, ông Ron DeSantis, còn có Thống đốc bang Nam Dakota, Kristi Noem, các Thượng nghị sĩ Tom Cotton, Rick Scott, Marco Rubio, Lindsey Graham và lãnh đạo phe thiểu số ở Hạ viện Kevin McCarthy.
Dư luận chế giễu người sáng lập BLM vì mua biệt thự tại khu người da trắng
Người đồng sáng lập Black Lives Matter (BLM), Patrisse Khan-Cullors, đã bị chỉ trích nặng nề trong tuần này sau khi cô mua một ngôi nhà trị giá 1,4 triệu đô la trong một khu phố chủ yếu là người da trắng ở thành phố Los Angeles, tiểu bang California, Hoa Kỳ, theo The Blaze.
Ngôi nhà của Cullors mua nằm ở Hẻm núi Topanga, nơi nghỉ ngơi nổi tiếng trong nhiều năm của các diễn viên và nhạc sĩ Hollywood. Theo dữ liệu Điều tra dân số Hoa Kỳ, 88% cư dân Topanga là người da trắng, trong khi chưa đến 2% là người da đen.
Trước tin tức về giao dịch mua nhà của Khan-Cullors, đã có nhiều câu hỏi đặt ra xoay quanh cách cô Cullors kiếm tiền và phong trào Black Lives Matter.
Tờ Moguldom Nation cho hay, Cullors thu được nhiều tiền từ các hợp đồng viết sách béo bở có nội dung tập trung vào người da đen, ngoài ra cô còn được cho là đã bị buộc tội “dàn dựng thảm kịch của người da đen để thu lợi tài chính”.
Phản ứng trước thông tin cô Cullors mua nhà ở khu vực của giới thượng lưu da trắng, một cư dân mạng viết trên Twitter “Đối với một người yêu mến người Da đen, thật kỳ lạ khi cô ấy chọn một nơi để sống thực tế không có người da đen”.
Trong khi đó, một tài khoản Twitter khác cho rằng cô Cullor đã lợi dụng phong trào Black Lives Matter để trục lợi. Người này viết: “Cô ấy đã tận dụng chiếc túi ‘Bất công chống lại Người da đen’ đó. Họ đã lừa đảo từ ngày đầu tiên”.
Một tài khoản Twitter khác khẳng định: “Đây là tiền máu”.
Trong thời gian ông Trump tại vị, Patrisse Khan-Cullors từng công khai thừa nhận rằng cô là người theo chủ nghĩa Mác, và muốn hạ bệ vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.
Ấn Độ phản đối tàu Hải quân Mỹ đi ngang qua vùng đặc quyền kinh tế
Ấn Độ lên tiếng phản đối Mỹ về việc một tàu hải quân đi ngang qua vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) mà không có sự đồng ý của nước này, bộ ngoại giao Ấn Độ cho biết ngày thứ Sáu, trong một tranh cãi hiếm hoi giữa hải quân hữu nghị của hai nước.
Tàu USS John Paul Jones “đã khẳng định các quyền và quyền tự do hàng hải” bên trong EEZ của Ấn Độ phù hợp với luật pháp quốc tế bằng việc di chuyển cách quần đảo Lakshadweep của Ấn Độ khoảng 130 hải lý (241 km) về hướng tây, Hạm đội Bảy của Mỹ nói trong một phát biểu ngày thứ Tư.
Nhưng một phát ngôn viên bộ ngoại giao Ấn Độ nói trong một phát biểu rằng các quy tắc của Liên Hiệp Quốc không cho phép di chuyển như vậy mà không có sự đồng ý.
“Quan điểm nêu rõ của Chính phủ Ấn Độ đối với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển là Công ước không cho phép các Quốc gia khác thực hiện trong Vùng Đặc quyền Kinh tế và thềm lục địa các cuộc thao dượt hoặc diễn tập quân sự, đặc biệt là những hoạt động liên quan đến việc sử dụng vũ khí hoặc chất nổ mà không có sự đồng ý của quốc gia ven biển,” người phát ngôn nói.
Quân đội Ấn Độ đã theo dõi chuyển động của tàu John Paul Jones khi nó di chuyển từ Vịnh Ba Tư đến Eo biển Malacca, bộ ngoại giao nói.
Hải quân Mỹ trước đây đã tiến hành những hoạt động gọi là di chuyển tự do hàng hải qua vùng biển của Ấn Độ mà không có sự đồng ý, với lần cuối cùng trong năm tài chính 2019, theo báo cáo hàng năm của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Tuy nhiên, cựu Tham mưu trưởng Hải quân Ấn Độ Arun Prakash đặt câu hỏi tại sao Mỹ lại thông báo hoạt động trên vùng biển của một nước dường như là đồng minh.
“Hạm đội Bảy thực hiện các sứ mệnh tự do hàng hải trong EEZ của Ấn Độ vi phạm luật nội địa của chúng tôi đã là sai rồi. Sao lại còn công khai hành động đó?” ông viết trên Twitter ngày thứ Sáu.
Hải quân của Ấn Độ và Mỹ thực hiện các cuộc tập trận quy mô lớn mỗi năm với sự tham gia của Nhật Bản và Úc. Bốn quốc gia này đã thành lập một liên minh an ninh không chính thức được gọi là Bộ Tứ nhằm kháng cự sức mạnh đang bành trướng của Trung Quốc.
TT Biden thành lập ủy ban nghiên cứu mở rộng Tòa án Tối cao
Tổng thống Joe Biden ngày thứ Sáu thành lập một ủy ban lưỡng đảng để nghiên cứu những thay đổi tiềm năng đối với Tòa án Tối cao Hoa Kỳ bao gồm mở rộng số lượng thẩm phán nhiều hơn chín người hiện tại.
Theo sắc lệnh hành pháp được tổng thống kí ban hành, ủy ban gồm 36 thành viên sẽ xem xét “những ưu điểm và tính hợp pháp” của những cải cách tiềm năng đối với cơ quan tư pháp hàng đầu của quốc gia, bao gồm việc bổ sung thẩm phán hoặc áp đặt giới hạn nhiệm kì cho khoảng thời gian họ phục vụ thay vì bổ nhiệm suốt đời như hiện tại.
Số lượng thẩm phán Tòa án Tối cao vẫn ở mức chín người kể từ năm 1869, nhưng Quốc hội có quyền thay đổi số lượng và đã làm như vậy vài lần trước đây. Việc áp đặt giới hạn nhiệm kì có thể phải cần tới sửa đổi hiến pháp, dù một số học giả đã đề xuất những cách thực hiện theo luật thành văn, Reuters cho biết.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki nói ủy ban sẽ đại diện toàn bộ quan điểm chính trị. Ủy ban sẽ bao gồm các học giả pháp lý có chủ trương tự do và bảo thủ, các cựu thẩm phán liên bang và luật sư từng xuất hiện trước tòa án. Ủy ban sẽ tổ chức các buổi họp công khai và có 180 ngày để báo cáo những phát hiện của mình.
Ông Biden vào cuối chiến dịch bầu cử tổng thống hồi tháng 10 đã hứa sẽ thành lập ủy ban - một bước cho phép ông tránh đưa ra lập trường xác quyết đối với đề xuất mở rộng tòa án của một số người chủ trương tự do, dù trước đây ông đã phản đối ý tưởng này.
Phe Cộng hòa và những người có chủ trương bảo thủ phản đối quyết liệt ý tưởng mở rộng số lượng thẩm phán. Một số người theo Đảng Dân chủ và các nhà hoạt động có chủ trương tự do thì nói tất cả các lựa chọn bao gồm mở rộng phải được xem xét để chống lại một đa số bảo thủ lâu đời mà có thể đe dọa quyền phá thai, quyền dân sự, việc kiểm soát súng và sự tiếp cận chăm sóc y tế trong những năm tới.
Cựu Tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump đã có thể bổ nhiệm ba thẩm phán trong bốn năm ông tại vị, khiến tòa án có đa số bảo thủ 6-3.
Phe Dân chủ cáo buộc phe Cộng hòa “đánh cắp” một ghế Tòa án Tối cao vào năm 2016 khi Thượng viện, khi đó do phe Cộng hòa kiểm soát, từ chối xem xét ứng viên Merrick Garland do Tổng thống Dân chủ Barack Obama đề cử để lấp chỗ trống do Thẩm phán bảo thủ Antonin Scalia qua đời.
Covid-19 tái bùng phát ở nhiều nước châu Á, Cam Bốt lo ngại dịch lan rộng
Sau một năm tránh được đại dịch, Cam Bốt đang phải đối mặt với khủng hoảng dịch tễ. Nếu như suốt một năm, Cam Bốt chỉ chính thức ghi nhận khoảng 500 ca Covid-19, thì đây là số ca nhiễm mới hàng ngày trong thời gian gần đây. Chính quyền Phnom Penh buộc phải đưa ra nhiều biện pháp mang tính răn đe vì sắp đến kỳ nghỉ Năm Mới của người Cam Bốt.
Ngày 10/04/2021, thủ tướng Hun Sen dọa phạt tù những người không tuân thủ cách ly và sa thải công chức nếu họ từ chối tiêm chủng.
Thông tín viên Juliette Buchez tường trình từ Phnom Penh :
« Vào giữa tháng Hai, 4 người Trung Quốc đã trốn cách ly bắt buộc khi đến lãnh thổ Cam Bốt. Những người này đã đến nhiều địa điểm ở Phnom Penh. Vấn đề ở chỗ, nhiều người trong số này nhiễm Covid-19.
Sau một thời gian lây lan trong cộng đồng người Hoa, virus corona giờ ảnh hưởng đến nhiều địa điểm nhạy cảm ở Cam Bốt. Trong số những ca nhiễm Covid-19 ở thủ đô tuần này, có ít nhất 483 công nhân tại một nhà máy dệt may và vài chục người bán hàng ở nhiều khu chợ. Đây là kịch bản tồi tệ cho chính quyền. Các biện pháp hiếm hoi hoặc chưa từng có liên tục được ban hành : giới nghiêm ở Phnom Penh và Siem Reap, cấm lưu thông giữa các tỉnh… Và từ ngày 10/04, nhiều khu phố ở thủ đô bị phong tỏa.
Từ khi một đạo luật được phê chuẩn vào giữa tháng Ba, hàng loạt án phạt tù mang tính răn đe cũng có thể được áp dụng. Từ giờ, nếu không tôn trọng cách ly khi tới Cam Bốt có thể sẽ bị phạt 3 năm tù giam, cho đến 20 năm đối với bất kỳ ai « cố ý » phân phát virus. Dù chưa được áp dụng, nhưng thủ tướng Hun Sen đã nhắc lại với người dân những mức án phạt trên trong bài phát biểu trên truyền hình dài hai tiếng.
Đại diện của Tổ Chức Y Tế Thế Giới tại Cam Bốt cho rằng nước này có thể đang bên bờ thảm kịch quốc gia nếu như không nhanh chóng khống chế được virus, trong khi hệ thống y tế của quốc gia đang phát triển này có nguy cơ bị quá tải ».
Dịch tái bùng phát ở nhiều nước châu Á
Theo số liệu chính thức, Cam Bốt chỉ có gần 4.100 người bị nhiễm Covid-19 và 26 ca tử vong. Còn nước láng giềng Thái Lan dự kiến lập thêm 10.000 giường cho bệnh viện dã chiến ở thủ đô Bangkok để khống chế làn sóng dịch thứ ba. Theo Reuters, ít nhất 12 bệnh viện ở Bangkok đã ngừng xét nghiệm virus corona từ thứ Sáu 09/04 vì hết bộ xét nghiệm hoặc bị quá tải. Với 789 ca nhiễm mới và một ca tử vong trong vòng 24 giờ được thống kê vào tối 10/04, Thái Lan có tổng cộng 31.658 ca nhiễm và 97 người chết vì Covid-19 tính từ đầu mùa dịch. Phát biểu với báo giới ngày 10/04, ông Suksan Kittisupakorn, tổng giám đốc Cơ quan Dịch vụ Y tế, cho biết biến thể Anh của virus corona đã lan khắp 62 trên tổng số 77 tỉnh của Thái Lan.
Tại Ấn Độ, bang Maharashtra, nơi có thành phố Bombay, bị phong tỏa vào mỗi cuối tuần trong tháng Tư. Số ca nhiễm mới hàng ngày tại Ấn Độ không ngừng tăng, thêm 132.000 ca trong vòng 24 giờ, theo số liệu ngày 10/04. Vì thiếu vac-xin, nhiều bệnh viện ở Bombay đã phải ngừng tiêm chủng. Trước đó, chính quyền New Delhi đã quyết định ngừng xuất khẩu vac-xin AstraZeneca để ưu tiên tiêm chủng trong nước.
Tại khu vực Đông Á, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đang đối mặt với số ca nhiễm mới hàng ngày tăng trở lại trong những ngày gần đây, trung bình 600 ca tại Hàn Quốc và hơn 3.600 ca mới ở Nhật Bản trong ngày 10/04. Theo trang NHK, nhiều biện pháp hạn chế mới sẽ được áp dụng tại 6 tỉnh Nhật Bản, nhưng có hiệu lực ngay từ thứ Hai 12/04 đối với một số khu vực tại Tokyo, Kyoto và Okinawa.
Trong khi nhiều nước đối mặt với làn sóng dịch mới, Việt Nam tính đến việc từng bước mở cửa biên giới đối với những người có « hộ chiếu tiêm chủng » như công dân Việt Nam hồi hương, người nước ngoài đến công tác và du lịch.
Biển Đông: Lãnh đạo Quốc Phòng Mỹ và Philippines hội ý về tàu dân quân Trung Quốc
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ và đồng nhiệm Philippines vào hôm qua, 10/04/2021 đã thảo luận với nhau qua điện thoại về tình hình Biển Đông và các hoạt động gần đây của tàu “dân quân biển” Trung Quốc đã tràn ngập vùng Đá Ba Đầu ở khu vực Trường Sa.
Theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby, trong cuộc điện đàm, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin đã đề xuất với đồng nhiệm Delfin Lorenzana một số biện pháp để tăng cường hợp tác quốc phòng, trong đó có việc “tăng cường năng lực nhận thức về các mối đe dọa ở Biển Đông”.
Manila trong nhiều tuần lễ nay đã liên tục lên tiếng báo động về vụ hàng trăm chiếc tàu Trung Quốc tràn đến neo đậu tại vùng Đá Ba Đầu ở Trường Sa, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines trước khi một số tỏa ra nhiều nơi khác trong khu vực.
Theo chính quyền Philippines cũng như nhiều nhà phân tích, đó là những chiếc tàu của lực lượng dân quân biển Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh đã phản bác, cho đấy chỉ là tàu đánh cá của họ đi tìm nơi tránh bão.
Theo hãng tin Mỹ AP, ngày 10/04, phát ngôn viên Lầu Năm Góc cũng xác nhận trở lại việc tàu sân bay USS Theodore Roosevelt cùng nhóm tác chiến kèm theo, cũng như tàu đổ bộ USS Makin Island, đang hoạt động ở Biển Đông.
Việc tàu Trung Quốc tập trung gần đây trong vùng biển Philippines đã bị Washington tố cáo là hành vi đe dọa các nước nhỏ hơn trong khu vực.
Cuộc điện đàm giữa hai bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ-Philippines cũng diễn ra trong bối cảnh có tin cho biết là hai chiến hạm Trung Quốc có vũ trang đã đuổi theo một tàu dân sự chở nhà báo Philippines.
Nếu được xác minh, thì đây là một hành động leo thang rõ nét, vì là lần đầu tiên Bắc Kinh cho tàu hải quân đối phó với tàu dân sự
Theo hãng tin Mỹ Bloomberg, vụ việc đang trong vòng điều tra nhưng Bắc Kinh đã khẳng định rằng tàu của họ hoạt động “bình thường và hợp pháp” và chính phủ Trung Quốc có duy trì liên lạc chặt chẽ với Philippines.
Úc, Anh công bố Thỏa thuận ‘Cầu không gian’ trong lĩnh vực hàng không vũ trụ
Vào ngày 23/2/2021, Thỏa thuận Khung Cầu không gian đã được ký kết tại Westminster, London, Vương quốc Anh, và tại dinh thự của Cao ủy Anh ở Canberra, Australia. Quan hệ đối tác mới này sẽ tăng cường đầu tư và trao đổi kiến thức trong lĩnh vực vũ trụ giữa hai nước, Vision Times đưa tin.
Cầu Không gian là công trình đầu tiên thuộc loại này và sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả hai quốc gia. Tiếp cận thương mại sẽ được cải thiện và sẽ có những cơ hội nghiên cứu mới, các doanh nghiệp sẽ có những tư vấn và hợp tác song phương tốt hơn.
Với sự giúp đỡ của mối quan hệ đối tác này, sự hợp tác và phối hợp sẽ được cải thiện giữa các thực thể như Bộ Thương mại Quốc tế Vương quốc Anh, Cơ quan Vũ trụ Vương quốc Anh, Cơ quan Vũ trụ Australia và Ủy ban Thương mại & Đầu tư Australia. Các tổ chức liên quan khác của cả hai quốc gia sẽ hợp tác với nhau về các hoạt động liên quan đến không gian. Điều này bao gồm việc chia sẻ dữ liệu quan sát Trái đất cũng như hợp tác về trí tuệ nhân tạo và robot.
Vương quốc Anh và Australia có mối quan hệ lâu đời khi nói đến lĩnh vực vũ trụ. Vào những năm 1970, vệ tinh Prospero, được xây dựng ở Farnborough, Vương quốc Anh, đã được phóng từ Tổ hợp Dãy RAAF Woomera của Nam Australia.
Thỏa thuận Cầu không gian sẽ giúp cả hai nước trở thành cường quốc không gian toàn cầu
Người đứng đầu cơ quan vũ trụ của cả hai quốc gia lưu ý rằng sự hợp tác này sẽ giúp cả Vương quốc Anh và Australia trở thành những cường quốc không gian toàn cầu có tính cạnh tranh cao.
Tiến sĩ Graham Turnock, Giám đốc điều hành của Cơ quan Vũ trụ Vương quốc Anh, cho biết: “Vương quốc Anh mở rộng tham vọng của mình lên không gian, chỉ có điều đúng là chúng tôi tạo ra các liên minh mới và mạnh mẽ hơn với các đối tác mới hiện có trên toàn cầu”.
“Thỏa thuận này có tiềm năng mở ra sự đổi mới, thúc đẩy trao đổi kiến thức và xây dựng các mối quan hệ giúp cả Anh và Australia tối đa hóa tiềm năng kinh tế và khoa học rộng lớn mà lĩnh vực vũ trụ mang lại. Nó sẽ giúp tạo ra cơ hội tốt hơn và an ninh cao hơn cho người dân ở cả hai quốc gia”, Tiến sĩ Graham nói thêm.
Enrico Palermo, Trưởng Cơ quan Vũ trụ Australia, cho biết: “Thỏa thuận Cầu không gian sẽ giúp thúc đẩy ngành công nghiệp vũ trụ dân dụng Australia bước vào giai đoạn tăng trưởng tiếp theo, mở ra cánh cửa để xây dựng năng lực địa phương, cũng như thúc đẩy đáng kể sự hợp tác của chúng tôi với Cơ quan Vũ trụ Vương quốc Anh”.
Lĩnh vực vũ trụ là một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất ở Vương quốc Anh và dự kiến sẽ có gần 30.000 việc làm mới được tạo ra vào năm 2030, trong khi lĩnh vực vũ trụ của Australia dự kiến sẽ tạo ra 20.000 việc làm mới.
Thỏa thuận Cầu không gian được đưa ra vào thời điểm quan trọng khi Australia và Anh đều bắt đầu vòng đàm phán thứ 4 về Hiệp định Thương mại Tự do. Những tiến bộ quan trọng đã đạt được trong nhiều lĩnh vực, bao gồm quy tắc xuất xứ, viễn thông, kỹ thuật số, hải quan và cung ứng.
Võ Thái Hà tóm lược
Không có nhận xét nào