Header Ads

  • Breaking News

    Hồ Văn Hiến Giới - Thiệu Cuốn Sách Lịch Sử Người Việt Của Keith Taylor

    -- Bài thứ hai có liên quan tới cuốn sách Việt Nam thời dựng nước 

    ·  -- Theo bản đưa trên trang LÀNG HUỆ 2018ở đường link  

    https://langhue.org/index.php/van-hoc/gioi-thieu-nhaninh-va-phe-binh/18416-gioi-tieu-cuon-sanh-lich-su-nguoio-viet-c-a-kieth-taylor-ho-van-hien  

    ·        ”A History of the Vietnamese” (Cambridge University Press, 2013,  696 trang, Paperback – May 9, 2013), là tác phẩm của Keith W. Taylor, giáo sư khoa Á Châu Học tại trường Đại học Cornell (Professor of Sino-Vietnamese Cultural Studies in the Department of Asian Studies at Cornell University)

    Ông từng nổi tiếng với cuốn sách "Sự Ra Đời Của Việt Nam" (The Birth of Vietnam) năm 1983, nghiên cứu về giai đoạn tiền sử, thời Bắc thuộc cho đến thế kỷ thứ 10 lúc Việt Nam độc lập.

    Taylor từng phục vụ trong lục quân Mỹ thời chiến tranh Việt Nam, đậu tiến sĩ năm 1976, dạy học ở Nhật và Singapore trước khi về Cornell năm 1986.

     Hiện nay, ông đang nghiên cứu thơ tiếng Việt và những thay đổi của thi ca qua các thời đại.

    Taylor từng được giải thưởng Phan Châu Trinh của Việt Nam "vì những thành tựu đã đạt được trong nghiên cứu và truyền bá lịch sử - văn hóa Việt Nam" (2015). (Theo Wikipedia, Giải thưởng Phan Châu Trinh, tên đầy đủ là Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh là một giải thưởng được Nhà xuất bản Tri Thức và Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao hằng năm cho các cá nhân có cống hiến xuất sắc trong các lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu văn hóa, Việt Nam học và dịch thuật.)

    Trong phần giới thiệu đầu sách History of the Vietnamese, Taylor muốn định nghĩa "lịch sử Việt Nam như là những gì có thể tìm biết được về một mặt nào đó của quá khứ.

    Lý do gọi nó là sử Việt là vì những biến cố đã xảy ra trên phần đất mà hiện nay chúng ta gọi là Việt Nam, và một số phiên bản của nó đã từng được dạy dỗ như là một hồi ức / kỷ niệm chung cho cho nhiều thế hệ người nói tiếng Việt, và do đó gây ra một cảm giác rằng họ làm chủ.

    Tôi thích thú về quá khứ của Việt Nam không phải vì đấy là của [nước hay người] Việt Nam, mà vì nó giúp tìm hiểu về cách xã hội con người được tổ chức và cai trị như thế nào trong nhiều năm bên cạnh một đế quốc."

     Nói cách khác, không như người Việt chúng ta tìm hiểu về sử Việt vì những lý do tình cảm hay tự hào dân tộc, và với ý thức dân tộc tương tự như một người tìm hiểu về gia phả, ông bà của mình, đối tượng tác giả nghiên cứu và kể lại là những sinh hoạt trong quá khứ trong khu vực địa lý mà hiện nay được gọi là 'nước' Việt Nam.

    Trong phần nói về thư mục (trang 627), tác giả cho biết tác giả tham khảo nhiều các tư liệu viết bằng chữ Hán và chữ nôm, những tài liệu này phần lớn được xuất bản lại bằng chữ quốc ngữ tại Hà Nội trong khoảng 40 năm nay.

    Cuốn Việt Nam Sử Lược không được nhắc đến như là một nguồn sử liệu.

    Theo Taylor , quá khứ Việt Nam không hiển thị một 'logic' nội tại cho sự phát triển dẫn dắt đến ngày hôm nay. (The Vietnamese past does not display an internal logic leading to the present).

    Có nghĩa là ở đây chúng ta sẽ không tìm thấy những ý niệm có tính cách dân tộc chủ nghĩa như “Trăm Việt Trên Đường Định Mệnh” (Phạm Việt Châu). Tuy nhiên, Taylor cũng đưa ra 4 giai đoạn lịch sử:

    1.   

    a.   Giai đoạn nhiều thế kỷ lúc miền Bắc nước Việt hiện nay còn là một tỉnh của đế quốc Trung Hoa từ cuối thế kỷ thứ 3 trước TC cho đến thế kỷ thứ 10 (mà sách sử chúng ta thường gọi là thời Bắc thuộc).

    Theo Taylor, những người sống trong đồng bằng sông Hồng trước và sau giai đoạn chịu ảnh hưởng Hán Hoá này "chắc chắn là nhận nhau không ra, mà nói với nhau cũng không hiểu" (“surely unrecognizable and unintelligible to each other”) và về điểm này có thể nhiều học giả Việt nam sẽ không đồng ý.

     Khác với quan điểm của các nhà sử học Việt Nam cho rằng và tìm cách chứng minh rằng văn hoá và ngôn ngữ Việt đã từng tồn tại (hiện hữu) trước khi người Tàu chiếm vùng đồng bằng sông Hồng cuối thế kỷ thứ 3 TCN, lần này, căn cứ trên những kết quả khảo cứu trong 20-30 năm nay, Taylor đã đi ngược lại với những gì ông từng viết năm 1983 trong cuốn The Birth of Vietnam.

    Lần này, Taylor đi đến kết luận rằng văn hoá Việt được thành hình trong thời gian 10 thế kỷ dưới sự cai trị của người Trung Hoa, và tiếng Việt thành hình lúc những người Trung Hoa nhập cư nhảy (language shift) sang dùng tiếng nói của người thổ dân địa phương vào cuối thiên niên kỷ đầu tiên, theo giả thuyết của nhà ngôn ngữ học John Phan.

    b.   Đời Lý-Trần gồm 4 thế kỷ (TK10-13), giai đoạn mà các vương triều Phật giáo thuộc vùng châu thổ sông Hồng nắm quyền; các vua Lý gốc từ các vùng trung du (upper plains) đông bắc Hà Nội; các nhân vật quyền bính lãnh đạo là những người bà con thân thuộc của mẹ vua, thay vì do sức thu hút cá nhân của các nhà lãnh đạo trong giai đoạn trước.

    (Trong giai đoạn sau, mẹ của vua phải là người xuất phát từ trong hoàng tộc để tránh tình trạng trên, và quyền lãnh đạo thuộc về tập thể những hoàng thân có tài, có thành tích chiến đấu chống quân Mông Cổ và tiếng tăm để đủ sức thu hút sự hưởng ứng của các tầng lớp dân chúng.)

    c.   Nhà Lê (hay Hậu Lê): trong suốt 4 thế kỷ, các vì vua gốc từ tỉnh Thanh Hóa, Khổng giáo (Nho giáo) là ý thức hệ của các nhà cầm quyền, người Việt bành trướng xuống miền nam, và có những vương quốc riêng rẻ chiến tranh với nhau trong những giai đoạn kéo dài.

    Vua Quang Trung Nguyễn Huệ, một nhân vật then chốt trong sử sách của người Việt với "đại thắng quân Thanh", chỉ được nhắc sơ qua, được mô tả như một vị tướng ham việc chiến trường hơn là việc kinh bang tế thế, một phần do triều đại quá ngắn ngủi.

    Nguyễn Huệ là một người đa nghi, giết Nguyễn Hữu Chỉnh rồi giết luôn Võ Văn Nhậm là người giúp ông giết Nguyễn Hữu Chỉnh, còn nói rằng "Dù ngươi vô tội đi nữa, ngươi cũng làm ta lo, nội chuyện đó thôi cũng là có tội rồi".

    Về chiến thắng quân Thanh, Taylor cũng cho rằng vua Càn Long (Qianlong; reign 1735-1796) chỉ muốn làm bổn phận của mình là phục hồi ngôi của Vua Lê, sau đó chỉ muốn rút quân về, chứ không có tham vọng xâm chiếm Việt Nam.

    Tết năm đó, "Nguyễn Huệ đột nhiên ùa ra đánh họ" và đẩy quân Thanh xuống và qua sông Hồng" (trang 378) (“Having proclaimed himself emperor in Phu Xuan, he rushed his armies north and pushed the Ching troops into and across the Red River”; page 378).

    Đoạn này làm chúng ta nhớ đến nghi vấn của tác giả Nguyễn Gia Kiểng đặt ra cách đây cả chục năm, cho rằng đạo quân Thanh đối đầu với Nguyễn Huệ nhỏ hơn nhiều so với số mấy trăm ngàn quân thua trận trong các sách sử Việt Nam.

    d.   Thời cận đại, hai thế kỷ trong đó nước Việt nam hiện đại thành hình.Trong thế kỷ thứ 19, triều Nguyễn theo khuôn mẫu về văn hoá và tổ chức chính trị của Trung Hoa. Sau đó, lần đầu tiên trong lịch sử Việt nam, liên hệ với Trung Hoa bị thực dân Pháp cắt đứt.

    2.

    Trong khoảng trên một ngàn năm, những người nói tiếng Hoa Hán-Đường tích tụ trong vùng bắc Việt nam hiện nay, với viên chức nói tiếng Hoa tụ tập quanh vùng Hà Nội bây giờ.

    Qua 30-40 thế hệ, những người Tàu này phát triển nên một phiên bản địa phương của tiếng Tàu mà một nhà ngôn ngữ hiện đại, John Duong Phan đã tìm ra được bằng chứng và có thể gọi là Hoa Ngữ Trung đại ở An Nam Annamese Middle Chinese).

    Đây có thể là một phương ngữ thuộc về Hoa Ngữ trung đại (Middle Chinese) của miền nam hay tây nam Trung Hoa.

    Các nhóm thuộc miền hạ du (lowlands) không nói tiếng Hoa thì dùng một ngôn ngữ gọi là Proto-Việt-Mường, là nhánh tận cùng về phía đông của nhóm ngôn ngữ Mon-Khmer thịnh hành thời đó ở vùng sông Mekong và Menam (Chao Phraya River, Thailand) nhưng được du nhập lên phía bắc qua những ngã đèo giữa sông Mekong và sông Cả.

    Sau khi Việt Nam độc lập, từ thế kỷ thứ 10-11, lúc mà các dây liên lạc với các triều đại Trung Hoa bị cắt đứt, không còn một nguồn dân nói tiếng Hoa đều đặn đổ từ phương bắc vào nữa, và xuất hiện các vua bản địa.

    Tình hình song ngữ suy sụp và những người nói tiếng Hoa ngữ trung đại dần dần chuyển dịch ('shifted") qua dùng Proto-Việt-Mường, mang theo một lượng đáng kể những thành phần từ vựng và ngữ pháp của tiếng Hoa, tạo nên tiếng Việt mà chúng ta phân loại ngày nay, được những người Kinh ở vùng Hà Nội dùng.

    Trong lúc đó, những người ở vùng sông Cả và sông Mã nói tiếng Proto-Việt Mường mà không chuyển dịch qua tiếng Kinh dần dần sẽ bị người Kinh đẩy qua các vùng thượng du và người Kinh gọi họ là người Trại (outpost), sau này các nhà dân tộc học người Pháp gọi họ là người Mường.

    Sự phân biệt giữa người Kinh và người Trại được ghi nhận từ giữa thế kỷ thứ 13, lúc bắt đầu có tài liệu về những bài thơ tiếng Việt đầu tiên và cũng là lúc mà thế hệ cuối cùng các ông hoàng Việt Nam nói tiếng Hoa còn tồn tại (lược dịch, trang 5-6)

    Trong đoạn nói về ảnh hưởng trên văn hoá Việt Nam thời thập niên 1930, tác giả viết:

    " [Trần trọng Kim (1883-1953)] trong thập niên 1920's xuất bản một cuốn sử Việt nam căn cứ trên các tư liệu sử truyền thống và được dùng trong nhiều thập niên như là sách giáo khoa.

    Ông cũng viết một nghiên cứu về Khổng giáo trong những năm 1930's và 1940's. Cuốn sách này tìm cách dùng những tư tưởng triết học đương thời của Pháp để hỗ trợ cho các đức lý về gia đình của đạo Khổng.

    Nó trở thành thánh kinh của những người bảo thủ khi hố ngăn chia các thế hệ mở ra trong những năm 1930's và trong lúc chế độ Vichy [thân Đức quốc Xã của Thống tướng Pétain tại Pháp] trong những năm đầu của thập niên 1940's.”(trang 518).

    Điểm cuối này thú vị, vì theo phân tích của Taylor, cuối thập niên 1930, lúc các phong trào phát xít nổi lên ở châu Âu và Nhật, cũng như "chủ nghĩa dân tộc lực lưỡng" của các Young Turks ở Thổ Nhĩ Kỳ, các trí thức Việt nam bị ảnh hưởng của nhà triết học Đức Nietzsche và muốn dựng lại một quá khứ huy hoàng của dân tộc thể hiện qua quốc hiệu "Đại Việt" (so với Đại Nam hay Việt Nam) được dùng từ thế kỷ thứ 10-18. Ví dụ Đại Việt Quốc Xã Đảng trong giới trí thức Hà Nội và Hải Phòng từ bỏ thái độ lý tưởng của nền dân chủ đại nghị/parliamentary democracy mà cũng không chấp nhận chủ nghĩa cọng sản duy vật. (Trang 528).

    Sau khi rời khỏi đế quốc Pháp, Việt Nam đứng giữa hai thế giới, hai viễn tượng cạnh tranh với nhau ("two competing visions") một bên là cọng sản "công xã và kỷ luật" (communal and disciplined),

    bên kia là thế giới tư bản, tương đối theo cá nhân chủ nghĩa và tự do ("individualistic and free"), trong một cuộc chiến dài 20 năm.

    Nói về Tổng Thống Ngô Đình Diệm, một câu hỏi thường được đặt ra là ông Diệm có phải là "bù nhìn" (puppet) của Mỹ hay không, Taylor viết: "Thái độ gắt gao của ông đối với [việc bảo vệ] chủ quyền quốc gia, một dấu vết của sự ghê tởm của ông đối với chế độ thuộc địa Pháp, cũng áp dụng luôn cho những người chỉ trích và những đồng minh tiềm năng, và ông co rút về với vòng thân cận thu hẹp của gia đình và những người tuỳ tùng... Sự ủng hộ của người Mỹ đã trở thành liều thuốc độc mà ông sợ hãi; nó trở nên quá áp đảo đối với ông và cuối cùng thì loại bỏ ông. Thái độ muốn chống lại [TT] Ngô Đình Diệm không đoàn kết các tướng lãnh với nhau mạnh bằng cơ hội mà người Mỹ đem đến cho họ" (trang 590)

    Taylor nhìn nền Đệ Nhị Cộng hòa (1967-1975) công bằng hơn các truyền thông Mỹ trước đây. " “Các lãnh đạo miền Bắc không những lo ngại về tầm quan trọng càng ngày càng bớt đi của cuộc tranh đấu của họ trong bối cảnh chính trị thế giới, mà đồng thời họ lo ngại về thành công của nền Đệ Nhị Cộng Hòa trong việc ổn định Miền Nam Việt Nam.

    Nguyễn Văn Thiệu không phải là một nhà lãnh đạo gây nhiều cảm hứng, ngược lại ông cũng không mang tiếng là tham nhũng quá đáng hay lạm quyền một cách lố bịch.

    Ông là một người cai trị khá đủ khả năng, và ông có xu hướng tránh xâm phạm các thủ tục hiến định. Ông chấp nhận (countenance) chống đối trong phía lập pháp, một ngành tư pháp trong một mức nào đó vượt khỏi sự kiểm soát của ông, và báo chí tương đối tự do không cần đến kiểm duyệt trước."(trang 607-608).

    Taylor nhận định thái độ của ông Thiệu ít nhiều bị ảnh hưởng bởi những mong đợi bên phía Mỹ và ông Đại sứ cố gắng "hướng dẫn nhẹ nhàng" (gently coached) về các chuẩn mực về thực thi hiến pháp; khác với một số dư luận Mỹ cho rằng người Mỹ điều khiển ông Thiệu. Taylor cũng nhắc đến thành công của chương trình cải cách điền địa."Trong vòng 3 năm, lượng đất được tái phân phát lớn gấp hai lần rưỡi lượng đất được đổi chủ trong 15 năm trước đó. Lượng đất tối đa cho phép cho bất cứ người nào bị giảm xuống 85%. " (trang 610) Ngay những đất được cọng sản tái phân phát nông dân cũng được tiếp tục giữ lại; các chủ mới được cấp bằng khoán vĩnh viễn và thuế đất tương đối thấp.

    Trong phần "Retrospective" cuối sách, Taylor viết:

    "Công cuộc đi tìm cái Việt nam đích thực (the "real" Vietnam) hay cái "cốt lõi văn hoá" nhằm trả lời câu hỏi thế nào là người Việt sẽ thất bại.

    Có một sự tích luỹ của những khuynh hướng khác nhau về tôn giáo, ý thức hệ, và văn hoá giữa những người nói tiếng Việt.

     Bất cứ cố gắng nào ưu đãi một khuynh hướng này để thiệt thòi các khuynh hướng kia sẽ chỉ sinh ra những tranh luận mà không thể có sự giải quyết triệt để.

    Làm người Việt có nhiều hình thức. Đặc tính duy nhất kết hợp lại là sự sử dụng tiếng Việt và sự liên hệ với một nơi chốn cụ thể nào đó trên hành tinh".

    Tác giả kết luận với nhận xét là từ thế kỷ thứ 15 cho đến ngay bây giờ: "Trong trải nghiệm của Việt Nam, một nét vẫn bền vững là tương quan thuận thảo (compliant) về căn bản đối với Trung Quốc, được thi hành bởi những chính phủ rập khuôn theo những gì tồn tại bên Trung Quốc. Một khía cạnh của vấn đề này là chính phủ có khuynh hướng giáo huấn người dân và liên hệ yếu ớt đối với những ước muốn của dân chúng"...

    "Tuy vậy có những dòng nước ngược (countercurrents) về tư tưởng chảy về chỗ khác không phải Trung Quốc và không phải về quá khứ, những dòng này được cộng đồng Việt hải ngoại làm tươi mát.

    Mặc dù bị một chế độ độc đoán khuất phục và kìm hãm, và bị tổn thương do một đồng minh vô tín năm 1975, những dòng nước ngược này còn sống trong những giấc mơ về Việt Nam tương lai."

    Sách chứa đủ mọi chi tiết mà chúng ta muốn tham khảo, tuy nhiên, người đọc trung bình khó có kiên nhẫn và hứng thú đọc từ đầu đến cuối qua các triều đại. Người Việt quen đọc sách sử viết bằng tiếng Việt có thể gặp khó khăn nhận ra một số triều đại, vì các vua/hay hoàng đế đều được dịch ra là King và dùng tên huý thay vì miếu hiệu. Ví dụ Vua Lê Thánh Tông (1442-1497), Niên hiệu Quang Thuận (光順: 1460 - 1469) và Hồng Đức (洪德: 1470 - 1497) được nhắc đến như là Lê Tư Thành (黎思誠), một tên huý mà thời trước không được nói đến và ít người biết. Đối với người Mỹ không biết tiếng Việt, các tên huý này dễ lẫn lộn với nhau, nhất là viết không có dấu.

    Theo một bài trong báo Tin Sáng của Bộ Khoa Học và Công Nghệ Việt Nam, trong "The Birth of Vietnam"(1983), Taylor đã là "Kẻ chiến bại hát theo giọng của người chiến thắng","Taylor là cựu chiến binh Mỹ tại chiến trường Việt Nam. Cái “hội chứng” mà ông mắc phải thời Hậu chiến, những câu hỏi rằng: vì sao ông và nước Mỹ của ông lại thất bại trong một cuộc chiến không cân sức? Những người đánh bại ông là ai, họ đến từ đâu trong lịch sử thăm thẳm của nhân loại? có lẽ đã thôi thúc Taylor trở thành người xông pha miệt mài trong lĩnh vực Việt Nam học trong suốt quãng đời của mình", và trong "History of the Vietnamese" đã tiến xa hơn,"sử gia tìm được giọng nói của chính mình". Bài báo viết;

    "Nói chung, với cuốn The Birth of Vietnam (1983), Taylor đã mất gần 400 trang viết, để chứng minh cho một định đề có sẵn: truyền thống Việt Nam được xây dựng bởi một dân tộc thống nhất, một quốc gia thống nhất suốt từ giai đoạn thế kỷ X trở về trước cho đến thế kỷ X, và từ thế kỷ X đến thế kỷ XX. Và nếu, Taylor chỉ dừng lại ở đó, thì sẽ không có nhiều điều để bàn luận. Ông dần nhận ra rằng, cần phải đứng ra ngoài các phe phái để nhìn lại quá khứ. Một sử gia cần phải nói bằng giọng nói của chính mình, chứ không phải là hát lên bằng cổ họng của người khác. Cuốn A History of the Vietnamese được ra đời là vì thế! "(1)

    Tóm lại, A History of the Vietnamese là một cuốn sách rất công phu, chi tiết về lịch sử Việt Nam, do một giáo sư sử học và Việt học người Mỹ từng huấn luyện nhiều sử gia Mỹ về chuyên ngành Việt Nam. Người quen đọc (hay học) sử tiếng Việt theo truyền thống chủ nghĩa dân tộc có thể không đồng ý về một số kết luận , ví dụ về nguồn gốc tiếng Việt hiện đại hay về sự hiện hữu hay không của một "quốc hồn, quốc tính" Việt Nam.

    Tuy nhiên, đọc một cuốn sử dùng các sử liệu mới nhất và phân tích theo chiều hướng khoa học sử và chính trị hiện đại, cái cảm tưởng chính chi phối người viết bài này lại là cảm thấy biết ơn một nhà học giả ngoại quốc đã đem bao nhiêu thời giờ và tâm huyết để tạo nên một công trình đồ sộ như vậy, chưa từng có trong Anh văn.

    Ước mong một bản dịch tiếng Việt với đối chiếu các danh từ Anh -Việt Ngữ và Hán tự sẽ xuất hiện một ngày nào đó không xa.

    Hồ Văn Hiền

    Ngày 21 tháng 8 năm 2017

    Ngày 2 tháng 9 năm 2018

    Các bài điểm sách khác:

    1)Keith Weller Taylor: Hành trình của một sử gia (accessed 11-7-2017)

    http://tiasang.com.vn/-van-hoa/keith-weller-taylor-hanh-trinh-cua-mot-su-gia-8708

    2)REVIEWS OF A HISTORY OF THE VIETNAMESE & SOURCES OF VIETNAMESE TRADITION

    Tuan Hoang reviews K.W. Taylor, A History of the Vietnamese (Cambridge University Press, 2013); and George E. Dutton, Jayne S. Werner, and John K. Whitmore, eds., Sources of Vietnamese Tradition (Columbia University Press, 2012)

    http://diacritics.org/2015/12/tuan-hoang-reviews-a-history-of-the-vietnamese-and-sources-of-vietnamese-tradition/

    3)Liam C. Kelley: Review of Keith Taylor's "A History of the Vietnamese"

    http://www.academia.edu/7868567/Review_of_Keith_Taylors_A_History_of_the_Vietnamese_

    https://vuongtrinhan.blogspot.com/2021/04/gioi-thieu-cuon-sach-lich-su-nguoi-viet.html

    Không có nhận xét nào