Trung Hiếu tổng hợp từ nhiều nguồn
25.4: Trung Quốc biên chế 3 tàu chiến, tàu Philippines đến bãi Scarborough Diễn biến này khá đáng chú ý bởi nó gợi ý Philippines đang muốn lật lại câu chuyện bãi cạn Scarborough trên thực địa. Bản tin hôm nay bao gồm việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình biên chế cùng lúc 3 tàu quan trọng cho Hạm đội Nam Hải và động thái mới từ phía Philippines liên quan đến bãi cạn Scarborough. 1. Trung Quốc biên chế 3 tàu chiến quan trọng Ngày 23.4, nhân dịp kỷ niệm 72 năm thành lập hải quân CHND Trung Hoa, Chủ tịch Tập Cận Bình đã chủ trì lễ biên chế 3 chiếc tàu quan trọng về mặt chiến lược là tàu đổ bộ tấn công Type 075, tàu khu trục Type 055 và tàu ngầm Type 094A. Tàu Type 075 có tên Hải Nam, số hiệu 31. Tàu Type 055 có tên Đại Liên, số hiệu 105. Tàu Type 094A có tên Trường Chinh 18, số hiệu 421. Các tàu này được biên chế cho Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc. Buổi lễ được tổ chức chiều 23.4 nhưng đến tối 24.4, truyền hình nhà nước Trung Quốc mới công bố thông tin. 2. B-52 Mỹ vào Biển Đông Sáng 25.4, hai oanh tạc cơ B-52H của Mỹ cất cánh từ căn cứ Andersen bay vào Biển Đông thông qua eo biển Sulu, hướng đến khu vực quần đảo Trường Sa. Trong lúc bản tin này được gửi đến các bạn thì hai oanh tạc cơ Mỹ vẫn đang thực hiện hành trình. Đây là lần thứ hai trong vòng 1 tuần, oanh tạc cơ B-52 bay vào Biển Đông, giữa lúc tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đang có mặt tại khu vực. 3. Tàu tuần duyên Philippines tiếp cận bãi cạn Scarborough Ngày 24.4, hai tàu tuần duyên Philippines là BRP Gabriela Silang và BRP Sindangan tiếp cận khu vực bãi cạn Scarborough sau khi khởi hành từ căn cứ Subic, theo ghi nhận của tín hiệu AIS. Đây là lần hiếm hoi các tàu tuần duyên Philippines được ghi nhận xuất hiện tại bãi cạn Scarborough sau cuộc đối đầu với tàu hải cảnh Trung Quốc ở khu vực vào năm 2012. Khi đó, tàu Philippines đã rút lui sau nỗ lực trung gian của Mỹ, nhưng tàu hải cảnh Trung Quốc vẫn neo lại và kiểm soát bãi cạn này trên thực tế từ đó đến nay. Tại khu vực này hiện có ít nhất 1 tàu hải cảnh Trung Quốc. Tàu tuần duyên Philippines đã vòng một vòng qua bãi cạn Scarborough trong ngày 24.4 nhưng dường như vẫn giữ khoảng cách 12 hải lý. Trong một tuyên bố đưa ra sáng nay 25.4, Tuần duyên Philippines xác nhận hai tàu nói trên đã tiến hành diễn tập ở bãi cạn Scarborough. Diễn biến này khá đáng chú ý bởi nó gợi ý Philippines đang muốn lật lại câu chuyện bãi cạn Scarborough trên thực địa. Đặc biệt nó xảy ra sau khi Mỹ cam kết rõ ràng rằng sẽ sát cánh hỗ trợ tàu công vụ Philippines ở Biển Đông. Cùng với những diễn biến xung quanh câu chuyện Đá Ba Đầu, sự kiện này tiếp tục cho thấy Manila đang thực sự muốn thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016. Các tàu tuần duyên Philippines có thể tiếp tục hiện diện ở đó để bảo vệ hoạt động đánh bắt của tàu cá nước này. Vì thế, bãi cạn Scarborough có thể sẽ lại trở thành một điểm nóng trong thời gian tới. 4. EU lên tiếng về tình hình Ba Đầu Trong một diễn biến liên quan, phát ngôn viên đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) ngày 24.4 đã đưa ra tuyên bố nói rằng sự hiện diện của tàu Trung Quốc ở Ba Đầu gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định khu vực. EU tái khẳng định sự phản đối mạnh mẽ của họ đối với bất kỳ hành động đơn phương nào có thể làm suy yếu sự ổn định của khu vực và trật tự dựa trên luật lệ quốc tế. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, bao gồm cả các cơ chế giải quyết tranh chấp của nó. Về vấn đề này, Liên minh châu Âu nhắc lại Phán quyết Trọng tài được đưa ra theo UNCLOS vào ngày 12 tháng 7 năm 2016. EU ủng hộ tiến trình do ASEAN dẫn dắt nhằm hướng tới một Bộ Quy tắc ứng xử hiệu quả, thực chất và ràng buộc về mặt pháp lý, không làm phương hại đến lợi ích của các bên thứ ba. EU kêu gọi tất cả các bên theo đuổi nỗ lực chân thành hướng tới việc hoàn thiện nó. Phái bộ Trung Quốc tại EU ngay sau đó đã đưa ra tuyên bố phản đối với những luận điệu quen thuộc. 5. Đài Loan tập trận quy mô Giới chức Đài Loan thông báo sẽ tiến hành một số cuộc tập trận bắn đạn thật tại các khu vực xung quanh Đài Loan vào tháng 5. Các cuộc tập trận này sẽ bao gồm cả hoạt động bắn thử vũ khí của Viện khoa học và công nghệ Trung Sơn. Trong khi đó, Lực lượng Phòng vệ trên bộ của Nhật Bản ngày 23.4 thông báo họ sẽ tiến hành cuộc tập trận chung với thủy quân lục chiến Mỹ và lục quân Pháp ở khu vực Kyushu từ ngày 11 đến 17.5. Đây là cuộc tập trận trên bộ quy mô lớn đầu tiên giữa ba quốc gia này. 6. Tình hình Myanmar Ngày 24.4, hội nghị cấp cao ASEAN ở Indonesia đạt được đồng thuận 5 điểm về tình hình Myanmar. Về tình hình ở Myanmar, các nhà lãnh đạo đã đạt được sự đồng thuận dưới đây: Đầu tiên, phải chấm dứt ngay lập tức bạo lực ở Myanmar và tất cả các bên sẽ thực hiện sự kiềm chế tối đa. Thứ hai, đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên liên quan sẽ bắt đầu để tìm kiếm một giải pháp hòa bình vì lợi ích của nhân dân. Thứ ba, một đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN sẽ tạo điều kiện cho việc hòa giải của quá trình đối thoại, với sự hỗ trợ của Tổng thư ký ASEAN. Thứ tư, ASEAN sẽ cung cấp hỗ trợ nhân đạo thông qua Trung tâm AHA (Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong quản lý thảm hoạ). Thứ năm, đặc phái viên và phái đoàn sẽ đến thăm Myanmar để gặp gỡ tất cả các bên liên quan. Một điểm đáng chú ý là đồng thuận này không đề cập đến việc trả tự do cho những người bị bắt giữ ở Myanmar. Tuy nhiên, dù sao đó cũng là một bước tiến trong nỗ lực của ASEAN nhằm hướng tới giải pháp cho tình hình Myanmar giữa lúc có nhiều nghi ngờ về vai trò của tổ chức khu vực này. |
Không có nhận xét nào