Header Ads

  • Breaking News

    Các tổ chức Nhân quyền Quốc tế : “Bắt bớ các nhà báo thể hiện Việt Nam là nhà nước độc đoán”

    Các tổ chức theo dõi nhân quyền trên thế giới bày tỏ sự lo ngại khi cơ quan chức năng Việt Nam của Chính phủ Hà Nội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời gian qua đã bỏ tù nhiều nhà báo. Trong số này không chỉ có những người viết báo độc lập, mà cả những nhà báo đã và đang làm việc cho các tờ báo nhà nước.
    Việt Nam là nhà nước độc đoán

    Chỉ trong vài tháng, cơ quan chức năng tại nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam tiến hành bắt giam và kết án nhiều nhà báo độc lập. Đó là những nhà báo có tiếng nói đối lập như ông Lê Trọng Hùng, người đưa tin trên kênh truyền thông độc lập của mình là CHTV; hay ba thành viên của Hội Nhà báo Độc lập là ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thuỵ và Lê Hữu Minh Tuấn vừa bị kết án hồi tháng 1/2021.

    Bên cạnh đó còn có cả những phóng viên đã từng làm việc cho các tờ báo do Nhà nước kiểm soát bị bắt bởi các bài viết chỉ trích lãnh đạo trên trang cá nhân, như ông Nguyễn Hoài Nam vừa bị bắt hôm 3/4 vừa qua, nhà báo Phan Bùi Bảo Thy cùng đồng sự, ông Trương Châu Hữu Danh…

    Trả lời RFA, ông Nguyễn Trường Sơn, người giữ vai trò phụ trách chiến dịch cấp khu vực của văn phòng Ân xá Quốc tế tại Đông Nam Á và Thái Bình Dương, cho biết, có một điểm chung giữa các nhà báo đối lập và những cựu phóng viên của các tờ báo “chính thống” trong nước là những người này đã sử dụng phương tiện mạng xã hội cá nhân của mình để lên tiếng mạnh mẽ cho các vấn đề xã hội. Họ đã gây được những sự chú rất đáng kể từ công chúng. Việc bắt các nhà báo này cho thấy Việt Nam là một nhà nước độc đoán:

    “Công việc của những người này là những nhà báo độc lập hoặc những nhà báo công dân lên tiếng về các vấn đề xã hội. Trước hết, chúng ta thấy rằng tiếng nói của họ đã có được những hiệu quả, cũng như những hiệu ứng nhất định, trong việc phản ánh các vấn đề thời sự mà người dân quan tâm.

    Và việc bắt bớ, bỏ tù những người này chỉ cho thấy rằng Việt Nam là một nhà nước độc đoán, không chấp nhận những tiếng nói độc lập, không chấp nhận những tiếng nói bất đồng với nhà nước. Đó là điểm nổi cộm nhất mà chúng tôi nhận thấy được trong các đợt bắt bớ nhắm tới các nhà báo trong thời gian vừa qua.”

    Đại diện cấp cao của Uỷ ban bảo vệ Ký giả (CPJ) tại khu vực Đông Nam Á, ông Shawn Crispin trả lời RFA qua ứng dụng tin nhắn rằng, CPJ quan ngại về các vụ bắt giữ nhà báo gần đây tại cơ quan truyền thông nhà nước và kêu gọi trả tự do cho họ:

    “Thật đáng lo ngại khi thấy sự sách nhiễu liên tục đối với các nhà báo độc lập, nay mở rộng sang các phóng viên báo chí nhà nước.”

    Theo báo cáo thường niên mới nhất của CPJ công bố hồi tháng 12/2020, Việt Nam đang giam giữ 15 nhà báo độc lập, đứng thứ hai châu Á, chỉ sau Trung Quốc.

    Nhà báo nên được tạo điều kiện để giám sát

    Riêng đối với các trường hợp phóng viên báo chí Nhà nước bị bắt, khi viết về các đề tài chống tham nhũng hay những hành vi sai trái của các quan chức Nhà nước, họ thường đưa ra những bằng chứng, thông tin được xếp vào hàng “mật” mà chỉ có nội bộ Đảng mới biết được. Do vậy, có nhận định của giới quan sát tình hình chính trị Việt Nam rằng đây là cuộc “đấu đá nội bộ” giữa các quan chức Việt Nam.

    Trước nhận định như vậy, ông Nguyễn Trường Sơn cho biết, quan điểm của Ân xá Quốc tế là “không có bất kỳ một sự phân biệt nào” đối với những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí hoặc là những nhà báo công dân sử dụng phương tiện truyền thông cá nhân cho mục đích báo chí:

    “Chúng ta phải nhìn nhận rằng đó là hoạt động báo chí, là một lĩnh vực có tính chất đưa tin đến với đại chúng. Việc các nhà báo người ta lấy được thông tin, nguồn thông tin từ đâu, hoặc là làm cách nào đó để họ lấy được thông tin, thì đó không phải là cái mà chúng tôi khi nhắm vào để đưa ra đánh giá của mình.

    Thay vào đó, chúng tôi chú ý nhiều hơn vào các thông điệp cũng như các quá trình hoạt động nghề nghiệp của họ để đưa ra đánh giá của mình.

    Ví dụ, một nhà báo đưa tin có trung thực hay không. Cái thông tin mà nhà báo đấy đưa ra có mang tính báo chí hay không, có mang tính kích động bạo lực hay không, hay là có mang tính cổ vũ cho sự phân biệt đối xử hay không. Đó mới là việc mà chúng tôi dựa vào để đưa ra các đánh giá của mình. Còn nguồn thông tin của các nhà báo thì chúng tôi không dựa vào đó để đưa ra đánh giá.”

    Ông Shawn Crispin nêu quan điểm của CPJ về vấn đề này như sau:

    “Trong quá khứ, hành vi sách nhiễu như vậy đối với các phóng viên báo Nhà nước là phản ánh sự đấu đá trong nội bộ Đảng Cộng sản, với việc một phe phái tiết lộ cho các phương tiện truyền thông cùng phe với mình về chuyện tham nhũng hoặc tội ác của phe khác, nhằm đạt được lợi thế chính trị. Đặc biệt là trong cuộc chạy đua trước Đại hội Đảng.

    Quan điểm của chúng tôi là không nên sử dụng và lạm dụng các nhà báo trong trò chơi chính trị tồi tệ này. Họ nên được phép đưa tin mà không phải lo sợ bị trả thù.

    Các nhà báo ở Việt Nam nên được phép thực hiện vai trò kiểm tra và cân bằng của mình mà không bị buộc tội chống nhà nước hay bị đe dọa bỏ tù.

    Tình trạng tham nhũng đang tràn lan trong Đảng Cộng sản Việt Nam, như chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã thừa nhận. Các phóng viên nên được phép điều tra và đưa tin về những hành vi sai trái và tham nhũng trong Đảng, bất kể nguồn của thông tin hay nó có dính dáng đến quyền lực của các chính trị gia.”

    Nhà báo Phan Bùi Bảo Thy, Trưởng Văn phòng đại diện báo Giáo dục và Thời đại tại Đà Nẵng

    Ngày 18/2/2021, CPJ lên tiếng kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho nhà báo Phan Bùi Bảo Thy, Trưởng Văn phòng đại diện báo Giáo dục và Thời đại tại Đà Nẵng. Nhà báo Phan Bùi Bảo Thy bị khởi tố và bắt tạm giam để điều tra về hành vi lập Facebook ẩn danh nói xấu lãnh đạo.

    Theo Công an tỉnh Quảng Trị, ông Phan Bùi Bảo Thy và một cộng sự tên Lê Anh Dũng bị bắt vào ngày 10/2/2021 do đã lập ra một số tài khoản Facebook giả rồi đưa lên những bình luận, hình ảnh và video tố cáo lãnh đạo địa phương tham nhũng.

    Ông Nguyễn Hoài Nam, cựu phóng viên báo Pháp Luật, Thanh Niên và VTV vừa bị bắt giam điều tra cũng theo điều 331 BLHS. Ông Nam viết các loạt bài viết về các vụ sai phạm xảy ra tại Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam. Ngoài ra, ông này còn tố cáo '"sự bắt tay" giữa công an và Viện Kiểm sát trong một số vụ án gây tình trạng bỏ lọt tội phạm, mà cụ thể là trong những vụ tiêu cực (tham nhũng) ở Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam.

    Ngày 17/12/2020, Công an tỉnh Cần Thơ bắt nhà báo, Facebooker Trương Châu Hữu Danh, người từng viết cho báo Long An, Nông Thôn Ngày Nay, Lao Động… Ông Danh nổi tiếng là một người chuyên chống BOT “bẩn”, sau này là thành viên sáng lập Báo Sạch và có nhiều bài viết đấu tranh cho sự tự do của tử tù Hồ Duy Hải.

    Tất cả các nhà báo Hữu Danh, Bảo Thy, Anh Dũng và Hoài Nam đều bị khởi tố theo điều 331 Bộ Luật Hình sự, tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, công dân”.

    https://www.rfa.

    Không có nhận xét nào