Tác giả: Bành Kế Siêu (Trung Quốc) | Lược dịch: Nguyễn Hải Hoành
8h20 sáng ngày 17/06/1967, Trung Quốc thử thành công trái bom khinh khí đầu tiên. Bầu trời La Bố Bạc [Lop Nor, một vùng có nhiều hố, hồ muối nhỏ nằm giữa sa mạc Taklamakan và sa mạc Kuruktag ở phía Đông Khu Tự trị Uigur Tân Cương] đồng thời xuất hiện hai vừng “Mặt Trời”, một trong đó còn sáng hơn cả ánh sáng của 1000 Mặt Trời. Nửa đêm hôm ấy, đông đảo dân Bắc Kinh ùa ra đường phố diễu hành chúc mừng vụ thử thành công.
Một tờ báo Anh bình luận: Lại một lần nữa, Trung Quốc làm phương Tây sửng sốt: thời gian thực hiện vụ nổ bom khinh khí đầu tiên rút ngắn được từ 6 đến 12 tháng so với dự kiến, thời gian cần dùng để từ bom nguyên tử tiến đến bom khinh khí ngắn hơn bất cứ cường quốc hạt nhân nào.
Bom khinh khí dùng năng lượng của vụ nổ bom nguyên tử để kích hoạt phản ứng tổng hợp hạt nhân deuteri và triti, phản ứng này giải phóng một năng lượng cực lớn, mạnh hơn bom nguyên tử rất nhiều. Sức nổ của bom nguyên tử tương đương sức nổ vài trăm tới vài chục nghìn tấn thuốc nổ TNT, còn của bom khinh khí thì tương đương vài chục triệu tấn TNT. Năm 1942, các nhà khoa học Mỹ suy đoán năng lượng do vụ nổ bom nguyên tử cung cấp có thể kích hoạt phản ứng tổng hợp hạt nhân, từ đó họ nảy ra ý nghĩ chế tạo một loại siêu bom hạt nhân, mạnh hơn bom nguyên tử. Ngày 1/11/1952, Mỹ thử bom khinh khí đầu tiên trên thế giới, thiết bị thử nghiệm dùng deuteri lỏng, có sức nổ tương đương 10 triệu tấn TNT. Nhưng thiết bị cùng hệ thống làm lạnh deuteri lỏng nặng tới 65 tấn, không thể dùng làm vũ khí. Liên Xô ngày 12/8/1953 tuyên bố thử thành công bom khinh khí, lần đầu tiên dùng lithium deuteride (氘化锂) làm chất nổ hạt nhân, do đó bom có trọng lượng và thể tích nhỏ, có thể dùng máy bay hoặc tên lửa để thả hoặc phóng. Đầu thập niên 1950 và 1960, Mỹ và Liên Xô làm được bom khinh khí có sức nổ vài chục triệu tấn TNT. Cả hai siêu cường đều giữ bí mật loại vũ khí mới này. Mãi đến năm 1979 một người Mỹ đăng bài “Bí mật bom khinh khí”, từ đó người ta mới biết qua về nguyên lý của bom khinh khí.
Nếu trước đây nhờ được chuyên gia Liên Xô giới thiệu mà Trung Quốc có hiểu biết về lý luận thiết kế bom nguyên tử, thì sau này, việc nghiên cứu thiết kế chế tạo bom khinh khí hoàn toàn do Trung Quốc tay trắng tự làm nên.
Câu chuyện Trung Quốc làm bom khinh khí khởi đầu từ một sáng tháng 12/1960, Tiền Tam Cường (Qian San-qiang) Thứ trưởng Bộ Cơ khí số Hai gặp nhà vật lý Hoàng Tổ Hiệp (Huang Zu-qia) và nói: “Hôm nay xin báo anh biết một quyết định quan trọng của Đảng uỷ Bộ ta: Vì để sớm nắm được kỹ thuật làm bom khinh khí, chúng ta phải lập một nhóm lý thuyết hạt nhân nhẹ, nhằm đi trước một bước nghiên cứu nguyên lý tác dụng và các quá trình vật lý, cơ cấu khả thi. Hiện nay ta chỉ có thể dựa vào chính mình! Phải đặc biệt chú ý giữ bí mật.”
Đầu năm 1961, Vu Mẫn (Yu Min) tham gia nhóm này. 10 năm trước, anh đến Viện nghiên cứu năng lượng nguyên tử làm nghiên cứu lý thuyết. Trong 10 năm qua, anh công bố hơn 20 bài viết. Tiền Tam Cường nhận xét Vu Mẫn “đã bù đắp những điểm trắng về lý thuyết hạt nhân nguyên tử của nước ta”. Giờ đây nhóm Vu Mẫn phải bắt đầu từ những nguyên lý vật lý học cơ bản nhất. Phương tiện làm việc của họ chỉ là bàn viết, thước tính và bảng đen. Trong 4 năm, nhóm Hoàng Tổ Hiệp, Vu Mẫn đưa ra được hơn 60 báo cáo kết quả nghiên cứu, giúp cho việc nhận thức sâu sắc nhiều hiện tượng và quy luật của bom khinh khí. Đến 1963, họ đã nhận thức được sự khác nhau rất lớn về kết cấu cũng như về nguyên lý giữa bom khinh khí với bom nguyên tử.
Phó Chủ tịch Viện Khoa học Trung Quốc thời gian 1956-1967 Trương Cân Phu (Zhang Jin-fu) đánh giá: Tiền Tam Cường có tác dụng quan trọng trong việc nghiên cứu làm bom nguyên tử và bom khinh khí. Từ 1960, Tiền Tam Cường đã lãnh đạo nhóm Vật lý Neutron và tổ chức cho Hoàng Tổ Hiệp, Vu Mẫn làm các nghiên cứu cơ bản chuẩn bị cho việc làm bom. Cuối cùng Vu Mẫn đề xuất phương án làm bom khinh khí và qua đó ông đã được khen thưởng lớn. Nhưng nếu không có vai trò tổ chức của Tiền Tam Cường thì không thể làm nhanh như thế.
Sau thành công thử bom nguyên tử, Thủ tướng Chu Ân Lai chỉ thị phải đẩy nhanh tốc độ làm bom khinh khí, yêu cầu đặt nghiên cứu lý luận lên hàng đầu. Tháng 1/1965, Hoàng và Vu, cộng 31 người được điều đến Viện nghiên cứu Vũ khí hạt nhân, hình thành một quả đấm sắt trong nghiên cứu bom khinh khí. Tháng 2, kế hoạch của Bộ Cơ khí số Hai được cấp trên duyệt, ấn định năm 1968 sẽ thử nổ nguyên lý thiết bị bom khinh khí. Mốc thời gian này sau đó lại sửa là tháng 6/1966. Tháng 2/1965, các nhà khoa học Chu Quang Á, Bành Hoàn Vũ (Zhu Guang-ya, Peng Huan-wu) chủ trì, Đặng Giá Tiên, Chu Quang Chiêu (Deng Jia-xian, Zhou Guang-zhao) dự thảo đề án đột phá công tác nghiên cứu nguyên lý bom khinh khí. Tháng 9/1965, nhóm Vu Mẫn đến Viện Tính toán Thượng Hải, hoàn thành tính toán mô hình quy luật đốt nguyên liệu nhiệt hạch, giải quyết được một vấn đề quan trọng. Tháng 12/1965, phương án sử dụng bom nguyên tử kích nổ bom khinh khí do Vu Mẫn đề xuất được xác nhận là khả thi.
Nhưng cuộc “Cách mạng văn hoá” long trời lở đất xảy ra từ năm 1966 đã ảnh hưởng xấu tới công việc của các nhân vật quan trọng trong dự án làm bom khinh khí như Đặng Giá Tiên, Tiền Tam Cường, Vương Kim Xương, Trương Ái Bình, Lưu Kiệt…. Nguyên soái Nhiếp Vinh Trăn phải cho lính canh gác bảo vệ khu nhà ở của họ. Chu Ân Lai chỉ thị không được nêu tên các nhà khoa học lên “Báo chữ to”. Sau khi được Mao Trạch Đông duyệt, Chính phủ nhiều lần chỉ thị phải duy trì công tác nghiên cứu, nhờ thế công việc tại bãi thử hạt nhân về cơ bản được ổn định.
Từ 6/1966, bắt đầu triển khai chuẩn bị thử nguyên lý bom khinh khí. Trong 5 tháng đã hoàn thành 113 công trình, đặt 1.400 km cáp, dựng tháp thử, hoàn tất việc lắp đặt và điều chỉnh thiết bị tại bãi thử. So với thử bom nguyên tử, lần thử này có sức nổ lớn hơn nhiều, điểm nổ thấp, ô nhiễm phóng xạ mặt đất nghiêm trọng. Phải huy động Bộ Y tế và các cơ quan nghiên cứu y học thực hiện bảo đảm ô nhiễm phóng xạ không ảnh hưởng tới sức khoẻ dân cư. Mặt đất trong phạm vi 230 mét cách chân tháp thử (cao 110 m) được đổ xi măng và đá hộc, đạt hiệu quả tương đương nâng cao thêm 60 m cho tháp thử.
Tháng 11, Chu Ân Lai chủ trì cuộc họp của Uỷ ban Chuyên gia Trung ương, đồng ý cuối tháng 12 hoặc đầu tháng 1 năm sau sẽ cho thử nổ nguyên lý bom khinh khí. Ngày 18 và 20/12, tiến hành diễn tập. Ngày 21, thiết bị bom khinh khí được máy bay chở đến. Nhưng thời tiết bỗng trở nên xấu. Chiều 26/12, bom được lắp lên tháp thử. Buổi tối, khi phát hiện có luồng không khí lạnh di chuyển từ Tây sang Đông, Phòng Khí tượng dự báo trưa 28 thời tiết sẽ tốt lên. Ngày 27, Nhiếp Vinh Trăn bay đến bãi thử hạt nhân Mã Lan, chủ trì họp, quyết định thời điểm nổ là 12 h trưa ngày 28/12/1966. Chu Ân Lai duyệt quyết định này. Tối 27 bắt đầu công đoạn lắp ngòi nổ cho bom khinh khí. Cán bộ kỹ thuật trẻ Mã Quốc Huệ (Ma Guo-hui) là một trong 4 người đã 20 ngày đêm trực trong cabin lắp trên tháp, ca trực lâu nhất đến 20 tiếng đồng hồ. Trời lạnh âm 20 độ.
Sáng 28/12/1966, Nhiếp Nguyên soái đến bãi thử. Đúng 12 giờ, thiết bị bom khinh khí phát nổ. Cùng với tia chớp sáng loé, một đám mây hình nấm bốc lên trời, kèm theo tiếng nổ như sét đánh. Vu Mẫn sau này kể lại: Nhìn thấy đám mây hình nấm, biết là vụ nổ có sức nổ mạnh, nhưng tôi vẫn còn lo. Khi đọc báo cáo, chúng tôi đã không tìm ra sai sót nào.
Vụ nổ được đánh giá có uy lực tương đương 122 nghìn tấn TNT. Thử nghiệm nguyên lý bom khinh khí thành công mỹ mãn. Tối hôm đó, Chu Ân Lai bày tiệc rượu mời Lưu Kiệt, Lưu Tây Nghiêu, Tiền Tam Cường đến Tây Hoa Sảnh nghe báo cáo và chúc mừng thử nghiệm thành công.
Chiều 28, Nguyên soái Nhiếp đáp máy bay bay 2 vòng ở độ cao 1200 m xung quanh trung tâm vụ nổ, quan sát cái xác của tháp thử và tình trạng các vật thể dùng để đánh giá hiệu quả vụ nổ. Hai ngày tiếp theo, ông chủ trì họp bàn về thử nghiệm này. Mọi phát biểu đều nhất trí đánh giá các tính toán lý thuyết phù hợp với kết quả thử nghiệm. Hội nghị quyết định trước tháng 10/1967 sẽ dùng máy bay thử nổ một trái bom khinh khí mạnh cỡ 2 triệu tấn TNT.
Nhiếp Vinh Trăn về Bắc Kinh báo cáo kiến nghị nói trên lên Uỷ ban Chuyên gia trung ương. Cuối cùng thời điểm dùng máy bay thử bom khinh khí được ấn định là trước ngày 1/7/1967.
Máy bay ném bom loại “Hong-6A” được chọn làm phương tiện chuyên chở, dùng dù treo bom rồi thả từ máy bay xuống, cho nổ ở độ cao 3000 m. Bom có uy lực từ 1,5 đến 3 triệu tấn TNT. Vì bom có sức nổ lớn, lại nổ ở vị trí rất cao, nên phải lo bảo đảm an toàn cho người trên máy bay và người dưới mặt đất. Song song với việc chế tạo dù và vỏ bom, đã cho cải tạo 2 máy bay Hong-6A, lắp giá mang bom lên máy bay, và tiến hành tính toán làm luận chứng bảo đảm an toàn căn cứ theo độ cao, vận tốc của máy bay, điều kiện thả bom và độ cao của điểm nổ. Từ 15/3 đến 3/4, đã giám định dù đeo bom và cho thử bay. Ngoài ra đã xây dựng thêm 327 công trình bổ sung và sử dụng 493 thiết bị đo để thực hiện hơn 30 hạng mục đo thử. Do bom khinh khí có sức nổ mạnh nên cự ly điều khiển và đo đạc cũng tăng lên, hệ thống điều khiển cũ không đáp ứng nhu cầu mới, phải nghiên cứu lập một hệ thống mới. Việc này đòi hỏi 2,5 tháng. Dự kiến đám mây khói hình nấm hình thành khi nổ sẽ có thể lan tới hơn 10 tỉnh của Trung Quốc. Cũng đề ra yêu cầu không được để đám mây đó lan tới các nước xung quanh. Vì vậy, cơ quan khí tượng phải dự báo được thời tiết dài hạn của tháng 6/1967, dự báo thời điểm có thời tiết thích hợp. Căn cứ địa thử nghiệm phải biên soạn các quy định bảo đảm an toàn và biện pháp xử lý khi có tình huống bất trắc, và cử người tới các điểm dân cư tổ chức công tác phòng vệ, cử các đội y tế trực sẵn đề phòng tình hình bất ngờ. Ngoài ra phải chuẩn bị sẵn toa xe lửa và ô tô sẵn sàng sơ tán dân khi cần.
Ngày 9/5. Chu Ân Lai chủ trì họp kiểm tra công tác chuẩn bị thử bom. Tính đến ngày 10/6, hai tổ lái của Từ Khắc Giang và Trương Văn Đức đã bay thử 35 lần, ném bom thử 35 lần, đạt yêu cầu điểm nổ bom ở trong phạm vi 500 mét cách tâm điểm quy định. Ngày 8/6, trái bom khinh khí lắp ráp xong được chở đến căn cứ địa. Ngày 12/6, Chu Ân Lai họp với Lý Phú Xuân, Diệp Kiếm Anh và Nhiếp Vinh Trăn, nghe báo cáo tình hình chuẩn bị thử bom.
Ngày 13, tiến hành diễn tập toàn diện. Máy bay thử thả một trái bom không chứa chất nổ.
Ngày 14, Nguyên soái Nhiếp Vinh Trăn từ Bắc Kinh bay đến căn cứ thử nghiệm, một lần nữa tự kiểm tra các khâu chuẩn bị, từ chiếc dù thả bom trở đi. Ngày 16, ông đồng ý kiến nghị của Sở Chỉ huy: ấn định giờ “zero” chính thức thử bom là đúng 8h sáng ngày 17.
Sáng sớm hôm sau, Nhiếp Vinh Trăn đến Sở Chỉ huy đóng cách tâm điểm vụ nổ 55 km về phía Tây. Thời tiết tốt, trời hửng. Một máy bay Hong-6A đỗ trên sân bay Mã Lan. Đích thân Chỉ huy sân bay dẫn cán bộ chiến sĩ đứng gác xung quanh sân bay. 7h, tổ lái Từ Khắc Giang (Xu Ke-jiang) lái máy bay Hong-6A mang số hiệu 726 cất cánh.
Đúng 8h, máy bay đến khu vực thả bom. Cán bộ chỉ huy dõng dạc ra lệnh: “5, 4, 3, 2, 1, nổ”. Nhưng nửa phút sau vẫn chưa nghe thấy tiếng nổ. Máy bay vẫn đang lượn. Sau này, chiến sĩ phụ trách thả bom Tôn Phúc Trường kể lại: lúc đó do căng thẳng quá, anh quên ấn nút tự động thả bom, cho nên bom không được thả xuống đúng 8h. Chu Ân Lai nghe điện thoại báo cáo biết chuyện ấy lập tức chỉ thị Sở chỉ huy: “Bảo tổ lái phải bình tĩnh, không được căng thẳng!”.
Sau một vòng lượn, cơ trưởng Từ Khắc Giang ra lệnh thả bom. 8h 20, trên bầu trời bãi thử xuất hiện một hình viên trụ màu trắng. Từ chiếc máy bay đang lao đi với tốc độ cao, trái bom khinh khí đầu tiên của Trung Quốc được thả xuống, kéo theo chiếc dù phấp phới. Vật thể ấy mỗi lúc một xa máy bay, cho tới khi chỉ còn là một chấm trắng nhỏ thì bỗng dưng một luồng chớp loé lên làm cả bầu trời rực sáng. Tiếp đó xuất hiện ánh sáng màu vàng như vừng Mặt Trời. Phía trên quả cầu lửa dần dần xuất hiện đám mây trắng hình chiếc mũ cói. Đám mây này chuyển động, biến thành hình chiếc nấm màu trắng rộng mấy chục km, đỉnh nấm đen sẫm…… Sóng nổ bị khí quyển phản xạ xuống mặt đất, hình thành sóng xung kích. Cách vùng nổ 400 km còn nghe thấy tiếng nổ liên tục dội đến. Cách 250 km về phía Tây còn nhìn thấy quả cầu lửa và mây hình nấm. Tại nơi cách 420 km còn nhìn thấy quả cầu lửa, cửa sổ các nhà rung bần bật……
Clip vụ nổ. Nguồn: Youtube
Cho tới nay mọi người vẫn ca ngợi cơ trưởng Từ Khắc Giang là anh hùng, nhưng anh không đồng ý. Suốt đời anh ân hận vì đã để máy bay lượn thêm một vòng rồi mới thả bom.
Từ nổ bom nguyên tử cho tới nổ bom khinh khí, nước Mỹ cần 7 năm 3 tháng, Liên Xô cần 4 năm, Anh cần 4 năm 7 tháng, Trung Quốc chỉ cần 2 năm 8 tháng (16/10/1964 — 17/6/1967). Trong lần thử nổ nguyên lý bom khinh khí năm 1952, thiết bị nổ của Mỹ nặng 65 tấn, cao bằng toà nhà 3 tầng. Trái bom khinh khí Liên Xô năm 1953 do máy bay thả có sức nổ tương đương 400 nghìn tấn TNT. Trái bom khinh khí Trung Quốc do máy bay thả ngày 17/6/1967 có thể tích nhỏ hơn, trọng lượng nhẹ hơn nhưng sức nổ mạnh tới cỡ triệu tấn TNT.
Ngày 29/7/1996, sau khi thử hạt nhân dưới đất, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố: Từ vụ thử hạt nhân đầu tiên ngày 16/10/1964 , sau hơn 30 năm nỗ lực, Trung Quốc đã xây dựng được một lực lượng tự vệ hạt nhân tài giỏi, hữu hiệu; kể từ 30/7/1996, Trung Quốc tạm dừng thử hạt nhân.
Nguyễn Hải Hoành lược dịch từ nguồn tiếng Trung 彭继超:中国第一颗氢弹的研发与爆炸
http://nghiencuuquocte.org/2021/03/30/dang-sau-vu-thu-thanh-cong-bom-khinh-khi-lan-dau-cua-trung-quoc/#more-39493
Không có nhận xét nào