Hôm chín tháng Ba năm 2021, phiên tòa phúc thẩm đã tuyên y án sáu người có kháng cáo các bản án sơ thẩm, trong vụ lực lượng chức năng tấn công vào làng Đồng Tâm hôm chín tháng Một năm 2020. Sau phiên phúc thẩm, các luật sư và những người dân quan tâm bày tỏ sự thất vọng trên các trang mạng xã hội.
Y án vụ Đồng Tâm: Chính quyền coi dân là ‘thế lực thù địch’? |
Luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho hai trong số sáu bị cáo kháng án, viết trên Facebook cá nhân của mình dòng trạng thái: “Cơ hội để hóa giải bất thành. Mối hận sẽ đi vào thiên sử.”
Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc chia sẻ suy nghĩ của mình với RFA qua ứng dụng Facebook Messenger ngay sau phiên phúc thẩm:
“Vụ án Đồng Tâm là vụ án khó, vụ án buồn, vụ án nhức nhối, vụ án thách thức lương tri, vụ án làm đau lòng nhiều người, vụ án đánh vào người nông dân giữ đất, vụ án oan của dân oan...
Kết quả phiên toà phúc thẩm bác kháng cáo của sáu bị cáo, không chấp nhận các luận cứ bào chữa của 14 luật sư bào chữa, giữ y bản án sơ thẩm, tuyên hai anh em ruột Lê Đình Công, Lê Đình Chức án tử hình, con trai của ông Công là Lê Đình Doanh chung thân, 16 năm tù với cụ Bùi Viết Hiểu, 13 năm tù cho Nguyễn Quốc Tiến về tội “Giết người” và sáu năm tù cho bà Bùi Thị Nối về tội “Chống người thi hành công vụ”.
Những vi phạm về thủ tục tố tụng một cách rõ ràng và nghiêm trọng cùng những điểm mờ của vụ án vẫn bỏ ngỏ, đáng nói nhất là nghi vấn về nguyên nhân tử vong của ba viên sỹ quan Cảnh sát, cùng hiện trường vụ án vẫn không được làm rõ, Kế hoạch 419A của Công an thành phố Hà Nội vẫn nằm trong vòng bí mật…”
Tại phiên sơ thẩm diễn ra vào tháng 9 năm 2020, tòa tuyên án tử hình đối với hai bị cáo Lê Đình Chức và Lê Đình Công về tội Giết người với cáo buộc họ "chủ mưu, cầm đầu vụ giết người"; án chung thân cho bị cáo Lê Đình Doanh; 16 năm tù cho bị cáo Bùi Viết Hiểu; 13 năm tù cho bị cáo Nguyễn Quốc Tiến; 12 năm tù cho bị cáo Nguyễn Văn Tuyển. Những người này đều bị kết tội Giết người. Tổng cộng 71 năm 3 tháng tù cho 23 bị cáo khác với cáo buộc tội Chống người thi hành công vụ.
Theo cáo trạng, mặc dù biết rõ đất cánh đồng Sênh, xã Đồng Tâm là đất quốc phòng đã được Thanh tra thành phố Hà Nội và Thanh tra Chính phủ kết luận, nhưng từ năm 2013, ông Lê Đình Kình đã cùng các ông Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển đã thành lập “Tổ đồng thuận” với mục đích chiếm lại đất đồng Sênh chia nhau. Rạng sáng ngày chín tháng Một năm 2020, khi lực lượng công an đến chốt cổng làng thôn Hoành, xã Đồng Tâm để bảo vệ mục tiêu theo kế hoạch đã đề ra thì ông Lê Đình Chức đẩy ba công an xuống hố và ông Lê Đình Doanh châm lửa đốt chậu xăng bưng hất xuống hố…Vào lúc đó, tổ công tác phát hiện thấy ông Lê Đình Kình đang cầm một quả lựu đạn và hô hào chống đối nên đã bắn tiêu diệt.
Trong khi đó, theo người dân Đồng Tâm thì rạng sáng hôm đó, chính quyền Hà Nội đã huy động hàng ngàn quân có trang bị vũ khí và chó nghiệp vụ đến thôn Hoành, xã Đồng Tâm để bắt giữ những người dân phản đối việc cưỡng chế đất nông nghiệp ở khu đồng Sênh. Họ giết chết ông Lê Đình Kình và bắt đi 29 người dân.
Luật sư Lê Quốc Quân, người không tham gia bào chữa trong vụ án nhưng rất quan tâm tới vụ án, nêu quan điểm của ông với RFA vào tối ngày chín tháng Ba năm 2021:
“Tôi không ngạc nhiên việc y án. Tuy nhiên, ngay từ khi sơ thẩm, tôi đã thấy đó là một bản án phi nhân và bất công. Theo tôi thì bản án nó không phản ánh đúng bản chất của sự việc. Các luật sư đã phân tích có hàng loạt sai phạm trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử. Tôi rất buồn khi được biết tòa y án sơ thẩm.
Tôi có nghĩ vẫn y án khi anh Công kháng cáo kêu oan. Tuy nhiên khi nghe toà "khuyên nhủ" để anh Công kháng cáo "xin giảm hình phạt" thì cũng hy vọng, nhưng tất cả đều bị lừa, tôi cũng đã rất ngây thơ khi tin họ còn chút nhân tính. Nhưng tất cả, kể cả các luật sư, cũng bị lừa.”
Theo những người quan tâm vụ án thì một phiên tòa sơ thẩm với 29 bị cáo, có đề nghị mức án cao nhất là tử hình, mà lại kết thúc chỉ sau bốn ngày xét xử là quá nhanh. Còn với phiên phúc thẩm, sáu bị cáo với hai án tử hình cũng chỉ diễn ra trong hai ngày rồi tuyên y án thì không bao giờ là đầy đủ. Cả hai phiên tòa bị dư luận cho là mọi quyết định đã nằm trong túi của chủ toạ phiên toà, họ hành động theo lệnh của đảng đã được bàn bạc và quyết định từ trước.
Vì sao chính quyền hành xử như vậy?
Theo nhiều chuyên gia trong lãnh vực pháp lý, Luật Đất đai hiện hành ở Việt Nam là nguyên nhân khiến cho “Việt Nam trở thành cường quốc dân oan” với bao thân phận người dân mất đất. Họ phải đấu tranh giành lại tài sản của mình dẫn đến hậu quả là những năm tháng tù tội. Chỉ khi nào Luật Đất đai được chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn của xã hội thì những bản án oan khiên về đất đai mới chấm dứt.
Với vụ án Đồng Tâm, Luật sư Ngô Anh Tuấn chia sẻ với RFA rằng, là người gắn bó với thân chủ và thân nhân của họ từ những ngày đầu, ông rất buồn khi kết quả phiên phúc thẩm diễn ra như vậy, dù ông không thấy bất ngờ. Ông nói thêm:
“Thực tế họ áp dụng một số những tình tiết giảm nhẹ mà các luật sư đồng nghiệp của chúng tôi nêu ra, nhưng mà họ lại y án toàn bộ các bản án. Tôi không hiểu họ suy nghĩ gì, hành động gì và thị uy với ai. Với những người dân ở đây thì tính phản kháng của họ rơi về trạng thái thậm chí là âm rồi. Thế thì họ thị uy với ai, đe nẹt ai mà phải giữ một cái bản án kinh khủng đến mức như vậy. Tử hình hai người con còn lại của cụ Kình.
Tôi nghĩ họ làm như thế thì chỉ gây thêm cơn hận thù cho những người còn lại trong gia đình họ mà thôi, chứ không phải xoa dịu lại nỗi đau của gia đình những người đã chết. Nguyên nhân những cái chết đó cũng đang rất mù mờ, chưa được làm rõ, và họ cũng không muốn làm rõ.
Họ muốn gửi thông điệp gì đến người dân? Hay họ nghĩ dân là thế lực thù địch chứ không phải là những người chủ của đất nước này. Tôi thấy rất bi quan về cái suy nghĩ của những người ở mức thượng tầng.”
Trước đó, tại phiên sơ thẩm, những người quan tâm đã phẫn nộ đối với những mức án được đề nghị. Lý do theo họ là có vô số vi phạm từ phía cơ quan chức năng trong vụ này.
Về phương diện điều tra, việc Bộ Công an vừa là cơ quan tổ chức tập kích vào Đồng Tâm, vừa là cơ quan điều tra bị cho là không thể khách quan. Các cơ quan điều tra, tố tụng đã cản trở các luật sư tiếp cận hồ sơ, cản trở việc tiếp xúc của luật sư với các bị can. Sau khi luật sư tiếp cận được thân chủ Bùi Viết Hiểu trong trại giam trước ngày ra tòa, chính ông này cho biết bản thân là người chứng kiến cảnh ông Lê Đình Kình bị bắn trực diện. Thông tin này hoàn toàn trái ngược với cáo trạng. Các luật sư tham gia bào chữa rồi đến các tổ chức xã hội dân sự có kiến nghị yêu cầu dừng xét xử, tiến hành điều tra lại và bảo vệ người khai báo như ông Bùi Viết Hiểu.
Ông Võ Minh Đức, cựu đại úy quân đội, bày tỏ suy nghĩ của ông về những bản án ông cho là quá nặng và vô lý trong vụ án Đồng Tâm:
“Họ cố tình tiêu diệt cái phản kháng của người dân, mà cụ thể ở đây là những người nông dân phản kháng lại việc chính quyền lấy đất của họ. Lúc đầu là cụ Lê Đình Kình, sau đó là những người con của cụ bị tuyên án tử hình. Các cháu thì bị tù. Có thể nói là ba đời luôn rồi.
Vấn đề thứ hai là việc hành xử vô luân, vô pháp trong vụ án này. Rất nhiều những trí thức, những người bất đồng chính kiến, những luật sư thượng tôn pháp luật đều cho rằng đây là một vụ án oan, những bản án bất công. Thế nhưng nhà nước này vẫn bất chấp, không lắng nghe ai với mục đích cuối cùng là dập tắt tiếng nói phản kháng của người dân.”
Là một người từng được huấn luyện trong việc tuyên truyền các chính sách của Nhà nước, ông Minh Đức vẫn tin rằng chính quyền chỉ dám tuyên án chứ không dám thi hành hai bản án tử hình với hai người con của cụ Kình. Ông lý giải:
“Tôi tin vậy vì hiện nay vụ án này không còn mang tính ‘nội bộ’ ở Việt Nam mà nó mang tính quốc tế về nhân quyền, pháp lý cũng như về mặt pháp luật là họ đàn áp người dân. Tôi nghĩ một ngày nào đó họ sẽ tìm cách gọi là sửa sai để xoa diu dư luận và quốc tế. Có điều mình không dự đoán được cách họ làm mà thôi.”
Ngày 10 tháng Một năm 2020, tức chỉ một ngày sau khi ba công an tử vong khi đột kích vào làng Đồng Tâm, Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký quyết định truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhất cho ba viên chức công an này. Lý do để trao huân chương được nói là ba người đã lập chiến công đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
https://www.rfa
Không có nhận xét nào