Ảnh ghép : Dơi thuộc loài Rhinolophus shameli, lối vào hang nơi có một bầy dơi đông đúc sinh sống gần khu vực khảo sát của đoàn chuyên gia Pháp năm 2010 tại Cam Bốt. Ảnh chụp lại màn hình của Viện Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Pháp (MNHN). © MNHN / Alexandre Hassanin
Hai mươi bốn nhà nghiên cứu quốc tế kêu gọi mở một cuộc điều tra độc lập, sâu rộng hơn về nguồn gốc SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19, xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc. Trong bức thư ngỏ ngày 04/03/2021, họ cũng lên án « những hạn chế cơ cấu » mà chính quyền Bắc Kinh cố tình áp đặt cho chuyến công tác của nhóm chuyên gia Tổ Chức Y Tế Thế Giới.
Trung Quốc vẫn khăng khăng chỉ là một nạn nhân của SARS-CoV-2. Một trong những đường lây nhiễm được Bắc Kinh kiên quyết bảo vệ là dây chuyền nhập khẩu sản phẩm đông lạnh. Tuy nhiên, một phát hiện gần đây của các nhà khoa học Pháp cho thấy nhiều virus corona gần giống với chủng SARS-CoV-2 đã có trong loài dơi ở Cam Bốt cách đây hơn 10 năm và đã lan sang Trung Quốc.
Kết quả nghiên cứu được phó giáo sư Alexandre Hassanin, đại học Sorbonne và Viện Hệ thống, Tiến hóa, Đa dạng sinh học (ISYEB) thuộc Viện Bảo tàng Quốc gia Lịch sử Tự nhiên Pháp (Muséum national d’Histoire naturelle, MNHN), đăng trong bài phân tích (Il y a 10 ans, un virus proche du SARS-CoV-2 circulait déjà au Cambodge) trên trang The Conversation ngày 02/02/2021. RFI Tiếng Việt xin giới thiệu bài viết dưới dạng hỏi đáp :
1. Các nhà nghiên cứu Pháp tiến hành khảo sát vào lúc nào và ở đâu ?
Một nhóm nghiên cứu của Viện ISYEB đến Cam Bốt vào tháng 11-12/2010 theo lời mời của Unesco và chính quyền Phnom Penh. Họ khảo sát khu vực đền Preah Vihear, phía bắc Cam Bốt, để xác định rõ hơn sự đa dạng sinh học của các loài dơi trong vùng và đã thu thập được nhiều dữ liệu liên quan đến một số lượng lớn loài dơi, trong đó có 8 loài thuộc chi Rhinolophus (Dơi lá mũi / dơi móng ngựa).
Dơi lá mũi Rhinolophus hiện rất được giới chuyên gia hết sức quan tâm vì đây là kho chứa Sarbecovirus, trong đó có virus SARS-CoV gây dịch SRAS năm 2002-2004 và SARS-CoV-2 (Severe Acute Respiratory Syndrome Coronavirus 2) gây đại dịch Covid-19 hiện nay.
2. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra điều gì ?
Vào thời điểm đó, nhóm nghiên cứu của Viện ISYEB đã kết hợp với Viện Pasteur ở Cam Bốt để nghiên cứu virus trong những con dơi bị bắt. Những mẫu này được bảo quản ở nhiệt độ -80° trong suốt 10 năm và vừa mới được Viện Pasteur Cam Bốt thử nghiệm để phát hiện các Sarbecovirus.
Kết quả là họ đã phát hiện ra hai mẫu dương tính với xét nghiệm PCR (dùng để xét nghiệm Covid-19 hiện nay). Sau đó, hai mẫu này được gửi đến Viện Pasteur ở Paris để giải trình tự gen hoàn chỉnh. Nhờ đó, các nhà khoa học Pháp đã có thể mô tả được hai biến thể của một loại virus mới giống với SARS-CoV-2 tìm thấy trong hai con dơi lá mũi Rhinolophus shameli bắt được vào năm 2010 trong một hang ở tỉnh Steung Treng. Họ lần lượt đặt tên cho hai biến thể này là « RshSTT182 » và « RshSTT200 », trong đó « Rsh » để chỉ loài dơi, còn « STT » là tên tỉnh.
3. Phát hiện này có ý nghĩa như thế nào ?
Phát hiện này mang ý nghĩa quan trọng, vì đây là loại virus đầu tiên gần với SARS-CoV-2 được tìm thấy ở bên ngoài Trung Quốc. Thực ra, tất cả những virus miêu tả ở trên từng được phát hiện ở nhiều động vật thu bắt được ở Trung Quốc.
Trước tiên là hai loại virus, RaTG13 (96% giống với SARS-CoV-2) và RmYN02 (94%), được lần lượt phát hiện ở hai loài dơi lá đuôi (Rhinolophus affinis) và dơi lá mũi phẳng (dơi lá Mã Lai, Rhinolophus malayanus), bắt được trong nhiều hang động ở tỉnh Vân Nam, miền nam Trung Quốc. Ngoài ra, còn có hai virus khác hơn (90% và 85% giống với SARS-CoV-2) cũng được phát hiện trong những con tê tê Java (Manis javanica) mà hải quan Trung Quốc thu giữ ở tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây.
Nhà nghiên cứu Pháp lưu ý là dơi lá mũi Rhinolophus shameli là loài dơi điển hình Đông Nam Á. Điều này cho thấy virus giống với SARS-CoV-2 đã lưu chuyển từ nhiều chục năm qua ở Đông Nam Á và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) qua việc những con dơi lá mũi Rhinolophus lây virus cho nhau ở trong hang. Những dữ liệu mới cũng xác nhận giả thuyết là những loại virus gần với SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 có nhiều hơn ở Đông Nam Á, còn những virus gần với SARS-CoV gây bệnh SRAS thì phát triển ở Trung Quốc.
Cần nhắc lại rằng từ khoảng 15 năm nay, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã đến khảo sát tại rất nhiều tỉnh trong nước để tìm ra những Sarbecovirus mới. Khoảng 100 loại virus thuộc nhóm SARS-CoV được phát hiện, trong khi chỉ có hai loại thuộc SARS-CoV-2 tìm thấy ở tỉnh Vân Nam, như nêu ở trên. Đây là tỉnh nằm gần các nước Đông Nam Á nhất.
Bốn nước Cam Bốt, Lào, Thái Lan và Việt Nam ít bị dịch Covid-19 tác động hơn so với các nước khác trong vùng, như Bangladesh, Miến Điện, Malaysia, Philippines và Indonesia. Phải chăng người dân của bốn nước trên, nơi sinh sống phổ biến của loài dơi lá mũi Rhinolophus shameli, đã có miễn dịch cộng đồng tốt hơn đối với Sarbecovirus ?
4. SARS-CoV-2 từ Đông Nam Á đến Trung Quốc bằng đường nào ?
Nhà nghiên cứu Pháp nhắc lại khả năng con tê tê là vật chủ chung gian truyền SARS-CoV-2 vào Trung Quốc, dù trước đó có nhiều ý kiến bác giả thuyết này.
Tê tê Java là loài động vật hoang dã duy nhất không thuộc bộ dơi được phát hiện có virus gần giống với SARS-CoV-2. Vấn đề ở chỗ bối cảnh của những phát hiện này tương đối đặc biệt : Hải quan Trung Quốc đã thu giữ rất nhiều con tê tê bị bệnh vào năm 2017-2018 ở tỉnh Quảng Tây và năm 2019 ở tỉnh Quảng Đông. Dù hai virus được giải trình tự gen không giống hẳn với SARS-CoV-2 (85% và 90%), điều này cho thấy là có ít nhất hai loại Sarbecovirus đã nhập vào Trung Quốc trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Một điều đáng lưu ý khác là hầu hết những con tê tê bị hải quan Trung Quốc bắt giữ đều rất ốm yếu, trong đó có lý do Sarbecovirus sinh sôi ở trong phổi. Do đó, những con vật này có tải lượng virus lớn trong cơ thể và rất dễ lây lan. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy những con tê tê có nguồn gốc địa lý khác nhau ở Đông Nam Á đã lây nhiễm chéo cho nhau trên lãnh thổ Trung Quốc khi chúng bị nhốt chung. Từ đó dẫn đến một câu hỏi : Liệu trong số đó, có con nào bị nhiễm virus trước đó từ dơi hay không, trong môi trường sống tự nhiên, trước khi bị bắt ?
Việc phát hiện một virus gần giống với SARS-CoV-2 ở loài dơi ở Cam Bốt đã giúp làm sáng tỏ giả thuyết này, bởi vì dơi lá mũi Rhinolophus và tê tê có thể đã sống chung với nhau trong các hang động ở Đông Nam Á. Điều này cũng củng cố đáng kể cho giả thuyết nạn buôn bán tê tê là nguyên nhân dẫn đến việc đưa virus thuộc nhóm SARS-CoV-2 vào Trung Quốc.
5. SARS-CoV-2 lây sang người bằng cách nào ?
Hiện chưa có đủ bằng chứng dữ liệu cho thấy loài động vật nào là vật chủ trung gian lây trực tiếp virus SARS-CoV-2 cho con người. Tuy nhiên, sau chuyến khảo sát ở Trung Quốc, đoàn chuyên gia của Tổ Chức Y Tế Thế Giới cho rằng loài chồn Melogale và thỏ có thể là động vật lây nhiễm SARS-CoV-2 sang người. Cả hai loài động vật này được bán ở chợ hải sản Hoa Nam ở thành phố Vũ Hán, nơi khởi phát đại dịch Covid-19.
Trở lại ví dụ những con tê tê bị nhiễm virus gần giống với SARS-CoV-2 bị hải quan Trung Quốc thu bắt năm 2017-2018 và 2019 được nêu ở trên, có nhiều khả năng là có những con tê tê bị nhiễm những dòng virus khác đã di chuyển trên lãnh thổ Trung Quốc trong những năm gần đây do hoạt động buôn bán bất hợp pháp số lượng lớn động vật sống hoang dã. Có thể chúng đã bị nhốt chung trong lồng với những động vật nhỏ khác. Bị nhiễm virus, những con vật này lại lây cho đồng loại được nuôi trong những trang trại lớn. Hiệu ứng “quả cầu tuyết” có thể là bước cuối cùng của nguồn gốc đại dịch Covid-19. Ví dụ về loài chồn và chó gấu trúc được nuôi lấy lông ở Trung Quốc từng bị nhiễm rất nhiều loại virus đường hô hấp trong những năm gần đây có thể minh họa cho giả thuyết trên.
Nhà nghiên cứu Pháp hy vọng là các đồng nghiệp Trung Quốc lấy các mẫu ra khỏi tủ đông để nghiên cứu về khả năng lây nhiễm của Sarbecovirus. Điều này có thể rất hữu ích để hiểu rõ thêm về nguyên nhân vì sao các đại dịch lại bắt đầu ở Trung Quốc chứ không phải ở nơi nào khác.
https://www.rfi.fr/vi/khoa-h%E1%BB%8Dc/20210305-sars-cov-2-xuat-hien-o-dong-nam-a-10-nam-truoc
Không có nhận xét nào