Tổng thống Miến Điện Htin Kyaw (P) tiếp tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (T) tại phủ tổng thống ở Naypyidaw, Miến Điện, ngày 24/08/2017. AP - Aung Shine Oo
Hơn 200 doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư, kinh doanh tại Miến Điện, trong đó có những tập đoàn lớn như Viettel, Vietnam Airlines, Hoàng Anh Gia Lai, ngân hàng BIDV... với tổng đầu tư đạt hơn 2,2 tỉ đô la theo số liệu năm 2019. Miến Điện là một thị trường mới, đầy tiềm năng, nên các nhà đầu tư cần phải « bền chí » để gặt hái thành quả trong tương lai, theo phát biểu của phó thủ tướng Vương Đình Huệ trong chuyến công du tháng 06/2019.
Sự kiện quân đội Miến Điện đảo chính ngày 01/02/2021 khiến Việt Nam cũng như thế giới bất ngờ, vì ngày 04/01, nhân ngày Lễ Độc Lập của Miến Điện, chủ tịch nước kiêm tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn gửi lời chúc mừng lần lượt đến tổng thống Win Myint và cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi.
Như nhiều nước khác đầu tư vào Miến Điện, Việt Nam sẽ phản đối việc dùng bạo lực để giải quyết khủng hoảng chính trị, vì cần phải bảo vệ hoạt động kinh tế, cũng như những dự án đầu tư tại nước này. Trên đây là nhận định của nhà nghiên cứu Claire Trần, giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đương đại (Irasec) tại Bangkok, Thái Lan, khi trả lời RFI Tiếng Việt ngày 27/02/2021.
*****
RFI : Việt Nam là một trong số 10 nhà đầu tư lớn nhất tại Miến Điện. Các doanh nghiệp Việt Nam có mối quan hệ như nào với tập đoàn quân sự và chính phủ dân sự Miến Điện ?
Claire Trần : Tôi muốn đặt mối quan hệ của các doanh nghiệp Việt Nam với tập đoàn quân sự và chính phủ dân sự trong khuôn khổ mối quan hệ song phương.
Từ nhiều năm nay, Việt Nam được coi là một mô hình cải cách, phát triển và hội nhập quốc tế cho Miến Điện. Hà Nội đã thúc đẩy mối quan hệ với Naypyidaw, nhất là từ chuyến thăm Miến Điện của ông Nguyễn Phú Trọng vào tháng 08/2017. Vào thời điểm đó, một thỏa thuận Đối tác hợp tác toàn diện đã được ký kết. Mục tiêu là gia tăng trao đổi thương mại và đầu tư của Việt Nam vào Miến Điện. Hai năm sau, vào tháng 04/2019, bà Aung San Suu Kyi đã có chuyến công du chính thức đầu tiên đến Việt Nam. Bà đã gặp chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Miến Điện và đại diện các doanh nghiệp hoạt động ở Miến Điện.
Tôi nêu một ví dụ cho thấy mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và tập đoàn quân sự, đó là trường hợp tổng công ty viễn thông Viettel, một nhà đầu tư lớn vào Miến Điện, kiểm soát 49% cổ phần của Mytel. Đây là một công ty liên doanh giữa quân đội Miến Điện và quân đội Việt Nam. Mytel là nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động được thành lập gần đây nhất, vào năm 2017 và hiện có 10 triệu thuê bao tại quốc gia có 54 triệu dân này. Dường như cuộc gọi đầu tiên kết nối mạng Mytel là cuộc gọi giữa thống tướng Aung Min Hlaing, tổng tư lệnh quân đội Miến Điện, với bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch. Điều này cho thấy tầm quan trọng của mối quan hệ giữa quân đội hai nước.
Ngoài ra, Viettel được cho là cung cấp cho quân đội Miến Điện nhiều nguồn tài chính ngoài ngân sách, nên họ bị tố cáo tham nhũng. Trước đây, đã từng có nhiều chiến dịch tẩy chay Mytel. Nhà cung cấp viễn thông này còn bị cáo buộc là chuyển thông tin và dữ liệu cá nhân của khách hàng cho quân đội Miến Điện.
Tóm lại, mối quan hệ diễn ra tốt đẹp, thậm chí còn là rất tốt, đối với một số công ty. Có thể nói là Việt Nam tỏ ra thận trọng về cuộc đảo chính ở Miến Điện, nhưng sẽ thử mọi cách trong nội bộ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để không cô lập tập đoàn quân sự, cũng như để có thể tiếp tục hoạt động kinh doanh và tránh để Miến Điện ngả thêm vào vòng tay của Trung Quốc.
RFI : Các doanh nghiệp Việt Nam chiếm thị phần như thế nào tại Miến Điện ?
Claire Trần : Trao đổi thương mại giữa Miến Điện và Việt Nam đạt 943 triệu đô la vào năm 2019, so với tổng đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam là 2,2 tỉ đô la năm 2020. Phía Việt Nam tự nhận là nhà đầu tư lớn thứ 7 vào Miến Điện, nhưng theo nhiều nguồn khác ở Miến Điện thì Việt Nam là nhà đầu tư thứ 10, ngang hàng với Ấn Độ. Trong số các nhà đầu tư thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á vào Miến Điện, có Singapore, Thái Lan, Malaysia, Brunei và Việt Nam. Có thể thấy Miến Điện là một nước nhận được rất nhiều đầu tư từ các nước ASEAN.
Ngoài ra, tôi cũng muốn nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của Miến Điện đối với Việt Nam, đặc biệt là trong dự án Hành lang Kinh tế Đông Tây, sẽ góp phần thúc đẩy trao đổi giữa hai nước. Mục tiêu của dự án này là xây dựng một trục đường quan trọng, dài 1.700 km nối Việt Nam với Miến Điện đi qua Lào và Thái Lan để tiếp cận thị trường Ấn Độ. Hành lang được dự kiến xuất phát từ Đà Nẵng đến Mawlamyine (bang Môn), và sẽ được kéo dài thêm đến Rangun. Con đường thương mại này còn nhắm đến mục đích giúp khu vực giảm bớt phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, gia tăng trao đổi thương mại giữa các nước ASEAN.
Hành lang kinh tế này được ca ngợi tại Hội chợ Quốc tế Thương mại, Du lịch và Đầu tư Hành lang Kinh tế Đông Tây (Hội chợ EWEC), được tổ chức ở Đà Nẵng vào tháng 11/2020, vì Đà Nẵng muốn trở thành một trung tâm quan trọng trên quy mô quốc tế, cũng như trong khối ASEAN và vùng Thái Bình Dương.
RFI : Nếu phương Tây trừng phạt tập đoàn quân sự, điều này sẽ tác động như thế nào đến các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và các doanh nghiệp nước ngoài nói chung hoạt động ở Miến Điện ?
Claire Trần : Dĩ nhiên là các doanh nghiệp nước ngoài bị tác động trực tiếp vì cú đảo chính và do tình hình sẽ rất khó khăn trong năm nay (2021) sau khi vừa trải qua một năm lao đao với cuộc khủng hoảng virus corona. Vì thế các nhà đầu tư sẽ phải hết sức chú ý và có nguy cơ mất niềm tin. Giả sử căng thẳng nổ ra, những doanh nghiệp đó có lẽ sẽ rời Miến Điện sang nơi khác.
Ngoài ra, cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của những rủi ro này. Cơ quan này đã giảm tăng trưởng của Miến Điện xuống còn 2% cho năm tài khoá 2020-2021 và 2021-2022, so với mức thẩm định trước đó là 5,6% và 6%. Các dự án cơ sở hạ tầng và đầu tư trực tiếp của nước ngoài có nguy cơ bị trễ hoặc bị hủy, nếu các biện pháp trừng phạt được áp dụng.
Tôi cũng muốn nói thêm đến tầm quan trọng của nền kinh tế kỹ thuật số trong sự bùng nổ kinh tế của Miến Điện. Các biện pháp trấn áp bằng cách cắt internet và điện thoại di động đe dọa đến nền kinh tế kỹ thuật số. Sẽ không thể làm việc được hoặc sẽ làm việc không hiệu quả với việc hạn chế hoặc ngăn chặn truy cập internet. Do đó, tổng công ty Viettel sẽ bị tác động trực tiếp vì biện pháp này.
Về những biện pháp trừng phạt nói chung, chính quyền của tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành những biện pháp trừng phạt đầu tiên, nhưng mới chỉ hạn chế ở giới tướng lĩnh. Thực ra chính quyền Biden hiểu rõ nguy cơ tập đoàn quân sự Miến Điện ngả về phía Bắc Kinh nếu áp dụng trừng phạt trong khi nền kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này đã phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. Năm 2019, trao đổi thương mại với Trung Quốc chiếm đến 30% tổng trao đổi của Miến Điện.
Do đó, có lẽ các biện pháp trừng phạt của một số nước phương Tây và của Nhật Bản hiện chỉ hạn chế ở giới quân sự và đề xuất một giải pháp thay thế để hạn chế hậu quả nền kinh tế Miến Điện chuyển hướng sang Trung Quốc.
RFI : Như nhiều nước châu Á khác, Việt Nam, thông qua phát biểu của đại sứ Lê Thị Tuyết Mai tại Liên Hiệp Quốc ngày 15/02, đã bày tỏ mong muốn Miến Điện sẽ sớm ổn định tình hình. Vậy đâu là triển vọng cho Miến Điện ? ASEAN đóng vai trò như thế nào trong cuộc khủng hoảng này ?
Claire Trần : Tôi nghĩ là hiện giờ Việt Nam tỏ ra thận trọng nếu nhìn vào mối quan hệ chặt chẽ giữa quân đội Việt Nam và quân đội Miến Điện. Nhưng chắc chắn là Hà Nội phản đối căng thẳng và ủng hộ đối thoại. Việt Nam sẽ làm hết khả năng có thể trong khối ASEAN để có thể đi theo hướng này.
Chúng ta nên nhớ là ngay sau cú đảo chính, ASEAN đã thể hiện là sẽ không bảo vệ phe quân đội Miến Điện một cách rõ ràng. ASEAN muốn hành động trong vai trò trung gian hòa giải, để xử lý nhanh chóng cuộc khủng hoảng này, trước khi các cuộc đối đầu giữa người biểu tình và lực lượng an ninh trở nên xấu đi. Như tôi nói ở trên là ASEAN không muốn cô lập tập đoàn quân sự để tránh phe quân đội ngả vào tay Trung Quốc.
Hai ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi và Thái Lan Don Pramudwinai đã gặp nhau ở Bangkok vào thứ Tư 24/02 và ngoài dự kiến, người phát ngôn cơ quan ngoại giao của tập đoàn quân sự Miến Điện, ông Wunna Maung Lwin, cũng đã đến thảo luận về diễn biến tình hình ở Miến Điện.
Một cuộc họp đặc biệt của ngoại trưởng các nước ASEAN được dự trù vào tuần đầu tiên của tháng Ba, do Jakarta khởi xướng, để phác một lộ trình trở lại tình hình trước đây. Tuy nhiên, phía người biểu tình Miến Điện không chấp nhận lời hứa của tập đoàn quân sự là tổ chức bầu cử lại. Họ yêu cầu tái lập chính phủ hợp pháp của bà Aung San Suu Kyi.
ASEAN không muốn xảy ra bạo lực, mà giải quyết vấn đề một cách ôn hòa thông qua đối thoại và hợp tác. Thậm chí, ASEAN sẵn sàng điều tra về những cáo buộc gian lận bầu cử trong đợt tuyển cử tháng 11/2020. Có nghĩa là ASEAN hợp tác với tập đoàn quân sự về vấn đề này. Tóm lại, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á phản đối các biện pháp trừng phạt, vì người dân Miến Điện sẽ bị tác động đầu tiên.
Dường như theo báo Nhật Bản Nikkei, nếu tập đoàn quân sự Miến Điện vẫn khăng khăng, ASEAN có thể sẽ buộc Miến Điện tạm rời Hiệp hội. Hiến chương ASEAN không cho phép loại một thành viên, nhưng đó là một khả năng được nêu lên. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp cuối cùng và sẽ là một sự kiện chưa từng có trong lịch sử của ASEAN.
Nhưng tôi nghĩ rằng tập đoàn quân sự Miến Điện và ASEAN cần nhanh chóng hành động để đạt được một thỏa hiệp và đàm phán để tránh trừng phạt của quốc tế vì biện pháp này có nguy cơ hủy hoại những thành tựu kinh tế của Miến Điện trong những năm vừa qua.
RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Claire Trần, giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đương đại (Irasec), tại Bangkok, Thái Lan.
https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-vi%E1%BB%87t-nam/20210301-viet-nam-muon-mien-dien-on-dinh-de-bao-ve-dau-tu
Không có nhận xét nào