Header Ads

  • Breaking News

    Vì sao người Trung Quốc vô duyên với tự do dân chủ?


    Tác giả: Tiêu Kiện Sinh (Trung Quốc) | Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

    Thập niên 1980 tôi nảy ra ý nghĩ tái suy ngẫm một cách có hệ thống về lịch sử Trung Quốc. Hồi ấy nhiều người vẫn còn quen dùng quan điểm giai cấp và đấu tranh giai cấp để xem xét các vấn đề lịch sử, lồng ghép lịch sử sống động vào trong cái khuôn phép giai cấp và đấu tranh giai cấp, tùy tiện xuyên tạc lịch sử, chia con người ra làm hai loại lớn là “cách mạng” và “phản động” để đánh giá người ta, không tôn trọng sự thực lịch sử. Tôi cảm thấy hiện tượng đó làm cho lịch sử bị đơn giản hóa và dung tục hóa.

    Đến nay mấy chục năm đã trôi qua, lịch sử học của Trung Quốc đã có tiến bộ lớn. Nhưng trên nhiều vấn đề trọng đại, sử học Trung Quốc vẫn chưa có sự thay đổi thực chất, vẫn ở trong trạng thái tư tưởng hỗn loạn. Người nước ta không muốn triệt để suy ngẫm lại lịch sử của mình, cho nên không thể nhận thức chính xác các thành tựu văn minh trong lịch sử Trung Quốc, không học được các bài học kinh nghiệm thực sự hữu ích.

    [Chúng ta] chưa có nhận thức đúng đắn cái gì cần vứt bỏ, cái gì cần thừa kế và phát triển. Kết quả là cái đáng bỏ thì không bỏ, ngược lại còn được coi là tinh hoa văn minh để thừa kế, còn cái tinh thần văn minh nên thừa kế và phát triển thì lại bị coi là cặn bã để vứt bỏ.

    Ví dụ, Lão Tử đề xướng chủ trương “Kính thiên thuận đạo”, “Vô vi nhĩ trị”, Nho gia [Việt Nam gọi là Nho giáo] đề xướng thái độ khoan dung “Nhân giả ái nhân”, “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”,[1] Mặc Tử đề xướng tư tưởng bác ái, bình đẳng, phản chiến v.v… Những tư tưởng và chủ trương chính trị rất hay ấy lại bị phủ định trong một thời gian dài; ngược lại, các tư tưởng bạo lực và chuyên chế và thói giang hồ về sau xuất hiện thì lại được khẳng định và thừa kế lâu dài. Do tinh hoa văn minh trong lịch sử Trung Quốc không được kế thừa và phát triển nên kết quả là nền văn minh nước ta chưa đi lên con đường phát triển lành mạnh.

    Mỗi dân tộc cần nhận thức đúng đắn lịch sử của mình. Chỉ có thế thì mới có thể tỉnh táo biết được đâu là tinh hoa và cặn bã trong nền văn minh ấy, từ đó tìm được cho dân tộc con đường đúng đắn để sinh tồn và phát triển. Một dân tộc không thể triệt để suy ngẫm lại lịch sử nền văn minh của mình thì rất khó nói đó là một dân tộc có hy vọng. Rất rõ ràng, một dân tộc không thể đối xử đúng đắn với ngay cả lịch sử nền văn minh của mình thì sao có thể hy vọng dân tộc đó hướng tới tương lai với một chí khí vĩ đại.

    Cho tới nay, rất nhiều người vẫn còn coi Xuân thu Chiến quốc là thời đại đen tối, chia rẽ, rối loạn, chư hầu cát cứ, quân phiệt hỗn chiến. Về căn bản, họ chưa nghĩ xem một xã hội đen tối thì sao có thể xuất hiện tình hình Trăm hoa đua nở, Trăm nhà đua tiếng? Sao có thể sinh ra được nhiều như thế các nhà tư tưởng, nhà chính trị, nhà quân sự, nhà văn học và nhà khoa học? Sao có thể làm cho các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa của xã hội xuất hiện cảnh tượng phơi phới vươn lên, phát triển mạnh mẽ như thế?

    Cho tới nay rất nhiều người vẫn coi việc Tần Thủy Hoàng dùng bạo lực thống nhất 6 nước, xây dựng quốc gia chế độ chuyên chế hoàng đế đại nhất thống cao độ là một tiến bộ vĩ đại của lịch sử. Thế nhưng họ không nghĩ xem nếu là tiến bộ vĩ đại thì vì sao sau khi Tần diệt xong 6 nước, Trung Quốc lại không tái xuất hiện các nhà tư tưởng vĩ đại như Lão Tử, Khổng Tử, Mạnh Tử? Vì sao nước ta luôn luôn xuất hiện tình trạng loạn lạc có tính chu kỳ mà không thể nào thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn đó? Vì sao người Trung Quốc trong xã hội triều đại nhà Tần sống khổ như vậy? Vì sao xã hội nhà Tần nhanh chóng thiên hạ đại loạn rồi đi tới sụp đổ?

    Cho tới nay rất nhiều người vẫn cho rằng triều đại nhà Tống là một triều đại chuyên chế, thối nát, lạc hậu, nghèo yếu; họ có thái độ phủ định toàn bộ đối với nền văn minh do nhà Tống tạo nên. Thế nhưng họ chưa nghĩ xem nếu là một xã hội chuyên chế, thối nát, lạc hậu, nghèo yếu như thế thì tại sao xã hội ấy lại sáng tạo nên một nền văn minh dẫn đầu thế giới hơn 100 năm? Vì sao xã hội ấy cống hiến cho thế giới những phát minh vĩ đại như thuốc nổ, kim chỉ nam, kỹ thuật in chữ rời? Vì sao dưới đời nhà Tống lại xuất hiện nền kinh tế hàng hóa phồn vinh như trình bày trong “Thanh minh thượng hà đồ”? Tại sao người nhà Tống lại sinh ra tiết tháo vĩ đại “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”? Vì sao người nhà Tống lại sinh ra được khí tiết dân tộc cao thượng như “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử, lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh”?[2]

    Cho tới nay rất nhiều người còn thích thú cái gọi là “Khang Càn thịnh thế” [thời kỳ phồn thịnh dưới các triều vua Khang Hy, Ung Chính và Càn Long, kéo dài 134 năm]. Thế nhưng họ không nghĩ xem, nếu “Khang Càn thịnh thế” tiến bộ, phồn vinh như vậy thì tại sao hoàng đế Càn Long mới chết được có 41 năm thì Trung Quốc lại phải cắt đất, bồi thường, mất chủ quyền, làm đất nước chịu nỗi ô nhục khi bị súng lớn của người nước ngoài bắn phá? Vì sao từ đó trở đi người Trung Quốc bị coi là bệnh nhân Đông Á, bị người ta coi là quái vật và đồ ngu ngốc để cái đuôi lợn ở sau gáy [tức để đuôi sam]? Vì sao Cung Tự Trân[3] lại phải viết câu thơ bi đát “Cửu châu sinh khí thị phong lôi, vạn mã tề âm cứu khả ai, ngã khuyên thiên công trọng đẩu sậu”?

    Giờ đây mọi người đều nói phải phục hưng văn minh Trung Hoa vĩ đại. Nhưng khi nói thế phải chăng mọi người đã nghĩ tới chuyện thế nào là văn minh Trung Hoa vĩ đại? Cái vĩ đại của nó thể hiện trên những mặt nào? Ngày nay cần phục hưng văn minh Trung Hoa như thế nào? Có ai đã thực sự làm rõ các vấn đề này chưa? Nếu còn chưa rõ văn minh Trung Hoa vĩ đại ở chỗ nào thì sao có thể nói tới chuyện phục hưng nó?

    Đại loại những vấn đề ấy đều không thể không làm cho người ta có một cảm giác mạnh mẽ: tuy đã trải qua mấy chục năm cải cách mở cửa, người Trung Quốc vẫn chưa có nhận thức tỉnh táo về lịch sử nền văn minh của mình, vẫn còn ở trạng thái mông muội. Họ hoàn toàn chưa làm rõ cái nào là tiên tiến, cái nào là lạc hậu, cái nào là văn minh, cái nào là dã man. Nếu nói trong thời đại Cách mạng Văn hóa trước cải cách mở cửa, do lý thuyết giai cấp và đấu tranh giai cấp còn khống chế tư tưởng mọi người, họ không thể nhận thức đúng đắn lịch sử của nước mình, điều đó có thể thông cảm, thế thì ngày nay đã cải cách mở cửa mấy chục năm rồi mà người Trung Quốc vẫn còn chẳng hề động lòng, vẫn tê liệt cảm giác, thì điều đó rất không nên có. Một quốc gia, một dân tộc sao có thể lâu dài ở vào trạng thái như vậy? …

    Chính vì nguyên nhân đó mà tôi cảm thấy cần thiết phải dùng các quan điểm văn minh hiện đại như dân chủ, pháp trị, tự do và nhân quyền để triệt để tái suy ngẫm lịch sử nền văn minh Trung Quốc. Tôi cảm thấy trước tình hình phát triển kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc, chúng ta cần tiến hành tái suy ngẫm sâu sắc lịch sử nền văn minh nước ta. Có như vậy thì mới hiểu được vì sao Trung Quốc ngày nay lại như thế này, mới biết được người Trung Quốc đã làm đúng làm sai những mặt nào, tại sao người Trung Quốc lại mắc các sai lầm ấy, qua đó hấp thu những bài học kinh nghiệm hữu ích…

    Một vấn đề hiện thực nhất là nên cải cách thể chế chính trị hiện nay như thế nào nhằm thích ứng tình hình kinh tế phát triển nhanh chóng của nước ta, qua đó xây dựng nên một xã hội dân chủ, pháp trị, công bằng, tự do và hài hòa. Có người cho rằng Trung Quốc muốn cải cách thể chế chính trị một cách hữu hiệu thì phải bắt chước mô hình chính trị dân chủ của phương Tây, thực hành thể chế hiến chính dân chủ toàn dân tranh cử, các chính đảng thay nhau nắm chính quyền, tam quyền phân lập v.v…, cũng tức là toàn bộ Tây hóa. Nhưng cũng có người cho rằng mô hình chính trị phương Tây không thích hợp tình hình Trung Quốc, việc cải cách thể chế chính trị Trung Quốc tuyệt đối không được đi con đường toàn bộ Tây hóa.

    Vậy thì rốt cuộc Trung Quốc có thể đi con đường toàn bộ Tây hóa được không? Nếu không thì đi con đường thế nào? Nói phải xây dựng xã hội XHCN có đặc sắc Trung Quốc, thế thì thể chế chính trị của xã hội ấy nên như thế nào? Nếu nói chế độ chính trị Trung Quốc hiện nay rất hoàn thiện, không cần cải cách, thế thì vì sao lại xảy ra những đại bi kịch lịch sử như “Chống phái hữu”, “Đại Nhảy vọt”, và “Cách mạng văn hóa”? Vì sao trước những tai họa dân tộc cực kỳ nặng nề như vậy mà chế độ của chúng ta lại không có bất cứ phản kháng nào? Khi Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ và nhiều nhà lãnh đạo cùng các nhà trí thức và dân chúng bị đối xử bất công mà chết, vì sao chế độ của chúng ta không thể bảo vệ họ một cách mạnh mẽ? Vì sao hiện nay các hiện tượng thối nát như quan chức và doanh nhân câu kết, quyền và tiền trao đổi với nhau, biến của công thành của tư, tiêu xài hoang phí, mua quan bán chức, bọn xã hội đen điên cuồng hoạt động, và quyết sách sai lầm, phân phối bất công, đạo đức suy đồi, lãng phí tài nguyên, môi trường sống xấu đi… lại chưa được giải quyết triệt để?

    Cho nên xét theo tình hình thực tế, thể chế chính trị của Trung Quốc không những phải cải cách mà còn phải tăng tốc quá trình cải cách. Nếu không thì không thể tưởng tượng được việc làm sao có thể xây dựng Trung Quốc thành một xã hội thực sự dân chủ, pháp trị, tự do và hài hòa, làm sao có thể thực hiện được mục tiêu Trung Quốc ổn định lâu dài, kinh tế phát triển bền vững, ổn định và lành mạnh.

    Lịch sử chứng tỏ, phát triển kinh tế không thể giải quyết được tất cả mọi vấn đề của xã hội, chỉ có xây dựng một chế độ chính trị tốt đẹp thì quốc gia mới có thể đi lên quỹ đạo phát triển lành mạnh, thực hiện ổn định lâu dài. Nhà kinh tế nổi tiếng Dương Tiểu Khải có viết bài “Thế yếu của quốc gia đi sau” vạch ra vấn đề này. Ông cho rằng các quốc gia lạc hậu do phát triển muộn nên có rất nhiều thứ có thể bắt chước các nước phát triển.

    Có hai hình thức bắt chước. Một là bắt chước chế độ và một là bắt chước công nghệ và mô hình công nghiệp hóa. Vì là nước đi sau cho nên có thể, dưới tình hình chưa có chế độ cơ sở, thông qua bắt chước công nghệ mà thực hiện phát triển nhanh. Có điều là, kiểu bắt chước ấy tuy có thể làm cho quốc gia lạc hậu trong một thời gian ngắn phát triển rất tốt, nhưng lại sẽ để lại nhiều tai họa âm ỉ, thậm chí phát triển lâu dài có thể thất bại, nguyên nhân là ở chỗ không có một chế độ xây dựng tốt để làm đảm bảo.

    Cho nên ông hy vọng Trung Quốc không nên đi con đường của các nước châu Mỹ Latinh, do chưa xây dựng được một chế độ xã hội tự do, công bằng, tuy có một thời gian phồn vinh nhưng cuối cùng các nước này đều suy thoái; nên nhìn thẳng vào thế yếu của quốc gia đi sau, dùng việc xây dựng chế độ có tính cơ sở để thực hiện “Dùng chế độ [chính trị] để đưa đất nước tiến lên”. Dương Tiểu Khải cho rằng, từ Ngũ Tứ trở đi, người Trung Quốc đề xướng nhiều về dân chủ và khoa học nhưng lại bỏ qua tự do và cộng hòa. Ông cho rằng, trên ý nghĩa nào đó, tự do và cộng hòa càng quan trọng hơn dân chủ và khoa học. Cũng tức là nói chỉ có xây dựng quy tắc hiến chính và cơ chế cam kết khả tín của Chính phủ, hạn chế các hành vi chủ nghĩa cơ hội của Chính phủ, bảo đảm xã hội công bằng chính trực, bảo đảm quyền lợi và tự do của cá nhân, phát huy đầy đủ sức sáng tạo của cá nhân, đó mới là cái căn bản để Trung Quốc đi lên giàu mạnh phồn vinh.

    Sau sự kiện 4/6/1989,[4] xã hội Trung Quốc đã thay đổi rất lớn. Một mặt sức mạnh quốc gia tăng lên, một số thiết bị hạ tầng cơ sở như thông tin liên lạc, năng lượng, xa lộ cao tốc và xây dựng đô thị đều đã tiếp cận hoặc đạt mức của một số nước phát triển, nhìn chung đời sống nhân dân được nâng cao rất nhiều. Nhưng mặt khác, mô hình Nhà nước chủ đạo tập trung tài nguyên đầu tư thiếu sự xây dựng chế độ tốt, thiếu sự giám sát mạnh mẽ của xã hội, kết quả cũng có mặt tiêu cực lớn. Đó là quan chức nhà nước lợi dụng quyền lực trong tay tiến hành tham nhũng trên các mặt đề bạt cán bộ, trưng thu ruộng đất, đấu thầu dự án, dẫn đến sự phình to bộ máy quan liêu và tham nhũng, cộng với sự bất công trong phân phối và sự suy đồi đạo đức của mọi người đã gây nên những vấn đề xã hội nổi trội.

    Trước tình hình đó nhiều nhà trí thức đã kêu gọi Trung Quốc cần tăng tốc cải cách thể chế chính trị, từng bước xây dựng chế độ hiến chính dân chủ, bảo đảm quyền tự do và các quyền lợi hiến pháp quy định cho nhân dân về ngôn luận, tư tưởng, tín ngưỡng, xuất bản, hội họp, lập hội, sao cho Trung Quốc đi lên quỹ đạo dân chủ và pháp trị, để cho Trung Quốc chẳng những có văn minh vật chất mà còn có nền văn minh tinh thần vĩ đại.

    Lịch sử chứng tỏ trên thế giới không có chế độ hoặc nền văn minh nào mười phân vẹn mười. Dưới chế độ cộng hòa dân chủ và lập hiến, xã hội vẫn có tham nhũng, có sự cấu kết quan chức với doanh nhân, hiệu suất hành chính thấp và các hiện tượng bất công, bất hợp lý. Nhưng dưới chế độ hiến chính dân chủ, các hiện tượng đó không cấu thành sự thối nát có tính hệ thống, không nguy hại tới sự vận hành bình thường nền hành chính quốc gia; nếu có thì cũng dễ bị nhanh chóng vạch ra và được sửa chữa. Nhưng chế độ chuyên chế trung ương tập quyền có một tệ nạn lớn nhất là toàn bộ hệ thống quan liêu từ trên xuống dưới đều thối nát sa đọa và lừa dối, kiểm soát khống chế, tước đoạt nhân dân nhưng lại khó bị vạch ra –– bởi lẽ quyền lực không bị giám sát hữu hiệu.

    Bởi vậy, cho tới nay mô hình chính trị dân chủ phương Tây vẫn là mô hình tương đối tiên tiến, có tác dụng hữu hiệu chế ngự quyền lực và chống tham nhũng, có giá trị phổ quát trên thế giới, không phụ thuộc vào ý thức hệ tư bản hay chủ nghĩa xã hội. Xã hội loài người cho tới nay chưa phát minh được một chế độ nào tốt hơn có thể thay thế chế độ hiến chính dân chủ. Cho nên người Trung Quốc nên cố gắng học tập và bắt chước thành quả văn minh ưu tú này của nhân loại. Các nước phương Tây đã học tập và áp dụng “Tứ đại phát minh” của Trung Quốc (thuốc nổ, kim chỉ nam, kỹ thuật in chữ rời và chế độ khoa cử), thế thì vì sao Trung Quốc không học và áp dụng chế độ hiến chính dân chủ của phương Tây?

    Trong sách “Tiến trình cải cách” ghi lại lời cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Triệu Tử Dương có đoạn viết: “Dĩ nhiên một ngày nào đó trong tương lai có thể sẽ xuất hiện một chế độ chính trị tốt hơn, cao cấp hơn chế độ nghị viện dân chủ, nhưng đó là chuyện tương lai, bây giờ chưa có. Vì thế có thể nói một quốc gia muốn thực hiện hiện đại hóa, thì chẳng những phải thực hành kinh tế thị trường, phát triển văn minh hiện đại, mà còn phải thực hành chế độ chính trị dân chủ. Nếu không thì quốc gia ấy không thể làm cho nền kinh tế thị trường của mình trở thành kinh tế thị trường lành mạnh, hiện đại hóa, cũng không thể thực hiện xã hội pháp trị hiện đại. Sẽ lại như nhiều nước đang phát triển (trong đó có Trung Quốc), xuất hiện tình trạng quyền lực thị trường hóa, xã hội thối nát và phân hóa hai cực nghiêm trọng.”

    Nguyên là Tổng Bí thư ĐCSTQ, những năm cuối đời ông Triệu Tử Dương suy đi nghĩ lại rút ra được kết luận như trên không phải là chuyện ngẫu nhiên. Đó là sự tổng kết kinh nghiệm thực tiễn chính trị nhiều năm, là kết quả tái suy ngẫm của ông về con đường phát triển của Trung Quốc. Vì thế các quan điểm của ông rất đáng được mọi người coi trọng.

    Dĩ nhiên, tại Trung Quốc, một quốc gia đất rộng người đông và có mấy nghìn năm truyền thống chuyên chế, muốn tùy tiện vội vàng tiến hành cải tạo toàn bộ theo hướng của phương Tây thì chắc chắn có khó khăn. Bởi lẽ trong lịch sử mấy nghìn năm nước này chưa thực sự xuất hiện cơ sở xã hội để thực hành chính trị dân chủ phương Tây. Trong lịch sử cận đại Trung Quốc cũng từng thực hành những cải tạo phương Tây hóa như áp dụng chế độ quân chủ lập hiến và xây dựng Trung Hoa Dân quốc và vì thế người Trung Quốc đã phải trả giá bằng nhiều hy sinh lớn, song kết quả chẳng những không thành công mà còn làm cho xã hội Trung Quốc về sau lâm vào nguy cơ sâu sắc hơn.

    Bởi vậy cần làm thế nào để, dưới tiền đề giữ vững ổn định xã hội, đẩy mạnh cuộc cải cách thể chế chính trị nhằm thực hiện sự đổi mới nền văn minh Trung Quốc –– đã trở thành vấn đề quan trọng nhất hiện nay. Tìm ra được câu trả lời cho vấn đề này là trách nhiệm thiêng liêng của ngành khoa học xã hội Trung Quốc. Muốn thiết kế thành công việc cải cách thể chế chính trị Trung Quốc thì phải học mô hình chính trị tiên tiến của phương Tây, cũng phải hấp thu kinh nghiệm và bài học trong lịch sử Trung Quốc, bởi lẽ việc xây dựng mô hình chính trị của Trung Quốc thì bắt nguồn từ truyền thống lịch sử lâu dài của nước này.

    Chính là xuất phát từ động cơ ấy, trong cuốn sách này tôi đã đối chiếu sự phát triển văn minh phương Tây để chú trọng nghiên cứu một số vấn đề như sau: Vì sao Trung Quốc cổ đại chỉ có thể sinh ra nền văn minh nhất nguyên hóa chuyên chế quân chủ mà không sinh ra được nền văn minh đa nguyên hóa dân chủ như Cổ Hy Lạp, Cổ La Mã? Nền văn minh chuyên chế nhất nguyên hóa của Trung Quốc ra đời như thế nào, rồi phát triển và tăng cường ra sao? Vì sao trong xã hội chuyên chế quân chủ, dưới thời Đường Tống, nhất là đời nhà Tống, người Trung Quốc lại có thể sáng tạo được nền văn minh tiên tiến dẫn đầu thế giới trong hơn 100 năm? Vì sao phương Tây có thể sinh ra được nền chính trị lập hiến? Vì sao nền văn minh nhất nguyên hóa của phương Tây thời Trung thế kỷ lại có thể thực hiện chuyển đổi thành nền văn minh đa nguyên hóa? Còn nền văn minh nhất nguyên hóa của Trung Quốc trong thời kỳ cận đại vì sao lại không thể chuyển đổi như vậy? Đâu là nguyên nhân căn bản gây ra sự thất bại chuyển đổi ấy? vv….

    Đồng thời tôi còn phân tích tình trạng văn minh xã hội Tây Chu, Xuân Thu Chiến quốc và các triều đại Tần, Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh; phân tích và đánh giá một loạt sự kiện lớn như Biến pháp Thương Ưởng, nước Tần diệt 6 nước xung quanh, Chiến tranh Thuốc Phiện, Duy Tân Mậu Tuất, chế độ quân chủ lập hiến, Cách mạng Tân Hợi, phong trào Ngũ Tứ, sự kiện tự trị liên tỉnh năm 1921, phong trào Hiến chính năm 1946. Ngoài ra còn trình bày các tìm hiểu về tư tưởng Nho Giáo và phương thức tư duy của người Trung Quốc.

    Do trình độ có hạn của tác giả, nhiều quan điểm và cách nhìn chưa chắc đã chính xác; nhưng tôi cảm thấy quan điểm của cá nhân chính xác hay không, điều đó không phải là quan trọng nhất. Sự tái suy ngẫm sâu sắc về lịch sử nền văn minh Trung Quốc mới là điều quan trọng, bởi lẽ nó sẽ giúp mọi người tái nhận thức một cách khách quan lịch sử nước mình, giúp mọi người thăm dò khám phá kinh nghiệm thành công và mô hình cải cách thể chế chính trị. Điều đó có ý nghĩa tích cực đối với việc nâng cao tố chất dân tộc, thúc đẩy văn minh Trung Quốc tiến lên, thúc đẩy việc xây dựng Trung Quốc hiện đại hóa.

    Cốt lõi của nền văn minh hiện đại là hạn chế sự lạm dụng quyền lực công của Chính phủ, bảo đảm quyền lợi và tự do của các cá nhân. Hiến chương Liên Hợp Quốc thông qua ngày 26/6/1946 coi “Tăng tiến và khích lệ sự tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của toàn nhân loại” là một trong các tôn chỉ của Liên Hợp Quốc. Tuyên ngôn nhân quyền thế giới do Liên Hợp Quốc thông qua ngày 10/12/1948, câu đầu tiên viết: “Thừa nhận sự tôn nghiêm vốn có, sự bình đẳng và các quyền lợi của tất cả các thành viên trong gia đình là nền tảng của tự do, công bằng và hòa bình thế giới … Một thế giới mọi người được hưởng quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng và thoát được mọi nỗi sợ hãi và cảnh nghèo đói đã được tuyên bố là nguyện vọng cao nhất của dân chúng.”

    Trung Quốc là nước ký Hiến chương Liên Hợp Quốc và Tuyên ngôn nhân quyền. Cố nhiên Chính phủ Trung Hoa Dân quốc phải gánh vác nghĩa vụ thực hiện các nguyên tắc đó. Tháng 10/1945, Mao Trạch Đông tuyên bố với tư cách Chủ tịch Chính phủ trung ương của Đảng CSTQ: Trung Quốc phải thực hiện “Các nguyên tắc dân sở hữu, dân trị, dân hưởng của Lincoln và 4 tự do lớn của Roosevelt”.

    Trong Hiệp định Song thập do đảng Cộng sản và Quốc dân đảng Trung Quốc ký năm 1945 và Cương lĩnh xây dựng hòa bình do hai đảng nói trên cùng một số đoàn thể chính trị khác ký năm 1946 đều xác định mục tiêu Trung Quốc sẽ thực hành chế độ hiến chính dân chủ và xây dựng Trung Quốc thành một nước dân chủ, tự do, hòa bình, giàu mạnh.

    Sự thành bại của một quốc gia được quyết định bởi trình độ tự do cá nhân sống trong quốc gia đó, trình độ chuyển biến từ thần dân thành công dân của họ. Nghiêm Phục[5] nói: “Quốc quý tự chủ, dân quý tự do”. Ông cho rằng then chốt sự thành bại của quốc gia là cá nhân “có tự do hay không có tự do”. Một quốc gia mà cá nhân không có tự do tư tưởng, không có nhân cách độc lập thì đó là cái gốc của việc quốc gia đó chưa thể đi lên con đường hiện đại hóa, chưa thể trở thành nước lớn mạnh, người dân chưa thể trở thành công dân.

    Có người cho rằng quyền sinh tồn là quyền con người lớn nhất; giờ đây người Trung Quốc đã được hưởng đầy đủ quyền sinh tồn tức là đã được hưởng nhân quyền. Đây là quan điểm sai lầm. Quyền sinh tồn không phải là quyền lợi riêng của loài người; các loài động vật cũng có quyền sinh tồn. Coi nhu cầu sinh lý và bản năng kiếm sống của giới động vật là nhân quyền –– đây là sự bóp méo và báng bổ nhân quyền. Nhân quyền là quyền lợi riêng loài người mới có; nhân quyền có hàm nghĩa rất rõ ràng: đó là tự do tư tưởng và ngôn luận, tự do tín ngưỡng tôn giáo, tự do xuất bản, tự do hội họp lập đoàn thể v.v… Đây là nội dung nhân quyền do hiến pháp quy định. Muốn bảo đảm thực hiện những quyền con người đó thì phải mở rộng nền chính trị; nếu không thì không thể bảo đảm nhân quyền.

    Hiện nay Đài Loan đã đi lên con đường hiến chính dân chủ. Đại lục Trung Quốc cũng nên thực hiện lời cam kết của mình, từng bước ổn thỏa mở rộng nền chính trị, đi lên văn minh hiện đại hiến chính dân chủ. Việc xây dựng nền hiến chính dân chủ không thể xa xôi vô thời hạn, trở thành cái bánh vẽ trong đầu óc người Trung Quốc, mà nên có thời gian biểu, có lộ trình nhằm chấn hưng tinh thần dân tộc, tăng lòng tin của nhân dân về tương lai và tình yêu đất nước, tăng lực ngưng tụ lòng người. Điều này vô cùng quan trọng đối với việc xây dựng một quốc gia vĩ đại.

    Ngày nay, khi ôn lại lịch sử, chúng ta không thể không vô cùng hy vọng về tương lai của Trung Quốc, nhưng cũng không thể không cảm khái sâu sắc về sự thay đổi của lịch sử: mô thức thay đổi triều đại theo kiểu được làm vua thua làm giặc khiến cho người Trung Quốc chịu đựng quá nhiều đau khổ; cường quyền và bạo lực nên được chấm dứt; đằng sau quốc nạn tham nhũng là các khiếm khuyết nghiêm trọng về chế độ, quyền lực thiếu chế ước khiến cho các quan chức mặc sức làm bậy. Sự mở rộng vô hạn quyền của quan chức đã trở thành nguồn gốc của các trở ngại tiến bộ xã hội và mất ổn định xã hội. Cho dù xây dựng chế độ gì, áp dụng mô hình chính trị nào thì mọi quốc gia đều phải coi hiến chính dân chủ là sự xếp sắp chế độ cơ bản không thể thiếu được, đều phải đặt vấn đề hạn chế quyền lực Chính phủ và tôn trọng quyền lợi và sự tự do của mỗi cá nhân lên vị trí hàng đầu.

    Một quốc gia văn minh thì phải giải quyết mọi vấn đề trên cơ sở dân chủ, pháp trị, bất cứ ai cũng phải hoạt động trong phạm vi hiến pháp. Trong tình hình bị cưỡng chế bạo lực, mọi công dân không nên làm những việc đi ngược ý chí của mình. Nếu công dân bị cưỡng bức nói ngược lòng mình, làm ngược lòng mình thì chẳng còn tự do gì để bàn. Chỉ cần không vi phạm hiến pháp và pháp luật thì không công dân nào nên bị cưỡng chế. Nhà tư tưởng Anh Karl R. Popper có một danh ngôn: “Mỗi người đều chỉ có quyền hy sinh vì sự nghiệp của mình nhưng không ai có quyền khuyến khích người khác hy sinh vì một lý tưởng.”  Điều này nên là nguyên tắc cơ bản mà một xã hội văn minh phải tuân theo.

    Việc xây dựng chế độ hiến chính dân chủ của phương Tây bắt nguồn từ một tư tưởng quan trọng –– đó là không tín nhiệm quyền lực, cũng tức là không tin vào nhân trị. Kinh Thánh nói “Ngoài Thượng Đế ra, chẳng có ai là lương thiện cả.” Nếu con người đã không tin cậy được thì ắt phải tiến hành chế ước quyền lực do con người nắm giữ. Vì thế các quốc gia phương Tây đặt ra nhiều trình tự để phân tán quyền lực và tiến hành chế ước lẫn nhau giữa các quyền lực, qua đó ngăn ngừa sự lạm dụng quyền lực của Chính phủ. Ví dụ như bầu cử dân chủ, tự do báo chí, chính trị đa đảng, địa phương tự trị, tam quyền (lập pháp, hành pháp, tư pháp) phân lập, kiểm sát viên độc lập, đoàn bồi thẩm độc lập, chánh án độc lập, nhà nước hóa quân đội v.v… Việc đặt ra, xây dựng và hoàn thiện các chế độ đó đã trải nghiệm qua mấy trăm năm, trong đó tư tưởng cơ bản là bảo đảm các quyền lợi và sự tự do cá nhân không bị chính quyền xâm phạm. Có lẽ những chế độ đó chưa phải là phương thuốc hiệu nghiệm có thể giải quyết tất cả mọi vấn đề, nhưng nó là một mô hình sinh hoạt lý tưởng mà nhân loại theo đuổi, là then chốt để một quốc gia, một dân tộc đi lên hưng thịnh.

    Trong thời kỳ cận đại, vì để thực hiện mục tiêu vĩ đại hiến chính dân chủ tại Trung Quốc, nhiều người đã nối tiếp nhau tiến lên, nhiều vị tiên liệt như Đàm Tự Đồng, Tôn Giáo Nhân đã đầu rơi máu chảy, trả những cái giá lớn, thế nhưng với người Trung Quốc thì hiến chính dân chủ vẫn như bóng trăng dưới nước, đóa hoa trong gương, có thể nhìn thấy nhưng không thể sờ vào. Năm 1911, Trung Quốc xây dựng nên nước cộng hòa đầu tiên của châu Á. Tiếp đó năm 1949 lại một lần nữa xây dựng nước cộng hòa. Ngày ấy người Trung Quốc đều nghĩ rằng dân chủ đã đến với họ. Thế nhưng cuối cùng thì vẫn là sự thay đổi triều đại kiểu được làm vua thua làm giặc, giấc mơ dân chủ tự do của người Trung Quốc vẫn là cái ảo ảnh.

    Vì sao thực hiện dân chủ tự do tại Trung Quốc lại khó như vậy? Vì sao người Trung Quốc lại vô duyên với dân chủ tự do như vậy? Đây là một câu hỏi muôn thủa. Để giải đáp câu hỏi này, rất nhiều người đã nghiên cứu bàn luận nhưng chưa ai có thể đưa ra câu trả lời được mọi người tin phục.

    Trên cơ sở kết quả nghiên cứu tìm hiểu của những người đi trước, sách này tiến hành phân tích bàn thảo một lần nữa về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, tôn giáo, tính cách dân tộc, nhằm tìm ra những chứng cớ và con đường để Trung Quốc có thể đi lên văn minh hiện đại. Mong rằng các quan điểm của sách này có thể cung cấp cho mọi người một số gợi ý hữu ích.

    Tiêu Kiện Sinh( , 1955-), nhà báo, người dân tộc Thổ Gia tỉnh Hồ Nam, tốt nghiệp ngành văn học Hán ngữ Đại học Phát thanh Truyền hình Trung ương, hiện là biên tập viên “Nhật báo Hồ Nam”.

    Nguyễn Hải Hoành lược dịch từ nguồn tiếng Trung 中国文明的反思(前言).  新世纪出版社, 香港, 2009925. Bài viết nhân dịp Quốc khánh Trung Quốc và kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tân Hợi (10/10/1911).

    ————-

    [1] Kính thiên thuận đạo 敬天顺道:  Kính trọng Trời, thuận theo Đạo, nghĩa là tuân theo quy luật của thiên nhiên. Vô vi nhĩ trị 为而治: Cai trị thiên hạ thuận theo tự nhiên, để cho dân tự do phát triển. Nhân giả ái nhân 仁者爱人: Người có lòng Nhân thì tràn đầy tình yêu thương, là người có trí tuệ lớn, có nhân cách cao cả. Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân己所不欲勿施於人: Điều gì mình không muốn thì cũng đừng áp cho người khác (Theo baike.baidu.com).

    [2] 人生自古誰無死, 留取丹心照汗青 Nhân sinh tự cổ thùy vô tử, lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh. Xưa nay có ai sống mãi không chết đâu, (tôi muốn) để lại tấm lòng son yêu nước để chiếu rọi sử sách. Ý nói người có lý tưởng cao quý thì sẵn sàng chết vì sự nghiệp của nước nhà. Một câu trong bài thơ nổi tiếng “Quá Linh Đinh Dương” của Trạng nguyên Văn Thiên Tường 文天祥 (1236-1283), vị tướng chống giặc Nguyên xâm lược và nhà thơ yêu nước đời Nam Tống.

    [3] Cung Tự Trân, 龚自珍1792-1841, nhà tư tưởng và nhà văn học đời Thanh, chủ trương chống sự xâm lược của phương Tây, vạch trần sự thối nát của xã hội phong kiến. Đoạn thơ đầy đủ là 九州生氣恃風雷,萬馬齊喑究可哀. 我勸天公重抖擻,不拘壹格降人才. Ý nói: Bất mãn sâu sắc trước bầu không khí nặng nề của xã hội TQ cuối đời Thanh, tác giả kêu gọi cải cách xã hội, cho rằng biến đổi càng lớn càng tốt, lớn đến như tiếng sấm mùa xuân kinh thiên động địa; tôi khuyên ông Trời hãy chấn phấn tinh thần, đem người tài cho chúng tôi.

    [4] Vụ đàn áp cuộc biểu tình của sinh viên ngày 4/6/1989 tại quảng trường Thiên An Môn.

    [5] 严复, 1854-1921, nhà tư tưởng khai sáng, nhà giáo dục và phiên dịch nổi tiếng đời Thanh.  Quốc quý tự chủ, dân quý tự do: Ý nói tự chủ là điều quý nhất đối với quốc gia, tự do là điều quý nhất đối với nhân dân.

    http://nghiencuuquocte.org/2021/03/16/vi-sao-nguoi-trung-quoc-vo-duyen-voi-tu-do-dan-chu/#more-39342

    Không có nhận xét nào