Header Ads

  • Breaking News

    Trung Quốc bao vây đá Ba Đầu đặt ra mối đe doạ mới đối với Việt Nam

     

    Ảnh: Vị trí các tàu Trung Quốc tại khu vực Đá Ba Đầu hôm 23-3.

    Mới đây, Philippines đã lên tiếng chỉ trích hành động mang tính “gây hấn” của Trung Quốc sau khi Bắc Kinh điều hơn 200 tàu thuyền đến Biển Đông.

    Manila đồng thời yêu cầu Bắc Kinh rút đội tàu này ra khỏi vùng biển tranh chấp.

    Cụ thể, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Lorenzana đã yêu cầu hơn 200 tàu thuyền của Trung Quốc mà ông khẳng định là thuộc lực lượng dân quân biển của Trung Quốc phải rời khỏi rạn san hô có tên là Đá Ba Đầu (Manila gọi là Julian Felipe) thuộc quần đảo Trường Sa.

    Trong một tuyên bố, ông Lorenzana khẳng định: “Chúng tôi kêu gọi phía Trung Quốc ngừng hành động xâm phạm này và nhanh chóng rút tàu thuyền đang vi phạm quyền lãnh hải của chúng tôi và xâm phạm chủ quyền lãnh hải của chúng tôi”.

    Người đứng đầu ngành quốc phòng Philippines cũng tuyên bố Manila sẽ kiên định bảo vệ quyền chủ quyền của mình.

    Sau đó, trên mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin cho biết Manila đã gửi công hàm ngoại giao phản đối sự hiện diện của các tàu thuyền Trung Quốc nói trên.

    Ông Locsin cũng viết trên Twitter: “Ngoại giao là một quả đấm thép của lực lượng vũ trang (Philippines)”.

    Lực lượng đặc nhiệm quốc gia Biển Tây Philippines, một cơ quan thuộc chính quyền Manila chịu trách nhiệm giám sát rạn san hô nói trên, cho biết họ phát hiện lực lượng tàu thuyền của Trung Quốc neo đậu thành hàng tại rạn san hô này hôm 7/3/2021.

    Trong một thông báo, lực lượng đặc nhiệm cho biết: “Bất chấp thời tiết thuận lợi vào thời điểm đó, tàu thuyền Trung Quốc tập trung ở rạn san hô đó không tiến hành bất kỳ hoạt động đánh cá thực sự nào và bật toàn bộ hệ thống đèn trắng suốt đêm”.

    Thông báo cũng cho rằng sự hiện diện của lực lượng tàu thuyền này là “một mối quan ngại vì hoạt động đánh bắt cá quá mức và hủy hoại môi trường biển, cũng như có thể gây ra những rủi ro đối với hoạt động đi lại an toàn trên biển”.

    Lực lượng đặc nhiệm thề sẽ tiếp tục thực hiện các sáng kiến một cách chủ động và mang tính ôn hòa “để bảo vệ môi trường, an ninh lượng thực và tự do hàng hải” ở Biển Đông.

    Rạn san hô có tên là Đá Ba Đầu nói trên thuộc Bãi ngầm Union, nằm cách tỉnh Palawan, phía Tây Philippines, khoảng 175 hải lý (324km) về phía Tây.

    Theo quan điểm của Manila, rạn san hô này, vốn thuộc quần đảo Trường Sa (Việt Nam cũng khẳng định chủ quyền ở đây), nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

     


    Ảnh: Đá Ba Đầu ở quần đảo Trường Sa.

    TQ thường sử dụng các tầu đánh cá như các tầu quân sự trong hoạt động lấn chiếm biển đảo tại quần đảo Trường Sa.

    Trong một tuyên bố chính thức được đưa ra hôm 22/3, Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila cho biết họ đã ghi nhận những tuyên bố của Philippines về vấn đề này, nhưng cho rằng việc triển khai 220 tàu gần Bãi Ba đầu là một “hoạt động bình thường” của tàu cá Trung Quốc.

    Đây là hành động đe doạ mới nhất của Trung Quốc đối với Philippines. Mặc dù, kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã theo đuổi chính sách “làm thân” với Bắc Kinh.

    Ông Duterte đã không phản đối các hành động hung hăng của Trung Quốc, cũng không yêu cầu Bắc Kinh tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài năm 2016.

    Thay vào đó, ông Duterte đã cậy nhờ Bắc Kinh hỗ trợ các khoản đầu tư và tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng của Manila.

    Hiện Bắc Kinh đã tặng và cam kết cung cấp thêm vaccine COVID-19 cho Manila. Ngoài ra, Duterte còn cố gắng thúc đẩy khai thác chung với Trung Quốc tại khu vực Biển Đông.

    Liệu sự kiện Scarborough năm 2012 có tái diễn?

    Năm 2012 đã xảy ra sự kiện Trung Quốc đã sử dụng chiến thuật “cải bắp” để giành quyền kiểm soát trên thực tế Bãi cạn Scarborough từ tay của quân đội Philippines.

    Chiến thuật “cải bắp” được một viên tướng Trung Quốc “khoe khoang”, đó là sử dụng nhiều lớp tàu khác nhau, trong đó bao gồm: đầu tiên cho tầu cá xâm nhập (Thực chất là các tàu dân quân biển giả dạng tàu cá), vòng thứ 2 là các tàu Hải giám, Ngư chính tuần tra, giám sát, hộ tống, vòng thứ 3 là các tàu hải quân Trung Quốc.

    Bằng cách này, các tàu của Philippines vốn ít về số lượng và không đủ uy lực nên sẽ không thể vượt qua các lớp tàu này để tiếp cận Scarborough.

    Và như vậy, trên thực tế, quyền kiểm soát Bãi cạn này đã chuyển sang các tàu của Trung Quốc.

    Thậm chí, tướng Trương Triệu Trung của Trung Quốc còn khẳng định chiến lược này có thể được áp dụng ở các nơi khác mà không cần phải sử đụng đến chiến tranh, và chỉ cần “thời điểm thích hợp để áp dụng” mà thôi.

    Ông Trương nói thêm: “Đối với những hòn đảo nhỏ, chỉ có vài binh lính của các nước đóng quân trên đó, không có thức ăn, thậm chí là nước uống.

    Nếu chúng ta thực hiện chiến lược cải bắp, họ sẽ không thể gửi được thực phẩm và nước uống lên các đảo.

    Nếu không được cung cấp thực phẩm trong một đến hai tuần, các binh sỹ sẽ tự rời khỏi đảo. Một khi rời đi, họ sẽ không bao giờ có thể trở lại”.

    Với số lượng tàu cá đột biến kéo đến bao vây Đá Ba Đầu đông như vậy, rất có khả năng Trung Quốc sẽ áp dụng chiến thuật “Bắp cải” để giành quyền kiểm soát thực tế khu vực này.

    Nguy cơ đối với Việt Nam

    Việt Nam cũng là quốc gia tuyên bố chủ quyền với toàn bộ quần đảo Trường Sa, trong đó có Đá Ba Đầu.

    Việc Trung Quốc triển khai số lượng tàu dân quân biển (viết tắt tiếng Anh là PAFMM) giả dạng tàu cá như vậy tại khu vực này tạo ra đe doạ đối với các lợi ích của Việt Nam ở đây.

    Các tàu dân quân biển Trung Quốc như vậy sẽ sẵn sàng được kêu gọi tham gia vào bất kỳ hoạt động nào do Trung Quốc tiến hành, sử dụng các vị trí chiến lược để nhanh chóng tiếp cận bất kỳ ngóc ngách nào của Biển Đông.

    Trong lịch sử, PAFMM đã đóng vai trò quan trọng trong nhiều hoạt động hàng hải, từ giám sát đến can thiệp các tàu Hải quân Hoa Kỳ qua lại cho đến các cuộc đụng độ bạo lực với phía Việt Nam.

    Việc đóng quân của các tàu này trên quần đảo Trường Sa phục vụ cho việc triển khai các lực lượng phụ trợ hoặc lực lượng dự bị có thể được thực hiện để khẳng định hoặc thực thi sự kiểm soát của Trung Quốc ở Biển Đông.

    Số lượng lớn các tàu PAFMM có thể dễ dàng cản trở hoặc ngăn chặn các tàu hải quân của các quốc gia khác trước khi chúng đạt được các mục tiêu tại các khu vực hoạt động.

    Nếu Đá Ba Đầu bị mất vào tay Trung Quốc, và Trung Quốc có thể bồi lấp và quân sự hoá đá này, thì đây sẽ là một sự leo thang đáng kể và đáng lo ngại cho các quốc gia tranh chấp trên Biển Đông, đặc biệt là Việt Nam.

    Bởi vì Bãi ngầm Union nằm ngay khu vực trung tâm của tam giác chiến lược được hình thành bởi các căn cứ không quân và hải quân của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập, Subi và Đá Vành Khăn.

    Ngoài ra, các căn cứ quân sự trên Gạc Ma, đá Gaven và đá Kennan mà Trung Quốc đang kiểm soát cũng đã vận hành các phương tiện giám sát tầm xa và chứa các thiết bị liên lạc.

    Việc Trung Quốc củng cố quyền kiểm soát Đá Ba Đầu có thể làm suy yếu khả năng kiểm soát của Việt Nam đối với khu vực này.

    Hiện tại, Việt Nam đang kiểm soát 3 thực thể ở đây, đó là  Đảo Sinh Tồn, Cô lin và Len đao. Cả ba thực thể này đều có thể bị đe dọa trực tiếp bởi sự gia tăng hiện diện và hoạt động của Trung Quốc tại Bãi Union.

    Việc bố trí một lực lượng PAFMM lớn tại đây là một mối đe dọa lớn đối với Việt Nam, đặc biệt khi xét đến việc Trung Quốc trước đây đã đe dọa tấn công Việt Nam bằng vũ lực khi yêu cầu chấm dứt các hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam tại các lô 136.3 và 07.3.

    Cho đến nay, mặc dù phía Philippines đã lên tiếng mạnh mẽ, thế nhưng vẫn chưa thấy phản ứng từ phía Việt Nam.

    Thậm chí ngay cả Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng chưa thấy lên tiếng, cho dù thường sự lên tiếng của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam thường rất chung chung và không ám chỉ rõ ràng điều gì.

    Ông Nguyễn Phú Trọng thừa nhận Việt Nam đã không lên tiếng về các sự cố ở Biển Đông vì tế nhị

    Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mới đây lên tiếng thừa nhận trong nhiệm kỳ Chủ tịch nước của ông vừa qua, Việt Nam đã có lúc không thể công khai những sự cố xảy ra ở Biển Đông vì vấn đề tế nhị.

    Truyền thông Nhà nước Việt Nam trích lời ông Trọng đọc báo cáo tổng kết nhiệm kỳ Chủ tịch nước từ 2016 đến 2021 trước Quốc hội hôm 24/3, cho biết:

    “Có những việc không thể nói công khai nhưng có những thời điểm, có những sự cố xảy ra ở Biển Đông xử lý thế nào, phía tây của chúng ta thế nào, phía tây nam thế nào, quan hệ với nước bạn thế nào. Có những cái xử lý phải nói rất thật với các bạn, các đồng chí là hết sức tế nhị, hết sức khôn khéo nhưng cả hệ thống chúng ta làm rất tốt”

    Trong phần nói về nhiệm vụ an ninh, quốc phòng, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho hay, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng – An ninh, Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch nước đã tham gia chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện nhiều đề án, chiến lược quan trọng liên quan tới lĩnh vực an ninh, quốc phòng.

    Ông Trọng cũng nói, dù Việt Nam không công bố, nhưng Hà Nội đã xây dựng một loạt chiến lược quốc phòng, an ninh bảo đảm giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

    Nói trước Quốc hội, ông Trọng không nói cụ thể các chiến lược quốc phòng an ninh này là gì mà chỉ cho biết ông đang chỉ đạo xây dựng một số chiến lược có liên quan trực tiếp đến quốc gia, cực kỳ quan trọng. Ông nói:

    “Trong bất cứ tình hình nào, chúng ta không được để bất ngờ về quốc phòng an ninh ở tất cả các hướng, cả phía đông, phía tây nam, phía bắc; với các nước ở xa, ở gần, nước lớn, nước nhỏ”

    Việt Nam hiện vẫn còn những tranh chấp với Campuchia ở biên giới Tây Nam và với Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.

    Từ khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận chức Chủ tịch nước vào tháng 10 năm 2018 sau cái chết đột ngột của Chủ tịch Trần Đại Quang, Trung Quốc đã liên tục có các hành động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông. Các hoạt động này của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam.

    Trong suốt thời gian Trung Quốc gây hấn, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gần như không lên tiếng công khai phản đối các hành động này mà chỉ có Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng.

    So với hồi năm 2014 khi Trung Quốc đặt giàn khoan HD 981 vào khu vực quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam, lần này, Hà Nội không lên tiếng công khai nhiều trên báo chí về các hoạt động cụ thể của Trung Quốc ở Bãi Tư Chính của Việt Nam.

    https://thoibao.de/blog/2021/03/30/trung-quoc-bao-vay-da-ba-dau-dat-ra-moi-de-doa-moi-doi-voi-viet-nam/

    Không có nhận xét nào