Header Ads

  • Breaking News

    Trần văn Bường - Cuộc rút quân khỏi Quảng Đức tháng 3 năm 1975


    Cựu Thiếu Tá Trần Khánh, nguyên Quận trưởng quận Khiêm Đức, sau thay thế Thiếu Tá Hiếu làm Quận trưởng Kiến Đức khoảng từ tháng 10/1974 đến cuối tháng 3/1975, và cựu Thiếu Tá Trần Văn Bường, nguyên Chỉ huy trưởng Pháo binh kiêm Tham mưu phó Hành quân, nhiệt tình từ Houston Texas bay qua; hai niên trưởng này được mời lên bàn chủ tọa.

    Hai đoạn trích của bài này sau đây là những điều cần để chúng ta suy ngẫm :

    ……Xa xa đằng kia, cũng tại vùng trời Đức Lập, trung tá Võ Ân (K12 TÐ), trung đoàn trưởng trung đoàn 53BB (lên đại tá trước ngày quân ta nhận lệnh đầu hàng) cũng đang bay tìm quân của bộ chỉ huy nhẹ trung đoàn đang thất lạc. Khác với những lần trước, mỗi khi bị địch tấn công mạnh, ngoài lực lượng pháo binh sẵn có, phi cơ yễm trợ đũ loại bay đầy trời; lần này, mấy ngày nay vùng trời Ðức Lập phẵng lặng, vắng vẻ làm sao! Tàu bay tàu bò biến đâu cả ngoài hai chiếc trực thăng chỉ huy nói trên…….
    …… Ngày thứ nhất trôi qua, ngày thứ hai trông chờ quân ta tăng viện như cấp trên đã định. Bất hạnh thay! ngày thứ hai đó lại là ngày thất vọng nhất khi Cộng quân tấn công thẳng vào thị xã Ban mê thuột và phi trường Phụng Dực. Riêng các lực lượng khác của ta đồn trú tại Quảng Ðức đều bị địch cầm chân cả không thể nào lấy đi giúp Ðức Lập được…….. Hết trích.

    Tác giả Trần Văn Bường sinh năm 1940 tại Phan Thiết – Bình Thuận, cựu học sinh TH Phan Bội Châu Phan Thiết. Tốt nghiệp khóa 18 Sĩ Quan, Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt và Trường Pháo Binh Dục Mỹ. Ra trường phục vụ ngành Pháo Binh tại Sư Đoàn 9 BB. Vinh thăng Đại Uý từ tháng 1/1969. Từ tháng 11/71 – 8/72 Pháo đội trưởng thuộc Tiểu Đoàn 233 PB kiêm Sĩ quan liên lạc tại TK Ninh Thuận.

    Tháng 7/72 vinh thăng đặc cách Thiếu tá tại Mặt Trận Chu Pao (Pleiku). Từ tháng 8/72 – 11/73 Tiểu đoàn phó TĐ 69 PB tại Biển Hồ (Pleiku). Tháng 11/73 – 3/75 Chỉ huy trưởng PB kiêm Tham mưu phó Hành quân tại TK Quảng Đức

    Sau tháng 5-1975, bị VC đày đoạ nhiều năm tù, trong các trại giam từ Nam ra Bắc. Năm 1991 tới Mỹ qua diện HO và là Hội Trưởng Hội Thân Hữu Bình Thuận Hải Ngoại tại Houston (TX).

    + Giới thiệu tỉnh Quảng Đức

    Sau khi thắng trận đánh thừa chết thiếu sống tại Căn cứ 42A (đèo Chupao-Pleiku), ngày 19/6/1972, tôi được vinh thăng thiếu tá đặc cách tại mặt trận. Ðó là một phần thưỡng cao quý nhất tôi may mắn được (vì lên cấp tại mặt trận rất hiếm hoi đối với quân đội, đặc biệt binh chủng pháo binh (PB) như tôi lại càng khó khăn gấp trăm lần). Một tháng sau tôi rời tiểu đoàn 233 PB sang làm tiểu đoàn phó tiểu đoàn 69 PB đóng tại Biển Hồ Pleiku. Với chức vụ mới này tôi thường đi hành quân với tư cách sỉ quan liên lạc pháo binh cạnh Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân (BÐQ) quân Khu II của Ðại tá Phạm Duy Tất (sau lên chuẫn tướng) hoặc Bộ Chỉ Huy tiền phương của QĐII.

    Vào giửa tháng 12/73, từ Pleiku tôi theo bộ chỉ huy tiền phương quân đoàn II do Ðại tá Nguyễn Trọng Luật chỉ huy bay đến tiểu khu Quảng Ðức (TK/QÐ) điều động cuộc hành quân giải tỏa áp lực địch tại căn cứ Buprang (quận Kiến Ðức). Căn cứ này nằm cạnh Quốc lộ 14 sát ranh giới Campuchia, cách thị xã Gia Nghỉa (QÐ) chừng ba mươi cây số, được bảo vệ bởi liên đoàn địa phương quân (ÐPQ) của tiểu khu Khánh Hòa và tiểu khu Quảng Ðức. Vừa đến trung tâm hành TK/QÐ chưa tới hai đêm, căn cứ Buprang bị thất thủ bởi đặc công địch được xe tăng T54 yễm trợ. Thiếu tá Nguyễn Hưũ Nghiã (Phan thiết) Chỉ huy trưởng PB/TK/QÐ bị mất tích trong trận này. Tôi nhận lệnh thay thế thiếu tá Nghĩa ngay hôm đó. Một tuần sau đại tá Phạm Văn Nghìn về làm tỉnh trưởng Quảng Ðức thay thế trung tá Nguyễn văn Thiện và sau đó ông giao tôi kiêm nhiệm luôn chức vụ Tham Mưu Phó hành quân tiểu khu. Vì vậy tôi có dịp đi lại nhiều nơi, biết nhiều điều đặc biệt về quân sự thuộc TK/QÐ từ lúc tới cho đến khi rút quân. Trước khi trình bày cuộc rút quân của TKQÐ, tôi xin nói sơ lược về tỉnh này.

    Quảng Ðức là một tỉnh nhỏ được thành lập từ thời Tổng Thống Ngô Ðình Diệm nằm dọc theo quốc lộ 14 giáp ranh Campuchia và các tiểu khu Phước Long, Lâm Ðồng, Tuyên Ðức và Ban mê thuột. Tỉnh có ba quận: Kiến Ðức, Ðức Lập, Khiêm Ðức (Gia Nghỉa) và chi khu biệt lập Ðức Xuyên. Dân chúng hầu hết là người Thượng sống về nghề làm rẫy và săn bắn thú rừng, còn lại là người Kinh, hầu hết là gia đình quân nhân, công chức và dân buôn từ miền xuôi lên. Ðặc biệt quận Ðức Lập nằm về hướng Bắc của tỉnh Quảng Ðức, giáp với tỉnh Ban mê thuột, đất đai màu mỡ, dân chúng phần nhiều là người Miền Trung di cư vào lập nghiệp từ năm 1954, sau ngày chia đôi đất nước, sống về nghề trồng trà và café rất thịnh vượng. Quảng Ðức là một tỉnh nhỏ và nằm sát ranh giới Campuchia-hành lang xâm nhập của quân Bắc Việt-nên chịu áp lực của Cọng Quân rất nặng nề. Từ năm 1972, quốc lộ 14 nằm song song và sát với ranh giới Miên Việt xuyên qua ba tỉnh Phước Long, Quảng Ðức, Ban me thuột bị gián đoạn giửa ranh giới Phước Long và Quảng Ðức. Vì vậy Quảng Ðức chỉ còn xử dụng được đoạn đường bộ duy nhất từ Bubinh xuyên qua thị xã Gia Nghĩa đi Ban mê thuột mà thôi. Tỉnh Phước Long rơi vào tay địch đầu năm 1974.

    + Trận đánh mỡ màn “Chiến dịch mùa Xuân của VC“.

    Theo tin tình báo cũng như tài liệu thu được tại chỗ do pháo binh bắn quấy rối và hệ thống điện tữ chung quanh chi khu Ðức Lập cho biết: sư đoàn 968 tân lập cùng sư đoàn 10 Bắc Việt có thể sắp tấn công Ban mê thuôc, tiểu khu trưởng tiểu khu Quảng Ðức, đại tá Phạm Văn Nghìn đã xin thêm quân phòng thũ quận Ðức Lập nhưng chưa được. Sáng ngày thứ bảy (8/3/75), tôi tháp tùng đại tá Nghìn đáp trực thăng ra quận Ðức Lập có gặp đại tá Vũ Thế Quang-Tư Lệnh Phó sư đoàn 23 Bộ Binh (BB) – cũng đến đây thị sát tình hình. Ðại tá Nghìn chỉ thị trung tá Trần Nguyên Khoa (k18ÐL) – trung đoàn phó trung đoàn 53 BB – đang chỉ huy trung đoàn trừ đóng gần chi khu Ðức Lập phải dời bộ chỉ huy nhẹ của ông cùng các đơn vị bảo vệ vào căn cứ Daksak-một căn cứ thật kiên cố do lực lượng đặc biệt Mỹ để lại-cách vị trí đóng quân hiện tại chừng ba cây số. Hiện trung đoàn 53 BB trừ đang được tăng phái cho tiểu khu Quảng Đức.

    Nói là Trung đoàn trừ chứ thực sự quân phòng thũ tại bộ chỉ huy nhẹ này chỉ có một chi đoàn trừ (-) 1/8 thiết vận xa M113 của đại uý Tánh, đại đội trinh sát của trung đoàn mà phân nửa đã hoạt động bên ngoài tìm tin tức, một trung đội pháo binh 105 ly (TÐ 231PB), một trung đội PB155 ly thuộc tiểu đoàn 230 PB và một ít bệnh binh của tiểu đoàn 2/53BB. Thám sát xong nhận thấy không có đũ thời gian, việc di chuyển dời lại sáng hôm sau (9/3/75). Nào ngờ, khoảng năm giờ sáng – trước giờ quân ta chuẫn bị di chuyển vào căn cứ Daksak như dự định, Cọng quân bắt đầu pháo aò ạt rồi sau đó tấn công biển người vào các đơn vị ta.

     

    Đáng tiếc thay những đợt pháo đầu tiên lại trúng ngay vào bộ chỉ huy nhẹ của trung tá Trần Nguyên Khoa. Dù ông là một sỉ quan giỏi, lanh lợi, đã từng được thăng cấp tại mặt trận nhưng vì nơi đóng quân hiện tại là một căn cứ dả chiến hầm hố không được kiên cố lắm nên không chịu nổi sức công phá của các loại pháo địch,đặc biệt pháo 130 ly. Cầm cự không lâu, hơn phân nửa số thiết vận xa bão vệ bộ chỉ huy nhẹ bị tê liệt, hầm chỉ huy của trung tá Khoa bị sập, đại uý Buì Minh Ngọc (Phan thiết) – sỉ quan liên lạc pháo binh của trung đoàn 53 BB bị thương nặng và chết ngay sau đó, trung tá Trần Nguyên Khoa bị thương ở sau ót và cánh tay trái gảy gần đứt lìa được lính pháo binh dìu ra khỏi căn cứ nhưng rồi bị bắt làm tù binh ngày hôm sau. Nếu.. nếu… hôm đó (8/3/75), bộ chỉ huy nhẹ trung đoàn 53 di chuyển đi, Việt Cọng không điều nghiên kịp mục tiêu, tình hình có thể khác. Ðiều này rất đúng với câu ta từng nghe: “không nên để lại ngày mai những gì có thể làm hôm nay”.

    Chi khu Ðức Lập gần đó cũng bị pháo và tấn công tơi bời cùng một lúc nhưng nhờ hầm hố kiên cố cộng với sự gan lì, mưu lược của trung tá quận trưởng Nguyễn Cao Cực (K13ÐL), Việt Cộng không làm gì được, đành bỏ đầy xác ngoài bờ rào quận. Cùng lúc tại căn cứ Núi Lửa cách ghi khu Ðức Lâp về phía Tây chừng sáu cây số, nơi trung đội pháo binh 105 ly của trung úy Nguyễn Văn Quý (Phan thiêt) đóng, được bảo vệ bởi đại đội chỉ huy thuộc tiểu đoàn 261 ÐPQ/QÐ (các đại đội tác chiến hoạt đông bên ngoài) của thiếu tá Bùi Ngọc Long cũng bị pháo khủng khiếp.

    Tóm lại Việt Cọng đồng loạt tấn công ba nơi trên cùng một lúc với những cơn mưa pháo tới tấp khiến chúng ta không thể yễm trợ hổ tương nhau được. Chúng đã áp dụng tiền pháo hậu xung biển người trận này rất hiệu quả. Khoảng bảy giờ sáng, sau khi nhận được chiếc trực thăng tăng phái từ phi đoàn 235 trực thăng Pleiku, tôi tháp tùng đại tá Nghìn bay về hướng Ðức Lập. Trước khi rời trung tâm hành quân tiểu khu ra trực thăng, tôi còn nghe trung uý Quý vừa nói vừa cười báo cáo thành tích hạ địch của đơn vị mình: ‘Bắn đã tay quá Bắc Bình ơi’. Bắc Bình là danh hiệu tôi thường dùng trong nội bộ pháo binh.Tôi mừng thầm lên phi cơ gọi tiếp anh để biết tình hình nhưng không thấy trung úy Qúy trã lời. Bên tần số bộ binh bão vệ anh cũng không liên lạc được. Bay gần tới căn cứ Núi Lửa cũng không thấy hồi âm mà chỉ thấy một làn khói trắng từ căn cứ bốc lên. Làn khói đó chính địch đã đánh dấu cho phe chúng biết đã chiếm được mục tiêu Núi Lửa. Thấy làn khói bốc lên chúng tôi nhìn nhau không ai nói gì ngoài sự ngậm ngùi thương xót số phận quân mình, thuôc cấp mình và chỉ còn có cách báo cáo lên thượng cấp và xin tăng viện từ Sư Ðoàn 23BB và quân đoàn II.

    Tôi xin mở dấu ngoặc ở đây để nói rõ hơn về sự mất liên lạc đột ngột nói trên. Cuối năm 1983,sau khi được phóng thích khỏi trại tù (từ Nam ra Bắc), trên đường về Phan thiêt thăm Ba Má tôi, tình cờ gặp anh Nguyễn Văn Quý (Trung đội trưởng PB Núi Lửa nói trên) đang bán quán café chòm hõm tại bến xe đò Phan thiêt-Sai gòn. Anh em nhìn nhau nghẹn ngào trong lần tái ngộ đau thương giửa cuộc đổi đời cay nghiệt. Anh mời tôi dùng ly càfê gọi là tình nghĩa thầy trò thuở nào trong đơn vị. Nhắc lại chuyện mất liên lạc tại căn cứ Núi Lửa năm nào. Anh trầm ngâm một lát, ánh mắt hướng về nơi xa xăm dường như để hồi tưởng lại quá khứ đầy u ám rồi cho biết: “Sở dỉ mất liên lạc với tôi vì đang bắn địch ngon lành, bổng dưng đài tác xạ bị pháo sập chết mấy quân nhân và địch ùa vào từ lưng đồi phía sau bất ngờ không trở tay kịp đành phải tìm đường “tẫu mã”. Anh vừa nói vừa cười một cách chua chát, đắng cay vì phải dùng từ tẫu mã. Tôi hỏi anh: “Anh bắn hay quá, sao để chúng bắn sập hầm chỉ huy”? Mặc dù biết tôi đùa nhưng anh cũng giải thích cho vui: “Chúng trốn chui trốn nhủi nơi nào mình đâu có biết, trong khi đó mình nằm một chỗ trơ trơ chúng bắn điều chĩnh hoài phải trúng thôi”. Và cũng tại bến xe đò đó năm nay (11/2006) khi từ Mỹ trỡ về thăm gia đình, người chạy Honda ôm cho tôi biết anh Quý đã trỡ thành người thiên cổ, tôi không còn cơ hội mời lại anh dùng một ít chất cay, vĩnh biệt Quý, một đàn em đáng mến thuở nào.

    Tóm lại, lúc bấy giờ chỉ còn chi khu Ðức Lập của trung tá Nguyễn Cao Vực, dù không được yễm trợ của quân bạn vẫn cầm cự với địch. Ngoài việc kêu gào cấp trên tăng viện gấp, đại tá tỉnh trưởng vẫn bay vòng vòng rất thấp trên khu vực quận Ðức Lập đến trưa để hướng dẫn, trấn an và khuyến khích trung tá Vực và thuộc hạ cố gắng phòng thủ chờ quân ta tiếp viện. Xa xa đằng kia, cũng tại vùng trời Đức Lập, trung tá Võ Ân (K12 TÐ), trung đoàn trưởng trung đoàn 53BB (lên đại tá trước ngày quân ta nhận lệnh đầu hàng) cũng đang bay tìm quân của bộ chỉ huy nhẹ trung đoàn đang thất lạc. Khác với những lần trước, mỗi khi bị địch tấn công mạnh, ngoài lực lượng pháo binh sẵn có, phi cơ yễm trợ đũ loại bay đầy trời; lần này, mấy ngày nay vùng trời Ðức Lập phẵng lặng, vắng vẻ làm sao! Tàu bay tàu bò biến đâu cả ngoài hai chiếc trực thăng chỉ huy nói trên.

    Trong khi đó tại Ngả ba Dakson cách căn cứ Núi Lửa chừng tám cây số về hướng Tây do tiểu đoàn 2/53 BB của Ðại úy Nguyễn Tiên (kII TÐ vừa thay thế thiếu tá Võ Ðức Lai) và một trung đội pháo binh 105 ly đóng quân ,không thấy đấm đá gì, nhưng không hiểu tại sao chúng tôi không liên lạc được họ. Quá đau lòng trước sự thất thủ của quân bạn gần đó không được yễm trợ nên sau khi đại tá Nghìn quay về trung tâm hành quân tiểu khu, tôi cùng phi hành đoàn mỗi người một khúc bánh mì bay trở lai hướng Dakson.
    Trực thăng bay vòng nhiều lần trên vùng này, càng lúc càng thấp để cố gắng liên lạc và quan sát tình hình. Thấy tiểu đoàn 2/53BB vẫn đang tư thế bố trí sẵn sàng chiến đấu, tôi yêu cầu phi cơ trưởng (hình như anh Hùng Thầy Tu hay anh Vệ ) tìm cách đáp xuống. Anh bay thêm mấy vòng để xem hướng nào thuận tiện và an toàn, rồi anh… đột nhiên nhào xuống rất nhanh trông như chú diều hâu đang xà xuống gắp mồi. Ðang tư thế sắp đậu, bổng nhiên nhiều loạt pháo đối phương rớt cạnh máy bay khiến anh ta cho tàu lướt về phía trước cất cánh lên lại, xém đụng rừng cây trước mặt. Một phen xém chết đã qua! Anh quay lại nhìn tôi với nét mặt thầm trách “nguy hiểm vậy mà bảo đáp”. Anh phi công này rất lanh lợi và bình tĩnh, nếu không thì cả tàu không chết vì pháo địch cũng chết vì các cành cây. Từ đó đến khi rút bỏ tiểu khu Quảng Ðức, tôi không liên lạc được với cánh quân này.

    Ngày thứ nhất trôi qua, ngày thứ hai trông chờ quân ta tăng viện như cấp trên đã định. Bất hạnh thay! ngày thứ hai đó lại là ngày thất vọng nhất khi Cọng quân tấn công thẳng vào thị xã Ban mê thuột và phi trường Phụng Vực. Riêng các lực lượng khác của ta đồn trú tại Quảng Ðức đều bị địch cầm chân cả không thể nào lấy đi giúp Ðức Lập được. Càng chờ đợi, sự tổn thất càng tăng lên trước những loạt pháo đũ cở cuả địch; mặt khác không còn trông chờ vào sự tăng viện của quân bạn được nửa, trung tá Vực cùng thuộc cấp đành rút khỏi quận, băng rừng về căn cứ Ðạo Trung mấy ngày sau và được trực thăng đón về TK/Quảng Ðức.(Ðạo Trung cách QĐ trên 15 cây số) .

    + Rút quân

    Ðức Lập và Ban mê thuột đã mất, từ trái (Phước Long) sang phải, cả về hướng trước mặt của tỉnh Quảng Ðức đã hoàn toàn lọt vào tay VC, chỉ còn một phần phía sau giáp với tỉnh Tuyên Ðức và Lâm Ðồng, phân ranh bởi sông Kinh Ðà-Con lộ duy nhất nối liền hai tỉnh Quảng Ðức, Lâm Ðồng đã bỏ phế từ lâu và do VC kiểm soát.
    Như vậy tỉnh Quảng Ðức đã mất gần phân nửa lãnh thổ. Trước tình trạng tỉnh bị cô lập tam hướng lại không còn được yễm trợ quân sự và địch ngày càng bám sát đánh phá ta nhiều nơi trong tỉnh, khiến tinh thần chiến đấu quân dân có phần sa sút. Các vị thân hào nhân sĩ trong tỉnh đã liên lạc với trung ương xin tỉnh Quảng Ðức được rút bỏ sớm hầu giảm thiểu sự thiệt hại. Chưa thấy kết quả ra sao, bổng trưa ngày 25 tháng 3 năm1975, khi biết tin quân đoàn II bị tổn thất nặng nề lúc rút lui và toán liên lạc không quân (ALO) tiểu khu Quảng Ðức đột nhiên lên trực thăng rời tỉnh mang theo tất cả phương tiện điều động không yểm, khiến tinh thần quân dân trong tỉnh càng thêm nao núng.

    Hôm đó, trong lúc Ðại tá Phạm Văn Nghìn đang đi họp ở QÐ II chưa về, Trung tá Phạm Ðức Dư-Tham Mưu Trưởng tiểu khu-liền tổ chức buổi họp khẩn cấp. Ngoài sự hiện diện của trung tá Dư còn có trung tá Hoàng Kim Thanh, liên đoàn trưởng LÐ 24 BÐQ đóng tại quận Kiến Ðức; thiếu tá Trần Văn Bường chỉ huy trưởng pháo binh Kiêm tham mưu phó hành quân Tiểu khu; thiếu tá Phạm Văn Tư trưởng phòng 3 TK (đừng nhằm với thiếu tá Phạm Văn Tư khóa 19 Ðalạt trưởng phòng hai tiểu khu vượt ngục bị bắn chết tại trại tù Suối Máu Biên Hòa năm 1976). Vừa vào họp trung tá Dư tuyên bố: “Hôm nay chúng ta hành quân về phương Ðông”. Chỉ một câu đơn giản ai cũng hiểu đó là lệnh rút lui, không cần sơ đồ phóng đồ gì cả. Thành ra, với vị trí đóng quân hiện tại, liên đoàn 24 BÐQ đi theo phương giác từ, từ quận Kiến Ðức về Lâm Ðồng, các đơn vị cơ hửu hoặc tăng phái tiểu khu cũng từ nơi đóng quân di chuyển về Lâm Đồng.
    Sau khi rời phòng họp, tôi cho lệnh thiếu tá trưởng phòng 3, Phạm Văn Tư ra lệnh các đơn vị tăng phái cũng như các đơn vị trực thuộc đóng quân quanh thị xã, đi theo đường mòn xe be đến bờ phà sông Kinh Ðà về quận Di Linh (Lâm Ðồng), các đơn vị còn lại tùy tình trạng an ninh tại chỗ rút về Lâm Ðồng. Trung tâm hành quân, trung tâm tiếp vận tiểu khu, đặc biệt kho xăng và kho đạn phải phá huỷ; không được phá phách bệnh viện, phố xa, chợ búa. Cần nói thêm, trong thời gian này tiểu khu Ninh Thuận tăng phái cho tiểu khu Quảng Ðức hai đại đội biệt lập (4 đại đội luân phiên), một của đại uý Nguyễn Văn Ðức (Phan thiết K20 ÐL), một của đại uý Tôn Thất Kỳ (Huế), đại uý Trần Công Triệt (Phan rang, K18ÐL) và…

    Riêng pháo binh, tôi cho lệnh các trung đội trưởng phá huỷ súng bằng loại lựu đạn M14. (lựu đạn có chứa chất chì đặc biệt chảy ra bám vào nòng súng không xữ dụng được). Chỉ có trung đội pháo binh của trung uý Bá đóng trên đường hành quân được giữ nguyên kéo theo đoàn quân thôi.

    Ðoàn quân dân rời bộ chỉ huy Quảng Ðức được khoảng năm giờ đồng hồ, một tin không vui đưa đến. Từ đầu máy bên kia, trung úy Bá báo cáo: “chiếc cầu nhỏ bắt qua suối bị hư không thể nào kéo súng qua được Bắc Bình ơi”!

    Chết cha! Đi hành quân không có đại bác yểm trợ cả một sự bất lợi khi địch xuất hiện ngoài tầm vủ khí cá nhân hay dùng biển người tấn công ta. Tôi than thầm như vậy, nhưng mặt khác vẫn cố giử bình tỉnh ra lệnh cho anh Bá cố gắng thám sát hai bên cầu tìm mọi cách kéo súng qua. Bấy giờ trời vừa tối, ánh hoàng hôn cuối cùng vừa bị khuất sau rặng núi cao. Tôi vừa cho đoàn quân tạm nghỉ. Chừng nửa giờ sau, trung úy Bá cho biết không có nơi nào đem súng qua được vì con rạch tuy nhỏ nhưng đất mềm dễ bị lún.Tôi đành cho lệnh phá súng pháo binh và tiếp tục bám sát theo đoàn quân trước. Ði được hơn một giờ đồng hồ đoàn quân nghỉ qua đêm và tới bờ sông Kinh Ðà khoảng năm giờ chiều ngày hôm sau.

    Ðang chuẫn bị vượt sông để theo đường mòn về hướng Quận Di linh như lời đề nghị của thiếu tá Nguyễn văn Ấn (Quận trưởng Di Linh cùng K18 ÐL với Trần Nguyên Khoa và tôi), bổng từ bên kia bờ sông có tiếng la của đám VC dội lại:“Muốn qua sông phải bỏ súng xuống, đi từng người một, đưa hai tay lên đầu”. Nghe chúng hô “Ðưa tay lên đầu”, mình đâm tức xổ nho: Ð.. m… đầu hàng cái … . Quan sát thấy chúng chỉ có chừng mươi lăm người nối tiếp nhau đi chung quanh các gốc cây cổ thụ bên bờ sông để chúng ta lầm tưởng họ nhiều lắm. Biết vậy, nhưng vì khúc sông này rộng khoảng bốn năm trăm thước; nước sâu tới rốn chảy hơi xiết khó lòng vượt nhanh để lấn áp chúng. Tôi tiếc thầm, nếu súng pháo binh không bị bỏ laị, ta chỉ cần trực xạ mấy quả cha con chúng nhảy hết, tha hồ lội qua sông. Nhưng dù sao cũng may cho chúng ta phát hiện được chúng bên đó, nếu không, đoàn quân ta cứ tà tà lội qua như chỗ không người thì sẽ… nếu không bị bắt làm tù binh thì cũng bị đi mò tôm cả đám giửa giòng sông. “Biết Người biết Ta trăm trận trăm thắng”, ông bà ta nói như vậy. Biết mình ở thế bất lợi, thôi đành nhịn nhục tìm đường khác đi để tránh thiệt hại, đó là thắng vậy.
    Sau khi bàn với trung tá Dư, tôi cho lệnh đại úy Ngô văn Nhị (K12TÐ), chỉ huy phó của tôi, hướng dẩn toán quân hỗn họp Ðịa phương quân và pháo binh đi lui về sau, dùng phương giác từ đi về hướng Tây dọc theo bờ sông tìm chỗ vượt sông dễ hơn để đánh bộc hậu địch cho đoàn quân sau vượt qua. Mục đích cho đi luì về sau để đánh lạc hướng địch và dân chúng khỏi bám theo. Nếu dân chúng bám theo sẽ làm lộ kế hoạch; hơn nửa họ không thể gồng gánh, bồng bế con cái lên đồi xuống dốc được. Bảo vệ an ninh họ, phía sau còn có quân của chi khu Khiêm Ðức do thiếu tá quận trưởng Nguyễn Khắc Hiếu (K19 ÐL) chỉ huy, bên cạnh đó còn có mặt cả hai vị trưởng và phó ty an ninh quân đội (thiếu tá Ðậu Văn Ðề, thiếu tá Nguyễn văn Ðiệp) và nhóm Cảnh Sát Quốc Gia của trung tá Giang.

    Trong khi cánh quân của tôi đi về phía phải (hướng Tây) thì tiểu đoàn 259 ĐPQ của thiếu tá Phan Văn Giỏi đi về phía trái (hướng Ðông) dọc sông Kinh Ðà về cầu đại Ninh, ranh giới Ðà lạt và Lâm đồng. Ði nhiều hướng địch không thể theo dỏi hết.
    Màn đêm dầy đặc, đoàn quân di chuyển rất chậm, nhiều lúc phải xữ dụng đèn pin tìm lối đi. Thỉnh thoảng nghe nhiều tiếng kêu “oan oát” từ xa của các chú mang (nai con) lạc đàn hoặc thấy những đôi mắt ngơ ngác dại khờ của các chị mển đang nhìn chăm chăm ánh đèn pin. Bình thường gặp như vậy số mạng các chị xem như đã xong rồi; đằng này có lệnh không được nổ súng chỉ trừ trường hợp gặp địch. Nhờ vậy các chị được thêm tuổi thọ.

    Lội suốt đêm gần tới năm giờ sáng, đại úy Ngô Văn Nhị báo cáo đã tới khúc sông có thể vượt được. Ðại úy Nguyễn Duy Huynh, xử lý thường vụ trung tâm tiếp vận thay thế thiếu tá Trương Minh Dũng đi học, tiến về phía trước tăng cường cho đại úy Nhị tìm cách vượt sông. Vì đường đồi lên xuống khó khăn, tối om như mực lại đi theo phương giác từ trong màn sương bao phủ nên khi gặp bờ sông, chỉ cách điểm đứng chiều hôm qua ba bốn cây số thôi. Khúc sông hơi cạn, đá lỏm chỏm, nước chảy hơi siết có thể vượt được. Ðại úy Nhị cho anh hạ sĩ quan pháo binh buộc sợi dây thừng lội qua bờ sông bên kia cột vào gốc thông nào đó cho đoàn quân sau nắm đi qua. Chẳng may anh này bị trượt chân và chết giửa giòng sông. Toán quân gần đó đổ xô tới tiếp cứu nhưng vô vọng. Sợ bị lộ điểm vượt sông bởi những tiếng la ồn ào khi tiếp cứu, đoàn quân tiếp tục đi tìm nơi an toàn hơn để vượt. Ði mải đến chiều mới gặp khúc sông sâu rộng, nước chảy lờ đờ có thể vượt qua dễ hơn.

    + Vượt sông Kinh Ðà về Bão Lộc.

    Theo các quân nhân từng sống ở đây cho biết khúc sông này có thể có cá sấu nguy hiểm. Dù vậy, nhưng không thể nào đi xa hơn về hướng Tây sợ bị ngộ nhận với liên đoàn 24BÐQ cũng đi về Lâm Ðồng phát xuất từ phi trường Nhơn Cơ. Hơn nửa, càng đi xa về hướng Tây điểm đến Bảo Lộc càng xa, thà vượt sông nơi đây ruổi gặp cá sấu đói chỉ nuốt vài người xấu số còn hơn quanh quẩn lâu trong rừng càng nguy hiểm mà chưa chắc có nơi nào tốt hơn. Lệnh chặt cây kết bè ban hành, chỉ có những người yếu hoặc không biết lội mới được ngồi trên bè thôi.

    Bộ chỉ huy qua bờ sông bên kia trời đã khuya, tất cả đoàn quân nghỉ đêm, đồng thời giử an ninh cho số người qua sau. Dù hai ngày qua chưa có hạt cơm nào trong bụng nhưng không cảm thấy đói. Phải chăng cái đói nhường chỗ cho sự mệt nhọc lo âu. Qua theo dỏi hệ thông truyền tin, được biết đoàn quân dân hôm qua kẹt tại bờ Kinh Ðà, được đại tá tỉnh trưởng lần lượt chuyển qua Bảo Lộc (LÐ) nên ý nghỉ quay lại cứu họ không còn nữa. Với tình hình hiện tại, tôi nghỉ, địch không còn lẩn quẩn trong rừng như trước mà đã ra thị thành uy hiếp quân ta. Nghỉ vậy nên sự e ngại bị phục kích không còn cao và khi gà rừng vừa dứt tiếng gáy báo hiệu bình minh đang đến, tôi cho lệnh đoàn quân phía trước tiếp tục đi theo đường mòn về hướng xã Tân Rai (LÐ) mặc dù phải băng qua các hậu trạm của VC. May mắn không có gì trở ngại trên đường hành quân, nhờ vậy thời gian đến Lâm Ðồng rất nhanh (3 đêm bốn ngày). Toán quân đi trước băng qua các nhà lô VC chỉ gặp mấy chàng thương binh bắn vài phát súng lẻ tẻ rồi đâm đầu dọt hết. Các trạm này (nhà lô) chứa đầy ấp các bao gạo Mỹ, còn mới tinh, lính đốt bỏ.

    Trên đường về Tân Rai vài quân nhân cho tôi biết: “đêm vượt sông, khi bè gần đến bờ có nghe vài tiếng ơi ới rồi buông tay không hiểu nguyên do và cũng không phân biệt được ai vì trời tối thui”. Có thể một vài quân nhân xấu số nào đó bị đuối sức buông tay hay có thể bị cá sấu đói ăn thịt chăng! Chỉ một trong hai điều đó hay cả hai! Thật đáng thương.

    Trung tá Phạm Ðức Dư xuất thân từ sỉ quan tài chánh, làm Tham Mưu Trưởng Tiểu khu Lâm Ðồng từ khi còn đại uý cho đến khi chuyển qua làm tham mưu trưởng tiểu khu Quảng Ðức gần một tháng thôi (tôi xử lý chức vụ này trước khi ông đến). Trung tá Dư đã lớn tuổi, chưa quen lội hành quân, thành ra ông đã để tôi điều động tất cả đoàn quân từ lúc bắt đầu di chuyển. Và sau mấy ngày vất vả trong rừng, trung tá Dư bị mệt xỉu khi đoàn quân vừa tới xã Tân Rai (LÐ) và được nghỉa quân xã này (đệ tử cũ) đưa về nhà riêng của ông tại quận Bảo Lộc chăm sóc. Từ đó tôi không còn gặp ông.

    Sau đó bộ chỉ huy nhẹ chúng tôi được đại tá Nghìn cho trực thăng đón về tỉnh. Riêng đại úy Ngô Văn Nhị vẫn tiếp tục chỉ huy cánh quân về thẳng thị xã Bảo Lộc. Đến phi trường Bảo Lộc trời đã xế chiều. Thời tiết mát dịu với những cơn gió hiu hiu thổi qua mang theo mùi hương thơm ngào ngạt từ các cánh đồng trà vừa mới đâm bông đầy hương sắc. Tình hình rất yên tỉnh, chợ phố sinh hoạt bình thường, chỉ nghe lai rai những tiếng đạn đại bác của ta từ xa dội lại, có thể đang yễm trợ cho một tiền đồn nào đó đang bị địch tấn công. Chúng tôi yên tâm như không có gì xảy ra, thông thả dùng một bửa cơm chiều no nê với lẩu canh chua cá bông lau nóng bỏng, dỉa thịt kho tàu kèm theo ít rau chua thật ngon miệng, bù đắp lại phần nào những ngày đói khác hiểm nguy băng rừng vượt suối. Với tình hình còn sáng sủa đó, sau khi dùng cơm xong chúng tôi vào đánh một giấc ngon lành đến sáng như chưa bao giờ có. Sáng ra, đại úy Nguyễn Duy Huynh, tôi và các quân nhân thuộc cấp ra ăn sáng tại một quán xập xệ ngoài chợ. Tứ bề yên tỉnh không nghe một tiếng súng nào nổ cả. Dự định ăn xong sẻ dạo phố kiếm đôi giày nhà binh khác thay thế cho đôi giày Mỹ lội mấy ngày nay đã bị há mõm rồi.

    Nào ngờ, đang ăn ngon miệng bà chủ quán bổng nói


    – “Xe tăng VC vào thành phố từ hôm đến giờ, sao mấy ông còn ngồi đây”?
    – “Vậy hả! Bà nói đùa hay nói thật đó?” Tôi hỏi lại bà chủ quán.
    – “Ai đám đùa với mấy ông chuyện quan trọng như vậy”. Bà chủ nói tiếp.

    Nghe xong, tôi vẫn bình tĩnh. Tính tiền xong (không thuộc loại cao lâu ăn quỵt thổ đỉ chơi lường), vội rời quán. May thay lúc đó có một chiếc xe Jeep của toán liên lạc không quân (ALO) thuộc TK/LÐ trờ tới, trong xe chỉ có một tài xế thôi. ĐạI úy Huynh là bạn của thầy anh tài xế này từ lâu nên chận lại hỏi:
    – ‘Thầy mầy đâu rồi?’
    – “Dạ, ổng bay khi hôm rồi”. Người tài xế trả lờì.
    – “Vậy mầy theo tao”, đại úy Huynh nói như ra lệnh. Anh tài xế bước ra sau nhường tay lái cho tôi, Huynh ngồi ghế bên cạnh, các quân nhân còn lại ngồi hết phía sau. Tôi trực chỉ ra phi trường Bảo Lộc cách đó không xa vì lính Quảng Đức về tập trung nơi đây từ tối qua đến giờ. Vừa đến cổng phi trường, tôi lấy làm ngạc nhiên khi thấy lính Lâm Ðồng từ trong phi trường túa ra. Họ nói tăng VC tới đầu phi đạo rồi,l ệnh trung tá tỉnh trưởng Vương Ðăng Phong bảo họ về ÐàLạt. Tôi chưa tin vì tình hình còn yên lặng quá, chỉ thấy phe ta ùa ra ngày càng đông mà chả nghe tiếng “xe tăng xe tiết” gì cả.

    Ðang do dự, bổng thiếu tá Nguyễn Văn Ấn từ bên kia máy PRC25 rủ rê tôi:

    – “Mầy đến đâu rồi, đến quận ăn cơm rồi tử thủ với tao”. Tôi trã lời nửa đùa nửa thật:
    – “Mầy lạnh cẳng rồi hay sao rủ tao, mầy hảy chuẫn bị heo gà nhiều đi, Cậu sẻ đến ngay”.Thế là tôi lái xe hướng về quận Di Linh (Di linh nằm khoảng giửa Bảo Lộc và ÐL). Xe đang phon phon trên đường nhựa, bổng lệnh của đại tá Nghìn từ trực thăng bảo tôi:
    – “Sao bây giờ anh mới mở máy”? Tôi chưa kịp trã lời, đại tá lệnh tiếp:
    – “Anh phải tập trung các đơn vị của mình vào phòng thủ với quận Di Linh”. Nhận được lệnh trên, tôi cố lái xe nhanh hơn (thua Cao Bồi một xíu thôi, nếu chậm các xe lính phía trước dọt hết sao!), qua mặt một số xe chở lính đằng trước rồi thắng gấp giửa đường và xuống xe bắt đầu chận các xe chở lính lại.

    Chiếc xe đầu tiên tôi chận lại là lính thuộc TKLÐ. Họ thấy tôi mang hia đôi mảo trông oai vệ chứ chưa biết tôi là ai nên còn cự nự chưa muốn xuống xe; viện cớ lệnh trung tá Phong bảo họ về Ðàlạt. Nói vậy chứ cuối cùng thấy gương mặt tôi có chút Cô Hồn vương vấn nên họ đành xuống (không phải hiền lành như nai tơ khi gặp các cô đâu).

    Chỉ có lính Quảng Ðức khi thấy tôi ra hiệu tự động xuống xe. Bố trí quân tạm xong,t ôi và Huynh từ từ vào gặp Quận Ấn. Vừa đi vừa mừng thầm “trong hoàn cảnh này hai thằng cùng khóa, chiến đấu bên nhau càng vững tâm hơn”. Tại quận, tình cờ gặp trung tá tỉnh trưởng Vương Ðăng Phong rời Lâm Ðồng đến đây từ bao giờ. Tôi chỉ nghe tên ông thôi, chứ đây là lần đầu tiên được gặp. Tôi chào và trình trung tá Phong về ý định phòng thủ của Ðại tá Nghìn. Vừa nghe xong ông hỏi tôi:
    – Anh đãm nhận chức vụ gì bên tiểu khu Quảng Ðức?
    – Chỉ huy trưởng pháo binh kiêm tham mưu phó hành quân TK/QÐ. Tôi trã lời.
    – Anh có quân đây không?
    – Dạ có, đang bố trí ngoài kia.Tôi lại đáp.
    – Tỉnh trưởng anh đang ở đâu? ông lại hỏi tiếp.
    – Đang bay trên vùng để hướng dẫn các cánh quân còn kẹt trong rừng. Tôi lại tiếp như vậy.

    Không cần suy nghỉ, Trung tá Vương Ðăng Phong nói:
    – ‘Tình hình như thế này, Tỉnh trưởng anh có máy bay, có chuyện gì ông ta bay đi, còn tôi với anh … thì sao? Không cần tôi có ý kiến ông tiếp:
    – “Vậy anh muốn ở lại thì ở, tôi đi. Nói xong, ông ra lệnh thiếu tá Nguyễn văn Ấn nhổ antenna 292 và chuẫn bị di chuyển’. Trầm ngâm một lát, tôi báo cáo đại tá Nghìn quyết định của trung tá Phong như vậy. Im lặng một hồi lâu, đại tá Nghìn nói:
    – Thôi, ai sao mình vậy.!!!

    Suy nghỉ một lúc không tìm ra kế hoạch nào khác, chúng tôi âm thầm rời quận không buồn nói câu nào từ giã quận Ấn .“Cả đoàn quân ra sau bị kẹt hết rồi”, tôi thầm nghỉ như vậy. Ðứng trước đàn em thuộc cấp đang bố trí chờ lệnh, tôi chậm rải nói trong nghẹn ngào:
    “Thôi… các anh tìm mọi phương tiện… về Ðà lạt”.

    + Trở lại Ðà lạt

    Tới cầu Ðại Ninh trời vừa xế bóng, thấy trung sĩ Vũ Nguyên Cường đang đứng xớ rớ cạnh hai chiếc xe thiết giáp V100 của TKLÐ. Anh cho biết hai chiếc xe V100 được tăng cường giử cầu Ðại Ninh mấy ngày nay và trung tá tỉnh trưởng Vương Ðăng Phong đã qua cầu rồi. Lúc bấy giờ, đại úy Ngô Xuân Diên, yếu khu trưởng khu cầu Ðại Ninh, đứng đầu thành cầu chuyển lệnh trên:

    – “Quân Quảng Ðức được qua cầu còn quân Lâm Ðồng chưa thấy địch đã bỏ chạy phải ở lại chiến đấu”. Dù không bị ràng buộc bởi lệnh trên nhưng chúng tôi quanh quẩn nơi đó nửa giờ sau mới bắt đầu về Ðalạt.

    Ðã lâu lắm rồi tôi mới trỡ lại xứ sương mù Ðà Lạt; quanh năm thời tiết mát lạnh rất thích hợp với bao loài hao quý kể cả loài “Hoa Biết Yêu”. Ðà Lạt, nơi có Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam thân thương đã từng một thời nổi tiếng đẹp và lớn nhất Ðông Nam Á (trước năm1975). Ở đó tôi được mặc vào người bộ đồ lính đầu đời, được huấn luyện từ lúc chập chững bước vào đời binh nghiệp đầy gian lao nguy hiểm, bỏ lại sau nếp sống thư sinh nơi Saigòn hoa lệ và ở đó tôi vào đời với một niềm tự hào mảnh liệt, một tương lai huy hoàng đầy hứa hẹn của trai thời lọan như ta từng học:

    “Làm trai cho đáng lên trai,
    Xuống Ðông, Ðông tỉnh, lên Đoài, Ðoài yên”.

    Ðà Lạt chiều Xuân trời man mác lạnh, thỉnh thoảng từng cơn gió nhẹ thổi qua làm bay bay những mái tóc bồng bềnh của các nàng kiều nữ cao nguyên quanh năm môi thắm má hồng, đang rảo bước trên các con đường đồi thoi thỏi quanh co.Hình ảnh gợi tình đó hôm nay hơi vắng.

    Chung quanh cái hồ nổi tiếng thơ mộng ngàn đời mang tên Nử sĩ tài hoa đầy nhựa sống-Hồ Xuân Hương-hằng ngày thường đầy ấp nam thanh nử tú, những cặp tình nhân, những đôi uyên ương vừa mới kết tóc se duyên, đến đây tâm sự, tay trong tay, cặp từng cặp, dìu nhau theo nhịp đập con tim-nay vắng vẻ làm sao!!! Hàng hoa Anh đào tươi mát rộ nở trong khí tiết xuân đang khoe sắc trắng hồng nằm ngạo nghể bên lề đường từ rạp Hòa Bình đến bờ Hồ, chắc không mấy ai còn đũ tinh thần chiêm ngưởng hay ca tụng vẻ đẹp kiêu sa đài các của nó.

    Rất tiếc, thời gian và hoàn cảnh không cho phép đến thăm lại những thắng cảnh tươi mát bốn mùa như: Thung Lủng Tình Yêu, Hồ Than Thở, Thác Prenne, Thác Camly, Trại Hầm, Chùa Sư nử … vân vân và vân vân; những nơi đã từng có ít nhiều vương vấn bao kỹ niệm vui buồn khắc sâu trong tìm thức ở tuổi đôi mươi, lúc còn trong quân trường Ðàlạt, nhất là vào những dịp dạo “phố Hoa Ðào” cuối tuần. Còn nhớ lúc bấy giờ, có rất nhiều người đẹp từ các nơi, thỉnh thoảng trong đám xuân xanh ấy, cũng có mấy Nàng trông khá quen, thuộc dạng Hoa Khôi Xứ Mắm Phan Thành (như H.M,H.U,H.L.. .v.v.) vào thăm các Chàng Võ bị Hào Hoa. Những đoạn phim tình cảm tuy ngắn ngủi nhưng mang nhiều kỹ niệm xa xưa đó hiện ra trong tìm thức tôi không lâu, rồi tan biến nhường chỗ cho nổi âu lo của những ngày hiểm nguy sắp đến, như cụ Nguyễn Du đã viết:

    Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
    Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.

    Thật vậy, Ðàlạt đang ngột ngạt trong không khí chiến tranh, những người giàu có và các sinh viên từ xa đến học hầu như di tản gần hết, phố xá mở cửa lưa thưa, người bộ hành vội vã trên đường về, thỉnh thoảng đó đây những chiếc xe đầy lính lui tới tuần tra trên đường phố trong thế sẵn sàng.

    Qua một đêm ngon giấc trên nệm ấm giường êm tại khách sạn La Palace bên cạnh bờ hồ Xuân Hương; sáng hôm sau điểm tâm ở cà phê Tùng xong, tôi bay về Lâm Ðồng hướng dẩn các cánh quân còn trong rừng ra.

    Bầu trời Lâm Ðồng hôm nay rất quang đãng, tầm nhìn rất tốt. Từ trực thăng nhìn xuống thấy đoàn người đang hối hả vừa đi vừa chạy trên đường hướng về Ðà lạt. Trong quận Di Linh loáng thoáng một ít bóng người ăn mặc hỗn tạp ra vào. Trực thăng xuống thấp hơn các bóng người này trốn mất. Ðoán chắc đó không phải là quân ta mà cũng không phải là dân hôi của, thành ra khi liên lạc được với các cánh quân bạn, tôi hướng dẩn họ đi về hướng cầu Ðại Ninh an toàn hơn.

    Khi biết tôi đang bay trong vùng Bảo Lộc, từ cánh quân dưới đất Thiếu tá Nguyễn Khắc Hiếu (K19ĐL) cho biết đã bị sốt rét mấy ngày nay không thể tiếp tục đi được, yêu cầu tôi bốc dùm anh đồng thời cho xin mấy cục pin PRC 25. Anh cho biết đã giao quyền chỉ huy lại cho Ðại úy Tích, sĩ quan phụ tá của anh rồi. Quan sát một lúc thấy bải đáp khá trống trải, tôi yêu cầu phi cơ trưởng (hình như anh Huỳnh Chí Thành hay Trần Hoài phi đoàn 215 trực thăng) đáp cạnh quã đạn khói màu vừa đánh dấu baỉ đáp. Thiếu tá Hiếu vào xong, trực thăng cất cánh lên ngay lại bị mấy loạt súng AK47 bắn theo tới tấp. Lại một phen lên ruột vì địch bắn ta mà ta không thấy hướng địch. Nếu bắn lại không trúng địch mà trúng quân bạn lại càng ân hận, vì vậy phi cơ chỉ tiếp tục bay. Bình phi xong trực thăng bay thêm nhiều vòng nửa hầu tìm thêm có cánh quân nào cần giúp không, nhưng vì thiếu tá Hiếu quá mệt chúng tôi phải rời vùng trở về Ðàlạt. (Anh Hiếu qua Mỹ dịp tháng 4/75 tại Nam Cali và tử bệnh năm 2003. Một niên đệ thân tình ra đi!). Và ngày hôm sau bộ chỉ huy tiểu khu chúng tôi đi đường bộ về Nha Trang.

    Sở dỉ phải quan sát kỷ quận Di Linh như đã nói trên vì tôi biết hôm qua, sau khi quận này bỏ ngỏ, tiểu đoàn 202 ÐPQ/Tuyên Ðức đóng tại cầu Ðại Ninh (Di Linh cách cầu Đại Ninh chừng 60 cây số) được lệnh tái chiếm quận này mà không biết giờ đó đã vào được chưa!

    Sau này mới biết địch đã chiếm quận rồi như đã quan sát thấy, vì chính trung uý Nguyễn Thắng Lợi (sỉ quan quân số kiêm xử lý thường vụ trưởng ban ba tiểu đoàn 202ÐPQ) xác nhận. Anh cũng cho biết thêm: trên đường tiến đến quận Di Linh tiểu đoàn anh đánh bắt được chiếc xe be trang bị súng 57 ly không giật, giả làm tăng T54 của địch để hù ta; nhưng tiểu đoàn chưa chiếm lại được quận; một phần vì các nút chận của địch khá mạnh, một phần vì áp lực tâm lý rút lui của quân bạn lúc đó. Xin nói thêm, tiểu đoàn 202ÐPQ/TÐ là một đơn vị đánh giặc nổi tiếng ở quân khu II, dưới quyền chỉ huy của thiếu tá Lê Xuân Phong. Anh Phong là một vị chỉ huy dũng cảm và lanh lợi, đã từng hai lần vượt ngục nhưng không thoát nổi để rồi chịu nhiều trận đòn thù trối chết. Tôi từng ở tù chung với anh tại trại giam huyện Tân Kỳ tỉnh Nghệ Tĩnh vào thập niên 1980. Lúc ở tù anh thuộc diện cứng đầu lao động tà tà cho qua ngày mà mình thường dùng từ “cà nhỏng chống xăm lăng” chứ không phải thuộc diện lao động là vinh quang’ như VC dụ khị.

    + Liên Ðoàn 24 BÐQ.

    Lâm Ðồng mất không chỉ làm cho lực lượng TK/QÐ chới với mà còn làm cho LÐ24 BÐQ một phen xính xáng. Xin mở dấu ngoặc ở đây để giới thiệu sơ qua về LÐ24 BÐQ. Ðứng đầu tàu là trung tá Hoàng Kim Thanh, liên đoàn phó là trung tá Ðào Ðức Châu. Liên đoàn gồm ba tiểu đoàn sau:


    – Thiếu tá Trần Ðình Ðàng (K15ÐL) tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 63 (TÐ63BÐQ).
    – Thiếu tá Hoàng Ðình Mẫn (K2 Ðồng Ðế Nhatrang) tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 81.
    – Thiếu tá Vương Mộng Long (K20ÐL),tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 82 (TÐ82BÐQ).
    – Pháo đội PB 105 ly của đại úy Giang yễm trợ trực tiếp cho liên đoàn này..
    Như phần trên đã nói, LÐ24 BÐQ được tăng cường cho TK/QÐ, nhiệm vụ chính bão vệ quận Kiến Ðức. Sau khi rời phòng họp TK/QÐ,trung tá Hoàng Kim Thanh về lệnh cho các đơn vị trực thuộc thi hành kế hoạch như đã định (không phải TK/QÐ bỏ quên LD24BÐQ).

    Khi liên đoàn còn ở điểm vượt sông Kinh Ðà, quân ta vô ý để lựu đạn nổ khiến trung tá liên đoàn trưởng và trung úy Minh-sĩ quan truyền tin LÐ và vài binh sĩ bị thương phải chờ tải thương. Ngày hôm sau thiếu tá Hoàng Ðình Mẫn cũng được rời liên đoàn vì cơn bệnh sốt rét cấp tính và hai ngày sau nửa trung tá Ðào Ðức Châu cáo bệnh cũng được bốc đi.

    Liên đoàn như rắn mất đầu cụt đuôi (từ của Thiếu tá Trần Ðình Ðàng xát nhận tình trạng LÐ lúc đó). Tuy là khóa đàn em, kém thâm niên cấp bậc và quân vụ so với các vị tiểu đoàn trưởng khác nhưng nhờ tài chỉ huy, lanh lợi, gan dạ chịu đánh đấm, thiếu tá Vương Mộng Long được cấp trên chỉ định chỉ huy liên đoàn này từ lúc đó. Vì phải di chuyển theo phương giác từ lại xuyên qua rừng thông rậm rạp và chờ tải thương nhiều lần nên khi ra tới Bảo Lộc thấy cờ VC đã “cấm dùi” tự hồi nào, liên đoàn đành phải chuyển hướng về Ðức Trọng, rồi Thiện Giáo (Bình Thuận).

    Phải lòng vòng trong rừng mất nhiều ngày quần áo tả tơi, lương thừc khô cạn. Mải đến ngày 5 tháng 4 năm 1975 từ chiếc L19 của quân đoàn IÌI, trung tá BÐQ Nguyễn Khoa Lộc (K18ÐL) mới liên lạc được với LÐ 24 BÐQ và khẩn cấp xin trực thăng bốc đơn vị này ra. Sau mấy ngày dưởng thương bình phục, trung tả Hoàng Kim Thanh trỡ lại nhiệm vụ lần lược trực thăng vận liên đoàn về Phan Thiết an toàn.

    Tiểu đoàn 82 BÐQ của thiếu tá Vương Mộng Long được xem như đơn vị chủ lực và cũng là đứa con cưng của liên đoàn được không vận ra trước tiên tại phi trường Phan Thiết, lấy xăng rồi tăng cường cho sư đoàn 18BB tại Long Khánh trong ngày 6/4/75. Tại đây tiểu đoàn này đã đánh một trận oai hùng với VC mà chúng ta biết được lúc còn trong tù hay hải ngoại sau này. Nhưng với tình hình đất nước lúc bấy giờ, dù gan dạ và tài giỏi đến đâu cũng khó lòng chận đứng được sức tiến cũa Cộng Quân. Ðịch quân bị dội lại vì ăn phải hai quả bom tinh khôn (C.P.U) bất đắc dĩ của ta mà thôi.


    Vì không đũ trực thăng bốc liên đoàn ra cùng ngày nên hai tiểu đoàn 63 và 81 được chuyển ra sau bảo vệ phi trường Phan thiết. Sau đó không chịu nổi áp lực địch,hai tiểu đoàn này rút ra hướng biển để được trực thăng vận về Hàm Tân. Dù không được đi suông sẻ như Tiểu khu Quảng Đức, Liên đoàn 24BÐQ phải trải qua nhiều ngày đói rách tả tơi, băng rừng vượt suốt hiểm nguy, song vẫn duy trì được kỹ luật và tinh thần chiến đấu cao. Chính tiểu đoàn 82 BĐQ đã chứng minh điều đó qua trận đánh với VC tại Long Khánh trong những ngày cuối cùng. Họ chỉ buông súng đầu hàng vào giờ chót vì lệnh thượng cấp. Thật đáng ca ngợi thay!

    Nhân đây tôi xin được giới thiệu về thiếu tá BÐQ Vương Mộng Long, cựu tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 82 BÐQ. Năm 1972-1973, tôi thường hành quân với tư cách sĩ quan liên lạc pháo binh cạnh bộ chỉ huy BÐQ/QKII dưới quyền chỉ huy của đại tá Phạm Duy Tất, lúc đó anh Vương Mộng Long là trưởng phòng 2 của BÐQ quân khu II. Anh đã từng chỉ huy quân báo nhảy từng toán nhỏ vào sào huyệt địch, đôi lúc anh nhảy cùng với họ để làm gương và tìm những tin tức sốt dẻo. Ngoài trận Long Khánh nói trên, nếu ai đã từng ở Pleiku tháng chín năm 1974 chắc không quên mình đã từng xuống đường chào mừng tiểu đoàn 82 BÐQ của thiếu tá Vương Mộng Long về thành phố khao quân sau trận tử thủ căn cứ Pleime.Tiểu đoàn anh đã đánh tan trung đoàn 48 thuộc sư đoàn 320 CSBV khi họ thí mạng cùi tấn công căn cứ này. Khi bị tù ngoài Bắc, với sự can đảm có thừa, anh đã hai lần vượt ngục trốn lâu cả tháng trời nhưng cuối cùng vẫn không vượt khỏi gông cùm Cọng Sãn. Mỗi lần bị bắt lại đều được “đấm bóp” kỷ, bị bề hội đồng xém chết. Dở mủ xin chào lòng dũng cảm đầy gan dạ của anh-thiếu tá Vương Mộng Long-khóa 20 Trường Võ Bị Ðà Lạt- ‘Con Cọp Ðộc‘ của Biệt Ðộng Quân – Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.

    + Ðạn khói pháo binh trị tăng

    Nói về xe tăng địch, tôi xin trình bày một sự việc dù muộn màng nhưng mục đích không phải để khoe mình, còn nói để lấy kinh nghiệm thì trể rồi không còn nửa.
    Giửa tháng 12/1973 tại quận Kiến Ðức tỉnh Quảng Ðức (nay là Ðắc Nông), sau khi chiếm đồn Buprang địch thừa thắng xông lên, tăng T54 tiếp tục tiến chiếm đồn Bu-Bông gần đó chừng hai cây số đường chim bay. Trung úy Nguyễn Văn Năm (Bến Tre), trung đội trưởng PB 105 ly tại đồn Bu Bông dùng đạn nổ bắn trúng tăng địch nhưng nó vẫn lù lù tiến về anh; anh báo tôi như vậy. Từ bộ chỉ huy nhẹ hành quân của QÐII tại tiểu khu Quảng Đức, tôi cho lệnh anh nạp đạn khói vào bắn (cách xe địch khoảng hai cây số).
    Thế rồi, quả đạn khói thứ nhất đi, một chiếc tăng địch bị khựng lại; quả đạn khói thứ hai đi, một chiếc tăng nửa đứng yên và các chiếc tăng còn lại đâm đầu chạy trốn vào rừng gần đó, đơn vị anh reo hò mừng rỡ. Khi nghe anh báo cáo về trung tâm hành quân đã hạ được hai xe tăng địch (lần đầu tiên PB hạ xe tăng địch bằng đạn khói), chúng tôi rất vui mừng và thấy “cặp lon đại uý sắp lắp lánh trên cổ áo anh”. Nhưng… tiếc thay, đơn vị bảo vệ trung đội PB của anh bị đánh te tua không đũ khả năng chống lại địch buộc anh phải rút nếu không họ bỏ lại (pháo binh không trực tiếp chiến đấu một mình ngoài trường hợp bất khả kháng). Vì vậy anh đành ngậm ngùi nuốI tiếc phá súng tháp tùng theo họ. Nửa giờ sau các anh không quân vào vùng lại báo cáo hạ được hai tăng địch.!!! (trể rồi anh bạn, nhưng dù sao cũng cám ơn anh đã xác nhận có tăng địch CHẾT tại trận)

    Thóang nghĩ của tôi khi cho bắn đạn khói lúc đó là vì trong đạn khói có chất lân tinh (phot pho); khi đạn trúng xe chất lân tinh tỏa ra tứ hướng trúng da thịt người, cháy âm ỉ không chịu nổi hoặc nếu trúng đức xích, xe sẽ không xữ dụng được. Sách vở cả Mỹ lẫn Việt không có dạy đạn khói pháo binh hạ tăng địch. Tôi cho bắn đạn khói vì vài thoáng nghỉ nói trên, nào ngờ đạn khói lại hiệu quã như vậy. Rất tiếc lực lượng ta lúc bấy giờ không tái chiếm lại đồn Buprang nên không thể khai thác được hiệu quả thật sự của đạn khói như thế nào ngoài việc làm xe tăng địch không xữ dụng được như trên.
    Vì trận này quân ta tổn thất khá nặng (mất đồn Buprang) ngoại trừ pháo binh hạ được hai chiếc tăng địch nên thành tich của trung úy Nguyễn Văn Năm không được cấp trên lưu ý. Anh chỉ được thượng cấp cho đi du lịch Ðài Loan năm 1974 trong đoàn “chiến sĩ xuất sắc” qua sự giới thiệu của tôi.

    Ðầu tháng 1/1974, trước mặt trung tướng Nguyễn Xuân Thịnh – Chỉ Huy Trưởng pháo binh quân lực VNCH – tôi xác nhận “đạn khói pháo binh trị được xe tăng” nên sau đó bộ chỉ huy pháo binh có ra văn thư về việc phải xử dụng đạn khói pháo binh bắn tăng địch, nhưng có lẻ văn thư này không được phổ biến rộng rải cho toàn thể quân lực VNCH nên quân ta rất còn e sợ khi nghe có tăng địch xuất hiện. Ðã e sợ thì không còn tinh thần chiến đấu. Giới đá gà gọị những con gà mới thấy mặt đối phương đã bỏ chạy là gà rót. Thất bại từ tâm lý đó!!!

    + Về vùng cát trắng

    Kẻ viết bài này xin được nói rõ hơn một chút về mình sau khi rời Đalạt. Chúng tôi đến Nha Trang trời vừa chạng vạng, đường xá tấp nập xe chạy, người đi, hầu hết là quân đội và dân chúng chạy giặc từ cao nguyên về hoặc từ vùng ngoài vào. Tôi lê la ra quán cơm Viêt Nam nằm sát bờ biển, mục đích không phải để nhìn trăng “di chuyển qua các làn mây” (lúc nhỏ tôi tưởng như vậy) mà cũng không phải để ngắm dáng Chị Hằng phản chiếu dưới mặt nước hay nghe những tiếng sóng vổ rì rào pha lẫn những tiếng rao “đậu hủ nóng hôn” của các cô bán tào phủ về đêm, mà chỉ muốn cho tâm hồn bớt căng thẳng và kiếm chút gì bỏ bụng sau một ngày mệt mõi. Tình cờ gặp hai người bạn cùng khóa năm xưa (thiếu tá Phạm Văn Trung thuộc trung tâm huấn luyện Không Quân Nha Trang và t/t Huỳnh Văn Giai trưởng phòng tuyển mộ nhập ngủ Khánh Hoà). Gặp nhau tay bắt mặt mừng nhưng nụ cười không trọn vẹn trên vành môi vì sự bi thảm của đất nước hiện tại. Như đàn chim sau khi đũ lông đũ cánh phải lìa tổ ấm tung bay khắp bốn phương trời;chúng tôi sau hai năm tròn dồi mài văn vỏ, phải rời mái trường mẹ thân yêu cuối năm 1963 về phục vụ bốn vùng chiến thuật nay tình cờ hội ngộ trong hoàn cảnh éo le này. Tuy nhiên dù hoàn cảnh nào chúng tôi cũng không quên nhắc nhở những kỹ niệm thời sinh viên sĩ quan, nay thằng nào sống chết ra sao và cũng không quên mời nhau “năm mươi phần trăm em ơi” để vơi đi phần nào nổi lo hiện tại và cũng làm tăng thêm niềm vui của sư sống… Đang thao thao bất tuyệt những chuyện đánh nhau sống chết, bổng Phạm Văn Trung hỏi tôi:

    – “Vợ con mầy đâu rồi,sẵn sàn sáng mai tao gửi máy bay về Saigòn cho sớm?” Trong hoàn cãnh này được người bạn nhả ý vậy thật là quá quý. Riêng vợ chồng Giai đã biết gia đình tôi nhiều trong những lần đi học hay nghỉ mát ở Nha Trang rồi, còn Trung chỉ mới gặp lần đầu nên tôi cám ơn và giải thích lòng vòng một tí cho anh biết.

    – “Cám ơn hảo ý của mầy, vợ tao đang làm tại Tổng Cục Du Lịch ở Saì gòn. Riêng hai đứa con vừa được cậu nó đưa lên thăm tao. Thấy tình hình không yên; Tao gửi tụi nó theo trực thăng của cơ quan Dao (cố vấn tiểu khu) về nhà ba má Trần Thiện Thanh ở Bão Lộc để nhờ hai ông bà lo xe cho chúng về Sai gòn cách nay gần mươi ngày, nếu trể tụi nó bị lội hành quân với tao rồi”.

    Hôm nay tình hình quân sự tại đèo Khánh Dương hơi bi quan, quân dù đóng tại đèo Khánh Dương có vẻ muốn nhúc nhích. Dù trời chưa khuya nhưng chúng tôi vẫn ý thức được: “vui chơi không quên bỏn phận”. Khoảng chín giờ chúng vội chia tay nhau sớm về lo việc mình. Riêng phần tôi trưa hôm sau vào trình diện Bộ Chỉ Huy/PB/QÐII (trong Nha trang) nhận nhiệm vụ mới. Hôm ấy,trước khi vào trình diện BCH/PB/QÐII, đại tá Nghìn dặn tôi:

    – “Anh vào xem thấy nhận được thì nên nhận, ngược lại thì ra đây bay trở lại Ðà lạt với tôi nhận nhiệm vụ mới, tôi chỉ chờ anh một tiếng đồng hồ thôi”.

    Trình diện đúng giờ hẹn, đại tá Phan Ðình Tùng – chỉ huy phó PB/QLVNCH và trung tá Phạm Hữu Chương – rất vui vẻ đề nghị tôi làm tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 69PB thay thế trung tá Chương (tôi từng làm phó cho ông tại tiểu đoàn này năm 1972). Trung tá Chương đưa tôi đi quan sát hậu trạm tạm thời của tiểu đoàn 69 PB trú trong sân bay Nha trang. Trên đường đi, trung tá Chương cũng khuyến khích tôi:

    – “Biết khả năng và thâm niên cấp bậc cũa anh nên đại tá chỉ định thẳng anh, đây là cơ hội vàng hiếm có để bắt cái lon trung tá chứ binh chủng mình khó lên lắm”. Nghe hai tiếng trung tá cũng ham nhưng mà… qua nửa giờ đồng hồ gọi là “thăm lính cho biết sự tình” nhận thấy tiểu đoàn di tản từ Pleiku về đây có vẻ bi thảm quá, súng ống chưa trang bị kịp. Nếu tôi chấp thuận phải đem đơn vị vào căn cứ Ðộng Bà Thìn (giửa đường Nha trang-Cam Ranh) huấn luyện, trang bị lại. Lâu quá!

    Nhận thấy nhiệm vụ quá nặng nề khó lòng thực hiện được trong hoàn cảnh bi đát này, tôi từ chối. Ra đến nơi hẹn, đại tá Nghìn chờ không được đã đi Đà lạt rồi; thầy trò tôi (tài xế và tôi) nghỉ qua đêm chờ sáng mai đi Ðà lạt.

    Sáng hôm sau, trên đường rời Nha Trang, người và xe cộ hổn độn chật ních, hầu như không còn trật tự lưu thông nửa. Chúng tôi lách đi rất khó khăn mới tới được Phan Rang. Gặp bà vợ Trần Công Triệt đang lăng xăng với năm đứa con dại muốn tìm cách vào phi trường về Sài gòn. Riêng đại úy Triệt đang chỉ huy đại đội trấn thủ trên đập Đa Nhim. Tôi đưa sáu mẹ con bà Triệt (đầy xe jeep 8 người) vào phi trường và được trung tá Nguyễn Văn Thiệt (K18ĐL) và thiếu tá Trương Khương (K19ĐL) là không đoàn trưởng và không đoàn phó phòng thũ đưa lên phi cơ về Saì gòn mấy phút sau đó. Phần tôi tiếp tục hướng về Đà lạt. Vừa qua khỏi đèo Sông Pha, bị đoàn xe từ Ðà Lạt đổ xuống không thể nào tiếp tục được. Họ cho biết Đà lạt đã bỏ ngỏ. Tôi đành quay lại phi trường Phan rang (2/4/75?). Tối đó quân dù đã nhóm khỏi đèo Khánh Dương và trung tâm huấn luyện Lam Sơn bắt đầu rút. Tướng Phú và đại tá Lý Bá Phẩm (tỉnh trưởng Nha trang cũng có mặt tại phi trường Phan rang đêm đó. Thấy tôi ở đó vài ngày chẳng có nhiệm vụ gì,Trung tá Nguyễn Văn Thiệt (bạn cùng K18ĐL) và thiếu tá Trương Khương giúp tôi về Sài gòn.Tôi trình diện BCH/PB/VNCH và nhận lệnh tăng cường cho PB quân đoàn III phòng thủ tại Long Thành cho đến ngày mất nước rồi khăn gói đi tù từ Nam ra Bắc.Sang Mỹ theo diện Ho Lao (H.O) năm 1991.

    + Kết luận

    Ðó là một số hiểu biết trong phạm vi trách nhiệm hạn hẹp của tôi tại một vùng cao nguyên hẻo lánh trong giai đoạn đen tối nhục nhã của lịch sữ nước nhà. Cuộc chiến quân sự đã qua dù kêt thúc không theo chiều hướng mong đợi của ta. Ta không thể hoàn toàn trách Mỹ vì họ bỏ rơi đồng minh; mà không khe khắc chính mình; đặc biệt những người từng nắm chức vụ chỉ huy cao trước ngày có hiệp định Paris 1973. Ông bà ta từng nói: “Tiên trách kỷ hậu trách nhân” (Trách mình trước khi trách người).

    Cuộc chiến đã qua, những đau thương dân tộc từ đó vẫn còn tồn tại. Hình ảnh của những người cùng một chiến tuyến, thượng cấp, thuộc cấp, bạn bè phơi thay nơi trận địa, những người dân vô tội nằm chết đó đây, những người chết do bị hành hạ đói khát trong lao tù Cọng Sãn, trong rừng sâu hoặc làm mồi cho cá mập ngoài biển cả trên đường tìm tự do chưa phai mờ trong trí tôi. Có những người không chỉ chết một lần. Họ đã hy sinh để cho quê hương Việt Nam Tự Do, Dân Chủ, Hạnh Phúc, Phú Cường. Là Người Việt Quốc Gia, chúng ta không thể quên ơn Họ. Chúng ta hảy cùng thắp nén hương lòng đến Họ và cầu nguyện cho linh hồn Họ về nơi Họ muốn. Chúng ta cũng không quên ơn những “Quân, Cán, Chính Già” đã hy sinh đời trai trẻ của mình và đặc biệt không quên các Anh, Chú, Bác thương bệnh binh đang sống đói khổ nhục nhã nơi quê nhà, nơi vùng kinh tế mới xa xôi hẻo lánh nào đó.

    Houston,Texas Xuân 2005

    Nguoi Nghien Cuu VNCH | 13:39 | 7-10-2009

    Toi Sinh Sau 1975, nhung doc lich su biet nhieu it ve cach danh cua VNCH, cach danh chi tu vao Cong San la dung nhung sau 1973 thi My bo Vietnam, luc do ong Nguyen Van Thieu rut quan tren vung II chien thuat la lam to, de quan o do danh cong san luon dung rut ve, neu cong san di duong mon HCM vo mien nam lam cho ong Thieu so la sai. Theo Toi de cho no dua quan vao di, khi no keo quan vao het trong day chi can dem may chiec may bay ra mien bac oanh tac tai phu chinh Hanoi may trai bom nhung trai bom nguyen tu la no rut ve roi. Luc do dau can nghe tui My noi gi nua VNCH lo VNCH di con lo nghe my chi roi de thua

    Thiet ra bo bomb tai Hanoi la tui cong san danh mien nam nghe tin vay la lam sao danh noi hon nua trong Saigon con Quan Doan IV chien thuat ma so gi.

    Nguyen Hung Kiet | 15:54 | 7-13-2009

    Bạn độc giả trên có ý kiến rất hay, Nhưng 1975 QLVNCH không làm được vì các lí do sau đây:
    1, các chiến đấu F5, oanh tạc cơ A 37, không thể bay ra Hà nội, rồi trở về vì tầm bay có hạn. Trong hồi ký cùa phó đề đốc Hồ van Kỳ Thoại tư lệnh hải quân vung 1 tiết lộ khi Trung cộng tấn công Hoàng sa 1-1974, Ông xin Tướng N Q Trưởng tư lệnh vúng cho Không quân dội bom yểm trợ Ham đoi Hải quân VNCH, đang hải chiến với Hạm đội Trung Cộng đông gấp 3 lần. Không quân vung 1 trả lời các phi cơ chỉ bay dến Hoang Sa, là không đủ xăng bay về. (Đà Nẵng cách Hoàng Sa 200 Hải Lý (chưa dến 300 miles). Đà Nẵng đến Hà nội khoảng 500 miles (800Km).
    Chỉ có cách như các Phi đoàn Thần Phong Nhật Bàn trong war 2, phi cơ chất đầy bom xuống lao xuống mục tieu, cả máy bay, bom, mục tiêu đều tan tành. QLVNCH không thể làm điều đó.
    2, QLVNCH hình thành trong thời gian Ngắn (1954-1975). Các sĩ quan tài giỏi thông minh, kiến thức đại học chỉ bắt đầu khóa Võ bị Đà Lạt 14 dưới thòi TT Diệm, 1975 cấp bậc cao nhất Đại tá Trung đoàn trưởng, Lữ đoàn Trưỡng.
    Trong khi đó trên 100 ông tướng, trên 80% là không có khả năng, lên theo thời thế, đào tạo thời Pháp trong thòi gian mấy tháng.
    Trận chiến 1971 Hạ Lào, Trận chiến 1972, rất nhiều sĩ quan cấp tá, câp úy tài giỏi đều tử trận do lổi lầm các Tướng tư lệnh vùng.
    Một Tướng CS giám đốc học viên quân sư CS đã nói sau 1975: nếu không có trận Hạ Lào 1971 diệt tiềm lực của miển Nam, giải phóng 1978-1980, chúng ta chưa chắc chiến thắng, các sĩ quan thòi Ông Diêm từ K14 võ bị lên Tướng nắm tư lệnh vùng, tư lệnh sư đoàn, chúng ta khó lòng giải phóng miền Nam.
    Sư thật đau lòng trận Hạ Lào 1971 do lôi lầm Tuóng Hoàng Xuân Lãm tư lệnh vung 1. quân lực VNCH tan nát, nhưng lại thổi phồng chiến thắng vì cuôc bầu cử TT 1971. Ông Thiệu tuyên dương Tuóng Lãm truóc Lễ duyệt binh mừng chiến thắng tại Huế 6-1971.
    Bạn mến, càng nghiên cứu về VNCH Tôi càng phát điên về hàng ngũ lãnh đạo trước 1975.

    https://phamhungcdqp.wordpress.com/2013/09/20/cuoc-rut-quan-khoi-quang-duc-thang-3-1975/

    Không có nhận xét nào