Header Ads

  • Breaking News

    Tăng già Miến Điện: Nỗ lực thoát khủng hoảng bằng bất bạo động

    Ban lãnh đạo Tăng già Miến Điện : Ảnh chụp năm 1994 tại Rangoon. © Wikipedia

    Hơn 6 tuần lễ kể từ cuộc đảo chính Miến Điện. Biểu tình phản kháng diễn ra hàng ngày, chính quyền quân sự gia tăng đàn áp, bất chấp kêu gọi quốc tế. Gần 200 dân thường bị sát hại, hơn 2.000 người bị bắt. Bạo lực gia tăng. Khủng hoảng Miến Điện dường như sắp đi vào ngõ cụt. Đại đa số dân Miến Điện theo đạo Phật. Tôn giáo chủ trương hòa bình này có thể đóng vai trò gì cho việc giải quyết khủng hoảng bằng con đường bất bạo động ?

    Về phản ứng của giới tăng ni Phật giáo Miến Điện, khi so sánh với cuộc « cách mạng Áo cà sa » năm 2007, dễ dàng thấy sự hiện diện của chư tăng trong hàng ngũ phong trào Bất tuân Dân sự chống đảo chính là khá ít ỏi. Trong hàng ngũ tăng già Miến Điện, không ít người hoặc công khai hoặc ngầm ủng hộ tập đoàn quân sự. Tuy nhiên, giới chuyên gia và truyền thông quốc tế cũng ghi nhận những nỗ lực của cộng đồng Tăng già Miến Điện, tìm lối thoát cho khủng hoảng bằng con đường bất bạo động. RFI tổng hợp một số thông tin và trình bày dưới dạng hỏi đáp.

    ***

    Nỗ lực tìm lối thoát cho khủng hoảng bằng con đường bất bạo động của cộng đồng Tăng già Miến Điện có điểm gì đáng chú ý ?

    Hôm nay 17/03/2021, truyền thông quốc tế đồng loạt loan tin về quan điểm chính thức của Tăng đoàn Mahā Nāyaka, tổ chức lớn nhất của cộng đồng Tăng già Miến Điện, kêu gọi tập đoàn quân sự chấm dứt đàn áp những người phản đối đảo chính, lên án « một thiểu số có vũ trang » tra tấn, giết hại thường dân.

    Tăng đoàn Mahā Nāyaka (người Miến Điện thường gọi là « Ma Ha Na ». Tên đầy đủ tiếng Anh là State Saṅgha Mahā Nāyaka Committee – SSMNC) là một tổ chức gồm các chức sắc Phật giáo cao cấp do Nhà nước bổ nhiệm, có sứ mạng giám sát và điểu chỉnh các hoạt động của cộng đồng Tăng già Miến Điện.

    Có thể đối với nhiều người, việc Tăng đoàn Ma Ha Na có tuyên bố kêu gọi chính quyền quân sự chấm dứt đàn áp người biểu tình là một quyết định bất ngờ. Tuy nhiên, một số nhà quan sát đã ghi nhận, trước và sau cuộc đảo chính, lập trường của Tăng đoàn Ma Ha Na – cũng như một số tổ chức quan trọng khác của cộng đồng tăng già Miến Điện - là tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Miến Điện bằng con đường bất bạo động.

    Hãng thông tấn Agenzia Fides của Giáo hội Công giáo có bài viết đáng chú ý mang tựa đề « Các tu sĩ Phật giáo kêu gọi Quân đội chấm dứt bạo lực và khẩn cấp tiến hành đàm phán » (ngày 06/03/2021). Bài viết đặc biệt chú ý đến việc cao tăng Sitagu Sayadaw, cùng 8 chức sắc Phật giáo cao niên cùng hệ phái, chính thức khẳng định lập trường kêu gọi tập đoàn quân sự chấm dứt đàn áp nhằm vào phong trào Bất tuân Dân sự. Cao tăng Sitagu Sayadaw là người lãnh đạo hệ phái hay dòng tu Shwegyin Nikāya, hệ phái lớn thứ hai tại Miến Điện.

    Theo Agenzia Fides, việc cao tăng Sitagu Sayadaw chính thức khẳng định quan điểm có ý nghĩa rất quan trọng, « không chỉ là một hỗ trợ cho việc tăng ni tham gia phong trào phản kháng bất bạo động trên đường phố, mà còn là một trợ lực » cho Tăng đoàn Ma Ha Na trong việc vận động chính quyền chọn giải pháp bất bạo động.

    Hãng tin Vatican cho biết thêm, ngay sau khi nổ ra đảo chính, nhà sư Bhamo Sayadaw Bhaddanta Kumara, lãnh đạo tăng đoàn Ma Ha Na, đã gửi thư riêng cho các lãnh đạo tập đoàn quân sự, để yêu cầu các tướng lĩnh đàm phán với chính phủ dân sự bị lật đổ, hiện đang bị giam giữ.

    Giữa tháng 2/2021, lãnh đạo Tăng đoàn Ma Ha Na cũng đã chính thức đề nghị tập đoàn quân sự ngồi vào bàn thương lượng. Không chỉ sau khi đảo chính nổ ra, Ma Ha Na mới can thiệp. Ngày 29/01, nhà sư Bhamo Sayadaw, lãnh đạo Ma Ha Na đã có thông điệp, kêu gọi chính phủ dân sự và giới tướng lĩnh đàm phán về bất đồng xung quanh kết quả cuộc bầu cử Quốc Hội 08/11/2020, « bằng con đường hòa bình và trong khuôn khổ pháp luật ».

    Một số người cho rằng cộng đồng Tăng già Miến Điện về cơ bản ngả về phía Quân đội, và đứng bên ngoài cuộc phản kháng của dân chúng chống lại các đàn áp của chế độ độc tài quân sự. Điều này có phản ánh đầy đủ thực tế ?

    Về vấn đề này, trang mạng Religion & Diplomacy của trung tâm Berkley Center for Religion, Peace, and World Affairs, Đại học Georgetown University, có bài phỏng vấn hai chuyên gia về tôn giáo Miến Điện (bài « Faith and the Coup : An Interview with Susan Hayward and Iselin Frydenlund on the Religious Dimensions of the Situation in Myanmar », trang Religion & Diplomacy, 03/03/2021). Hai nhà nghiên cứu tôn giáo đặc biệt chú ý đến các nỗ lực của lãnh đạo Quân đội Miến Điện Min Aung Hlaing, không chỉ nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các sư tăng với tư cách cá nhân, mà còn nhằm thông qua sự ủng hộ của một bộ phận chư tăng Phật giáo, khẳng định uy tín chính trị của cá nhân viên tướng này, cũng như của tập đoàn quân sự.

    Sau cuộc đảo chính, tướng Min Aung Hlaing cũng một số tướng lĩnh khác đã đến ngôi chùa Hòa Bình ở thủ đô Naypyidaw, cũng như một số địa điểm tôn giáo danh tiếng khác, thực hiện một số nghi thức Phật giáo. Hình ảnh các nghi thức nói trên sau đó đã được phổ biến rộng rãi trên các mạng thông tin của Quân đội. Ngay trước cuộc đảo chính, lãnh đạo Quân đội cũng đã đến tham vấn Tăng đoàn Ma Ha Na. Và theo một chuyên gia khác về Miến Điện, bà Ingrid Jordt, thì tướng Min Aung Hlaing đã đến cung tiến tại một ngôi chùa lịch sử, gắn với các đời vua Miến Điện từ thế kỷ XIII, nhằm xin lộc cho cá nhân cũng như cho toàn thể Quân đội. Rõ ràng tướng Min Aung Hlaing có tham vọng trở thành lãnh đạo tối cao đối với quyền lực thế tục tại Miến Điện, theo truyền thống của vương quyền Phật giáo Theravada, tức người được hưởng ân huệ của đạo Phật về mặt tâm linh, cũng chính là người có trách nhiệm bảo vệ các cơ sở tôn giáo, bảo vệ Tăng già.

    Hai chuyên gia về tôn giáo Miến Điện cũng khẳng định không chỉ tướng Min Aung Hlaing có mục tiêu xây dựng hình ảnh của một người lãnh đạo chính quyền thế tục, với tư cách một Phật tử chân chính và mẫu mực, giống như các vị vua anh minh Miến Điện trước đây. Bà Aung San Suu Kyi, trong thời gian lãnh đạo chính phủ dân sự, cũng hướng đến mục tiêu này, theo cách riêng của mình. 

    Hai chuyên gia về tôn giáo Miến Điện thừa nhận là một số tổ chức Phật giáo dân tộc chủ nghĩa, như « Hiệp hội các sư tăng yêu nước », có thái độ khá công khai ủng hộ chính quyền quân sự. Tuy nhiên, khó có thể nói, đông đảo tăng già kể cả thành phần sư tăng dân tộc chủ nghĩa có thái độ ủng hộ dứt khoát vụ đảo chính quân sự. Thậm chí ngay cả nhiều thành viên của hiệp hội Phật giáo « dân tộc chủ nghĩa cực đoan » Buddha Dhamma Parahita Foundation (thường gọi là nhóm Ma Ba Tha) cũng có lập trường chống đảo chính. Có thể nói với những người này, « tư tưởng dân tộc chủ nghĩa có thể kết hợp với nền dân chủ ».

    Hai chuyên gia về tôn giáo Miến Điện cũng nêu bật việc một số tu viện Phật giáo rất có uy tín tại Miến Điện, như Mahagandayone và New Masoyein ở vùng miền trung Mandalay, đã công khai lên án đảo chính. Thiền viện Mahagandayone đặc biệt nổi tiếng là một cơ sở Phật giáo « hoàn toàn không tham gia chính trị, có truyền thống tu học khổ hạnh, mẫu mực ».

    Nỗ lực của cộng đồng Tăng già Miến Điện có thể đóng góp gì cho việc giải quyết khủng hoảng chính trị hiện nay thông qua con đường bất bạo động ?

    Tương lai của Miến Điện phụ thuộc rất nhiều vào các bên, đặc biệt là lập trường của tập đoàn quân sự, hiện nắm trọn vẹn quyền lực trong tay, tuy nhiên, vai trò của cộng đồng Phật tử nói chung, và nhất là cộng đồng Tăng già nói riêng là không hề nhỏ. Nhà nghiên cứu tôn giáo Mark Silk, trung tâm Center for the Study of Religion in Public Life, Đại học University of Missouri, trong một bài viết mới đây (trang Religion News, ngày 13/03/2021) nhấn mạnh đến việc những người nắm quyền lực thế tục (dù là quân đội hay dân sự) đều phải được sự ủng hộ của cộng đồng Tăng già, để khằng định được uy tín và tính chính đáng của mình.

    Nhà nghiên cứu Mark Silk nhấn mạnh đến khái niệm « hpoun » đặc thù của truyền thống tư tưởng Phật giáo Miến Điện. « Hpoun » là một sức mạnh tâm linh. Nguồn gốc của sức mạnh này là các tu viện, hay Tăng già, tức cộng đồng của những người từ bỏ mọi ham muốn thế tục đi theo lý tưởng Phật giáo. Theo quan niệm này, các lãnh đạo chính quyền, cũng như bất cứ ai trong xã hội thế tục, chỉ có được sức mạnh tâm linh này thông qua các hành động cúng dường cho chư tăng, mà hành động cúng dường tiêu biểu là đặt thức ăn vào bình bát của chư tăng đi khất thực.

    Trong cuộc cách mạng Áo cà sa năm 2007, để phản đối chính quyền quân sự, các sư tăng Miến Điện đã không tiếp nhận thực phẩm cúng dường. Hành động quay ngược « bình bát », khi đi khất thực, đồng nghĩa với việc giới Tăng già không chấp nhận trao cho những người lãnh đạo chính quyền quân sự sức mạnh tâm linh truyền thống. Theo nhà nghiên cứu Mark Silk, chính thái độ phản kháng quyết liệt đó rút cuộc đã dẫn đến việc lãnh đạo tập đoàn quân sự thời đó, tướng Than Shwe (cầm quyền từ năm 1992) phải chấp nhận từ chức lãnh đạo tối cao năm 2011, mở đường cho bầu cử tự do, thành lập chính phủ dân sự. 

    Lẽ dĩ nhiên, xã hội Miến Điện hiện giờ đã có nhiều thay đổi, uy quyền tâm linh của Tăng già Miến Điện cũng có thể không còn như trước. Tuy nhiên, giới tướng lĩnh cũng không còn độc  quyền cai trị như trước. Dù nắm trọn quyền lực trong tay, nhưng về mặt chính thức, tướng Min Aung Hliang không thể nào công khai biện minh cho chế độ độc tài quân sự. Nhà lãnh đạo độc tài Miến Điện chỉ có thể khẳng định tính chính đáng của mình với những lời lẽ ca ngợi các giá trị… dân chủ, đa nguyên, đa đảng.

    https://www.rfi.fr/vi

    Không có nhận xét nào