Đại tướng Mông Nguyên từng làm rung chuyển cả Á Âu
Gồm các tập: 1, 2, 3, 4
TĩnhThuỷ
Vẫn biết rằng “thành bại là lẽ thường của binh gia” nên bài viết này không phải nhằm mục đích hạ thấp các tướng lĩnh lừng danh đã từng thất bại tại Đại Việt, mà chỉ là mượn chút uy danh của họ để nêu bật lên sự huy hoàng của các tướng sĩ nước Nam…
Chiến tranh luôn đem lại khổ đau và tai nạn cho nhân loại. Dù cho kẻ thắng hay người thua đều vì nó mà phải thương tâm. Chẳng thế mà Nguyễn Du đã từng có thơ rằng:
“Liên phong cao sáp nhập thanh vân
Nam bắc quan đầu tựu thử phân
Như thử hữu danh sinh tử địa
Khả liên vô số khứ lai nhân
Tắc đồ tùng mãn tàng xà hổ
Bồ dã yên lam tựu quỷ thần
Chung cổ hàn phong xuy bạch cốt
Kỳ công hà thử Hán tướng quân”.
(Quỷ Môn Quan – Nguyễn Du).
Dịch thơ:
“Giăng giăng núi phủ vút từng mây
Nam bắc chia nhau tại chỗ này
Sinh tử từng nghe nơi hiểm trở
Tới lui bao kẻ xót thương thay
Bụi gai ngăn lối hùm beo núp
Khói độc đầy non quỷ quái đầy
Xương trắng ngàn xưa phơi gió lạnh
Khen gì tướng Hán chiến công hay”.
(Bản dịch của Trương Việt Linh/ thivien.net )
Dù biết chiến tranh là ác liệt khủng khiếp, nhưng vẫn có vô số kẻ khuấy động can qua, đem tai họa đến cho biết bao lương dân. Tất cả cũng chỉ vì muốn vinh danh anh hùng trên chiến địa, muốn được lưu truyền thiên cổ. Rất nhiều kẻ trong số đó đến từ các triều đại Trung Quốc, khi đạo đức xã hội thoái hóa, các đấng quân vương đã không dùng Đức trị thiên hạ mà là ngồi trên lưng ngựa chinh phạt khắp nơi.
Nhưng Trời không chiều kẻ bạo ngược. Trong suốt lịch sử quân sự lừng lẫy của Thiên triều Trung Hoa, lại có một vùng đất nhỏ bé nhưng là nơi chôn vùi sự nghiệp của vô số hậu nhân Tôn Võ Tử suốt 4.000 năm. Đó chính là Đại Việt.
Vẫn biết rằng “thành bại là lẽ thường của binh gia”, nên bài viết này không phải nhằm mục đích hạ thấp các tướng lĩnh đó, mà chỉ là mượn chút uy danh của họ để nêu bật lên sự huy hoàng của các tướng sĩ nước Nam, những con người nhỏ bé nhưng anh dũng đã đường đường chính chính đánh bại các đối thủ mạnh hơn để bảo vệ quê hương mình. Không ai trong số họ muốn được vinh danh, nhưng ngàn năm con cháu vẫn sẽ luôn ghi nhớ.
Vì triều đại nhà Trần là triều đại có chiến công lừng lẫy nhất, vậy chúng ta sẽ bắt đầu từ những trận đánh bất bại của triều đại này:
Phần 1: Ngột Lương Hợp Thai – Uriyangqatai (1200-1271)
Tên Hán: Ngột Lương Hợp Thai.
Chức vụ: Tổng chỉ huy quân viễn chinh Đại Lý và Đại Việt năm 1258.
Đối thủ chính: Trần Thái Tông, Trần Thủ Độ, Lê Tần.
Bị đánh bại tại: Thăng Long – Chiến dịch Đông Bộ Đầu và trận tập kích của Hà Bổng trên đường rút lui.
Uriyangqatai (chữ Mông Cổ: ᠥᠷᠢᠶᠠᠨᠺᠠᠲᠠᠢ, Урианхайдай), còn được chép trong sử liệu chữ Hán với phiên âm Hán Việt là Ngột Lương Hợp Thai hay Cốt Đãi Ngột Lang. Ông là một nhà chỉ huy quân sự kiệt xuất của quân đội Nguyên Mông và là tướng chỉ huy quân Mông Cổ xâm lược Đại Việt lần thứ nhất vào năm 1258. Ngột Lương Hợp Thai được xếp là công thần đứng hàng thứ 3 của nhà Nguyên.
Con trai của Subotai, người đem đến châu Âu “Cơn thịnh nộ của Chúa Trời”
Cha của Ngột Lương Hợp Thai là một vị tướng lừng lẫy khắp thế giới từ Á sang Âu, chính là Subotai (Tốc Bất Đài). Tốc Bất Đài là một dũng tướng bách chiến bách thắng của Thành Cát Tư Hãn trong Tứ Cẩu hay Tứ Dũng (4 viên dũng tướng); 3 người còn lại là Gia Luật Mễ, Hốt Tất Lai, Triết Biệt. Tốc Bất Đài đã theo chân Thành Cát Tư Hãn từ những ngày đầu lập quốc.
Ngoài việc góp phần quan trọng trong các chiến dịch đánh bại các đế quốc Khwarizm cũng như hạ gục Kim và Tây Hạ ra, thì vinh quang lớn nhất của Subotai chính là chiến dịch viễn chinh gây kinh hoàng khắp châu Âu được ví như cơn thịnh nộ của Chúa Trời.
Ông đã khởi động cuộc chiến với chuỗi chiến thắng trải dài từ Nga, Ba Lan, Hungary, Áo và thậm chí đã chuẩn bị xâm lăng đế chế La Mã, nhưng cái chết của Đại Hãn Ogotai (Oa Khoát Đài) đã khiến chiến dịch bị hoãn vô thời hạn. Và ông đành kết thúc cuộc đời binh nghiệp với chiến dịch sau cùng tiêu diệt nhà Nam Tống.
Vinh quang trải khắp Á Âu
Là con trai của Tốc Bất Đài, Ngột Lương Hợp Thai thừa kế thành công tài năng quân sự của cha mình và cũng trở thành một tướng lĩnh nổi tiếng của nhà Nguyên Mông. Ông từng tham gia đánh nước Kim của người Nữ Chân ở miền Liêu Đông, tấn công Đức và Ba Lan dưới cờ của Bạt Đô (sau này là Đại Hãn của Hãn quốc Kim Trướng) cũng như nhận lệnh tấn công đế quốc Ả Rập cùng Húc Liệt Ngột (em của Hãn Mông Cổ là Mông Kha) [1]. Sau này Húc Liệt Ngột là Hãn của Hãn quốc Y Nhi (Hãn quốc này bao gồm Iran và Iraq hiện nay). Nhưng sau đó, Ngột Lương Hợp Thai nhận lệnh mới và không ở trong đội quân đi đánh Bagdad.
Từ năm 1252, Ngột Lương Hợp Thai và Hốt Tất Liệt đánh Đại Lý – quốc gia của người Thoán Bặc (người Di ở Vân Nam), chiếm được kinh đô từ năm 1253. Sau đó, Hốt Tất Liệt nhận việc mới và Ngột Lương Hợp Thai trở thành tổng chỉ huy.
Năm 1254, Ngột Lương Hợp Thai đã hoàn thành việc bình định nước Đại Lý với việc bắt sống vua Đại Lý là Đoàn Hưng Trí.
Nhằm dọn đường cho quân Mông Cổ tiến đánh nhà Nam Tống từ phía Nam, Ngột Lương Hợp Thai tiến quân vào Đại Việt theo đường từ Vân Nam dọc theo sông Hồng vào tháng 12 năm Đinh Tỵ (tức tháng 1 năm 1258). Quân của Ngột Lương Hợp Thai có ít nhất là hơn 3 vạn người, trong đó 2 vạn là quân của Đoàn Hưng Trí.
Định mệnh sa lầy nơi Đại Việt
Ngày 12 tháng Chạp (17 tháng 1 năm 1258), các lực lượng tiên phong của Ngột Lương Hợp Thai do Aju và Cacakdu chỉ huy đã đến Bình Lệ Nguyên và giao chiến với quân Đại Việt do đích thân vua Trần chỉ huy tại đây.
Ngột Lương Hợp Thai quá tự tin vào năng lực tác chiến và các chiến thắng quá dễ dàng tại Đại Lý nên đã vô thức không nhận ra rằng: lần này ông ta đã gặp phải đối thủ lớn nhất của đời mình.
Kế hoạch bắt sống bộ chỉ huy nhà Trần và đánh tan quân Đại Việt chỉ trong một trận của Ngột Lương Hợp Thai đã thất bại khi Trần Thái Tông nghe lời Lê Tần quyết định lui quân để bảo toàn lực lượng. Quân Ngột Lương Hợp Thai tiếp tục tấn công ồ ạt, khiến quân Đại Việt phải bỏ kinh đô Thăng Long. Nhờ dự liệu chính xác về phương thức chiến tranh của quân Mông Cổ, nhà Trần trước đó đã thực hiện cuộc đại di tản toàn bộ kinh đô và không để lại một chút gì cho đạo quân xâm lược có thể lợi dụng.
Thiếu lương thực, khí hậu bất lợi, sự kháng cự của quân Đại Việt đã khiến quân của Ngột Lương Hợp Thai gặp nhiều khó khăn. Chỉ 12 ngày sau trận giao chiến đầu tiên, tức ngày 29 tháng 1 năm 1258, quân Đại Việt đã phản công, đánh bật quân của Ngột Lương Hợp Thai khỏi Thăng Long bằng chiến dịch Đông Bộ Đầu. Ngột Lương Hợp Thai quyết định rút quân về Vân Nam. Giữa đường, quân của Ngột Lương Hợp Thai bị lực lượng của Hà Bổng tập kích gây tổn thất nặng.
Sau khi thoát về Vân Nam, Ngột Lương Hợp Thai được lệnh hội sư công Tống (tập hợp các cánh quân chuẩn bị cho chiến dịch lớn tấn công nhà Tống) nhưng bị tước giải binh quyền không lâu sau đó. Quyền chỉ huy được giao lại cho con trai của Ngột Lương Hợp Thai là Aju.
Thiệt hại của quân Mông Cổ trong trận chiến này có lẽ là lần thiệt hại nặng nề nhất tính cho đến lúc đó, tùy theo nguồn tài liệu mà chênh lệch từ già nửa cho tới khoảng 4/5.
Sử gia Rasid ud-Din cho biết rằng khi tiến lên Ngạc Châu ở miền Nam Trung Quốc gặp Hốt Tất Liệt, quân số của đoàn quân này chỉ còn không quá 5.000 người.
Nguyên sử [2], Ngột Lương Hợp Thai truyện và bài bia ký A Truật chép rằng: Khi thâm nhập đất Tống, đoàn quân này còn 3000 kỵ binh Mông Cổ và 1 vạn quân Thoán Bặc.
Bước ngoặt của cuộc chiến chống Mông Cổ cho toàn thế giới
Vì cuộc chiến chỉ diễn ra chưa đến nửa tháng với chiến bại quá nhanh và triệt để của quân Mông Cổ, người ta thường ít nhận thấy mức độ quan trọng của nó so với 2 cuộc chiến khốc liệt hơn lần thứ 2 và thứ 3 sau đó 30 năm. Nhưng các sử gia trong đế quốc Mông Cổ như Rasid-ud Din và Lê Tắc (tác giả An Nam chí lược) [3] lại thừa nhận rằng, quả thực là Đại Hãn Mông Kha muốn chiếm Đại Việt làm bàn đạp để đánh thọc vào châu Ung, châu Quế phía nam nước Tống.
Nếu chiến dịch này không quan trọng thì Mông Kha đã không cử tới 50 chư vương của triều đình Mông Cổ, có cả phò mã Mông Cổ tên là Quaidu tham gia chỉ huy đội quân này. Việc quân Mông Cổ thất bại ở Đại Việt cũng đã giúp Nam Tống tránh được việc bị đánh kẹp từ phía Nam để có thể tập trung binh lực đối phó Mông Cổ ở phía Bắc.
Vì thế, tuy quy mô đạo quân của Ngột Lương Hợp Thai không lớn, chỉ cỡ 4-5 vạn, nhưng thất bại triệt để chóng vánh của ông ta đã giáng một đòn nặng vào toàn thể chiến lược xâm lăng đất Tống theo bốn con đường mà Mông Kha vạch ra. Sử gia Hà Văn Tấn có nhận định rằng:
“Có lẽ… trong đời chinh chiến của mình, chưa bao giờ Uriangqadai bị thua nhục nhã như lần này”.
Thậm chí các tác giả phương Tây như Peter D. Sharrock và Vũ Hồng Liên (người Anh gốc Việt) đã nhận xét về kết quả cuộc chiến năm 1258 là một cuộc chiến bước ngoặt của toàn thế giới chống quân Mông Cổ:
“Các bộ sử Việt ca ngợi các sự kiện năm 1258 là một đại thắng, nhưng ‘Nguyên sử’ và ‘An Nam chí lược’ cho là người Mông Cổ đã thắng, vì họ đã chiếm được Thăng Long. Cuối năm đó, Đại Hãn Mông Kha gửi một lá thư cho vua Trần, có nói đến việc ông ta [vua Trần] đuổi hai sứ Mông Cổ, và yêu cầu triều đình Trần thần phục. Điều đó có nghĩa là nhà Trần đã không thần phục từ trước. Điều đó cũng có nghĩa là thanh danh bất khả chiến bại của người Mông Cổ đã bị tan vỡ tại thời điểm này. ‘Nguyên sử’, ‘An Nam chí lược’ và các bộ sử biên niên Việt chỉ viết sơ sài về cuộc chiến năm 1258, nhưng thật ra đây là một bước ngoặt trong lịch sử thế giới, vì đây là bước lùi đầu tiên của quân Mông Cổ tại châu Á và trong chiến dịch chinh phục thế giới của họ. Nó được nối tiếp bằng thất bại được biết đến nhiều hơn của họ trong tay người Mamluk tại Ain Jalut tháng 9 năm 1260” [4].
(Còn tiếp…)
Tĩnh Thuỷ
Chú thích:
[1] Hãn (“khan”, “han”, đôi khi “xan”) trong tiếng Mông Cổ và tiếng Thổ Nhĩ Kỳ là một tước hiệu có nhiều nghĩa, ban đầu có nghĩa là “thủ lĩnh” một bộ tộc. Một Hãn kiểm soát một lãnh thổ gọi là Hãn quốc. Đôi khi cũng có thể dịch là Hoàng đế. Ngày nay các Hãn chủ yếu còn ở Nam và Trung Á. Khắc Hãn (Khagan) nghĩa là Hãn của các Hãn.
[2] Nguyên sử:
Bản tiếng Việt: https://sites.google.com/site/quankhoasu/nguyen-su
Bản tiếng Hán: http://www.guoxue.com/shibu/24shi/yuanshi/yuas_128.htm
[3] “An Nam chí lược” được viết bởi Trần Ích Tắc. Là hoàng thân nhà Trần, nhưng Trần Ích Tắc là một người tham vọng và muốn thay thế ngôi vị của Thánh Tông và Nhân Tông. Khi nhà Nguyên xâm lược đến Đại Việt năm 1285, ông đã dẫn gia quyến xin hàng và được cải phong làm An Nam quốc vương. Tuy nhiên, quân đội nhà Nguyên liên tiếp thất bại khiến Trần Ích Tắc tan vỡ kế hoạch và phải sống lưu vong ở Đại Nguyên. Vì sự phản bội này mà sau này nhà Trần đã loại Ích Tắc ra khỏi tông thất. Ông ta phải cải họ nên gọi thành Lê Tắc.
Nguồn sách:
https://drive.google.com/file/d/104IuZ5O9KmRxXjcg9wFs52uGMzRJHKaw/view
[4] Peter D. Sharrock; Vũ Hồng Liên (2014). Descending Dragon, Rising Tiger: A History of Vietnam (bằng tiếng Anh). Reaktion Book. ISBN 1780233884.
https://www.dkn.tv/van-hoa/nhung-tuong-linh-noi-danh-da-that-bai-tai-dai-viet-p-1-dai-tuong-mong-nguyen-tung-lam-rung-chuyen-ca-a-au.html
Những tướng lĩnh nổi danh đã thất bại tại Đại Việt (P.2):
Trấn Nam Vương Thoát Hoan chui ống đồng tháo chạy
Tĩnh Thủy
Ảnh: Miền cộng đồng.
Vẫn biết rằng “thành bại là lẽ thường của binh gia” nên bài viết này không phải nhằm mục đích hạ thấp các tướng lĩnh lừng danh đã từng thất bại tại Đại Việt, mà chỉ là mượn chút uy danh của họ để nêu bật lên sự huy hoàng của các tướng sĩ nước Nam…
Phần 2: Toghon – Trấn Nam Vương Thoát Hoan (? – 1301)
Tên Hán: Thoát Hoan.
Chức vụ: Trấn Nam Vương kiêm tổng chỉ huy quân tiến đánh nhà Trần lần 2 và lần 3 (1285-1288).
Bị đánh bại bởi: Trần Nhân Tông và Trần Thánh Tông, Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật.
Nơi bị đánh bại: Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết, Bạch Đằng.
Toghon hay Thoát Hoan (chữ Hán: 脫歡, chữ Mông Cổ: ᠲᠣᠭᠠᠨ, Тогоон, Toγan) là hoàng tử con trai thứ 9 của Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt, vị Hoàng đế lập ra triều đại nhà Nguyên trong lịch sử Trung Quốc.
Là con trai của Hoàng đế lập quốc nhà Nguyên, lẽ ra ông ta sẽ có một cuộc đời với chiến công oanh liệt nếu như không đem quân xuống phương Nam. Phải chăng đây là định mệnh của vị hoàng tử có lẽ là “đen đủi” nhất trong các tướng lãnh cao cấp cầm quân của nhà Nguyên Mông.
Tước phong Trấn Nam Vương nhưng không có chỗ dùng
Năm Chí Nguyên thứ 21 nhà Nguyên, tức năm Thiệu Bảo thứ 6 nhà Trần (1284), Nguyên Thế Tổ chuẩn bị đánh Đại Việt, phong cho Thoát Hoan làm Trấn Nam vương vào ngày 3 tháng 6, sai đóng binh ở Ngạc Châu.
Tháng 7 năm đó, ông được lệnh đi đánh Chiêm Thành qua đường Đại Việt. Trần Thánh Tông không đồng ý cho mượn đường. Tháng 12, Thoát Hoan dẫn các tướng đi đánh Đại Việt.
Thoát Hoan chiến thắng khá dễ dàng tại Vạn Kiếp và sông Đuống nhưng lại chỉ chiếm được một kinh thành Thăng Long trống rỗng, khiến cho tình hình thiếu lương thực trở nên căng thẳng. Có vẻ như cái chức “Trấn Nam Vương” chỉ là hữu danh vô thực, kinh đô chiếm được chỉ là một cái thành rỗng thì “Trấn” ai đây và làm “Vương” của ai đây?
Để bảo vệ nơi chiếm đóng, ông ta cho dựng 2 căn cứ kề nhau ở Hàm Tử và Chương Dương ngay trên bờ sông Hồng. Thoát Hoan không hề biết rằng, định mệnh trêu ngươi sẽ khiến cho toàn quân của Trấn Nam Vương thảm bại tại chính 2 căn cứ ấy.
“Cầm Hồ Hàm Tử Quan”
Trận Hàm Tử và Tây Kết đã mở màn cho kết cục bi thảm của toàn quân Thoát Hoan.
Lúc đó, Thanh Hóa có cánh quân Toa Đô đóng giữ. Sau một thời gian không bắt được vua Trần, Toa Đô cùng Ô Mã Nhi mang quân trở lại phía bắc để phối hợp với Thoát Hoan.
Trần Nhân Tông sai Trần Nhật Duật làm chánh tướng, Chiêu Thành Vương và Trần Quốc Toản làm phó tướng đi cùng với Nguyễn Khoái mang 5 vạn quân ra bắc đánh quân Nguyên ở Hàm Tử.
Trần Nhật Duật gặp binh thuyền Toa Đô ở bến Hàm Tử, bèn chia quân ra đánh. Hai bên chống nhau ác liệt. Toa Đô thua to.
Sau khi thua, cánh quân Toa Đô đóng ở sông Thiên Mạc tìm cách liên lạc với Thoát Hoan. Biết tin quân Thoát Hoan đã thất bại và rút chạy, Toa Đô bèn lui về Tây Kết (Khoái Châu). Ngày 24 tháng 6 năm 1285, Trần Hưng Đạo trực tiếp chỉ huy quân đánh Toa Đô tại Tây Kết. Toa Đô và Ô Mã Nhi thua, bỏ thuyền đi đường bộ ra phía biển. Trên đường chạy, Toa Đô bị quân Đại Việt bao vây, sau cùng bị tướng Vũ Hải của nhà Trần chém đầu.
Bản đồ cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên lần 2 (ảnh wikipedia).
“Đoạt sóc Chương Dương Độ”
Ngay sau khi Trần Nhật Duật và Vũ Hải dương uy tại Hàm Tử, Tây Kết không lâu thì trận Chương Dương cũng đi vào lịch sử, vinh danh người anh em của vua Trần là Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải và Tướng quân Phạm Ngũ Lão.
Trần Nhật Duật sai Trần Quốc Toản về Thanh Hoá báo tin thắng trận. Trần Quốc Tuấn bàn với Trần Nhân Tông quyết định mang toàn quân ra bắc đánh Thoát Hoan để lấy lại Thăng Long. Trần Quang Khải ở Nghệ An mới ra được cử làm chánh tướng, Phạm Ngũ Lão và Trần Quốc Toản làm phó tướng; lại truyền lệnh cho Trần Nhật Duật phải ngăn không cho Toa Đô hợp binh được với Thoát Hoan.
Đại quân Thoát Hoan đóng ở Thăng Long cũng trong tình trạng lương thực sắp cạn, các chiến thuyền đóng ở bến Chương Dương.
Trần Quang Khải tiến ra bắc khá thuận lợi. Quân Trần nhanh chóng diệt nhiều đồn nhỏ của quân Nguyên, kết hợp dụ hàng quân người Hoa bỏ hàng ngũ quân Nguyên. Trong khi đó, Trần Nhật Duật cũng giữ lại một số quân để cầm chân Toa Đô, còn chia một số sang hợp với cánh quân Trần Quang Khải. Nhiều toán quân nhà Trần trước kia bị tản mát, chưa tìm được vào Thanh Hoá, lúc đó gặp quân Trần Quang Khải đã cùng gia nhập nên lực lượng càng mạnh lên. Quân Trần chiếm được nhiều thuyền của địch ở bến đò.
Quân Trần tiếp tục ngược sông Hồng phản công quân Nguyên. Trần Quang Khải cùng Phạm Ngũ Lão và Trần Quốc Toản đã tấn công quân Nguyên ở Chương Dương (huyện Thường Tín). Quân Nguyên thường thấy quân Trần bị thua, khi đó thấy quân Trần đánh mạnh nên bị bất ngờ, tan tác bỏ chạy. Phần lớn các chiến thuyền quân Nguyên bị quân Trần đốt cháy hoặc chiếm.
Đào thoát khỏi Thăng Long
Sau các trận phản công thắng lợi trên sông Hồng, quân Trần quyết định tấn công giải phóng kinh thành Thăng Long. Lực lượng tham gia gồm các đơn vị thủy bộ chủ lực do Trần Quang Khải chỉ huy. Các đơn vị dân binh các địa phương lân cận do Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp và Nguyễn Truyền chỉ huy. Sau khi đánh bại đơn vị quân Nguyên ngoài thành do Mã Vinh chỉ huy, quân Trần bắt đầu bao vây và công thành.
Tài liệu thời Nguyên chép rằng: “Thủy lục đến đánh đại doanh, vây thành mấy vòng, tuy chết nhiều nhưng quân tăng thêm càng trở nên đông, quan quân sớm tối đánh rất khốn đốn, thiếu thốn, khí giới đều hết”, và: “Người Giao chống đánh quan quân, tuy mấy lần thua tan, nhưng quân tăng càng đông, quan quân mỏi mệt, tử thương cũng nhiều, quân mã Mông Cổ không thể nào thi thố tài năng được” [1].
Trước sức tấn công mạnh mẽ và bền bỉ của quân Trần, quân Nguyên phải rút chạy khỏi thành Thăng Long về đóng ở bờ Bắc sông Hồng (khoảng Gia Lâm ngày nay). Tại đây, đồn trại của quân Nguyên vẫn liên tục bị tấn công.
Toàn quân tan tác, kẻ còn người mất
Ngày 10 tháng 6 năm 1285, Trần Quốc Tuấn và Hưng Ninh vương Trần Tung dẫn hơn 2 vạn quân tấn công quân Nguyên ở bờ bắc sông Hồng. Quân Nguyên cử Lưu Thế Anh dẫn quân ra đối phó, nhưng đại bại. Quân Nguyên rút chạy về phía bắc.
Khi rút chạy đến sông Như Nguyệt (sông Cầu), quân Nguyên bị đơn vị của Trần Quốc Toản chặn đánh. Quân Nguyên thua, không sang sông được, phải chạy về phía Vạn Kiếp.
Chạy đến sông Sách (tức đoạn sông Thương chảy qua Vạn Kiếp), quân Nguyên bắc cầu phao định vượt sông, nhưng bị quân Trần do Trần Quốc Tuấn chỉ huy ập vào đánh. Lý Hằng đẩy lui được mũi quân Trần tấn công vào lưng quân Nguyên, chém được tướng Đại Việt là Trần Thiệu. Nhưng một mũi quân Trần khác lại đánh vào sườn đội hình quân Nguyên đang vượt cầu phao. Quân Nguyên xô nhau chạy, cầu phao đứt, nhiều binh sĩ bị chết đuối.
Sau khi vượt qua sông Sách, quân Nguyên chạy về hướng Tư Minh. Lý Hằng được cử chặn hậu, đề phòng quân Trần truy kích. Đến Vĩnh Bình, quân Nguyên lại bị quân Trần do Trần Quốc Hiến (Trần Quốc Nghiễn) chỉ huy chặn đánh. Lý Hằng bị trúng tên độc. Tương truyền, quân Nguyên phải giấu Thoát Hoan trong ống đồng để chạy trốn. Khi về đến Tư Minh, Lý Hằng ngấm thuốc độc chết, thọ 50 tuổi.
Mộng xâm lăng chưa dứt, định mệnh thất bại lần cuối
Sau thất bại nặng nề năm 1285, sự kiêu hãnh của Đế quốc Nguyên Mông vô địch không cho phép Hốt Tất Liệt bỏ qua cho nhà Trần. Sự đen đủi một lần nữa không buông tha cho Thoát Hoan khi ông ta lại được chỉ định làm Tổng chỉ huy của cuộc xâm lăng lần này.
Trong khi đó, đối thủ ở bên kia biên giới dường như chẳng coi việc xâm lăng này là một mối đe dọa gì lớn lắm.
Tháng 6 âm lịch, vua Trần Nhân Tông xuống chiếu cho vương hầu, tôn thất chiêu mộ binh sĩ. Nhà vua hỏi Hưng Đạo vương:
– Thế giặc năm nay thế nào?
Trần Quốc Tuấn trả lời:
– Nước ta thái bình lâu ngày, dân không biết việc binh. Cho nên, năm trước quân Nguyên vào cướp, thì có kẻ đầu hàng trốn chạy. Nhờ uy tín của tổ tông và thần võ của bệ hạ, nên quét sạch được bụi Hồ. Nay nếu nó lại sang thì quân ta đã quen việc chiến trận, mà quân nó thì sợ phải đi xa. Vả lại, chúng còn nơm nớp cái thất bại của Hằng, Quán không còn chí chiến đấu. Theo như thần thấy, phá được chúng là điều chắc chắn”.
Mất lương Vân Đồn, toàn quân nao núng
Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp vốn được giao cầm quân thuỷ mở đường cho đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ, Phí Củng Thìn theo sau. Sau khi đánh lui được quân Trần, Ô Mã Nhi cho rằng thế quân Trần yếu không đáng lo, bèn tiến sâu vào nội địa để hội binh với Thoát Hoan và truy đuổi vua Trần.
Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư được giao trấn giữ đường biển nhưng đánh thua, đành để quân Nguyên đi qua. Khi vua hỏi tội, Khánh Dư xin khất vài ngày để chuộc tội.
Đầu năm 1288, đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ kéo đến Vân Đồn, bị quân Trần Khánh Dư tập kích. Không có quân chủ lực bảo vệ, quân của Trương Văn Hổ mau chóng bị tiêu diệt. Văn Hổ cố gắng kéo vào đất liền nhưng đến Lục Thuỷ thì thuyền quân Trần đổ ra đánh càng đông. Hổ đại bại, đổ cả thóc xuống biển vì không muốn lọt vào tay quân Trần, rồi bỏ chạy về Quỳnh Châu.
Thuyền lương của Phí Củng Thìn kéo theo sau, mới đến Huệ Châu đã gặp bão, trôi giạt tới Quỳnh Châu. Đoàn thuyền lương do Từ Khánh chỉ huy thì đi lạc tới Chiêm Thành rồi quay trở lại Quảng Đông. Như vậy, các thuyền lương của quân Nguyên mất hoàn toàn. Thế là kết cục thê thảm đã chờ đợi sẵn Thoát Hoan và đoàn quân xấu số kia ở Thăng Long vậy.
Bị vây ở Vạn Kiếp, phải rút quân gấp
Thoát Hoan vây đánh Thăng Long, chờ mãi không thấy thuyền lương của Trương Văn Hổ tới, bèn sai Ô Mã Nhi đi đón. Ô Mã Nhi khi đi tìm đoàn thuyền lương đã bị tập kích ở cửa Văn Úc (ngày 10 tháng 2 năm 1288) và trên biển gần Tháp Sơn, bị thiệt hại nặng mà vẫn không thấy Trương Văn Hổ đâu, đành quay về Vạn Kiếp.
Ở Thăng Long không có lương thực, Thoát Hoan nao núng đứng ngồi không yên. Đã vậy, quân Đại Việt lại phản công mạnh mẽ và kiểm soát vùng Hải Dương và Hải Phòng, đẩy Thoát Hoan vào nguy cơ bị cắt đường về Vạn Kiếp. Trước tình hình như vậy, Thoát Hoan vội rút quân khỏi Thăng Long quay về Vạn Kiếp, sai Abaci đi tiên phong mở đường.
Nguyên sử [2] chép rằng quân Nguyên bị dịch bệnh rất nhiều, không thể tiếp tục tiến binh nên phải lui trở lại.
Tại Vạn Kiếp, quân Nguyên cố thủ trong các thành gỗ nhưng thường xuyên bị quân Đại Việt tập kích vào ban đêm. Tình hình thiếu lương thực càng ngày càng trầm trọng. Thoát Hoan quyết định rút quân khỏi Đại Việt. Lúc đó là vào khoảng cuối tháng 3 năm 1288, tức là chỉ 3 tháng sau khi tiến quân vào Đại Việt. Quân Nguyên chia làm 2 ngả rút về, một ngả của thủy quân do Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp chỉ huy. Một ngả của bộ binh do Thoát Hoan chỉ huy.
Trận Bạch Đằng chôn vùi uy danh Trấn Nam Vương
Để bảo vệ cho thủy quân rút lui, Trình Bằng Phi và Tacu được Thoát Hoan phái đi hộ tống, nhưng bị chặn đánh liên tục phải quay về Vạn Kiếp đi cùng đại quân bộ. Đoàn thuyền của Ô Mã Nhi không có bộ binh bảo vệ đã bị chặn đánh liên tục, mãi tới ngày 8 tháng 4 năm 1288 mới tiến tới Trúc Động định vào sông Giá. Tuy nhiên, quân Đại Việt đã ngăn được quân Nguyên vào sông Giá, khiến Ô Mã Nhi phải tiến vào sông Bạch Đằng.
Tại đây, quân Đại Việt bố trí một trận địa cọc ngầm. Một lực lượng lớn bộ binh Đại Việt lại trú tại Tràng Kênh chờ đánh vào sườn phải quân Nguyên khi họ vào sông Bạch Đằng, còn một lực lượng lớn nữa trú tại khu rừng bên tả ngạn sông sẽ đánh vào sườn trái đối phương. Thủy quân Đại Việt thì ẩn náu trên các sông khác thông với sông Bạch Đằng.
Sáng ngày 9 tháng 4 năm 1288, thủy quân Nguyên tiến vào sông Bạch Đằng, thấy thủy quân Việt liền đuổi đánh, song va phải các cọc ngầm và bị chặn lại. Quân Đại Việt từ khắp các hướng đổ ra đánh. Đích thân vua Trần và Trần Hưng Đạo cầm quân tham chiến. Quân Đại Việt đã bắn rất nhiều mũi tên vào quân Nguyên. Thủy triều rút làm cho số thuyền bị cọc nhọn làm vỡ càng tăng. Đến chiều, toàn bộ cánh quân thủy của quân Nguyên bị tiêu diệt. Tướng Trần là Đỗ Hành bắt được Ô Mã Nhi và Tích Lệ Cơ. Phàn Tiếp bị thương, nhảy xuống nước, bị quân Trần dùng câu liêm móc lên, bắt sống. Siragi và Lý Thiên Hựu cũng bị bắt sống. Quân Nguyên bị chết rất nhiều, hơn 400 chiến thuyền lọt vào tay quân Trần. Gần như toàn bộ thuỷ quân Nguyên bị tiêu diệt.
Cả đời không được gặp mặt cha nữa
Hai lần thất trận nặng ở Đại Việt của Thoát Hoan khiến Nguyên Thế Tổ giận dữ. Năm Chí Nguyên thứ 28 (1291), ngày 16 tháng 2, Thoát Hoan được lệnh tới Dương Châu trấn thủ. Từ đó, ông không được về kinh đô chầu Thế Tổ Hoàng đế cho tới khi chết.
Khoảng niên hiệu Đại Đức thứ 5 (1301), Trấn Nam vương Thoát Hoan qua đời, không rõ thọ được bao nhiêu tuổi.
(Còn tiếp…)
Tĩnh Thuỷ
Chú thích:
[1] Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm (1972) trích dẫn Kinh tế đại điển tự lục và Nguyên sử quyển 209.
[2] Nguyên sử:
Bản tiếng Việt: https://sites.google.com/site/quankhoasu/nguyen-su
Bản tiếng Hán: http://www.guoxue.com/shibu/24shi/yuanshi/yuas_128.htm
Những tướng lĩnh nổi danh đã thất bại tại Đại Việt (P.3):
Toa Đô tử trận, một đời kiêu dũng cũng thành không
Phi Hùng
Ảnh minh họa: Tổng hợp.
Vẫn biết rằng “thành bại là lẽ thường của binh gia” nên bài viết này không phải nhằm mục đích hạ thấp các tướng lĩnh lừng danh đã từng thất bại tại Đại Việt, mà chỉ là mượn chút uy danh của họ để nêu bật lên sự huy hoàng của các tướng sĩ nước Nam…
Phần 3: Söghetei – Toa Đô (? – 1285)
Tên Hán: Toa Đô
Chức vụ: Tướng chỉ huy cánh quân xâm lược Đại Việt lần 2 đánh từ phía Chiêm Thành.
Bị đánh bại bởi: Trần Nhật Duật, Trần Quốc Toản, Nguyễn Khoái.
Bị chém đầu bởi: Vũ Hải tại trận Tây Kết, ngay trên đường rút lui.
Kiêu dũng thiện chiến, sự nghiệp đang lên
Theo Nguyên sử, Toa Đô là người của bộ tộc Trát Lạt Nhi, tên đầy đủ là Trát Lạt Diệc Nhân Toa Đô.
Toa Đô kiêu dũng thiện chiến, được tuyển vào lực lượng túc vệ, tham gia chiến đấu lập được quân công. Chức vụ quan trọng đầu tiên của Toa Đô là chức thiên hộ, chỉ huy hơn 1 nghìn quân bảo vệ Thái Xuyên.
Năm Chí Nguyên thứ 5, Aju (A Truật, con trai Ngột Lương Hợp Thai từng đánh nhà Trần năm 1258) vây Tương Dương, cử Toa Đô tuần tiễu. Toa Đô đoạt được một loạt trại của quân Tống, có trận tự chém được hơn 300 thủ cấp quân Tống.
Năm Chí Nguyên thứ 9 (1272), quân Nguyên tấn công Phàn Thành. Toa Đô được cử làm tiên phong, lập được công và được trọng thưởng. Sau đó, trong các chiến dịch ở Giang Nam, Toa Đô tiếp tục lập nhiều quân công, được cấp trên chú ý và cất nhắc lên các chức như Tham tri chính sự hành tỉnh Phúc Châu, rồi Tả thừa hành tỉnh Tuyền Châu.
Sa lầy tại Chiêm Thành
Cũng như Thoát Hoan, có lẽ số mệnh của Toa Đô cũng gặp đại hạn khi phải đưa quân xuống phương Nam. Từ Chiêm Thành cho đến Đại Việt, không nơi nào mà sự kiêu dũng thiện chiến của Toa Đô lại có thể đem lại chiến thắng lớn cả.
Năm 1281, Toa Đô được cử làm Hữu thừa hành tỉnh Chiêm Thành. Tháng 12 năm 1282, Toa Đô chỉ huy một hạm đội 20 vạn quân với 1 nghìn thuyền xuất phát từ Quảng Châu đi tấn công Chiêm Thành. Đây là một phần của kế hoạch giáp công đánh Đại Việt, theo đó Toa Đô sau khi đánh xong Chiêm Thành sẽ từ phía nam đánh lên, còn đại quân của Thoát Hoan sẽ từ phía bắc đánh xuống.
Ngày 21 tháng 2 năm 1283, quân Toa Đô chiếm được kinh đô Vijaya của người Chiêm nhưng đó cũng lại là một tòa thành trống không. Toàn bộ quân dân và vua Chiêm Thành là Indravaman V đã rút vào rừng núi tiếp tục kháng chiến.
Do người Chiêm Thành rút vào rừng núi kháng cự quyết liệt, nên đạo quân của Toa Đô phải chiến đấu rất vất vả. Toa Đô rút quân khỏi kinh đô Vijaya và ra bờ biển Quy Nhơn ngày nay lập trại. Quân lính của Toa Đô bỏ trốn nhiều.
Do lương thực hết, do viện binh đã xin mà không sang, Toa Đô quyết định rút quân lên miền Bắc Chiêm Thành, gần biên giới với Đại Việt, xây thành gỗ, mở đồn điền sản xuất lương thực. Điều này khiến cho đạo quân tiếp viện do Qutuqu (Hốt Đô Hốt hoặc Hốt Đô Hổ), Omar (Ô Mã Nhi) chỉ huy tới Quy Nhơn không gặp được Toa Đô; sau đạo quân này bị đắm thuyền rất nhiều vì bão.
Mãi tới đầu năm 1285, Toa Đô mới rời Chiêm Thành tiến vào Đại Việt để phối hợp tác chiến với Thoát Hoan. Nhưng bấy giờ, đã không còn là một đoàn quân 20 vạn kiêu hùng thuở xưa, mà quân số đã giảm nhiều do chết bệnh, đào ngũ v.v. Đoàn quân này còn đang lâm vào cảnh thiếu đói do không tìm được lương thực, vì quân dân Chiêm Thành lúc làm tiêu thổ kháng chiến đã rút vào núi rừng mênh mông của dãy Trường Sơn. Họ đã không để lại cho Toa Đô và đoàn quân thảm hại đó chút gì để ăn.
Chiến tử tại Tây Kết: Một đời kiêu dũng bỗng thành không
Trần Nhân Tông sai Trần Nhật Duật làm chánh tướng, Chiêu Thành Vương và Trần Quốc Toản làm phó tướng đi cùng với Nguyễn Khoái mang 5 vạn quân ra bắc đánh quân Nguyên ở Hàm Tử.
Trần Nhật Duật gặp binh thuyền Toa Đô ở bến Hàm Tử, bèn chia quân ra đánh. Hai bên chống nhau ác liệt. Toa Đô đi đường xa, giao chiến lâu ngày đã mỏi mệt nên đại bại.
Sau khi thua trận ở Hàm Tử Quan, Toa Đô vẫn không biết rằng Thoát Hoan đã tháo chạy. Cánh quân Toa Đô đóng ở sông Thiên Mạc và tìm cách liên lạc với Thoát Hoan. Được ít ngày, Toa Đô biết tin quân Thoát Hoan đã thất bại và rút chạy, bèn lui về Tây Kết (Khoái Châu).
Ngày 24 tháng 6 năm 1285, Trần Hưng Đạo trực tiếp chỉ huy quân đánh Toa Đô. Toa Đô và Ô Mã Nhi thua, bỏ thuyền đi đường bộ ra phía biển. Trên đường chạy, Toa Đô bị quân Đại Việt bao vây, sau cùng bị tướng Vũ Hải của nhà Trần chém đầu. Ô Mã Nhi thì chạy thoát về Thanh Hóa.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vua Trần Nhân Tông trông thấy thủ cấp của Toa Đô thì cởi áo ngự phủ lên và nói: “Người làm tôi phải nên như thế này”, rồi sai người khâm liệm tử tế.
(Còn tiếp…)
Tĩnh Thuỷ
Tham khảo:
1. Nguyên sử, quyển 129, Liệt truyện 16: Toa Đô.
Bản tiếng Hán: http://www.guoxue.com/shibu/24shi/yuanshi/yuas_129.htm
Bản tiếng Việt: https://sites.google.com/site/quankhoasu/nguyen-su
2,. Đại Việt sử ký toàn thư, phần Bản kỷ, quyển 5.
Nguồn: http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/dvsktt/dvsktt10b.html
3. Wikipedia, Bách Khoa Toàn Thư Mở: Toa Đô
https://vi.wikipedia.org/wiki/Toa_%C4%90%C3%B4
Những tướng lĩnh nổi danh đã thất bại tại Đại Việt (P.4):
Ô Mã Nhi, kiêu binh tất bại
Phi Hùng
Ảnh ghép minh họa.
Vẫn biết rằng “thành bại là lẽ thường của binh gia” nên bài viết này không phải nhằm mục đích hạ thấp các tướng lĩnh lừng danh đã từng thất bại tại Đại Việt, mà chỉ là mượn chút uy danh của họ để nêu bật lên sự huy hoàng của các tướng sĩ nước Nam…
Phần 4: Omar – Ô Mã Nhi
Tên Hán: Ô Mã Nhi (chữ Hán phồn thể: 烏馬兒, giản thể: 乌马儿, tiếng Ả Rập: عمر, Omar).
Chức vụ: Tướng lĩnh chỉ huy thủy quân của Thoát Hoan xâm chiếm Đại Việt năm 1285 và 1288.
Bị đánh bại bởi: Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo.
Bị bắt sống bởi: Đỗ Hành – chỉ huy quân Thánh Dực hộ vệ vua Trần.
Ô Mã Nhi còn có biệt hiệu là Bạt Đô, gọi là Ô Mã Nhi Bạt Đô hay Omar Baghatur. “Baghatur” nghĩa là “mạnh mẽ” hay “dũng sĩ” trong tiếng Mông Cổ, nghĩa bóng là anh hùng hay chiến binh gan dạ, thiện chiến. Đặc sứ Giáo hoàng Plano Carpini đã so sánh danh hiệu Bạt Đô tương đương với các hiệp sĩ châu Âu.
Dòng dõi của nhà tiên tri Hồi Giáo Mohammad, dũng sĩ Mông Cổ
Omar hay Ô Mã Nhi là con trai của Nasr al-Din, tổng đốc Vân Nam đời thứ hai, và cũng là cháu của quan tổng đốc Vân Nam đầu tiên của nhà Nguyên Mông Shams al-Din.
Quan tổng đốc Shams Al-Din vốn xuất thân từ Bukhara thuộc Trung Á – đế quốc Khwazism (ngày nay là Uzbekistan). Khi quân đội Mông Cổ tấn công đánh bại hoàng đế Ala ad-Din Muhammad II, gia đình Sayyid Ajal Shams al-Din Omar đã chủ động đầu hàng.
Theo nhà truyền giáo Marshall Broomhall thì Shams Al-Din chính là hậu duệ đời thứ 27 của nhà tiên tri Mohammad của Hồi Giáo. Ông ta đã phục vụ triều đình Nguyên Mông tại Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay) trước khi được chỉ định nhậm chức Tổng Đốc Vân Nam sau khi quân Mông Cổ thôn tính thành công nước Đại Lý. Nếu tính luôn người em trai kế vị sau khi cha Ô Mã Nhi bị xử tử vì tội tham ô, thì dòng họ của Ô Mã Nhi ba đời làm đến tổng đốc. Có thể nói là dòng dõi quý tộc danh giá của đế quốc Nguyên Mông.
Bản thân là con trai tổng đốc Vân Nam, được mang danh hiệu Baghatur danh giá ngay khi còn trẻ, Ô Mã Nhi là một tướng tài đầy triển vọng của triều đình Nhà Nguyên.
Ô Mã Nhi tham gia đoàn quân Nguyên Mông viễn chinh Đại Việt trong hai cuộc xâm lăng 1285 (Toa Đô, Thoát Hoan và Ô Mã Nhi) và 1288 (Thoát Hoan, Ô Mã Nhi và Trương Văn Hổ), nhưng đâu biết rằng định mệnh khốc liệt đã chờ đợi ông ta nơi vùng đất này.
Xã tắc hai phen chồn ngựa đá
Hai lần xâm lược 1285 và 1288 có thể nói là 2 trận chiến lớn và khốc liệt nhất đối với quân dân nhà Trần. Tuy đã áp dụng thành công chiến dịch vườn không nhà trống, tránh mũi nhọn của giặc, đất nước vẫn phải gánh chịu không ít tổn thất vì sức giặc quá mạnh và gồm toàn những tay tướng giỏi nhiều kinh nghiệm.
Đầu tiên phải kể đến trận Vạn Kiếp. Sau khi thất trận tại ải Nội Bàng, Trần Hưng Đạo rút quân lui về căn cứ Vạn Kiếp. Phát hiện thấy Đại Việt có hơn 1.000 thuyền đóng ở gần Vạn Kiếp, Thoát Hoan liền cho quân đi tìm và đóng gấp thuyền chặn đường rút của quân binh Đại Việt.
Ngày 11 tháng 2, thủy quân Nguyên do Ô Mã Nhi chỉ huy tấn công vào Vạn Kiếp và các trại quân Trần ở Chí Linh. Một trận chiến khốc liệt đã xảy ra. Tướng Nguyên cấp vạn hộ là Nghê Nhuận bị tử trận.
Tuy nhiên, quân Trần đã quyết định rút lui để tránh thế giặc mạnh, thực hiện nghi binh khiến địch mệt mỏi rồi mới phản công. Thấy bề tôi lo lắng, vua Trần cho khắc hai câu thơ cuối thuyền ngự:
會 稽 舊 事 君 須 記
驩 愛 猶 存 十 萬 兵
“Cối Kê cựu sự quân tu ký,
Hoan, Diễn do tồn thập vạn binh”.
Dịch nghĩa:
Cối Kê việc cũ ngươi nên nhớ,
Hoan Diễn còn kia mười vạn quân.
Ngày 14 tháng 2, Ô Mã Nhi đem quân vây quân của Trần Quốc Tuấn. Một trận thủy chiến lớn giữa 2 bên đã diễn ra. Vua Trần đem quân đến trợ chiến cho Trần Quốc Tuấn. Ô Mã Nhi đã không ngăn nổi quân Trần rút lui. Toàn bộ quân Trần rút khỏi Vạn Kiếp, Phả Lại, Bình Than về dàn trận bên bờ sông Hồng gần thành Thăng Long. Quân Nguyên tiến theo đường bộ về Thăng Long.
Sau vài trận chiến nhằm kéo dài thời gian cho quân dân di tản khỏi kinh thành để làm tiêu thổ kháng chiến, cuối cùng quân đội nhà Trần đã di tản toàn bộ khỏi Thăng Long mà không bị tổn thất nhiều, để lại sau lưng một tòa thành nhẵn nhụi cho “Trấn Nam Vương” và đám thủ hạ của ông ta.
Nghe tin vua Trần chạy vào Thanh Hóa, Thoát Hoan lệnh cho Ô Mã Nhi lãnh thủy binh cùng Toa Đô đuổi theo.
Chiến sự dần xoay chuyển với các chiến thắng mở màn của nhà Trần ở Hàm Tử và Tây Kết. Toa Đô chiến bại và bị giết. Toàn quân Nguyên tan vỡ, Thoát Hoan rút chạy khỏi Thăng Long, Ô Mã Nhi cùng Lưu Khuê cũng chiếm một chiếc thuyền nhỏ trốn ra biển. Cánh quân Vân Nam của Nasr al-Din (cha của Ô Mã Nhi) cũng rút chạy về Vân Nam.
Trận Vân Đồn: Kiêu binh tất bại
Trong lần xâm lăng cuối cùng năm 1288, Ô Mã Nhi được giao cho chỉ huy thủy quân cùng với Phàn Tiếp hộ tống đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ.
Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp vốn được giao cầm quân thuỷ mở đường cho đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ, Phí Củng Thìn theo sau. Sau khi đánh lui được quân nhà Trần, Ô Mã Nhi cho rằng thế quân Trần yếu không đáng lo, bèn tiến sâu vào nội địa để hội binh với Thoát Hoan và truy đuổi vua Trần.
Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư được giao trấn giữ đường biển nhưng để quân Nguyên đi qua, bị Thượng hoàng Thánh Tông sai sứ hỏi tội. Khánh Dư xin khất vài ngày để chuộc tội.
Đầu năm 1288, đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ kéo đến Vân Đồn, bị quân Trần Khánh Dư tập kích. Không có quân chủ lực bảo vệ, quân của Trương Văn Hổ mau chóng bị tiêu diệt. Văn Hổ cố gắng kéo vào đất liền nhưng đến Lục Thuỷ thì thuyền quân Trần đổ ra đánh càng đông. Hổ đại bại, đổ cả thóc xuống biển vì không muốn lọt vào tay quân Trần, rồi bỏ chạy về Quỳnh Châu.
Thuyền lương của Phí Củng Thìn kéo theo sau, mới đến Huệ Châu đã gặp bão, trôi giạt tới Quỳnh Châu. Đoàn thuyền lương do Từ Khánh chỉ huy thì đi lạc tới Chiêm Thành rồi quay trở lại Quảng Đông. Như vậy, các thuyền lương của quân Nguyên mất hoàn toàn.
Ô Mã Nhi tự phụ mình tài giỏi, nghĩ là đã đánh tan hải quân nhà Trần mà không biết rằng, chính mình là nhân tố lớn nhất làm cho quân Nguyên thua đau một lần nữa.
Trận Bạch Đằng định mệnh: Làm ác phải trả giá
Khi còn đang tham gia viễn chinh tại Đại Việt, Ô Mã Nhi tỏ ra là một viên tướng hung hăng, giỏi thao lược, nhiều lần đánh bại và gây khốn đốn cho quân nhà Trần. Ông ta lãnh quân theo lệnh Thoát Hoan truy sát 2 vua Trần rút lui về Thiên Trường và chạy ra Thanh Hóa.
Ô Mã Nhi đã chỉ huy quân bộ chiến lẫn thủy chiến, mấy lần bám sát để tìm cách bắt các vua Trần, nhưng không thành công. Tức giận, Ô Mã Nhi cho quân phá hoại lăng tẩm tổ tiên nhà Trần, cũng như giết hại nhiều người. Nhưng có câu “thiện ác hữu báo”, ngay trong trận đánh lớn nhất cuối cùng của đời mình, Ô Mã Nhi đã bị bắt sống.
Ngày 9 tháng 4 năm 1288, Ô Mã Nhi không cho quân rút về bằng đường biển mà đi theo sông Bạch Đằng, vì tính rằng đường biển đã bị thủy quân nhà Trần vây chặt thì phòng bị đường sông có thể sơ hở, hơn nữa sông Bạch Đằng nối liền với nội địa Trung Quốc bằng thủy lộ, thuận lợi cho việc rút lui.
Khi Ô Mã Nhi dẫn đoàn thuyền tiến vào sông Bạch Đằng nhân lúc nước lớn, thủy quân nhà Trần tràn ra giao chiến, rồi giả thua chạy vào sâu bên trong. Ô Mã Nhi trúng kế khích tướng nên thúc quân ra nghênh chiến. Khi thuyền quân Nguyên đã vào sâu bên trong sông Bạch Đằng, tướng Nguyễn Khoái dẫn các quân Thánh Dực ra khiêu chiến và nhử quân Nguyên tiến sâu vào khúc sông đã đóng cọc, trong khi quân Trần đợi cho thủy triều xuống mới quay thuyền lại và đánh thẳng vào đội hình địch. Bình chương Áo Lỗ Xích của Nguyên Mông đã bị bắt sống trong cuộc chiến đấu quyết liệt của quân Thánh Dực.
Thủy quân Đại Việt từ Hải Đông – Vân Trà từ các phía Điền Công, Gia Đước, sông Thái, sông Giá nhanh chóng tiến ra sông Bạch Đằng, với hàng nghìn chiến thuyền cùng quân lính các lộ dàn ra trên sông và dựa vào Ghềnh Cốc thành một dải thuyền chặn đầu thuyền địch ngang trên sông. Trong lúc thủy chiến đang diễn ra dữ dội thì đoàn chiến thuyền của hai vua Trần đóng ở vùng Hiệp Sơn (Kinh Môn, Hải Dương) bên bờ sông Giáp (sông Kinh Thầy, vùng Kinh Môn, Hải Dương) làm nhiệm vụ đánh cầm chừng và cản bước tiến của địch cũng tấn công từ phía sau, khiến quân Nguyên càng lúng túng và tổn thất rất nặng.
Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, “nước sông do vậy đỏ ngầu cả”. Bị bất lợi hoàn toàn, rất nhiều thuyền chiến của quân Nguyên bị cháy rụi. Bị tấn công tới tấp trên sông, một số cánh quân Nguyên bỏ thuyền chạy lên bờ sông bên trái của Yên Hưng để tìm đường trốn thoát, nhưng vừa lên tới bờ họ lại rơi vào ổ phục kích của quân Trần, bị chặn đánh kịch liệt. Trời về chiều khi giao tranh sắp kết thúc, Ô Mã Nhi cùng với binh lính dưới quyền chống cự tuyệt vọng trước sự tấn công của quân Trần. Vì quân Nguyên của Thoát Hoan không tới cứu viện, đạo quân này hoàn toàn bị quân Trần tiêu diệt.
Theo Nguyên sử – Truyện của Phàn Tiếp, kịch chiến xảy ra từ giờ Mão (5 đến 7 giờ sáng) đến giờ Dậu (5 đến 7 giờ tối) mới kết thúc. Nguyên sử có chép về tướng Nguyên Phàn Tiếp: “Tiếp cùng Ô Mã Nhi đem quân thủy trở về, bị giặc đón chặn. Triều sông Bạch Đằng xuống, thuyền Tiếp mắc cạn. Thuyền giặc dồn về nhiều, tên bắn như mưa. Tiếp hết sức đánh từ giờ Mão đến giờ Dậu. Tiếp bị thương, rớt xuống nước. Giặc móc lên bắt, dùng thuốc độc giết”.
Bia Lý Thiên Hựu cũng chép: “Tháng ba, đến cảng Bạch Đằng, người Giao chắn chiến hạm ngang sông để chống cự quân ta, đến lúc nước triều rút, thuyền không tiến được, quân tan vỡ…” Lý Thiên Hựu là một viên tướng Nguyên cũng tham gia trận Bạch Đằng.
Minh họa trận Bạch Đằng Giang năm 1288 (ảnh: Wikimedia).
Cái chết gây tranh cãi
Khi Ô Mã Nhi và nhiều tướng sĩ quân Nguyên bị quân nhà Trần bắt sống trong trận Bạch Đằng, các binh tướng khác đều được phóng thích về nước khi nhà Trần xin hòa và triều cống nhà Nguyên để tránh nạn binh đao.
Tuy nhiên, riêng Ô Mã Nhi thì lại chết đuối do đắm thuyền trên đường về nước. Về cái chết này thì có nhiều thuyết, tuy nhiên thuyết mà nhiều người chấp nhận nhất chính là bị vua nhà Trần sai người ngầm giết.
Có thể vì vua nhà Trần rất căm giận Ô Mã Nhi đã giết rất nhiều người và đã phá hoại lăng tẩm của tổ tiên nhà Trần (Trần Thái Tông), và cũng có thể vì Ô Mã Nhi là một dũng tướng tinh thông cả thủy chiến lẫn bộ chiến, lại đã quen chinh chiến ở Đại Việt, thông thuộc đường sá nên để sống sẽ là một mối họa lớn.
Trần Hưng Đạo cho thuyền lớn đưa Ô Mã Nhi về nước, rồi cho người giỏi bơi lặn sung vào phu thuyền. Ra đến ngoài biển, lừa lúc ban đêm, những phu thuyền cùng Yết Kiêu đục thủng đáy thuyền, vì vậy Ô Mã Nhi bị chết đuối.
Thay cho lời kết
“Nước trời: một sắc
Phong cảnh: ba thu
Ngàn lau xào xạc
Bến lách đìu hiu
Sông chìm giáo gãy
Gò đầy xương khô
Buồn vì cảnh thảm
Ðứng lặng giờ lâu
Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá?
Tiếc thay dấu vết luống còn lưu”.
(Bạch Đằng Giang Phú – Trương Hán Siêu)
Hào khí Đông A – Bạch Đằng 1288 ( Tranh sơn mài của Nguyễn Trường Linh)
Sông Bạch Đằng nghìn năm chảy mãi, cuốn theo thời gian bao dấu vết điêu tàn của cuộc chiến oai hùng năm xưa. Đế quốc Nguyên Mông giờ cũng thành cát bụi, hậu thế cũng chỉ còn biết đến Hưng Đạo Vương qua những trang sử mà thôi. Ngẫm lại từ trong thành bại của bao nhiêu cuộc chiến, tất cả cũng đều không ra khỏi ý Trời. Người thuận lòng Trời thì tất thành, mà kẻ bạo ngược ắt sẽ tiêu vong. Vì đâu mà nhà Nguyên Mông có thể quật khởi lan tràn khắp thế giới, vì đâu mà nhà Trần và Hưng Đạo Vương với một nhúm quân nhỏ nhoi lại có thể 3 lần quét sạch đạo quân xâm lược khét tiếng kia?
Nếu như nói người Mông thuận ý Trời thay thế nhà Tống cai trị Trung Nguyên, thì cũng chính là ý Trời đã muốn bảo hộ Đại Việt, nơi đang được trị vì bởi một triều đại sùng kính Phật Pháp với những bậc quân vương nhân từ nhất. Vậy mới đúng là:
“Anh minh hai vị thánh quân
Sông đây rửa sạch mấy lần giáp binh
Giặc tan, muôn thuở thanh bình
Bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao”.
(Bạch Đằng Giang Phú – Trương Hán Siêu)
Tĩnh Thuỷ
Tham khảo
Nguyên sử: https://sites.google.com/site/quankhoasu/nguyen-su
(Mời xem tiếp Phần 2 gồm các tập: 5, 6, 7)
Không có nhận xét nào