Header Ads

  • Breaking News

    Phú Nguyễn - Phụng Dực: trận đánh để đời.

    Phi trường Phụng Dực (Ảnh trên FB Phu Nguyen)

    Nguyễn Ngọc Chính – Khởi đầu của một kết thúc.

    * Lời giới thiệu: Tháng 3/2017, nhân kỷ niệm ngày Ban Mê Thuột thất thủ (10/3/1975), tôi có bài viết về thành phố khởi đầu sự sụp đổ của Sài Gòn. Đây chỉ là một tổng hợp các nguồn thông tin, chắc chắn là chưa hoàn toàn đầy đủ. (http://chinhhoiuc.blogspot.com/.../ban-me-thuot-khoi-au...)

    Mới đây, trên trang FB của anh Phu Nguyen xuất hiện bài viết “PHỤNG DỰC - TRẬN ĐÁNH ĐỂ ĐỜI” mà theo lời tâm sự riêng của tác giả: “…đây là mảnh ghép đẹp bị lãng quên không kịp ghi vào quân sử. Phú chưa thấy tác phẩm nào nói đến nên mạn phép ghi lại những gì tai nghe mắt thấy, cùng lời kể rất thật của anh cựu Đại tá Võ Ân Trđ trưởng 53 và cựu Thiếu tá Võ Phước Lai, Tđ trưởng 1/53…”.

    Phú là cựu học sinh trường Trung học Ban Mê Thuột. Khi chiến sự xảy ra vào những ngày tháng 3/1975, anh là một nhà báo đang đang ở quận Phước An chờ “xin một ghế trên trực thăng để bay ra khỏi vùng khói lửa”. Chiếc Chinook không thể nào cất cánh vì số người tỵ nạn quá đông nên anh ở lại tại vùng… “giải phóng” đầu tiên của miến Nam!

    Bài viết là một chuỗi hồi ức, trải dài từ những ngày cuối cùng ở Việt Nam sang đến Hoa Kỳ, nơi anh hiện định cư. Không những thế, ngoài chuyện nhà binh “đánh đấm” còn có những chi tiết mà một người vốn đã có một thời gian ở BMT như tôi hoàn toàn không ngờ đến. Chẳng hạn như tại sao lại đặt tên Phụng Dực cho phi trường của thành phố?

    Bài viết tuy dài, mời các bạn cùng đọc để tưởng nhớ BMT, nơi khởi đầu của một kết thúc. 

    ***

    PHỤNG DỰC - TRẬN ĐÁNH ĐỂ ĐỜI

    Phu Nguyen

    “Old soldiers never die, they just fade away”.

    "Người lính già không bao giờ chết, họ chỉ mờ nhạt đi".

    ****************

    Tôi được gặp Đại Tá Võ Ân lần đầu tại Chi khu Phước An, lúc ấy là chiều 17 tháng 03 năm 1975, một tuần sau khi nổ ra mặt trận Ban Mê Thuột.

    Trong những ngày cuối cùng của Ban Mê Thuột, sau khi tiểu khu Darlac và Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 BB đã thất thủ, chi khu Phước An trở thành trung tâm điểm của các hoạt động quân sự ráo riết nhất, Thiếu tá Nguyễn Thanh Thọ quận trưởng đã nhiều ngày không ngủ, vóc dáng thư sinh của anh như càng quắt hơn nữa, nhưng anh vẫn như con thoi tiếp đón hết toán quân này đến vị chỉ huy khác.

    Từ khi tiếng súng nổ 2 giờ sáng thứ Hai ngày 10/3, Phước An trở thành nơi tập trung của mọi đơn vị, từ Trung tá Phạm Công Cẩn quận trưởng với đoàn lính quận Buôn Hô, đến Trung đoàn 45 từ Pleiku về chuẩn bị cho cuộc tái chiếm Ban Mê Thuột. Tỉnh trưởng cuối cùng của Darlac, Đại tá Trịnh Tiếu, cũng có ghé qua đây, nên Thiếu tá Thọ chủ nhà suốt ngày đêm bận bịu tiếp đón, sắp đặt mọi chuyện.

    Anh Võ Ân cùng với khoảng 20 quân nhân vừa di tản từ bộ chỉ huy Trung đoàn 53 đóng cạnh căn cứ B50, phi trường Phụng Dực về tới Phước An an toàn. Thiếu tá Thọ chạy vội ra giữa sân quận đường chào đón toán quân:

    - Chào Đại tá, Đại tá vào phòng em nghỉ, để em cho lính lo cơm nước cho anh em liền.

    Thấy vị sĩ quan trẻ măng nhỏ con được đón vào chỉ đeo lon Trung tá, tôi nghĩ các sĩ quan thường hay thưa cấp trên cao lên một bậc, như các anh gọi Chuẩn tướng bằng Thiếu tướng, tôi hỏi nhỏ Thiếu úy Bùi Xuân Đình:

    - Ông Trung tá này ở đơn vị nào vậy ?

    - Đại tá Võ Ân, Trung đoàn trưởng 53. Vừa mới được tướng Phú đặc cách mặt trận vài ngày trước.

    Vừa thì thầm bên tôi xong, Thiếu úy Đình bước qua rót nước mời anh “Đại tá”. Tôi giật thót người kín đáo liếc nhìn anh Võ Ân, anh rất trẻ, chỉ chừng ba mươi, khuôn mặt vẫn tươi vui tỉnh táo dù đã một tuần liền không ngủ quần thảo với quân giặc. Anh có dáng dấp của một giáo sư hơn là một quân nhân. Nếu không có bộ đồ trận và lon Trung tá trên cổ áo, chắc không ai tin rằng anh là một sĩ quan cao cấp, đang đảm nhiệm một chức vụ quan trọng như thế, và lại càng không thể tin được anh chính là người hùng trận Phụng Dực, vừa đánh bại hai sư đoàn khét tiếng của cộng quân, sư đoàn 320 và sư đoàn 316, tại mặt trận phi trường Phụng Dực.

    ***************

    Quận Phước An đầy lính, có lẽ tôi là người mặc thường phục duy nhất trong chi khu, sự có mặt của tôi trong trại lính là một ân huệ đặc biệt từ Thiếu tá Thọ. Đã mấy hôm trước, khi quận còn yên tĩnh, tôi từ ngã ba Phước An chạy vào chi khu, xin gặp quận trưởng và trình “Thẻ báo chí” do Bộ Dân Vận Chiêu Hồi cấp, để xin một ghế trên trực thăng bay ra khỏi vùng khói lửa.

    Thiếu tá quận trưởng thương tình lắm, đề nghị cho tôi một chỗ trên chiếc Chinook vừa chuyển quân Trung đoàn 45 từ Pleiku đến. Chiếc trực thăng hai cánh quạt rời chi khu Phước An không bay thẳng về Nha Trang như phi trình, mà lại đáp xuống gần ngã ba Phước An để đón vài thân nhân, vừa hạ bửng sau, một đoàn người chạy giặc liền tràn lên kín tàu, chiếc Chinook è ạch cố cất cánh khỏi mặt đất, nhưng chỉ nhấc mình lên được chừng vài chục mét lại rớt xuống ngay sát ngã ba, sau cố gắng sửa chữa không thành, phi hành đoàn ôm cặp táp trở lại chi khu, tôi lẽo đẽo lội bộ theo sau.

    Thiếu tá Thọ thương tình thằng em hẩm hiu, bèn xếp cho tôi xuống ngủ với các anh thuộc phòng chiến tranh chính trị Sư đoàn 23, ở đó tôi gặp lại các “chiến hữu phe ta”: Thiếu úy Bùi Xuân Đình là chồng của chị Huỳnh Thị Hòa Thơ, xướng ngôn viên làm cùng đài phát thanh, Trung sĩ Lê Kế Chí cũng thuộc phòng Chiến tranh Chính trị Sư đoàn và là đạo trưởng Hướng đạo Daklak…

    ****************

    Có thể nói trong những ngày chiến tranh nổ ra ở miền đất hiền hòa Bụi Mù Trời, tôi là một người may mắn, ít ra là đến lúc này.

    Hôm trước khi súng nổ, tuy Chủ nhật ngày nghỉ, tôi nhận lệnh công tác ra phi trường Phụng Dực đón Thiếu tướng Phạm Văn Phú Tư lệnh Quân đoàn 2 Quân khu 2 đến kinh lý BMT, tôi cũng biết tin quận Đức Lập vừa mất buổi sáng, nhưng tới lúc ấy, tôi không hề nghĩ Việt cộng dám đánh BMT, nơi có địa thế trống trải, dân cư sung túc và chống cộng triệt để, bao năm nay vẫn sống yên bình hiền hòa.

    Khoảng hơn 2 giờ sáng thứ Hai ngày 10 tháng Ba năm 1975, cả thị xã vang lên tiếng đại pháo của giặc, im được một lát, rồi lại pháo, xen lẫn với tiếng súng nhỏ. Là nhân viên trong ngành phát thanh, càng khi xảy ra biến sự, chúng tôi lại càng có nhiều việc phải làm gấp, tôi dậy sớm hơn thường lệ, đeo chiếc máy thu âm Uher vội vã rảo bước đoạn đường dài đến Đài.

    Đài Phát thanh Ban Mê Thuột có hai cơ sở, thượng tầng có nhà máy phát điện và trụ antenna cao 200m tại ngã ba Chi Lăng, và hạ tầng ở số 1 Tự Do, góc đường ngã sáu cột đèn ba ngọn, tôi làm việc ở hạ tầng này. Đi trên đường Quang Trung, vừa băng qua Phan Chu Trinh gần tới hàng rào nhà thờ chính tòa, hai chiếc xe tăng xuất hiện phía Tòa giám mục bắn thẳng một tràng về phía tôi, cố men theo hàng rào xi măng tôi chạy vụt vòng tới Đài phát thanh, các anh Nghĩa quân gác cổng phải vội kéo kẽm gai cho tôi len vào.

    Khung cảnh tại Đài thật hoảng loạn, anh Nguyễn Phụng Hải, Giám đốc Đài đang công tác ở Saigon chưa về, chúng tôi như rắn mất đầu, đường dây điện thoại dân sự và quân sự đều hư, phải dùng hệ thống truyền tin nội bộ SSB giữa các Đài Phát thanh liên lạc với Hệ thống Truyền thanh ở Saigon xin lệnh, trong lúc đó, trên làn sóng chỉ phát nhạc quân hành. Mọi người nhốn nháo nghe tiếng súng lúc xa lúc gần, ai cũng muốn tìm đường chạy giặc, nhưng không ai dám bỏ nhiệm sở, và cũng chẳng ai biết nên chạy hướng nào.

    Gần trưa, một toán Biệt động quân từ phía trường Trung học Tổng hợp đã xuất hiện ngay cạnh Đài giúp chúng tôi vững tâm, tôi vội ra khu gia đình nhân viên định kiếm chút gì ăn lót dạ. Khu nhân viên này nằm phía sau, có cánh cổng thông qua tư dinh Chuẩn tướng Lê Trung Tường, Tư lệnh sư đoàn 23. Đúng lúc ấy, bà vợ tướng Tường đẩy cánh cổng sắt, nói với qua phía chúng tôi:

    - Các em rời khỏi đây liền đi, Việt cộng tới bên Vinh Sơn rồi, đi về phía quân y viện Tăng cường ra cây số ba nghe chưa.

    Nói rồi bà quay ngoắt ra sân trước, nơi có hai chiếc thiết giáp bánh hơi đang chờ.

    Chúng tôi vội bỏ hết mọi việc, băng qua hàng chè tàu ra đường Hùng Vương, cứ theo sự chỉ dẫn của các anh lính Biệt động quân mang huy hiệu Tiểu đoàn 96, đi qua Hội đồng tỉnh, qua trường trung học Tổng hợp, tới quân y viện Tăng cường nghỉ chân một lát, đến khi nghe tiếng súng nổ vang phía Ty Cảnh sát quốc gia, chúng tôi vội vàng chạy về hướng Thác nhà đèn, rồi băng ngang buôn Kosier ra quốc lộ 21, tới cửa rạp ciné Nguyễn văn Cơ tại cây số ba.

    Trời đã về chiều, đoàn người có cả đàn bà con nít đi tìm chỗ trú ngụ qua đêm. Đang phân vân đi loanh quanh, tôi gặp được Đại Úy Nguyễn Ngọc Tuấn Đại đội phó Cảnh sát dã chiến và toán cảnh sát áo rằn ri của anh, anh Tuấn đề nghị chúng tôi đến tá túc đỡ ở chùa Dược Sư, trong lúc tâm hồn bấn loạn và lo sợ, thật không gì bằng đến những nơi thờ phụng, mái chùa quả là chốn dung thân êm đềm nhất. Tối hôm ấy, tôi có được giấc ngủ say ngon lành ngoài trời, trên nền bệ xi măng của tượng đài Quan Âm hình bát giác, dù không mền gối và cả ngày qua chưa có chút gì vào bụng.

    Sáng hôm sau, 11 tháng 3, nhớ lời dặn dò của bà Tư lệnh chỉ nói tới cổng số ba, chúng tôi cứ loanh quanh nghỉ chân tại đó, chẳng biết nên chạy đi đâu. Chẳng phải tất cả các quốc lộ xung quanh Ban Mê Thuột đều đã bị cắt đường rồi sao ? Quốc lộ 21 đường về Nha Trang bị giật sập cầu biên giới ở Km88 cả tuần trước, quốc lộ 14 đi Pleiku cũng bị chặn tại Thuần Mẫn, phía tây địch đã chiếm Đức Lập. Đi về hướng nào cũng là đi gần đến vùng địch. Đúng là tiến thoái lưỡng nan !

    Vừa lo sợ, vừa chán chường, tôi một mình bước chân đến bên ngôi nhà thờ nhỏ cây số ba. Nhà thờ đóng cửa im ỉm, cha xứ chắc đã đi lánh nạn nơi nào, tôi đứng lặng cầu nguyện bên ngôi giáo đường gỗ cũ kỹ, thả hồn vào lời cầu xin thống thiết.

    Bỗng một tiếng nổ kinh hồn vang lên ngay khu nhà dân phía sau nhà thờ, khói đen bốc lên ngùn ngụt, tôi co giò chạy ngược ra đường. Một chiếc xe Jeep từ trong xóm chạy ra, bò lên mặt đường nhựa, tôi vội vàng phóng tới, bám vào sau xe đu mình lên, giọng một người phụ nữ trong xe hối hả:

    - Chú vô trong này, coi chừng té.

    Tôi rướn người cúi đầu chui vào trong xe, lặng lẽ thu mình vào một góc, toàn những khuôn mặt xa lạ. không biết các anh đồng sự đi chung giờ chạy hướng nào. Chiến tranh ghê gớm quá!

    Chiếc xe leo dốc cổng số năm rồi rẽ trái về hướng Phước An. Khi qua cây số mười hai, bên hàng cây cao su thẳng tắp, quân đội đang dàn ra những khẩu đại bác 105 ly, phía sau là vài chiếc xe cam nhông chở đạn.

    Đến Phước An thì trời đã về chiều, cả hai bên đường dọc theo quốc lộ là từng đoàn xe dân sự, xe đò có, xe ba lua có, cả xe lam lẫn máy cày rờ moọc, tất cả đều quay đầu về hướng Nha Trang. Khung cảnh nơi đây thật náo nhiệt, người nằm người ngồi đầy cả hai bên đường, họ gọi nhau ơi ới như không hề biết đến chiến tranh là gì. Tôi đi dọc theo đoàn xe, hỏi thăm may ra có tìm được cha mẹ anh em. Trời dần tối, những bếp lửa lập lòe nấu ăn hai bên đường, như những đốm ma trơi gọi hồn dân lành trong cuộc chiến bất nhân và vô nghĩa.

    ****************

    Tiếng Thiếu tá Thọ kéo tôi về thực tại:

    - Lệnh cấp trên phải di tản ngay đêm nay. Các anh em chuẩn bị 6 giờ rưỡi lên đường, tôi sẽ đích thân dẫn các anh em theo đường rừng đi tới Khánh Dương. Tới đó sẽ có GMC đưa anh em vào Nha Trang.

    Tôi phụ anh Bùi Xuân Đình soạn chiếc ba lô của anh, bỏ lại gạo và những gì không thật cần thiết, chỉ giữ hai gói khoai dẻo và vài bịch gạo sấy ăn đường. Nhìn qua phòng làm việc của quận trưởng, vóc dáng nhỏ con của Đại tá Võ Ân vẫn ngồi bình thản trên salon, toán lính của anh đã đến trước cửa, nhấp ngụm trà nóng, anh đứng bật dậy chào mọi người, chúc bình an rồi thoăn thoắt rời khỏi trại, như coi nơi đây chỉ là trạm dừng chân phút chốc. Tôi thẫn thờ đứng dậy nhìn theo bóng anh thoắt ẩn thoắt hiện giữa đám quân nhân, rồi vụt biến mất nhanh chóng qua một khúc cua. Tiếc mãi chưa được hỏi anh điều gì về diễn biến của trận đánh hào hùng thoáng nghe kể lại.

    ****************

    Cuộc sống sau năm 1975 ở quê nhà nhiều tủi nhục, nhiều ước ao bỏ xứ. Mọi chuyện xưa Ban Mê tưởng chừng đã thành đống tro tàn bay theo gió.

    Thật tình cờ, một buổi sáng cuối năm 1990, tôi gặp lại khuôn mặt “quen lắm” của anh Võ Ân ở chợ Trương Minh Giảng Saigon, tôi bạo dạn lại gần chào anh.

    - Chào “ông thầy”. ông thầy khỏe không ?

    - Cảm ơn, tau cũng khỏe, mi ở 53 ?

    - Dạ không, em trước ở Đài phát thanh Ban Mê Thuột, có gặp anh ở chi khu Phước An ngày cuối.

    - Vậy à, giờ làm gì ?

    - Em nghe nói anh đi “học tập” cũng lâu lắm.

    - Ờ ! Mười mấy cuốn, ngoài Bắc.

    - Anh bán hàng ở đây ?

    - Tau phụ bả mấy phụ tùng xe đạp này nè, ráng qua ngày, chờ đi.

    - Anh uống với em ly cà phê !

    Trong lúc cởi lòng tâm sự với anh nơi góc quán cóc, máu “nghề nghiệp” trong tôi bỗng nổi lên, tôi liền thỏ thẻ hỏi anh:

    - Kỳ đó mà đủ đồ chơi chắc anh chơi tới bến ?

    - Thôi chuyện cũ rồi, nhắc chi, đời còn dài …

     ****************

    Tôi đến Mỹ năm 1992, định cư ở Denver, thuộc tiểu bang Colorado là vùng cao nguyên nằm giữa nước Mỹ, tuy ở trên cao nguyên, nhưng Denver không có nhiều đồi núi, mà cũng tương đối bằng phẳng, chẳng khác gì cao nguyên Darlac. Vậy là Việt Nam ở Ban Mê, qua đây lại cũng ở Ban Mê nốt. Người Việt định cư ở đây không nhiều, chỉ chừng 10.000, túm tụm vào dọc một khúc đường Federal, nơi có chợ Mê Kông, chợ Thái Bình Dương, văn phòng bác sĩ Trần Văn Điền, nha sĩ Trần Mộng Quỳ, có tiệm vàng Kim Sơn chợ BMT đã di tản qua đây, con gái ông bà Kim Sơn là Bùi Thị Kim Anh cựu học sinh THTHBMT 72-79 cùng chồng Sử Ngọc Minh cũng mở tiệm vàng Kim Anh trong khu Viễn Đông.

    Vài tháng sau, anh chị Đình – Thơ từ BMT qua định cư ở đây, đón anh chị từ phi trường về chung cư, chúng tôi họp nhau làm một chương trình Truyền hình tiếng Việt, mỗi tuần phát hình một lần nửa tiếng, làn sóng được đài truyền hình Mỹ tặng không. Người Việt ở đây đang khao khát nghe tiếng Việt, nên truyền tai nhau đón coi dữ lắm, nhờ vậy chúng tôi được nhiều người biết mặt chào hỏi.

    Hôm ấy, một anh Việt Nam hàng xóm qua thăm hỏi tôi trước nhà, mời anh vào uống nước mới biết anh là Thiếu tá Võ Phước Lai, Tiểu đoàn trưởng 1/53, mới qua định cư xứ Mỹ. Hỏi thăm về Đại tá Võ Ân, anh cho biết anh Võ Ân cũng đang ở Denver đây, nhưng vừa bị tai biến mạch máu não. Tôi quyết định dịp này phải gặp anh kỳ được, để hỏi về trận đánh để đời của các chiến sĩ Trung đoàn 53, Sư đoàn 23 Bộ binh tại phi trường Phụng Dực.

    Nhờ anh Lai làm cuộc hẹn, chúng tôi đến thăm anh Võ Ân trong căn hộ đơn sơ ven thành phố Denver đầy nhà chọc trời. Giữa những đồ đạc cọc cạch của người mới đến định cư, anh cố ngồi dậy, chúng tôi đỡ anh ra salon, anh có vẻ yếu lắm, giọng nói không còn dễ nghe, nhưng mắt anh sáng lên mỗi khi nhắc đến chiến địa năm xưa, những địa danh, những tên tuổi cũ.

    ****************

    Phụng Dực là tên của phi trường chính Ban Mê Thuột, nằm cách thị xã khoảng 7 km, trên đường đi Trung Hòa, Kim Châu, Lạc Thiện. Phi trường được thành lập năm 1951 để có thể tiếp nhận các phi cơ cỡ lớn, với tên gọi phi trường Ban Mê Thuột.

    Trước đó, người Pháp đã lập một phi trường với phi đạo ngắn dành cho phi cơ nhỏ, sát bên trung tâm thị xã, nối với cây số ba, phục vụ cho các ông chủ đồn điền và quan chức, được đặt tên là phi trường Lạc Giao, sau này dành cho trực thăng và phi cơ thám thính "máy bay bà già L19", nên thường gọi là phi trường L19.

    Thời ấy, cao nguyên rừng rậm có nhiều thú hoang, cọp, voi, tê giác, trâu rừng (min), nai, hoẵng, cá sấu, chim phượng hoàng... còn đầy dẫy, người dân sống quanh phi trường Ban Mê Thuột đều biết hàng đàn chim phượng hoàng mỏ cứng mấy chục con ngày nào cũng quanh quẩn kiếm ăn gần phi trường, chúng dạn dĩ đến nỗi người đến đuổi cũng không sợ, chỉ chao lên mấy bước lại đáp xuống gần đó trên phi đạo.

    Năm 1957, Tổng thống Ngô Đình Diệm đến khai mạc hội chợ Ban Mê Thuột, khi máy bay hạ cánh xuống phi trường, ông thấy một đàn chim lớn bay lên. Tổng thống Diệm hỏi chúng là loài chim gì mà to lớn thế,

    - Dạ thưa cụ, chim phượng hoàng.

    - À, chim phụng, chim phụng bay lên, vậy thì đặt tên phi trường này là "phụng dực"

    Phi trường mang tên Phụng Dực là từ đó. 

    Thực ra Trung đoàn 53 mới đến Phụng Dực vào đầu tháng 3 để dưỡng quân sau trận Dak Song dữ dội vùng biên giới Việt - Miên gần Đức Lập. Tại phi trường Phụng Dực luân phiên chỉ có một Tiểu đoàn trấn đóng cùng Bộ chỉ huy Trung đoàn.

    Lúc này lực lượng VNCH tại đây có khoảng 700 quân nhân gồm có :

    - Bộ chỉ huy Trung đoàn 53, Sư đoàn 23 Bộ binh.

    - Tiểu đoàn 1/53.

    - Một chi đội Thiết giáp 5 chiếc M113 của Thiết đoàn 8 Kỵ binh.

    - Pháo đội B của Tiểu đoàn 232 Pháo binh 6 khẩu 105 ly và 2 khẩu 155 ly.

    - Đại đội Trinh sát Sư đoàn 23 BB.

    - Hậu cứ Liên đoàn Biệt Động Quân biên phòng.

    Căn cứ B50 cạnh phi trường có chu vi hơn một cây số, trước đây là trại Lực lượng Đặc biệt của Mỹ nên công sự được xây cất rất kiên cố, có tất cả 11 hầm chịu đựng được đạn pháo 130 ly, xung quanh xếp bao cát cao làm thành những ụ chiến đấu cá nhân. Ngoài xa là một vòng đai hàng rào kẽm gai nhiều lớp bao bọc.

    ***************


     Huy hiệu Sư đoàn 23 Bộ binh (Ảnh trên FB Phu Nguyen)

    TRẬN CHIẾN ĐỂ ĐỜI :

    - Ngày 10 tháng 3 năm 1975

    Vào 6 giờ sáng, một Trung đoàn của Sư đoàn 320 CSVN tấn công vào phi trường Phụng Dực nhưng bị Đại đội Trinh sát Sư đoàn 23 BB mai phục sẵn ở các vị trí thuận lợi khai hỏa bất ngờ khiến cộng quân thiệt hại nặng buộc phải rút lui.

    Phát giác việc chọn sai mục tiêu, SĐ 320 CSVN quay lại vào lúc 2 giờ chiều, đánh thẳng vào căn cứ B50 đang do Tiểu đoàn 1/53, Trung đoàn 53 BB trấn giữ. Tiểu đoàn 232 Pháo binh VNCH đóng trên đồi đối diện với căn cứ B50 bèn chong 105 ly bắn trực xạ vào 2 tiểu đoàn CSVN đang phơi trên đồng trống.

    Đến 3 giờ 30 chiều cuộc tấn công của Sư đoàn 320 hoàn toàn thất bại, quân CSVN chạy tháo về hướng Tây Nam, đụng phải Đại đội trinh sát thuộc Trung đoàn 45 VNCH đang chờ sẵn tại bìa rừng cao su gần phi đạo đánh cho tan nát. Sau khi chiến trường im tiếng súng, Đại đội Trinh sát đếm được 40 xác, thu nhiều vũ khí, trong đó có 5 hỏa tiễn tầm nhiệt SA7 còn mới nguyên. Riêng tại căn cứ B.50 các chiến sĩ Tiểu Đoàn 3/53 bắn cháy hai chiến xa T54, đếm được khoảng 150 xác giặc, thu 50 vũ khí. Trung Tá Ân cho con cái đem chiến lợi phẩm vào phòng khách phi trường.

    - Ngày 11, 12 và 13 tháng 3,

    Thị xã Ban Mê Thuột và Bộ tư lệnh Sư đoàn 23 đã mất vào tay giặc. Nhưng tại phi trường Phụng Dực, "mặt trận miền tây vẫn yên tĩnh". Trung tá Võ Ân báo tin chiến thắng về quân khu, nhất là việc thu được 5 hỏa tiễn SA7 lần đầu tiên xuất hiện trên chiến trường, ông ra lệnh binh lính thu lượm từng viên đạn của địch quân, sắp sẵn để xử dụng khi cần thiết. Ông cũng cho sắp xếp ngăn nắp các chiến lợi phẩm trong phòng khánh tiết phi trường.

    Nhân lúc tình hình yên ắng, Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn 2 thông báo sẽ đích thân đáp xuống phi trường Phụng Dực dự cuộc triển lãm chiến lợi phẩm, cùng lúc sẽ có Trung đoàn 45 đến tiếp viện để tái chiếm Ban Mê Thuột. Tiếc rằng cuộc chuyển quân cứu viện của Trung đoàn 45 không thành, và ông Tướng đành hủy cuộc thị sát mặt trận như dự định.

    Ngày 13 tháng ba, trong lúc bay chiếc phi cơ nhỏ U 17 để trực tiếp điều quân, Thiếu tướng Phạm Văn Phú qua máy truyền tin liên lạc, đã thông báo đặc cách mặt trận cho anh lên Đại tá, vị Đại tá duy nhất của khóa 12 Thủ Đức.

    - Ngày 14 tháng 3

    Sư Đoàn 316 BV củng cố xong vị trí chiếm được tại thị xã Ban Mê Thuột, bắt đầu dồn quân tấn công vào phi trường Phụng Dực, nhất định dứt điểm tuyến phòng thủ đã tơi tả của Trung đoàn 53, Trung tá Ân ban lệnh cố thủ và chỉ thị cho các binh sĩ tiết kiệm đạn dược, anh ra lệnh cho sử dụng súng đạn thu được của địch để bù vào lượng vũ khí ngày dần cạn kiệt.

    Sáu giờ sáng, cộng quân dùng chiến thuật biển người, cứ vừa bắn vừa lúp xúp chạy thẳng vào hàng rào căn cứ, toán trước ngã xuống thì toán sau đạp lên xác tiến vào. Để tiết kiệm số đạn dược ít ỏi còn lại, Trung tá Võ Ân chụp máy gọi ngay pháo binh, cả tám khẩu 155 và 105 ly thi nhau dội vào đội hình của Sư đoàn 316. Sau khi bị thiệt hại nặng vì đạn pháo, các đơn vị CSVN vội vàng quay lại đối diện với căn cứ pháo binh rồi lặng lẽ rút lui.

    - Ngày 15 tháng 3

    Vào 8 giờ sáng, sau trận tấn công không thành ngày hôm trước, Sư đoàn 316 gom lực lượng còn lại tấn công căn cứ. Lần này bộ chiến tùng thiết ỷ y ra mặt đánh thẳng vào căn cứ giữa ban ngày, Đại tá Võ Ân cùng đồng đội vẫn không nao núng, nhờ vào địa thế trống trải bằng phẳng dễ quan sát, các chiến sĩ Trung đoàn 53 đã dùng B40, B41 thu được của địch hôm trước, chờ xe tăng T54 đến sát hàng rào mới nổ súng, mỗi phát đạn phải nướng đỏ một con cua, cả đàn cua nằm phơi ngay bờ rào căn cứ,

    Bên kia, pháo binh chĩa nòng tung đạn cận phòng đầy đinh lên đầu quân thù, đến 10 giờ sáng, 6 khẩu đại bác tại căn cứ pháo binh hết đạn, sau tiếng nổ của viên đạn cuối cùng, chiến trường chỉ còn khói súng, quân cộng không thấy đâu nữa.

    - Ngày 17 tháng 3

    Từ mờ sáng, hàng ngàn quả pháo đã cày nát mặt đất căn cứ B50, liền sau đó một lực lượng địch quân đông đảo, cùng nhiều chiến xa kéo đến bao vây tấn công, để bằng mọi giá phải nhổ cái gai cuối cùng của Ban Mê Thuột. Đại tá Võ Ân cho kiểm điểm tình hình đạn dược, một số binh sĩ hết đạn, anh ra lệnh cho thu gom súng đạn của địch để cố thủ.

    Đến trưa ngày 17-3 thì tình hình trở nên tuyệt vọng, không còn liên lạc được với BTL Sư đoàn của Tướng Lê Trung Tường, cũng không liên lạc được với Quân đoàn 2. Đến khi phi vụ thả dù tiếp tế cuối cùng vì phòng không địch quá rát, đã thả từ rất cao, rơi xa vị trí đến tận hồ Trung tâm thực nghiệm, lương thực nước uống và đạn dược đều đã cạn kiệt, cùng lúc có lệnh trên buộc đơn vị di tản khỏi căn cứ. Những chiến sĩ Trung đoàn 53 đành phân tán trong bóng đêm, bỏ lại sau lưng trận đánh để đời trong lịch sử Ban Mê.

    Phu Nguyen.

    Để tưởng nhớ hương hồn Đại tá Võ Ân TrĐT/53. 

    http://chinhhoiuc.blogspot.com/2021/03/khoi-au-cua-mot-ket-thuc.html

    Không có nhận xét nào