Sài Gòn1985 – Ngã tư Nguyễn Huệ-Ngô Đức Kế. Hình: Philip Jones Griffiths
Các nhân viên chính thức của sở Thông tin tháp tùng với chúng tôi đã cảnh báo. Sau khi trời tối, chúng tôi phải đề phòng móc túi, vâng với cả cướp nữa. Một nhà ngoại giao Đông Đức đã bị cướp sạch ngay giữa ban ngày. Vì thế mà chúng tôi đi giữa đường. Giao thông ô tô ít ỏi đã ngưng lại từ lâu rồi. Đứng ở tất cả các ngã tư là quân nhân hay cảnh sát với súng liên thanh kiểu AK 47. Ban đầu, chúng tôi muốn ăn tối trên một chiếc thuyền trên sông, trong nhà hàng “My Cat” [Mỹ Cảnh], nhà hàng mà trong chiến tranh đã bị người nhái Việt Cộng cho nổ tung một lần. Lúc đó đã có nhiều người chết và bị thương trong số thực khách người Mỹ và các cô gái Việt của họ. Nhưng “My Cat”, trước đây chủ yếu là do người Hoa điều hành, đã bị quốc hữu hóa ngay từ ngày đó. Vì vậy mà chúng tôi tìm đến quán ăn tư nhân cuối cùng, quán ăn Pháp cuối cùng của Thành phố Hồ Chí Minh. Nó có tên là “Valenco”, và chủ nhân của nó, một người Corse độ năm mươi tuổi có tên là Dominique, là một khái niệm cho mỗi một phóng viên chiến trường. Liệu ông có phải là một người còn sót lại của nhóm mafia người Corse đó hay không, nhóm mafia mà vào thời người Pháp dường như đã thống trị nhiều ngành nghề ở Sài Gòn, điều này thì không ai có thể chứng minh được. Thật ra thì những người Corse làm giàu qua mua bán tiền đồng đó chỉ là những con cá nhỏ ở bên cạnh dân đầu cơ và trùm tài chính giật dây từ trong thành phố song sinh với Sài Gòn, trong Chợ Lớn.
Tôi bước vào quán của Dominique và có cảm giác như đã quay trở lại ba mươi năm về trước. Nhiều nhóm người Pháp trẻ tuổi với kiểu tóc ngắn của quân đội ngồi ở cạnh bàn, cháy nắng như những người lính trở về từ đồng ruộng. Đó là nhân viên của một công ty lớn của Pháp, tìm dầu trong vùng sông Cửu Long và bờ biển Nam Kỳ theo yêu cầu của bộ từ Hà Nội. Những người Pháp trẻ tuổi đó tìm một ít quê hương ở Dominique. Họ ồn ào và vô tư lự.
Dominique, người có nét giống diễn viên điện ảnh Michel Piccolo, đứng buồn rầu sau quầy rượu. Gương mặt của ông ấy tươi tắn lên khi nhận ra tôi. Lần đến thăm của một kẻ ngoài cuộc từ Phương Tây và của một Ancien d’Indochine [người xưa của Đông Dương] là một an ủi nhất định cho ông. Nhân viên nhà nước đã ở chỗ ông sáng nay, và bây giờ thì ông phải trả một khoản tiền thuế khổng lồ còn thiếu, trước khi người ta cho phép ông trở về nhà ở Pháp. Vì Dominique muốn ra đi, có tốn kém bao nhiêu cũng được. Ông đã tính toán sai lầm. Ông đã nghĩ rằng có lẽ sẽ còn chỗ cho quán của ông trong nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa mới. Ông đã mất ảo tưởng này từ lâu rồi. Ông dông dài về những nhận xét chính trị cay đắng và áp đặt kinh nghiệm Đông Dương của mình lên nước mẹ Pháp: “… và tôi là một thằng ngu”, Dominique nói, “đã bầu cho Mitterrand và phe cánh tả trong lần bầu cử tổng thống vừa rồi. Nhưng cứ tin tôi đi, khi tôi về đến nhà trên Corse, tôi sẽ lãnh đạo một chiến dịch chống lại cái bệnh dịch tả đỏ này…”. Giữa những chai rượu Cognac và rượu khai vị, những cái ngày càng ít đi, có một bức tượng Napoleon, và bên cạnh tấm gương của quầy rượu có treo câu nói: “Suis Corse, en suis fier – tôi là người Corse và tôi tự hào về điều đó.”
Chúng tôi nói chuyện về bạn bè và người quen cũ từ hai cuộc chiến tranh Đông Dương. Người này thì đã thăng tiến trên đường công danh. Người khác đã suy đồi trong những cái máy xay phi thuộc địa hóa và đã chìm xuống. Đó là một câu chuyện hoài cổ, và bên cạnh những người đi tìm dầu đầy sức sống này, tôi cảm thấy mình từng trải và kiệt quệ đến vô tận.
Violette ngồi phía sau quầy tính tiền, một phụ nữ Âu-Á xinh xắn. Tôi có một lời nhắn cho cô ấy từ Hà Nội. Một nhân viên của đại sứ quán Pháp ở đó đã gửi cho cô tờ chứng nhận đặc ân, để cô có thể xuất ngoại sang Pháp. Chắc là sẽ không đủ đâu, Violette nói, người trong tất cả những bất hạnh vẫn không quên làm dáng. Cô ngồi xuống bàn của chúng tôi. Cô thiếu tiền để xuất ngoại chính thức. Tàu thuyền đã trở nên hiếm và khó tiếp cận, từ khi ngay đến ngư dân cũng hầu như không còn nhận được chất đốt cho thuyền của họ nữa. Mới đây, người ta nói về những khả năng chạy trốn qua cao nguyên Trung Kỳ và Lào. Ở đó có một phần của những bộ lạc “mọi” hay “montagnard” ở trên núi đang nổi dậy. Nhưng điều đó cực nhọc vô cùng, và phần đông đã chết trên đường đi. Chắc một ngày nào đó cô sẽ bị gửi đến một trong những khu lập cư hoang vắng mới đó ở đồng bằng, nếu như không bị đưa vào trong một trại cải tạo. Dominique, cô sống chung với ông ấy, sẽ không còn có thể che chở cho cô lâu thêm được nữa.
Còn có một cô gái khác trong “Valenco”. Cô ấy lả lơi với những chàng trai Pháp trẻ tuổi. Người ta cảm nhận được rằng cô quen với người này hay người khác rất riêng tư. Vân, “đám mây”, cô tự gọi mình như vậy, và thắt một cái băng đô quanh đầu, mang lại cho cô vẻ ngoài táo bạo của một tên cướp biển. Cô có một khuôn mặt đẹp, rất Á châu, rộng và xương xẩu và đi lại với sự chắc chắn bản năng, cái chỉ có thể có từ một thân hình toàn hảo. “Tôi đi lại giống như một tên lưu manh, giống như một thằng bé bụi đời”, cô vừa cười vừa nói khi đến bàn của chúng tôi. “Trước kia, tôi mặc những chiếc áo váy đẹp nhất Sài Gòn, khi cha tôi còn là cảnh sát trưởng của Cần Thơ. Bây giờ thì cha tôi đã bị bắt hay đã chết, và tôi phải sống qua ngày … bằng mọi cách.” Người ta không cần nhiều nhạy bén để đoán tại sao chính người con gái của một sĩ quan cảnh sát cao cấp thuộc chính quyền trước đây lại được phép xuất hiện như gái quán bar trong quán rượu Phương Tây cuối cùng. Chắc hẳn mỗi buổi sáng Vân phải báo cáo lại trước một trong những người chính ủy an ninh gắt gỏng và khắt khe đó, về những gì mà các người Pháp này đã kể lại ở cạnh bàn và trên chiếc gối đầu giường. Bây giờ thì cô có thể báo cáo lại, rằng các chuyên gia dầu mỏ này – cũng như nhiều người Pháp trong lứa tuổi và giai cấp của họ – đã đến nước Việt Nam tái thống nhất như là đảng viên của Liên minh Cánh Tả Pháp, là đảng viên Đảng Xã hội hay còn là đảng viên Đảng Cộng sản nữa, và rằng chỉ trong vòng vài tuần ở trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, họ đã biến thành những người chống cộng sản kịch kiệt. Họ cũng kể cho chúng tôi nghe về những trại tù đầy ắp mà họ đã nhìn thấy ở đồng bằng sông Cửu Long, về sự đàn áp người dân, về sự chuyên quyền và tham nhũng của giới cán bộ đỏ của Đảng. Tự họ cũng đã trải qua sự kém cỏi và chậm chạp của các cơ quan kinh tế nhà nước, và khẳng định rằng trong vùng của đạo Hòa Hảo vẫn còn có kháng cự vũ trang. Họ còn nghe được cả tiếng súng, tiếng đại bác khi đang tìm dấu vết của dầu mỏ ở lòng sông Cửu Long tại Vĩnh Long, nhưng không biết rằng cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ ba, lần chạm trán đẫm máu giữa Việt Nam và Campuchia, đã bắt đầu, và họ là những nhân chứng vô tình đầu tiên của nó.
Sài Gòn, Việt Nam 1985: chờ mở cửa. Hình: Philip Jones Griffiths
Cửa mở ra, và cùng với một làn hơi ẩm, một người đàn ông già, ốm yếu, mặc quần áo xác xơ bước vào. Ông ấy mang một cái đàn guitar, chào Dominique, ngồi xuống ghế rồi bắt đầu hát tiếng Pháp với một giọng khàn khàn, than vãn. Bắt đầu với một bài ca mà trong những năm ba mươi cũng được ưa thích ở Đức: “Có một nhạc sĩ, chơi đàn trong quán cà phê … Có một nhạc sĩ …” Rồi đến một đoạn tiếng Pháp mà tôi nhớ lời: “Chào vĩnh biệt, thời gian của tình yêu, chào vĩnh biệt, thời gian của phiêu lưu …” Được người đàn ông già này hát, để mà xin một vài đồng bạc, nó trở thành một bài ca buồn vô tận. Tôi hẹn ông ấy ngày mai hãy quay trở lại, để chúng tôi có thể quay ông cho phim tài liệu của chúng tôi. Ông hứa, nhưng rồi không đến như đã hẹn. Chúng tôi không còn nhìn thấy ông nữa.
Ba người khách mới bước vào quán rượu, người Việt. Đó chỉ có thể là chỉ điểm hay cảnh sát mặc thường phục. Một người dân bình thường của Sài Gòn không bao giờ dám đến thăm tụ điểm của người nước ngoài từ Phương Tây này. Ánh mắt của những người Pháp trở nên thù địch. Dominique hồi hộp đánh rơi một cái ly. Gương mặt của cả hai người con gái đông cứng lại. Phản ứng bao giờ cũng giống nhau khi đại diện của bộ máy an ninh và trấn áp Bắc Việt Nam xuất hiện. Ngay khi có vụ việc xảy ra, bắt bớ hay chỉ là kiểm tra, người dân đeo một chiếc mặt nạ lên, mà dấu ở phía sau đó là sự sợ hãi, khinh thường và căm ghét. “Voilà les bộ đội”, Vân thì thào. Bộ đội, đó đã từng là một danh hiệu vinh quang, và giới báo chí đã làm cho nó quen thuộc cả với Phương Tây. Bộ đội, nhật báo Pháp cho một cách sai lầm là như thế, có nghĩa là “người lính chân trần” khi dịch nghĩa. Thật ra thì đó là những chiến binh di chuyển trên đồng bằng và trong rừng rậm, tức là du kích quân. Như đã nói, sự kính trọng và thanh thế bao phủ lấy khái niệm bộ đội vào lúc ban đầu. Nhưng kể từ khi miền Bắc chiến thắng, bộ đội đã trở thành từ để chửi thề và nguyền rủa của người Sài Gòn. Bộ đội, đó có nghĩa là những kẻ nông dân ngu xuẩn và những người đàn áp dã man. Bộ đội, đó là những kẻ man rợ đến từ miền Bắc lạc hậu, những người chất lên xe chở đi tất cả các hàng hóa tiêu dùng có thể nghĩ đến được, những người chiếm giữ tất cả các vị trí quan trọng. Đối với cô gái quán bar còn có thêm một điểm xấu nữa. Bộ đội là những người lính và cán bộ đã ở trong xã hội đàn ông khổ hạnh của họ qua những năm dài của chiến tranh, nên nhiều người trong số họ đã trở thành đồng tính luyến ái và đối phó với sức quyến rũ của những người đàn bà thích làm dáng của Sài Gòn bằng một sự bất lực kinh tởm.
Trên đường trở về “Majestic”, thật sự là có một vài phụ nữ mại dâm đứng ở đầu “Đường Cuộc nổi dậy của nhân dân”. Có cô tiến đến gần và chào chúng tôi với “Sdrawstwujte” bằng tiếng Nga. Hẳn họ cho chúng tôi là những người đại diện cho Liên bang Xô viết. Chúng tôi nhìn vào trong phòng ăn của khách sạn Majestic. Những người bồi bàn già ở đó, cũng như người dân còn lại của Sài Gòn, đối xử đặc biệt thân thiện với chúng tôi, tuy cũng mang tính buồn rầu, ngay khi họ nhận ra chúng tôi là người ngoại quốc Phương Tây. Pha trộn vào trong thiện cảm được biểu lộ công khai này hẳn cũng là niềm hy vọng nhỏ bé, rằng cánh cửa vẫn còn chưa đóng lại vĩnh viễn, rằng có lẽ một ngày nào đó sẽ có một khe cửa lại hé mở đến một cuộc sống tốt hơn, tự do hơn.
Chỉ còn một bàn trong nhà hàng là còn khách. Người Nga ngồi ở đó với những người Việt tháp tùng không thể thiếu được của họ. Đó phải là một nhóm nhân viên kỹ thuật Xô viết. Họ ăn mặc không lịch sự và có những khuôn mặt thô, đặc biệt nổi bật một cách bất lợi bên cạnh những nét mặt tinh tế của người châu Á. Cử động của họ nặng nề, nhưng giọng nói bao giờ cũng khẽ khàng. Họ hoàn toàn không phải là không gây thiện cảm, những người lao động từ Liên bang Xô viết này, nhưng nét mặt của họ giống như lúc nào cũng mang một nét buồn rầu. Người ta không nói đùa và cũng không cười. “Người ta làm sao mà có thể tin Lenin được, khi những người được ông ấy cứu vớt lại không vui và u sầu đến như thế”, một nhà ngoại giao Thụy Điển đã nói với tôi như vậy ở Hà Nội, thay đổi ý nghĩa lời nói của Nietzsche. Các thông dịch viên người Việt ở bàn những người Nga đối xử như những người học trò gương mẫu.
Có một ít của sự sợ hãi, của sự tức giận, đặc biệt là của nỗi buồn đang đè nặng lên Sài Gòn cũng lan sang người tôi, khi tôi nhìn ra màn đêm từ cửa sổ phòng. Ở phía dưới, tiếng chân của một đội tuần tra được trang bị vũ khí nặng của bộ đội vang lên. Tôi đã đứng ở độ cao này của khách sạn và nhìn sang bờ đối diện của sông Sài Gòn không biết là bao nhiêu lần rồi, nhìn sang vùng đầm lầy đó, được gọi là Rừng Sác. Qua hai cuộc chiến tranh, trong chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, Việt Minh và Việt Cộng đã bám chặt trong những khu rừng đước. Thỉnh thoảng, từ Rừng Sác họ đã hướng tên lửa của họ về trung tâm Sài Gòn. Thời đó, vùng đồng bằng đen tối này được chiếu sáng bằng pháo sáng giống như bằng pháo hoa đúng giờ. Nhưng trong đêm đó, tại mũi đất mà ngày xưa người ta đã gọi nó là La pointe des blagueurs – mũi của người thích đùa, chỉ còn có cây đèn dầu cháy chập chờn và ném một dãy sáng run run màu vàng xuống làn nước tối tăm của sông Sài Gòn. Trong mùa Đông 45/46, tôi đã bước xuống đất Đông Dương lần đầu tiên ở đó.
Phan Ba trích dịch từ “Cái chết trên ruộng lúa – Ba mươi năm chiến tranh Đông Dương“
https://phanba.wordpress.com/2014/10/16/noi-buon-tren-sai-gon-het/
Không có nhận xét nào